Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 

ĐẠI TƯỜNG CỐ HT.
THƯỢNG TRÍ HẠ QUANG



Thời gian luôn là lưỡi dao sắc bén cắt đứt dòng luân lưu cuộc sống.
Cái gì dù xấu hay tốt, dù giỏi hay dở, dù đẹp hay không,tất cả đều trở về quá khứ, trở thành một không gian huyền hoặc, một ảo ảnh của tâm thức; hồi tưởng cũng chỉ là vọng tưởng.

Lịch sử nhân loại có bao nhiêu danh nhân anh kiệt chỉ còn trên trang giấy mờ của tháng năm..Phật giáo cũng thế, chư Tổ đức, Thánh Tăng được lưu truyền bằng tưởng nhớ, bằng sự nhắc nhở như một ảo ảnh cho hậu thế noi theo.

Phật giáo Việt Nam trãi qua chiều dài lịch sử, thịnh suy với dân tộc như con thuyền bập bềnh theo cơn sóng;lúc tỏ rạng như trăng rằm, khi lu mờ như mây ám. Những kỷ nguyên đương đại, bao lần dân tộc nguy biến, luôn có những Tăng tài xuất đầu lộ diện để hộ quốc an dân. Những lúc mà cuộc thế trắng đen phân minh, nhân tài dễ nhận diện như ngọn đuốc sáng giữa đêm tối, nhưng khi xã hội thật giả xáo trộn khó phân, lòng người điên đảo, đôi khi danh Tăng trở thành tâm điểm đa diện cho cuộc đánh giá như cá cược rủi may, nay đúng mai sai.

Hòa Thượng Trí Quang thuở còn là Thượng Tọa, một nhân vật kỳ bí, xuất thân từ vùng đất sỏi đá làng Diêm Điền, Quảng Bình, (cũng nơi đây, làng An Xá quê Võ Nguyên Giáp, làng Đại Phong quê Ngô Đình Diệm) vào Huế tu học, trong thời gian chế độ nhà Ngô lãnh đạo, Thượng Tọa Trí Quang trở thành ngôi sao lãnh đạo phong trào tranh đấu, không những đối với quần chúng Phật tử,sinh viên trí thức, có cả giáo chức, quân nhân, tiểu thương…đòi bình đẳng Tôn giáo khi lá cờ Phật giáo bị triệt hạ. Tiếp sau Hội đồng quân nhân cách mạng là những cuộc chỉnh lý xáo trộn chính trường Miền Nam, Phật giáo lại tiếp tục dấn thân đấu tranh để hoàn thiện yêu cầu đề ra.Trong giai đoạn này, tuy các thế lực ngầm lợi dụng cuộc tranh đấu nhưng không ai tin đó là thành phần trung lập trong xã hội đương thời.

Con người trầm lặng, sâu sắc như sự sâu sắc của ánh mắt lõm vào làm đôi gò má nhô ra biểu thị tính cương trực bản lãnh.là một đối tượng của bao thế lực lưu tâm.Hòa Thượng trở thành một biểu tượng lãnh đạo phong trào, nhưng lãnh đạo một Tôn giáo thiếu tổ chức dấn thân vào đấu tranh giữa thời chiến loạn lạc không thể tránh những bàn tay chính trị lạm dụng, làm lũng đoạn, phân hóa.Thời nhà Ngô sản sanh ra “Lục Hòa Tăng” thì thời ông Thiệu xuất hiện “Việt Nam Quốc Tự và Ấn Quang”, bị chính trị bôi đen nên gà nhà bôi mặt đá nhau, nhưng chư Tăng lãnh đạo hai khối đều là những bậc chân tu khả kính.

Riêng Hòa Thượng Trí Quang bấy giờ còn là tu sĩ trẻ, tuy được báo chỉ nước ngoài thổi phồng ánh hào quang:”người làm chao đảo nước Mỹ”, Người vẫn trầm lắng khó hiểu, từ đó thuyết âm mưu xem là người của “mặt trận giải phóng Miền Nam”. Đến khi đất nước thống nhất, một vài nhân vật trong chính quyền vẫn nghĩ ngài là C.I.A. Mãi đến lúc còn là nắm tro tàn, không một đa nghi nào giải mã được vấn đề.

Tiến sĩ nghiên cứu Triết học và Phật giáo, Thái Kim Lan trả lời phỏng vấn của đài BBC:
“Hơn hết và trước hết tất cả, Thích Trí Quang là một người "dấn thân cho đạo pháp", một người "cứu độ Phật giáo" và "một nhà tu hành chuẩn mực", "Từ khi ước nguyện chấn hưng Phật giáo, cho đến khi nhắm mắt, thì cái ý nguyện duy nhất của Hòa thượng Thích Trí Quang là làm thế nào để thực hành được những lời của Phật dậy

"Và ông là một vị tì kheo nghiêm túc nhất mực khi hành đạo, khi tụng kinh, cũng như là khi đi theo Phật. Chưa có ai có thể vượt qua ông về cái tu chứng và hành trì.(Thái Kim Lan).”

Sau 1975, ngài ẩn mình chuyên tâm hành trì để chú giải king tạng, sự im lặng khó hiểu đối với nhãn quan chính trị nhưng lại là cái im lặng sấm sét của nhà Phật một  khi biết áp dụng lúc nào nói năng như chính pháp, im lặng như chính pháp. Hành xử của bậc trí Thượng nhơn làm sao người thế gian có thể hiểu đúng và hiểu hết.Quá trình đóng góp  cho văn hóa Phật giáo, ngài là một trong những nhân tài của giáo dục, phiên dịch kinh sớ. chú giải luận thư xây dựng lại tinh thần Phật giáo trong thời kỳ chấn hưng, làm nền tảng cho Phật học và giáo dục Tăng ni trẻ ứng xử theo Chánh pháp.

Cuộc đời thanh bạch, đơn giản, lúc sanh tiền cũng như khi viên tịch, hầu hết các thạch trụ Phật giáo xưa nay đều như thế. 96 năm trụ thế là 96 năm lưu lại nhân gian bao giá trị về nhân cách, trí tuệ, tài năng và công hạnh.

Từ thế kỷ 19 đến  21 có biết bao danh Tăng Phật giáo Việt Nam gánh vác sứ mạng Đạo Đời song toàn, cho dù lúc Bắc Nam còn đang phân cách,bởi – Thế gian pháp tức Phật pháp.

Thoáng mà ba mùa lá rụng, hình ảnh bậc kỳ nhân vẫn chưa phai mờ trên trang sử,tuy là một thạch trụ Phật pháp đương đại, mãi đến bây giờ nhân thế vẫn còn đặt câu hỏi:

“Thích Trí Quang là ai?”
 
MINH MẪN                                                                                                       

16/11/2021  (12/10 Tân sửu)

___________________


MinhManCuSi gởi