Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh



 
ĐIỂM TIN THẾ GIỚI : 07/02/2023



Động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ mạnh tương đương 32 quả bom nguyên tử



 
 
Năng lượng giải phóng ra từ trận động đất ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hôm 6/2 tương đương 32 quả bom nguyên tử và có thể khiến 20.000 người tử vong.

Theo dữ liệu của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), trận động đất có cường độ 7,8 richter, nhưng một số chuyên gia nhận định, nó có thể lớn hơn.

Nhà địa chấn học Susan Hough của USGS cho rằng, tuy không mạnh nhất thế giới, nhưng trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ đặc biệt nguy hiểm. Renato Solidum, giám đốc Viện Núi lửa và Địa chấn học Philippines, cho biết động đất trên 7 độ richter được các nhà khoa học mô tả có "năng lượng tương đương khoảng 32 quả bom nguyên tử đã thả xuống Hiroshima của Nhật Bản năm 1945", theo New York Times.

USGS cho biết, sau trận động đất rạng sáng 6/2, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận thêm ít nhất 100 dư chấn từ 4 độ richter trở lên. Trong đó dư chấn mạnh nhất xảy ra vào đầu giờ chiều với cường độ tương đương.

Trận động đất có cường độ 7,8 richter xảy ra lúc 4h17' sáng 6/2 (giờ địa phương), với tâm chấn ở độ sâu khoảng 18 km gần thành phố Gaziantep của Thổ Nhĩ Kỳ, cách biên giới Syria khoảng 60km.

Một nhân chứng kể lại, gia đình cô bị đánh thức bởi trận động đất lúc hơn 4h sáng. Ban đầu chỉ là những rung chấn rất nhẹ, nhưng sau đó mạnh dần lên. "Lúc đầu tôi không lo sợ, động đất rất nhẹ như chúng tôi thi thoảng vẫn gặp. Nhưng rồi rung lắc mạnh dần lên, đồ đặc đổ vỡ. Tôi cảm giác như có ai đó muốn xô ngã tôi và thấy tức lồng ngực", cô cho biết. Gia đình cô đã may mắn sống sót vì kịp chạy ra ngoài trước khi quá muộn.

Số nạn nhân có thể lên tới 20.000

Phát biểu với báo giới ngày 6/2, bà Catherine Smallwood - quan chức cấp cao về các tình huống khẩn cấp của WHO - cho rằng con số người chết của vụ động đất này có thể lên đến 20.000 người.

Bà Catherine nói với hãng tin AFP: “Có khả năng sẽ còn tiếp tục xảy ra những vụ sập nhà tiếp theo (do ảnh hưởng của trận động đất), do đó, chúng tôi thường ước tính con số thiệt hại có thể tăng gấp 8 lần so với con số ban đầu. Thật không may, chúng tôi luôn thấy sự dự tính đó đúng với các trận động đất. Các báo cáo ban đầu về số người thiệt mạng hoặc bị thương sẽ tăng khá đáng kể trong tuần tiếp theo."

Trước đó, WHO dự đoán con số người thiệt mạng trong cơn địa chấn kinh hoàng tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria là hơn 2.600 người.

Con số tử vong do trận động đất cập nhật đến chiều ngày 7/2 là hơn 4.800 người, trong đó có hơn 3.400 người ở Thổ Nhĩ Kỳ, còn lại là ở Syria.

Vì sao trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria gây thương vong lớn?
Theo tạp chí The Economist, động đất gây ra bởi sự chuyển động của các mảng kiến tạo của lớp vỏ Trái đất. Mỗi mảng kiến tạo sở hữu kích cỡ khác nhau. Chúng di chuyển chậm và đôi khi mắc kẹt vào nhau ở các đứt gãy địa chất, tạo ra lực căng tích tụ. Khi tình trạng đó phát triển quá mức, các mảng kiến tạo có thể đột ngột trượt ngang qua nhau, gây ra loại động đất như vừa xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Ngoài cường độ lớn, trận động đất còn khởi phát ở vị trí nông, chỉ sâu 18km so với bề mặt Trái đất nên ảnh hưởng lên bề mặt bị khuếch đại.

Ngoài ra, cơn địa chấn mạnh đầu tiên xảy đến vào ban đêm, khi đa phần mọi người đang ngủ trong nhà, khiến họ ít có cơ hội chạy thoát thân. Thêm vào đó, cái rét buốt của mùa đông đang đe dọa sự sống của những nạn nhân bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.

Ngoại trưởng Đức kêu gọi thành lập ‘tòa án quốc tế đặc biệt’ truy tố nhà lãnh đạo Nga

 

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock vừa thăm Hà Lan và có bài phát biểu tại Học viện Luật Quốc tế ở La Hay, kêu gọi thành lập một tòa án quốc tế đặc biệt để truy tố nhà lãnh đạo Nga.

Theo báo cáo tổng hợp của các phương tiện truyền thông, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Baerbock cho biết trong một bài phát biểu tại Học viện Luật Quốc tế La Hay vào ngày 5/2: “Chúng tôi đang ở đây và phải gửi một thông điệp rõ ràng tới nhà lãnh đạo Nga rằng, chiến tranh xâm lược sẽ phải chịu sự trừng phạt”. Bà kêu gọi thành lập một tòa án quốc tế đặc biệt để truy tố các nhà lãnh đạo Nga về việc Nga xâm lược Ukraina.

Mặc dù Tòa án Hình sự Quốc tế có trụ sở tại La Hay, Hà Lan, đã cử người đến Ukraina vào năm ngoái để điều tra các tội ác chiến tranh liên quan đến việc Nga xâm lược Ukraina, nhưng Tòa án Hình sự Quốc tế chỉ có thể giải quyết các vụ án mà cả hai nguyên đơn và bị đơn là thành viên của tòa án, hoặc các vụ án do Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) đưa ra.

Bà Baerbock nói rằng chính phủ Ukraina lo ngại rằng vì Nga và UkrainA không phải là thành viên nên Tòa án Hình sự Quốc tế không có thẩm quyền đối với các tội ác chiến tranh xảy ra ở Ukraina, do đó không thể truy tố Nga về bất kỳ tội ác chiến tranh nào có thể xảy ra.

Bà nói rằng Đức ủng hộ Ukraina và hy vọng thành lập một tòa án đặc biệt đối với hành vi xâm lược của Nga, đồng thời ủng hộ việc cập nhật “Quy ước Rome”, chỉ cần quốc gia bị xâm lược là bên ký kết, thì Tòa án Hình sự Quốc tế có thể xét xử các vụ án liên quan .

Báo cáo cho biết, cùng ngày Bộ trưởng Ngoại giao Đức có bài phát biểu tại Học viện Luật Quốc tế La Hay, Tổng chưởng lý Đức Peter Frank nói với giới truyền thông Đức “Welt am Sonntag” rằng, văn phòng của ông đã thu thập được “Hàng trăm” bằng chứng cho thấy quân đội Nga phạm tội ác chiến tranh ở Ukraina, đồng thời kêu gọi quốc tế cùng nỗ lực đưa thủ phạm ra trước công lý.

Văn phòng Tổng chưởng lý đã bắt đầu cuộc điều tra về cuộc chiến Nga-Ukraina vào tháng 3 năm 2022 và thu thập thông tin cũng như bằng chứng. “Chúng tôi hiện đang tập trung vào vụ giết người hàng loạt ở thị trấn Bucha và các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự ở Ukraina”, ông Frank nói.

Ông Frank chỉ ra rằng hầu hết các bằng chứng đến từ các cuộc phỏng vấn với những người tị nạn Ukraina và mục tiêu bây giờ là “chuẩn bị cho các phiên tòa có thể xảy ra trong tương lai – cho dù ở Đức, hay với các đối tác nước ngoài của chúng tôi, hoặc tại các tòa án quốc tế”.

Ông Frank cho rằng, theo quan điểm của ông, việc sử dụng Tòa án Hình sự Quốc tế hay các tòa án đặc biệt, cuối cùng vẫn phụ thuộc vào cộng đồng quốc tế.

Vào tháng 3 năm 2022, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã thành lập một Ủy ban Điều tra độc lập về Ukraina để điều tra các cáo buộc vi phạm nhân quyền và vi phạm luật nhân đạo quốc tế ở Ukraina, đồng thời lưu giữ bằng chứng cho “các thủ tục pháp lý trong tương lai.”

Ukraina, Liên minh châu Âu (EU) và Hà Lan đã công khai ủng hộ việc thành lập tòa án đặc biệt.

Phát biểu tại Liên Hợp Quốc vào ngày 30 tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Ukraina – Volodymyr Zelenskyy cũng đã kêu gọi thành lập một tòa án đặc biệt để trừng phạt Nga vì xâm lược Ukraina.

Trung Quốc chuyển từ ăn năn sang đối đầu Mỹ trong sự cố khí cầu, điều gì đằng sau?

 
 

Chiếc chiến đấu cơ F-22 Raptor của Mỹ ngày 5/2 đã dùng một hỏa tiễn Aim-9X Sidewinder bắn rụng chiếc khinh khí cầu công nghệ cao của Trung Quốc đang bay trên bầu trời ngoài khơi bờ biển South Carolina.

Phía Mỹ tuyên bố họ bắn hạ chiếc khinh khí cầu của Trung Quốc vì nghi ngờ đây là thiết bị do thám.

Chính quyền Bắc Kinh đã đột ngột chuyển từ thái độ bày tỏ sự hối tiếc trước đó sang đe dọa trả đũa đối với tuyên bố của Mỹ.

Sự thay đổi thái độ này phản ánh nhu cầu cấp thiết ở trong nước của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình rằng ông cần phải thể hiện ông đang bảo vệ Trung Quốc trước áp lực từ bên ngoài.

Điều này tiếp tục thu hẹp cơ hội thiết lập lại quan hệ giữa 2 nước trước khi mùa bầu cử ở Mỹ bước vào giai đoạn sôi động.

Cuối tuần qua lẽ ra đã có một bước tiến trong quan hệ 2 nước, khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dự định đến Bắc Kinh trong chuyến thăm đầu tiên như vậy sau hơn 4 năm. Nhưng việc một khinh khí cầu của Trung Quốc bị phát hiện bay lơ lửng trên một căn cứ quân sự của Mỹ ở Montana, nơi chứa các hầm chứa tên lửa hạt nhân, và việc Mỹ bắn hạ chiếc khí cầu đó khiến các quan chức ngoại giao 2 bên lại có những lời tiếng qua lại không tốt đẹp gì.

Thay vì tổ chức các cuộc gặp cấp cao, gồm cả khả năng gặp gỡ với nhà lãnh đạo Tập Cận Bình, Ngoại trưởng Blinken cuối cùng lại quyết định hoãn chuyến đi tới Bắc Kinh cho đến khi xác định được một ngày thích hợp.

Trung Quốc biện hộ rằng khinh khí cầu của họ là một phương tiện nghiên cứu khí hậu dân sự bất ngờ trôi dạt trên lãnh thổ nước Mỹ, cho nên họ đã lên án “phản ứng thái quá” của Mỹ khi chính quyền Washington quyết định sử dụng vũ lực.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 5/2 ra tuyên bố: “Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công ty liên quan, đồng thời có quyền đưa ra các biện pháp đáp trả tiếp theo nếu cần.”

Nhà nghiên cứu Drew Thompson tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu ở Singapore, cho rằng sự cố ám chỉ rằng mối quan hệ giữa 2 bên không đi theo hướng tích cực và có thể còn xấu đi hơn nữa.

Câu chuyện về khinh khí cầu xảy ra chưa đầy 3 tháng sau khi Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình đồng ý nối lại đàm phán trong cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa 2 nhà lãnh đạo ở Bali, Indonesia. Mặc dù không có nhiều kỳ vọng về những bước đột phá lớn từ chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken, nhưng nó được coi là một nỗ lực để duy trì hiện trạng giữa 2 bên.

Điều đó rất quan trọng đối với nền kinh tế của cả 2 nước, vì mối liên hệ giữa các doanh nghiệp 2 bên vẫn được duy trì bất chấp căng thẳng. Kim ngạch thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khả năng đã phá kỷ lục vào năm 2022.

Câu hỏi hiện nay là liệu cả hai bên có thể tìm ra cách hạ nhiệt căng thẳng chứ không để nó leo thang thêm hay không.

Mùa hè năm ngoái, 2 bên phải mất nhiều tuần mới có thể đưa các cuộc đối thoại trở lại đúng hướng sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ lúc đó là bà Nancy Pelosi đã đến thăm Đài Loan, hòn đảo mà chính quyền Bắc Kinh tuyên bố là của Trung Quốc. Khi đó, Trung Quốc đáp trả bằng cách bắn hỏa tiễn qua hòn đảo này.

Mối quan hệ giữa 2 nước có thể được thử thách một lần nữa nếu Chủ tịch Hạ viện mới của Mỹ, ông Kevin McCarthy, quyết định thực hiện cam kết trước đó của ông là thực hiện một chuyến thăm riêng của mình tới Đài Bắc.

Các cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ và Đài Loan có thể làm gia tăng căng thẳng hơn nữa, với việc Tổng thống Mỹ Joe Biden phải đối mặt với những lời kêu gọi từ trong nước là phải thể hiện sức mạnh trước chính quyền Bắc Kinh.

Ông Tập Cận Bình cũng phải đối mặt với những áp lực từ trong nước là phải cố gắng thể hiện khả năng lãnh đạo mạnh mẽ, sau khi chính quyền của ông dỡ bỏ chính sách Zero-Covid, vốn đã dẫn đến các cuộc biểu tình rầm rộ vào tháng 11 năm ngoái.

Các video về việc khinh khí cầu bị bắn hạ được phép phát tán rộng rãi trên các mạng xã hội của Trung Quốc, vốn được kiểm duyệt rất chặt chẽ.

Một người dùng Trung Quốc bình luận: “Đó chỉ là một khinh khí cầu dân sự. Mỹ đang dùng súng thần công đuổi muỗi.”

Một người khác viết: “Thật trớ trêu khi một quả khi cầu đi lạc lại khiến nước Mỹ sợ hãi đến vậy. Liệu Trung Quốc có nên đáp lại bằng cách bắn hạ tất cả các máy bay hoặc tàu bè của Mỹ không được cấp phép đi vào không phận và lãnh hải của Trung Quốc kể từ bây giờ hay không?”.

Các quan chức của Mỹ cho biết chính quyền Biden đã không thông báo trước cho Trung Quốc về kế hoạch bắn hạ khinh khí cầu. Theo các quan chức, quan hệ Mỹ-Trung có thể sẽ khó tiến triển, nhưng họ cho rằng cả hai nước đều có lý do để gác lại vụ việc.

Theo hãng nghiên cứu Enodo Economics có trụ sở tại London, quả bóng đang ở trong sân của phía Trung Quốc, nhưng liệu ông Tập có đủ khả năng thực hiện một cử chỉ hòa giải rõ ràng, để xoa dịu quan hệ với Mỹ, và tạo đủ không gian để cải thiện mối quan hệ đang xấu đi nhanh chóng hay không, hãy chờ xem.

Chỉ một ngày trước đó, Trung Quốc đã thể hiện sự ăn năn hiếm thấy đối với việc khinh khí cầu của nước này bay vào Mỹ. Chính quyền Bắc Kinh nói rằng họ “rất lấy làm tiếc về việc khinh khí cầu xâm nhập không chủ ý vào không phận của Mỹ vì lý do bất khả kháng”.

Trong một cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Blinken, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, ông Vương Nghị, đã cảnh báo trước “sự phỏng đoán hoặc sự cường điệu vô căn cứ”, và kêu gọi cả hai bên giải quyết vấn đề một cách “bình tĩnh và chuyên nghiệp”.

Một chuyên gia ngoại giao của Viện Quan hệ Quốc tế của Trung Quốc cho rằng phản ứng của chính quyền Bắc Kinh phản ánh bản chất “mong manh” của quan hệ Mỹ-Trung.

Chuyên gia ngoại giao này cho rằng Mỹ đang tìm cớ để trì hoãn chuyến đi của ông Blinken, còn phía Trung Quốc cũng nói rằng họ không mời ngoại trưởng Mỹ. Điều này có thể là do 2 bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận về nhiều thứ, và Mỹ không thay đổi chính sách đối với Trung Quốc. Vì vậy, cả 2 bên đã tìm ra lý do để hoãn chuyến thăm của ông Blinken.

Ja ian Chong, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang muốn tỏ ra mạnh mẽ với người dân trong nước, cho nên động lực chính trị bên trong chính quyền Trung Quốc khiến việc hòa giải với Mỹ trở nên khó khăn.

Giáo sư Trung Quốc chủ trương tấn công Đài Loan bị chính dân đại lục mắng nhiếc

 
 

Dương Phàm (杨帆), giáo sư tại Đại học Khoa học Chính trị và Pháp Luật Trung Quốc, là một người phe cánh tả nổi tiếng trung thành với ĐCSTQ. Ông đã ủng hộ việc tấn công Đài Loan càng sớm càng tốt trên nền tảng Weibo, nói rằng tiếng nói thống nhất của dư luận là “chiến đấu”. Thật bất ngờ, phần bình luận của hai bài đăng gần đây đã bị đảo ngược, nhiều cư dân mạng Trung Quốc phàn nàn, họ để lại những bình luận như: “Được rồi, hãy để cả gia đình ông làm bộ binh tiền tuyến trước”; “Tôi thực sự khuyên giáo sư nên cho con mình nhập ngũ để phục vụ cho quê hương”; người khác nói “Con cháu ông ra chiến trường trước đi!”.

Dương Phàm đã nhấn mạnh trên Weibo vào ngày 30 tháng trước rằng việc thống nhất Đài Loan là vấn đề nội bộ, không phải là cuộc chiến giữa các quốc gia và bản chất của nó khác với cuộc chiến Nga-Ukraine. Ông cho rằng tiền đề của ý tưởng “không chiến đấu” là cố gắng thống nhất hòa bình, nhưng bây giờ nó không còn ý nghĩa gì nữa. Ông viết: “Đài Loan sẽ tiếp tục đưa ra những khái niệm mơ hồ để kích thích chúng ta hành động trước. Chúng ta không cần đợi chờ… năm 2025 đến 2028 là khả năng xảy ra chiến tranh thống nhất cao nhất. Năm 2028 là kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Quân đội Giải phóng Nhân dân”.

Dương Phàm chỉ ra rằng “nếu chúng ta thực sự muốn đạt được sự thống nhất, không cần phải luôn nói ‘chưa sẵn sàng’, hay thậm chí đợi đến năm 2030 khi tổng thể kinh tế và công nghệ cao của Trung Quốc vượt qua Hoa Kỳ.

Ngay sau khi bài đăng được đăng tải, nhiều cư dân mạng Weibo đã phàn nàn: “Đánh nhau thì ai trong nhà ông sẽ ra chiến trường vậy?”, “Mời ông dạy con cái trước, đừng múa mép khua môi”; “Xin hỏi mục đích thống nhất bằng mọi cách là có ý nghĩa gì vậy?”; “Mọi người, hãy ghi lại điều này nhé, nếu thực sự đánh nhau, hãy để những người này đi trước!”; Người khác chỉ ra điểm bất cập: “Nếu thống nhất là việc nội bộ, thì không thể sử dụng quân đội. Quân đội chẳng phải là để bảo vệ an ninh quốc gia trước quốc gia khác sao?”

Một số cư dân mạng chế giễu: “Thấy người Đài Loan sống tốt như vậy, tôi cũng nghiến răng nghiến lợi muốn thống nhất với họ, tổ quốc phải được thống nhất”; “Tôi luôn bị ám ảnh, tại sao phía đối diện lại sống tốt như thế này?”. Người khác lại mỉa mai bằng câu chuyện gia đình: “Mấy hôm trước về quê ăn tết, tôi không hiểu nổi em mình. Nhà em ít người mà giàu, còn nhà tôi nghèo mà đông người. Nói với em rằng hai nhà chúng ta năm nay nếu không hợp nhất, đừng trách ta dùng vũ lực!”

Trong khi đó cư dân mạng Đài Loan đã rất ngạc nhiên nói: “Hóa ra tôi có thể thấy nhiều phát biểu cảm thông như vậy mà không cần mở bình luận có chọn lọc. Tôi cảm thấy rất ấm lòng. Cảm ơn mọi người. Tôi hy vọng người dân hai bờ eo biển có thể sống hạnh phúc”. 

Về vấn đề này, một cư dân mạng đại lục phản hồi: “Có rất ít người la hét đánh giết, nhưng giọng của họ tương đối lớn. Bất kể là người đại lục hay Đài Loan, người bình thường không muốn chiến tranh, và không ai muốn chết cho các chính trị gia cả”.

Tuy nhiên, vào ngày mùng 3, Dương Phàm vẫn đưa ra một bài báo ủng hộ một lần nữa, nói rằng “nếu Quốc dân đảng không nói về thống nhất hòa bình sau cuộc bầu cử năm 2024, ĐCSTQ nên thực hiện một cuộc phong tỏa quân sự, quốc tế không cần lo lắng… Dư luận nhất trí là đánh, chỉ còn chờ xem cấp trên quyết định.”

Ngay khi bài báo hai được đăng, phần bình luận lại bị tấn công dồn dập nhiều cư dân mạng đại lục chỉ trích rằng “Người không phải ra chiến trường mà nói chiến tranh cũng dễ! Thật là trơ trẽn”, “Với tầm tri thức như vậy thì đừng tự xưng là giáo sư, xấu hổ”, “Tôi không muốn thành tựu 40 năm cải cách mở cửa bị chiến tranh tàn phá”, “Đài Loan đang làm tốt và người dân đang sống tốt. Tại sao chúng ta không để họ sống ổn định, tại sao lại kéo họ vào cuộc chiến?”

Có người thẳng thắn nói: “Nếu các ông thua, kết quả ai gánh? Quay về thời đại đói khổ? Ông có thể không quan tâm, có thể con cháu ông đã ra nước ngoài sinh sống rồi. Nhưng đây là quê hương vĩnh cửu của người dân chúng tôi. Điều cần thiết là đất nước phải có trí tuệ lớn để giải quyết nó, thay vì kêu gọi chiến tranh mỗi ngày. Nga sở hữu vũ khí hạt nhân mạnh nhất thế giới. Sức mạnh quân sự của nước này được cho là lớn thứ hai trên thế giới và lãnh thổ của nước này cũng lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, người dân Nga cũng không tránh khỏi sự tàn phá của chiến tranh. Họ là được gửi đến chiến trường theo đợt. Đám mây chiến tranh hạt nhân đang treo lơ lửng trên thế giới. Cho dù một quốc gia có chiến thắng bao nhiêu cuộc chiến, tốt hơn hết là không có chiến tranh.”


____________


Đỗ Hứng gởi