Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh

 

Dân Ông Tạ

 
 

Nhà văn – MC Nguyễn Ngọc Ngạn thời trẻ và hiện nay – Ảnh tư liệu


Giữa tháng 10-2022, nhà văn – MC Nguyễn Ngọc Ngạn đã có show diễn giã từ sân khấu ở Bangkok (Thái Lan) trong chương trình “Paris by night 134 – Nguyễn Ngọc Ngạn – Lời cảm ơn”. Gần 10.000 khán giả đã tràn ngập đêm diễn khá hoành tráng này. Nhiều người Bangkok ngạc nhiên về hình ảnh khán giả đông đảo, đa số từ Việt Nam mua vé sang coi.

Những chương trình Paris by night trước đây luôn thu hút, hấp dẫn khán giả Việt vì lúc ấy, đó là một nguồn thông tin văn nghệ nghiêm túc, hấp dẫn của bà con trong nước về nhịp sống, sinh hoạt của người Việt ở nước ngoài. Với phong thái vừa trầm tĩnh, lịch thiệp của một trí thức – nhà giáo, vừa hài duyên dáng một cách chừng mực kiểu Bắc 54, MC Nguyễn Ngọc Ngạn đã thổi hồn cho các chương trình này – từ khi ông tham gia năm 1992, lúc ông 47 tuổi, với Paris by night 17. Đến nay đã 30 năm, một thời gian có lẽ cũng đủ để ngưng, cả về tuổi tác của ông (năm 2022, ông đã 77 tuổi) lẫn độ thu hút của chương trình này thực tế đã giảm ít nhiều trong bối cảnh nguồn thông tin hải ngoại tràn ngập hiện nay. 

Nhà văn – MC nổi tiếng này là dân Bắc 54 Công giáo Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội), sinh đúng ngày Nhật đảo chính Pháp 9-3-1945. Vào Nam, thoạt đầu gia đình ông ở một trại định cư toàn Bắc 54 Công giáo vùng Củ Chi. Nơi này làm ăn có lẽ khó khăn nên ở vài năm bố mẹ ông dắt díu đàn con về đường 16, sau đổi là Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai) khu ngã ba Ông Tạ từ năm 1957. Nhà ông mặt tiền đường vì lúc đó là khu vực tường rào mặt ngoài của một nghĩa địa. Lúc ấy ông mới 12 tuổi và ông ở vùng trung tâm Ông Tạ cho tới khi đi nước ngoài, năm 1978, 33 tuổi.

Phía sau khu nhà ông xưa có một nghĩa địa khá lớn của giáo xứ Chí Hòa vốn có cả trăm năm, dân gọi là nghĩa địa Ông Tạ, nghĩa địa Thái Hòa. Trước 1954, đây là nơi chôn cất giáo dân người Nam khu vực giáo xứ Chí Hòa; khi bà con Bắc 54 di cư tới, chôn cất cả giáo dân người Bắc. Mở cửa sau nhà là thấy mồ mả nên có lẽ đó là nguồn tư liệu quan trọng để sau này nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn viết “Xóm đạo” và nhiều truyện ma.

Có một con hẻm trong nghĩa địa này chạy dài từ sau nhà lồng chợ Ông Tạ ra đường Lê Văn Duyệt nối dài, sau đổi là Phạm Hồng Thái (nay là Cách Mạng Tháng Tám) tên Tám Thơm. Xưa, hôm nào khu vực chợ Ông Tạ trên đường Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai) đông quá, tôi đi học lớp Bốn, lớp Năm trường Mai Khôi (nay là trường Bành Văn Trân) phải đi bộ vô ngõ Cổng Bom/hẻm Chùa Khuông Việt (nay là hẻm 202 Phạm Văn Hai) bọc ra hẻm Tám Thơm. Lối bọc này lúc ấy đường chưa trải nhựa, mưa xuống, đất lớp nhớp. Thỉnh thoảng tôi phải ghé qua một cái giếng lớn trong nghĩa địa để rửa chân. 

Nhà ông Ngạn ở gần nhà lồng chợ Ông Tạ, mở tiệm tạp hóa Thanh Dung. Nhà ông cách nhà ca sĩ Giang Tử ở đầu hẻm Gà (nay là hẻm 264 Phạm Văn Hai) ít căn, cũng bán tạp hóa, tên Phước Hải. Chợ Ông Tạ dù có nhà lồng chợ (nay là trường tiểu học Phạm Văn Hai) nhưng thực tế bà con buôn bán tràn ngập hai bên đường xung quanh. Hồi đầu thập niên 1970, khi học tiểu học, tôi đi bộ qua nhà hai ông hàng ngày. Lúc đó, ông Ngạn ít ai biết, còn ca sĩ Giang Tử đã nổi tiếng lắm. Chị tôi mê tít giọng ca của ca sĩ Giang Tử, thỉnh thoảng dắt tôi đi chợ đều chỉ nhà ca sĩ cho tôi, nói thì thầm: “Nhà ca sĩ Giang Tử đó”. Tôi lúc ấy bảy, tám tuổi, nghe vậy biết vậy chứ có biết ông Giang Tử là ai, ca sĩ Giang Tử hát thế nào. 

Trong mấy anh em trai của ông Ngạn có anh Trọng sinh hoạt trong trong ca đoàn giáo xứ Nam Thái, sau này là nhạc sĩ – ca sĩ Ngọc Trọng của “Buồn vương màu áo”. Thời trung học, ông Ngạn học trường Nguyễn Bá Tòng (nay là Trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân, TP.HCM) và trường Chu Văn An (Sài Gòn) cùng với bạn thân cùng xóm Chợ, ấp Chợ (Ông Tạ) là Giang Tử. Khi ca sĩ Giang Tử định cư ở Mỹ, ông Ngạn giới thiệu bạn cũ vào ca ở Paris by night. Ca sĩ Chế Linh không ở Ông Tạ nhưng cũng là bạn học thân của ông.

Sau này, gia đình ông Ngạn lẫn ông Giang Tử cùng dời nhà về hẻm An Lạc (nay là hẻm 686 Cách Mạng Tháng Tám, cũng khu trung tâm Ông Tạ). Em ông Ngạn sau 1975 có mở quán cà phê ở nhà này. Có những mối quan hệ ngẫu nhiên nhưng thú vị: Gia đình bố mẹ ca sĩ Giang Tử cũng dời về đó. Em trai ca sĩ Giang Tử là anh Thế Sơn học với Sang, em ông Ngạn. Ngoài Ông Tạ cũng là hàng xóm, nhà vào trong An Lạc cũng là hàng xóm. Bố mẹ ông Ngạn lẫn ca sĩ Giang Tử đều về với Chúa ở Ông Tạ. Các cụ thân sinh của ca sĩ Giang Tử và nhà văn – MC Nguyễn Ngọc Ngạn sau khi mất đều gửi tro cốt ở Nhà chờ Phục sinh của giáo xứ An Lạc. Các cụ sống bên nhau, mất cũng “hàng xóm” của nhau.

Nói thêm: gần đầu ngõ Con Mắt xứ An Lạc xưa (nay là hẻm 766 Cách Mạng Tháng Tám) có hai quán cà phê. Bên phải là quán Ngự Uyển (nay vẫn còn), bên trái ban đầu là quán cà phê đầu tiên Thăng Long (sau quán này dời về đường Thánh Mẫu, nay là Bành Văn Trân), sau là cà phê Thanh Hoài của gia đình anh Đỗ Trung Quân. Khi đó, nó là một ngôi nhà trệt, mái ngói kiểu Nam bộ nằm trong một cái sân rộng. Khoảng 1972, mẹ anh Quân bán ngôi nhà ấy. Chủ mới phá bỏ toàn bộ nhà cũ, xây nhà mới. Nhà mới, chủ mới nhưng nghề vẫn cũ: cà phê Mây Chiều.

Chủ mới tên Huy, anh bà con của các anh Ngạn, Dũng, Sang, Trọng… Các cô con gái nhà này đều tên Hằng, chỉ khác tên đệm. Sau 1975, ông Huy đi cải tạo, con gái bán một thời gian rồi nghỉ bán. Gia đình xuất cảnh, nhà sang chủ mới, không bán cà phê nữa.

Cù Mai Công


_____________


Đỗ Hứng gởi