Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
ĐI NGHE LỘC VÀNG HÁT
 

Cuối cùng thì hắn cũng mò tới được quán nhạc” Lộc Vàng”, nằm trên lầu ba của một tiệm ăn hải sản có tên là Thác Bạc, số 46 An Dương, Yên Phụ, Hà Nội. Hình như quán nhạc chỉ mở vào hai tối thứ Tư và thứ Bảy hàng tuần.
 
Chủ nhân của quán là nghệ sĩ Lộc Vàng, một bị can chính trong vụ án dã man và đểu giả xảy ra vào những năm của thập niên 1960. Anh chẳng làm gì cả. Anh và một nhóm bạn chỉ vì quá yêu những bản nhạc tiền chiến. Quá say mê với những lời nhạc ca ngợi tình yêu và thân phận con người. Sau những ngày lao động chân tay vất vả, tối đến các anh tụ họp lại, hát lén cho nhau nghe, thế thôi. Nhưng công an và bộ máy tuyên truyền lúc đó coi đây là vụ án điểm. Họ lôi các anh ra toà, giáng những bản án thật nặng với tội danh “Tuyên Truyền Văn Hoá Phẩm Đồi Trụy” rồi quăng tất cả vào trong các trại tù độc địa, nằm tuốt nơi rừng sâu núi thẳm….
 
Sao lại dám yêu một Con Thuyền Không Bến? Sao lại đi yêu Giọt mưa Thu? Sao không để thời gian đó yêu chủ nghĩa xã hội? Hay để yêu chị Võ Thị Sáu, bị trói chặt hai tay mang ra pháp trường bắn, mà vẫn tài tình thò cánh tay thứ ba ra hái hoa Sim để cài lên mái tóc ? Yêu cũng phải có định hướng chứ?
 
Không nhìn thấy gương vua Duy Tân kia à? Dù vua có yêu nước bao nhiêu, dù vua có chống Pháp cỡ nào đi nữa, nhưng không phải là đảng viên, cho nên nhà vua chịu khó đi chỗ khác chơi.  Tát cả các con đường mang tên vua đều đã được thay bằng cái tên Trần Phú, một tay cơ hội chủ nghĩa nhưng trong túi lại có tấm thẻ đảng viên và leo cao đến chức tổng bí thư.
 
Lộc Vàng và các bạn anh lúc đó đã không chịu hiểu phải yêu theo những gì tuyên giáo yêu và phải ghét theo những gì tuyên giáo ghét. Chính phủ chỉ yêu cầu các anh có mỗi điều lưu manh đơn giản như vậy mà các anh cũng không chịu hiểu, không chịu làm theo, cho nên các anh đã trả giá và trả giá nặng. Bảy người trong vụ án, sáu người đã chết trong tủi nhục oan khiên, chỉ còn mỗi mình anh trời cho sống sót, làm nhân chứng sống cho những ai còn quan tâm đến nhân quyền, còn quan tâm dến số phận lẻ loi, bé nhỏ của mỗi một con người…
 
Trở lại đêm nhạc Lộc Vàng. Khi hắn vừa lóp ngóp bước vào tầng ba, hắn và Lộc Vàng nhận ra nhau ngay, mặc dù cả hai chưa từng gặp cũng như chưa từng thấy hình của nhau bao giờ. Cả hai bắt tay rồi tự động chuyển qua ôm vai nhau thương cảm.
 
Anh là người hiền lành, dể mến, ăn nói nhẹ nhàng nhưng diễn ý hết sức gọn gàng, minh bạch. Bên tách trà nhỏ xíu, đắng khủng khiếp, anh cứ rù rì kể  cho hắn nghe về cái dĩ vảng tan nát, cay đắng muôn phần của đời anh. Anh cũng cho biết càng hoạt động quán càng lỗ, nhưng anh quyết duy trì điểm hát như là một khẳng định rằng anh không gục ngã trước mọi chiêu trò lưu manh của chế độ.
 
Các nhạc công đã lên sân khấu và ngồi vào vị trí, báo hiệu đêm nhạc bắt đầu. Có một vị khách, tầm 60 tuổi, đứng lên đề nghị ca sĩ Lộc Vàng hát bài “Giọt mưa Thu” bởi vì theo ông, khi công an ập vào còng tay Lộc Vàng là khi anh đang hát chính bài này, và nay ông muốn được nghe lại. Đang ngồi cạnh, Lộc Vàng rù rì vào tai hắn: ” Làm gì có chuyện đó. Anh em thương rồi đồn thổi thôi. Hôm ấy Sở Công An Hà Nội mời tôi lên thẩm vấn rồi bắt giữ luôn…” Nói xong, anh vội vả chỉnh sửa lại cà vạt và bước lên sân khấu. Hát Giọt Mưa Thu xong, anh giới thiệu bài hát thứ nhì mà anh muốn riêng tặng cho Lộc Dương, người đang ngồi dưới kia ngày hôm nay, đó là bài ” Nỗi Lòng Người Đi“.
 
Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu
Bao nhiêu mộng đẹp yêu thương thành khói tan trong mây chiều…..
Hà Nội ơi, giờ biết ra sao bây giờ
Ai đứng trông ai ven hồ
Khua nước trong như ngày xưa……
1685414786645blob.jpg
 
 
 
Đang hát thì anh khóc. Vài giây sau, anh cố trấn tỉnh và hát tiếp, mắt cứ nhìn lên trần nhà… Ngồi ở dưới, hắn âm thầm hốt hoảng nhận ra rằng hắn không đang xem một nghệ sĩ trình bày bài hát, và cái dáng người nhỏ thó, mặc bộ vét tông vàng, đứng giữa hai nhạc công kia, cũng không phải là Lộc Vàng nữa. Lúc đó, trên sân khấu, hắn chỉ thấy một mảnh đời rách nát, tang thương đang nhất quyết không chịu thua số phận. Hắn chỉ thấy một khối vàng ròng còm cõi đang dùng những lời nhạc mượt mà, chan chứa yêu thương như là một thứ lửa để tự khẳng định mình và để cho bọn cầm quyền thấy rằng vàng này không dể khuất phục đâu. Oan khiên thì chịu nhưng cúi đầu thì không.
 
Và hết sức bất ngờ, trong người hắn bổng bùng lên nỗi căm giận. Sự căm giận này chạy qua những nếp nhăn trong óc hắn thì chuyển hoá thành một ước mong không có thực. Hắn khát khao mong ước những tên quan chức ngày xưa đã hãm hại anh ( từ công an tới viện kiểm sát, từ tuyên giáo đến mấy thằng toà) tất tật. Thằng nào đã chết thì thôi, đứa nào còn sống thì đều có mặt trong đêm nhạc này. Tiền nước không phải lo, hắn sẽ trả. Hãy cứ ngồi yên đó mà uống cà phê nghe nhạc, mà nhìn nạn nhân con sâu cái kiến một thời của mình hiện nay vẫn sống tư cách ra sao.
 
Uống xong thì cứ về thong thả. Không việc gì. Chỉ mong một mình trong đêm đen, các ông sẽ hết sức trung thực với chính mình để trả lời một câu hỏi duy nhất của hắn đặt ra cho mấy ông :  Chỉ hát nhạc trử tình mà ở tù tới mười năm, cái chế độ này có nhục không? Bản thân các ông có thấy nhục không?
 
Còn ly tách các ông uống, cho thẳng hết vào thùng rác. Đừng rửa làm gì. Chẳng có xà bông nào rửa sạch được những cái mồm đã phun ra lời ép cung, những cáo trạng láo toét, và những bản án mông muội dã giết chết đời thanh xuân của những công dân trí thức, lương thiện, yêu đời…..
 
Nhưng các ông có cấm mãi được đâu. Các ông không thể dùng tay mà che lấp mãi mặt trời. Giờ đây cả nước hát nhạc vàng. Từ các kênh truyền hình cho tới các quán cà phê, nhạc vàng luôn là giòng nhạc chủ đạo. Thậm chí từ các dàn loa nhấp nháy cực đắt tiền trong các biệt phủ của cớm, cớm bự, nhạc phát ra vẫn chỉ là những giòng nhạc trữ tình của hơn nửa thế kỷ trước truyền lại mãi đến hôm nay.
 
Các ông đâm ra lúng túng, các ông không biết giải thích làm sao cho cái chính sách tiền hậu bất nhất, lấy đểu giả làm chính của đảng của các ông, các ông bèn giở trò đểu theo kiểu ” vượt biên bị bắt là phản động, còn đi thoát được, lại trở thành khúc ruột ngàn dặm của tổ quốc”. Bây giờ các ông bảo rằng cho phổ biến nhạc vàng là cách để duy trì di sản âm nhạc. Thế tại sao trước đây các ông lại bắt những người duy trì di sản âm nhạc đi ở tù ? Các ông trả lời đi.
 
Này những người cộng sản, đã đến lúc các ông phải xem xét lại vụ án Lộc Vàng trong tinh thần cầu thị và dưới ánh sáng văn minh của thế kỷ thứ 21. Các ông phải trả lại danh dự và sự công bằng cho người ta. Các ông không thể nhắm mắt cho qua tua. Bởi vì nếu hôm nay các ông không giải quyết, thì mai này lịch sử cũng sẽ phải giải quyết. Mà tội lỗi của cái đảng cộng sản các ông nhiều như ruồi mùa Hạ, sẽ phải cộng chồng thêm một tội ác nữa dưới sự phán xét nghiêm khắc của lịch sử…
 
Lộc Dương
 
___________

 
Đỗ Hứng gởi