Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh



 
ĐẠI TÁ BA LAN KONELSKO
 
 
 
KONELSKO thường đến thưởng-ngoạn phong-cảnh tại Chùa Non-Nước, một kỳ-quan của Ðà-Nẵng–Quảng-Nam.
 
Ở đây có chùa Phật-Giáo với các nhà-sư; có động thạch-nhũ; có hang sâu; có thủ-công-nghệ biến đá non thành đồ dùng và đồ trang-trí đẹp, lạ và quý; có nhiều lối đi quanh-co vắng-vẻ thích-hợp với những cuộc hẹn-hò riêng-tư.  Ban ngày thì khách du-lịch, khách hành-hương, và khách vãng-cảnh tới+lui tấp-nập.  Một số cư-dân địa-phương sống nhờ bằng nghề buôn bán thức ăn, thức uống, nhang, đèn, trầm, đồ chơi, đồ kỷ-niệm; chuyên-chở và giữ xe.  Ban đêm thì cả vùng im-lặng, vắng hoe; có tin là Việt-Cộng giả-dạng thầy-tu thỉnh-thoảng có đến hoạt-động trong khu-vực này.
 
TÔI đi thăm Chùa Non-Nước, có để ý thấy ở vùng chân núi, gần bãi đậu xe, có một tu-sĩ trẻ tuổi ― hay chỉ là một thanh-niên cạo trọc đầu ― mặc bộ đồ vàng của nhà-sư, thường lảng-vảng xung quanh.  Có tin nói rằng đó là một người điên; lại có tin cho rằng đó là một phần-tử trốn quân-dịch; nhưng tôi không có lý-do gì hoặc cơ-hội nào thuận-tiện để xét hỏi giấy-tờ, lý-lịch của anh-ta; vì anh-ta mặc-nhiên là một nhà tu-hành ở chùa, hơn nữa, chưa có hành-vi gì sai+trái.
 
Chúng tôi tránh gây bất-bình cho các giáo-hội, đoàn-thể, quan-nhân.  Ni-sư Huỳnh Liên là một tay sai của Việt-Cộng ở giữa Thủ-Ðô Saigon, hoạt-động công-khai, mà cả guồng máy đầu-não của hệ-thống An-Ninh Tình-Báo trung-ương trong đó còn chưa thể làm gì được, huống gì.
 
MỘT buổi chiều nọ, Konelsko đi Chùa Non-Nước.
 
Theo báo-cáo của Toán Ðặc-Nhiệm theo dõi Ủy-Hội Quốc-Tế thì ông-ta có lời-lẽ hay cử-chỉ khiếm-nhã thế nào đó đối với một số người địa-phương, nên nhà-sư trẻ tuổi kia mới đến dùng tiếng Anh cãi-vã với ông-ta; cuối cùng, viên đại-tá Trưởng Phái-Ðoàn Ba-Lan phải trở vào xe giục tài-xế lái chạy để khỏi bị nhà-sư tấn-công; nhưng nhà-sư ấy vẫn rượt đuổi theo, dùng tay và răng xé nát lá cờ Ủy-Hội Quốc-Tế (ICCS) cắm trước đầu xe.
 
Nhân-viên của tôi là nhân-viên chìm, không có quyền-hạn can-thiệp vào những việc đó.
 
Tìm hiểu, chúng tôi được biết tên thật của nhà-sư kia là Nguyễn Văn Ðồng.  Anh-ta tuy còn trẻ tuổi nhưng có tư-tưởng cấp-tiến về nhiều vấn-đề đương-thời.
 
Chúng tôi tin rằng trong vụ đụng-chạm với nhà sư trẻ tuổi ở Chùa Non-Nước, phần lỗi về phía Ðại-Tá Konelsko.
 
Ông-ta đã từng kiếm cách gây sự với Chính-Quyền địa-phương.
 
Vụ từ-khước treo quốc-kỳ Việt-Nam Cộng-Hòa vào ngày quốc-khánh của ta (xem bài “Ngày Quốc Khánh 1-11-1973”) được xem là thái-độ khẳng-định lập-trường chính-trị của cả hai đảng cộng-sản Ba-Lan và Hung Gia Lợi, bất-chấp lễ-tục ngoại-giao.
 
Konelsko cũng trực-tiếp chọc ghẹo chúng tôi.
 
Có một lần ông-ta đi bộ dạo phố; trên đường Nguyễn Thị Giang, ông-ta nhét vào hộp thư Bưu-Ðiện dọc đường một bì thư, dăm phút trước giờ Bưu-Tín-Viên đến lấy thư mang về Bưu-Cục.  Nhân-viên giám-thị báo-cáo là sau đó ông-ta đã đến đứng nấp sau một góc đường quan-sát xem thử mật-viên ― mà ông-ta tin là đã theo dõi, có thấy ông-ta bỏ bì thư vào ― có đến hỏi thăm về bì thư kia hay không.
 
MỘT lần kia, Konelsko đi dạo phố chơi.  Ông-ta đã bị kẻ gian rút mất cái bóp.  Sau đó, ông-ta tiết-lộ với cô Lan là sẽ nêu vụ này ra trước phiên họp chung với Phái-Ðoàn Việt-Nam Cộng-Hòa trong Ban Liên-Hợp Quân-Sự (lý-thuyết là 2-Bên, nhưng thực-tế chỉ là 1-Bên, vì Việt-Cộng không đưa đại-diện đến làm việc trong Ban này).
 
NGUYỄN-THỊ-LAN là một thiếu-nữ đẹp, ký-sự tại khách-sạn “Hồng Kông” do Hãng Thầu thuê riêng cho hai Phái-Ðoàn cộng-sản ở, phụ-trách tiếp-nhận để đáp-ứng các nhu-cầu của khách trọ liên-quan đến các vấn-đề chỗ ở, đồ ăn, thức uống, vệ-sinh, giặt+ủi, xe-cộ, tài-xế, thư-từ, khách-khứa, v.v...  Nói tiếng Anh giỏi, kiến-thức khá, thông-minh, lanh-lợi, thùy-mị, duyên-dáng, bặt-thiệp, tháo-vát, cô Lan được mọi thành-viên của cả hai Phái-Ðoàn nói trên mến chuộng.  Nhưng, lẽ thường-tình, đã có các Trưởng Phái-Ðoàn là sĩ-quan cao-cấp, lại có các thông-dịch-viên ― là thành-viên quan-trọng, vì luôn luôn gần-gũi với thượng-cấp cũng như các giới-chức cao-cấp đại-diện các quốc-gia hoặc tổ-chức khác ― nên các thành-viên khác chỉ tiếp-xúc/nhờ-vã Lan trong những việc bình-thường mà thôi; còn chuyện tâm-tình nam-nữ thì hiển-nhiên chỉ dành cho các Trưởng Phái-Ðoàn và các thông-dịch-viên ― vốn hay lợi-dụng cơ-hội để chiếm nhiều thì-giờ trò-chuyện làm thân với Lan hơn.
 
Thông-Dịch-Viên của Phái-Ðoàn Ba-Lan lúc đó là Interski.  Anh-ta là một thanh-niên đẹp trai, tất-nhiên nói giỏi tiếng Anh, giao-tiếp rộng, hiểu biết nhiều, hào-hoa phong-nhã.  Những lúc làm việc thì anh-ta mặc quân-phục với cấp-bậc trung-úy; nhưng tin-tức điệp-báo cho biết anh-ta là một cán-bộ tình-báo xuất-sắc, được KGB của Liên Xô đào-tạo.  Tôi tin điều đó là đúng sự thật, nhưng rất ngạc-nhiên vì chính anh-ta... đã phạm rất nhiều sơ-hở.  Trên thị-trường Ðà-Nẵng có nhiều loại hàng tơ lụa rất đẹp, rất tốt, của các nước tư-bản nhập vào; kỹ-thuật may-đo của người Việt-Nam rất cao, và tiền công tương-đối rẻ.  Interski đã ra phố đặt may khá nhiều áo quần hợp thời-trang; và may cả quân-phục bằng hàng Tây-Phương, màu thổ-huỳnh, màu ô-liu, và cả màu trắng nữa.  Dân-chúng địa-phương hầu như không để ý gì, vì họ xem chung mọi người ngoại-quốc đều là ngoại-nhân, ăn mặc thế nào là việc riêng của quân-đội quốc-gia liên-hệ; song cấp chỉ-huy trực-tiếp là Ðại-Tá Konelsko thì mặc-nhiên chấp-thuận ― hay là chịu đựng ― cho thông-dịch-viên của Phái-Ðoàn mình lần này thì mặc đồ Bộ-Binh, lần sau thì khoác áo Hải-Quân, và lần sau nữa thì đội lốt Không-Quân!
 
Trong phòng-khách khách-sạn “Hồng Kông”, tối nào các Trưởng Phái-Ðoàn và Sĩ-Quan Ðiều-Hành cùng thông-dịch-viên của cả hai Phái-Ðoàn cũng chiếm mấy cái ghế bên quầy rượu ở chỗ gần cô Lan nhất, ngoại-trừ những khi có người nào bận việc gì khác thì mới vắng mặt.  Và thường thường thì về khuya chỉ còn lại một người, khi thì người này, khi thì người kia, rỉ-rả chuyện-trò với cô Lan.  Ðó là lúc mà Lan có thể hỏi dò gần xa những điều mà tôi muốn biết, đồng-thời thổ-lộ những điều mà tôi muốn cho họ biết.  Tôi muốn tìm hiểu và điều-khiển ý-nghĩ và tình-cảm của họ.
 
SAU khi được Lan báo-cáo rằng Konelsko có ý-định bêu xấu Chính-Quyền Việt-Nam Cộng-Hòa đã để xảy ra vụ móc túi giữa ban ngày trong thành-phố, tôi liền phản-công ngay.  Tôi nhờ Biệt-Ðội Hình-Cảnh thuộc Bộ Chỉ-Huy Cảnh-Lực Thị-Xã Ðà-Nẵng truy-tầm ― và bộ-phận này đã thu-hồi lại được và giao cho tôi cái bóp của ông-ta.  Tôi liền cho nhân-viên viết một bức thư bằng chữ Anh, bỏ vào phong bì, đề gửi cho Ông Konelsko.  Cái bóp và bức thư ấy được giao cho Lan cùng với chỉ-thị thi-hành.
 
Khi Konelsko đi chơi về thì Lan đưa riêng cho ông-ta cái bóp và bức thư; Lan nói là của một người đem đến, dặn đưa riêng cho Ô. Konelsko.  Ông-ta vội-vã nhét cái bóp vào túi quần và bức thư vào túi áo, rồi đi nhanh lên buồng ngủ; chắc-chắn là để kiểm-soát lại bên trong cái bóp và đọc bức thư.
 
Kính gửi Ông Konelsko,
 
Tôi gửi trả lại Ông cái bóp và tất cả những gì vốn có trong đó của Ông.
 
Ðừng hỏi tôi là ai, lấy cái bóp của Ông ở đâu, lúc nào, cách nào, và để làm gì.  Vì nếu trả lời rằng tôi là kẻ móc túi, móc lấy cái bóp ở người có bóp, vào lúc người ấy thì không cảnh-giác mà tôi thì cũng run-sợ, để có chút tiền dùng tạm cho bản-thân..., thế thì: trên mặt đất này hiện có những kẻ cấu-kết với nhau thành một đảng lớn, dùng vũ-lực và bạo-lực công-khai chiếm-đoạt hết tài-sản của toàn-dân toàn-quốc, còn ngang-nhiên bóc-lộc sức lao-động và trắng-trợn tước-đoạt hết tự-do, nhân-phẩm và quyền làm người của mọi người, để xây-dựng một chủ-nghĩa không-tưởng, trong đó Ông là một thủ-phạm đồng-thời cũng là một nạn-nhân (vì Ba Lan cũng là nạn-nhân của Nga-Xô) thì, giữa tên móc túi hèn-mọn và lũ đạo-tặc ngạo-mạn, Ông kết tội ai?
 
Nhưng thôi, tôi không triết-lý rẻ tiền.
 
Ông chỉ cần tự hỏi:
 
Nếu cấp-trên và cơ-quan tình-báo của Ông biết được vụ này, thì Ông sẽ phải trả lời thế nào, vì đã để cho ít nhất là một số giấy-tờ cá-nhân trong cái bóp ấy lọt vào tay người ngoài, và biết đâu người-ta sẽ không nghi-ngờ là Ông giả-vờ sơ-ý để bị móc túi, một cách để gián-điệp địch đóng vai kẻ móc túi mà tiếp-nhận những gì của Ông cố ý trao cho...
 
TỐI ấy, Konelsko xuống phòng-khách muộn.  Hẳn-nhiên ông-ta đã suy-nghĩ nhiều về nội-dung bức thư.  Vấn-đề không phải là Cảnh-Sát Việt-Nam Cộng-Hòa, mà là thông-dịch-viên dưới quyền của ông-ta.
 
Và thế là Konelsko không còn tinh-thần nào để đòi phàn-nàn Việt-Nam Cộng-Hòa về nạn móc túi giữa đường.
 
TÔI mới móc nối được các nhân-viên của Hãng Thầu sau ngày tôi đến Vùng I (26-9-1973), nhưng họ đã làm việc ở khách-sạn “Hồng Kông”, nghĩa là đã tiếp-xúc với các thành-viên Ba-Lan và Hung-Gia-Lợi, từ sau Hiệp-Định Paris (27-1-1973), tám tháng trước rồi.  Thời-gian ấy hẳn đã đủ cho Ðại-Tá Konelsko, là Trưởng Phái-Ðoàn Ba-Lan, Ðại-Tá Guy Nagy, là Trưởng Phái-Ðoàn Hung-Gia-Lợi, và thông-dịch-viên Interski của Ba-Lan, có thể bạo-dạn để tỏ tình với cô Lan.  Ðối với các vũ-nữ, chiêu-đãi-viên phòng trà, chỉ cần một chầu nhảy, một chầu uống, đôi khi chỉ cần một người trung-gian giới-thiệu, là ai cũng có thể có được một người bạn dục-tình chốc-lát hoặc qua đêm.  Nhưng đối với cô Lan, một mẫu người đoan-trang thanh-khiết, các cây si ngoại-quốc ấy không thể nào mời được Lan đi chơi; dù liều-lĩnh lắm cũng không thể nào cầm được bàn tay của cô-ta.  Càng gặp khó-khăn, tình-cảm của họ càng tha-thiết; họ làm đủ cách để chinh-phục trái tim của Lan, kể cả nói hết từ chuyện cá-nhân, chuyện gia-đình, đến chuyện xã-hội, chuyện chế-độ. 
 
Tôi thì chỉ cần có thế.  Những vụ Nga-Xô đem quân qua Vác-Xô-Vi, Buy-Ða-Pét, từ thập-niên 1950, tước-đoạt chủ-quyền của Ba-Lan, Hung-Gia-Lợi, được Lan nêu ra như là một thắc-mắc của người ngoài cuộc; bên ngoài là để được nghe ý-kiến của người trong cuộc xem thử có gì khác với dư-luận Tây-Phương hay không; nhưng bên trong là để khơi dậy tinh-thần dân-tộc, lòng ái-quốc ở những con người vốn luôn luôn nói đến nghĩa-vụ và quyền-lợi của người dân, và không quên tự cho mình là thành-phần tiên-tiến.  Khi tìm hiểu đời sống bên trong bức màn sắt, Lan đã nhắc-nhở xa gần đến cảnh ngược lại trên phần đất tự-do của thế-giới ngày nay.
 
Trước người đẹp, các người đàn-ông đều muốn tỏ ra là mình nổi bật hơn người khác về mặt này hay mặt kia.  Lan đã lợi-dụng nhược-điểm ấy để tạo nên một không-khí căng-thẳng giữa Konelsko và Inteski.
 
Viên đại-tá thì đã có lần nói thẳng với Lan: “Nó ở dưới quyền của tôi, tôi có thể tống-khứ nó đi nơi khác bất-cứ lúc nào!”
 
Còn viên thông-dịch thì cũng đã có lần hé lộ với Lan: “Tôi chẳng sợ gì ông- ta; ông-ta không làm gì tôi được đâu, mà trái lại là đằng khác!”
 
KONELSKO dặn Lan đừng nói với ai về việc ông-ta bị mất cái bóp.  Ông-ta nói rằng đã được trả lại rồi thì xem như không hề bị mất.  Ngần-ngại một lát, ông-ta hỏi: “Lúc cái bóp và bức thư được đưa đến, có ai thấy không?”
 
Cô Lan biết rõ là ông-ta rất sợ bị Interski trông thấy; nếu thấy, anh này sẽ hỏi và sẽ biết, và sẽ đặt vấn-đề y như “tên móc túi” đã viết trong bức thư.
 
Lan giả vờ cố nhớ lại, rồi đáp: “Không.”
 
Konelsko có thể nghĩ là Lan giấu mình; nhưng ông-ta cũng có thể nghĩ là cô-ta nói thật, song vẫn có thể là cô-ta sẽ kể lại cho viên thông-dịch nghe.
 
Như thế thì ông-ta càng cần phải mua chuộc cảm-tình của cô-ta hơn.
 
Nhờ đó, Lan củng-cố thêm cái lợi-thế của mình.
 
TÔI cho báo tin cho Lan biết về vụ lá cờ Ủy-Hội Quốc-Tế bị xé ở Chùa Non-Nước, và chỉ-đạo cách hành-động cho Lan.
 
Khi Ðại-Tá Konelsko trở về khách-sạn thì lá cờ rách không còn.  Chắc hẳn ông-ta đã cho ngừng xe dọc đường mà lấy giấu đi rồi.  Cờ thì còn nhiều trong tủ, cũng như quốc-kỳ hai nước, băng đeo tay áo: cần thì lấy dùng, không ai để ý.  Cuối tuần, cũng như ngoài giờ làm việc, ai muốn đi đâu thì đi; và lần này thì viên đại-tá chỉ đi một mình nên không có thành-viên nào khác chứng-kiến việc xảy ra.  Nhưng ông-ta vẫn sợ viên tài-xế kể lại rồi đến tai viên thông-ngôn.  Ông-ta không tiện dặn-dò gì viên tài-xế, vì ông-ta không muốn tỏ lộ là mình lo-ngại về việc xảy ra; hơn nữa, tài-xế là của Hãng Thầu phái đến, ông-ta không có quyền gì đối với người ấy, khi mà người ấy không phạm lỗi gì.
 
TỐI đó, cô Lan phải khơi chuyện trước, vì Konelsko tưởng là cô-ta không biết nên không đả-động gì.  Khi Lan hỏi về chuyện gì đã xảy ra, thì ông-ta hỏi lại là cô-ta đã nghe những gì.  Thế là Lan tha-hồ bịa chuyện.  Theo lời Lan kể thì người hàng-xóm làm nghề chở thồ xe Honda-2-bánh tình-cờ có mặt tại chỗ và đã nghe thấy đầu đuôi mọi sự: 
 
Lúc đầu, viên đại-tá Ba-Lan hỏi những người làm nghề linh-tinh quanh bãi đậu xe: sao không lập thành Nông-Hội, đòi hỏi nhà-nước cấp đất ― vì đất bỏ hoang còn nhiều ― để trồng-trọt, chăn nuôi, sản-xuất.  Có người trả lời là muốn làm nông thì phải ở vùng ngoại-ô; mà ở vùng vắng thì bị Việt-Cộng cưỡng-thu sản-phẩm, bắt đi tải đạn, đào đường chôn mìn, đời sống bất-an.  Ông-ta lại hỏi những người chở thồ xe Honda sao không lập thành Công-Ðoàn, phân-định phiên chuyến đón khách, đảm-bảo quyền-lợi công-bằng.  Có người trả lời rằng đây là nghề tự-do, ai cần nhiều tiền thì chở nhiều chuyến, ai muốn nghỉ-ngơi thì dù được trả nhiều tiền cũng không nhận lời; vả lại, hành-khách gặp đâu đón đó, đâu cần đến bến.  Ông-ta liền chê là xã-hội này vô-tổ-chức, con người ở đây vô-kỷ-luật.  Do đó, nhà-sư trẻ tuổi mới lên tiếng can-thiệp.  Vị tu-sĩ nói:  “Tổ-chức và kỷ-luật là để tạo nên trật-tự hài-hòa trong đó con người có tự-do và hạnh-phúc, chứ không phải để thủ-tiêu tự-do và tước-đoạt hạnh-phúc của con người như trong xã-hội cộng-sản.  Người cộng-sản như các ông thì làm sao mà hiểu được cái quy-củ đa-nguyên của cuộc đời.  Chính những lề-lối tưởng như vô-trật-tự đó chính nó mới là trật-tự nhân-bản và trường-cửu.”
 
Người cộng-sản Konelsko lâu nay chỉ học lý-thuyết Mác+Lê một chiều, hôm nay mới nghe những tư-tưởng lạ, chưa biết đối đáp ra sao, thì nhà-sư trẻ tuổi đã dồn-dập chất-vấn:  “Các ông là Ủy-Hội Quốc-Tế Kiểm-Soát Ðình-Chiến, tại sao Việt-Cộng pháo-kích vào khu dân-cư, đặt chất nổ giết hại đàn-bà và trẻ-con vô-tội, các ông đã đến tận nơi, đã thấy tận mắt, mà các ông không lên án, không cảnh-cáo, cũng không chịu ký tên vào biên-bản ghi-nhận sự-kiện, mặc dù các thành-viên Ba-Tư và Nam-Dương đã ký?”  Viên đại-tá Ba-Lan đáp lại:  “Chúng tôi có đường-lối chính-sách của chúng tôi, mọi người làm việc trong tinh-thần kỷ-luật, theo hướng chỉ-đạo của tổ-chức...”  Người thanh-niên trong lớp áo tu-hành giận dữ thét lên:  “Thế nghĩa là các ông không cần kiểm-soát, giám-sát gì cả!  Ðầu óc của các ông đầy định-kiến, và việc làm của các ông đã được tiền-chế: bất-cứ việc gì xảy ra cũng là do lỗi của phía Quốc-Gia; bao giờ Việt-Cộng cũng đúng!  Vậy thì sự hiện-diện của các ông ở đây là thừa: các ông hãy cút ra khỏi đất nước này đi!”  Ðại-Tá Konelsko dịu giọng, đưa hai bàn tay ra trước, ra vẻ khẩn-cầu người đối-diện hãy bình-tĩnh:  “Tôi rất thông-cảm nỗi lòng của ông, nhưng hiện nay tôi không thể làm gì khác được...”  Nghe thế, nhà sư trẻ tuổi...
 
Ngang đây, viên đại-tá Ba-Lan không chịu nổi nữa, nhăn mặt, lắc đầu, cắt lời cô Lan:  “Không đúng sự thật! Tôi không nói thế!”  Lan cũng đưa tay chận lại:  “Nhưng người-ta kể lại với nhau như thế!”
 
Cả hai nhìn nhau: Konelsko thì vừa tức-bực, vừa lo-lắng, Lan thì làm như thành-thật chia sớt nỗi ưu-phiền của ông-ta.
 
Im-lặng một lát rồi viên đại-tá đành phải nói ra điều mà ông-ta bận-tâm:  “Interski đã biết gì về chuyện này chưa?”  Cô Lan chưa nghe gã thông-dịch-viên ấy nói gì, nhưng chụp dịp may để thực-hiện mục-đích của mình:  “Anh ấy có hỏi tôi xem đại-tá đi đâu, làm gì, có gì đặc-biệt không?”
 
Konelsko cố gắng đè-nén nhịp thở:
 
―  Rồi cô nói sao?
 
―  Tôi nói là đại-tá đi chơi như mọi lần, không có gì khác lạ cả.
 
Viên Trưởng Phái-Ðoàn Ba-Lan thở ra một hơi dài nhẹ nhõm.  Ông-ta quên mất thái-độ giữ ý của cô Lan, đặt tay lên tay cô-ta biểu-lộ lòng cám ơn; nhưng Lan đã rút tay lại.  Cô-ta đã nắm được cái thế chủ-động cần-thiết, nên phát-biểu thẳng thừng:
 
― Cấp-dưới mà dò xét cấp-trên; làm lớn mà vẫn bị nghi-ngờ!
 
Sau đó là lần lần một số tin-tức quan-trọng về nội-tình Ðảng, Nhà-Nước, và Quân-Ðội Ba-Lan, kể cả mối quan-hệ giữa Ba-Lan với Nga-Xô và các nước cộng-sản khác, Liên-Minh Quân-Sự Vác-Xô-Vi, đã được cô Lan thu-thập trực-tiếp từ miệng của Konelsko cũng như Interski.
 
NHỮNG tin-tức tình-báo ấy không có giá-trị khai-dụng đối với Việt-Nam Cộng-Hòa, nhưng rất hữu-ích đối với Người Bạn Ðồng-Minh của tôi. 
 
Ðể có thể đi sâu và tiến xa hơn, tôi gợi ý cô Lan giả-vờ chấp-nhận làm bạn tâm-tình với Ðại-Tá Konelsko.
 
Tôi thấy rõ cô-ta đã rán tự-chế-ngự để vẫn giữ lễ-phép từ-khước ý-kiến của tôi.  Bạn tâm-tình không phải là bạn dục-tình.  Nhưng theo lối sống châu Âu của viên đại-tá Ba-Lan, dù là cộng-sản, thì ông-ta cần có một bạn gái; để chia-sẻ tâm-tình thì một phần, mà để trao-đổi dục-tình thì toàn-phần.  Ðiều mong ước của ông-ta là có được một bạn gái dành riêng cho mình, có nhan-sắc nổi bật, và có xuất-xứ lương-hảo, để có thể hãnh-diện với mọi người xung quanh.  Ngược lại, trong bối-cảnh xã-hội Miền Nam Việt-Nam đương-thời, tuy có một số bị ảnh-hưởng của văn-hóa Âu Tây, nhưng phần lớn vẫn còn thấm-nhuần luân-lý Á-Ðông, cô Lan không thể có một cử-chỉ nào thân-thiết hơn đối với người đàn-ông con-trai nào, nhất là người nước ngoài ― ngoại-trừ trường-hợp cô-ta thật-sự yêu.  Ít nhất thì cũng có vài ba nhân-viên người Việt-Nam làm việc trong khách-sạn; nhất-cử nhất-động đều bị dòm ngó, dùng làm đề-tài kháo miệng với nhau, người con-gái khó kiếm được chồng đường-hoàng trong tương-lai.
 
Tôi quý mến tính-tình đứng-đắn của Lan, và tôn-trọng quyết-định của cô-ta trong vấn-đề này.  Tôi bằng lòng giới-hạn sự giao-tiếp của cô-ta trong chừng-mực ấy mà thôi, mặc dù như thế thì công-tác khó thể tiến xa hơn.
 
NHƯNG đối với Konelsko thì tôi vẫn đẩy ông-ta đi xa hơn.  Ông-ta phải ly-khai và chống lại Ðảng Cộng-Sản Ba-Lan, Khối Cộng-Sản Quốc-Tế.  Không phải bằng cách công-khai xin tị-nạn chính-trị, tức là hồi-chánh, mà là bí-mật tiếp tay với Thế-Giới Tự-Do từ trong lòng kẻ thù.  Lòng tự-ái dân-tộc là yếu-tố tinh-thần.  Phương-tiện sống là yếu-tố vật-chất.  Có thêm tình-cảm cá-nhân nữa là đủ. 
 
Ðể đánh dấu chặng đường cô Lan đã đi được, sáng hôm sau cô-ta gọi điện-thoại đến trụ-sở Ủy-Hội Quốc-Tế hỏi ý-kiến viên đại-tá Ba-Lan xem ông-ta có cần sửa-chữa gì hệ-thống điện+nước trong buồng riêng không, vì có thợ đến làm việc.  Ðó là một ngụy-thức do chính Konelsko đặt ra, để cô Lan cho ông-ta biết gấp những gì liên-quan đến ông-ta.  Lát sau, Konelsko trở về khách-sạn một mình.  Lan nói:  “Có một ký-giả Việt-Nam đến xin gặp riêng để phỏng-vấn đại-tá về vụ lá cờ chiều qua.”  Konelsko sửng-sốt, không kịp nhận ra là từ trước đến nay chưa hề có một ký-giả Việt-Nam nào tìm gặp Ba-Lan và Hung-Gia-Lợi cả.  Ông ta vội-vàng xua tay:  “Không được đâu! Cô nói giùm là tôi rất bận; tôi sắp phải bay đi nhiều nơi trong nhiều ngày.”
 
Cô Lan rót một ly rượu để lên mặt quầy, nói  “Tôi mời ông” rồi ra dấu cho viên đại-tá Ba-Lan chồm đến gần, nói nhỏ:  “Tôi có thể giúp ông, vì ở đây chỉ có một ký-giả ấy mà thôi, và tôi có quen anh-ta.”
 
― Vâng, cô giúp tôi.
 
― Nếu không thì dư-luận sẽ bàn-tán ồn-ào, đến tai cơ-quan tình-báo và cấp-trên của ông: ông sẽ bị quy chụp nhiều khuyết-điểm.  Ông là một nhân-vật quan-trọng, đại-diện Cộng-Sản Quốc-Tế, mà khi đối-đáp với một phần-tử “phản-động” tầm-thường đã không vận-dụng được lý-thuyết Mác+Lê để đánh bại tư-tưởng thù-nghịch, lại còn phát-biểu là rất thông-cảm với tâm-trạng của kẻ chống mình...
 
Konelsko phác một cử-chỉ:  “Nhưng...”
 
Nhưng Lan đã vội cắt lời:  “Vâng, tôi biết, tôi biết là đại-tá sẽ nói là đại-tá không hề có những lời-lẽ như thế.  Tuy nhiên, có ai bênh-vực đại-tá đâu?  Ở đây ai cũng tin là Ðại-Tá Konelsko đã sống thành-thật với mình...”
 
Cô Lan đặt tay lên bàn tay của viên Trưởng Phái-Ðoàn Ba-Lan, làm ông-ta mất tự-chủ.
 
Cô-ta nói tiếp:  “Tôi hiểu trong thâm-tâm đại-tá cũng muốn nói như thế, còn muốn nói nhiều hơn thế nữa.  Cuộc đời của đại-tá đâu phải chỉ quanh-quẩn trong chừng đó khuôn khổ.  Những trói buộc khắt-khe nhân-danh tập-thể thực ra đâu có hủy-diệt được ý-hướng tự-do trong tiềm-thức và cả ý-thức của mỗi một con người.  Ông hãy nói, ông hãy khẳng-định với tôi đi, ông có phải là một con người yêu Tự-Do, quý Tự-Do, hay không?”
 
Konelsko gật đầu.

Lan chộp lấy:  “Ðấy, ông gật đầu, ông xác-nhận.  Có thế chứ.  Tôi rất kính trọng những người biết trọng Tự-Do như ông.  Ðó là lý-do tại sao tôi không thích Interski:  anh-ta mù-quáng, bị lợi-dụng làm công-cụ cho một thiểu-số để kìm-kẹp đồng-bào của mình.  Nhưng, nghĩ cho cùng thì ở trên Cấp Trên trung-ương của anh-ta còn có cả một hệ-thống siêu-quyền-lực quốc-tế, nghe nói là KGB gì đó, phải không Ðại-Tá Konelsko?”
 
Konelsko đáp:
 
― Vâng, KGB là cơ-quan tình-báo của Liên-Xô.
 
Cô Lan mời:  “Ðại-tá uống thêm một ly nữa?”  Viên đại-tá Ba-Lan từ-chối:  “Không, tôi đang trong giờ làm việc.”
 
Lan tiếp:
 
― Ông có nghĩ rằng sẽ có một ngày tình-hình sẽ tốt-đẹp hơn không?
 
Konelsko đáp:
 
― Có chứ!
 
Lan nhìn thẳng vào mắt ông-ta, nói khích:  “Nghĩ như thế là một việc, mà có góp phần vào việc thay đổi như thế hay không lại là một việc khác!”
 
Viên Trưởng Phái-Ðoàn Ba-Lan nghiêm mặt:  “Cô đánh giá tôi như thế nào?”
 
Cô nữ-thư-ký khách-sạn vội bóp mạnh trên mu bàn tay ông-ta:  “Thế là đủ!”
 
Chưa bao giờ ông-ta thấy được một nụ cười rạng-rỡ như hôm nay, một nụ cười đơm trên môi mà còn tỏa ra trên mắt và nở khắp trên khuôn mặt duyên-dáng của Lan.
 
Cô-ta đưa tay xuống dưới mặt quầy, bấm tắt cái máy thu-phát-thanh tí-hon.
 
Bên ngoài chúng tôi đã thu đầy-đủ các lời đối-thoại vừa rồi.
 
TRONG lúc đó, tôi đi với Ðại-Úy Trần Văn Phú, Phó Chỉ-Huy Liên-Ðội Thám-Sát Ðặc-Biệt thuộc quyền tôi, đến bệnh-viện Tây Ðức, giả-vờ xin khám bệnh để quan-sát và chấm trước vài cô trong số các nữ-y-tá Cộng-Hòa Liên-Bang Ðức, mà Phú ― một tay bay-bướm ― đã quen biết và giới-thiệu với tôi.
 
Các cô này có đặc điểm là dễ-dàng thỏa-mãn dục-tình của người bạn trai; do đó, tuy giúp giải-quyết nhu-cầu sinh-lý tạm-thời cho Konelsko, song không có đủ sức nặng trong chiều sâu tâm-tình cá-nhân.
 
Tuy nhiên, họ có ưu-điểm là người ở nước láng-giềng, nếu cần thì dễ thông-tin liên-lạc với nhau hơn.  Họ sẽ là những viên đá lót đường trong lúc chờ-đợi tôi tìm một Lan-thứ-hai cho Konelsko.
 
TRONG số những con mồi mà tôi đích-thân chấm-định, tôi đã lựa chọn cô Angela.
 
Là một thiếu-nữ Việt-Nam lai Ấn, có quốc-tịch Pháp, nhân-viên của Hãng Hàng-Không “Air America” ở phi-trường Nha-Trang, Angela có sắc đẹp mặn-mà, có phong-thái Tây-Phương, có sức thu-hút đàn-ông ngay phút gặp mặt đầu tiên, đã từng giúp tôi ― thời-gian tôi còn điều-khiển Đặc-Cảnh tại Vùng II ― phụ phần nghe-ngóng quan-sát, để phá vỡ trọn ổ một tổ-chức bí-mật của quân-đội Phi-Luật-Tân buôn lậu súng Mỹ tồn-kho tại Nha-Trang.
 
Tôi tổ-chức cho Angela được thuyên-chuyển từ Nha-Trang ra, đến khách-sạn “Hồng Kông” làm thư-ký phụ cho cô Lan, và chuyển-giao hoàn-toàn điệp-vụ này cho Người Bạn Ðồng-Minh...
 
MỘT thời-gian sau, Konelsko ra tay trừ-khử Interski.
 
Viên thông-dịch bị trả về nước.
 
Còn viên đại-tá thì sau đó được thuyên-chuyển vào Saigon; cô Angela cũng được Hãng Thầu điều-động đi theo.
 
*
 
CUỐI năm 1974, Người Bạn Ðồng-Minh cho tôi biết là Ðại-Tá Konelsko mãn-hạn công-tác tại “chiến-trường Việt-Nam” đã về Ba-Lan và đã được thăng lên cấp tướng.
 
Một tháng trước ngày thất-thủ tiền-đồn Ðà-Nẵng của Việt-Nam Cộng-Hòa (29-3-1975), Người Bạn Ðồng-Minh đãi tiệc cơ-quan Ðặc-Cảnh Vùng I, để mừng một số thắng-lợi khác của chúng tôi.
 
Trong lúc dự tiệc, Ðại-Tá Ferguson, viên-chức liên-lạc thường-nhật với tôi, đã ghé tai tôi nói nhỏ:
 
― Chúng ta đã thực-hiện được đường dây liên-lạc với Konelsko tại Vác-Xô-Vi rồi.
 
 
LÊ XUÂN NHUẬN  
 

GHI THÊM:
 
Lê Xuân Nhuận là người đầu tiên cài cấy điệp-viên của Thế-Giới Tự-Do vào 2 quốc-gia cộng-sản Ba Lan và Hung Gia Lợi xuất-phát từ Việt-Nam Cộng-Hòa.
 

usaelection gởi