Đếch Sợ
Trong lúc tham thiền, trước khi đi ngũ hay tốt nhất là 24/7/365 luôn nhớ châm đầy ấm chè xanh ‘lạc quan,’ ngọt ngào sau khi uống vơi bát lá vối đắng chát, ‘chán đời.’
Bởi vì, lạc quan làm cho bớt căng thẳng (Stress is a natural reaction to challenges or threats that can cause physical and emotional tension.) Khi đầy lạc quan, cho dù cầu bất khả đắc, không được những đều mình hằng mong muốn, thì thân tâm ta vẫn có cái lợi bất cập hại cho tinh thần, và sức khỏe. Thay vì, thất vọng, lo lắng, tức giận, buồn phiền, sân si. Căng thẳng chính là nguyên nhân đưa đến hậu quả bệnh hoạn từ tâm thần lẫn thể xác.
Căng thẳng, lo âu, sợ hải, bi quan, là mầm mống của tất cả căn bệnh, kể cả ung thư. Lo sợ chính là vấn đề nan giải đối với bệnh nhân mới chẩn đoán ung thư, vì căng thẳng làm tổn hại hệ vi khuẩn trong bao tử, và đường ruột, vốn liên quan mật thiết với hệ thống miễn dịch trong cơ thể. Hệ thống miễn dịch chính là yếu tố quan trọng, phương tiện thành công trong việc trị liệu ung thư — cả hai yếu tố này đều tương quan mật thiết tới tiên liệu bệnh nan y, và phương cách điều trị bệnh hiểm nghèo.
Những điều trên cho thấy lạc quan có thể có nhiều triễn vọng đạt được những điều mình kế hoạch, thực hiện để đưa tới thành công hơn. Cho dù không hoàn toàn được kết quả như mong muốn, chúng ta vẫn học được kinh nghiệm thất bại để cải thiện, và nhất là luôn luôn suy nghĩ lạc quan (positive) thì thân xác ta tự cân bằng được những hóa chất trong cơ thể, cho ta sức khỏe, và đưa đến hạnh phúc hơn nhờ sống trong tinh thần lạc quan.
Vì bi quan, kém tự tin, quá thận trọng có thể cũng may mắn đạt được thành công, nhưng khi thất bại, nó sẽ chắc chắn có ảnh hưởng xấu đến tinh thần, và sức khỏe của mình lẫn những người tùy thuộc, và tin cậy chung quanh mình.
Bi quan thể hiện trên khuôn mặt buồn khổ, hắc ám, hãm tài, xui xẻo ai cũng tránh xa sợ lấm vận xấu vào thân.
Tuy nhiên, những điều nói trên chỉ là phần ngọn. Phật Tử muốn làm chủ vô úy thì phải biết cả nguồn gốc lẫn nguyên nhân hậu quả của duyên nghiệp, và nhân quả của bố thí pháp như thị:
“Hiểu rõ về nghiệp hay nguồn gốc, nguyên nhân của mọi bất hạnh khổ đau và an vui hạnh phúc của con người; hiểu rõ con người chính là chủ nhân của nghiệp chứ không ai khác, con người có quyền tự do tạo nghiệp và có khả năng chuyển nghiệp (thay đổi nghiệp), chúng ta sẽ thấy rằng chuyển nghiệp là điều kiện bắt buộc khi muốn cải thiện đời sống, muốn làm thay đổi cuộc đời mình để có hạnh phúc trong hiện tại, đồng thời xây đắp nền móng tốt cho tương lai.
Chuyển nghiệp là làm thay đổi nghiệp nhân và nghiệp quả bằng cách thay đổi tâm ý.
Nghiệp là hoạt động của tâm ý thông qua ba nghiệp thân, khẩu, ý. Tâm ý trong sạch, chơn chánh, thiện lành thì suy nghĩ, lời nói, hành động đều tốt đẹp, lợi mình và lợi người. Tâm ý xấu, tiêu cực, bất thiện thì suy nghĩ, lời nói, hành động đều xấu ác, gây hại cho mình và người.
Đây là điều bất tư nghị. Ai cũng biết như vậy nhưng không mấy ai luôn luôn làm được như vậy. Biết dễ, làm khó. Nhưng như đã nói ở trên, đó là con đường duy nhất để giảm bớt lo sợ, và phiền não, dù muốn hay không.
Chẳng hạn, đa số chúng ta sợ đau đớn thể xác, lo khổ não tâm thần bất ngờ tới hỏi thăm. Trong lúc khốn cùng đó, đa số có lúc tuyệt vọng, quẫn trí mong chết phức cho xong nợ đời, và tưởng chạy trốn cái sống, bằng cách chạy đến với cái chết, sẽ tức khắc chấm dứt mọi khổ đau trên đời. Nhưng, thói thường, khi cầu chết được khả đắc, mà khi đối diện với cận tử nghiệp, thì tham sanh húy tử, đổi ý hoang mang sợ hãi, rồi lại cầu trời, cầu Phật cho con tai qua, nạn khỏi nghiệp chết.
Tuy nhiên, cái chết bảo đảm sẽ tới viếng chúng ta trong giây phút bất ngờ nhất, và nhất là chết bằng cách nào thì ngoài khả năng làm chủ lấy tánh mạng của mình.
Điều mà chúng ta có thể nên cầu là cầu mong được bình tĩnh mà chết, vì cho dù có run sợ, một khi tới số, thần chết tới tìm thì chắc chắn không trốn đâu được. Nếu không thể bình tĩnh mà chết được thì ít ra cũng “vừa bình tĩnh mà run,” để mà vãi... chết trong bình an.
Nhưng hình như, cho dù bình tĩnh, hay sợ run tới vãi..., són..., hay “vừa bình tĩnh mà run sợ” thì lưỡi hái của thần chết không thiên vị bất cứ ai.
Khả úy hay vô úy cũng chết như nhau. Chết là chết không có ma hèn nhát, ma gan dạ.
Tuy nhiên, nếu được chọn lựa thì nên học cái thói ngang tàng của Cao Bá Quát để ngạo nghễ đối diện với tử thần, mà vẫn kiến tánh, tâm bất loạn, xuất chữi thành thơ, câu đối câu, từng chữ đối mỗi chữ, tuyệt hảo:
Ba hồi trống dục, đù cha kiếp,
Một nhát gươm đưa, đéo mẹ đời.
(Cao Bá Quát)
Ba hồn chín vía, đù mẹ kiếp,
Lưỡi hái đưa ngang, đéo cha đời.
(Lê Huy Trứ)
Lời khuyên cuối cùng của thiện tri thức, trước ta khi vĩnh biệt trần thế. Nhớ quán niệm hơi thở, cảnh giác ý khởi, cứ để nó đến đi tự nhiên. Không nghĩ thiện, không nghĩ ác. “Quán tự kiến tại, chiếu kiến ngũ uẩn giai không.” Rồi thì, “Ưng vô sở trụ, nhi sinh kỳ tâm.” Thanh thản trở về.
Lê Huy Trứ
11/23/2024
___________
Tru Le gởi