Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh




 
ĐÊM TRÊN SÔNG CẦN GIUỘC
 
 

       1. Tháng mười 1983. Đúng hẹn, mẹ tôi, Bội Trân, và tôi đáp xe lửa đêm, vào “trình diện” bà mối vượt biên chợ Vườn Chuối. Một tháng trước, bà này đã tổ chức thành công chuyến đi đến Indonesia cho Trọng và Tú, em và cháu tôi, nên mẹ thấy phấn khởi, và tin tưởng lắm. Trước đó, để đối phó với trường hợp bị bắt ngoài địa phương Nha Trang, mà tên tuổi, hồ sơ của tôi có trong sổ phong thần của tụi công an phường khóm, tôi đã thảo ra, và học thuộc, một lý lịch giả, theo đó, nhờ để râu, tôi tự hóa phép thành một lão gia trên dưới sáu bó, tên Trần Hồng, một vợ ba con, làm rẫy tại Trảng Bom –nơi tôi chưa hề đặt chân đến, nhưng mượn đại địa chỉ một ông bạn đồng hương với ba tôi.
 
        Bà mối, kém mẹ tôi vài tuổi, nói tiếng Huế rặt, ra vẻ trưởng giả của lớp người giàu mới, môi tô đỏ choét, đon đả chào khách quý. Hẹn đêm mai sẽ cho xuất hành. Như lần Trọng và Tú đi, mẹ ứng trước một cây (vàng) cho mỗi đứa, và nếu trót lọt, sẽ trả nốt cây còn lại. Còn nhiều thời gian để mà giết, Bội Trân theo mẹ đi chợ Vườn Chuối chơi, tôi nằm nhà đọc sách báo, cho đỡ hồi hộp, mặc dù sau vụ đi hụt ở Bãi Trũ gần hai tháng trước, tôi thấy ghiền vượt biên lắm, như khi nhỏ ghiền xem phim phiêu lưu, mạo hiểm. Nhưng tối đó, Bội Trân bỗng kêu mệt, lên cơn sốt, và ho khúc khắc, mẹ phải thức canh, cạo gió, bắt uống thuốc cảm, mà đến trưa hôm sau vẫn không khỏi. Mẹ quyết định cho em ở lại.
   
       2. Mười hai giờ đêm. Một anh tuổi sồn sồn, da rám nắng, đến “rước” tôi. Trời tối đen, không trăng sao. Anh dẫn tôi loanh quanh qua những con hẽm không đèn, không tên. Trên người tôi mặc một quần jeans xanh và áo sơ-mi xám, vai khoác chiếc jacket đồng màu và cùng loại vải với quần  mà Huệ Trân, em gái lớn, chuyên lo tìm mối vượt biên cho cả nhà, đã dặn kỹ, “anh đừng làm mất vì trong một đường viền em có khâu luồn một trăm đô cuộn tròn”.   
 
       Cuối cùng, anh ta đưa tôi xuống dưới chân Cầu Chữ Y, nơi có một chiếc taxi (ghe nhỏ), đang đậu. Mở hé tấm phên gỗ mỏng che khoang ghe, để tôi chui xuống. Khoang tối om và quá chật, vừa đủ nhét hai người trọng lượng trung bình. Ghe nổ máy liền, trực chỉ cửa biển, vì, anh ta nói, phải ráp cho kịp với cá mập (ghe lớn) vào đúng bốn giờ sáng. Loay hoay, mò mẫm trong bóng tối một hồi, rồi tôi cũng tìm được một chỗ trống nhỏ xíu, nằm ép sát bên một người lạ, không thấy mặt vì màn đêm che khuất và vì cả hai phải quay ngược chiều nhau, mới thở nổi, theo yêu cầu của chủ ghe. Im lìm, bất động như hai thây ma. Sau năm phút, ghe dừng lại trạm gác Cầu Chữ Y, trình giấy tờ. Công an rọi đèn pin lên khoang, và cho ghe chạy đi. Gió sông Sài Gòn mát rượi, cộng với tiếng ca vọng cổ nho nhỏ nghe buồn não nuột của chủ ghe kiêm tài công khiến tôi thiếp đi, khi nào không hay. Một lúc sau, chập chờn nửa tỉnh nửa mê, tôi cảm thấy một đùi của mình bị cái đầu, và đùi kia bị cánh tay, của thây ma láng giềng, bấy giờ chuyển qua tư thế nằm nghiêng, đè lên, ngủ ngon lành. Nhưng mệt quá, tôi mặc kệ, sau khi co hai giò, nhẹ nhàng hất cái đầu và cánh tay xuống, trả về vị trí cũ.
 
      3.Bốn giờ sáng rồi, mà không hiểu sao taxi vẫn còn lướt đâu đó trên sông Sài Gòn, nghĩa là đã trễ hẹn với cá mập. Hơn bốn giờ rưỡi, sắp sửa đến bót Cần Giuộc, trạm kiểm soát cuối cùng trước khi ghe ra biển, thì hừng đông ló dạng, những tia nắng đầu tiên đỏ rực từ phía chân trời xa. Chủ ghe hốt hoảng chỉ tay về phía bót gác:
      - Chết rồi! Giờ này không qua bót đặng nữa. Tui phải thả hai người xuống đây, rồi liệu mà chạy trốn đi, chớ không tui cũng bị bắt luôn đó đa.

      Nói xong, anh ta ngừng lại, bắt cả hai nhảy xuống, và ghe tiếp tục chạy. Bờ cát trắng trải dài ngút mắt. Bấy giờ “hai người”, tức hai thây ma đêm qua, mới nhìn rõ mặt nhau, và ngượng ngùng chào nhau. Té ra thủ phạm gác đầu và cánh tay lên hai đùi tôi ngủ là một cô gái trẻ, đẹp, có vẻ nữ sinh, thông minh, dáng thon thả, tóc vấn cao, mặc bộ bà ba đen, làm nước da thêm trắng hồng. Vậy mà, tôi tự trách, mũi tôi, vốn tự hào rất thính mùi đàn bà, còn hơn ăng-ten radar, sao suốt đêm qua lại điếc đặc, không phát giác ra được mùi của cô, mặc dù cả hai nằm sát rạt cạnh nhau như hai con cá mòi, vậy cà? Nhưng thực tại nguy hiểm không cho tôi thắc mắc, hay tiếc rẻ, thêm nữa: phải thoát ngay chỗ này, bằng mọi giá, sau khi thầm chửi thằng chủ ghe khốn nạn, nghi nó là đặc công của công an.

      Chỗ chúng tôi đứng là một vùng cây xanh um, tàn lá bung ra hình cây dù rộng, che kín thân người, dưới chân là vũng bùn lầy lội. Tôi đặt đại tên “cây dù nước”. Hai đứa chui vào núp, quan sát phương hướng. Tôi tháo bi-đông nước đeo bên hông đưa cho cô gái: “Cô uống đi!” Cô cầm lấy, uống mấy hớp và kín đáo súc miệng, rồi trả lại cho tôi. Tôi cũng làm như vậy. Sau đó, cô lục trong bóp, lấy cho tôi và cô mỗi đứa một miếng chewing gum, và không nói gì.       

      Nhìn qua phía bên kia sông, tôi hỏi:
      - Bên kia là đâu vậy cô?
      
Cô gái đáp, giọng Bắc kỳ chín nút, lai âm hưởng Sài Gòn:
      - Cần Đước!
      - Tôi sẽ lội qua sông, trốn tại Cần Đước. Chỗ này bị lộ rồi.

      Vừa nói tôi vừa toan bước ra. Cô vội níu cánh tay tôi, năn nỉ:
      - Đừng, anh đừng bỏ em. Em không lội theo anh được. Vả lại, Cần Giuộc hay Cần Đước gì cũng là đất lạ như nhau. Qua đó, không chừng anh cũng sẽ bị bắt thôi mà. Mình đi với nhau thì cùng về với nhau. Sáu tháng trước, em cũng bị bể mánh gần vùng này, đã men theo ruộng ra quốc lộ, leo xe đò về Sài Gòn, dễ ợt. Ủa, mà anh là sĩ quan cải tạo hả?

      Tôi lắc đầu, chối bay và trả bài, như cái máy:
     - Không, tôi 60 tuổi rồi, làm rẫy tại Trảng Bom, gần Hố Nai, một vợ ba  con...

      Cô cười:
       - Một vợ ba con thì dám lắm. Nhưng tướng anh đâu phải là nông dân, lại già 60 tuổi nữa, bộ em khờ lắm sao? Em trông anh khôi ngô và ngầu như sĩ quan mình trước kia. Ba em, các anh của em toàn là sĩ quan ngụy, và người yêu của em là một thiếu úy Thiết Giáp chết trận An Lộc, nên em biết. Nhưng thôi, anh giấu, thì em không hỏi nữa…

      Nghe cô nóí, tôi giật mình, và suy nghĩ lung lắm. Một cô gái bình thường mà còn nghi ngờ, thì làm sao một thằng công an cáo già thẩm vấn chuyên nghiệp có thể tin vào cái lý lịch dựng lên khá vụng của tôi? Nhưng lỡ rồi, tới đâu hay đó. Sực nhớ, và cười thầm, về bài “mưu sinh thoát hiểm” học được của một anh bạn hai lần bị vợ nghi có bồtrong đó có một câu nghe như châm ngôn, sống để bụng chết mang theo: “Vợ cũng như Việt Cộng. Ta chớ bao giờ cúi đầu nhận tội, xin tha. Cứ chối, chối và chối, kể cả khi bị nó (vợ, VC) nắm tay bắt quả tang”.  

      Sau vài giây, cô gái nói tiếp:
      - Bây giờ, em đề nghị như thế này nhé: mình giả làm vợ chồng đi ăn cưới tại Cần Giuộc, rồi dọc theo đường ruộng băng ra quốc lộ trên kia kìa. Độ một cây số nữa là an toàn.

      Đề nghị này lại càng vụng hơn, nhưng quá mệt mỏi, và tình hình “khẩn trương” lắm, tôi không muốn cãi và đành phó mặc cho may rủi. Đi ăn cưới gì mà cả hai mang dép cao su, “chồng” mặc quần bò, “vợ” quần bà ba đen, ống xắn lên quá mắt cá, chân bê bết sình, mà lại vào lúc năm giờ sáng, như thế này, hả trời?

      Cô gái dẫn tôi len lỏi qua những ruộng lúa, rồi lên những con đường làng nhỏ hẹp, còn vắng bóng người. Cả hai hối hả bước đi. Lát sau, vài nông dân trong làng ra thăm ruộng sớm, trông thấy, bèn gật đầu, mỉm cười thông cảm. Có bà hỏi thẳng cô: “Vượt biên bị bể phải hôn cưng?” Hỏi đây là đâu thì được họ cho biết, ấp Long Giêng, xã Phước Hậu, thuộc quận lỵ Cần Giuộc. Tám giờ sáng, cả làng bắt đầu sinh hoạt nhộn nhịp. Tôi hơi lo, chân muốn khựng lại. Cô dặn: “Anh cứ bình tĩnh. Để em đối phó cho”.

      Mấy phút sau, chúng tôi tình cờ đi ngang một căn nhà ngói, treo cờ đỏ sao vàng, trước cửa lố nhố một đám người, thì từ bên trong, cách con lộ trống trải chừng năm thước, có tiếng hét vọng ra:
 
       - Ê, hai đứa bây, đứng lại!                

      Một người còn trẻ mặc quân phục, không đeo cấp bậc, mập lùn, một tay cầm súng lục, tay kia cầm ly cà-phê sữa đá, vẻ mặt rất hung ác, chạy ra. Chúng tôi dừng lại. Hắn hầm hầm sấn tới, hỏi, đặc giọng địa phương:
      - Tụi bây vượt biên phải hôn?     

Cô gái bình tĩnh đáp:                                                                                                              
- Đâu có! Vợ chồng tôi ở Sài Gòn xuống đây ăn cưới bị lạc đường…
      
Hắn cười gằn, tát vào mặt cô một cái, và quát:      
      - Tụi bây nói láo. ĐM, vượt biên, chớ cưới hỏi cái đ… gì giờ này, mà ăn cưới tại nhà ai?
      
Thấy nó đánh cô, và chửi thề quá lỗ mãng, tôi nóng tiết, máu nhà binh giang hồ nổi lên đùng đùng không còn cản nổi, và điếc không sợ súng, tôi lớn tiếng cự hắn và đám lâu la chung quanh:

      - Anh đã biết chúng tôi vượt biên rồi thì cứ việc bắt giam, hoặc bắn bỏ, còn hỏi lôi thôi làm gì? Nhưng Bác Hồ và nhà nước nói rõ là cán bộ, công an không được phép chửi dân và đánh dân, nhất là đánh chửi đàn bà, con gái…
      
Bị quê độ, hắn quắc mắt nhìn tôi, như muốn nhai tươi nuốt sống, và tôi chưa kịp dứt câu, hắn vung tay ném mạnh ly cà-phê vào người tôi. Tôi né kịp, cái ly rơi xuống đường, vỡ tan, và nước cà-phê vãi tung toé lên quần áo tôi. Hắn lên đạn rắc rắc, quơ quơ cây súng, bắn thị uy một phát lên trời. Rồi bảo thuộc hạ trói tay tôi, và dẫn cả hai vào căn nhà đối diện. Hắn bước theo sau, và lượm ở đâu một khúc củi lớn, vụt ngang sống lưng tôi một cái đau điếng như trời giáng, miệng thét: “Đi mau lên!”. Tôi ngã quỵ, mắt nảy đom đóm. Đang đi phía trước, cô gái quay đầu lại, thấy vậy, chạy đến, bật khóc, ôm tôi đỡ dậy, và có lẽ còn tức vì cái tát của hắn khi nãy, cô nhìn hắn trừng trừng, quên cả sợ, và mắng, trước đám dân hiếu kỳ: “Đàn ông gì mà hèn vậy? Đã đánh đàn bà, bây giờ còn đánh lén người bị trói, không biết nhục sao?” Lần đầu tiên, và duy nhất, trong đời, kể cả tám năm tù cải tạo, tôi bị Việt Cộng đánh. Cú đòn thù quá mạnh, vết thương trên lưng vì không được chữa trị kịp thời, lâu ngày, đã biến chứng, thành một cục u không bao giờ tan, dây thần kinh bên trong chắc bị tổn hại, gây đau nhức triền miên cho mãi đến ngày hôm nay.
      
Vào căn nhà, thấy ngồi sẵn ở bàn một thằng công an khác, mặc thường phục, bệ vệ như một xếp lớn, vẻ trầm tĩnh hơn, còn thằng đánh lén biến đâu mất. Thằng xếp lớn bảo lính cởi trói cho tôi và bắt đầu tra khảo lý lịch. Nhớ lại lời khuyên của một đại úy bạn đã vượt biên bị tóm mấy bận, “rủi bị bắt, tuyệt đối đừng bao giờ dại dột khai mình là sĩ quan cải tạo, ở tù mút chỉ đó cha”, tôi đáp, mà như đọc, cái lý lịch dởm viết sẵn ở nhà. Hắn không tin, và dọa: “Anh nói anh làm rẫy ở Trảng Bom, tôi sẽ nhờ các đồng chí công an trên đó đến địa chỉ để kiểm tra. Khai láo, anh sẽ biết tay tôi”. Tôi nhìn hắn, như thách thức, vì biết, thời ấy, làm gì có phương tiện (điện thoại) để liên lạc. Suốt một tiếng đồng hồ, hắn cứ lặp đi lặp lại những câu hỏi liên quan đến vượt biên, như: ai tổ chức, tên gì, ở đâu, mánh nào, số người đi, tốn bao nhiêu cây, dự tính đi đến đâu v.v… –mà tôi đoán cốt để moi vàng. Tôi đều trả lời, không biết, vì dĩ nhiên, tôi không biết thật. Chán nản, hắn quyết định giải ngay hai chúng tôi lên “huyện” Cần Giuộc, cách nơi bị bắt mười cây số.
      
Nghe chữ “huyện” Cần Giuộc, tôi sực nhớ đến một quyển sách của cụ Hồ Biểu Chánh, đầu thế kỷ XX, lúc Nam kỳ còn thuộc Pháp, Ngọn Cỏ Gió Đùa, mà bối cảnh là Cần Giuộc và Cần Đước (gọi là “huyện” trong sách, “quận” dưới thời VNCH, rồi lại “huyện” trong ngôn từ Việt Cộng) với những thôn làng vắng vẻ, đồng lúa mênh mông, và nông dân đều là tá điền nghèo khổ, làm thuê làm mướn, bị hà hiếp, bỏ tù oan ức bởi một thiểu số điền chủ gian ác, giàu nứt đất nẻ đai. Sở dĩ tôi nhớ quyển này là vì những cảnh bất công xã hội ở thôn quê Việt Nam trong sách của Hồ Biểu Chánh, cũng như ở thành thị của những nhà văn hiện thực, chẳng hạn Émile Zola, về đời sống cơ cực của thợ thuyền Pháp vào thế kỷ XIX, đã bị Karl Marx và Lénine lợi dụng triệt để, hô hào một cuộc cách mạng vô sản, lập nên chủ thuyết Cộng sản, còn tệ hại gấp trăm lần hơn mọi chế độ –như được ám chỉ trong Animal Farm của George Orwell, và chứng minh qua thực tế thê thảm tại Việt Nam Cộng Sản hiện nay. Ngoài ra, về mặt văn chương, nội dung Ngọn Cỏ Gió Đùa dựa trên Les Misérables của Victor Hugo, trong đó nhân vật chính, Lê Văn Đó, là một Jean Valjean made in Cần Giuộc.
 
Trở lại với thằng công an chấp cung. Hắn ra lệnh trói tay tôi vào tay cô gái, bằng một sợi dây điện phế thải và gọi một chiếc xe Lam, bắt chở lên trại tạm giam của quận, với một tên lính mang súng AK hộ tống, tuổi độ 18, hiền khô, gọi hai đứa tôi “anh chị”, và xưng “em”. Trên xe, cô gái khẽ hỏi tôi:      
      - Anh còn đau lắm không? Tội nghiệp, em thương anh quá, vì em mà anh…
      
Tôi ngắt lời cô:
      - Không sao đâu cô. Cũng tại tôi không biết nhịn. Nhưng thôi, chuyện qua rồi, hãy quên để còn suy tính về tương lai. Tôi không sợ ở tù, mà sợ ở tù sẽ phí phạm thời gian cho những chuyến đi tiếp theo…
      
Suốt quãng đường, qua cô, tôi nghĩ đến Bội Trân, và thầm cảm ơn Chúa đã cho em bất ngờ bị bệnh. Nếu không, làm sao em có thể chịu đựng hết khổ nhục thể xác và tinh thần này? Trước sự đau đớn, gian nan của một cô gái đồng hành mới quen mà tôi còn thấy xót xa đến thế, huống chi là của cô em gái kiều diễm, đức hạnh, mà tôi hiểu và thương nhất, ngoài Trọng ra  bởi em đã trải qua bao nhiêu đắng cay, cơ cực, cũng như hàng triệu phụ nữ trẻ Miền Nam khác, từ sau 1975. Rồi miên man tôi nghĩ đến những thuyền nhân vô tội, như tôi, trên đường liều mình trốn chạy tìm Tự Do, đã bị bắt, bị tù, bị hãm hiếp hay đã vùi thây trong lòng đại dương. Tôi nghĩ đến thân phận của toàn dân Việt Nam trên khắp ba miền đất nước đang rên siết trong nanh vuốt của loài quỷ đỏ bạo tàn. Tôi lắc đầu, thở dài. Chúa ơi, khổ nạn này Chúa chỉ dành riêng cho dân tộc bất hạnh của chúng con hay sao?
 
      4. Trại tạm giam những người vượt biên tại Cần Giuộc nằm bên kia cây cầu bắc ngang một con sông cạn nước. Xe chạy tới đầu cầu, tên lính bảo ngừng, để thả nó và hai đứa tôi xuống, đi bộ qua cầu. Khách đi đường thấy chúng tôi, liền quay mặt, thản nhiên dường như đã quá quen cảnh thuyền nhân bị áp tải lên quận, hoặc thông cảm cho những người vượt biên thiếu may mắn, hoặc cả hai lý do. Có người lén dúi vào tay mỗi đứa một nắm xôi, và một bịch kẹo.       
       
Cây cầu cao, dài, và hẹp, làm bằng những thanh sắt ráp nối với nhau, trơ trụi, không có hàng rào vịn, ở trên lót những tấm gỗ thưa, đóng bằng đinh, cách nhau độ một bàn chân, lâu ngày có chỗ bị mục rớt ra thành những lỗ hổng lớn, nhìn xuống dưới sông đầy đá nhọn lởm chởm, thấy ớn, người yếu tim, không dám bước qua. Trường hợp hai đứa tôi, tay bị trói vào nhau, lại còn ớn hơn, vì bước đi lạng quạng, mất thăng bằng. Cô gái nói lớn: “Em lính bảo vệ ơi, cởi trói giùm, anh chị mới bước qua cầu được.” Nó bèn đến tháo sợi dây điện, vứt xuống cầu. Đi mấy bước, cô thấy chóng mặt, bèn đứng lại, tủi thân, khóc thút thít, tôi phải ôm vai cô, dìu đi, từng bước chậm rãi, thận trọng.
       
Qua khỏi cầu, phải đi một đoạn xa nữa mới đến trại tạm giam, xây dọc theo một con sông nhỏ. Gọi là “trại”, nhưng thực ra chỉ là hai căn phòng khá rộng, cách nhau bởi một lối đi hẹp, hai cửa lớn mở song song về phía mặt tiền và hai cửa sổ bên hông đối diện nhau. Một phòng nhốt tù nam, phòng kia nhốt tù nữ.
      
Trước cửa, cô gái và tôi chia tay, phòng ai nấy vào. Cô xin thằng lính mở cửa cho phép “vợ chồng chúng tôi” nói lời từ giã nhau. Nó gật đầu: “Được. Ba phút thôi!”. Cô bỗng đưa hai cánh tay ôm tôi, hôn lên môi, lên má, áp đầu vào vai. Tôi mủi lòng, vuốt nhẹ mái tóc mềm. Cô nói thật nhỏ, thật nhanh:      
      
- Trong cảnh tù đày, và dòng đời nghiệt ngã, em không hy vọng được gặp lại anh. Thôi, hẹn kiếp sau, hai đứa mình sẽ hoàn toàn tự do, muốn đi đâu thì đi, không bị ai theo bắt, trói, đánh đập, và mình sẽ là vợ chồng thật, sẽ xuống Cần Giuộc ăn cưới thật, sẽ về Trảng Bom sống đời nông dân, làm rẫy thật, nhé anh! Thôi, em vào phòng đây.
       
Từ đó, tôi không bao giờ gặp lại cô, và tiếc mãi đã không nhớ hỏi cô tên, địa chỉ, và thân thế. Tôi hy vọng rằng với quyết tâm và bền chí cô cũng sẽ đi nữa và biết đâu, cũng như tôi, đang ở một nơi nào đó trên thế giới Tự Do, không có Long Giêng, Phước Hậu, Cần Giuộc, hay Trảng Bom, và giấc mơ tương phùng sẽ không còn là mộng ảo. Ngay trong kiếp này.
       
Tôi lò dò bước vô phòng giam, chân còn lấm sình, trước sự hồ hởi phấn khởi, và vồn vã hỏi han của đám tù cũ  chẳng phải họ yêu thương gì, mà bởi trong tiềm thức được thấy thêm một thằng đi không được, như mình. Tôi đếm có mười tám người tất cả, đủ mọi thành phần, và tuổi tác. Về sau mới biết có cả bác sĩ, giáo sư, và thầy bói (ông này bói cho người trúng phóc, bói cho mình đi trật lất). Có hai đứa nhỏ chín, mười tuổi bị giam theo bố. Cả đám đang ngồi đấu hót với nhau, uống nước, hoặc đánh cờ, hoặc ngáp vặt. Trời về chiều, mà vẫn nóng như thiêu. Phòng giam như cái hỏa lò, ai nấy nhễ nhãi mồ hôi, chỉ mặc quần đùi. Phía bên kia cũng vậy. Lợi dụng lúc cán bộ cho phép mở cửa sổ, vì sợ tù chết ngộp, một số các bà các cô chịu chơi, cởi hết trừ quần lót, đi qua đi lại uốn éo, cho mát, dĩ nhiên, nhưng, tôi đoán, cũng cố tình cho các “anh giai” đang đứng nuốt nước bọt bên song cửa nhìn sang, rửa mắt, dù chỉ mấy phút phù du, trước những bộ ngực để trần đủ cỡ, đủ dạng, đủ màu.
       
Theo qui định bất thành văn, tù nhân mới nhất phải nằm sát cầu tiêu lộ thiên, chờ đến khi nào có tên tù chót nhất vô thay thế mới được xuống chức. May quá, tôi nằm bên cầu tiêu mới có hai tiếng, lưng chưa kịp nóng, cái mũi rất nhậy bén chưa có dịp hành nghề, thì từ cửa anh chủ ghe taxi buổi sáng lù lù dẫn xác vào, mặt nhăn nhúm như cái mền rách. Tôi nhìn anh, ngạc nhiên tột độ. Đêm đó, nằm cạnh tôi, anh cho biết tên anh là Bảy (chắc cũng tên giả), mời tôi “quá giang” nằm chung cái mùng rộng thênh thang mà anh luôn đem theo trong ghe, và thì thầm kể:      
       
- Thả hai người xuống, tui cho ghe chạy tiếp. Mười lăm phút sau, vừa tới bót, thì trời sáng bét, và tụi công an đã chực sẵn, chận lại, lục lọi người tui, rồi xuống ghe tìm vàng. Không thấy gì, chúng tức tối, đấm đá tui túi bụi, tịch thu chiếc ghe và trói tui dẫn về trụ sở ấp Long Giêng, chỗ hai người bị bắt, rồi đưa lên đây. Tụi nó nói với tui, tui bị bắt vì đồn canh tụi nó được báo động, sau khi một ghe lớn, chắc là chiếc đợi tụi mình, bị chận ngoài cửa biển, và gần ba trăm người, có cả thằng cha chủ ghe và vợ con, bị giải về Cần Đước…        Tôi im lặng, lòng ngổn ngang trăm mối. Như vậy, tôi đã nghi oan cho anh ta. Một lúc sau, tôi hỏi:
       - Cô gái nằm chung khoang ghe và bị bắt với tôi, anh có biết tên gì, làm gì, gốc gác ra sao không?
       
Bảy lắc đầu:
       - Tui có biết cái gì đâu. Tui không thấy rõ mặt của cổ nữa cà. Tui chỉ được bà trung gian mướn chở cổ và anh ra ghe lớn. Dzậy thôi.
      
Gần nửa đêm, lục tục kéo vô một tốp nữa gồm một người lớn tuổi và hai thanh niên, dường như ba cha con, quần áo ướt nhẹp, đẹp trai và lịch sự như dân trí thức Sài Gòn ngày xưa. Tôi và Bảy lại tụt xuống nữa, nhường cầu tiêu cho ba tân khách, và cùng lúc nghe tiếng mở cửa và léo nhéo ở phòng bên, chắc cũng đón thêm nữ tù mới. Một trong hai thanh niên nói với tôi: “Má và chị gái của em cũng vừa bị nhốt ở bên đó. Gia đình em năm người bị bắt tại bót Cần Giuộc.” Trong giấc ngủ lơ mơ, tôi bỗng thấy cô gái vô danh Cầu Chữ Y đến nằm sát bên, như đêm trên sông Cần Giuộc, nhưng lần này cô âu yếm úp đầu lên ngực tôi, không phải lên đùi.        
      
Sáng hôm sau, đám tù mới, trong số có tôi, lần lượt lên văn phòng “làm việc”. Lại phải thấy lại những bộ mặt hắc ám, nham hiểm, khó đăm đăm như bị táo bón kinh niên. Lại phải nghe lại những câu hỏi và lời đe dọa, vô nghĩa và quen thuộc đến nhàm chán. Mà vẫn phải ngồi đó chịu trận ít nhất trong một giờ. Chính những thằng công an hung dữ kia, đang đập bàn, hò hét, mạt sát tù nhân, và xa hơn, tập đoàn lãnh đạo xảo quyệt, sau này, khi gió đổi chiều, và đám người vượt biên mà tên thủ tướng Phạm Văn Đồng đã miệt thị là đồ “ma cô đĩ điếm”– được định cư trên xứ người, ăn nên làm ra, đỏ da thắm thịt, bèn quên đi những lần chúng nó bắt bớ, đánh đập, sỉ vả họ, và giở thói gạ gẫm, dụ dỗ họ mang tiền và chất xám về, ôm hôn thắm thiêt và cầm ống đu đủ thổi lên mây xanh, gọi họ nào là “những khúc ruột ngoài ngàn dặm”, nào là “bộ phận không thể tách rời của dân tộc” v.v... Nhổ rồi lại liếm là nghề chuyên môn của quân cướp Việt Cộng.
 
Một ngày trôi qua chầm chậm, buồn nản. Như mọi ngày. Cho mọi người. Ăn, ngủ, thở dài, gãi ghẻ, hay nằm nhìn trần nhà, giết thời gian và ruồi muỗi, và nghe những tiếng cười hô hố của đám tù già tụ họp đánh cờ. Hay những chuyện tiếu lâm nặng mùi sex bởi đám tù trẻ bị dồn nén sinh lý, nhất là sau khi, nhờ trời nóng, được các em tù nữ chịu chơi lâu lâu đãi cho một chầu rửa mắt. Cuối cùng, sau hai tuần lễ, một số chúng tôi được lệnh chuyển lên trại giam Long An. Và nhân dịp này, tù nam được phép tắm, lần đầu tiên, vì nước được phát hạn chế, từng ngày, từ cái giếng cạnh nhà bếp, chỉ vừa đủ dội cầu, và đánh răng, rửa mặt, lau sơ mình mẩy. Tù nữ được ưu đãi, nước nôi đầy đủ, tắm ngay trong phòng.
       
Tất cả tù nam tập họp, xếp hàng trong sân trại, được lính bảo vệ dẫn ra sông. Trời nóng, và nước mát, gió hiu hiu thổi, thấy sảng khoái vô cùng. Tôi đang ngụp lặn thì bỗng một đồng tù la lớn: “Mấy cha coi kìa!”, và chỉ tay về phía đầu sông, gần bờ, có cái chòi cao và rộng, chia nhiều ngăn, trên đó thấy thấp thoáng vài bóng người đàn ông và đàn bà đang “xử lý” bầu tâm sự, mà phía dưới không có ao cá tra, nên phế phẩm theo dòng nước trôi lềnh bềnh đến tận chỗ tù đang tắm, cùng với đám lục bình. Từ hồi nào đến giờ, tôi chưa hề thấy cảnh này, kể cả thời gian cải tạo tắm suối ngoài Bắc. Hoảng kinh, tôi chạy lên bờ, vừa lau mình vừa nôn oẹ. Vừa vẩn vơ nghĩ đến thân phận con người, nếu không có tư tưởng, và tính lãng mạn, thì dù là anh hùng hay mỹ nhân cũng sẽ không khá gì hơn mọi sinh vật vô tri khác bị sai khiến bởi nhu cầu thân xác phàm tục, hạ cấp. Và vì vậy, dân gian và thi sĩ mới mơ chuyện Thiên Thai và triết gia Pascal mới ví con người với một cây sậy biết suy nghĩ, nghĩa là thanh cao, bởi cây sậy và tiên nga không bao giờ bước lên cái chòi trên sông kia. Về phòng, tôi lén xối lên mình một lớp nước sạch, và cho Bảy phần ăn chiều.
 
      5. Một chiếc xe đò chở số tù nam lên Long An. Tù nữ đã đi hôm qua, nên tôi hết hy vọng gặp cô gái. Sau gần hai tiếng, xe tới trại giam, nằm khuất trên một thửa đất hẻo lánh, yên tĩnh của thành phố. Trại xây theo hình vuông, rộng lớn, trông rất qui mô, “hiện đại”. Có hai khu nam nữ, riêng biệt, mỗi khu có độ mười phòng, chưa kể nhà bếp, nhốt đủ mọi thứ tội phạm, hình sự và chính trị, không riêng vượt biên. Tôi nghe nói, bên dãy nữ, còn có một phòng chứa các “chị em ta” đang được “cải tạo, phục hồi nhân phẩm”.
     
Tôi vừa bước vào thì bị một thằng tù giơ tay chận lại. Mặt hắn có hai vết thẹo lớn, trông rất cô hồn, hàm răng ám khói, mặc xà lỏn, lưng và ngực xăm đầy rồng rắn và hình một cô gái trần truồng đang múa lèo. Hắn lè nhè tự khai, hay tự khoe, là “phòng trưởng”, tên Ba Hổ, bị bắt vì tội “du đãng say rượu chém người”. Hắn yêu cầu tôi giới thiệu tên tuổi, và tội gì. Tôi còn phân vân thì bắt gặp trong số tù nhân đang ngồi chung quanh một người đứng tuổi gật gật đầu, ngụ ý bảo cứ làm theo lời hắn. Tôi bèn mở máy, lặp lại điệp khúc cũ, đã mòn tai: “Trần Hồng, 60 tuổi, làm rẫy, can tội vượt biên hụt…” Cả bọn cười ồ, kể cả thằng phòng trưởng: “Ông đi hụt mới bị bắt, chớ nếu đi được thì ông đã làm cha tụi này rồi”, một đứa nói. Một đứa khác: “Già rồi, lại còn làm rẫy nữa, mà ham vượt biên chi cho nó cực tấm thân, ông ơi. Qua Mỹ ông cũng làm cu li thôi.” Một đứa khác nữa: “Già cái gì mà già. Thằng chả giả dại qua ải đó thôi!” Vài người không chịu lời nhận xét đó, lớn tiếng phản đối, vô tình gây ra một vụ tranh cãi ồn ào. Dĩ nhiên, tôi không cười, không trả lời. Lên Long An, tôi lạc mất Bảy, được ở phòng khác. Còn cô gái thì biệt tăm hơi.    
       
Theo qui định, tôi phải nằm sát bên cầu tiêu, như dưới Cần Giuộc. Cầu tiêu trống trơn, không có màn che. Lại nhớ đến cái chòi cao trên sông, cây sậy của Pascal và những nàng tiên nữ trong cổ tích. Cũng may, phòng rộng, nhưng chỉ chứa mười hai người tối đa, nên mũi tôi đỡ phải làm việc liên tục. Theo lệnh Ba Hổ, trong lúc cả phòng ăn cơm, không ai được lên bàn cầu. Thêm nữa, nước trong phòng dư dã, tắm rửa thoải mái. Mỗi ngày hai lần, trong vòng nửa tiếng, nước được mở cho chảy vào phòng giam, từ một cái bồn chứa bên ngoài, qua một ống tre đục vô tường, và tù nhân, luân phiên trực nước, chỉ có việc hứng đầy ba cái lu sành bự. Bị “quản lý” ngang xương cái cầu tiêu, tôi tình nguyện cứ mỗi hai giờ, lấy nước trong lu dội sạch bong, chỉ vì thương cho “cái mũi vô duyên”, như trong thơ Cao Bá Quát. Chờ mãi đến tuần sau, mới thấy một chàng vô nạp mình. Đó là một anh tù mới, hiền lành, ít nói, trạc tuổi (thật) của tôi. Mấy đêm sau, quen nhau hơn, anh bắt đầu tâm sự:
      
- Tôi là Trung úy Truyền Tin Tiểu khu Long An, tên Tân, cải tạo mới về, ai cũng biết tông tích, nên không chối được. Sĩ quan vượt biên bị bắt sẽ phải lao động dài dài, không có ngày về. Mấy tháng nữa, tôi sẽ bị đưa lên Mộc Hóa cải tạo. Còn anh Trần Hồng, có thật anh là nông dân Trảng Bom không?
       
Tôi lờ câu hỏi, chỉ nói:
       - Xui cho anh quá. Mà anh bị bắt ở đâu?
       - Ở cửa Cần Đước. Ghe lớn tràn người can-me (đi chui), không đề-pa nổi, mắc cạn, bị giang thuyền công an vũ trang đến hốt hết.
      
Hay là chiếc ghe lớn mà Bảy đã nói đến? Nếu đúng, tôi tự an ủi, không bị bắt trước thì cũng bị bắt sau, cái số nó như vậy. Lý luận kiểu huề vốn. Nhưng từ đó, tôi an lòng, “vô tư” ăn ngủ, chẳng muốn lo nghĩ gì nữa, chờ định mệnh đến nắm tay dắt đi, đâu cũng được.
      
Cửa phòng có gắn một ô vuông bằng kính trong, bên ngoài che kín bởi một tấm vải đen, dành cho cán bộ tuần tra, khi cần, kéo lên, để dòm vào kiểm soát phía trong dễ dàng. Mỗi sáng sớm đám tù phải tập họp, nghe phòng trưởng tự phong Ba Hổ, thi hành lệnh cán bộ, đọc, và học thuộc lòng, bản nội qui trại. Xong, tan hàng, làm vệ sinh cá nhân, lãnh phần ăn trưa, rồi ăn tối, chờ đến lượt bị gọi lên “làm việc” với cán bộ. Nhất nhật tại tù trôi qua quá chậm, quá dài, quá rỗng. Như chính cuộc đời, nếu trống không, trần trụi, không có gì để lấp đầy. Trong ba tháng, tôi bị thẩm vấn bốn lần.
 
Lần đầu, gã công an, còn trẻ, nhìn tôi chằm chặp:
      
- Anh là Trần Hồng, có bà con dòng họ gì với gian thương Trần Thành, vua xì dầu, và Trần Phước, vua sòng bạc, ở Chợ Lớn thời ngụy không? Khi đi vượt biên, anh mang theo mấy cây? Chủ ghe tên gì? Già rồi, anh còn đi vượt biên làm gì? Theo bọn phục quốc, đánh phá Cách mạng chớ gì?
       
Những câu hỏi dính dáng tới chuyến đi, tôi đã quá quen thuộc, từ ngày ở Long Giêng, Cần Giuộc, và có thể nhắm mắt trả lời, sao y bản chánh, không sót một chữ. Nhưng câu hỏi về cái tên Trần Hồng thì mới lạ, khiến tôi phải kinh sợ cách điều tra chắc ăn “thà giết lầm còn hơn bỏ sót” của Việt Cộng. Khi thảo lý lịch giả, tôi đâu để ý đến cái tên gây rắc rối ấy, chỉ nghĩ một cách đơn giản là tên các nông dân Miền Trung thường ngắn, không có chữ lót, còn họ Trần thì lượm đại từ trí nhớ. Tôi trả lời gã:  
      
- Tên thật trên khai sanh của tôi là Trần Hồng. Tôi không phải gốc Tàu, cũng như ông tướng cách mạng Trần Độ không phải gốc Tàu, không bà con thân thích gì với gian thương Chợ Lớn Trần Thành hay Trần Phước.     
      
Ba lần sau, cũng gặp lại gã công an ấy, nhưng biết không khai thác được gì thêm, gã hỏi cho qua chuyện, lấy lệ, và tỏ vẻ dễ dãi hơn lần đầu –điều mà sau này tôi mới rõ lý do.
 
       6. Một buổi sáng, đến kỳ thăm nuôi, cả trại rộn rịp hẳn lên, vui như Tết. Trong phòng, tôi là người duy nhất được gọi tên. Không có khu, hay nhà, thăm nuôi riêng biệt, như những trại cải tạo sĩ quan. Tù nhân bên trong và thân nhân bên ngoài đứng nói chuyện, giữa trời, ngăn cách bởi một hàng rào kẽm tương đối thấp, đủ để những cánh tay với trao và nhận quà một cách dễ dàng. Tôi bước ra sân, mắt dáo dác kiếm tìm bóng dáng người thân, thì nghe có tiếng ai gọi lớn: “Anh Hai!” Quay lại thấy Huyền Trân, em út, đang vẫy tay, đứng kế bên là Bội Trân, và vợ ông bác bà con, đường Nguyễn Trãi, Sài Gòn –nơi mà Trọng và tôi đã trọ học nhiều năm. Tôi chạy bay đến, ba người nắm bắt tay tôi, qua lỗ hàng rào, siết chặt, mừng rỡ. Huyền Trân nhanh nhảu kể, hai chị em từ Nha Trang vô thăm tôi, ở tạm nhà ông bác, sau khi ghé qua gặp bà mối chợ Vườn Chuối để hỏi tin tức. Còn Bội Trân nhìn tôi đăm đăm, rơm rớm nước mắt:
       - Thương anh Hai quá đỗi. Ông thầy Chàm có lẽ nói đúng: con ma nam nó theo phá anh đó... (cf.  “Những chuyến ghe đời mong manh”, 4/2016).
      
Tôi cười, an ủi:     
       - Anh ở tù quen rồi mà em. Cũng giống như toàn dân bây giờ, bởi cả nước là một trại tù khổng lồ, em quên sao?
      
Em bảo nhỏ vào tai tôi:
       - Bà mối chợ Vườn Chuối báo cho em hay là bả lấy cây vàng mẹ đã đặt cọc để chạy cho anh ra. Bả đã mua đứt công an Long An. Chủ ghe lớn bị bắt ở Cần Đước, được thả ngay về Sài Gòn hôm ấy. Bả nói, tên công an buổi sáng thẩm vấn anh xong, buổi chiều lên Sài Gòn báo cáo kết quả cho bà mối và nhậu bia với chủ ghe. Nó than phiền là anh cứng đầu, cãi nó hoài, lôi cả ông tướng Trần Độ nào đó ra mà nói móc. Nếu anh là người khác, nó đã đề nghị cho lên Mộc Hóa lao động cải tạo mấy năm cho bõ ghét. Nó biết rõ anh là sĩ quan cải tạo mới về, nhưng nó cũng nể anh là bị dọa thế nào anh cũng nhất quyết không thú nhận, bởi thú nhận là hết gỡ. Nó còn nói, anh không biết đóng kịch gì hết: nông dân làm rẫy gì mà nói năng ngang tàng quá… Nhưng anh an tâm, nó ăn tiền rồi, không dám làm gì được anh đâu. Chắc tháng sau anh sẽ được thả.
       
Bà bác đưa qua hàng rào một giỏ đồ ăn khô mà, bác nói, “thím Ba”, tức mẹ tôi, gửi tiền vô nhờ bác mua giúp. Đủ cho một tháng.
 
       7. Tôi được thả hai tuần sớm hơn dự trù, nhân một dịp lễ vớ vẩn nào đó của Việt Cộng. Trưởng trại bắt tù tập họp trong sân, và lên lớp, nhắc nhở tất cả hãy học tập tốt, chấp hành nội qui tốt, và nhất là không trốn trại. Rồi hắn đọc tên ba mươi tù nhân, đa số là nữ, được thả vì “đã học tập cải tạo tiến bộ”. Trong số có tôi. Tôi không biết cô gái đồng hành vô danh kia có được về cùng đợt không, vì không thấy cô đâu cả. Nhưng tin chắc cô cũng đã được bà mối “chuộc” rồi.
      
Về phòng, tôi ôm từ giã Tân, tặng anh hết phần quà còn lại, và nói nhỏ:
       - Bây giờ tôi trả lời cho câu hỏi trước đây của anh. Tôi là Kim Thanh, đại úy CTCT, quê Nha Trang, cải tạo tám năm ngoài Bắc mới về mấy tháng. Thôi, chúc anh ở lại bình an, và hy vọng gặp lại nhau tại một nơi nào khác tốt đẹp hơn đất nước này.
      
Anh xúc động, vỗ vỗ lưng tôi, không nói gì, nhưng tôi thấy trên khoé mắt anh long lanh hai giọt lệ. Tính ra, tôi ở tù vượt biên đúng sáu tháng mười ba ngày.
      
Tôi đi xe đò về Sài Gòn và đến nhà bà bác vào lúc xế trưa. Tá túc tại đó hai ngày, rồi đi xe lửa về Nha Trang, với đầy đủ giấy tờ ra trại, nghĩa là rất hợp pháp. Cả nhà không ngạc nhiên lắm, vì mẹ đã tốn một cây vàng để chuộc tôi, và được bà mối thông báo rồi. Nhưng nỗi vui tràn ngập, trong mắt mẹ và các em.
      
Suốt thời gian dưỡng sức, và chờ mánh khác, tôi nằm lì ở nhà, đọc sách, không xuất hiện. Nửa tháng sau, ông cha xứ họ đạo, là bạn học hồi nhỏ của Trọng, xuống nhà đánh cờ tướng, uống bia, và ăn trưa, xem tôi như anh cả. Sau khi lừa chém chết con xe, mà ông rình lâu lắm, của tôi, ông khoái chí, ngừng tay, và hỏi nhỏ:
       - Sao, có muốn đi nữa không?
      
Tôi hiểu “đi” trong nghĩa vượt biên, dĩ nhiên. Mắt sáng rỡ, tôi đáp liền:       
       - Đi chứ! Pourquoi pas? Ghiền lắm rồi. Cha có mánh nào không?    
       - Dĩ nhiên là có. Để em nói chuyện với Huệ Trân. Còn hai chỗ. Em biết, bà muốn cho anh và Bội Trân đi trước, đúng không?
 
Về chuyến đi thứ ba này, tôi đã kể trong một bài khác, “Marita, mây bay ngàn năm”, được phổ biến năm 2010. Trong khi Huệ Trân thương lượng với chủ ghe mới, do cha xứ giới thiệu, mẹ đi tìm người cúng con ma nam đã theo tôi trong lần đi Cần Giuộc, khiến tôi bị bắt. Thư, em rể tôi, đề nghị nhờ Trứ, chủ ghe cũ, cúng giùm, vì anh ta quen gia đình Cường và biết rõ mộ phần của em nằm ở đâu.
 
 
Portland, 30/4/2020

Kim Thanh

 
 
usaelection gởi