Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
ĐIỂM TIN  9/6/2023
 

Tại LHQ, Ukraina và đồng minh tố cáo các vụ tấn công vào thường dân tản cư tránh lụt ở vùng Kherson
 
Cảnh ngập lụt tại Kherson, Ukraina ngày 08/06/2023, sau khi đập Kakhovka bị phá vỡ. 

Trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc vào hôm qua, 08/06/2023, đại diện Ukraina và các đồng minh, trong đó có Mỹ, Pháp và Nhật Bản, đã lên án các vụ “tấn công” nhắm vào các hoạt động cứu trợ ở vùng Kherson, đồng thời kêu gọi Nga không được “cản trở” công việc cứu hộ sau vụ đập thủy điện Kakhovka bị phá hủy.
 
Trước các nhà báo, đại sứ Ukraina tại Liên Hiệp Quốc, được một số thành viên Hội Đồng Bảo An (Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, Malta, Albania) và Liên Hiệp Châu Âu bao quanh, đã tuyên bố: “Chúng tôi cực lực lên án các vụ pháo kích vào các khu vực đang sơ tán và kêu gọi chính quyền Nga ngừng các cuộc tấn công như vậy và cho phép các toàn cứu trợ đến giúp đỡ những người dân bị ảnh hưởng mà không bi cản trở”.
 
Không chỉ quan tâm đến khu vực bị lũ lụt nằm dưới quyền kiểm soát của mình, đại sứ Ukraina cũng nhắc đến trường hợp cư dân trong vùng bị Nga chiếm đóng: “Chúng tôi cũng kêu gọi Liên Bang Nga cho phép tiếp cận đầy đủ, an toàn và không bị cản trở tới các khu vực bị ảnh hưởng ở tả ngạn sông Dniepr do quân đội của họ kiểm soát, để các tổ chức nhân đạo, đặc biệt là Liên Hiệp Quốc và Ủy Ban Chữ Thập Đỏ Quốc Tế có thể giúp đỡ người dân”.
 
Chính quyền Ukraina đã tố cáo Quân Đội Nga là vẫn tấn công Kherson trong những ngày gần đây khi hàng nghìn thường dân phải sơ tán khỏi các khu vực bị ngập lụt sau khi đập Kakhovka nằm ở thượng nguồn sông Dniepr bị phá hủy.
 
Trên hiện trường, mực nước đã bắt đầu hạ xuống, nhưng công cuộc sơ tán vẫn tiếp tục.
 
Đặc phái viên Gulliver Cragg của đài France24 và RFI có mặt tại Kherson tường trình:
 
Theo thống đốc phụ trách toàn vùng, ngay trong thành phố Kherson, mực nước đã giảm khoảng 20 cm chỉ sau một đêm. Trong thực tế, ngày hôm qua, mực nước vẫn tiếp tục dâng cao dù theo dự kiến sẽ phải giảm xuống. Thế nhưng cuối cùng, thì nước cũng bắt đầu rút đi, mực nước hiện cao hơn khoảng 5 mét rưỡi so với mức trước khi đập Kakhovka bị phá hủy.
 
Điều này không có nghĩa là các hoạt động sơ tán cư dân tại các khu vực bị ảnh hưởng không được tiếp tục. Theo chính quyền địa phương, những người này vẫn đang ở trong tình trạng nguy hiểm. Họ được đề nghị rời khỏi những nơi đang cư ngụ.
 
Hôm qua tôi có mặt ở Kherson khi cuộc di tản bị gián đoạn vì các vụ pháo kích. Hôm nay, chính quyền đã cho biết số liệu chính thức về các vụ tấn công: Trên toàn vùng Kherson, đã có 44 lần rocket được sử dụng với tổng cộng 188 quả được bắn đi, trong đó có cả đạn pháo do hệ thống pháo phản lực Grad phóng đi.
 
Riêng thành phố Kherson đã bị trúng 25 quả rocket, khiến cho 2 người chết và 17 người bị thương. Đây là một con số thấp bất ngờ vì thương vong có thể nhiều hơn. Trong số những người bị thương, phần lớn không phải là cư dân đang được sơ tán, mà là các tình nguyện viên và nhân viên cứu trợ đang cố gắng giúp đỡ họ.
 
Tình báo Ukraina công bố “bằng chứng” Nga phá hoại đập Kakhovka
 
Ảnh chụp vệ tinh cho thấy đập thủy điện Kakhovka trong vùng Kherson, Ukraina, bị phá vỡ ngày 06/06/2023. PLANET LABS PBC via REUTERS - HANDOUT

Cơ quan mật vụ Ukraina SBU vào hôm nay, 09/06/2023 cho biết là họ đã ghi được một cuộc điện đàm giữa hai người Nga cho thấy rõ là một “nhóm phá hoại” của Nga đã phá hủy đập Nova Kakhovka ở miền nam Ukraina trong đêm 05 rạng sáng 06 vừa qua.
 
Theo hãng tin Anh Reuters, trong đoạn ghi âm một cuộc nói chuyện qua điên thoại dài một phút rưỡi được công bố trên mạng Telegram, một người được SBU mô tả là lính Nga, nói: “Họ (tức là người Ukraina) không phá hủy nó. Đó là nhóm phá hoại của chúng ta muốn dọa mọi người với con đập này”.
 
Nhân vật này nói tiếp: “Sư việc không diễn ra như kế hoạch và họ đã làm nhiều hơn những gì dự kiến”, và “hàng ngàn” con vật tại “công viên safari” bên dưới con đập đã bị giết.
 
Người đối thoại với nhân vật trên đã bày tỏ sự ngạc nhiên trước lời khẳng định rằng lực lượng Nga, vốn đã chiếm đóng con đập kể từ cuộc xâm lược vào tháng 2 năm 2022, đã phá hủy nó.
 
Reuters không thể xác minh độc lập tính xác thực của đoạn ghi âm, Matxcơva chưa bình luận về nội dung, trong lúc cơ quan SBU hhông cung cấp thêm chi tiết về cuộc trò chuyện hoặc những người tham gia, chỉ cho biết là đã mở một cuộc điều tra về tội ác chiến tranh và " hủy diệt sinh thái".
 
Chiến tranh Ukraina: Sĩ quan Nga tố cáo công ty Wagner bắt cóc, tra tấn lính Nga

Ảnh trích từ viidéo tuyên truyền của Wagner: Evgueni Prigojine (T) cùng các tay súng của Wagner tại mặt trận Bakhmut, Ukraina, ngày 25/05/2023. 

Căng thẳng giữa quân đội Nga và công ty lính đánh thuê Wagner, cùng tham gia cuộc xâm lăng tại Ukraina, tăng lên mức chưa từng có. Hôm qua 08/06/2023, một phương tiện truyền thông thân cận với an ninh Nga công bố một đoạn video tố cáo công ty của Prigojine bắt cóc, tra tấn nhiều binh sĩ Nga tham chiến tại chiến trường Bakhmut, miền đông Ukraina.
 
Trong đoạn video nói trên, trung tá Nga Roman Venevitine cho biết đã bị lực lượng Wagner bắt cóc, tra tấn. Trước đó, hôm thứ Hai 05/06, công ty của Prigojine đã công bố một đoạn vidéo (quay từ ngày 17/05, theo Wagner), trong đó viên trung tá Nga nói trên thú nhận đã ra lệnh oanh kích một số đơn vị của Wagner tại Bakhmut. Trung tá Nga Roman Venevitine khẳng định đã thú tội như trên do áp lực, đồng thời tố cáo các hành động bạo lực khác của công ty Wagner nhắm vào quân đội Nga.
 
Thông tín Anissa El Jabri từ Matxcơva cho biết thêm:
 
Rõ ràng là không thể kiểm chứng được các sự kiện được nêu trong đoạn video dài 10 phút, do một phương tiện truyền thông - có tiếng là gần gũi với lực lượng an ninh Nga - công bố. Trong đoạn video này, viên sĩ quan Roman Venevitine cho biết đã bị bắt cóc, bị đánh đập và dọa giết. Sĩ quan Roman Venevitine cũng mô tả hậu trường vô cùng bạo lực của cuộc chiến ở Bakhmut.
 
Sau đây là trích đoạn mô tả của viên sĩ quan Nga về hành xử của lực lượng Wagner đối với binh sĩ quân đội Nga: ‘‘Ví dụ như có lần họ đã bắt cóc và dọa giết các binh sĩ của một đơn vị thông tin liên lạc, chỉ bởi vì không thích cách làm việc của những người này. Cũng có những vụ bắt cóc các binh sĩ của chúng tôi, họ bị hành hạ thể xác, làm nhục và nhân phẩm bị trà đạp. Trong một vụ bắt cóc khác, một hạ sĩ của chúng tôi đã bị lột trần, bị tra tấn, và bị giam trong một căn hầm băng giá. Những kẻ tra tấn đã tưới axit và một số hóa chất vào mắt người ấy, khiến anh ta bị mất thị lực trong một thời gian. Họ đổ xăng lên người nạn nhân, nhiều lần đe dọa thiêu sống’’.
 
Làm thế nào mà tình hình lại trở nên tồi tệ như vậy ? Viên sĩ quan Roman Venevitine đưa ra cách giải thích của mình : ‘‘Tình trạng vô chính phủ ngự trị tại khu vực tiền tuyến, với công ty lính đánh thuê tư nhân Wagner, là hậu quả của các đấu đá giữa các thế lực chính trị, đã làm suy yếu quyền lực của tổng thống, thay vì củng cố. Nhưng tôi tin rằng đây chỉ là một hiện tượng nhất thời’’.
 
Trong phát biểu nói trên, viên sĩ quan cũng trực tiếp lên án ông chủ Wagner, Evgueni Viktorovitch Prigojine, ‘‘đã nỗ lực làm mất uy tín của các lực lượng vũ trang Nga’’. Tội danh có thể bị phạt đến 5 năm tù’’.
 
Trừng phạt kinh tế Nga : Nhật nói một đằng làm một nẻo
 
Ảnh minh họa: Cua tuyết. Năm 2022, Nhật nhập khẩu 1,1 tỷ euro hải sản của Nga. AFP 

Vào lúc Hoa Kỳ và châu Âu liên tục ban hành trừng phạt nhắm vào Nga, thì trái tim nước Nhật lại dao động giữa món sashimi cua tuyết và sự ủng hộ Ukraina. Để tỏ ra có tinh thần đoàn kết với Kiev  chống lại Nga xâm lược, Tokyo không ngừng kêu gọi cần cứng rắn hơn nữa trong việc trừng phạt kinh tế Matxcơva. Thậm chí tại thượng đỉnh G7 hồi tháng 05/2023, thủ tướng Nhật Fumio Kishida còn nhấn mạnh : Cần « ủng hộ mạnh mẽ Kiev và trừng phạt nghiêm khắc Nga ».
 
Có thể nói, Tokyo đang « diễn », dàn dựng cảnh thể hiện lập trường cứng rắn với Matxcơva nhưng không chấp nhận từ bỏ nhập khẩu nhiều mặt hàng của Nga. Thậm chí, chính phủ Nhật hiện nay vẫn duy trì chức « bộ trưởng phụ trách hợp tác kinh tế với Nga ».
 
Theo giáo sư James Brown thuộc Đại học Temple, Tokyo, được báo Pháp Les Echos trích dẫn, nếu so với các nước trong khu vực châu Á, thì Nhật dường như can dự mạnh mẽ vào việc trừng phạt Nga. Nhưng nếu so với các nước trong nhóm G7, thì Tokyo tỏ ra không nghiêm khắc lắm. Xin nhắc lại là rất ít nước trong vùng châu Á lên án cuộc xâm lược Ukraina hoặc giảm trao đổi mậu dịch với Nga.
 
Viện lý do đe dọa « an ninh kinh tế » hoặc gây tổn hại ngoại thương, Nhật Bản tiếp tục nhập khẩu ồ ạt nhiều sản phẩm và các nguồn nhiên liệu của Nga và do vậy, bảo đảm nguồn thu nhập và ngoại tế cho chế độ của Vladimir Putin.
 
Báo kinh tế Les Echos cho biết, trong toàn năm 2022, nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (GNL) của Nga đã tăng 4%. Cũng trong năm ngoái, gần 9,5 lượng GNL tiêu thụ tại Nhật được nhập khẩu từ Nga. Tỷ lệ này trong năm 2021 là 8,8%. Đáng chú ý là từ nay, Nhật chấp nhận mua dầu lửa của Nga với giá cao hơn giá trần là 60 đô la/thùng mà nhóm G7 và Liên Hiệp Châu Âu đã đề ra. Cụ thể, Tokyo đã mua với giá 68 đô la/thùng dầu cho các đợt giao hàng vào tháng Giêng và tháng Hai 2023.
 
Mặt khác, Nhật tiếp tục nhập khẩu hải sản đánh bắt tại Nga. Theo số liệu của bộ Tài Chính nước này, năm 2022, các tập đoàn công nghiệp thực phẩm đã nhập tới mức kỷ lục, 1,1 tỷ euro, các loại tôm cua cá của Nga. Theo giải thích của Tokyo, cấm vận hải sản Nga sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp Nhật !
 
Cho đến nay, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu chưa gây sức ép với Nhật nhưng Canada đã công khai chỉ trích Tokyo « nói một đằng làm một nẻo ». Một nguồn tin ngoại giao Canada cho biết « chủ đề này đã được nêu ra trong cuộc họp của G7 ». Ottawa khó chịu vì Nhật thay vì nhập của Canada, đã tranh thủ mua được cua giá rẻ của Nga vì nước này bị cấm vận, không bán được cho nhiều thị trường châu Âu.
 
Phát biểu trước Hạ Viện, bộ trưởng Thương Mại Mary Ng khẳng định đang gây sức ép để Nhật lựa chọn nguồn cung ứng có « đạo đức hơn ».
 
Mỹ, Anh ra ‘‘Tuyên bố Đại Tây Dương’’, siết chặt hợp tác song phương
 
Thủ tướng Anh, Rishi Sunak (trái) và tổng thống Mỹ Joe Biden họp báo chung tại Nhà Trắng, Washington, ngày 08/06/2023. 

Quan hệ Anh, Mỹ siết chặt với chuyến công du Hoa Kỳ của thủ tướng Anh Rishi Sunak. Hôm qua 08/06/2023, tại Washington, tổng thống Mỹ Joe Biden cùng thủ tướng Anh công bố một thỏa thuận về ‘‘Khuôn khổ quan hệ đối tác kinh tế Anh - Mỹ cho thế kỷ 21", gọi tắt là ‘‘Tuyên bố Đại Tây Dương’’. Mục tiêu chủ yếu là để đối phó với các thách thức mới ‘‘từ các quốc gia độc tài như Nga và Trung Quốc’’ và một số thách thức toàn cầu căn bản khác như biến đổi khí hậu.
 
‘‘Tuyên bố Đại Tây Dương’’ Mỹ, Anh đặt ‘‘hai quốc gia độc tài’’ Nga và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ở hàng đầu trong số ‘‘những thách thức mới đối với sự ổn định quốc tế’’. Theo AFP, ‘‘Tuyên bố Đại Tây Dương’’ dự kiến Mỹ - Anh tăng cường hợp tác về quốc phòng. Chính quyền Mỹ hứa mở cửa vào thị trường cho các nhà công nghiệp quốc phòng Anh. Một trong các mục tiêu chính là tăng cường hợp tác song phương trong việc phát triển tên lửa siêu thanh.
 
Hạt nhân dân sự và cung ứng kim loại cần thiết cho quá trình chuyển sang nền kinh tế hậu năng lượng hóa thạch là các nội dung chính khác. Theo thỏa thuận này, các doanh nghiệp Anh quốc sẽ được hưởng một phần các ưu đãi trong kế hoạch trợ giá khổng lồ của chính quyền Biden ‘‘Inflation Reduction Act’’ (tức Đạo Luật Giảm Lạm Phát), với một mục tiêu chính là thúc đẩy việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.
 
Theo AFP, sau khi chia tay với Liên Âu, Luân Đôn từng hy vọng ký kết một thỏa thuận tự do mậu dịch mới với Washington. Tuy nhiên, Anh Quốc đã phải chấp nhận từ bỏ dự định này, bởi đối với chính quyền Biden kể từ giờ trở đi ‘‘kinh tế và an ninh quốc gia gắn bó mật thiết hơn bao giờ hết’’. Kiểm soát ‘‘các công nghệ mới gây lo ngại’’ (disruptive technologies) cũng là một nội dung chính của thỏa thuận giữa hai chính phủ Mỹ, Anh. Tổng thống Biden tuyên bố ủng hộ nỗ lực của Luân Đôn hướng đến xác lập các quy định điều chỉnh lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, với một hội nghị tổ chức vào mùa thu tới. Nguyên thủ Mỹ nhấn mạnh: ‘‘trí thông minh nhân tạo có thể gây ra các tổn hại lớn, nếu không được kiểm soát’’.
 
Theo AFP, một phần đáng kể của cuộc họp báo chung hôm qua xoay quanh cuộc chiến tranh tại Ukraina. Tổng thống Mỹ đã nhiều lần ca ngợi các hậu thuẫn của Luân Đôn dành cho cuộc chiến chống xâm lược Nga của Kiev. Về phần mình, lãnh đạo Mỹ bảo đảm Hoa Kỳ ‘‘có đủ tiềm lực cần thiết’’ để hỗ trợ Ukraina lâu dài. Về vấn đề người kế nhiệm tổng thư ký NATO, tổng thống Mỹ tỏ ra khá dè dặt với dự định của Luân Đôn tiến cử bộ trưởng Quốc Phòng Anh Ben Wallace.
 
Trung Quốc dự trù lập một căn cứ gián điệp ở Cuba
 
Hình minh họa. Một người bán hàng trang trí cửa hiệu tại Hồng Kông ngày 13/05/2023. AP - Andy Wong

Theo báo chí Mỹ hôm qua 08/06/2023, Trung Quốc đã ký một thỏa thuận bí mật với Cuba để thiết lập một căn cứ gián điệp trên hòn đảo nằm kế bên Hoa Kỳ. Nhưng cả Washington lẫn La Habana đều bác bỏ thông tin này.
 
Theo nhật báo The Wall Street Journal, trích dẫn các nguồn tin Mỹ, thỏa thuận bí mật giữa Trung Quốc và Cuba dự trù thiết lập một trạm nghe lén điện thoại trên hòn đảo chỉ cách bờ biển bang Florida 200 km. Bang này là nơi đặt nhiều căn cứ quân sự quan trọng của quân đội Hoa Kỳ. Tờ báo Mỹ cho biết Bắc Kinh sẽ trả cho Cuba “nhiều tỷ đôla” để xây cơ sở nói trên.
 
Theo hãng tin AFP, kênh truyền hình CNN, trích dẫn các nguồn tin thân cận với giới tình báo Mỹ, cũng đề cập đến thỏa thuận giữa Trung Quốc với Cuba, nhưng họ “không chắc là Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng căn cứ đó hay chưa”.
 
Chủ tịch Tập Cận Bình đang mở rộng sự hiện diện quân sự Trung Quốc trên khắp thế giới để cạnh tranh với quân đội Hoa Kỳ, hiện đã có mặt ở khắp năm châu. Nhưng việc thiết lập một căn cứ của Trung Quốc tại Cuba, gần bờ biển Florida, sẽ là một bước mới của Bắc Kinh và Washington sẽ xem đây là một mối đe dọa chưa từng có đối với an ninh quốc gia của Mỹ.
 
Tuy nhiên, hôm qua, Nhà Trắng, qua lời phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia John Kirby, đã cho rằng thông tin của The Wall Street Journal về căn cứ gián điệp của Trung Quốc ở Cuba là “không đúng sự thật”. Về phần phát ngôn viên Lầu Năm Góc, tướng Pat Ryder, ông cho biết chưa có thông tin nào về việc thiết lập bất cứ một căn cứ gián điệp nào của Trung Quốc ở Cuba. Tướng Ryder khẳng định Hoa Kỳ vẫn “liên tục” theo dõi quan hệ giữa Bắc Kinh với La Habana.
 
Trong khi đó, theo hãng tin AFP, một thứ trưởng Ngoại Giao của Cuba hôm qua đã ra một thông cáo cho rằng những thông tin của The Wall Street Journal là “ dối trá và không có cơ sở”. Vị thứ trưởng này khẳng định Cuba “không chấp nhận bất cứ sự hiện diện quân sự nào của nước ngoài” tại khu vực châu Mỹ Latinh.
 
Về phần Trung Quốc, phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao Vương Văn Bân hôm nay cáo buộc Hoa Kỳ phao "tin đồn" về căn cứ gián điệp ở Cuba, đồng thời yêu cầu Washington "ngưng can thiệp vào chuyện nội bộ của Cuba".
 
Liên Âu chấp thuận kế hoạch cải tổ chính sách tị nạn
 
Người nhập cư được cứu trên biển tại cảng Sicilia, Ý, ngày 12/04/2023. AP - Salvatore Cavalli

Bộ trưởng Nội Vụ 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu vào hôm qua, 08/06/2023 đã bất ngờ đạt được thỏa thuận về kế hoạch cải tổ chính sách tị nạn của EU sau gần ba năm tranh cãi kể từ khi Ủy Ban Châu Âu đề xuất vào tháng 9 năm 2020.
 
Cuộc cải cách mà các thành viên ở phía nam Liên Âu chờ đợi từ lâu sẽ quy định việc toàn khối 27 quốc gia EU phải hỗ trợ cho các nước “nhập cảnh đầu tiên”, đang phải chịu phần lớn gánh nặng của việc tiếp nhận và "phân loại" người di cư.
 
Từ Bruxelles, Thông tín viên RFI Pierre Benazet giải thích :
 
Đối với các quốc gia Nam Âu, việc cải cách chính sách tị nạn sẽ giúp thay thế quy định Dublin trứ danh, vốn buộc các quốc gia mà người di cư tiếp cận đầu tiên phải quản lý việc tiếp nhận và thủ tục xin tị nạn của những người này.
 
Từ hơn 20 năm nay, các nước Nam Âu đã yêu cầu bãi bỏ quy định Dublin, và giờ đây, họ sẽ được đáp ứng qua việc đơn giản hóa các thủ tục và giảm thiểu thời hạn xem xét hồ sơ., xuống còn tối đa là 12 tuần đối với những người di cư ít có khả năng được cấp quy chế tị nạn nhất, ví dụ như các công dân Senegal, Maroc, Tunisie hoặc Algérie. Việc đơn giản hóa này sẽ đi kèm với việc tăng cường kiểm soát biên giới.
 
Điều quan trọng hơn cả là kế hoạch cải cách sẽ mang lại một cơ chế đoàn kết trong EU, theo đó mỗi năm sẽ có 30.000 người xin tị nạn đủ điều kiện được chuyển đến một quốc gia thuộc Liên Âu khác với nước lần đầu tiên tiếp nhận họ.
 
Các quốc gia từ chối chấp nhận hạn ngạch người xin tị nạn bắt buộc của mình sẽ phải trả 20.000 euro cho mỗi người mà họ không nhận, số tiền này sẽ được rót vào một quỹ chuyên quản lý di cư.
 
Các quốc gia EU không thể bị bắt buộc phải tiếp nhận người di cư, nhưng đổi lại, họ sẽ phải giúp đỡ các quốc gia tiếp nhận những người này.
 
El Niño đang trở lại: Nguy cơ các hiện tượng thời tiết cực đoan tăng vọt
 
Mô phỏng hiện tượng El Niño dự kiến diễn ra trong năm 2023. 

Có nhiều dấu hiệu cho thấy hiện tượng thời tiết El Niño, làm gia tăng nhiệt độ Trái đất cùng nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan khác như bão, lũ, đã bắt đầu. Trên đây là cảnh báo của Cơ quan Giám sát Khí quyển và Đại dương Mỹ (NOAA) hôm qua, 08/06/2023.
 
‘‘El Niño’’ là tên gọi của giới khoa học để chỉ hiện tượng nhiệt độ bề mặt đại dương tại vùng xích đạo ở Thái Bình Dương tăng cao hơn mức bình thường. Sự gia tăng nhiệt độ ở khu vực này gây tác động đến toàn bộ hành tinh. Theo NOAA, hiện tượng này đã bắt đầu và ‘‘đang dần dần gia tăng cường độ trong những tháng tới’’. Từ nhiều tháng nay, các nhà khí hậu học đã dự báo El Niño sẽ xuất hiện ngay trong năm nay, tiếp theo giai đoạn La Nina, tức hiện tượng thời tiết gây mát kéo dài gần ba năm. Hiện tượng El Niño xuất hiện theo chu kỳ không đều, từ khoảng 2 đến 7 năm một lần. Lần cuối cùng diễn ra El Niño là vào hai năm 2018 – 2019.
 
Theo nhà khí hậu học Michelle L’Heureux, Cơ quan Giám sát Khí quyển và Đại dương Mỹ, đợt El Niño này có thể dẫn đến những kỷ lục mới về nhiệt độ cao tại một số khu vực. Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu của châu Âu Copernicus, hôm thứ Tư, 07/06, cũng ghi nhận bề mặt của các đại dương trong tháng Năm vừa qua là tháng nóng chưa từng có kể từ nửa thế kỷ nay. Nhìn chung, El Niño làm giảm bão tố tại Đại Tây Dương, ngược lại bão tố tại Thái Bình Dương sẽ gia tăng.
 
Hồi tháng trước, NOAA cảnh báo giai đoạn bốn năm trước mắt 2023 – 2027 gần như chắc chắn sẽ là giai đoạn nóng chưa từng được ghi nhận trên Trái đất, kể từ thời tiền công nghiệp, do hệ quả tổng hợp của hiện tượng El Niño và khí thải gây hiệu ứng nhà kính do các hoạt động của con người.


___________


Đỗ Hứng gởi