Covid-19: Số người chết trên toàn cầu vượt ngưỡng 2 triệu
Ảnh minh họa: Rất nhiều ngôi mộ mới của nạn nhân Covid-19 tại nghĩa trang Nossa Senhora Aparecida ở Manaus, bang Amazonas (Brazil). Ảnh chụp ngày 06/01/2021. Brazil đứng thứ hai thế giới về số người thiệt mang vì Covid-19, chiếm 10% trong số 2 triệu ca tử vong trên toàn cầu (tính đến ngày 15/01/2021).
Ảnh minh họa: Rất nhiều ngôi mộ mới của nạn nhân Covid-19 tại nghĩa trang Nossa Senhora Aparecida ở Manaus, bang Amazonas (Brazil). Ảnh chụp ngày 06/01/2021. Brazil đứng thứ hai thế giới về số người thiệt mang vì Covid-19, chiếm 10% trong số 2 triệu ca tử vong trên toàn cầu (tính đến ngày 15/01/2021). AP - Edmar Barros
Kể từ khi được phát hiện tại Trung Quốc vào tháng 12/2019, đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 2 triệu người, theo tính toán của hãng tin AFP hôm qua, 15/01/2021, dựa trên các số liệu chính thức của các nước.
Cụ thể, tính đến 18h25, giờ quốc tế, hôm qua, tổng cộng đã có 2.000.066 ca tử vong được thống kê, trên tổng số hơn 93,3 triệu ca nhiễm. Châu Âu vẫn là khu vực có nhiều người chết nhất (650.560 người), tiếp đến là châu Mỹ Latinh/Caribê (542.410) và Hoa Kỳ/Canada (407.090).
Quốc gia có nhiều ca tử vong nhất vẫn là Hoa Kỳ (389.581), tiếp đến là Brazil, Ấn Độ, Mêhicô, Anh Quốc và Ý. Nhưng tính theo tỷ lệ tử vong trên dân số thì quốc gia bị nặng nhất là Vương quốc Bỉ, với 1.751 người chết trên 1 triệu dân.
Nhưng tình hình dịch Covid-1 bên nước Pháp láng giềng của Bỉ, cũng đáng ngại không kém, với số ca nhiễm mới trung bình mỗi ngày là 20.000 tính từ đầu năm 2021. Tổng số ca tử vong nay đã gần chạm ngưỡng 70.000 (69.601, tính đến hôm qua).
Trong nỗ lực nhằm kềm hãm đà lây lan của virus corona, nhất là đà lây lan của biến thể virus mới, xuất phát từ Anh Quốc và Nam Phi, toàn bộ nước Pháp kể từ hôm nay phải sống với lệnh giới nghiêm sớm hơn, tức là từ 18 giờ cho đến 6 giờ, trong vòng ít nhất là 15 ngày.
Pháp cũng đang chạy đua với thời gian để chích ngừa Covid cho người dân. Tính đến hôm nay, chỉ mới có 389.000 người được tiêm mũi đầu tiên.
Theo bộ Y Tế Pháp, hôm qua đã có khoảng 500.000 người ghi tên hẹn cho đợt chích ngừa Covid-19 kể từ thứ hai tuần tới dành cho những người trên 75 tuổi và những người có nguy cơ cao, tổng cộng là 1 triệu cuộc hẹn, vì mỗi người phải được tiêm hai mũi. Còn tại Anh Quốc, hôm qua chính phủ thông báo là kể từ thứ hai tuần tới, ngoài việc phải trình kết quả xét nghiệm âm tính, toàn bộ những người nhập cảnh vào nước này đều sẽ bị cách ly.
Trong bối cảnh số ca tử vong trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 2 triệu, tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm qua đã kêu gọi là trong vòng 100 ngày tới, phải làm sao khởi động chiến dịch tiêm chủng ở toàn bộ các quốc gia trên thế giới. Cho tới nay, các chiến dịch chích ngừa Covid-19 hầu như chỉ được tiến hành ở các nước giàu.
Các nước châu Âu giận dữ vì vac-xin Pfizer giao chậm
Đã bị chỉ trích vì chậm chạp, chiến dịch tiêm chủng chống Covid tại châu Âu lại gặp một trở ngại mới: Vac-xin Pfzer/BioNTech sẽ bị giao chậm từ 3 đến 4 tuần. Tập đoàn Mỹ Pfizer liên kết với hãng Đức BioNTech hôm qua 15/01/2021 thông báo từ nay đến đầu tháng Hai không thể cung ứng cho các nước Liên Hiệp Châu Âu số lượng vac-xin hàng tuần như đã cam kết.
Thông báo này đã gây giận dữ cho nhiều chính phủ châu Âu. Thông tín viên Joana Hostein tường trình :
« Một tình trạng không thể chấp nhận được ! ». Các bộ trưởng y tế Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Litva, Latvia và Thụy Điển đều có cùng phản ứng. Trong một lá thư chung, họ cho rằng việc chậm trễ làm ảnh hưởng đến lòng tin vào tiến trình tiêm chủng.
Về phía chính phủ Đức lấy làm tiếc về « thông báo bất ngờ và gấp gáp » này. Đức dự kiến tình hình giao chậm có thể kéo dài đến giữa tháng Hai. Còn Ủy Ban Châu Âu, vốn đứng ra thương lượng cho cả 27 nước thành viên các hợp đồng mua vac-xin với nhiều hãng dược khác nhau, thì muốn trấn an.
Bà Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy Ban nói : « Liều vac-xin thứ nhất đã được bảo đảm và sau bốn tuần đến lượt liều thứ hai, như vậy về mặt y tế cần tiến hành đúng lịch trình đã thỏa thuận và về việc giao hàng. Giám đốc Pfizer đã đích thân cam kết rằng những liều vac-xin dành cho quý 1 sẽ được giao ».
Để biện hộ cho sự chậm trễ, tập đoàn dược phẩm Mỹ giải thích do phải có những sửa đổi trong quy trình sản xuất tại nhà máy Puurs ở Bỉ, nơi chế tạo vac-xin cho toàn bộ châu Âu. Pfizer hứa hẹn những cải tiến này sau đó sẽ giúp gia tăng tiến độ sản xuất cho những tuần lễ tới ».
Ngoài vấn đề số lượng, việc triển khai vac-xin chống Covid trên thế giới còn gặp phải nhiều trở ngại khác như vận chuyển và tồn trữ, thủ tục hành chánh hay sự ngờ vực của người dân.
Ấn Độ vào hôm nay, 16/01/2021 đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 cho 1,3 tỷ người. Đây là một thách thức phi thường do các vấn đề an ninh, cơ sở hạ tầng không chắc chắn và thái độ ngờ vực của công chúng.
Quốc gia đông dân thứ hai trên hành tinh có kế hoạch tiêm chủng cho 300 triệu người, gần tương đương với dân số Hoa Kỳ, từ nay cho dến tháng Bảy, trong một chiến dịch tiêm chủng thuộc hạng lớn nhất thế giới.
Ấn Độ là quốc gia bị ảnh hưởng nặng thứ hai - sau Hoa Kỳ - với hơn 10 triệu ca nhiễm được ghi nhận, cho dù tính theo dân số, tỷ lệ tử vong vì Civid-19 ở Ấn Độ thuộc loại thấp nhất thế giới.
Khoảng 30 triệu nhân viên y tế và những người tiếp xúc nhiều nhất với dịch bệnh sẽ là những người đầu tiên được tiêm chủng, tiếp theo là khoảng 270 triệu người trên 50 tuổi hoặc những người rất dễ bị nhiễm virus.
Vào ngày đầu tiên của chiến dịch mà thủ tướng Narendra Modi phát động trực tuyến từ New Delhi, khoảng 300.000 người sẽ được tiêm liều vac-xin đầu tiên.
Chiến dịch của Ấn Độ dựa trên hai loại thuốc chủng : Covaxin do hãng Bharat Biotech và Hội Đồng Nghiên Cứu Y Khoa Ấn Độ phát triển; và Covishield, một phiên bản được AstraZeneca và Đại Học Oxford phối hợp làm ra. Cả hai đều được Viện Huyết Thanh Ấn Độ (Serum Institute of India) sản xuất và được phê duyệt "khẩn cấp" vào đầu tháng Giêng.
Khoảng 150.000 nhân viên ở 700 huyện đã được đào tạo đặc biệt trong nước để tham gia chiến dịch tiêm chủng và Ấn Độ đã thực hiện một số cuộc diễn tập cấp quốc gia trước khi bắt đầu việc tiêm chủng, đặc biệt là mô phỏng việc vận chuyển liều vắc xin và rèn luyện cách tiêm.
Chính quyền Ấn Độ cho biết họ sẽ triển khai chiến dịch dựa trên kinh nghiệm thu được từ các cuộc bầu cử và các chiến dịch tiêm phòng bệnh bại liệt và bệnh lao trước đây.
Tuy nhiên, theo đánh giá giới quan sát, ở một đất nước rộng lớn và còn nghèo như Ấn Độ, với mạng lưới đường sá kém cỏi và một trong những hệ thống y tế được tài trợ kém nhất trên thế giới, chiến dịch tiêm chủng này là một thách thức vô cùng lớn, vì cả hai loại vắc xin đều phải được bảo quản ở nhiệt độ rất thấp.
Nếu Ấn Độ có bốn "siêu kho" để nhận vắc-xin và vận chuyển đến các trung tâm phân phối ở các bang khác nhau trên các phương tiện được kiểm soát nhiệt độ, thì bước cuối cùng từ kho đến người được tiêm chủng có thể khó nắm vững hơn.
Một thách thức khác nữa là sự ngờ vực của dân chúng. Sự xuất hiện của vắc-xin làm dấy lên một số hoài nghi do tràn ngập thông tin sai lệch trên mạng. Theo một cuộc khảo sát gần đây với 18.000 người, 69% trong số này nói rằng họ không vội vàng để chủng ngừa, muốn chờ xem chiến dịch tiêm chủng diễn ra như thế nào. Có người còn đề nghị là "các chính trị gia hãy tiêm phòng trước" để có được sự tin tưởng.
Brazil: Bệnh viện thiếu oxy cho bệnh nhân Covid, dân chúng phẫn nộ
Tình trạng thiếu oxy tại các bệnh viện ở Manaus thuộc vùng Amazon, nơi dịch Covid đang tăng rất nhanh, hôm 15/01/2021 đã làm dấy lên phong trào phản đối tổng thống Jair Bolsonaro tại nhiều thành phố lớn của Brazil.
Người dân bị sốc trước những hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy các thân nhân người bệnh phải mang đến bệnh viện những bình oxy, các bác sĩ kể lại việc phải dùng tay bóp bóng thở, những bệnh nhân tử vong vì không còn oxy. Từ Sao Paulo, thông tín viên Martin Bernard tường trình :
« Nhiều nhân chứng cho biết có nhiều bệnh nhân Covid chết vì nghẹt thở tại các bệnh viện ở Manaus. Lượng oxy dự trữ không đủ để đối phó với sự bùng nổ các ca bệnh nặng tại khu hồi sức.
Dù đã có những nỗ lực để giúp đỡ các nạn nhân, việc cung ứng oxy vẫn bấp bênh. Quân đội gởi đến một phi cơ vận tải, và ngoại trưởng nước Venezuela láng giềng, ông Jorge Arreaza cũng đề nghị hỗ trợ. Công ty Mỹ White Martins hoạt động tại cả Brazil lẫn Venezuela cho biết sẵn sàng gởi oxy đến Manaus.
Thống đốc bang Amazonas, ông Wilson Lima, cám ơn thiện ý của Venezuela. Nhưng chính quyền Jair Bolsonaro, vốn trực tiếp đối đầu với Nicolas Maduro, vẫn chưa có phản ứng. »
Thanh Phương
16/01/2021
usaelection gởi