Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
Đàn bà Tây Tạng - một thú vị
 
 
- Đến thăm Tây Tạng nhiều lần, tôi từng nghe nói khá nhiều về tục đa-phu ở đất nước này, nhưng chỉ tận mắt nhìn thấy một lần, do may mắn. Đó là vào tháng 3 năm 2003 vừa qua, khi tôi đưa đoàn du-lịch “Tây Tạng mùa Xuân” đi thăm tỉnh tự trị Tây Tạng ở Trung Quốc.
 
Hôm ấy, trên đường từ Gyantse đi Shigatze, thành phố lớn thứ hai ở Tây Tạng, và là “kinh phủ” của các vị Ban-thiền Lạt-ma (Panchen Lama), chúng tôi ghé thăm một ngôi làng nhỏ. Nói là “một ngôi làng nhỏ” bởi vì nó là một tập hợp của khoảng một chục ngôi nhà xây dựng rời rạc hai bên con đường tráng nhựa chạy giữa một dải thung lũng rộng và khô cằn.  
Ngôi làng này trông có vẻ khá giả hơn nhiều so với những ngôi làng mà chúng tôi nhìn thấy trên con đường đi lên hướng đông-bắc của thủ phủ Lhasa. 
 
Chamba, anh hướng dẫn viên trẻ tuổi của chúng tôi, đề nghị chúng tôi vào thăm căn nhà nằm ngay bên kia đường, đối diện với nơi chúng tôi vừa bước ra khỏi xe. Trời tuy có nắng vào buổi trưa nhưng gió tháng ba thổi rất lạnh nên chúng tôi ai nấy vội vàng băng qua đường và lách mình qua chiếc cổng nhỏ chỉ mở hé một cánh để bước vào bên trong.

Ngôi nhà khá lớn, xây theo kiểu truyền thống nửa nhà nửa trang trại của vùng Tsang (phía tây Tây Tạng). Nhà có tầng lầu và tầng trệt, nhưng nhìn từ bên ngoài thì không biết là có hai tầng, bởi vì tầng trệt không có cửa sổ mà chỉ có một vài lỗ thông gió, và mặt tường bằng đá sơn trắng xây liền từ dưới lên trên. Chạy ra đón chúng tôi là một cô gái nhỏ trạc độ 14, 15 tuổi. Ngay trước cửa chính dẫn vào nhà, chúng tôi nhìn thấy một con trâu yack lớn và hai chú trâu nhỏ, chắc vừa mới sinh được vài tuần. Chamba trao đổi vài ba câu với cô gái, sau đó quay sang mời chúng tôi đi vào bên trong nhà. Bước qua ngưỡng cửa, mọi người ngạc nhiên một cách thích thú về cấu trúc của ngôi nhà. Tầng trệt được thiết kế như một gian phòng lớn và sử dụng làm chuồng cho trâu yack, dê và trừu, đồng thời cũng là nơi chứa rơm vào mùa đông. Tầng này do không có cửa sổ – ánh sáng duy nhất là từ chiếc cầu thang bằng gỗ ọp ẹp dẫn lên tầng trên – nên vào mùa đông chắc là ấm hơn nhiều so với bên ngoài. Mùi phân súc vật khiến vài người trong đoàn hơi khó chịu.

Chúng tôi leo lên tầng trên của ngôi nhà. Thiết kế của tầng này cũng khá đặc biệt: các gian phòng để ở và sinh hoạt được xây liền nhau tạo thành một hình vuông lớn khép kín, bao quanh một chiếc sân lộ thiên cũng vuông vức nằm ở giữa. Một người đàn bà trạc 40 tuổi hơn (thật ra rất khó đoán tuổi của người Tây Tạng, vì khí hậu cùng với cuộc sống khắc nghiệt thường làm họ già đi trước tuổi, nhất là phụ nữ) đang đứng ngoài sân cùng cậu con trai nhỏ khoảng 4, 5 tuổi. Bà tươi cười chào chúng tôi, nhìn chúng tôi một cách hiền lành nhưng có vẻ xăm xoi, và quay sang nói gì đó với Chamba. Chắc là bà ta hỏi về xuất xứ và mức độ lương thiện của chúng tôi. Chúng tôi cũng mỉm cười với bà để bày tỏ thiện cảm. Phía bên kia sân, đối diện với nơi chúng tôi đứng, có một người đàn ông gương mặt lam lũ nhưng khá trẻ đang ngồi trên một chiếc ghế thấp, lưng dựa vào tường. Anh ta nhìn chúng tôi như quan sát, miệng cắn một cọng rơm dài mà anh cầm trên tay. Khi bắt gặp tôi nhìn lại anh và có ý muốn chụp ảnh, anh ngượng nghịu khoát tay như bảo “đừng chụp!” tuy không tỏ vẻ gì là khó chịu. Tôi hỏi Chamba người đàn ông trẻ tuổi ấy là ai, có phải là chủ nhà không, nhưng cũng ngụ ý hỏi rằng anh ta là gì đối với người đàn bà đang tiếp chuyện chúng tôi.
 
Và đây là câu chuyện trao đổi giữa tôi (TC) và người phụ nữ nông dân Tây Tạng ở vùng Tsang (PN), qua nghệ thuật phiên dịch của anh hướng dẫn viên trẻ tuổi và thật thà (Chamba):
(TC) – xin phép được hỏi tên của bà?
(PN) – (cười) Tsering.
(Chamba) – Tsering có nghĩa là “sống lâu”.
(TC) – cô bé kia là con gái của bà?
(PN) – vâng (cười).
Cô bé có vẻ e thẹn, không dám nhìn chúng tôi.
(TC) – ngôi nhà này là của bà?
(PN) – vâng, của tôi... không, đúng ra là của gia đình chồng tôi.
(TC) – người đàn ông ngồi đằng kia là chồng bà?
(PN) – (quay nhìn người đàn ông trẻ) vâng, anh ấy là chồng thứ ba của tôi.
Mọi người trong đoàn nhìn nhau, ngạc nhiên một cách thích thú.
(TC) – tại sao lại là “chồng thứ ba”?
(Chamba) – bởi vì bà ấy lấy cả ba anh em ruột, trong cùng một nhà.
Mọi người lại nhìn nhau.
(TC) – cả ba anh em đều là chồng của bà ấy?
(Chamba) – vâng.
 
Mọi người bắt đầu xì xào; Những câu hỏi đủ loại bắt đầu bật ra từ những cái đầu hiếu kỳ và hay nghĩ bậy của một vài người trong chúng tôi (trong đó có tôi!).
(TC) – bà lập gia đình đã lâu chưa?
(PN) – (suy nghĩ)... tôi lấy ông anh cả cách đây 17 năm, lúc tôi 20 tuổi; Sau đó một năm tôi lấy người thứ nhì, em trai của anh ấy.
(TC) – còn người thứ ba?
(PN) – (quay nhìn người đàn ông trẻ ngồi đang ngồi phía bên kia sân và cười) anh ấy là em út, tôi lấy anh ấy cách đây 10 năm.
Người đàn ông mỉm cười, có vẻ lúng túng và xấu hổ; Anh ta đứng dậy và bỏ đi vào nhà.
(TC) – ông ấy nhiều tuổi hay ít tuổi hơn bà?
(PN) – anh ấy nhỏ hơn tôi 5 tuổi.
(TC) – còn hai người kia?
(PN) – ông anh cả lớn hơn tôi 3 tuổi, người em kế hơn tôi 1 tuổi.
(TC) – họ đâu cả rồi?
(PN) – cả hai đều đang làm việc ngoài đồng.
(Chamba) – những người ở vùng này phần lớn làm nghề nông và sống định canh định cư.
(TC) – khi nào họ mới về nhà?
(PN) – họ thường về nhà vào lúc chiều tối.
(TC) – tại sao ông chồng trẻ nhất của bà lại ở nhà?
Có tiếng ai đó nói đùa “tại vì anh ta được bà ấy cưng nhất cho nên không bắt phải làm lụng”, và mọi người ồ lên cười.
(PN) – hôm nay đến lượt anh ấy ở nhà. Ba anh em thay phiên nhau, mỗi người ở nhà một ngày để trông nom vợ con.
(TC) – bà có phải ra đồng để làm lụng không?
(PN) – có chứ, khi nào công việc nhiều và họ cần đến tôi thì cả bốn vợ chồng đều phải đi ra đồng làm việc. Nhưng bình thường thì tôi ở nhà vì tôi phải trông 2 đứa con còn nhỏ; Tôi cũng có rất nhiều việc nhà phải làm.
(TC) – bà có tất cả mấy đứa con?
(PN) – ba đứa. Con bé này lớn nhất, 14 tuổi (chỉ vào đứa con gái). Thằng nhỏ là em út của nó, mới 5 tuổi.
(TC) – còn một đứa nữa ở đâu?
(PN) – nó là đứa thứ hai, con trai, 8 tuổi, đi học chưa về.
[Ở Trung Quốc hiện nay, chính sách “một con” chỉ áp dụng đối với người Hán; Những dân tộc thiểu số, trong đó có người Tây Tạng, được quyền có nhiều con hơn]
(TC) – cô con gái lớn không đi học sao?
(PN) – hôm nay tôi bắt nó nghỉ học vì em nó bị bệnh, nó phải ở nhà trông em để tôi làm việc nhà.
(TC) – việc nhà của bà là gì?
(PN) – (cười) nhiều lắm; Nấu ăn, xay bột lúa mạch để làm bánh tsampa, vắt sữa trâu yack, đánh sữa làm bơ, đôi khi làm cả pho-mát.
(TC) – pho-mát làm bằng sữa trâu yack?
(Chamba) – pho-mát làm bằng sữa trâu yack là một món ăn đắt tiền, thường để dành ăn với trà-bơ.
(TC) – ngon không?
(Chamba) – ngon hay không còn tùy người; Riêng tôi thì rất thích.
Người đàn bà nói gì đó với Chamba và đứa con gái; Cô gái nhỏ đi vào nhà bếp ở gần đấy.
(Chamba) – lát nữa đây bà ta muốn mời quý vị dùng thử món pho-mát Tây Tạng làm từ sữa trâu yack.
(TC) – trong ba người chồng của bà, bà yêu người nào nhất?
(PN) – (cười, có vẻ e thẹn)... người nào cũng tốt và cũng đều làm lụng giỏi.
(TC) – họ có bao giờ ghen với nhau không?
(PN) – không, ba anh em rất quý nhau; Đôi khi họ cũng có chuyện qua lại, xích mích giữa đàn ông ấy mà... nhưng ghen thì không.
(TC) – trong ba người, bà yêu ai nhất?
(PN) – (cười)...
(TC) – bà không muốn trả lời cũng được.
(PN) – người nào cũng thương vợ con. (Nhìn về phía căn phòng nơi người đàn ông trẻ vừa đi vào) ông chồng thứ ba của tôi rất tốt với tôi; Anh ấy thường ở nhà với tôi nhiều hơn.
(TC) – chúng tôi có thể vào thăm bên trong nhà không ạ?
(PN) – (vồn vã) vâng, được chứ, xin mời vào, mời vào...
 
Chúng tôi và Chamba theo chân người đàn bà bước vào thăm các gian phòng trong ngôi nhà ở tầng trên. Cô gái nhỏ tay cầm một chiếc khay lớn bằng nhôm đang từ trong nhà bếp bước ra thì chúng tôi bước vào. Người mẹ đỡ lấy chiếc khay, chìa ra trước mặt từng người chúng tôi và ân cần mời mọc.
(Chamba) – bà ấy mời quý vị ăn thử món pho-mát Tây Tạng, làm từ sữa trâu yack, và làm tại nhà.

Trần Chính
Voyages Saigon 


______________


Đỗ Hứng gởi