Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh




 
COVID-19 CHUYỆN DÀI ? 


Theo dõi và thích nghi với tình trạng xã hội chung quanh trong suốt 18 tháng vừa qua quả là một sự thử thách dai dẳng. Nỗi vui mừng, việc thở ra bớt sợ hãi cứ thay nhau lên rồi xuống một vòng lẩn quẩn, mãi chưa ngã ngũ, chấm dứt.

Mức  nhiễm trùng Covid-19 gia tăng, sút giảm rồi lại gia tăng. Dịch bệnh chưa nguôi thì tình hình chính trị xã hội tại Huê Kỳ lại dấy lên, lộn xộn; mỗi ngày báo chí loan tải những bản tin về hỏa hoạn, thiên tai, cư dân xuống đường ủng hộ, phản đối từ chuyện phá thai, chuyện kỳ thị người da vàng đến việc tranh đấu giùm dân Palestine, dân Do Thái ngàn dặm xa. Chuyện nội địa eo xèo chưa êm lại đến việc đối ngoại, Huê Kỳ rút quân khỏi A Phú Hãn sau khi ông tổng thống bắt tay với Âu châu trở lại hầu liên kết mà chống Tàu, chống Nga? Khác với chính sách của ông Trump liên kết với Nga để chống Tàu và phe lờ Âu Châu?… Ðại khái là câu chuyện nào cũng khiến cư dân băn khoăn rồi lo lắng, hoang mang. Các phản ứng tâm thần ấy khiến bá tánh mệt mỏi và mất dần niềm tin vào một ngày mai tươi sáng!?

Riêng trận đại dịch Covid-19 thì sắp trở thành một biến cố dai dẳng. Chỉ mấy tháng trước đây khi thuốc chủng ngừa vừa xuất hiện, bá tánh đã chen vai thích cánh hè nhau đi chủng ngừa, hết địa phương này đến địa phương khác, người già, người trẻ xếp hàng chờ đến phiên mình. Thuốc chủng ngừa xuất hiện mang theo chút ánh sáng le lói tưởng như cuối đường hầm nhưng rồi con đường ấy tự dưng tắc nghẽn. Huê Kỳ chỉ chủng ngừa được 60% dân cư; số cư dân còn lại cù cưa không chịu chủng ngừa và mấy chục triệu trẻ em chưa đủ tuổi chủng ngừa (vì hãng bào chế chưa chứng minh được tính an toàn của sản phẩm khi đem dùng cho trẻ em dưới 12 tuổi) đang trở thành những người dễ mang mầm bệnh!

Ðóng cửa, ngưng buôn bán, học hành mang theo biết bao hệ lụy xã hội từ vật chất đến tinh thần. Thế là dịch bệnh mặc kệ dịch bệnh, ta bắt đầu làm ăn trở lại. Ai nhiễm bệnh thì ráng chịu!? Tạm hiểu là bá tánh mang “sức khỏe” và “tiền bạc” lên bàn cân; “khỏe” nhưng tù túng, đói khát, túng thiếu thì thà chết sướng hơn? Vả lại đâu phải mọi người cùng nhiễm bệnh cùng kiệt quệ như nhau? Vậy thì ai khỏe cứ khỏe, ai bệnh cứ bệnh, buôn bán, học hành, làm ăn thì cứ tiếp tục! Oái oăm nhất là việc thừa mứa thuốc chủng ngừa ở Huê Kỳ trong khi sản phẩm này vẫn khan hiếm quý giá ở nhiều nơi khác. Cư dân ngoại quốc ngó về đất Cờ Hoa mà ta thán… dân Mỹ điên hết rồi, sướng quá hóa cuồng?

Trong khi cư dân còn cù cưa thì siêu vi khuẩn corona-2 hay SARS-CoV-2 tiếp tục biến thể, thay hình đổi dạng tự tạo ra loại “con cháu” lì lợm hơn, dễ lan tràn hơn, mới nhất là chủng Delta và đang gieo bệnh tật khắp nơi. Các phòng thí nghiệm chạy theo hụt hơi, và phải sửa soạn cho biến thể mới khi con người vừa kịp chống chỏi với thế siêu vi khuẩn trước?! Người mang mầm bệnh trở thành nơi “sản xuất” siêu vi khuẩn biến thể nhanh lẹ hơn phòng thí nghiệm chế tạo thuốc chủng ngừa; lambda bây giờ theo bén gót delta, và ta chưa biết lambda nguy hại cỡ nào!?

Thế rồi các con số nhiễm trùng Covid-19 đang từ từ gia tăng, nhất là tại một số thành phố của Missouri, Arkansas, Louisiana và Florida nơi số người không chích ngừa tỷ lệ thuận với số ca nhiễm bệnh và cần được chữa trị tại bệnh viện. Hy vọng về đại dịch và lời hô hoán chủng ngừa của ông tổng thống tân nhậm nhanh chóng trở thành nỗi bất an và thất vọng. Ý tổng thống thua ý dân. Tổng thống hô hào chủng ngừa mà dân đánh bài lờ thì đại dịch cũng chẳng nhúc nhích cho lắm.

Người lớn tự quyết định, lựa chọn cho mình đã đành nhưng còn nhi đồng thì sao? Trường tiểu học mở cửa trong vài tuần sắp tới và trẻ em chưa được chủng ngừa thì chuyện gì sẽ xảy ra cho các trẻ em? Chúng sẽ bị nhiễm trùng in hệt như cư dân tại các vùng đất xa xôi thiếu thuốc chủng? Việc giãn cách trong lớp học, dùng mask sẽ ngăn ngừa được bao nhiêu ca nhiễm trùng? Thầy cô giảng dạy, nhân viên tại trường học có phải chủng ngừa không? Cha mẹ có con nhỏ thì sẽ tính toán làm sao? Cho con cái đi học rồi cầu nguyện hay giữ chúng ở nhà cho chắc ăn, ăn chắc?

Các chuyên viên dịch tễ tiếp tục thu góp chi tiết về trận đại dịch. Trên bốn triệu người tử vong chưa kể những người sống sót nhưng chịu nhiều di chứng khiến họ không thể làm việc sinh sống như cũ. Ta tạm dùng chữ “di chứng” hay “hậu chứng” sau khi nhiễm trùng (dịch thoáng từ “post-infection”) để kê khai, theo dõi và tường trình về các căn bệnh tiếp tục diễn ra sau khi người bệnh hết nhiễm trùng. Nghĩa là căn bệnh cấp tính đã tạm thời chấm dứt, các hậu chứng đang được bác sĩ tìm hiểu và [tìm cách] chữa trị.

Theo CDC, dù đa số bệnh nhân đều khỏi bệnh sau khi nhiễm Covid-19 nhưng 10-20% người bệnh vẫn chịu hậu chứng. “Hậu chứng” của Covid-19 được tạm định nghĩa là những căn bệnh tiếp diễn [hoặc xuất hiện trong bốn – tám tuần lễ] sau khi nhiễm trùng. Ngay cả những người không có triệu chứng [những người bị nhiễm trùng] Covid-19 cũng có thể chịu hậu chứng!

Các hậu chứng Covid-19 (còn gọi là “long COVID”, “long-haul COVID”, “post-acute COVID-19”, “long-term effects of COVID”, hoặc “chronic COVID”) bao gồm các hội chứng sau đây:

– Khó thở, ngộp thở

– Mệt mỏi, mất sức

– Triệu chứng gia tăng sau khi hoạt động

– Khó tập trung ý nghĩ (“brain fog”)

– Ho

– Tức ngực / đau bụng

– Nhức đầu

– Tim đập nhanh hoặc đập mạnh

– Ðau nhức bắp thịt / khớp xương

– Bị cảm giác kim châm trên da thịt

– Tiêu chảy

– Mất ngủ / khó ngủ

– Sốt

– Chóng mặt

– Nổi mề đay trên da

– Tâm thần bất ổn, buồn vui thất thường

– Thay đổi vị giác (nếm) / khứu giác (ngửi)

– Nhiễu loạn kinh nguyệt

  1. Nhiều bộ phận trong cơ thể chịu ảnh hưởng của Covid-19 (autoimmune / cơ thể tự đối kháng hay “tự kháng”; triệu chứng / dấu hiệu này xuất hiện trong các bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng) như tim, phổi, da và não bộ. Hoạt động của các bộ phận này bị xáo trộn, hư hoại sau khi nhiễm trùng.

Dù hiếm nhưng hiện tượng “tự kháng” xảy ra trong trẻ em, multisystem multisystem inflammatory syndrome (MIS), nhiều bộ phận bị viêm và hư hoại.

  1. Ảnh hưởng của Covid-19 / do điều trị tại bệnh viện: Việc điều trị tại bệnh viện và bệnh phổi nặng có thể gây mất sức, mệt mỏi sau khi hồi phục. Sau khi điều trị tại khu bệnh nặng, intensive care, bệnh nhân có thể bị “post-intensive care syndrome” (PICS), một hội chứng bao gồm kiệt sức, đầu óc rối loạn, và cả “chấn thương tâm thần” hay “post-traumatic stress disorder” (PTSD).

Ðọc các bài tường trình ấy cho ta thấy vài điều chính: Nhiễm trùng Covid-19 để lại nhiều hậu chứng, từ sức khỏe, tâm thần đến rối loạn kinh tế, xã hội. Khi cư dân không chịu áp dụng các nguyên tắc căn bản phòng ngừa dịch bệnh như giãn cách, rửa tay, đeo mask và nhất là dùng thuốc chủng ngừa để bảo vệ lẫn nhau thì trận đại dịch kia còn kéo dài. Chỉ những người có đủ điều kiện tự bảo vệ qua việc cô lập, tiết giảm mọi giao tiếp mới an toàn còn những kẻ khác phải ra đường kiếm sống thì đành phó mặc cho may rủi? Thiên tai thì ta đành trân mình chịu đựng nhưng còn nhân họa thì sao? Có thể nào ta ngừng đốt pháo, bớt nhóm lửa ngoài trời, tránh chỗ đông người … không cần thiết?


Trần Lý Lê


_________________


usaelection gởi