Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh




 
Đi Qua Bóng Tối
 


 

Đêm tối với Ngàn là những đêm khổ hạnh. Anh sống một mình trên cái “chuồng cu” thuê ở đường Huỳnh Văn Bánh. Căn nhà lầu ba tầng, trên chót vót ở tầng thứ ba. Người chủ làm một cái sân thượng, phía sau làm một căn gác gỗ nhỏ. Vì để lâu ngày không ai săn sóc, chùi rửa, lau quét, nên “chuồng cu” này bụi bặm bám lên một lớp dày. Người chủ thấy bất tiện nên đăng báo cho thuê với giá rẻ. Ngàn chộp được mẫu rao vặt trên tờ báo, anh tất tả đạp xe tới. Leo lên ba tầng lầu, lên hai bậc thang nữa mới tới cái “chuồng cu”. Ngàn mệt ngất thở phì phò. Người chủ sợ anh chê, liền nói ngay:
 
“Nếu anh ở được, cứ ở cho vui. Tôi chỉ lấy anh tượng trưng chút đỉnh.”
 
Người chủ không đoán nổi ý Ngàn khi thấy anh trầm ngâm. Anh trầm ngâm là vì anh thích chí quá. Ở đây là một thế giới riêng biệt, có thể ngắm sao trời và hưởng không khí trong lành. Anh có thể đứng giữa trời không mà đọc thơ ông ổng, không ai bị phiền hà, hoặc anh có thể hát những bài tình ca vang động một góc trời. Giọng của anh, nếu có người nghe, chắc nhiều người phẫn nộ.
 
Người chủ lấy tượng trưng anh mỗi tháng một trăm ngàn đồng. Thế là anh đã định cư trên cái chuồng cu này gần mười năm từ ngày anh ra trại. Mười năm, anh đi về lầm lủi. Cất chiếc xe mobilette cà tàng trong một góc xó xỉnh, rồi anh bước lên tám bậc cầu thang. Có lúc say bét nhè, leo lên tám bậc cầu thang, mất gần một tiếng đồng hồ.
 
 
Anh sống một mình, làm một mình, ăn một mình. Ngơ ngơ, ngác ngác. Những cơn gió lạnh làm xước hồn anh, rách tươm thân thể anh thành từng mảng lớn.
 
Hôm qua, anh đem cái đơn xuất cảnh lên công an phường. Người công an phụ trách hỏi:
 
“Sao anh đi xuất cảnh một mình?”
 
“Tôi có một mình, tôi đi một mình, chứ anh biểu tôi đi với ai nữa.”
 
“Theo lý lịch anh, tôi biết anh có gia đình.”
 
“Nhưng tôi đi cải tạo về không còn gì nữa.”
 
Người công an cười cười:
 
“Đó là anh nói với ai khác kia, chứ với cơ quan công an cái gì cũng phải có chứng minh, có giấy tờ. Bây giờ tôi chỉ căn cứ vào giấy tờ thôi. Tôi có một yêu cầu, anh có vợ con, anh hãy làm giấy tờ cho vợ con anh đi cùng. Nếu anh đã ly hôn, anh phải có giấy ly hôn.”
 
Ngàn bộc bạch:
 
“Thưa anh, tôi đi cải tạo về, vợ có người tình khác, chúng tôi không sống chung nữa, vợ tôi không chấp nhận tôi, làm sao tôi nói được.”
 
“Đó là phần của anh, anh muốn hồ sơ hợp lệ chỉ có điều kiện vậy thôi. Thôi anh về đi, khi nào hợp lệ hãy đến đây tôi ký chuyển cho anh.”
 
Ngàn đành đem hồ sơ về.
 
Bây giờ anh phải làm thế nào đây? Về năn nỉ Nga cùng đứng chung hồ sơ với anh và mấy đứa con nữa. Nga, vợ anh bây giờ thế nào? Hầu như suốt gần mười năm nay anh không gặp Nga. Nga bận buôn bán làm ăn, Nga có người tình khác, Nga không đoái hoài gì tới anh nữa, thế mà bây giờ anh phải về năn nỉ Nga sao? Anh thấy mình bất lực và như đang đi trên một con đường cụt.
 
Những buổi chiều đi bỏ hàng, gặp Thiệu, anh coi như mình bắt gặp vàng, vì hai người có hoàn cảnh giống nhau. Giấy tờ Thiệu cũng gặp muôn vàn khó khăn, không tạm trú, không địa chỉ, Thiệu tấp về quê ở Long An. Người chú còn có lòng cho Thiệu tạm trú, những người công an biết Thiệu từ nhỏ đã ở đây, còn căn nhà từ đường. Chỉ có một điều, người vợ không biết trôi giạt về đâu, mà hồ sơ, còn hôn thú, còn con cái, nên công an bắt Thiệu phải đi tìm vợ về.
 
Dù cùng bỏ hàng trên một con đường, nhưng Thiệu và Ngàn, cả tháng nay không gặp nhau. May mắn lắm, họ gặp nhau thì rủ nhau nhậu. Chuyện hồ sơ bế tắc nên hai người muốn quên, nhậu vào là quên hết, nhưng sáng mai thức dậy nghe đau nhừ người, mở mắt ra thấy chập choạng một màu vàng choé.
 
Ngàn tấp xe vào sạp của Nương, Nương chuẩn bị dọn hàng về, cô hỏi:
 
“Sao hôm nay anh đến trễ vậy?”
 
“Thì cũng bỏ hàng loanh quanh ở đây, bây giờ mới tới.”
 
“Thì anh lúc nào cũng đến em sau rót, người ta lựa hết hàng tốt.”
 
“Đâu có được, hàng ai đặt thì để cho người đó chứ, phần em anh đem đến đủ đây này.”
 
Anh lấy hàng cho Nương, cô gái bận chiếc áo màu xanh trông dễ thương chi lạ. Ngàn chợt nhớ đến bản nhạc của Đoàn Chuẩn-Từ Linh, Tà Áo Xanh, khi nào em đến với anh xin đừng quên chiếc áo xanh, em ơi, có hoa nào không tàn…
 
Nương chợt hỏi:
 
“Hồ sơ đi Mỹ anh làm đến đâu rồi?”
 
“Thì vẫn vậy, công an bảo khai tên bà vợ và mấy đứa con cùng theo, anh thấy khó quá, chẳng lẽ bây giờ về năn nỉ bả, đã mấy năm không gặp nhau.”
 
Giọng anh có một cái gì đó chua chát, thấm đậm buồn tủi cùng cực.
 
Nương nói như nửa đùa nửa thực:
 
“Không năn nỉ bả được thì năn nỉ em, em làm vợ anh được không?”
 
Ngàn vẫn nghĩ Nương hay đùa với anh, nhưng bây giờ câu nói của Nương, tự nhiên làm anh cảm động, anh hỏi lại:
 
“Thật không Nương?”
 
“Em nói thật đó, nếu anh làm hôn thú với em, cưới em, dẫn em đi Mỹ thì em đồng ý.”
 
Như vậy có một điều kiện, Nương chỉ đồng ý khi anh làm hôn thú với Nương và dẫn Nương đi Mỹ, còn không, thì không được. Như vậy thì đâu có tình yêu?
 
Anh hỏi lại trong ý nghĩ bất chợt đến:
 
“Không có tình yêu trong đó sao?”
 
Nương cười cười, nhấp nháy con mắt có đuôi:
 
“Em nói chơi vậy thôi, anh đừng buồn em, anh về đi tìm vợ đi. Chắc chị ấy đợi anh đó, người đàn bà nào biết mình được đi Mỹ mà không ham, nhất là anh biết xin lỗi và năn nỉ chỉ.”
 
Ngàn nghe lòng mình nhẹ tênh, không cảm xúc, hầu như anh chưa bao giờ đi đến đích với một cuộc tình nào, anh sống cô đơn là phải.
 
Ngàn đứng dậy:
 
“Thôi anh về đây. Anh nghe lời em, sẽ cố gắng đi tìm vợ về.”
 
Buổi chiều bên ngoài xuống hiu hắt.
 
***
 
Ngàn biết Nga và hai con đang ở ngôi nhà đó, con đường đó. Nhưng anh không đến từ ngày anh ra khỏi trại tập trung. Bây giờ, chỉ có một con đường là anh quay trở lại, đến để gặp Nga và năn nỉ Nga cho anh về ở, để cùng ra đi. Đó là nước đường cùng, là con triệt buộc, nếu không, anh phải làm đơn xin ly dị, mà làm đơn xin ly dị cũng hai ba năm mới xét xử. Lúc đó nộp hồ sơ, mọi chuyện sẽ trễ tràng hết.
 
Nhưng anh đâu có phải trở về để xin lại chút tình yêu còm của Nga hay sự thương hại của Nga. Anh về là đem cho Nga một hạnh phúc, cũng như hai con, ra đi khỏi đất nước này, để hai con có con đường đi học, để khỏi mang trên mình bản án, con sĩ quan ngụy, có tội với nhân dân. Bản án đó sẽ theo các con anh dài dài với cái lý lịch ba đời của cha ông nó.
 
Anh nghe lời Nương, ít ra, Nương cũng cho anh sự tỉnh táo nhận xét về hoàn cảnh của mình.
 
Anh đợi buổi tối mới đạp xe đến nhà Nga, anh mua cho hai con mấy cuốn truyện ngắn hay, mấy tờ báo Mực Tím số mới nhất. Anh dừng xe lại trước cửa.
 
Ngàn hồi hộp vô cùng, vì dù sao, đây cũng là lần gặp Nga thứ hai, sau một thời gian quá lâu, gần mười năm, mới gặp lại. Lần trở về ngày đó, Nga có một người đàn ông, còn bây giờ, nghe nói, Nga đã thôi người ấy.
 
Ngôi nhà nhỏ, lặng lờ, hai cánh cửa khép, nhưng bên trong còn anh sáng.
 
Có tiếng của Nga từ bên trong:
 
“Đông, con ra coi ai đến nhà mình vậy?”
 
“Dạ.”
 
Cánh cửa mở hé, đứa con gái anh thập thò bên trong, Đông thấy Ngàn, lắp bắp nói:
 
“Ba, ba.”
 
Ngàn nghe nhủn lòng mình lại, anh trở về đây sau gần mười năm, không sống được với con, bây giờ con anh đã lớn sộ.
 
“Ừ ba đây, ba đến để thăm hai con và có chuyện để nói với má con chút.”
 
“Để con nói lại với má.”
 
Đông tuột vào trong, cánh cửa vẫn hé mở. Ngàn đứng đợi.
 
Bên trong, Đông nói với mẹ:
 
“Ba đến thăm tụi con và có chuyện để nói với má, ba bảo thế.”
 
“Con mở cửa mời ba vào đi.”
 
Nga thay cái áo, tô chút son trên môi. Đã mười năm hai người không gặp nhau, nàng biết, nàng có lỗi trong chuyện này, nhưng nàng vẫn cứng đầu, với lại, ngày Ngàn trở về nàng có Nhật. Nàng xua đuổi và Ngàn đã bỏ đi, thôi cũng đành. Bây giờ, Nhật cũng xa nàng, anh có những giấc mộng riêng của anh. Nàng trở lại là con người cô đơn cũ.
 
Nga biết hết mọi diễn tiến xảy ra trong cuộc sống, nhưng nàng đầy tự ái. Trong lúc người ta cải tạo cực khổ, mình đã bỏ người ta, bây giờ nhìn lại, còn mặt mũi nào. Nhưng bây giờ Ngàn đã đến.
 
Đông bước ra cửa nói với Ngàn:
 
“Má nói mời ba vào nhà.”
 
Ngàn bước vào, tay xoa lấy đầu Đông:
 
“Con lớn quá.”
 
Đúng là Đông đã lớn, đã mười tám tuổi. Đông là đứa con gái anh thương yêu vô cùng vì nó giống anh như đúc. Cả khuôn mặt, giọng nói và tâm hồn Đông. Cô bé thích đọc sách, yêu văn nghệ và hát hay. Cho nên, mỗi lần lén đón thăm con ở trường học, anh thường mua cho con mấy tập Mực Tím, vài quyển sách viết về tuổi thơ, về tuổi mới lớn.
 
Ngàn hỏi Đông:
 
“Chị Thuý đâu con?”
 
“Chị ngủ rồi, chỉ ngủ sớm lắm ba.”
 
Thúy là đứa con gái đầu lòng, tính nó giống mẹ hơn cha, nên anh ít thân thiện hơn, dù anh vẫn thương Thúy, hai đứa con anh đều thương hết.
 
Anh ngồi trên chiếc sofa ngắn bằng mây. Nga trong buồng bước ra, dáng vẻ vẫn còn đẹp như cách đây mười lăm năm, ngày anh xách gói đi tập trung cải tạo. Đã mười lăm năm rồi, qua bao cuộc biển dâu, Nga ít thay đổi hơn anh, vì nàng biết chăm sóc đến nhan sắc của mình.
 
Nga bận cặp đồ trắng, nàng toát lên một vẻ kiêu kỳ khiến Ngàn chợt như khựng lại, bối rối. Nga vẫn làm anh bối rối khi muốn diễn đạt một ý nghĩ nào. Ngày anh trở về từ trại tập trung, mới bước vào nhà, gặp người đàn ông ngồi ở ghế salon này, anh bị Nga cũng bằng cái nhìn đó, đã đuổi anh ra khỏi căn nhà. Từ đó đến nay anh vẫn còn thấy khớp và thù hận mãi. Bây giờ thì anh phải can đảm lên.
 
Ngàn đằng hắng, rồi mơí lên tiếng:
 
“Anh muốn bàn với em về chuyện làm hồ sơ xuất cảnh của chúng ta.”
 
Nga đang có ý nghĩ khác về sự đến thăm của Ngàn, có thể anh chàng về năn nỉ cô li dị hay ít ra cũng xin cô một cái giấy là cô không muốn ra đi, muốn ở lại, để anh có cớ nộp đơn đi một mình. Nhưng nàng bàng hoàng khi nghe Ngàn nói thế. Sợ mình nghe lầm, Nga hỏi lại:
 
“Sao lại của chúng ta?”
 
“Thì anh muốn làm hồ sơ cho cả gia đình, em và mấy đứa con cùng đi luôn thể.”
 
Nga vẫn thường tự nghĩ, đối với Ngàn, bây giờ nàng chẳng còn gì, nàng đã đi một bước khá xa trong cuộc sống, đã có nhiều người đàn ông đi qua đời nàng khi Ngàn đi cải tạo, và khi Ngàn trở về, Nga đã thẳng tay đuổi Ngàn ra khỏi nhà, lúc đó nàng đang có Nhật. Nhật làm ở công an quận. Những điều đó, là những đòn roi, những vết hằn mà Nga nghĩ là Ngàn chẳng bao giờ quên được.
 
Những lúc nhục nhằn sau ngày Nhật bỏ nàng chạy theo một bóng sắc khác, nàng có những ân hận lớn, nàng muốn đi tìm Ngàn để mong anh thứ lỗi, nhưng nàng không làm được vì tính ương ngạnh. Bây giờ, nàng đang được Ngàn trở về, kêu gọi nàng cùng đi, nàng còn mong ước gì hơn, nhưng Nga cũng làm cao một chút:
 
“Anh không ghét giận em mà biểu em đi à, nếu em đi, qua Mỹ em bỏ anh nữa, anh có ân hận không?”
 
Đó là đặc tính của Nga, thẳng thừng, chua chát và đắng cay. Lời nói của nàng lúc nào cũng ngoắt ngoéo, có một cái gì đó như móc lò, châm biếm, hung hãn và trắng trợn.
 
Ngàn nghe lời Nga nói, anh thấy như vậy là có kết quả, anh biết như thế là Nga đã chấp thuận, dù có điên đảo tới đâu, Nga cũng chỉ là một người đàn bà tội nghiệp.
 
Ngàn nói thành thật:
 
“Em hãy nghĩ là lúc nào anh cũng nhớ về em và con.”
 
“Cảm ơn anh.”
 
Hai người nói với nhau rất ít. Ngàn nghĩ, chừng đó cũng đủ rồi, là một chấp thuận.
 
Ngàn quay qua nói với Đông, cô bé đang ngồi đọc sách ở một cái ghề gần đó:
 
“Ba mua cho con mấy cuốn sách, con thích sách nào nói ba sẽ mua cho con nữa nhé.”
 
Đông nhìn anh cười:
 
“Cảm ơn ba.”
 
Ngàn nói với Nga:
 
“Hồ sơ anh đã làm xong, chỉ khai lại một chút thôi, anh lấy tạm trú ở đây, địa chỉ của em. Về phần em, em sao mấy bản căn cước, hộ khẩu, hôn thú đưa cho anh, cả hai đứa nhỏ phải có khai sinh nữa, em nhé.”
 
“Anh về đây ở luôn chớ.”
 
“Vâng, anh sẽ về ở đây với em, phải cư trú hợp pháp thì mới đi được.”
 
Hai người chuyển qua nói chuyện với nhau về trường hợp một số bạn bè, người thân. Những người sắp ra đi và những người đang làm hồ sơ.
 
Đông thấy ba má vui vẻ, cô bé cũng vui lây.
 
Mười giờ Ngàn mới ra về, Đông còn với theo nói:
 
“Mai mốt ba mua cho con sách nữa nghe ba.”
 
“Ừ, con muốn gì ba cũng chiều con hết.”
 
“Thật nghe ba.”
 
“Thật chớ.”
 
Khi bước ra khỏi nhà Nga, Ngàn thở phào, như trút đi một gánh nặng.
 
Con đường trước mặt anh đang thênh thang, anh quên đi những ngày đói rách ở trại cải tạo, quên hẳn Nương, quên hẳn ngày anh trở về có người đàn ông ngồi trên chiếc sofa, quên hẳn câu xua đuổi của Nga phủ tràn lên mặt.
 
Bây giờ, anh hạnh phúc.

Trần Yên Hòa


Đặng Hữu Phát gởi