ĐI TÌM PHẬT
Nhà điêu khắc bậc thầy xem xét các khối cẩm thạch khác nhau tại mỏ khai thác đá. Trong cuộc đời mình, nhà điêu khắc từng nhận thức được rằng có một “pháp tánh” tồn tại trong từng phiến đá một. Tìm kiếm ra cái pháp tánh đó và giải thoát trả nó về sự sống đích thật của nó chính là bí quyết của sự thành công của ông.
“A ha,” ông thường nói. “Có một nhân vật anh hùng bị khóa chặt bên trong viên đá kia và một vị thánh bị mắc kẹt bên trong phiến đá nọ. Nhưng chẳng biết ở nơi nào ta sẽ tìm ra được phiến đá để tạc vào đó tác phẩm tuyệt tác của ta, một pho tượng đức Phật thật tuyệt đẹp.”
Ông đã tìm kiếm cái mà ông gọi là “phiến đá Phật Đà” trong hơn bốn mươi năm và giờ đây ông cảm thấy sinh lực ông đang suy yếu đi. Ông đã du hành đến tận các mỏ đá vĩ đại của thế giới: nước Ý, nơi Michelangelo từng khai thác phiến đá của ông ta, Vermont nơi đá rực sáng dưới ánh quang, và tới cả những miền khuất nẻo trong núi non Trung Quốc.
Ông tham khảo với các chuyên gia khắp nơi trên thế giới. Ông thuê mướn một chuyên viên sục sạo những nơi ít người lui tới. Chẳng được kết quả gì. Để tự an ủi, ông tìm tới một thiền sư tại địa phương, sư trụ trì một ngôi chùa nhỏ ở ngay cuối con đường nơi ông cư ngụ. Khi ông kể lể về cuộc tìm kiếm vô hiệu quả của ông, thiền sư mỉm cười và nói: “Đâu khó gì.”
Nhà điêu khắc phấn kích hỏi: “Thưa có phải sư muốn nói rằng sư có thể cho tôi biết nơi chốn mà tôi có thể tìm được chất liệu toàn hảo để tạo thành bức tượng đức Phật mà tôi hằng ước mơ hay sao?”
“Tất nhiên.”
“Thưa ở chỗ nào?”
“Ở phía đằng kia kìa,” sư vừa nói vừa đưa tay chỉ vào một cái giếng ở trong sân.
Nhà điêu khắc phấn kích chạy tới giếng và nhìn xuống. Ở dưới đó ông nhìn thấy hình ảnh của chính ông đang ngó lại ông.
Phật giáo đòi hỏi rằng chúng ta đừng đi tìm kiếm một vị Phật, nhưng hãy khám phá ra vị Phật (“đấng giác ngộ”) chính ngay trong chúng ta.
Tâm Minh Ngô Tằng Giao
(phỏng dịch theo “Zen Fables For Today”
của Richard McLean)
_____________
Giao Ngo gởi