Di sản sau 1975: Vượt biên, Thuyền nhân, Trại tị nạn
Và 11 giờ 30 ngày 30/4/1975 xe tăng húc sập cổng dinh Độc Lập. Họ đưa ông Dương Văn Minh và ông Vũ Văn Mẫu đến đài phát thanh để đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
Không bàn giao gì hết. Việt Nam Cộng Hòa coi như xong. Một thể chế đã xong thì con dân của nó cũng tiêu tùng.
Tháng 7 năm 1976, Hà Nội hủy bỏ danh nghĩa Chánh phủ Cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam, người Miền Nam hết còn một chút hy vọng nào.
Miền Nam trôi vào một cơn mộng sầu dài đằng đẳng, bao nhiêu triệu người Miền Nam xáo trộn cuộc sống vì bị đánh giá là "ngụy", mất việc làm, mất nhà, mất đất, mất chồng, mất con đi học "cải tạo" ở đất Bắc xa xôi, bị ép đi kinh tế mới, bị đánh tư sản.
Người Miền Nam lần đầu tiên trong lịch sử lập xứ đã biết cái đói, ăn độn khoai mì, bo bo, rau rừng, thân chuối xắt .
Chẳng phải khi không sự kiên tháng 8/2021 khi Huê Kỳ rút quân khỏi Afganistan mà báo chí thế giới đồng loạt ghi dòng chữ "Sài Gòn 30/4/1975"?
Sau 1975 Vượt biên, Thuyền nhân, Trại tị nạn là một phần lịch sử Việt Nam. Lịch sử VN sát đây thôi, chúng ta còn hửi ra cái hơi của nó.
Thuyền nhân tiếng Hán Việt là 投奔怒海 ”Đầu bôn nộ hải” nghĩa là: “Chạy cuồng nộ ra biển". Vượt biên là chạy ra khỏi biên giới. Vượt là từ Nôm, nếu Hán Việt phải là 赱邊 tẩu biên.
避難 Tị nạn có nghĩa là tránh điều không may xảy tới.
Phong trào vượt biên ở VN bắt đầu từ Nam Kỳ sau 30/4/1975 sau đó lan ra Trung Kỳ và Bắc Kỳ kéo dài từ 1975 đến 1996 .
Nhạc sĩ Châu Đình An là cháu cố của Châu Đình Kế, thượng thơ bộ lễ của triều Vua Tự Đức. Châu Đình An có bài "đêm chôn dầu vượt biển: nổi tiếng:
"Đêm nay anh gánh dầu ra biển anh chôn
Anh chôn, chôn hết cả những gì của yêu thương
Anh chôn, chôn mối tình chúng mình
Gửi lại em trăm nhớ ngàn thương
Hò ơi! Hò ới! tạm biệt nước non.
Đêm nay đêm tối trời anh bỏ quê hương
Ra đi trên chiếc thuyền
Hy vọng vượt trùng dương
Em đâu đâu có ngờ đêm buồn
Bỏ lại em cay đắng thật thương
Hò ơi! Hò ới! tạm biệt nước non.
Anh phải bỏ đi thắp lên ngọn lửa hy vọng
Anh phải bỏ đi để em còn sống
Anh phải rời xa mẹ Việt Nam đau đớn
Quê mình rồi đây em có đợi chờ
Anh tạm rời xa nước non mình yêu kiều
Ô người thân yêu người quen hàng xóm
Mong vượt biển Đông mà lòng anh tan nát
Núi mờ mờ xa ôi ngọn núi ở quê hương!
Đêm nay anh gánh dầu ra biển anh đi
Ra đi trên sóng cuộn thấy gì ở quê hương
Xa xa ôi núi mờ xa dần
Một giọt nước mắt khóc phận thân
Hò ơi hò ới phận kẻ lưu vong
Hó ơi hò ới phận kẻ lưu vong
Đêm nay trên bản đồ có một thuyền ra đi
Hiên ngang trên sóng gào tự do đón chào
Xin chào tự do với nỗi niềm cay đắng
Nhìn lại bên bờ nước non mình muối mặn
Khóc nghẹn ngào !!!
Hò ơi! Hò ới! tạm biệt nước non
Hò ơi! Hò ới! tạm biệt nước non .....!"
Ai có lớn lên trong thời gian đó sẽ cảm nhận được khung cảnh tù mù. Vừa ngủ dậy sau một đêm bà con, họ hàng, láng giềng biến mất tiêu, nhà cửa trống không vắng ngắt. Mấy ngày sau nhà cửa bị tịch thu.
Ước chừng có 3 triệu người VN đã vượt biên và 500.000 người bỏ mình trên biển cả.
Đây toàn là nhà giàu có của, có vàng, họ góp vàng đóng tàu và nhắm hướng đi đến Thái Lan, Mã Lai, Hồng Kông và Úc Ðại Lợi.
Phong trào vượt biên đã làm giàu cho nhiều người “bảo kê” vượt biêt,nhiều nhứt là ở Hà Tiên, Rạch Giá, Cà Mau, Bạc Liêu, Bình Đại, Gò Công...
Những trại tị nạn nổi tiếng ai cũng nhớ: Pulau Galang, Palau Bidong, Palawan, Trại tị nạn Sikiew Songkhla...
Ở Vàm Láng có Lăng Ông Nam Hải (Lăng Cá Ông). Cá Ông là Phước Thần của ngư dân đi biển. Những năm vượt biên dân quanh vùng đi từ Vàm Láng hay ghé đây van vái cho chuyến đi an lành. Nghe kể, vì bị CA dí, dân vượt biên quăng vàng xuống rạch Vàm Láng nhiều vô số.
Dân Miền Nam đi bằng tàu cá, tàu cây, tàu sắt, đủ thứ phương tiện, chỉ có xuồng tam bản là đi không được. Nhạc sĩ Lam Phương đi tàu Trường Xuân.
Đọc lại hồi ký của thuyền trưởng tàu Trường Xuân Phạm Ngọc Lũy, con tàu rời cảng Khánh Hội Sài Gòn khi chứa trong hầm một ngàn tấn sắt vụn mà cõng theo 3.628 người ra biển, mà trong đó có gia đình vợ con nhạc sĩ Lam Phương lúc 1 giờ chiều 30 tháng 4 năm 1975.
Nói chung là rùng mình, vì từ khi xuất bên tàu đã trục trặc, nào là bị kẻ xấu đổ nước vào máy, rồi bị mắc cạn giữa sông Đồng Tranh, rồi tàu Song An nhỏ xíu kéo ì ạch ra hải phận quốc tế, rồi đói khát, có người tự tử ...
Nhưng ngạc nhiên là tàu của hạm đội 7 Mỹ, tàu Mỹ lại làm ngơ?
Ông Lũy kể khi tàu Trường Xuân phát tin hiệu "xin" nước và lương thực, gần tuyệt vọng thì :
(Trích) "Điện tín cầu cứu gửi đi liên tục. Tàu Washington của Hoa Kỳ xuất hiện, chạy lại gần, ngừng lại hồi lâu rồi bỏ đi. Một tàu chiến của Đệ Thất Hạm Đội đến lảng vảng ở xa rồi cũng quay mũi."
Khi hầm tàu Trường Xuân bị ngập nước có nguy cơ chìm thì tín hiệu SOS đã phát ra thì chỉ mười mấy phút sau tàu Clara Maersk Đan Mạch nhận lấy, sau đó đồng ý chuyển người qua tàu và chở thẳng vào Hồng Kông.
Trận Hoàng Sa Mỹ cũng làm khó hải quân VNCH. Nói như ông Nguyễn Văn Thiệu là: "Làm kẻ thù của Mỹ thì dễ, làm bạn với Mỹ thì rất khó."
Trường Xuân đúng là con tàu định mệnh:
"Tôi yêu con tàu Trường Xuân
Con tầu nhiều sóng gió
Mà tình thương thật đầy
Tôi xin đa tạ bàn tay
Dắt đàn con tới đây
Ngàn đời xin khắc ghi."
Ngày 30/4/1975 là ngày đen tối của Lam Phương, ông cứ nấn ná với quê nhà, rồi ngày cuối ôm con lên tàu Trường Xuân ra đi, bỏ lại hai căn nhà, chiếc xe hơi mới mua và 30 triệu đồng (830 lượng vàng) trong ngân hàng.
Qua Mỹ, để có tiền nuôi vợ con, Lam Phương làm từ lau sàn nhà, dọn dẹp, thợ tiện… Rồi bị vợ bỏ, ông qua Pháp.
"Sáng trưa khuya tối, nhìn quanh một mình
Đường quen không tới, tìm nhau ngại ngùng
Chỉ vì đời mình, chưa có bình minh."
Tự do với người Miền Nam thiệt cay đắng!
Một dòng người Miền Nam như thác đổ bỏ nước ra đi ,ta gọi đó là vượt biển ra đi, dòng người Việt nổi tiếng trên thế giới.
Vì khổ quá ,bí quá, bít đường, không thể nào ở lại quê hương mình mà đành đoạn bỏ nhà cửa, mồ mả ông bà, người thân nửa đêm lết thân ra biển tối đen. Cứ đâm đầu ra khỏi VN, thực ra cũng không biết sẽ đi về đâu.
Ra khỏi hải phận VN tàu hết xăng hết dầu linh đinh, hên thì được tàu hàng quốc tế nó vớt hoặc nó kéo vào cái đảo gần nhứt, xui thì sóng lớn tàu bể, người trôi, đói khát cũng chết.
Tối ngày 14 tháng 11 năm 1985, tàu hàng Kwang Myung quốc tịch Hàn Quốc rời bến Singapore để hướng về Hàn, thuyền trưởng Jeon Je Young từ buồng lái phát hiện một tàu cá nhỏ thuyền nhân Việt Nam lúc nhúc người đang bị chết máy, lúc đó có một cơn bão sắp tới.
Mặc dù chủ tàu và chánh quyền HQ không cho nhưng ông Jeon Je Young vẫn cứu 96 người Việt Nam lên tàu hàng của mình. Ngày 29/11/1985, tàu cập bến Pusan Hàn Quốc và ngay sau đó ông thuyền trưởng bị tịch thâu giấy phép cấm hành nghề lái tàu suốt đời,và đuổi khỏi công ty.
Nhưng không phải tàu vượt biên nào cũng may mắn gặp tàu hàng. Có tàu hàng gặp làm ngơ, có nước đuổi ra khỏi hải phận nó, thí dụ Singapore, Malaysia và Thái Lan đã xua đuổi các thuyền tị nạn Việt Nam ra khơi, không cho cập bến bờ.
Người vượt biên Việt Nam ra khỏi nước là bị tịch thu nhà cửa, ra giữa biển thì họ gặp hải tặc kinh hoàng.
Một người dì họ từ Mỹ về, suốt mấy chuc năm mới có dịp ngồi ở Rita nghe bà tâm sự về nhũng ngày tháng kinh hoàng mà từ năm 1979 khi bà ôm con vượt biên từ Rạch Giá đi qua Thái Lan và bị hải tặc cùng “ngư dân” Thái Lan chà đạp không còn điều gì diễn tả hết.
Kinh hoàng đến độ đã mấy chục năm định cư ở Mỹ, nhưng bà có lời thề là không bao giờ bước chưn lên đất Thái Lan dù là đi du lịch hay gì gì đó.
“Thái Lan nó ác lắm!”
Tôi biết hòn đảo mà nhiều người Miền Nam kinh hoàng đó tên gì rồi ?Koh Kra và cơn ác mộng mang tên Thái Lan.
“Khóc nghẹn ngào !
Hò ơi! Hò ới!
Tạm biệt nước non.”
Hải tặc Thái Lan dã man, ác và kinh hoàng nhứt. Ngư dân Thái Lan vừa đánh cá vừa làm cướp biển là ác độc nhứt. Tụi này cướp bóc hãm hiếp và giết chết người vượt biên nổi tiếng.
Trong giai đoạn từ 1977-1982 hải tặc Thái Lan bắt nhiều người Việt vượt biên đưa vào đảo Koh Kra. Có hơn 3.000 người Việt đã bị giết tại đảo Koh Kra.
Trong năm 1981 thống kê cho thấy có 452 chiếc thuyền VN bị tấn công, và con số thuyền nhân bị hải tặc Thái thảm sát gần 900 người trong cùng năm 1981.
Số thuyền nhân đến được đất Thái mỗi năm khoảng hơn 15.000 người và tổng số thuyền nhân chết ngoài biển do sóng gió, đói khát, hải tặc, với thống kê cao nhứt là 400.000 người bỏ xác ngoài biển khơi.
Koh Kra là một hòn đảo nhỏ thuộc bang Trat của Thái Lan trong vịnh Thái Lan. Koh Kra là một đảo hoang không có người ở. Các ngư dân Thái Lan đã lấy hòn đảo này làm sào huyệt, làm nơi thoả mãn bản năng mọi rợ, làm nhà tù để kéo tàu người Việt vượt biên vào và giam giữ những người Việt ở đó.
Bà kể:
“Nó lột trần truồng hết, không còn mảnh vải, không ai còn là con người. Cướp bóc, hãm hiếp xong, ai mà thoi thóp nó quăng xuống biển cho chưn vịt tàu nó ché.m, máu đỏ một vùng biển.”
Bà dì họ còn sống sót là một kỳ tích và thuộc số hên.
“Đảo Koh Kra đảo Hải Tặc, đàn ông bị giết và phụ nữ sẽ bị hãm hiếp !”
Những ngẹn ngào, hờn tủi. Xương người Việt phơi trắng đảo Koh Kra .
“Xác em nay ở phương nào?”
Xin chờ nhau cuối chiêm bao trùng phùng
Koh Kra, Koh Kra…!
Em ở lại, ngàn năm ngời trinh tiết
Tôi để lại, một đời không quên được
Gửi trùng khơi lời tưởng tiếc khôn nguôi."
Vẫn còn nhiều bài viết tả về đảo Koh Kra. Số người Việt thống kê cao nhứt là 400.000 người bỏ xác ngoài vịnh Thái Lan.
Một con số kinh hoàng!
Những cái chết thê thảm của thuyền nhân Việt Nam trên đại dương đã làm xúc động lương tâm thế giới, và một hội nghị quốc tế về thuyền nhân Việt Nam của 65 quốc gia đã họp tại Geneva Thụy Sĩ bàn cách cứu giúp thuyền nhân Việt Nam mở ra vào ngày 20/7/1979.
Một nhà báo viết rằng:
"Sự phi lý của thảm kịch thuyền nhân Việt Nam còn nổi bật vì những người tị nạn Việt Nam đã phải rời quê hương ra đi để tìm quyền sống, trong khi tiếng súng đã không còn trên lãnh thổ của đất nước họ.
Vào thời đó, khi niềm ước vọng hòa bình mà mỗi người dân Việt đều ấp ủ trong lòng từ bao nhiêu năm trời mới vừa ló dạng, đáng lẽ toàn dân tộc đã có thể nối tay nhau để cùng kiến tạo một đất nước đã phải chịu quá nhiều khổ đau và mất mát trong gần nửa thế kỷ khói lửa triền miên.
Trái lại, lòng thù hận quá đà và niềm cuồng tín chủ nghĩa mù quáng của những người nắm quyền lực bằng súng đạn đã tiếp tục bao phủ đất nước và dân tộc trong một không gian đàn áp và khủng bố tàn bạo, khiến cho người dân Miền Nam thời đó chỉ còn một lối thoát là lao mình ra biển cả để tìm con đường sống.
Với một niềm hy vọng và một lời cầu nguyện, hàng chục ngàn gia đình gồm cả trẻ thơ và bô lão đã ra khơi hướng về những bến bờ hy vọng, bất kể những hiểm nguy mà có lẽ tất cả mọi người đã dự đoán được trước khi quyết định ra đi."
Có hàng triệu người như vậy, chưa ai thống kê hết chính xác con số
Ước chừng có 3 triệu người VN đã vượt biên và 500.000 người bỏ mình trên biển cả .
"Con tàu nhỏ bé như một chiếc kiệu cưới không kết hoa
Gói trọn thân xác em vào lòng biển cả
Nơi đó,em đã tìm được sự an lành của tình yêu vĩnh cửu
Nơi đó, em sẽ mãi mãi bên anh."
Có rất nhiều người Việt ở hải ngoại không bao giờ đặt chưn ghé Thái Lan, và giờ thì tôi đã hiểu rõ ngọn nguồn vì sao.
Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng còn dính lại Sài Gòn sau 1975 và ông ở tới những năm 1980, vượt biên nhiều lần, bầm dập như trái cà chín, chứng kiến vô số sự kiện lịch sử, thành nhân chứng lịch sử.
"Dù em ca nỗi buồn quê hương, hay mưa giăng thác đổ đêm trường."
Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng có một câu nhạc cực kỳ triết lý và hiều đời, nghe xong phải nổi da gà :
"Ta thấm thía tử sinh, cuối bước nhọc nhằn.
Ta níu ánh bình minh, giữa cơn tử sinh."
Trầm Tử Thiêng những năm 1980 vượt biên ở Cà Mau và bị bắt ,ở tù U Minh mấy tháng. Khi ra tù vào 1981, ông tiếp tục vượt biên nhưng cũng không thành công. Trong thời gian này "Bà má Hâu Giang" ra đời.
Bài hát kể về bà má Hậu Giang xưa chèo đò cho quân giải phóng, sau 1975 chèo đò giúp người vượt biên.
"Mẹ thương con thương tất cả, đứa này thương như đứa kia
Nhớ..nhớ năm xưa mẹ tắm nắng gội mưa
Mẹ chèo đò đưa quân giải phóng, đêm đêm ngất cao hận thù
Mẹ hiền tình quân giải phóng, nâng niu Cách mạng Mùa Thu
Ru hỡi..ru hời..hỡi ru
Rồi suốt năm mấy năm nay
Mẹ nuốt đắng ngậm cay
Nhìn dòng Hậu Giang chìm đắm, không cam khúc nhôi đoạn trường
Mẹ chèo ghe đêm vượt tuyến, đưa đi lũ lượt người thương
Thương hỡi..thương hời..hỡi thương!"
Năm 1982 Trầm Tử Thiêng vượt biên nữa, bài "Người ở lại đưa đò" ra đời:
"Ta quý mến dòng sông quen đưa tiễn
thương người đi đến trọn nghiệp đưa đò
Con sông nào biết đường ra biển
đều biết đường đến bến Tự Do"
Không biết có bao nhiêu nước mắt và xương trắng của người Miền Nam đã đổ vào biển khơi, trùng khơi rộng lớn cho giai đoạn đó?
Ra đi mà vẫn ngoái nhìn quê nhà, lên trại tị nạn, sau đó định cư mà vẫn nhớ quê nhà, hy vọng quê nhà sẽ tốt hơn.
Có dịp hỏi chuyện những người vượt biên năm xưa có cảm giác ra làm sao, họ đỏ hoe mắt, nỗi hãi hùng còn hằn trên khóe mắt. Họ không hiểu vì sao tới giờ họ còn sống mà làm Việt Kiều yêu nước được?
"Khi đi thấy đường đã xa
Bây giờ đường về xứ
Còn xa hơn nghìn lần."
Ngày nay khắp ơi từ Mỹ, Úc, Canada ...có vô số những tượng đài kỉ niệm Vietnamese Boat People.
Năm 2000 bà Sadako Ogata, Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc đã tuyên dương những người VN vượt biên dũng cảm này là :
“Những người sống sót vĩ đại của Thế Kỷ 20.”
Có những đoạn, NHỮNG khúc nhoi lịch sử Việt Nam mà rõ ràng đến độ không có bất cứ ai có khả năng xóa bỏ nó đặng. Là do nó đã thực sự rành rành ra đó rồi.
Các bạn trẻ Việt Nam thế hệ sanh những năm 1999 và sanh sau năm 2.000 có lẽ sẽ không biết cái cảnh tù mù của xóm làng những đêm cả xóm đi vượt biên bán mình cho đại dương trong đêm tối, cũng như cảnh những người ở lại thắt thỏm ngày ngày sống trong sợ hãi và chờ ngóng đâu?
Nhưng các bạn lại hiểu vì sao Việt Nam có nhiều Việt Kiều đến như vậy.
Rồi cơn dịch cúm Tàu 2021 trước có cảnh chặn đường, ngăn sông cấm chợ, hét la rần trời cũng tả lại cảnh mấy chục năm trước cha chú của các bạn từng sống như vậy trong tình cảnh như vậy càng làm cho các bạn trẻ hiểu rõ hơn.
Ngồi cafe nghe bài "Xuân nào con sẽ về" của Duy Khánh tự dưng có cái ý nghĩa kỳ kỳ trong đầu.
Bài này viết ở hải ngoại trong những năm vượt biên, khi mà ở Việt Nam vẫn còn trong bao cấp, đánh tư sản, học tập cải tạo, đi nông trường. Có nhiều ca sĩ ca bài này say mê, trọn tình, hát da diết:
"Lại một mùa xuân buồn xa xứ
Nghe nhớ thương vây kín trong hồn
Quê hương yêu ơi!
Thương nhớ một tɾời
Quê hương yêu ơi!
Bao giờ ta về?"
Lam Phương đã bị shock một thời gian dài:
"Mười năm xa xứ
Xác thân ngược xuôi
Mười năm nương náu
Nơi chốn quê người
Bao nỗi u hoài
Thân phận lưu đày
Giọt lệ chua cay
Để chờ ngày mai."
Chiều Tây Đô được Lam Phương viết 1984 tại Paris nước Pháp kể về tình cảnh của Cần Thơ sau 1975. Đó là những buổi chiều buồn hiu hắt vì người xứ này bỏ xứ ra đi vượt biên, cảnh "hoang vắng chiều Tây Đô".
Lam Phương cũng là người vượt biên nên ông thấu hiểu cảm giác ra đi đó.Trong Chiều Tây Đô đặt câu hỏi: "Sao anh không thấy về Ninh Kiều?" thì có câu trả lời rằng: "Dường như anh nghe đời nặng trĩu trong màu đen."
Như hàng chục đô thị Miền Nam khác sau 1975, Cần Thơ cũng bị xóa tên đường rất thô bạo, những Gia Long, Thành Thái, Duy Tân, Hàm Nghi, Phan Thanh Giản, Nguyễn Huỳnh Đức, Mạc Tử Sanh, Nguyễn Viết Thanh...đều bị xóa.
Nên Lam Phương mới viết: "Nay nghe sao khác từ tên đường". Rồi Lam Phương hỏi: "Bao năm giải phóng như thế này phải không anh?"
Rất nhiều ca sĩ hải ngoại đã đứng ở Mỹ, ở Úc, ở Châu Âu rống cổ lên ca vang vang "Bao năm giải phóng như thế này phải không anh?"
Họ cũng hát tròn chữ :
"Ai đâu ngờ, sau tiếng súng, đời lại thêm một thời nát tan
Non sông buồn, đã điêu tàn, thêm máu lệ chứa chan một lần."
Nhưng rồi họ cũng quay về, về Việt Nam. Họ không còn nghe "khác từ tên đường" mà là quen thuộc từng tên đường mới. Họ không hỏi "bao năm giải phóng như thế này phải không anh?"nữa
Họ cũng không còn "hò ơi! hò ơi! tạm biệt nước non", không còn "xin chào tự do với nỗi niềm cay đắng!" nữa, quên luôn "nước non mình muối mặn".
Về Tp HCM, về Việt Nam những "danh ca" từng hò ơi, từng hỏi "bao năm giải phóng như thế này phải không anh?" bắt đầu hát và sửa lời chính những bài nhạc vàng đã ăn sâu vào trong tâm não của người Miền Nam.
Thí dụ, Ngày xuân tái ngộ bị sửa lời thô bạo thành ra cái ý nghĩa rất dô diên. Từ câu nguyên bổn "Anh chiến sĩ yêu ơi!" đổi thành "em hỡi thấy không em!"
Anh chiến sĩ, là anh lính chiến VNCH, là nhơn vật quan trọng trong toàn bái hát. Vì anh lính mới có "chúc anh vui bước đường công danh".
Nhiều ca sĩ hải ngoại về VN hát, hùng dũng lên tivi hát nhạc vàng sửa lời tùm lum, muốn sửa là sửa, không tôn trọng tác giả, tôn trọng khán giả, tôn trọng những gì thuộc về tinh thần của những người có văn hóa.
Họ quên rằng một thời sau 1975 họ cũng đói, cũng trốn chui trốn nhủi đi vượt biên.
Nghệ sĩ, ca sĩ là vậy, cái giới gió thổi chiều nào hướng chiều đó.
Trong học thuật không ai đánh đồng, áp đặt chánh trị vô giới hát ca, tuy nhiên có quá nhiều sự loạn lạc ngay trong nền văn nghệ của VN ở giai đọan này khi thấy những “thần tượng”, sản phẩm một thời của Việt Nam Cộng Hòa thì bà con hơi ngậm ngùi, thậm chí hơi khinh thường.
Nhiều khi khán giả khó tánh cứ để cảm xúc mình theo nghệ sĩ, trong khi nghệ sĩ là những người phi chánh trị, họ chỉ cần đem tâm trí hát cho thăng hoa trong một bài, diễn cho xuất thần lên trong một tuồng, vãng hát thì xong, lãnh cát xê đi về, họ thích đứng chàng hảng ở mọi tư thế mà tư thế nào có lợi cho bản thân họ là họ cứ đứng thôi.
Hát mấy chục năm nhà lầu xe hơi, nói chung cũng không thiếu gì đâu. Gần 80 tuổi rồi, xin đừng làm trò tiền bạc mà con cháu nó nhìn khinh khỉnh.
Hành trình tìm tự do lúc nào cũng vô cùng mệt nhọc và cay đắng. Lịch sử rồi đến,rồi đi và lòng người vẫn ghi nhớ. Lịch sử ghi nhận thì khó xoá đặng.
Mỗi người Việt đều có một cuốn lịch trong nhà, hay trong đầu và trên mỗi tờ lịch là những ghi nhớ mà khi câu chuyện của từng người, từng xóm, từng sự kiện. Những hình ảnh được góp lại,đó là lịch sử xưa và nay những ngày dịch sẽ được truyền miệng.
Người dân đơn giản lắm, cần ăn, cần ngủ và cần sự nhẹ nhẹ trong tâm thức. Người dân rất dễ dàng, họ luôn hồn nhiên. Tuy nhiên khi dân có sự thất vọng, tinh thần uể oải thì sự dồn nén sẽ chồng chất, sự ân hận sẽ ít hơn sự ghi hận.
Lịch sử sang trang, xóa dấu vết chăng?
Không hề. Ký ức xót xa, nghẹn ngào đó nó không hề phai trong lòng người dân.
Vẫn tiếp tục học hỏi, đọc sử, ghi nhớ một bài học quý giá về danh dự của tổ tiên chúng ta. Học nhiều bài học mà tìm ra bài học hay nhứt.
Học hành tốt, trình độ thiệt, siêng đọc sử, rèn luyện con người có chánh kiến và lý tưởng, buộc lòng mình với quê hương. Lòng người là thứ tồn tại mãi mãi.
_________________
Hoang Nguyen gởi
.jpg)