Đám cưới ngày xưa
‘Ngày xưa’ ở đây là thời tôi còn nhỏ – những năm 1935/40 – Tôi muốn kể lại một cái đám cưới ở quê tôi thời đó, để thấy hình ảnh thật thà dễ thương của Việt Nam hồi chưa bị… ô nhiễm chất ngoại lai!
Bên đàng trai là ông Cả làng Bình Trước. Vì ổng thứ bảy nên thiên hạ gọi là ông Cả Bảy để tránh kêu tên. Làng này nằm cách tỉnh lỵ mười lăm cây số. Bên đàng gái là ông Cả làng Thới An nằm ngay trong thị xã. Người ta gọi ổng là ông Cả Dừa, vì ổng có vựa buôn bán dừa khá lớn trong vùng. Cũng là ‘Ông Cả’ hết, nhưng ông Cả Thới An vẫn oai hơn ông Cả Bình Trước nhờ dựa hơi vào ‘tòa tỉnh’, còn ông Cả Bình Trước dầu không có tiếng nhưng lại có miếng nhờ ruộng vườn màu mỡ minh mông trải dài. Như vậy cũng ‘môn đăng hộ đối’!
Chú rể là con trai thứ nhì của ông Cả Bảy. Cậu nầy – người nhà gọi là Cậu Ba – học hết lớp nhứt rồi ở nhà làm ruộng. Cô dâu là con gái út của ông Cả Dừa, sau tiểu học có đi Sài Gòn học hai năm trung học rồi về phụ người chị Hai bán vải trong chợ nhà lồng thị xã.
Ông mai là thầy giáo Kiến, nhờ là bà con của hai bên nên mọi sự đều được dễ dàng… Tuy vậy, ổng cũng gặp chút khó khăn khi tính chuyện đám cưới! Nguyên do là ông Cả Dừa đòi đàng trai đến rước dâu ‘bằng một con heo đứng’ – nghĩa là heo sống – Nghe như vậy, ông Cả Bảy nói: “Cũng đúng chớ! Tập tục ông bà để lại làm sao thì mình cứ làm theo y chang như vậy mới là phải đạo!”
Vậy là ổng ra lịnh cho người nhà đạp xe vô xóm truyền rao kiếm heo. Mà phải ‘heo lang’ – nghĩa là heo trắng – cỡ trộng trộng ‘kẻo không người ta cười mình.’ Nghe tin, mấy chủ heo đem heo tới nhà cho ông Cả lựa. Người ở gần thì cột một chân con heo, dẫn bộ đi ụt ịt. Người ở xa thì cột chùm 4 chân con heo rồi để lên bọt-ba-ga xe đạp chở đi. Sân nhà ông Cả coi giống như chợ heo với heo đứng heo nằm kêu la eng éc!
Chọn được con heo vừa ý, ông Cả giao trách nhiệm giữ heo cho thằng Đực là cháu kêu ổng bằng chú, ổng nuôi trong nhà từ nhỏ. Ông Cả giải nghĩa: “Mầy lanh lợi nên tao giao con heo cho mầy chăm sóc. Từ đây đến ngày rước dâu, mấy phải kè theo nó, nuôi vỗ cho nó tươi tắn mạnh dạn, bởi vì nó là lễ vật dẫn đường đám rước dâu, mầy hiểu hôn?” Sau đó, thằng Đực đạp xe xuống trại hòm mời bác Ba thợ mộc chở thùng đồ nghề lên đóng cái cũi để ngày rước dâu khiêng con heo. Mặc dầu bác Ba chuyên đóng hòm nhưng nhờ khéo tay và ‘có con mắt’ nên bác đóng cái cũi có song bằng gỗ tạp coi cũng đặng và khi đẩy con heo vô đứng thử thấy cũng rộng rãi thoải mái.
Sáng sớm ngày rước dâu, thằng Đực tắm rửa con heo sạch sẽ, vừa lau khô ráo thì thầy Chơn – đệ tử thầy Năm Vàng dưới chùa – cũng vừa đạp xe đến, theo lời nhắn của ông Cả, mang theo cái mộc gỗ có chữ ‘Song Hỉ’ to bằng bàn tay và hộp son tàu. Chắc thầy đã quen làm vụ này nên chỉ một thoáng là thầy đã đóng xong mấy dấu đỏ lên mình con heo lang. Trước khi trở về chùa, thầy dặn: “Đừng cho con heo nằm. Cứ giữ cho nó đứng chừng nửa giờ là son khô hè!” Một lúc sau, thằng Đực lùa heo vô cũi, đóng sập cửa rồi cột lại bằng sợi kẽm nhỏ. Xong, nó đi thay quần áo: quần trắng, khăn đóng áo dài đen chỉnh tề, bởi vì nó sẽ phụ chú Tư Bộn – người gia nhân tin cẩn của ông Cả – khiêng con heo đi đầu đám rước dâu!
Đám rước dâu đi bằng xe ngựa (hồi thời đó xe hơi rất hiếm). Cứ 4 người là chung một cỗ xe, đàn ông theo đàn ông, đàn bà theo đàn bà. Chỉ có chú rể là ngồi riêng một xe với khay trầu rượu và mấy mâm lễ vật. Đặc biệt, xe chú rể được kết bông hoa có tua có tụi bằng vải đỏ và bằng bông hoa tươi! Và đặc biệt là con ngựa nào cũng mang đầy lục lạc trên đầu trên cổ và ở đỉnh đầu có một chùm lông chim màu sắc hực hỡ. Thành ra, khi ngựa lúc lắc đầu thì lục lạc khua leng keng và khi ngựa chạy thì lục lạc kêu rổn rẻng nghe rất vui tai hào hứng!
Giờ rước dâu được ấn định là đúng ngọ nên ông Cả Bảy đã canh giờ để đoàn rước dâu có đủ thời gian đi hết 15 cây số là đến cách nhà đàng gái độ 20 thước ngừng lại cho bà con bước xuống xe sửa soạn.
Người lớn trẻ con mấy nhà nằm dọc theo đường chỗ đoàn xe ngựa đậu, kéo nhau ra đứng coi, chỉ trỏ. Thấy chộn rộn, mấy con chó cũng chạy ra đường thi nhau sủa rân!
Trong lúc ông Cả và ông mai lăng xăng sắp xếp ai đứng sau ai đứng trước, thằng Đực và chú Tư Bộn đã khiêng cái cũi con heo đặt xuống đường, chờ. Đằng nhà đàng gái có mấy người chạy ra nhìn rồi chạy vô, sau đó một người chạy ra châm điếu thuốc đốt dây pháo treo trên cành vú sữa gie ra ngoài đường. Pháo nổ điếc tai. Bầy chó hè nhau sủa mấy tiếng rồi cụp đuôi chạy trốn! Con heo hết hồn, vừa kêu eng éc vừa nhảy lồng lộn làm bể tung cái cũi. Nó phóng ra, chui ngang hàng rào bông bụp nhà bên cạnh, chạy tuốt vô phía sau. Thằng Đực và chú Tư Bộn la chói lói: “Con heo sẩy! Con heo sẩy!” Mọi người nhốn nháo, cũng la theo inh ỏi! Mấy người đàn bà hết hồn vội vã trèo lên xe ngồi lại như hồi mới tới! Mấy người đang đứng coi trước nhà cũng chạy vào rượt theo con heo. Đàn ông trong đám rước dâu đều chạy ùa vô, vừa chạy vừa cột hai vạt áo dài lại cho khỏi bị vướng víu. Nghe vẳng ra từ phía vườn cây sau nhà ‘Nó đây! Nó đây nè!’… ‘Nó chạy qua sàn nước!’… ‘Nó kia kìa!’… ‘Chụp! Chụp!’… ‘Nó đó! Nó đó!’… Mấy con chó trong nhà chắc cũng rượt theo nên nghe sủa rân. Rồi chắc có con chó bị ai đạp hay bị heo lấy mũi húc nên nghe kêu ẳng ẳng. Lại nghe ‘Coi chừng nó chui qua nhà thầy Năm. Chận cái lỗ hàng rào lại! Chận lại!’… ‘Rồi! Rồi! Xáp vô! Xáp vô!’… Sau đó, chỉ còn nghe có tiếng con heo kêu eng éc như bị thọc huyết! Chó cũng thôi sủa, người cũng thôi la. Một lát, thấy thằng Đực và chú Tư Bộn khiêng tòn ten con heo nằm ngửa bằng một đòn tre xỏ giữa 4 chân heo cột thành một chùm! Đi theo sau là những người trong đám rước dâu, người nào người nấy quần áo xốc xếch lấm lem son đỏ và bùn đất!
Ông Cả và ông mai soát lại tình hình để ‘tính tới’ thì thấy thiếu mất chàng rể! Mọi người hết hồn! Lại chạy trở vô khu vườn rượt heo hồi nãy, vừa chạy vừa gọi lớn ‘Cậu Ba ơi! Cậu Ba!’ Vườn cây trái nầy khá rộng nên nghe tiếng gọi túa ra nhiều chỗ. Bỗng nghe ‘Tui đây! Tui đây!’, rồi có người hỏi ‘Làm gì trỏng vậy?’… ‘Tui kiếm cái khăn đóng’… ‘Kiếm ra chưa?’… ‘Chưa!’ Im lặng một lúc, rồi nghe ‘Đây nè!’… ‘Đâu vậy?’… ‘Trên nhánh cây mận nè!’… ‘Thôi! Đi ra! Lẹ đi! Kẻo Cả đợi!’
Thấy đám rước dâu ‘tả tơi’ quá nên bà già chủ nhà mời hết vô nhà ‘uống miếng nước’ và để lau chùi quần áo mặt mày. Thằng Đực và chú Tư Bộn thì khiêng con heo trở vô tắm rửa cho nó bên cái giếng nằm phía sau hè. Họ cũng không quên cho con heo uống nước bằng cái chậu sành để gần miệng giếng. Trong khi đó, ông Cả nhờ bà chủ nhà cho người gọi ông thợ mộc hàng xóm qua sửa lại cái cũi, cũng may chỉ sút đinh sơ sơ thôi!
Xong xuôi, ông Cả mới hỏi bà chủ nhà: “Thím có biết ai ở gần đây có con dấu Song Hỉ để đóng son tàu lên con heo không?” Bà già trả lời: “Dạ! Để tôi biểu thằng nhỏ ở nhà đạp xe qua chùa thỉnh thầy Ba qua làm vụ nầy cho!”
Vậy là độ nửa giờ sau, con heo lang mang dấu đỏ đứng yên ổn trong cũi và đám rước dâu sắp xếp hàng ngũ chỉnh tề đợi ông mai đi ‘đánh tiếng’ cho đàng gái. Một lúc lâu thấy ổng trở lại mặt mày tiu nghỉu: “Họ nói quá giờ rồi, họ không tiếp!” Mọi người đều lắc đầu kêu Trời, chắc lưỡi liên hồi rồi bàn tán góp ý ồn ào. Ông Cả đá vô cái cũi làm con heo giật mình rống lên eng éc. Ổng hét: “Thôi! Im hết! Đi dìa!” Một con chó đứng gần đó bỗng sủa mấy tiếng làm ông Cả nổi sùng, quay qua đá nó một cái làm nó kêu ẳng ẳng cúp đuôi chạy thẳng vô nhà! Mọi người đều im re, kẻ trước người sau leo lên xe. Mấy anh đánh xe dẫn ngựa quay đầu lại. Cử động của mấy con ngựa làm lục lạc khua vang. Ông Cả lại hét lớn: “Mẹ bà nó! Tụi bây lột hết lục lạc cho tao! Vui vẻ gì nữa mà nhã nhạc rùm trời!” Từ đây về Bình Trước, chỉ còn nghe tiếng móng ngựa gõ lóc cóc khô khan trên mặt đường nhựa…
Vài ngày sau, ông mai chạy đi chạy về để dàn xếp hai bên. Cuối cùng rồi cũng êm thấm: lễ rước dâu được ấn định lại vào ngày 16 âm lịch tháng tới, nhưng lần nầy đàng gái không đòi ‘heo đứng’ mà chỉ xin ‘một con heo quay’, bởi vì ông Cả Dừa nhứt định phải có đốt pháo để ổng ăn mừng ngày vu quy của cô con gái út!
Tiểu Tử
_________________
Đặng Hữu Phát gởi