Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
CUỘC TRANH BIỆN KINH ĐIỂN GIỮA TÔN GIẢ SARIPUTTA VÀ NỮ ĐẠO SĨ BHADDA


...Buổi chiều, Tôn giả Sariputta (Xá Lợi Phất) cùng với các Tỳ kheo đi ra ngoài thành. Nhiều cư sĩ nghe tin về cuộc tranh luận nên cũng đi theo…

Người của nữ đạo sĩ Bhadda đã đặt sẵn hai cái tòa ngồi, Bhadda đã ngồi chờ sẵn rất tự tin. Người ta kéo đến xem đông như chảy hội.

Một đạo sĩ của Bhadda đến mời Sariputta (Xá Lợi Phất) lên tòa còn lại. Bhadda chắp tay chào Tôn giả lấy lệ.

- Thưa tất cả cư dân ở Savathi, hôm nay chúng ta sẽ cùng chứng kiến một cuộc tranh biện vô tiền khoáng hậu, một bên là Sa môn Sariputta (Xá Lợi Phất) - đệ tử xuất sắc của Sa Môn Gotama, một bên là nữ đạo sĩ Bhadda - đệ tử xuất sắc của giáo đoàn thờ lửa tại Magadha.

- Kính mong tất cả quý vị khán giả không được chen vào cuộc tranh biện của hai Vị, cũng không được bày tỏ phản ứng gì, chỉ lặng lẽ chăm chú nghe mà thôi.

- Cuộc tranh biện đạo lý này nhằm để tìm ra Đạo giáo nào là đúng nhất, chứ không có ý thù địch, công kích, nên tất cả chúng ta giữ tâm hòa bình thanh thản mà nghe.

- Điều may mắn là cả hai vị đều xuất thân từ Magadha, nên ngôn ngữ khá tương đồng. Còn tất cả chúng ta ở Savathi này nghe sẽ có một số từ rất khó hiểu, thì quý vị sẽ hỏi ai đó thông thạo ngôn ngữ cả hai xứ.

- Mở đầu cho cuộc tranh biện này, chúng ta xin mời nữ đạo sĩ Bhadda sẽ đặt vấn đề trước, xin kính mời.

Nữ đạo Sĩ Bhadda đứng lên chào Sariputta (Xá Lợi Phất) cùng mọi người rồi lên tiếng:

- Thưa Hiền giả Sariputta, lửa từ đâu đến, và sẽ đi về đâu?

Tôn giả Sariputta đáp:

- Này nữ đạo sĩ Bhadda, cũng như sự giận dữ trong nội tâm, khi có đủ duyên thì sẽ xuất hiện, khi đủ duyên thì sẽ tan. Duyên khởi dậy của sự sân hận là một nội tâm còn vô minh phiền não, một nghịch cảnh bên ngoài xuất hiện. Duyên để cho sự sân hận tan biến là ý niệm Nhẫn Nhục Từ Bi khởi lên, như cơn mưa tưới xuống ngọn lửa đang cháy.

- Cũng vậy, lửa muốn bốc lên thì phải có sẵn một chất cháy như gỗ hoặc dầu, rồi phải có cái nóng bên ngoài châm vào như cọ xát hoặc ngọn lửa khác bén đến. Nhưng khi có cơn mưa xuất hiện, lửa sẽ tan, hoặc cháy hết dầu hết củi, lửa cũng tắt. Lửa do duyên mà đến, cũng do duyên mà đi.

- Thưa hiền giả Sariputta, hiền giả nói sai rồi. Thế gian này vốn không có lửa. Chỉ vì vua trời thương con người nên ban cho họ lửa để nấu ăn, để sưởi ấm, và con người phải biết dùng lửa đốt hương hoa, nhờ lửa đưa lên trời cúng dường vua trời trở lại như là sự đền ơn. Lửa xuất hiện như là một phép lạ. Trong củi không có lửa, trong dầu không có lửa, vậy mà khi con người có lòng thành, biết cọ sát nóng lên thì lửa xuất hiện. Thế nên lửa là phép lạ.

- Này nữ đạo sĩ Bhadda, nếu ta cọ sát cho nóng cục đá đến đâu thì đá cũng không bốc cháy. Chỉ có gỗ mới cháy, vì sao, vì trong gỗ có chất cháy mà trong đá không có. Nếu lửa là của vua trời ban cho thì đá cũng phải cháy. Nhưng rõ ràng đá không cháy, chỉ có gỗ hay dầu mới cháy. Vì vậy, lửa là do chất cháy tạo nên khi có sức nóng áp vào. Cũng như nội tâm vốn chưa có sân hận, nhưng thật ra đã có sẵn chất liệu của sự sân hận, thì khi gặp duyên, sự sân hận mới khởi lên vậy.

- Ngài hiểu gì về vua trời mà nói như thế?

Tôn giả Sariputta (Xá Lợi Phất) đáp:
- Vua trời có hai nghĩa, một là người có phước rất lớn sinh lên cõi trời và được làm Thiên Chủ, tiếp tục lo cho Thiên chúng và cũng lo cho cõi người. Vị Thiên chủ này cũng phải thực hành Thiên đạo, nghĩa là những quy tắc của trời đất công bằng.

- Nghĩa thứ hai, vua trời là công đạo tự nhiên, không phải một cá nhân nào, chính là những quy luật tự nhiên của trời đất, có nhân có quả, có tội có phước, không phải ngẫu nhiên mà sinh hay diệt.

Nữ đạo sĩ Bhadda liền phản biện:

- Vậy khi Đạo giáo của chúng tôi thờ vua trời tức là chúng tôi đã thờ vị tối cao của trời đất, nên Đạo giáo chúng tôi là tối cao của thế gian !!!

Tôn giả Sariputta (Xá Lợi Phất) đáp:

- Thực ra không phải vì ta thờ vị cao nhất thì ta cũng cao nhất. Phải xem ta có thực hành công đạo của trời đất hay không nữa. Nếu ta cho rằng mình đã thờ vua trời rồi sau đó mình làm các ác nghiệp như sát sinh, lấy của không cho, tà dâm, nói lời ác độc... Thì mình vẫn là kẻ thấp kém giữa thế gian này.

Nữ đạo sĩ Bhadda liền phản biện:

- Ai đã thờ vua trời thì tâm người đó được vua trời giữ gìn để sẽ sống đúng với công đạo của trời đất, nên họ sẽ là người cao quý giữa thế gian này.

Tôn giả Sariputta (Xá Lợi Phất) đáp:

- Nếu vua trời có thể điều khiển tâm trí con người hoàn toàn thì sao vua trời không điều khiển tất cả mọi người cùng thờ vua trời, mà trên đời vẫn còn rất nhiều người chẳng biết gì đến vua trời. Thế nên thực ra vua trời không thể điều khiển hoàn toàn tâm ý của chúng sinh. Chúng sinh vẫn có ý chí riêng của mình, chúng sinh vẫn có sự chọn lựa riêng của mình. Ai chọn lựa điều đúng thì sẽ được quả báo tốt lành, ai chọn lựa điều sai thì sẽ chịu quả báo đau khổ.

Bhadda nói:

- Thế gian trời đất này không phải tự nhiên mà có, phải được ai đó tạo ra, phải có người tạo ra. Người mà tạo ra được tất cả thế gian trời đất này thì phải là đấng siêu việt phi thường, phải là vua ở trên trời cao hơn tất cả. Chỉ nhìn thế gian này thì ta phải hiểu có người tạo ra. Nếu hiểu có người tạo ra thì ta phải hiểu người đó vĩ đại đến dường nào.

Tôn giả Sariputta đáp lại :

- Thế gian trời đất này không phải tự nhiên mà có, cũng không tự nhiên mà tan hoại. Tất cả đều có nhân duyên. Hãy nhìn con người sinh ra lớn lên rồi già chết. Hãy nhìn chiếc lá mọc xanh rồi úa tàn rơi rụng. Hãy nhìn cái gì có bắt đầu rồi phải có chấm dứt, thì ta hiểu rằng vô thường biến đổi là quy luật tự nhiên. Nếu có đấng trên cao nào có hứng thú tạo ra vạn vật thì cớ gì đấng đó để cho vạn vật từ từ hư hoại khỏi bàn tay quyền lực của mình. Chỉ nhìn thế gian này mọi thứ sinh ra rồi mất đi mà ta hiểu tất cả chỉ là nhân duyên mà thôi.

- Tại sao hiền giả cứ ngoan cố không chịu chấp nhận có một vua trên trời đã tạo ra tất cả để hết lòng thờ phụng Ngài mà được phước lành, để khi bỏ thân này sẽ được sinh về cõi trời sống bên cạnh Ngài?

- Này nữ đạo sĩ, nếu tôi nói rằng tôi đã từng gặp vua trên trời và nói chuyện với ngài, hiểu ngài rất rõ, thì nữ đạo sĩ nghĩ sao?

Bhadda chỉ vào mặt Tôn giả cãi:

- Không thể có chuyện đó. Hiền giả không thể gặp vua trời để trò chuyện được !!!

Tôn giả Sariputta bình thản trả lời:

- Cô cứ khăng khăng rằng quả thật có vua trời, vậy mà khi ta nói ta có gặp vua trời thì cô lại không tin. Có lẽ trong thẳm sâu lòng cô cũng không tin có vua trời. Nếu cô tin quả thật có vua trời thì cô phải tin rằng việc gặp gỡ Ngài sẽ rất dễ dàng chứ đâu có quá khó khăn vậy. Mà hình như cô cũng chưa bao giờ gặp vua trời dù rất tin ngài có thật phải không ạ?

Bhadda im lặng, lúng túng….

Tôn giả Sariputta tiếp tục nói:

- Ta đã gặp vua trời, đã trò chuyện rất thân tình. Ngài đúng là vị vua hiền đức độ lượng trí tuệ. Ngài cai quản cõi trời và cõi người. Ngài chăm sóc dạy dỗ chư Thiên tử rất ân cần. Ngài cũng bận rộn quan sát cõi người để âm thầm sắp xếp mọi chuyện cho công bằng hợp lý. Chỉ có điều là Ngài không phải là người đã tạo ra tất cả. Ngài cũng như các vị vua khác, những vị vua ở trên trời.

- Mà cõi trời cũng có nhiều cõi khác nữa, không phải chỉ có một cõi của Ngài. Vì hiểu như vậy nên Ngài rất khiêm tốn. Trên cõi của Ngài còn có các cõi trời cao hơn, có chư Thiên tử đạo đức cao vời không cần ai cai quản. Các cõi trời cao hơn đó không cần có vua trời.

Bhadda nhìn trừng trừng vào Tôn giả Sariputta không nói được gì nữa. Tất cả hội chúng đông đảo cũng đều bất động sững sờ.

Tôn giả Sariputta lên tiếng phá tan sự im lặng:

- Này nữ đạo sĩ Bhadda, nếu cô không có gì để hỏi ta nữa thì ta hỏi lại cô nhé?

Bhadda khẽ gật đầu.

Tôn giả Sariputta giơ một ngón tay lên hỏi:

- Cái gì là một?

Bhadda ngơ ngác không đáp.

- Nếu cô không muốn nói thì ta nói giùm cô nhé. Trên thế gian này không có gì đứng một mình cả. Mọi thứ đều nương tựa lẫn nhau để sinh hóa, tồn tại và suy tàn. Nếu có một cái có thể đứng một mình, có thể không cần dựa vào cái khác, có thể vượt lên trên tất cả, thì đó chính là sự giác ngộ phi thường của Đấng Chánh Giác. Sự giác ngộ phi thường đó chỉ xuất hiện khi bậc Đại Thánh không còn chấp ngã, không còn vô minh, không còn tham ái, không còn sinh tử luân hồi. Bậc Chánh Giác như thế, vượt hơn mọi điều cao thượng trên đời như thế, chẳng những có thể tự mình đã giải thoát cao siêu, lại còn có thể thuyết Pháp giáo hóa chúng sinh, chỉ dạy một con đường tu hành chân chính cho chúng sinh bước từng bước vững chắc đi đến giác ngộ giống như thế.

- Này nữ đạo sĩ Bhadda, cô là người thông minh, có thể hiểu tức khắc đầy đủ những điều mà kẻ đối diện nói chưa hết câu. Nay cô đã nghe những điều ta nói về sự siêu việt của sự giác ngộ phi thường của Đấng Chánh Giác, ta tin rằng cô đã cảm nhận được có một con đường cao siêu chân chính để đi đến sự giác ngộ như thế...

Tôn giả Sariputta thuyết Pháp cho Bhadda, Bhadda rơi nước mắt quỳ xuống đảnh lễ Tôn giả Sariputta.

Bhadda đi theo chư Tăng về tinh xá Kỳ Viên. Các Tỳ kheo đưa Bhadda đến gặp Tỳ kheo Ni Yashodara. Nữ tôn giả Yashodara cạo tóc cho Bhadda.

Đêm khuya Bhadda tọa thiền dưới tàng cây. Toàn thân Bhadda tỏa hào quang...

(Sưu tầm)

_________________


Hoang Nguyen gởi