Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh

 
 

 Cuộc Nội Chiến Không Bao Giờ Tàn Của Hoa Kỳ

 
 
Theo lịch sử thì người da đen ở Phi châu đã bị người Âu châu da trắng dùng vũ lực lùng bắt để đem bán làm nô lệ từ thế kỷ thứ 16 cho đến 19. Hầu hết các người nô lệ da đen được bán cho Hoa Kỳ, là một quốc gia đang mở mang về nông nghiệp trồng mía, bông vải và thuốc lá, đang cần rất nhiều nhân công. Tệ trạng nô lệ này đã đưa đến chiến tranh Nam-Bắc, nội chiến (Civil War), ở Hoa Kỳ từ 1861 đến 1865 với số binh lính thiệt mạng của cả đôi bên được ước lượng là trên 600 ngàn người, và hàng triệu người bị thương cùng với sự tàn phá của các tiểu bang miền Nam.

Tu chính thứ 13 của hiến pháp Hoa Kỳ, ngày 6 tháng 12 năm 1865, tuyên bố bãi bỏ chế độ nô lệ. Đã hơn 150 năm trôi qua, thế nhưng vết thương gây nên bởi chế độ nô lệ không thể lành, sự chia cách, rạn nứt, và kỳ thị giữa hai màu da "Trắng-Đen", như ngọn lửa âm ỉ cháy, chỉ chờ một cơn gió mạnh là nó lại bùng lên thành một cơn bão lửa. Thập niên 1960 là một thời kỳ có nhiều cuộc biểu tình liên hệ đến sự kỳ thị màu da và sự bạo hành của cảnh sát đối với người da đen. Điển hình là các cuộc biểu tình:

 

Binh sĩ quân đội đứng gác ở góc đường 7th và N Street phía Tây-Bắc của Washington D.C.
trong ngày biểu tình sau cái chết của mục sư Martin Luther King

Các cuộc bạo loạn sau cuộc ám sát Martin Luther King (người da đen) vào ngày 4 tháng 4 năm 1968, còn được gọi là Cuộc nổi dậy Tuần Thánh, là một làn sóng xáo trộn dân sự lớn nhất ở Hoa Kỳ kể từ sau cuộc nội chiến Nam-Bắc. Trong hai ngày 4 và 5 tháng 4 đã có hàng chục người chết và hàng ngàn người bị thương. Một số vụ bạo loạn lớn nhất diễn ra ở Washington, D.C., Baltimore, Chicago và Kansas City.

Kết quả:
  • Đạo Luật Dân Quyền (Civil Rights Act of 1968) bao gồm Đạo luật Công bằng về Nhà ở (Fair Housing Act) được Hạ viện thông qua vào ngày 10 tháng 4 năm 1968 và được tổng thống Lyndon B. Johnson ký thành luật vào ngày 11 tháng 4 năm 1968.
  • Về phương diện xã hội thì đối với những nhà hoạt động tranh đấu cho dân quyền, các cuộc bạo loạn này là một bước ngoặt. Họ đã làm gia tăng một khuynh hướng vốn đã mạnh mẽ đối với sự phân biệt chủng tộc và sự "chạy trốn" của người da trắng tránh xa người da đen ở các thành phố của Mỹ, đào sâu hố phân biệt "Trắng-Đen". Các cuộc bạo loạn là sự hỗ trợ chính trị, vốn hay sử dụng nỗi lo sợ về tình trạng tội phạm ở các đô thị có nhiều người da đen để thu hút sự ủng hộ cho "luật pháp và trật tự - law and order". Vụ ám sát mục sư King và bạo loạn sau đó đã khiến nhóm quá khích lập nên phong trào Sức mạnh của người da đen (Black Power).
 

Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ được điều động đến để giữ an ninh cho Los Angeles

Cuộc bạo loạn ở Los Angeles năm 1992, đôi khi được gọi là cuộc nổi dậy ở Los Angeles năm 1992, là một loạt các cuộc bạo loạn và xáo trộn dân sự xảy ra ở thành phố Los Angeles vào tháng 4 và tháng 5 năm 1992. Bất ổn bắt đầu ở Los Angeles vào ngày 29 tháng 4, sau khi một bồi thẩm đoàn xét xử đã tha bổng bốn nhân viên của Sở Cảnh sát Los Angeles (LAPD) vì sử dụng vũ lực quá mức trong vụ bắt giữ và đánh đập Rodney King (người da đen), đã được quay video và trình chiếu trên các đài truyền hình toàn quốc.

Sau khi tình hình trở nên yên ổn thì đã có 63 người chết, 2,383 người bị thương, hơn 12 ngàn người bị bắt giam, và ước lượng thiệt hại tài sản là hơn 1 tỷ đô-la. Khu vực bị thiệt hại nhiều nhất là khu phố thương mại của người Đại Hàn (Koreantown), với hơn 2,300 gian hàng bị phá huỷ và cướp bóc, với thiệt hại ước lượng khoảng hơn 400 triệu đô-la.

Kết quả:
  • Tổng thống George H.W. Bush đã ký một văn bản tuyên bố về thảm họa nhằm thực thi các nỗ lực cứu trợ của Liên bang cho các nạn nhân của sự cướp bóc và đốt phá, bao gồm các khoản tài trợ và các khoản vay chi phí thấp để bù đắp tổn thất tài sản của họ. Chương trình Tái xây dựng LA (Rebuild LA) đã đem đến 6 tỷ đô-la đầu tư của tư nhân để tạo ra 74 ngàn việc làm.
  • Về phương diện xã hội, dân chúng ở thành phố Los Angeles đã ùa nhau đi mua súng để bảo vệ tài sản, phòng ngừa các biến loạn vẫn còn và sẽ xảy ra trong tương lai. Có lẽ vì thế mà số tội ác đã giảm 76 phần trăm trong các năm 1992 đến 2010. Đồng thời tình trạng căng thẳng về màu da, chủng tộc cũng giảm nhiều so với 20 về trước, các hoạt động của các nhóm băng đảng cũng giảm đi nhiều.
 

Một người đứng trên chiếc xe đã bị nhóm biểu tình đốt cháy, trước khung cảnh tan hoang của khu phố ở đường Lake Street, thuộc thành phố Minneapolis, tiểu bangMinnesota.


Và hiện nay là cuộc bạo loạn trên nhiều thành phố lớn của nhiều tiểu bang trên toàn quốc Hoa Kỳ, sau khi một cảnh sát viên (da trắng) của thành phố Minneapolis, thuộc tiểu bang Minnesota, dùng đầu gối đè xuống gáy George Floyd, một can phạm da đen, khiến anh này chết.

Hiện nay thì cuộc bạo loạn, cướp phá đã có vẻ như không còn, nhưng các cuộc biểu tình vẫn còn được hô hào và tổ chức ở nhiều nơi. Khẩu "chống kỳ thị" và đập phá những tượng đài kỷ niệm của những danh nhân trong lịch sử của Hoa Kỳ liên hệ tới nô lệ đều bị phá huỷ. Sự việc này đã lan rộng ra các quốc gia khác trên thế giới, trong lịch sử đã liên hệ đến việc buôn bán nô lệ, hoặc ủng hộ khẩu hiệu "Mạng người da đen cũng quan trọng - Black lives matter" như

 

Biểu tình ở Trafalgar Square, trung tâm thành phố London ngày 13 tháng 6
 

Biểu tình ở Lausanne, Switzerland, ngày 13 tháng 6 
 

Những người biểu tình phá đổ bức tượng của Edward Colston và ném xuống sông Bristol Harbor, England,
ngày 7 tháng 6. Edward Colston là người buôn bán nô lệ ở thế kỷ thứ 17.
 

Cảnh sát của thành phố Westminster, London, đụng độ với dân biểu tình ngày 7 tháng 6. 



Biểu tình ở Edinburgh, Scotland, ngày 7 tháng 6
 


Biểu tình ở Lausanne, Switzerland, ngày 7 tháng 6
 

Biểu tình ở Rome ngày 7 tháng 6.
 

Biểu tình ở Maastricht, Netherlands, ngày 7 tháng 6
 

Biểu tình ở Brussels, Belgium, ngày 7 tháng 6
 

Biểu tình ở Holyrood Park in Edinburgh, Scotland, ngày 7 tháng 6
 

Biểu tình ở Porto, Portugal, ngày 7 tháng 6
 

Biểu tình ở Sydney, Australia, ngày 6 tháng 6
 

Biểu tình ở Champs de Mars, Paris, ngày 6 tháng 6
 

Biểu tình ở Frankfurt, Germany
 

Biểu tình ở Melbourne, Australia, ngày 6 tháng 6
 

Biểu tình trước cửa toà đại sứ Hoa Kỳ ở Pretoria, South Africa, trên đường đế dinh tổng thống
 

Biểu tình ở Seoul, South Korea
 

Biểu tình ở Tunis, Tunisia
 

Biểu tình ở Tokyo, Japan
 

Biểu tình ở Sofia, Bulgaria

Biểu tình là thể hiện một trong những quyền căn bản của người sống trên các quốc gia tự do, dân chủ, tôn trọng nhân quyền. Đó cũng là hình thức của "Tự Do Ngôn Luận - Free Speech".

Tác giả Evelyn Beatrice Hall, trong quyển sách viết về tiểu sử của Voltaire, đã viết một câu để nói lên tư tưởng của Voltaire trong việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận "Tôi không đồng ý với điều bạn nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ đến chết quyền phát biểu ý kiến của bạn - I disapprove of what you say, but I will defend to the death your right to say it."

Đồng thời phản đối việc "phân biệt chủng tộc""kỳ thị" là chính đáng. Thế nhưng, khi những ý tưởng này được các "phù thuỷ chính trị" dùng những thủ thuật để lèo lái đám đông đi ra ngoài mục đích chính, để họ đạt được kết quả trong việc tranh giành địa vị. Trong lịch sử đa có rất nhiều các cuộc biểu tình như thế, nhưng kết quả hầu như là chẳng có gì đáng ghi nhận. Nhất là khi những người biểu tình trở nên bạo động, cướp phá, huỷ hoại tài sản công cộng cũng như tư nhân và trương khẩu hiệu "Black Power - Quyền lực của người da đen" thì càng làm cho khoảng cách chia rẽ ngày càng rộng hơn, và sự sợ hãi về sự hung bạo của người da đen ngày càng sâu đậm hơn. Sau khi các "phù thuỷ chính trị" đạt được mục tiêu thì mọi việc sẽ trở lại như cũ. Sự cách biệt, kỳ thị và sợ hãi vẫn không hề thay đổi.

Các "phù thuỷ chính trị" là loại "chính trị gia chuyên nghiệp." Có người đã từng làm tổng thống Hoa Kỳ như Bill Clinton và Barrack Obama, mỗi người tại vị 8 năm mà không làm gì để thay đổi được được sự phân hoá và kỳ thị "Trắng-Đen", nay lại lợi dụng thời cơ để tuyên bố vung vít về những gì mà chính họ, đáng lẽ, phải thực hiện được trong những năm nắm giữ quyền hành.

Hãy nghe Bill Clinton tuyên bố "Đã 'thực sự kinh ngạc' bởi những người biểu tình về vụ George Floyd: 'Các bạn đã mang lại hy vọng mới' - been 'truly awed' by George Floyd protesters: 'You have given new hope' ."  Với 8 năm cầm quyền tối thượng mà không làm được, nay hy vọng sự biểu tình này sẽ đem đến hy vọng. Mà hy vọng gì, ngoài cái ghế tổng thống cho đảng? Hay là sau khi đảng Dân Chủ chiếm được quyền hành thì cũng "đâu vào đấy", vẫn như cũ như người Mỹ có câu "Business as usual." 

Một vị phù thuỷ cao tay ấn khác, Obama, đã viết bài "khích lệ" người biểu tình với tựa đề "How to Make this Moment the Turning Point for Real Change" trong đó có câu:
"Những điểm chính của sự biểu tình là nâng cao nhận thức của cộng đồng, làm nổi bật sự bất công và làm cho những người cầm quyền (có thế lực) trở nên khó chịu; Trên thực tế, trong lịch sử của Hoa Kỳ thì họ chỉ có phản ứng khi có các cuộc biểu tình và bất tuân luật lệ của dân chúng, thì khi đó họ mới để ý đến các cộng đồng bị thiệt thòi."

Đây là một lời kêu gọi gây hỗn loạn, chống chính phủ, khuyến khích dân chúng bất tuân luật pháp của một người đã từng ngồi ở ghế tổng thống trong 8 năm mà chẳng làm được gì. Câu nói này gọi là vô ý thức, có lẽ còn quá nhẹ.

 

Bạo loạn đốt phá thành phố của đám biểu tình ở Minneapolis, Minnesota
 

Những người biểu tình biểu tình bên ngoài Khu vực Cảnh sát thứ 3 (3rd Police Precinct) đang cháy ở thành phố Minneapolis, ngày 28 tháng 5 năm 2020, tại thành phố Minneapolis.
 
 
 


Những bức hình trên cho thấy kết quả của những lời kêu gọi, khuyến khích biểu tình của những người cầm quyền mà Obama gọi là những người được bầu lên để chỉ nói cho qua chuyện, trong đó có cả ông ta và rất nhiều "chính trị gia chuyên nghiệp" khác nữa:

"the more specific we can make demands for criminal justice and police reform, the harder it will be for elected officials to just offer lip service to the cause and then fall back into business as usual once protests have gone away."

Tạm dịch: "càng cụ thể hơn, chúng ta có thể đưa ra những đòi hỏi về công lý hình sự và cải cách cảnh sát, để gây khó khăn cho các viên chức được bầu lên chỉ nói mồm để giải thích cho những nguyên nhân và sau đó quay trở lại làm việc như thường lệ khi các cuộc biểu tình đã biến mất."

Có nhiều người đã đưa ra nhận xét rằng các cuộc biểu tình, bạo loạn và cướp phá hầu hết xảy ra ở các tiểu bang có thống đốc là thành viên của đảng Dân Chủ, và chính phủ của các tiểu bang đó cố tình làm ngơ để tình hình quốc gia trở nên hỗn loạn như một quốc chậm tiến và bất an. Họ không biết rằng "đòn phép chính trị" này như con dao hai lưỡi, nó khiến cho dân chúng cảm thấy chính phủ tiểu bang không thể bảo vệ tài sản và sinh mạng của dân chúng. Sự kêu gọi "giải tán cảnh sát", và việc các nhóm biểu tình chiếm giữ khu phố để thành lập một khu "tự trị không có cảnh sát" hay đúng ra là "khu vô chính phủ" ở Seattle, tiểu bang Washington, đã khiến dân chúng ùa đi mua súng để tự vệ đã nói lên sự nguy hiểm đã lên đến cực điểm, và bức tường phân hoá cũng như kỳ thị ngày càng vững chắc và cao hơn.

Tình hình bất ổn của Hoa Kỳ có lẽ không dễ dàng lắng dịu như những lần trước, bởi vì cuộc bầu cử tổng thống thứ 46, nhiệm kỳ 2021 - 2025, gần kề, ngày 3 tháng 11 năm 2020. Cả hai đảng chính, Dân Chủ và Cộng Hoà, đang ráo riết vận động cũng như dùng tất cả những "chiêu thức""thủ thuật" chính trị để đạt được mục tiêu, chiếc ghế tổng thống của Hoa Kỳ, cho dù có gây thêm bạo loạn, bất an cho dân chúng, hay nguy hại đến an ninh quốc gia. Người dân thì bị giới truyền thông nhồi sọ để rồi như cụ Tản Đà xưa đã than rằng:
Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn,
Cho nên quân nó dễ làm quan.

Bùi Phạm Thành