“CUỘC ĐỜI TÔI VỚI TALIBAN”- MỘT CÁI NHÌN TỪ BÊN TRONG CỦA TALIBAN
Cái gì tồn tại cũng có lý do của nó. Chúng ta ai cũng quen thuộc với mệnh đề này. Vậy hiện tượng Taliban ở Afganistan thì sao? Nếu chỉ đọc tất cả những gì báo chí truyền thông Phương Tây viết về họ thì việc một hiện tượng như vậy xuất hiện trong thế kỷ 21 quả là kỳ quặc, việc họ đối đầu và trụ vững trong 20 năm đối với một bộ máy quân sự và với tiềm lực kinh tế hùng hậu của liên quân Mỹ và đồng minh và cuối cùng giành chiến thắng lại càng phi lý hơn ! Chính với những băn khoăn đó tôi đã tìm đọc cuốn “ Cuộc đời tôi với Taliban” của Abdul Salam Zaeef, một cựu thành viên của Taliban, một tài liệu hiếm hoi, gần như là duy nhất để hiểu được về Taliban từ bên trong của nó, thay vì chìm nghỉm trong dòng thông tin tràn ngập của hàng ngàn bài báo và hàng trăm cuốn sách của Phương Tây, áp đặt những cái nhìn và cách diễn giải từ bên ngoài vào hiện tượng lạ lùng này.
Một Cuốn Hồi Ký “ Độc Nhất Vô Nhị”
Abdul Salam Zaeef là đại sứ của Afghanistan tại Pakistan ngay trước và sau vụ tấn công ngày 11 tháng 9. Chế độ Taliban mà Zaeef phục vụ bị cô lập tới mức anh chàng 30 tuổi, trẻ trung và rậm râu này, là nhà ngoại giao duy nhất của họ ở vào thời điểm bom Mỹ đang oanh tạc dữ dội vào chiến tuyến của Taliban và quân đội của Liên minh Phương Bắc đang tràn vào Kabul. Vài tuần sau khi Kabul thất thủ, Zaeef biến mất khỏi Pakistan. Rất lâu sau đó người ta mới biết rằng anh ta đã bị cơ quan mật vụ Pakistan giao nộp cho phía Mỹ. Sau một thời gian bị giam giữ tại các nhà tù khác nhau ở Afghanistan, Zaeef bị chuyển đến Guantanamo. Sau 3 năm bị giam cầm không xét xử, cuối năm 2005 anh ta được trả tự do sau khi ký cam kết “sẽ không có các hoạt động chống Mỹ hoặc các hành động quân sự khác”. Ngày 9 tháng 4 năm 2012, báo Al Jazeera đưa tin Zaeef đã rời khỏi Kabul tới sống lưu vong tại Tiểu vương quốc A rập Thống nhất để bảo đảm an toàn cho cá nhân và gia đình.
Năm 2010, Nhà xuất bản Đại học Columbia đã xuất bản cuốn hồi ký của Zaeef với tựa đề "Cuộc sống của tôi với Taliban". Hai dịch giả, tốt nghiệp Học viện Phương Đông và Châu Phi ở London, là những người nước ngoài hiếm hoi đã trụ lại được sau nhiều năm ở Kandahar. Ngay lập tức cuốn sách đã được đón nhận khá nồng nhiệt và được các nhà nghiên cứu đánh giá rất cao. Giáo sư Robert Crews, Đại học Stanford nhận xét: “một cuốn hồi ký rất thú vị. ... Câu chuyện của Zaeef, theo hiểu biết của tôi, là cuốn hồi ký đầu tiên và duy nhất được viết bởi một nhân vật quan trọng trong phong trào Taliban”. Còn với Michael Semple, cựu đại diện EU tại Afghanistan thì : "Rất quan trọng ... nó sẽ được các chuyên gia đọc rộng rãi và sẽ khơi dậy sự quan tâm chung. Điều này sẽ rất hấp dẫn đối với những ai muốn tìm hiểu những điều gì khác với những tuyên truyền “ chính thống” bấy lâu nay về sự trỗi dậy và sụp đổ của Taliban”. Graeme Smith, phóng viên tờ “Globe & Mail” tại Kandahar đánh giá : “một cuốn sách cực kỳ quan trọng. Zaeef đã lột tả mọi hoạt động bên trong của Taliban kể từ những ngày đầu của phong trào …Nếu chính phủ của bạn gửi quân đến Afghanistan, bạn phải đọc cuốn sách này”. Tiến sĩ Antonio Giustozzi,chuyên gia kỳ cựu về Taliban thì nhận xét : “ hồi ký này đã trình bày một cái nhìn sâu sắc độc đáo về thế giới quan của Taliban. ... Không có cuốn sách nào khác được xuất bản bằng tiếng Anh cho đến nay cung cấp được điều này. ... một tài liệu lịch sử quan trọng và một bài đọc hấp dẫn”. Không còn nghi ngờ gì nữa, Hồi ký của Zaeef có lẽ là cuốn hay nhất, và thậm chí có lẽ là cách duy nhất để độc giả bên ngoài Afghanistan có thể hiểu một cách thực chất về thế giới quan của Taliban, một phong trào bài ngoại cực đoan với những hành động rất mờ ám này.
Theo một cách nào đó, đây cũng là một cuốn sách mà độc giả quốc tế sẽ hiểu ngay lập tức: một loại truyện lịch sử kiểu Pashtun, kể về một cậu bé nghèo đến từ ngôi làng miền nam Afghanistan, con trai của một người đàn ông thánh thiện, chịu khó, học hành chăm chỉ, sống sót sau những tai ương của một đời sống lưu vong và chiến tranh, trung thành và kiên định với những người anh em, bằng sự kiên trì và trí thông minh đã vươn lên nhanh chóng để đạt tới những vị trí quan trọng trong bộ máy chính quyền mà anh ta phục vụ (những việc anh ta tuyên bố không bao giờ ham muốn), trước khi hứng chịu những tai họa khác khi kẻ thù ra tay, nhưng đối với Zaeef không có trở ngại nào là quá lớn để không thể vượt qua, nhờ vào sự dũng cảm và lòng mộ đạo không gì lay chuyển được của anh ta.
Cuốn sách này cho chúng ta biết gì về Taliban? Rằng họ tin, hoặc họ đang muốn tin rằng mình theo đuổi một sự nghiệp nghiêm túc và ngoan đạo – Quả thật không có một chút toan tính vị kỷ hay động cơ phức tạp nào trong hồi ký của Zaeef. Những trang viết thú vị nhất là về thời thơ ấu của nhân vật, chúng thật sống động và giầu cảm xúc - sự mất mát sớm của mẹ, sự gắn bó của anh ta với chị gái - nhưng khi bắt đầu trưởng thành (nghĩa là khi Zaeef nhận được những giáo dục tôn giáo), số phận đã được định đoạt sẵn với anh ta. Khi đang là một cậu bé tị nạn mười lăm tuổi ở Pakistan, Zaeef đã đưa ra quyết định mang tính định mệnh: trở lại Afghanistan và tham gia thánh chiến chống Liên Xô. Không một chút lưỡng lự trong những dòng suy nghĩ này : "Giống như hầu hết những thanh niên trai trẻ vào thời điểm đó, tôi không thể chờ đợi thêm. Tất cả chúng tôi đều muốn chiến đấu với người Nga. Tôi thường nói về điều đó với bạn bè của mình khi chúng tôi chứng kiến Mujahedin rời đi. Tôi muốn hoàn thành nghĩa vụ của mình với Allah và giải phóng quê hương khỏi những người lính Xô Viết "
Zaeef thường được coi là người ôn hòa, nhưng bản thân anh ta cũng luôn cảnh báo chống lại bất kỳ nỗ lực nào nhằm chia rẽ Taliban thành phái ôn hòa và phái nghiệt ngã. Và, trên thực tế, những độc giả đang muốn tìm kiếm những thông tin về triều đại thảm khốc của Taliban trong những năm 90 ở Afghanistan, họ sẽ không thể tìm thấy dấu vết nào dạng đó trong cuốn hồi ký này. Zaeef phàn nàn về các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Afghanistan, nhưng anh ta đã lờ đi cái nguyên nhân chủ yếu: Osama bin Laden và khủng bố Al-Qaeda. Khi chế độ Taliban đặt mìn phá nổ hai bức tượng Phật cổ khổng lồ tạc vào núi, Zaeef cảm thấy xấu hổ vì sự phẫn nộ nổ ra khắp nơi, nhưng anh ta không ra mặt phản đối : “Mặc dù tôi đồng ý rằng việc phá hủy nằm trong quyền hạn của luật Sharia, nhưng tôi vẫn cho rằng vấn đề phá hủy bức tượng không chỉ là vấn đề tôn giáo, và việc phá hủy này là không cần thiết và sai thời điểm”. Công việc đại sứ của anh ta trở nên rất nặng nề bởi những lời thóa mạ thường xuyên của các nhà ngoại giao khác: “Các đại sứ Đức và Bỉ rất thô lỗ, tàn nhẫn và kiêu ngạo. Cả hai đều cao lớn, vai rộng và đầy định kiến; họ luôn muốn tranh luận với tôi về vai trò của phụ nữ”.
Nuôi thù hận trong sâu thẳm đáy lòng, Zaeef vẫn phải cay đắng thừa nhận rằng Mỹ là kẻ chiến thắng và chấp nhận vai trò của một kẻ thua trận. Zaeef cùng với nhiều tù nhân khác đã rơi vào tay người Mỹ sau ngày 11/9. Anh ta bị đối xử dã man: lột trần, đánh đập, tra khảo vô cớ, chịu sự tra tấn về thể xác và tinh thần vô cớ trong nhiều năm: “Mỗi ngày, tất cả các tù nhân đều được xếp hàng bên ngoài và phơi nắng. Có khoảng hai mươi lều để giam giữ tám trăm tù nhân. Không ai được phép ngồi hoặc đứng trong bóng râm, bất kể tình trạng của họ ra sao”.
Một Cách Nhìn Về Hiện Trạng và Tương Lai Của Afghanistan
Dưới đây là một đoạn trích dịch từ cuốn hồi ký “ Cuộc đời tôi với Taliban” của Zaeef, đoạn tả lại những ấn tượng đầu tiên của anh ta sau khi ra khỏi nhà tù Guantánamo và trở lại thăm Kandahar, thành phố quê hương của anh ta. ( Dương Thắng dịch từ nguyên bản : ABDUL SALAM ZAEEF : My Life with the Taliban, Edited by Alex Strick van Linschoten and Felix Kuehn. Columbia University Press 2010)
"Kandahar: vùng đất sinh ra tôi. Không bao giờ có đủ ngôn từ cho tình yêu mà tôi dành cho ngôi nhà của mình; không có nơi nào khác trên trái đất có thể có ý nghĩa nhiều với tôi đến thế. Ngắm nhìn những ngọn núi và phong cảnh của nó, tinh thần của tôi phấn chấn. Không có sự chiếm hữu nào, không có cung điện nào có thể chiếm vị trí như của nó trong trái tim tôi. Tôi cầu nguyện với Allah toàn năng rằng khi thời gian đến, ngài sẽ đưa linh hồn tôi đến đó, và tôi sẽ được chôn cất bên cạnh những anh hùng, anh em và bạn bè của tôi trong nghĩa trang Taliban. Vào những ngày cuối cùng của năm 2001 khi Mỹ mở cuộc tấn công vào vùng đất của Ahmad Shah Baba và Mirwais Khan, họ mang đến lửa và sự tàn phá, tôi quay trở lại Kandahar. Khi tôi đến nơi, tôi có thể nhìn thấy trên khuôn mặt của người dân những nỗi buồn. Không ai biết điều gì sẽ đến. Nhiều người lo sợ rằng các lãnh chúa sẽ trở lại; những người khác được nhắc nhở về cuộc xâm lược của Liên Xô khoảng ba mươi năm trước. Tuy nhiên, cũng có những người khác đang nhảy theo tiếng trống của người Mỹ; họ không thể hiểu được tương lai sẽ diễn ra như thế nào đối với họ.
Máy bay phản lực của Mỹ ném bom rải thảm thành phố và khu vực xung quanh vào lúc tôi tạm biệt quê hương, và tôi biết rằng sẽ là một quãng tời gian rất dài trước khi tôi có thể trở lại. Khói đen bốc lên từ thành phố, cao ngút trời. Mọi người đang di chuyển, cố gắng cứu bản thân và con cái của họ khỏi những quả bom tàn nhẫn của Mỹ.
[...] Sáu năm đã trôi qua kể từ khi tôi gặp Kandahar lần cuối. Đó là vào cuối năm 2007, tôi đáp chuyến bay Adrian từ Kabul về Kandahar. Tôi đã chứng kiến những gì trở thành sân bay Kandahar ngày hôm nay. Bị mắc kẹt giữa một đám lính nước ngoài ồn ào, những người lính Mỹ với khuôn mặt đỏ gay, xe tăng và xe bọc thép, trực thăng và máy bay, chiến hào và công sự, các tháp canh với những người lính Mỹ đầy nghi ngờ, dò xét ...nhưng tôi vẫn nhận ra ngôi nhà tù với những bức tường lấm lem bùn đất, nơi tôi đã bị họ ném vào, bị hạ nhục và bị đe dọa ăn thịt, bị bỏ rơi không thương xót...
Cảnh tượng này của Kandahar đã khơi lại nhiều ký ức tồi tệ, khiến tôi cảm thấy buồn, gần như là tuyệt vọng. Ở Afghanistan mà không cảm thấy như ở nhà, như một con chim bị thương, tôi đã rơi xuống một vùng lãnh thổ xa lạ. Kinh hãi và choáng váng, hầu hết các hành khách đi cùng chuyến bay đều cảm giác giống như tôi.
Một chiếc xe của chính phủ đã đón tôi từ sân bay và ngay sau đó chúng tôi đang trên đường đến Kandahar. Tôi tò mò muốn xem điều gì đã thay đổi; những người Mỹ khi thẩm vấn tôi ở Guantánamo thường nói với tôi rằng thành phố này giờ đây “giống như Dubai ”. Nhưng ngoài con đường trải nhựa mà chúng tôi đang lái xe, mọi thứ dường như vẫn như cũ .
Ở Kandahar, một vài tòa nhà mới đã mọc lên và có dấu hiệu đầu tư tư nhân. Bản thân thành phố đã có sự phát triển nhưng có rất ít bằng chứng cho thấy các dự án của chính phủ hoặc viện trợ nước ngoài đã có tác dụng . Ngoài những con đường trải nhựa mới dẫn đến các quận — Spin Boldak, Arghan-dab, Dand, và Panjwayi —thì hầu như không có nhiều thay đổi gì lớn. Nhiều người dân nghĩ rằng người Mỹ mở đường chỉ để bảo đảm cho an ninh của chính họ, tiếp cận tiền tuyến càng nhanh càng tốt và tránh bom bên đường. Người dân Kandahar đang phải chịu đựng. Họ phàn nàn rằng có rất ít việc làm, và thất nghiệp là một vấn đề lớn. Người Mỹ chỉ ở đây để tiêu tiền được tài trợ cho chính họ, và chỉ những người Afghanistan đã giúp tạo điều kiện cho việc này trôi chảy mới kiếm được lợi nhuận. Họ nói rằng viện trợ nước ngoài đang giết chết người Afghanistan.
[...] Nhiều người nói về cựu thống đốc Gul Agha Sherzai và so sánh ông với thống đốc mới Asadullah Khaled và những nhà lãnh đạo khác. Mặc dù Sherzai thích tiệc tùng và có nhiều thói quen xấu , nhưng anh ta vẫn còn làm được nhiều điều tốt, thay vì giữ tất cả tiền bạc làm của riêng như các chính trị gia khác, anh này còn biết giành ra 50% số tiền để tái thiết thành phố. Những người dân Kandahar đã thật sự tiếc khi vị thống đốc này phải ra đi.
[...] người dân phàn nàn một cách cay đắng về hành vi trả thù của binh lính ngoại quốc, khi các chiến binh Taliban giết một số người trong số họ, họ sẽ trả thù nhắm vào thường dân. Sự cố xẩy ra ở nhà một người bán thịt ở quận 3 đã gây một làn sóng kinh hoàng ở Kandahar. Theo lời kể của một nhân chứng còn sống sót: “ Những người lính ngoại quốc nổ mìn tung cánh cổng nhà tôi, mọi người bật dậy và hét lên “trời ơi”, hai người anh tôi chạy ra sân và trúng ngay đạn của lính bắn tỉa trên mái nhà, họ không hỏi bất cứ câu nào xem các anh ấy có liên quan gì không, họ chỉ bắn không thương tiếc...
Sau đó những người lính Mỹ vào nhà , phụ nữ và trẻ em vẫn còn đấy, đang run rẩy vì sợ hãi, những người lính cư xử hung bạo và hoang dã, đập phá và ném đồ đạc xuống sàn, họ lục soát từng cm vuông và không thấy gì nên đã bỏ đi.
Những người đàn ông nằm trong sân, nhìn đầy đủ vợ và con của họ, những người đang run rẩy vì sợ hãi. Không ai có thể giúp họ thoát khỏi những người lính Mỹ nhẫn tâm đó. Trong những vụ việc như thế này, các nhân viên chính phủ cũng chịu bó tay không thể can thiệp...
Trước khi họ rời đi, những người Mỹ đã gửi lời "chia buồn" đến những người thân của gia đình. Họ nói: “Cứ ngủ tiếp đi”. "Không có vấn đề gì". Nhưng chỉ cách đó vài mét là xác của những người mà họ vừa giết, đang bơi trong máu của chính họ.
[...] Khi viết cuốn hồi ký này tôi muốn rằng những ai không quen với nền văn hóa Afghanistan cần học hỏi để nâng cao hiểu biết của mình, thế giới cần nhận ra tình hình tồi tệ ở đây và hiện trạng người Afghanistan đang bị đàn áp như thế nào. Tôi là một phần của xã hội này và đã sống qua nhiều giai đoạn lich sử của nó. Tôi đã quen với nó và đã lưu giữ được những ký ức tiêu cực cũng như tích cực tích lũy qua hàng thập kỷ và tôi mong rằng những kinh nghiệm của mình sẽ đem lại những lợi ích nào đó cho các thế hệ hiện tại cũng như tương lai và biết sử dụng những kinh nghiệm này đúng cách”
***
Trong hồi ký của mình, Zaeef tỏ ra rất vững tin. Anh ta kết luận rằng người Mỹ đã trở thành đối tượng của sự căm hờn ở hầu hết những người Afghanistan và họ sẽ thua trong cuộc chiến này, cũng giống như Liên Xô trước đây đã thua : cả thế giới đang đang quay lưng lại với Mỹ và hiểu thêm về “chính nghĩa Hồi giáo”. Giống như bất kỳ nhà “cách mạng tôn giáo nào”, Zaeef chắc chắn rằng “lịch sử và đức tin sẽ sớm hòa nhịp. Toàn bộ lịch sử sẽ được hòa nhập với công lý; tất cả những thử thách mà ta phải chịu đựng đều được cứu chuộc bởi sự đoàn kết của các tín hữu đồng đạo của ta”.
Thế giới quan mà Zaeef trình bày trong cuốn hồi ký của mình: “ Cuộc sống của tôi với Taliban”(My Life with the Taliban) quả thật đã dựa trên một thứ chủ nghĩa dân tộc và tôn giáo cực đoan và bài ngoại mà người Phương Tây, với những giả định quen thuộc về bình đẳng, không dễ dàng nhận ra và hiểu được. Chính vì thế , những cuộc chiến mà Mỹ và các đồng mình đã khởi sự, ở Afghanistan cũng như ở Iraq hay Syria, đã tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền bạc và xương máu, đều đã đi đến những kết cục thật đáng thất vọng . Đọc kỹ cuốn hồi ký này chúng ta sẽ nhận thấy rằng nếu như đa phần các cuộc chiến đều là những sai lầm ngu ngốc, thì nguyên nhân của một số cuộc chiến không chỉ đơn giản là kết quả của một sự hiểu lầm- rằng bên dưới sự khác biệt bề ngoài về quần áo và kiểu tóc là những khác biệt sâu sắc hơn mà chúng ta hầu như không thể hóa giải nổi.
Mullah Abdul Salam Zaeef
____________________
Hoang Nguyen gởi