Bỗng dưng cả nước Tàu trong lục địa biết đến tên Nancy Pelosi. Chỉ nhờ guồng máy tuyên truyền, ngoại giao và quân sự làm ồn ào lên án “Phi Lạc Tây,” phiên âm tên Pelosi, đọc lối Hán Việt. Họ coi đây là một hành động khuyến khích Đài Loan độc lập, xâm phạm vào chủ quyền Trung Quốc.
Trong số 1 tỉ 400 triệu người Trung Hoa không chắc có trăm ngàn người biết tên Nancy Pelosi; trong số đó họa may chỉ mấy chục ngàn biết bà này là chủ tịch Hạ viện Mỹ. Số người biết bà có thể lên thay ông Joe Biden, sau bà phó tổng thống, chắc chỉ có một vài ngàn.
Bỗng dưng cả nước Tàu trong lục địa biết đến tên Nancy Pelosi. Chỉ nhờ guồng máy tuyên truyền, ngoại giao và quân sự làm ồn ào lên án “Phi Lạc Tây,” phiên âm tên Pelosi, đọc lối Hán Việt. Họ coi đây là một hành động khuyến khích Đài Loan độc lập, xâm phạm vào chủ quyền Trung Quốc.
Trước khi bà Pelosi bay tới Đài Bắc, ông Trịnh Lập Kiên (Zhao Lijian, 赵立坚), phát ngôn viên bộ ngoại giao nổi tiếng là “Sói Chiến đấu,” viết trên báo báo Nhân Dân rằng: “Trung Quốc chắc chắn sẽ phản ứng mạnh mẽ, quyết liệt để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.” Gần ba triệu người vào mạng đọc bài này, theo báo The New York Times. Ông dọa rằng Quân đội Nhân dân “sẽ không ngồi yên!”
Ngày hôm sau, ông Hồ Tích Tiến (Hu Xijin, 胡锡进), nguyên chủ bút tạp chí Hoàn Cầu Thời Báo của đảng Cộng sản, đề nghị bắn rớt chiếc máy bay chở bà Pelosi đến Đài Loan. Ông kêu gọi 25 triệu người vẫn theo ông trên mạng Vi Báo (Weibo, giống như Twitter), nuôi căm thù những kẻ địch. “Chúng ta sẽ đánh trả mạnh mẽ bọn Mỹ và Đài Loan, chúng sẽ phải hối hận.”
Sau khi bà Pelosi đã tới Đài Loan rồi, mạng cá nhân của ông Hồ Tích Tiến trên Weibo bị tràn ngập vì nhiều người đã vào để chế nhạo. Có người, ký tên @KAGI_02, viết: “Nếu tôi là ông, tôi sẽ mắc cỡ từ nay không dám hó háy nói một lời nào nữa, cho đến ngày thống nhất được Đài Loan!”
Cùng ngày với ông Hồ Tích Tiến, bộ chỉ huy Quân khu miền Đông, trong đó bao gồm cả Đài Loan, đưa lên Weibo lời hứa hẹn sẽ “chôn vùi đám quân xâm lược!” Hàng triệu người bấm nút “thích” câu này, trong đám hơn 47 triệu người vào coi các video chiếu cảnh đạn bay, bom nổ.
Qua ngày thứ Năm 28/7, cơ quan thông tấn của Bắc Kinh thuật lời Chủ tịch Tập Cận Bình nói với Tổng thống Joe Biden qua điện thoại, khuyên nước Mỹ không nên “đủa với lửa!”
Thế rồi, ngày 2 tháng Tám, bà Nancy Pelosi bay tới Đài Bắc, hạ cánh an toàn. Không bị bắn hỏa tiễn, không thấy chiến đấu cơ bay lên ép phải chuyển hướng. Phản ứng mạnh nhất của Trung Cộng là đưa không quân, hải quân tới vây quanh quanh hòn đảo suốt mấy ngày. Nhưng cuộc biểu dương sức mạnh chỉ diễn ra sau khi bà Pelosi đã bay đi rồi.
Dân trong lục địa cảm thấy mất mặt. Chính quyền Cộng sản mất mặt. Tập Cận Bình mất mặt. Cả nước mất mặt. Lâu nay dân Trung Hoa ít khi dám công khai chỉ trích nhà nước, trừ các quan chức địa phương. Nhưng lần này nhiều người đã lên tiếng, trên các mạng xã hội. Họ tấn công thẳng vào uy tín của chính quyền trong một thời gian, khi chưa bị kiểm duyệt đục mất.
Một người viết trên mạng Weibo, nói thẳng: “Mất mặt quá!” Và khuyên:“Nếu không đủ sức thì đừng dọa dùng vũ lực!” Trên Weibo, theo bài báo của Li Yuan trên New York Times ngày 4 tháng Tám, 2022, một người ký biệt danh @shizhendemaolulu, chế nhạo: “Khi Trung Quốc nói ‘cực lực lên án,’ hay ‘long trọng tuyên bố,’ những chữ này chắc chỉ dùng để nói với đám dân đen chúng tôi thôi!” Rồi, giống người Việt Nam hay nói: “Ác với dân! Hèn với giặc!” cũng viết thêm: “Khi cai trị dân thì cứng rắn, đối với nước ngoài thì hèn nhát!” Kết luận: “Hoàn toàn thất vọng!”
Bên cạnh nỗi tức giận là tâm trạng hổ thẹn. Có người xưng là đảng viên nói cảm thấy xấu hổ quá, sẽ xin ra khỏi đảng. Một cựu quân nhân, dùng biệt hiệu @xiongai, viết, “Tức quá ngủ không nổi!” và nói rằng từ nay ông sẽ không bao giờ kể kinh nghiệm cuộc đời chiến đấu của mình với ai nữa. Những lời tâm sự này xuất hiện trên Weibo rồi bị cắt.
Một trang mạng của bộ quốc phòng Trung Cộng đã trở thành mục tiêu cho độc giả tỏ thái độ bất mãn, dù họ vào chỉ được coi các video chiếu cảnh quân đội tập dượt. Li Yuan kể rằng có người so sánh “Quân đội Nhân dân” với đội tuyển bóng đá của nước Tàu. Từ năm 1957, đội tuyển quốc gia Trung Quốc chỉ đủ điều kiện tham dự giải Bóng tròn Thế giới (World Cup) đúng một lần, năm 2002. Sau ba trận không làm được bàn nào, thua Costa Rica 2 bàn, thua Brazil 4 bàn, thua Thổ Nhĩ Kỳ 3 bàn, đã bị loại ngay vòng đầu. Có độc giả ngỏ lời khuyên Giải phóng Quân đừng biểu dương chung quanh đảo Đài Loan nữa “để tiết kiệm xăng nhớt!” Một người góp ý kiến: “Đúng! Giá xăng dầu đang lên cao quá!”
Có ý kiến trên mạng dám nói thẳng: “Chính quyền không xứng đáng cai trị những người dân đã đợi bao nhiêu ngày giờ, chờ chứng kiến lịch sử diễn ra trước mắt mình.” Có người mỉa mai: “Đại Cường Quốc! Đúng là khôi hài!”
Những lời phê bình, than thở và nhạo báng của các công dân mạng cho thấy bộ máy tuyên truyền của Cộng sản Trung Quốc hoàn toàn thất bại. Tập Cận Bình đã cổ vũ tự ái dân tộc của người Trung Hoa, gợi lại nỗi nhục của người Trung Quốc trong thế kỷ 19, tố cáo Mỹ bao vây Trung Quốc, để hướng mọi nỗi bất mãn về “kẻ thù” ở bên ngoài. Tập Cận Bình khoe Trung Quốc mạnh mẽ hùng cường, sẽ đứng đầu thế giới. Bây giờ dân Trung Quốc cảm thấy xấu hổ hơn.
Chương trình “Phục Hưng Quốc gia 2049” của Tập Cận Bình bao gồm cả việc thống nhất Đài Loan. Ông nói rằng mục tiêu đó “không thể trì hoãn vô thời hạn!” Nhưng đối với Tập Cận Bình mục tiêu quan trọng nhất là củng cố quyền lực của mình. Cuộc họp Trung ương Đảng trong tháng này chuẩn bị cho Đại hội Đảng vào tháng 11 năm nay sẽ đưa ông lên làm chủ tịch thêm 5 năm nữa và có thể kéo dài vô hạn định. Tập Cận Bình đang ở thế lưỡng nan; một mặt phải đóng vai “người hùng” trước mắt dân chúng, mặt khác phải tránh không gây một cuộc chiến tranhtrước ngày họp đại hội. Nhất là một cuộc chiến không thể nào thắng!
Chiến tranh Ukraine là một bài học Tập phải suy ngẫm. Vladimir Putin tưởng rằng sẽ đánh chiếm được Ukraine ngay trong một tuần lễ; bây giờ đang sa lầy trong một cuộc chiến dai dẳng không biết bao giờ ngưng, mà càng kéo dài càng bất lợi.
Hai tuần sau khi Nancy Pelosi thăm Đài Loan, một phái đoàn dân biểu Mỹ, 4 Dân chủ, một Cộng Hòa lại mới theo chân bà qua thăm Đài Bắc. Trung Cộng lại dọa sẽ biểu diễn không quân, hải quân một lần nữa, rồi sẽ ngưng. Tập Cận Bình chấp nhận bị mất mặt. Dân chúng Trung Hoa cũng đành chấp nhận.
Báo New York Times kể chuyện một nhà văn Trung Quốc đi thăm Ba Lan mấy tháng mới về, ông viết trên mạng WeChat, bàn về kinh nghiệm Nga đang thất bại ở Ukraine. Ông bảo, mọi người nên mừng rằng đêm Thứ Ba vừa rồi (ngày Nancy Pelosi đến Đài Bắc) không xẩy ra chuyện gì hết. “Quý vị được tiếp tục sống bình thường, trả góp tiền nợ mua nhà, sáng mai tới sở đi làm, thử test coi bị Covid không, và tiếp tục sống… Hãy cầu nguyện mừng cho chính mình và những người thân của mình vẫn còn sống nguyên, thoát một cơn bão tố.”
Tập Cận Bình cũng đang cầu nguyện như vậy, để được bình yên leo lên ngôi hoàng đế. Các công dân mạng ở Trung Quốc cảm thấy nhục nhã và nổi giận là đúng. Nhưng rồi họ sẽ quên. Sống dưới ách cường quyền mãi cũng thành quen. Người Trung Hoa đã từng sống dưới chế độ hà khắc của người Mãn Châu từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20.
NGÔ NHÂN DỤNG
17.08.2022
__________________
Đỗ Hứng gởi