ĐIỂM TIN 25/02/2023
Biểu tình phản đối Nga xâm lược diễn ra khắp châu Âu
Đoàn người biểu tình phản đối chiến tranh Ukraina ở Berlin, Đức, ngày 24/02/2023. AP - Markus Schreiber
Thu Hằng
Ngày 24/02/2023, đúng một năm Nga xâm lược Ukraina, vài chục nghìn người đã xuống đường khắp châu Âu để phản đối cuộc chiến của tổng thống Vladimir Putin. Người biểu tình ở Đức đã đặt xác một chiếc xe tăng Nga chĩa nòng về hướng đại sứ quán Nga ở Berlin.
Theo AFP, từ Anh Quốc đến các nước vùng Baltic, nhiều nhà lãnh đạo khắp châu Âu đã tham gia lễ tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh, lên án tội ác xâm lược Nga, đồng thời khẳng định sự ủng hộ không lay chuyển đối với Ukraina.
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen và tổng thư ký Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg tham gia đoàn tuần hành trên Quảng trường Tự do ở thủ đô Tallinn của Estonia. Các cuộc tuần hành phản chiến cũng diễn ra ở nhiều thủ đô : Bucarest, Sofia, Vacxava, Berne. Tại Luân Đôn, thủ tướng Anh Rishi Sunak dành một phút mặc niệm trước số 10 phố Downing.
Chỉ riêng tại thủ đô Berlin của Đức đã có 13 cuộc tuần hành, thu hút vài nghìn người. Nhiều nhà hoạt động đã đặt xác một chiếc xe tăng Nga, chĩa thẳng nòng vào đại sứ quán Nga ở gần cổng Brandeburg. Theo AFP, xe tăng T-72 B1, có từ năm 1985, bị hỏng, có thể do trúng mìn hôm 31/03/2022 gần Bucha, ngoại ô Kiev.
Đông đảo người dân Pháp xuống đường phản đối Nga xâm lược Ukraina
Tại Pháp, từ tối 23/02, tháp Eiffel được chiếu sáng hai mầu quốc kỳ Ukraina. Tối 24/02, vài trăm người đã tập hợp ở Paris để ca ngợi cuộc kháng chiến « anh hùng » của nhân dân Ukraina. Thứ Bảy 25/02, nhiều cuộc biểu tình phản đối Nga xâm lược Ukraina diễn ra trên khắp nước Pháp, từ Paris đến Marseille, từ Nantes đến Lyon, cùng với nhiều chính trị gia, nghiệp đoàn và người tị nạn Ukraina.
Trả lời đài RFI ngày 24/02, ông Albert Herszkowicz, hội « Vì Ukraina, vì tự do của Ukraina và của chúng ta », cho rằng cần phải huy động phong trào để cho thấy sự ủng hộ không ngừng của Pháp :
« Hiện giờ, chúng ta chưa thấy vài nghìn người dồn dập ủng hộ Ukraina, mặc dù có sự đồng cảm rất lớn với Ukraina và chống cuộc chiến của Putin. Vì thế, chúng tôi muốn tiến lên một bước và tập hợp vài nghìn người, thêm nhiều thanh niên, người Pháp, nhiều người thuộc mọi quốc tịch hơn, thêm nhiều đại diện giới chính trị, cũng như nghiệp đoàn, nghệ sĩ, giáo viên, đông đảo quần chúng hơn. Chúng tôi không muốn vấn đề Ukraina không chỉ là việc của các nhà lãnh đạo, hay chỉ là một cuộc tranh luận địa chính trị. Cần phải bày tỏ tình đoàn kết, tương trợ, tiếp tục ủng hộ Ukraina để tránh sự chán nản, mỏi mòn, bởi vì, như chúng ta biết, rất khó để duy trì sự chú ý. Dù sao, chúng tôi có đủ tự tin rằng chúng tôi sẽ đạt thành công cho thứ Bảy này ».
Chiến tranh Ukraina: Các lãnh đạo G7 cảnh cáo những nước yểm trợ Nga
Ảnh tư liệu : Các lãnh đạo nhóm G7 dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại Bruxelles, Bỉ, ngày 24/03/2022. AP - Doug Mills
Thanh Phương
Hôm qua, 24/02/2023, các lãnh đạo G7, nhóm các quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới, đã cảnh cáo tất cả những nước nào yểm trợ Nga trong cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina.
Theo hãng tin AFP, trong một thông cáo được đưa ra sau một cuộc họp trực tuyến dưới sự chủ tọa của Nhật Bản và với sự tham gia của tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, các lãnh đạo nhóm G7 yêu cầu những quốc gia và những tác nhân quốc tế khác ngừng yểm trợ về vật chất cho cuộc chiến tranh xâm lược của Nga, nếu không sẽ gánh chịu những hậu quả nặng nề.
Thông cáo của nhóm G7 còn nhấn mạnh là sẽ quyết tâm ngăn chận Nga tìm nguồn cung cấp các thiết bị quân sự hiện đại từ các nước khác. Các lãnh đạo 7 quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới không nêu cụ thể tên nước nào, nhưng trong thời gian qua Matxcơva vẫn bị tố cáo sử dụng các máy bay không người lái ( drone ) do Iran cung cấp, hoặc sử dụng các thiết bị đến từ Bắc Triều Tiên.
Trong thông cáo nói trên, các lãnh đạo G7 cũng đã tái khẳng định sự ủng hộ “không gì lay chuyển” đối với Ukraina, đồng thời cảnh cáo Matxcơva về việc sử dụng vũ khí nguyên tử trong cuộc chiến tranh Ukraina cũng như mọi vũ khí hóa học, sinh học, phóng xạ. Các lãnh đạo nhóm G7 cũng lấy làm tiếc về quyết định của Nga đình chỉ tham gia hiệp ước New Start về giải trừ vũ khí hạt nhân đã ký với Mỹ.
G20 không đồng thuận về Ukraina?
Trong khi đó, theo hãng tin Reuters, các bộ trưởng Tài Chính của nhóm G20 đã không đạt được đồng thuận về ngôn từ để mô tả cuộc chiến tranh Ukraina, cho nên cuộc họp tại Bangalore, Ấn Độ, sẽ kết thúc hôm nay mà không có thông cáo chung nào được công bố.
Theo lời các đại biểu được Reuters trích dẫn, Hoa Kỳ và các đồng minh trong nhóm G7 yêu cầu là thông cáo chung phải lên án rõ ràng Nga về cuộc xâm lược Ukraina, nhưng Matxcơva và Bắc Kinh đã bác bỏ yêu cầu này. Ấn Độ, nước chủ trì hội nghị các bộ trưởng Tài Chính G20, cũng gây áp lực để từ “chiến tranh” không được sử dụng trong bất cứ thông cáo nào của hội nghị.
Ba Lan, Canada, Thụy Điển cung cấp xe tăng Leopard cho Ukraina
Ảnh tư liệu : Các chiến xa Leopard 2A4 tại Zagan, Ba Lan, ngày 15/09/2013. AP - Polish Defense Ministry
Thu Hằng
Đúng ngày 24/02/2023, đánh dấu tròn một năm Nga xâm lược Ukraina, nhiều nước phương Tây thông báo giao thêm xe tăng và vũ khí cho Kiev. Ba Lan đã giao lô đầu tiên gồm bốn xe tăng Leopard. Thụy Điển thông báo sẽ giao thêm khoảng 10 xe tăng Leopard 2 và nhiều hệ thống phòng không HAWK trong khuôn khổ gói viện trợ quân sự thứ 11. Tương tự, Canada sẽ cung cấp thêm 4 xe tăng Leopard 2 cho Kiev.
Ngoài số xe tăng Leopard đã được giao, thủ tướng Ba Lan thông báo với tổng thống Zelensky là 60 xe tăng PT-91 sẽ đến Ukraina « trong vài ngày tới ». Xe tăng PT-91 là phiên bản được hiện đại hóa từ xe tăng T-72 thời Liên Xô. Ông Mateusz Morawiecki đến Kiev hôm qua để dự lễ tưởng niệm nạn nhân Ukraina trong cuộc chiến xâm lược Nga.
Thông tín viên RFI Martin Chabal tại Vacxava tường trình :
« Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã đặt vòng hoa trước đài tưởng niệm nạn nhân chiến tranh ở thủ đô Kiev với khuôn mặt đầy cảm xúc. Từ một năm nay, nước ông vẫn miệt mài giúp đỡ láng giềng Ukraina. Ông đã mở rộng cửa đón người tị nạn ồ ạt đến Ba Lan. Từ khi chiến tranh xảy ra, không dưới 9 triệu người Ukraina đã sang nước láng giềng lánh nạn.
Qua chuyến đi này, ông Mateusz Morawiecki muốn truyền tải rõ ràng thông điệp ủng hộ và hữu nghị. Ông đã là nhà lãnh đạo châu Âu đầu tiên đến Ukraina cách đây một năm. Và hôm qua ông là người duy nhất đến gặp tổng thống Volodymyr Zelensky. Sau chuyến công du của tổng thống Mỹ Joe Biden, chuyến thăm Kiev của thủ tướng Mateusz Morawiecki là một dấu hiệu mạnh mẽ về vai trò của Ba Lan trong cuộc xung đột, đặc biệt với tư cách là nước láng giềng và thành viên NATO.
Ngoài ra, cũng nhân dịp này, Vacxava đã chính thức thông báo gửi chiếc xe tăng Leopard đầu tiên. Ba Lan đã đấu tranh trong thời gian dài với các đồng minh châu Âu hoài nghi nhất để được phép gửi loại thiết bị này cho Ukraina..
Khi chọn thông báo tin này tại Kiev vào ngày mang ý nghĩa biểu tượng, Ba Lan muốn chứng tỏ luôn là nguồn cổ vũ lớn nhất cho nước láng giềng Ukraina ».
Mỹ chưa cấp F-16 cho Kiev « vào thời điểm này »
Theo AFP, thủ tướng Mateusz Morawiecki cũng cho biết là Ba Lan sẵn sàng đào tạo phi công Ukraina sử dụng chiến đấu cơ F-16, nhưng ông nhấn mạnh là việc này phải nằm « trong khuôn khổ liên minh mở rộng ». Trả lời đài ABC News hôm 24/02, tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục loại trừ khả năng giao F-16 cho Ukraina « vào lúc này », dù chính quyền Kiev liên tục đề nghị các nước phương Tây. Ba Lan và Hoa Kỳ đang thảo luận về việc sản xuất chung đạn dược để cung cấp cho Ukraina trong bối cảnh các nước châu Âu đang phải xuất kho vũ khí để viện trợ Kiev.
Liên Hiệp Châu Âu ban hành loạt trừng phạt thứ 10 đối với Nga
Ảnh minh họa : Lá cờ Liên Hiệp châu Âu (T) và quốc kỳ Nga. REUTERS - DADO RUVIC
Thu Hằng
Ngày 24/02/2023, Liên Hiệp Châu Âu đã thông qua loạt trừng phạt thứ 10nhắm vào Nga. Khối 27 nước đã phải chật vật để thông qua văn bản mới, mang ý nghĩa biểu tượng, đánh dấu tròn một năm Nga xâm lược Ukraina, do Ba Lan muốn có đường lối cứng rắn hơn với Matxcơva.
Trên mạng Twitter, Thụy Điển, nước hiện nắm chức chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Châu Âu, đánh giá « loạt biện pháp trừng phạt mới này là mạnh nhất, rộng nhất chưa từng được thông qua để giúp Ukraina giành thắng lợi », đồng thời khẳng định Liên Âu « sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraina chừng nào còn cần thiết ».
Hai điểm chính trong loạt trừng phạt mới là gia tăng các biện pháp hạn chế xuất khẩu sang Nga các sản phẩm có tính lưỡng dụng, dân sự và quân sự và trừng phạt những cá nhân cổ vũ và tuyên truyền cho chiến tranh.
Thông tín viên RFI Jean-Jacques Héry tường trình từ Bruxelles :
« Vế đầu tiên của loạt trừng phạt mới này là các hạn chế nghiêm ngặt hơn về việc xuất khẩu sản phẩm công nghệ sang Nga, ví dụ các linh kiện cho xe tải, động cơ máy bay, ăng-ten hoặc cần cẩu.
Ngoài ra, còn có các linh kiện điện tử, đặc biệt là linh kiện chứa đất hiếm hoặc camera hồng ngoại. Đó là những thiết bị có thể được sử dụng để sản xuất vũ khí. Mục đích của những biện pháp này là làm suy yếu ngành công nghiệp quân sự và quốc phòng Nga, tổng cộng là 11 tỉ euro, theo thẩm định của Ủy Ban Châu Âu. Biện pháp cũng cấm nhập khẩu cao su của Nga, được sử dụng để sản xuất lốp xe.
Ngoài ra, danh sách đen của Liên Hiệp Châu Âu trừng phạt những cá nhân Nga cũng kéo dài. Từ giờ sẽ có thêm nhiều các nhà tuyên truyền, đại diện chính trị và chỉ huy quân đội Nga, cũng như những nhân vật bị coi là chịu trách nhiệm về các vụ bắt cóc và đưa trẻ em Ukraina sang Nga hoặc sang các vùng ở Ukraina bị Matxcơva sáp nhập.
Cuối cùng, tài sản của ba ngân hàng Nga tại Liên Hiệp Châu Âu bị phong tỏa. Và lần đầu tiên, nhiều doanh nghiệp Iran cũng bị nhắm đến do bị cáo buộc cung cấp drone cho Matxcơva ».
Phương Tây phản ứng lạnh nhạt về kế hoạch hòa bình của Trung Quốc
Tổng thống Nga Vladimir Putin (P) tiếp lãnh đạo cao cấp nhất của ngành ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại điện Kremlin, Matxcơva, Nga, ngày 22/02/2023. AP - Anton Novoderezhkin
Thanh Phương
Hôm qua, 24/02/2023, một số đồng minh phương Tây của Kiev đã có phản ứng lạnh nhạt về kế hoạch hòa bình mà Trung Quốc đề nghị để giải quyết cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraina, trong khi tổng thống Zelensky tỏ ý muốn làm việc với Bắc Kinh để tìm một giải pháp cho cuộc xung đột.
Trong một tài liệu gồm 12 điểm, được bộ Ngoại Giao Trung Quốc công bố hôm qua, Bắc Kinh kêu gọi Matxcơva và Kiev mở đàm phán hòa bình, đồng thời tuyên bố chống lại việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc xung đột.
Trong một thông cáo, bộ Ngoại Giao Nga hôm qua tuyên bố Matxcơva “đánh giá cao” những nỗ lực của Trung Quốc, nhưng nhấn mạnh là phải công nhận việc sáp nhập bốn vùng lãnh thổ của Ukraina vào Nga.
Nhưng phát biểu nhân lúc đi thăm Triển lãm Nông nghiệp Quốc tế Paris khai mạc sáng nay, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi Bắc Kinh giúp gây áp lực với Nga để "chấm dứt cuộc xâm lược" và "kiến tạo hòa bình" cho Ukraina. Theo ông Macron, nền hòa bình chỉ có thể đạt được với việc Nga ngừng tấn công, triệt thoái quân và tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina và nhân dân Ukraina. Tổng thống Pháp cũng thông báo ông sẽ đi thăm Trung Quốc vào đầu tháng 4.
Về phản ứng của Hoa Kỳ, trên đài truyền hình ABC, tổng thống Joe Biden nói rằng ông không nhìn thấy trong kế hoạch hòa bình của Trung Quốc “có bất cứ điều gì có lợi cho bất cứ ai ngoài Nga”. Còn lãnh đạo ngành ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu Josep Borrell đánh giá tài liệu do Bắc Kinh đề nghị “không phải là một kế hoạch hòa bình”. Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier hôm qua cũng bày tỏ nghi ngờ về “vai trò mang tính xây dựng” của Trung Quốc nhằm đem lại hòa bình cho Ukraina.
Trong khi đó, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky có phản ứng chừng mực hơn, cho rằng “cần phải làm việc” với Bắc Kinh để tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột. Theo ông Zelensky, trong kế hoạch hòa bình do Trung Quốc đề nghị, “dường như có sự tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi và có những điểm liên quan đến an ninh”. Tổng thống Ukraina thậm chí cho biết ông dự trù sẽ gặp chủ tịch Tập Cận Bình trong nay mai.
Về phần Liên Hiệp Quốc, phát ngôn viên của tổng thư ký Antonio Guterres xem kế hoạch hòa bình mà Trung Quốc đề nghị là “một đóng góp quan trọng”, và đặc biệt hoan nghênh việc Bắc Kinh kêu gọi không sử dụng vũ khí nguyên tử.
Hôm qua, đúng một năm tổng thống Putin phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina, đại diện các nước thành viên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, kể cả đại diện của Nga, đã dành một phút mặc niệm cho các nạn nhân của cuộc chiến này.
-----------------
Đỗ Hứng gởi