Đi xa về nhà... ngẫm nghĩ
Tôi vốn không thích đi đến những nơi xa lạ. Ngại những cái phiền toái.
- Bắc Kinh không ham. Cu Ba không thèm. Na Uy cũng lắc đầu. Cứ ru rú ở Pháp.
Thế mà khi được tin NNT phải ra vào nhà thương bên Nhật, tôi đã nhanh chóng đồng ý với vợ là phải đi thăm ông bạn. Đông du một chuyến.
Nghe đâu bên ấy sắp đến mùa hoa anh đào nở. Đi xem một lần cho biết. Thú thật là tôi chưa đủ phong cách, trình độ để chiêm ngưỡng trăm hoa đua nở. Có hoa hay không có hoa, "với tôi tất cả đều vô nghĩa". Nhưng, đi thăm bạn đúng mùa anh đào nở thì cũng... chả mất mát gì. Đôi khi lại có thêm chuyện vớ vẩn để mang về Pháp... tán gẫu với bạn bè.
Được vợ sốt sắng sửa soạn cho chuyến đi. Nào mở máy giữ vé máy bay. Nào nhờ vợ NNT giữ phòng khách sạn vài ngày. Rồi gọi điện thoại lên Paris hỏi thủ tục, xin bản đồ, hướng dẫn du lịch. Tôi nghĩ bụng gọi điện thoại, có người trả lời là khá rồi. Mình hỏi, người ta trả lời cho xong. Chờ người ta gửi cho cái nọ cái kia thì... còn lâu. Ăn mày đòi xôi gấc !
Không ngờ vài ngày sau chúng tôi nhận được một xấp bản đồ, các địa điểm du lịch và phương tiện di chuyển của Tokyo.
Lạ nhỉ ? Bọn Nhật " làm đầy tớ " cả người lạ !
***
Chuyến bay Air France đáp xuống Narita. Chúng tôi được một ông mặc thường phục, khá lớn tuổi, xét hộ chiếu, lấy dấu tay. Ông khoe biết nói vài câu tiếng Pháp. Bonjour. Au revoir. Chúng tôi bập bẹ a-li-ga-tô. Ông cười, chúc bonnes vacances.
Vợ chồng NNT chờ sẵn ngoài cửa. Bốn đứa ôm nhau. Mừng mừng tủi tủi. Ra chờ xe ca chở về nhà NNT ở Chiba, gần Tokyo.
Đầu tháng tư...
Hoa anh đào lốm đốm nở hai bên đường từ sân bay về nhà.
- Anh đào có nhiều giống, nhiều màu. Nhan nhản khắp nơi. Muốn xem rừng anh đào thì phải đến công viên. Mùa này du khách đi ngắm hoa đông lắm. Thủng thẳng sẽ đưa ông bà đi xem. Bên Nhật, từ trẻ con đến ông già bà cả, không ai ngắt hoa, bẻ cành. Không ai biết trò "hái lộc, lấy hên" là cái gì!
Hoa nở, hoa tàn, rồi hoa rụng.
Dân Nhật ngược đời. Lẩm cẩm đi ưu đãi thiên nhiên, không chờ để được... thiên nhiên ưu đãi!
***
NNT rủ chúng tôi cùng đến Bệnh viện của tỉnh Chiba.
Bệnh viện thuộc trường đại học (giống CHU của Pháp), cao 4 tầng, chia thành 4 khu đông, tây, nam, bắc...
Trong bệnh viện có tiệm cắt tóc, giặt ủi, tạp hoá, phòng đọc sách, bưu điện. Có chỗ ăn dành cho nhân viên, quán ăn phục vụ người thường. Có tiệm café, bánh ngọt...
- Nhật lái xe bên tay trái. Đi bộ cũng thường đi bên tay trái. Nhưng, trong bệnh viện lại đi bên tay mặt. Chẳng hiểu tại sao?
Các hành lang của bệnh viện được chia ra bên phải bên trái, có mũi tên chỉ chiều đi. Cẩn thận như vậy để tránh lộn xộn, giữ yên lặng cho bệnh viện chăng?
- Có hẹn đến bệnh viện, mỗi người bắt đầu bằng bấm máy để lấy bản hướng dẫn phải gặp ai, ở đâu, phải sửa soạn gì trước khi gặp.
Các việc vặt như cân, đo, bắt mạch, bệnh nhân tự làm lấy. Đưa kết quả cho y tá. Bác sĩ khám bệnh xong thì đến lượt kế toán tính tiền. Khi nào xong thì bấm số gọi khách hàng trả tiền. Phần đông trả tiền bằng máy.
Nước Pháp tự hào có tổ chức bảo hiểm xã hội tốt nhất thế giới. Săn sóc sức khoẻ cho tất cả mọi người. Chỉ có một điều đáng phàn nàn là quỹ bảo hiểm xã hội của Pháp bị thâm thủng triền miên từ mấy chục năm nay. Chính phủ nào cũng hứa cương quyết chống... thâm thủng. Nhưng lỗ thủng mỗi năm mỗi to hơn. Sâu mọt đục khoét ngày một tinh vi hơn.
- Nhật tổ chức khác Pháp. Đại khái, bác sĩ, dược sĩ, người bệnh đều có trách nhiệm. Ai cần mới phải đi bác sĩ. Bác sĩ không " chiều " bệnh nhân, không " liên kết " với dược sĩ.
***
Tại Chiba, cũng như tại Tokyo, nhà riêng hay chung cư không hề bị viết chữ hay bôi vẽ trên tường. Trạm xe buýt, điện thoại công cộng không bị phá.
Pháp luật nghiêm minh hay " công dân giáo dục " đã thành nề nếp ?
- Nếu để ý ông sẽ thấy hầu hết các vỉa hè đều được lát một hàng gạch màu vàng, có hoa văn nhô lên độ hai, ba li. Ông có biết để làm gì không?
Tôi nhanh nhảu trả lời là để chia ra bên phải bên trái cho người đi bộ.
- Không phải vậy. Cái lằn nổi để người mù khua gậy, nghe tiếng kêu lách cách mà đi. Tới ngã tư có đèn xanh đèn đỏ thì cái lằn ngừng lại cách lòng đường độ nửa mét. Đèn xanh thì có tiếng chim hót báo hiệu. Người mù được bảo đảm an toàn. Không cần nhờ người khác.
Tất cả các công trình xây dựng đều được tính toán cho người mù, người ngồi ghế lăn.
- Bao giờ nước Pháp mới được như thế này ?
Trung tâm thương mại ( khổng lồ) của Chiba có Pet mall, siêu thị của chó, mèo.
Bán đủ thứ. Từ đồ chơi đến đồ dùng. Áo len xịn, áo khoác mốt. Giường ngủ êm, bồn tắm đẹp. Đồ ăn chất lượng cao, chống phì của... mèo chân dài, chó thượng lưu, siêu sao bốn cẳng. Hắt hơi, xổ mũi có phòng khám bệnh. Từ giã cõi đời có nhà đòn tổ chức tống táng theo hợp đồng.
Thấy Pet mall mà tủi cho thân phận... Việt kiều!
***
Công viên Ueno, có từ năm 1873, rộng mênh mông. Trong công viên có sở thú, mấy viện bảo tàng, viện nghiên cứu văn hoá, đại học âm nhạc và mĩ thuật v.v... Có nhiều thùng rác, nhiều nhà vệ sinh.
- Có lần thằng con mình ngồi lên thành ghế, bị một cô bé độ 14, 15 tuổi đi ngang, ghé lại lễ phép cúi đầu chào :
- Mời " anh " ngồi xuống ghế.
Nói xong, cô bé cúi đầu cám ơn, thản nhiên đi. Thằng con parisien ngượng đỏ mặt. Nhớ bài học đến già.
- Ông thử nhìn xung quanh khắp công viên này xem có chỗ nào có rác vứt dưới đất không ? Có ai to tiếng không ? Không biết bọn Nhật phải mất bao nhiêu thế hệ để " trồng người "?
Nhà ga Tokyo (và nhiều nhà ga khác) rất lớn. Nơi hội tụ của xe lửa, métro, xe buýt, xe ca. Bên trong là cả một khu thương mại. Tầng một, tầng hai trên lầu, " 36 phố phường " dưới lòng đất. Phố dọc, phố ngang. Ăn uống, mua sắm, giải trí. Có điều lạ là... ngay cả giờ cao điểm, người đông như kiến, vẫn không hề xảy ra chen lấn như métro Paris.
Nhật làm xe hơi bán tràn ngập thế giới. Nhưng đường phố Tokyo tương đối thoáng, không bị kẹt xe. Có lẽ vì người Nhật ưa " độn thổ ", ưa dùng các phương tiện chuyên chở công cộng. Phải công nhận là chuyên chở công cộng của Nhật rất an toàn, sạch sẽ.
Métro Tokyo khá đắt so với métro Paris. Giá vé được (hay bị) tính theo độ dài đoạn đường đi. Đắt nhưng ai cũng mua vé. Lạ thật ! Bọn Nhật sợ nhảy rào té gẫy chân à ?
Khu ẩm thực bình dân cạnh ga Ueno đông vui, nhộn nhịp. Cám ơn NNT. Du khách bình thường chưa chắc đã biết khu này. Mấy con đường nhỏ, cấm xe cộ. Nhiều cửa hàng thuê " hoạt náo " chào mời khách bằng... tiếng Nhật. Họ cười nói như cái máy. Nhưng chỉ đứng trước cửa tiệm, không chèo kéo ai.
- Nhà cửa, đất đai Tokyo rất đắt. Vì thế mà nhiều tiệm ăn nhỏ không có chỗ kê bàn ghế. Khách đứng sát nhau ăn uống thoải mái. Cười nói như phá.
Tuy vậy, nơi làm việc của Hội đồng thành phố Tokyo rất oai, rất bề thế. Đường đường chiếm hai toà tháp cao 45 tầng. Một toà dành tầng chót làm chỗ bán đồ lưu niệm, ăn uống, để cho dân chúng leo lên ngắm thành phố. Ngắm không mất tiền !
Hầu như tất cả các " tai to mặt lớn " của thời trang thế giới đều có mặt ở khu phố Ginza. Rất sang trọng nhưng không có vẻ " nhìn đời bằng nửa con mắt ". Không khí " bình đẳng " hơn Champs-Élysées của Paris. Cửa hàng nào cũng sẵn sàng cho khách bộ hành vào... trú mưa, đi đái.
Chanel, Louis Vuitton, Armani, H&M... chưa lớn bằng Uniqlo. Cửa hàng quần áo này cao 12 tầng. Tầng nào cũng có chỗ cho khách hàng thư giãn, ngồi ngắm phố xá bên ngoài.
Ginza có một cửa hàng bán vải may kimono. Nhìn hoa cả mắt. Hai, ba trăm nghìn yen một mét. (1USD= khoảng 120 yen)
Rạp kịch Kabuki cổ truyền thản nhiên đứng giữa khu phố thời trang Âu Mĩ này.
***
Sực nhớ thời sinh viên. Những lúc đói cồn cào chỉ cần một gói mì Nhật là xong. Sang Nhật nhất định phải " làm " một bát mì đặc sản chính gốc! Được thổ công dẫn đường chỉ lối, khỏi lo. Nhưng mì truyền thống của Nhật không phải là mì ăn liền mà là mì " u-đông ". Gần giống bánh canh của ta. Sợi mì u-đông vuông, to hơn sợi spaghetti, gần bằng chiếc đũa. Bát mì chỉ có mì và nước dùng.
Bác bán hàng luôn tay bỏ mì sống vào nước sôi, vớt từ nước sôi bò vào nước lạnh, vớt mì lạnh bỏ lên cân rồi đổ vào bát, chan nước dùng.
- Bát mì được làm đúng như mẫu trưng bày ngoài cửa tiệm, như ảnh trong thực đơn. Mì được cân đúng lượng.
Một lần khác tôi gọi món thịt bò băm, khoai tây rán (steak haché, frites). Thèm mấy miếng khoai tây. Nhưng khi đĩa đồ ăn được bày trước mặt thì tôi hơi thất vọng. Bên cạnh miếng thịt chỉ có 4 miếng khoai.
Thì ra lúc chọn món ăn tôi không để ý là tấm ảnh trong thực đơn chỉ có 4 miếng khoai. Lỗi tại tôi. Lần sau nhớ gọi thêm khoai. Trả thêm tiền.
Chợ Nhật nhiều, bán đủ thứ. Mấy thứ đồ ăn tươi sống như thịt, cá, hay bánh ngọt có trứng, có kem được theo dõi, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Gần đến giờ giới hạn được phép bán thì nhà hàng sẽ " khuyến mãi ", giảm giá. Thí dụ còn khoảng 2 giờ thì giảm 30%, còn nửa giờ, giảm 50%. Nháy mắt là bán hết.
Giờ giới hạn của luật thương mại đủ cho phép người tiêu dùng thủng thẳng mang về nhà nấu nướng, ăn nhậu. Thường thì hàng hạ giá không nhiều. Phải chờ, phải rình đúng lúc mới mua được. Hàng phải vứt bỏ coi như không có.
Nói chung, người Nhật không phí phạm đồ ăn.
***
Gần ngày về mới sực tỉnh. Quái lạ ! Trong suốt 2 tuần lễ, không thấy bóng dáng... cảnh sát ! Siêu thị mặc kệ khách hàng mang cả va-li vào bên trong. Đến giờ đóng cửa chỉ kéo cái lưới như lưới tennis lên che quầy hàng là xong. Cửa hàng bên cạnh chưa đóng. Khách hàng còn qua lại.
Ngoài đường, xe đạp đậu đúng chỗ, chẳng cần khoá.
- Nhà cửa bên Nhật đắt. Có điều độc đáo là chỗ tôi thuê, ở lâu thì tiền thuê giảm. Bên Pháp tiền nhà chỉ có tăng, chẳng bao giờ giảm. Đố các nhà kinh tế Pháp giải thích được chuyện lạ bốn phương của Nhật.
Có lẽ người Nhật đã tính toán bằng... phương pháp tâm lí chăng?
- Ai cũng thích được giảm tiền nhà. Nhưng phải ở lâu. Muốn được ở lâu thì phải tôn trọng các cam kết của hợp đồng. Nghĩa là phải giữ gìn chung cư. Trả tiền đúng thời hạn. Chủ nhà đỡ tốn tiền tu bổ thì mới giảm tiền thuê được chứ. Rốt cuộc hai bên cùng được lợi.
Không biết có phải vì ai cũng tôn trọng chung cư không mà chung cư nào cũng sạch sẽ ? Thang máy, đèn điện không bị hư hỏng. Chẳng bao giờ thấy trẻ con tụ tập, phá phách, bôi vẽ lem nhem.
***
- Thời gian sắp tới, ông có chương trình gì không ?
- Dự tính cuối năm nay sẽ cùng đi với một đồng nghiệp Nhật, về Việt Nam tham dự một hội thảo văn học. Hi vọng lần này sẽ " vui vẻ cả làng "...
- Có chuyện gì vậy ?
- Lần trước mình nói về lịch sử văn học Nhật. Đang nói về thời kì cận đại thì một vị ngồi hàng đầu giơ tay yêu cầu mình nói về... hoạt động của Phan Bội Châu tại Nhật ! Mình xin lỗi không chuẩn bị đề tài Phan Bội Châu. " Hết chỗ nói ", mình xin ngừng.
- Ông làm tôi nhớ lại hồi xưa ở Thị Nghè, có lần mắt nhắm mắt mở, vào một tiệm bún gọi... phở tái. Bị mắng : muốn ăn phở thì... cút sang tiệm bên cạnh. Quê một cục ! Mình xin lỗi, gọi tô bún bò Huế. Ngon ra phết.
***
- Người Nhật lịch sự nhưng luôn giữ một khoảng cách đối với người ngoại quốc. Hầu như chẳng có cha mẹ nào hớn hở hãnh diện có con gái lấy chồng người nước ngoài.
Một lối " tự hào dân tộc " của người Nhật chăng ?
Đi chơi hai tuần lễ thì chắc chắn chẳng hiểu biết gì về người Nhật, chẳng thấy được những cái xấu của xã hội Nhật.
Nhưng mục đích của vợ chồng tôi là sang Nhật thăm bạn. Gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng. Thăm hỏi nhau. Thế là đạt được chỉ tiêu rồi.
Trước khi đi, nghe thiên hạ đồn rằng đến Nhật du khách khỏi lo chuyện an ninh, trật tự. Chưa đi, chưa dám tin. Đi rồi mới thấy quả thật là đúng như vậy. Không thấy cảnh sát ngoài đường. Không thấy mấy ông vai u thịt bắp bảo vệ siêu thị. Không thấy kẹt xe. Chỉ có một lần nghe tiếng còi xe ngoài đường. Còi của xe chữa lửa báo cho tất cả các xe khác phải ngừng lại.
Đi chơi đầu óc nhẹ nhàng, khoan khoái. Được thổ công NNT giảng giải nhiều điều thú vị. Đáng " đồng tiền, bát gạo ". Xin lỗi. Đáng " đồng yen, bát mì ".
***
Máy bay đáp xuống phi trường Charles de Gaulle. Cảnh tượng bình thường, quen thuộc. Lấy vé xe lửa về Lyon. May mắn mấy ông xe lửa không đình công.
Đã lâu rồi tôi không dạo chơi, thăm viếng Paris.
Lần cuối, nhân dịp có thằng em từ Cali sang thăm, tôi đưa nó lên " kinh đô ánh sáng ". Dành trọn hai ngày để la cà. Thăm khu La Tinh. Đi hết đại lộ Champs-Élysées " đẹp nhất thế giới ", từ quảng trường Concorde lên đến Khải Hoàn Môn. Chui xuống métro. Leo lên Sacré Cœur, xem " chợ trời hội hoạ ". Thằng em khoái chí được sờ tận tay cái tháp Eiffel...
Nhưng, nó có vẻ thờ ơ với danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Paris. Thỉnh thoảng lại hỏi... mấy giờ thì đi ăn ? Phố Tàu có cháo lòng không ?
Uống bia, ăn cháo xong, nó thổ lộ :
- Paris đẹp. Nhiều trò. Nhưng... ghê quá. Métro Paris gây cảm giác " ở đây âm khí nặng nề ". Những chỗ đông người thì lộn xộn, nhốn nháo.
Thằng em ngạc nhiên, không tin là luật của Pháp không phạt trẻ con dưới 13 tuổi. Tụi móc túi không có đứa nào " già " tới 13 tuổi. Bị cảnh sát tóm, chỉ việc khai 12 tuổi là xong. Có đứa bị bắt 2, 3 lần trong cùng một ngày. Đưa về bót để lập biên bản, nó cười khẩy: các ông không còn chuyện gì khác để làm à ?
Dạo chơi Paris thằng em rút ra được bài học mót đái thì... uống cà phê. Vào tiệm cà phê, " ném tiền vào cầu tiêu " mà đái.
- Tóm lại, đi chơi Paris chỉ ngại mắc tè. Đi chơi Los Angeles ngại bị trúng đạn. Đi chơi Sài Gòn ngại bị ngộ độc, xe tông. Rốt cuộc, nằm nhà uống bia là khoái nhất.
Paris còn " nhiều vấn đề phức tạp ". Nhưng du khách vẫn nườm nượp đến Paris ăn uống, mua sắm, thăm viếng. Paris vẫn tiếp tục " Vừa chửi vừa rao vẫn đắt hàng ".
***
Đi xa về nhà ngẫm nghĩ...
Chẳng có chuyện gì quan trọng, to lớn để... nói phét. Đành tán gẫu bằng mấy chuyện lặt vặt. Tầm phào.
Nguyễn Dư
(Lyon, 2022)
________________
Đặng Hữu Phát gởi