Covid - 19 Thức Tỉnh Nhân Loại
Virus Vũ Hán đang khiến cả thế giới hoảng loạn chao đảo. Nhưng Phật gia giảng: “Không có gì là ngẫu nhiên”. Dường như nó cũng là một sự sắp xếp tưởng như vô tình mà lại hữu ý để loài người nhận ra những điều quan trọng, điều gì đó lớn hơn con virus...
Mỗi ngày, con virus lần lượt phơi bày tất cả sự thật mà chúng ta từ lâu đã không có khả năng nhìn thấy hoặc cố tình quên đi.
Mỗi ngày, nếu để ý, ta sẽ thấy mỗi diễn biến của nó đều điểm vào những sai trái mà con người đã bày ra khi đến thế giới này.
Nó bóc trần lần lượt những dối trá, vốn luôn được che đậy kỹ càng. Giờ đây con người nhận ra không có gì dấu giếm được dưới ánh mặt trời.
Dường như, ngoài sự huỷ diệt, nó có sứ mệnh thức tỉnh, nếu người ta còn có khả năng nhận ra và thức tỉnh, lắng nghe thông điệp mà có lẽ Thượng đế, ông Trời hay Thần Phật đã cố gắng truyền đạt nó đến chúng ta vào giờ phút cuối cùng...
Virus khiến cuộc sống chậm lại hay bởi chúng ta đã sống quá nhanh?
Trận ôn dịch khiến lòng người hoảng loạn. Nhưng xét cho cùng thì chúng ta vốn vẫn sống trong sự bấn loạn lâu nay đó thôi. Giao thông hỗn loạn, ai cũng vội vã đi như chạy, mấy giây đèn đỏ cũng không thể kiên nhẫn chờ nổi. Nhưng đâu chỉ giao thông, việc gì chẳng biến thành chạy: chạy trường, chạy điểm, chạy việc, chạy tiền, chạy chức, chạy quyền, chạy ăn, chạy doanh số, chạy thành tích… Cuộc sống của chúng ta khác nào cuộc thi chạy, cuộc đời khác nào cuộc đua mà cái đích cuối cùng cũng chỉ là nghĩa trang?
Con virus quái gở khiến chúng ta phải dừng lại tất cả cuộc đua học hành, kiếm tiền, chạy chọt, toan tính, thi đua, tranh đấu… Thật tình cờ mà không ngẫu nhiên, nó khiến mọi người phải sống chậm lại, nó tạo ra thời gian cần thiết để chúng ta suy ngẫm về chính mình và cuộc đời.
Virus khiến cuộc sống đình trệ lại, nhưng nó cho ta cơ hội dừng lại để nhìn xem ta đang sống bằng cái gì, vì điều gì, bằng cách nào và sẽ đi về đâu, điều gì thực sự quan trọng trong cuộc đời mỗi người...
Chúng ta đã tạo ra một xã hội rối loạn và chạy theo nó, cuốn vào cái vòng hoảng loạn, mà con người vừa là nạn nhân, vừa là nguyên nhân. Nhưng khi có thời gian tĩnh lại, người ta sẽ nhận ra cái khiến ta quay cuồng, hoảng loạn đó là bởi ta không nhận ra những giá trị thật và ảo mà lâu nay ta vẫn theo đuổi.
“Nhiều dục vọng sinh ra tai họa”. Trong chữ Hán, từ "bận rộn" 忙 gồm bộ "tâm"⺖ và chữ "vong" 亡 ghép lại, biểu hiện nội hàm: một người luôn quá bận rộn sẽ đánh mất trái tim và hủy diệt lòng người. Đây chẳng phải chính là lời cảnh báo của Thần đối với con người?
Trước khi có đại dịch, điều khiến người ta quan tâm nhiều nhất là danh, lợi, tiền, quyền, sự thành công, các thứ giải trí xa hoa... Khi dịch bệnh khiến hàng ngàn người chết, người ta mới thấu hiểu tất cả những thứ đó không đảm bảo cho con người thoát khỏi virus, bởi vì nó không có cơ chế mua bằng tiền hay hối lộ, như cách con người vẫn tin dùng thứ quyền năng đó.
Benjamin Franklin nói: “Phần lớn những nỗi thống khổ của nhân loại đều do con người tự gây ra vì đánh giá nhầm giá trị của nhiều điều”.
Khi nhận ra tiền, quyền không mua được sức khoẻ và hạnh phúc, sự an toàn, không mua được thời gian sống, sự thật về những điều con người suốt đời theo đuổi được chiếu rọi bằng một thứ ánh sáng khác, và những giá trị mà con người tin tưởng bám chặt vào bấy lâu hoá ra cũng chỉ là ảo ảnh. Virus cho con người trải nghiệm sự vô nghĩa của những thứ ta tưởng là quan trọng. Khi ta sống bằng những giá trị ảo thì chỉ cần một cơn lốc cũng đủ khiến hồn xiêu phách lạc. Cuộc sống chậm lại, nếu tỉnhh táo xem xét, thực ra cũng chỉ là dừng lại những thứ phù phiếm, vô nghĩa mà bấy lâu người ta dành quá nhiều thời gian công sức để đánh đổi
Virus cho con người trải nghiệm sự vô nghĩa của những thứ ta tưởng là quan trọng
Virus không phân biệt sang hèn, không phân biệt thể chế chính trị, dân tộc, giới tính hay tuổi tác, giàu nghèo, trình độ, giai cấp, quốc tịch. Thậm chí người ta bất ngờ khi nó nhắm vào giới chính trị gia, quan chức, người nổi tiếng. Con người ảo tưởng chạy theo các lý thuyết về giai cấp, văn minh, phân biệt giống loài, tin rằng mình có thể hơn người khác vì mình sở hữu nhiều hơn. Virus nói với ta rằng: “Con người sinh ra bởi Thượng đế và bình đẳng trước sự sống và cái chết.”
Có một con virus sống rất lâu trong con người đó là sự dối trá. Nhưng con virus tự nhiên có khả năng bóc trần mọi thứ. Nó bóc tách lần lượt những giả dối được che đậy kỹ càng. Những giả dối đó hiển hiện hằng ngày, trong từng diễn biến về con virus mà ai cũng có cơ hội nhìn thấy. Con virus sống bằng năng lượng của sự giả dối và cái ác, chừng nào sự giả dối không dừng lại thì nó còn cơ hội tiếp tục lan ra khắp thế giới và hủy diệt con người.
Nó phơi bày ra toàn bộ những cái được che đậy, trang điểm màu mè. Trước con virus vô hình, con người bộc lộ rõ bản chất như soi vào chiếc gương của phẩm giá: Sự cống hiến hay cơ hội, lòng tham hay sự hy sinh, tính trách nhiệm hay sự vô cảm, trí tuệ hay vô minh, nhưng người tử tế và những kẻ đạo đức giả hay ma quỷ đội lốt người... Nó không chỉ ở phương diện cá nhân mà còn là cả các quốc gia, nhân tính hay dân tộc tính, đều hiển hiện rõ ràng. Những thứ chưa được phơi bày ra ánh sáng của sự thật chỉ còn là vấn đề thời gian! Đại tự nhiên hiểu rõ lòng người và mọi sự vô tình đều có thể là hữu ý để con người thể hiện chính mình trong một cuộc phán xét sinh tử.
Einstein từng viết một thông điệp vào ngày 4 tháng 5 năm 1936:
"Gửi Hậu thế,
Nếu các bạn không trở nên công bằng hơn, thân ái hơn, và nói chung, biết lẽ phải hơn chúng tôi (đang hoặc đã từng) thì Quỷ sẽ đến bắt các bạn. Những lời chúc thiện ý với sự trân trọng nhất. (Từng là) Bạn của các bạn.
Albert Einstein"
Phải chăng con virus huỷ diệt chính là điểm hoá của Thần cảnh tỉnh con người nhìn lại chính mình trong một quy luật nhân quả bất biến của vũ trụ. Có lẽ con virus mang sứ mệnh của nó khiến người ta hiểu rằng thức tỉnh là cách cuối cùng để kết thúc trò chơi qua mặt Thiên Lý.
Cuộc thanh lọc của những giá trị
Mỗi người đã tạo nên một mảnh vỡ trong xã hội ngày một tan nát về đạo đức và lương tri. Thế giới đã bất ổn từ quá lâu rồi, đã mục rỗng từ bên trong, khi các giá trị đạo đức bị đảo lộn, cái xấu, ác, giả dối thống trị thế giới. Và mỗi người đều góp sóng thành bão trong đó.
Cuộc đào thải ở bên ngoài khiến số người chết không ngừng tăng lên và thực sự thì người ta còn chưa biết chính xác số lượng người nhiễm và tử vong là bao nhiêu. Nhưng không chỉ thế, nó còn là cuộc thanh lọc từ bên trong: thanh lọc những giá trị ảo, những thứ không cần thiết cho đời sống, những giả dối, lòng tham, độc ác, vô cảm, vô trách nhiệm…
Trạng Trình có câu sấm truyền nổi tiếng: "Mười phần chết bảy còn ba, chết hai còn một mới ra thái bình". Lời sấm về một cuộc đào thải đáng sợ, nhưng cũng nhắc nhở con người cách vượt qua nó, bằng cuộc thanh lọc ở bên trong. Khi cái phần xấu trong mỗi người “chết" đi, thì cơ hội sống của con người sẽ tăng lên. Và cái phần còn lại đó có lẽ sẽ là ngày thái bình của nhân loại?
Vô danh
Cô Thừa gởi