ĐẢO RÉUNION
ĐẢO RÉUNION, DẤU CHÂN LƯU ĐẦY HAI VỊ VUA VIỆT
Đảo Réunion là một trong những nơi chính chúng tôi muốn viếng thăm trong chuyến du hành qua các đảo vùng Ấn Độ Dương nằm sát cạnh châu Phi như Seychelles, Madagascar, Mauritius vì đảo đã từng có dấu chân lưu đầy của hai vị vua Việt Nam là Thành Thái và Duy Tân.
Đài Tưởng Niệm Vua Thành Thái và Duy Tân tại Đảo La Réunion vào lúc nửa đêm.
Tổng Quát.
Đảo Réunion là một đảo nhỏ được xem là đảo ‘Lost in the Idian Ocean’ (‘Mất hút trong Ấn Độ Dương’) đúng với mục đích của chính quyền Pháp dùng làm nơi lưu đầy cho hai vị vua Việt Nam.
Đảo Réunion, ‘mất hút trong Ấn Độ Dương’ (nguồn: graphicmap.com).
La Réunion, thuộc địa Pháp
Réunion hay chính thức gọi là La Réunion; trước đây là Île Bourbon. Đảo cách Madagascar 700 km về phíađông và cách Mauritius 200 km về phía tây nam. Réunion có chiều dài là 63 km, rộng 45 km và diện tích khoảng 2.517 km², hiện là một Vùng Đất Hải Ngoại của Pháp. Những người dân sống ở đây tự gọi mình là Réunionnais hay Créoles. Thủ đô là Saint Denis.
SIN-DNI là chữ viết tên Créole của Saint Denis (ảnh của tác giả).
.Năm 1513: người Bồ Đào Nha khám phá ra và gọi tên là đảo Santa Apollonia.
.Năm 1793 gọi là Réunion.
Gần đây thế giới biết nhiều tới đảo Réunion qua tin ngày 29/7/2015, một số mảnh vỡ đã được tìm thấy tại bờ biển đảo Réunion mà tin rằng là của chiếc máy bay 370 của Hãng Hàng Không Mã Lai Malaysia Airline bị mất tích.
Sự kiện này xác thực sự di dân của các người từ Mã Lai, Nam Dương vào hàng ngàn năm trước đây tới các đảo ở vùng Ấn Độ dương này được là nhờ các con thuyền chở họ được ‘thuận buồm xui gió’ theo dòng nước, gió mùa giống như các mảnh máy bay trôi dạt tới đây ngày nay.
Dấu Chân Vua Việt Lưu Đầy.
Réunion là nơi hai vị Vua Việt Nam Thành Thái và Duy Tân bị đưa đi đày vào tháng 11 năm 1916. Vua Duy Tân đã bước chân lên đảo ngay tại bến cảng vào buổi sáng mà hôm nay tầu tuần du biển của chúng tôi cũng cập bến vào buổi sáng.
Hải cảng Saint Denis (ảnh của tác giả).
Chúng tôi bước chân lên đảo đi tìm dấu chân của Vua Duy Tân.
Vua Thành Thái
Vua Thành Thái (1879-1954) tên mẹ đẻ là Nguyễn Phúc Bửu Lân, vị vua thứ 10 của triều đại Nhà Nguyễn, tại vị từ 1889 đến 1907.
Vua Thành Thái của Đại Nam (nguồn: Wikipedia)
Vì chống Pháp ông bị ép thoái vị và bị quản thúc ở Vũng Tầu (12-9-1907) rồi tới năm 1916 bị đưa đi đầy cùng con là Vua Duy Tân tới Đảo Réunion này.
Ông cùng gia đình thuê một căn nhà ở thành phố Saint Denis tại đảo Réunion.
Đầu tháng 5 năm 1945 (sau khi vua Duy Tân mất), nhờ sự vận động của con gái và con rể của ông và vợ chồng luật sư Vương Quang Nhường, cựu hoàng Thành Thái được cho về Việt Nam. Ông cùng gia đình sống ở Villa Anna tại Cap Saint Jacques (Vũng Tầu). Ông mất ngày 20-3-1954 tại Sài Gòn và được an táng tại thành An Lăng (lăng Dục Đức) tại xã An Cựu, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên, thọ 75 tuổi.
Vua Duy Tân.
Vua Duy Tân sinh ngày 19 tháng 9-1900 chết ngày 26 tháng 12-1945 nhũ danh là Nguyễn Phúc Vĩnh San, vị vua thứ 11 của Nhà Nguyễn.
Khi vua cha bị ép thoái vị, Khâm sứ Pháp Fernand Ernest Lévecque vào hoàng cung chọn người kế vị. Lúc điểm danh các con của vua Thành Thái thì thiếu mặt thái tử Vĩnh San. Ông đang ở dưới gầm giường khi bị lôi ra mặt mày lem luốc. Bị tra hỏi thì thái tử Vĩnh San nói “Ta đang tìm con dế vừa mới xổng“. Vị Khâm Sứ thấy Vĩnh San chỉ mới có 7 tuổi, nhút nhát, thơ dại nên dễ uốn nắn và kiểm soát hơn là chọn những người anh lớn do đó chọn Vĩnh San đưa lên làm vua. Triều đình lấy tên hiệu cho vua là Duy Tân, có ý muốn vua tiếp nối con đường duy tân không thành của vua cha Thành Thái.
Vị Khâm Sứ Pháp đã lầm, Vua Duy Tân có thái độ chống Pháp còn quyết liệt hơn.
Năm 1916, nhân lúc có Thế Chiến thứ I ở Âu Châu vua lúc đó mới mười sáu tuổi, bí mật liên lạc với các lãnh tụ Thái Phiên, Trần Cao Vân của Việt Nam Quang Phục Hội dự định nổi dậy chống Pháp. Chuyện khởi nghĩa bị bại lộ. Vua cùng các lãnh tụ Việt Nam Quang Phục Hội chậy trốn và bị bắt. Trần Cao Vân nhận hết tội để cứu vua. Trần Cao Vân và Thái Phiên bị xử tử còn vua Duy Tân bị đưa đi lưu đầy ở đảo Réunion.
Ngày 3 tháng 11 năm 1916, gia đình vua Thành Thái và Duy Tân lên tàu Guadiana ở Vũng Tầu. Đến ngày 20 tháng 11 họ tới bến Pointe de Galets đảo La Réunion lúc 7 giờ rưỡi sáng. Tại đây, từ chối một biệt thự sang trọng người Pháp dành cho, gia đình cựu hoàng sống trong một căn nhà thuê lại của một người dân ở thành phố Saint-Denis. Vua Duy Tân sống giản dị như những người dân bản xứ.
Về sau Vua Duy Tân bất bình với vua cha vì không hợp tính tình, ông ra ở riêng.
Thái tử Nguyễn Phúc Vĩnh San, chụp ảnh tại nhà ở St-Denis, La Réunion
Ông học vô tuyến điện và mở tiệm Radio-Laboratoire bán và sửa chữa máy thu thanh. Đồng thời, ông học tú tài ở trường trung học Leconte de Lisle và học thêm ngoại ngữ, luật học. Ông yêu nhạc, cưỡi ngựa giỏi và viết nhiều thơ văn đăng trong những tờ báo Le Peuple (Dân chúng), Le Progrès (Tiến bộ) dưới biệt hiệu Georges Dry. Bài Variations sur une lyre briée (Những biến tấu của một cây đàn lia gãy vỡ) được giải nhất văn chương của Viện Hàn lâm Khoa học và Văn chương La Réunion năm 1924. Vua Duy Tân còn là hội viên của Hội Tam Điểm (Franc-Macon) và Hội Bảo Vệ Nhân Quyền và Quyền Công Dân Địa Phương (nguồn: Wikipedia).
Ông chống chính quyền Vichy theo Đức Quốc Xã. Đã nhiều lần ông xin về trú ngụ ở Pháp nhưng đều bị từ chối.
Khi Thế Chiến Thứ II bùng nổ, ông xem De Gaulle, người lãnh đạo Lực Lượng Kháng Chiến Tự Do Pháp (Forces Françaises Libres) ở hải ngoại được thành lập ở Anh là thần tượng, là hình mẫu cho hoạt động cứu nước của mình (ông hy vọng “nước Pháp Tự Do” và nước Pháp thực dân mà ông chống đối không còn giống nhau). Để tìm một con đường về giúp nước của mình, ông đáp ứng lời kêu gọi giải phóng nước Pháp của De Gaulle. Ông đã thu thập tin tức trong vùng của quân đội Đức qua vô tuyến điện rồi chuyển cho Lực Lượng Kháng Chiến Tự Do Pháp. Vụ việc đổ bể, ông bị nhà cầm quyền La Réunion (lúc đó theo Chính Phủ Vichy) câu lưu sáu tuần.
Sau đó, ông được phục vụ trong Lực Lượng Tự Do Pháp với cấp bậc hạ sĩ vô tuyến.
Vua Duy Tân (ở giữa) và các bạn (nguồn: wikipedia).
Rồi chuyển qua ngành khác và được thăng chức lên tới thiếu tá.
Thiếu tá Vĩnh San.
Ngày 14 tháng 12 năm 1945, Charles de Gaulle tiếp cựu hoàng Duy Tân. Trong tập Hồi ký chiến tranh, tướng de Gaulle ghi:
|
“…Tôi tiếp Cựu hoàng (Vĩnh San) và cùng ông xét xem chúng tôi làm được những gì? Đó là một nhân vật đầy cương nghị. Mặc dù bị lưu đày ròng rã 30 năm trời, hình ảnh của ông không hề phai mờ trong tâm hồn của dân tộc Việt Nam.” |
|
Một bạn thân của Duy Tân là E. F. Thébault kể lại trong bài Destin tragique d’un Empereur d’Annam: Vĩnh San-Duy Tân:
|
“Trở lại Paris ngày 16 tháng 12 năm 1945, tôi thấy Ngài mặc một bộ đồ nhà binh rất đẹp, có gắn bốn lon. Bây giờ Ngài trọ ở khách sạn Louvres, trước hý viện Pháp. Ngài nói: “Như vậy là xong rồi, quyết định rồi! Chính phủ Pháp sẽ đặt tôi lại trên ngôi Hoàng đế Việt Nam. Tướng De Gaulle sẽ theo tôi trở về bên đó (Việt Nam) vào những ngày đầu tháng 3 (1946).”Từ nay tới đó, người ta sẽ chuẩn bị dư luận của Pháp cũng như quốc tế và Đông Dương. Vả lại, cũng còn cần phải dự thảo các bổn thoả ước giữa hai chính phủ nữa” (nguồn: Wikipedia).
Vua Duy Tân quyết định giành độc lập cho Việt Nam bằng con đường ôn hòa không đổ máu và vẫn nằm trong khối Liên Hiệp Pháp để Việt Nam được che chở. Ông thừa nhận lối chống Pháp lúc còn trẻ của mình là “nóng nảy vụng về”.
|
|
Trong hồi ký Bên giòng lịch sử 1940-1965, linh mục Cao Văn Luận ghi lại rằng mùa đông 1944 và đầu năm 1945, cùng với một số du học sinh Việt và Việt kiều, ông có tiếp xúc ba lần với cựu hoàng Duy Tân ở Paris. Lần đầu, cựu hoàng giải thích:
|
“Người Pháp đang cần sự hợp tác của chúng ta để tái chiếm Đông Dương. Họ có thể chấp nhận cho ta thành một quốc gia tự trị trong Liên Hiệp Pháp. Điều đó không trái với quyền lợi quốc gia. Dần dà chúng ta đòi thêm quyền hành. Chúng ta biết làm gì hơn trước binh lực hùng hậu của Pháp và hậu thuẫn của đồng minh Tây phương? Chúng ta đã thấy những gương chống Pháp và tôi đây là nạn nhân của một lối chống nóng nảy vụng về. Rồi đất nước chúng ta phải chịu một cảnh chiến tranh tàn khốc mà kết quả chưa biết là thắng hay bại”. |
|
Vua Duy Tân đã từng tâm sự:
“Riêng về phần tôi, lòng yêu quê hương Việt Nam không cho phép tôi để ngỏ cửa cho một cuộc tranh chấp nội bộ nào. Điều mà tôi mong muốn là tất cả các con dân Việt Nam ý thức được rằng họ là một quốc gia và ý thức ấy sẽ thức đẩy họ dựng lên một nước Việt Nam xứng đáng là quốc gia. Tôi tin rằng tôi sẽ làm tròn bổn phận của một công dân Việt Nam khi nào mà tôi làm cho những người nông dân Lạng Sơn, Huế, Cà Mau ý thức được tình huynh đệ của họ. Nghĩa hợp quần ấy được thực hiện dưới bất cứ chế độ nào: cộng sản, xã hội chủ nghĩa, bảo hoàng hay quân chủ, điều đó không quan trọng, điều quan trọng là phải cứu dân tộc Việt Nam khỏi cái họa chia rẽ”.
Tuy nhiên, có khuynh hướng cho rằng cựu hoàng Duy Tân đã bị dùng như một con bài chính trị trong kế hoạch tái chiếm Đông Dương của Pháp (nguồn: wikipedia).
Ngày 24 tháng 12 năm 1945, cựu hoàng Duy Tân dùng phi cơ Lockheed C-60 của Pháp bay từ Paris trở về La Réunion thăm gia đình trước khi thi hành sứ mạng mới. Máy bay bị nạn ở Cộng Hòa Trung Phi khiến ông thiệt mạng.
Theo nhiều người đây có thể là một vụ mưu sát do người Anh hay một bàn tay nào khác âm mưu. Việc vua Duy Tân trở lại Việt Nam sẽ gây khó khăn cho Anh trong việc trao trả các thuộc địa. Cũng trong Destin tragique d’un Empereur d’Annam, E.P Thébault viết:
“Ngày 17 tháng 12 năm 1945, mười hôm trước khi tử nạn, Duy Tân có linh cảm tính mạng ông bị đe doạ”. Lần chót khi cả hai đi ngang vườn Tuileries, cựu hoàng nắm tay Thébault nói: “Anh bạn già Thébault của tôi ơi! Có cái gì báo với tôi rằng tôi sẽ không trị vì. Anh biết không, nước Anh chống lại việc tôi trở về Việt Nam. Họ đề nghị tặng tôi 30 triệu quan nếu tôi bỏ ý định ấy”.
Pháp cho mở hai cuộc điều tra và kết luận không có dấu hiệu đây là một cuộc mưu sát, nhưng đến nay vụ tai nạn máy bay vẫn còn là nghi án lịch sử chưa có lời giải đáp.
Do sự đóng góp của ông trong thời chiến, sau khi chết, chính phủ Pháp trao tặng ông huy chương Grand Cross of the Legion of Honour và Officer’s Medaille de la Resistance và cũng bầu chọn ông là một Companion of the Orde de la Libération.
Ngày 28 tháng 3 năm 1987, hài cốt vua Duy Tân được gia đình đưa từ M’Baiki, Trung Phi về Paris làm lễ cầu siêu tại Viện Quốc tế Phật học Vincennes và sau đó đưa về an táng tại An Lăng, Huế cạnh nơi an nghỉ của vua cha Thành Thái, vào ngày 6 tháng 4 năm 1987.
Vua Duy Tân năm 1930.
Ông được tưởng nhớ nhiều. Ở Saigon trước năm 1975, đường Garcerie cũ thời Pháp thuộc được đổi tên là đường Duy Tân. Đây là con đường với hai hàng cây lớn, chạy ngang Trường Đại Học Luật Khoa và Kiến Trúc nơi có Viện Đại Học Saigon nổi tiếng là thơ mộng, đã được nhắc trong bản nhạc “Trả Lại Em Yêu” của Phạm Duy: “Con đường Duy Tân cây dài bóng mát, uống ly chanh đường, uống môi em ngọt…’. Sau năm 1975, đường Duy Tân bị đổi tên thành đường Phạm Ngọc Thạch.
Ngày 5 tháng 12 năm 1992 tại thủ đô Saint Denis đảo Réunion khánh thành đại lộ mang tên ông: Đại lộ Thái tử Vĩnh San.
Chúng tôi đã dự tính đi tìm các dấu chân của cựu hoàng Duy Tân, trước khi lên đường tới thăm đảo Réunion đã liên lạc với một người đàn anh khả kính có cô con gái tên là Titi (không biết có phải lấy theo tên dân dã Việt Nam là Tí Ti không?) sống ở đây để nhờ hướng dẫn. Vì Titi bận đi làm nên chúng tôi hẹn gặp Titi vào buổi chiều sau khi đi làm về. Buổi sáng chúng tôi dành thì giờ đi thăm các địa điểm lịch sử đặc biệt và các danh lam thắng cảnh khác (sẽ viết trong bài Réunion Mươi Điều). Chúng tôi hẹn gặp tại tiệm ăn nổi tiếng Le Roland Garros ở đây.
Tiệm Ăn Le Roland Garros (ảnh của tác giả).
Tới đây mới biết Titi sống ở tận phía Nam của đảo không phải ở ngay thủ đô Saint Denis. Giờ tan sở ở đây kẹt xe như ở Los Angeles vì chỉ có một xa lộ vòng quanh đảo sát biển và vách núi ít có đường rẽ ngang nên không thể thoát ra được xa lộ. Chờ mãi tới hơn 7 giờ tối mà Titi hãy còn đậu xe trên xa lộ ở phía Nam của đảo. Nhiều lần tính bỏ cuộc nhưng may là taxi ở đây cũng bị kẹt. Mấy khách du dịch cùng đi trên con tầu của chúng tôi gọi taxi về tầu chờ đã gần hai tiếng rồi mà vẫn chưa thấy bóng dáng xe taxi đâu. Cũng may là đêm nay tầu ngủ qua đêm ở đảo này nên không sợ nhỡ tầu. Titi rất thông minh biết là chúng tôi đang lo nên đã điện thoại nhờ cô bạn nha sĩ người Pháp làm tại Saint Denis đến gặp chúng tôi để trấn an. Hơn tám giờ Titi mới tới. Chúng tôi quyết định đi ăn tối trước rồi mới đi thăm các nơi vinh danh Thái Tử Vĩnh San ở đây. Vì ăn mãi đồ ăn Tây phương trên tầu đã chán ứ tới cổ, thèm món ăn Việt Nam nên dự định tới một tiệm ăn Việt Nam nổi tiếng nhất ở đây là tiệm Kim Sơn. Rủi thay nhà hàng đóng cửa hôm nay. Cuối cùng chúng tôi quyết định tới tiệm ăn Nhật Shabu Shabu. Khi vào tiệm mới biết chủ là người Đại Hàn. Cũng đành bằng lòng vậy. Ăn thêm món ăn thịt nướng Đại Hàn cũng còn hơn là đồ ăn trên tầu nhiều.
Titi mặc áo hồng và cô bạn nha sĩ mặc áo đỏ tại tiệm ăn Shabu Shabu.
Tiệm ăn quá đông, hầu ăn chậm kiểu hải đảo nhiệt đới, ăn xong gần nửa đêm. Chúng tôi lên đường trực chỉ ngay tới Tượng Đài Tưởng Niệm Vua Thành Thái và Duy Tân nằm trên Đại lộ Thái Tử Vĩnh San.
Tượng đài nằm ở một công viên cây cao bóng cả với những cây kè hoàng gia cao rất đẹp.
Tấm bảng ở chân Tượng Đài Tưởng Niệm Vua Duy Tân: Để tưởng nhớ hai vị hoàng đế Annam (Vietnam) bị đầy đến đảo Réunion ngày 20 tháng 11-1916 vì nổi dậy chống lại nhà cầm quyền thuộc địa Pháp. Hoàng đế Thành Thái-Thái tử Nguyễn Phúc Bửu Lân (1870-1954). Hoàng đế Duy Tân-Thái tử Nguyễn Phúc Vĩnh San (1900-1945) (ảnh của tác giả).
(có một quảng cáo châm cứu hay áp cứu của một tên Tầu vô học dán lên mặt tượng đài).
Đại lộ Thái Tử Vĩnh San là một trong những con lộ chính nối thủ đô Saint Denis với xa lộ vòng quanh đảo.
Đại lộ Thái tử Vĩnh San khúc gần công viên Tượng Đài Tưởng Niệm về nửa khua (ảnh của tác giả).
Bản đồ cho thấy Đại lộ Thái tử Vĩnh San (N6) là trục lộ chính từ xa lộ ven biển đổ vào vùng sau Saint Denis.
Cầu Thái tử Vĩnh San vào lúc nửa đêm (ảnh của tác giả).
Đi bộ trên Cầu Thái tử Vĩnh San vào lúc nửa đêm.
Thấy chúng tôi đi thăm tượng đài và cây cầu Thái tử Vĩnh San vào lúc đêm khuya vắng không một bóng người, một vài bóng xe đêm chạy qua cầu bấm còi, không rõ là họ châm chọc hay chia xẻ cảm tình. Có lẽ chúng tôi là hai người Việt hiếm hoi nhất tới thăm Tượng Đài và đi bộ ở cầu vào lúc nửa đêm như thế này. Dĩ nhiên không có Titi và cô bạn, chúng tôi đâu dám mạo hiểm. Đây quả thật là một cơ duyên hiếm có với hai vị cựu hoàng Việt Nam.
Tấm bảng ở đầu cầu Thái tử Vĩnh San: Đại Lộ Thái tử Vĩnh San (8/1900-12/1945). Hoàng đế Annam bị lưu đầy tới La Re1union. Chỉ Huy Lực Lượng Tự Do Pháp (ảnh của tác giả).
Thành cầu bây giờ rào kín lại để phòng ngừa tự tử. Cầu Vĩnh San nổi tiếng ở dân địa phương là ‘Cầu Tự Tử’. Nếu hỏi thăm cây Cầu Tự Tử ở đâu thì dân địa phương biết ngay còn hỏi Cầu Thái Tử Vĩnh San hay Vua Duy Tân thì ít ai biết.
Số điện thoại của Hiệp Hội Phòng Ngừa Tự Tử: SOS Cô Đơn. Hãy Cứu Giúp Những Linh Hồn (Save Our Soul) Cô Đơn của Chúng Ta (ảnh của tác giả).
Trở lại công viên tượng đài, chúng tôi ngồi lắng nghe tiếng dế kêu than trong đêm vắng.
Chợt nhớ tới Thái tử Vĩnh San lên ngôi vua là nhờ con dế xổ lồng thuở nhỏ. Như đã nói ở trên thái tử chui vào gầm giường tìm con dế nên vắng mặt lúc viên toàn quyền Pháp điểm danh chọn người lên kế vị vua Thành Thái. Viên toàn quyền thấy ông mặt mày lấm lem, hồn nhiên, trẻ thơ, coi con dế hơn ngai vàng và cho rằng ông là đứa trẻ khờ khạo, đần độn dễ sai bảo, uốn nắn nên đã chọn ông. Tiếng dế đêm nay ở đây nghe thật bi thương.
Không biết có những đêm thanh vắng nào hồn ông về đây nhập vào tượng mình nghe tiếng dế kêu than van cho mệnh nước Việt Nam. Trong một thoáng tôi nhặt được mấy câu thơ:
Ngày xưa còn bé chui gầm giường,
Tìm con dế bạn thành quân vương.
Lưu đầy vì nước giờ thành tượng,
Đêm đêm nghe dế khóc quê hương.
Sau đó Titi bao chúng tôi một chầu Saint Denis By Night. Nửa đêm về sáng chúng tôi mới trở về bến cảng cách hơn chục cây số. Bến cảng rộng mênh mông không biết cửa nào vào được tới tầu. Chạy loanh quanh mãi, may mắn gặp một nhân viên làm đêm thấy chúng tôi đi lạc đã đến tiếp cứu dẫn chúng tôi vào cổng dành cho du khách ra vào. Thật cám ơn Titi vì sáng mai lại phải dậy sớm đi làm.
Vào tới phòng kiểm soát bến cảng vẫn còn thấy đông người ngồi truy cập vào internet. Các nhân viên Á châu làm trên tầu bây giờ mới làm hết việc ra đây truy cập internet liên lạc về gia đình. Chúng tôi cũng không cầm lòng được ngồi gởi ngay những tấm ảnh hôm nay về nhà mặc dầu mắt đã rũ xuống buồn ngủ.
Sáng hôm sau chúng tôi dành thì giờ cả buổi sáng đi tìm chỗ làm việc và nhà ở cũ của Vua Duy Tân.
Hình ngôi nhà cũ, chụp ngày xưa.
Một người bạn cho địa chỉ ở Đại Lộ LaBourdonnais.
Buổi trưa ghé ăn trưa ở một nhà hàng ăn Việt Nam nổi tiếng nhất ở đây: Tiệm Ăn Kim Sơn mà hôm qua chúng tôi muốn mời Titi ăn tối nhưng nhà hàng đóng cửa.
Tiệm Ăn Kim Sơn.
Bà chủ tiệm là một người Việt ở Pháp. Bà qua đây mở tiệm ăn đã hơn mười năm.
Bà chủ tiệm Kim Sơn.
Gặp người cùng quê hương bà rất ân cần tiếp đón và dành nhiều cảm tình đặc biệt mặc dù rất bận rộn. Thực đơn có nhiều món Việt và Việt lai Pháp. Tôi có thói quen tìm ăn phở ở khắp nơi trên trái đất này.
Phở Kim Sơn ở Đảo La Réunion (ảnh của tác giả).
Phở ở đây nấu theo Phở Bắc gốc Hà Nội. Thịt bò dần cho mềm rồi xào lăn qua một chút. Phở Tái Lăn (Phở Thịt Tái Xào Lăn). Thịt bò Việt Nam ‘lao động vinh quang’ rất dai nhất là đối với giới ‘răng giả’, không mềm như thịt bò Wagyu Nhật Bản (Wa- là Hoa tên cổ chỉ người Nhật- gyu ruột thịt với Phạn ngữ go- là bò, trâu, Anh ngữ cow bò), thịt bò nuôi cỏ Úc và bò Black Angus Hoa Kỳ. Vì thế phải dần cho mềm. Phở không ăn kèm với giá, rau thơm. Phở làm gợi nhớ tới Phở Thìn Hà Nội. Dĩ nhiên ở đây thiếu cái phong thái bình dân đến độ mất vệ sinh không dám ăn của các quán ăn đại chúng nổi tiếng ở Hà Nội.
Ăn xong chúng tôi ghé Chợ Trung Ương ở ngay bên kia đường. Chợ có đầy đủ các thứ cho du khách mua làm quà kỷ niệm. Tuy nhiên giá sinh hoạt ở đây rất đắt đỏ so với các đảo lân cận nhất là so với Madagascar vì mọi thứ ở đây hầu như đều phải mang từ Pháp qua.
Các cửa hàng ở đường phố cũng thấy có bán hàng mỹ nghệ Việt Nam.
Tượng phụ nữ Việt đội khăn vành dây mặc áo dài thời trang tay áo thụng tế cầm quạt có hình dạng quạt mo (ảnh của tác giả).
Sau đó chúng tôi đi tìm tới một thư viện mà người bạn cho biết nơi này có nhiều tài liệu về Vua Duy Tân. Rất tiếc không rõ tên và địa chỉ. Chúng tôi có ghé phòng thông tin hỏi thăm. Họ giới thiệu tới một thư viện ở ngay đường phố chính. Ghé đến nhưng không có tài liệu nào về Vua Duy Tân.
Thật thất vọng. Không còn thì giờ, đành phải về lại tầu.
Dĩ nhiên Đảo Réunion cũng có nhiều danh lam thắng cảnh, một địa điểm du lịch và tĩnh dưỡng yêu chuộng của người Pháp và khối nói tiếng Pháp ở Ấn Độ Dương. Đón xem bài viết Réunion Mươi Điều.
Vua Duy Tân và Thành Thái đều có tên trên Đài Tưởng Niệm ở đây nhưng Vua Duy Tân được vinh danh nhiều hơn qua tên Đại Lộ và Cầu Thái tử Vĩnh San bởi vì sau này cựu hoàng Duy Tân là thiếu tá Vĩnh San trong quân đội Tự Do Pháp. Nếu ngài không bị tử nạn phi cơ bất ngờ, giải pháp De Gaules dù cho có mục đích dùng ngài làm lá bài trong ván cờ với Hồ Chí Minh đi nữa thì không biết vận mệnh Việt Nam sẽ như thế nào? Dù gì ngài cũng là một người yêu nước ngay từ thuở thiếu niên, lòng yêu nước ấm ủ cho tới khi chết. Như đã nói ở trên Ngài đã muốn Việt Nam được độc lập theo một giải pháp ôn hòa trong Liên Hiệp Pháp giống như nhiều thuộc địa Pháp khác không cần phải chiến tranh đổ máu, nồi da sáo thịt.
Việt Nam phải nương tựa vào Tây phương mới tránh được tai ách bị người Trung Quốc đồng hóa.
Tôi tin ngài là ngưởi yêu nước chân chính và có thể giúp Việt Nam tốt đẹp thật sự. Với kinh nghiệm lưu đầy đầy từ năm 16 tuổi, rũ bỏ lối sống phong kiến vương quyền Việt Nam, sống tự lập, với tâm hồn nghệ sĩ, hiệp sĩ (cõi ngựa giỏi), ra nhập Lực Lượng Tự Do Pháp chống lại quân phiệt, độc tài, hiếu chiến, vươn mình vào giới thượng lưu quyền lực Âu châu. Nguyên điểm ngài là hội viên Hội Tam Điểm (ở Hoa Kỳ gọi là Freemasonry) cũng đủ cho thấy ngài là một con người yêu nước, yêu và trọng quyền sống con người thật sự (ngài vốn là hội viện Hội Nhân Quyền địa phương).
Hội Freemasonry có gốc từ Anh quốc. Hội là một hội Huynh Đệ, Tương Trợ, Từ Thiện có tôn chỉ là Tự Do, Độc Lập và Thượng Đế chính thống và cũng là một hiệp hội xã hội. Ở Anh hội chống lại chế độ bảo hoàng thối nát. Ở Mỹ hội phát triển chế độ Cộng Hòa của một chính phủ độc lập. Các vị cha già lập quốc Hoa Kỳ phần lớn là hội viên của hội Freemasons, trong đó có Tổng Thống Washington. Hai mươi mốt người ký vào Bản Tuyên Ngôn Độc Lập là hội viên Freemasons. Hiến Pháp và Luật Nhân Quyền chủ trương tự do, tự do mậu dịch dựa vào ‘tín ngưỡng dân sự’ (‘civil religion’) của hội. Mười 14 vị tổng thống Hoa Kỳ là hội viên Freemasons…
Là một hội viên Freemasons như các vị cha già và tổng thống Hoa Kỳ chắc chắn ngài muốn Việt Nam là một quốc gia độc lập, tự do, hạnh phúc thật lòng. Ngài sẽ có được sự giúp đỡ, tương trợ của tất cả các hội viên Freemasons đầy quyền lực khác ở khắp nơi trên thế giới…
Một tấm lòng yêu nước Việt Nam chân chính không vì danh lợi. ‘Điều mà tôi mong muốn là tất cả các con dân Việt Nam ý thức được rằng họ là một quốc gia và ý thức ấy sẽ thức đẩy họ dựng lên một nước Việt Nam xứng đáng là quốc gia’. Và ông đã thấy: ‘Nghĩa hợp quần ấy được thực hiện dưới bất cứ chế độ nào: cộng sản, xã hội chủ nghĩa, bảo hoàng hay quân chủ, điều đó không quan trọng, điều quan trọng là phải cứu dân tộc Việt Nam khỏi cái họa chia rẽ”.
Âu cũng là vận nước như thế! Hàng triệu người Việt giờ là dân lưu vong. Cả nước Việt giờ là dân mất nước. Nghĩ mà đau đớn thay nhưng bất lực không làm được gì. ‘Vô tài chỉ biết ngậm đau thương’.
Nguyễn Xuân Quang
_____________________
Đặng Hữu Phát gởi