Daisuke Inoue, người phát minh máy Karaoke ‘luyện hát’ cả thế giới
Ông Daisuke Inoue, nhà phát minh máy karaoke.
KOBE, Nhật – Máy Karaoke không chỉ mê hoặc người Việt Nam mà toàn thế giới, nhưng ít ai biết năm 2021 là kỷ niệm 50 năm ngày chiếc máy này ra đời.
Ai cũng tìm ở chiếc máy này một cảm giác hưng phấn, bày tỏ nỗi lòng và những giây phút trở thành “ngôi sao.”
Người chế tạo chiếc máy Karaoke có thể thu được tiền bản quyền $100 triệu trong năm 2019, nhưng điều này đã không xảy ra vì ông không đăng ký bằng sáng chế, theo tờ South China Morning Post.
Tuy nhiên, ông Daisuke Inoue, 80 tuổi, không cảm thấy cay đắng, vì không nghĩ rằng mình đã sáng chế một phát minh mới, giúp cả thế giới lên tiếng hát.
Ông hạnh phúc khi kể “tác phẩm” của mình đã làm thay đổi hàng tỷ người và làm thay đổi biết bao nhiêu cuộc đời để trở thành những ngôi sao ca nhạc.
Ông Inoue, hiện tại sống ở khu vực Nishinomiya, phía Tây thành phố Osaka, với vợ, con gái, ba cháu ngoại, và bảy con chó,
Nhìn bề ngoài, ít ai nghĩ đến người đàn ông có một cuộc đời bình thản như bao nhiêu ông ngoại Nhật Bản khác, lại chính là người tạo ra cuộc cách mạng văn hóa đại chúng trên toàn thế giới suốt gần năm thập niên vừa qua.
Ông Inoue bước vào thế giới showbiz khi làm tay trống cho một ban nhạc đi biểu diễn ở các phòng trà khắp nước Nhật.
Trong tám năm rong ruổi trên khắp các sân khấu, ông bắt đầu nhận ra mình không thể khá hơn với tiếng trống.
Ông định cư tại thành phố Kobe, tìm một công việc khác, nhưng tối đi đệm đàn cho thực khách hát tại nhà hàng.
Một ngày nọ, có một chủ xưởng nhỏ nhờ ông đánh đàn thu lại trên cassette tape để về nhà tập chuẩn bị hát trong một dịp tiếp khách.
Ý tưởng làm Karaoke bật lên từ việc này, ông Inoue nghĩ đến việc chế tạo một các máy có một microphone, một các loa và một máy khuếch đại, đặt ở các tiệm ăn, quán cà phê, để ai muốn hát thì bỏ đồng cắc vào thì máy chạy.
Một người bạn có một tiệm bán đồ điện tử đã ráp lại những bộ phận cần thiết, trong vòng hai tháng, ông Inoue có chiếc máy Karaoke đầu tiên là Juke 8.
Ông Daisuke Inoue với chiếc máy karaoke đầu tiên, Juke 8. (Hình: YOSHIKAZU TSUNO/AFP via Getty Images)
Ông thu được 300 bài hát để dùng cho chiếc máy này.
Thuyết phục được 10 nhà hàng, cho đặt Juke 8 tại quầy, nhưng một tuần sau đó, các chủ nhân than phiền chẳng có ai để ý.
Ông Inoue nảy ý kiến trả tiền cho một số phụ nữ trẻ đẹp đến các nhà hàng hát với “sáng chế” của mình, không ngờ, “trúng.”
Ông kể: “Không có một ai chịu buông microphone xuống mà ở đó chờ hát hàng giờ đồng hồ. Tới cuối năm đó, tôi đặt 200 cái máy Juke 8 tại hơn 200 tiệm rượu và nhà hàng tại Kobe.”
Năm kế, 1971, cả nước Nhật ùn ùn mua máy Juke 9 của ông, ông sản xuất 25,000 để phân phối cả nước.
Ông thuyết phục các nhà sản xuất băng đĩa thời đó hợp tác, thoạt đầu hơi khó, nhưng những năm sau, hầu như ban nhạc nào cũng muốn hợp tác với ông, vì đó là cách làm ca khúc của họ phổ biến nhanh chóng.
Doanh số của những năm sau đó lên đến $100 triệu một năm. Tiền nhiều nhưng trong vai trò nhà sản xuất, ông Inoue cảm thấy bị gò bó, ông không còn được đi chơi thỏa chí tang bồng như thời trẻ. Ông giao lại cho hai người con trai điều hành.
Đến một lúc cảm thấy quá đủ, ông Inoue mua một sân golf rồi biến thành một khu dưỡng lão cho các con chó già, ông nói: “Tôi không muốn người ta phải giết những con chó khi chúng về già, đưa về đây để chúng sống yên bình tới cuối đời.”
Năm 1999, tạp chí Time đã vinh danh Inoue trong số 20 người châu Á hàng đầu của thế kỷ 20 – một giải thưởng đặt ông cùng với Thánh Mahatma Gandhi. Ông Inoue thừa nhận mình bị choáng ngợp trước vinh dự trên.
Năm năm sau, 2004, trường đại học Harvard University trao giải “Ig Nobel” cho ông vì sáng tạo máy karaoke đã giúp cho tất cả mọi người một cách hành xử mới để dễ chịu hơn với nhau.
Khi đứng trên sân khấu nhận giải, ông chợt quên những lời đáp từ mà ông muốn dẫn bằng lời một bài hát, đến đó, ông lấy ra trong túi một máy ghi âm nhỏ nghe, rồi nhớ lại những gì mình cần nói.
“Tôi mong muốn chỉ cho thế giới hát, trong một sự hài hòa tuyệt mỹ,” ông phát nhạc đệm trên microphone mời mọi người cùng hát.
Và đó là lần đầu tiên khán giả đứng lên vỗ tay lâu nhất để mừng một khôi nguyên giải “Ig Nobel award.”
Karaoke ghép lại từ hai chữ “Kara” nghĩa là không và “Oke” nghĩa là ban nhạc.
Đỗ Hứng gởi