ĐIỂM TIN THẾ GIỚI : 30/6/2025
Các ước G7 thỏa thuận miễn « thuế tối thiểu toàn cầu » 15% với các tập đoàn Mỹ để tránh bị Washington trả đũa
Hôm qua, 28/06/2025, G7 ra thông báo cho biết đạt « đồng thuận » về việc các tập đoàn đa quốc gia Mỹ không trả khoản thuế tối thiểu toàn cầu 15% lợi nhuận, theo thỏa thuận năm 2021 giữa gần 140 nước. Từ nhiều tuần nay, chính quyền Trump đe dọa tăng thêm 20% thuế với công ty nước ngoài làm ăn tại Mỹ, thuộc các nước bị Washington cáo buộc «áp thuế bất chính». Theo nhiều nhà quan sát, đây là áp lực chủ yếu khiến các nước G7 phải chấp nhận thỏa hiệp với Mỹ.
Thỏa thuận năm 2021 giữa gần 140 nước, mà « thuế tối thiểu toàn cầu » là một nội dung chính, do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OCDE chủ trì. OCDE sẽ phải là bên đưa ra quyết định chính thức về việc miễn trừ cho các tập đoàn Mỹ. Theo nhật báo kinh tế Pháp Les Echos, OCDE « sẽ phải chính thức phê chuẩn thỏa hiệp G7 trong những ngày tới ».
Cải cách từng được hy vọng giúp chấm dứt tình trạng tập đoàn đa quốc gia trốn thuế
Sau khi đạt thỏa hiệp với các nước G7, bộ trưởng Tài Chính Mỹ Scott Bessent, hôm 26/06, cho biết chính phủ đã yêu cầu các nghị sĩ Mỹ rút lại một biện pháp trừng phạt (sửa đổi mục 899 trong luật về thuế của Mỹ), dự kiến nhắm vào các doanh nghiệp nước ngoài làm việc tại Mỹ, thuộc các nước đánh thuế các tập đoàn Mỹ. Theo George Gans, văn phòng tư vấn KPMG, được báo Pháp Le Monde hôm qua dẫn lại, biện pháp này là « một đe dọa, buộc các nước phải thương lượng » và « điều này đã mang lại tác động nhanh chóng hơn là tôi hình dung ». Theo các nguồn tin từ bộ Tài Chính Pháp, việc chính quyền Trump rút lại dự kiến sửa đổi mục 899 khiến Pháp thở phào nhẹ nhõm.
Cuộc cải cách lớn về thuế toàn cầu năm 2021, trong đó có thuế tối thiểu toàn cầu áp dụng trước hết đối với các tập đoàn đa quốc gia có doanh thu 750 triệu euro trở lên, được coi là một bước tiến chưa từng có nhằm hướng đến chấm dứt tình trạng « chiến tranh thuế » giữa các nước, tình trạng trốn thuế phổ biến khi các tập đoàn đa quốc gia chủ trương đặt lợi nhuận tại « các thiên đường thuế », để tránh phải nộp thuế tại các nước nơi mà lợi nhuận thực sự được tạo ra.
Pháp, Anh, Đức, Ý, Canada và Nhật Bản « đầu hàng »
Theo chuyên gia Gary Clyde Hufbauer, thuộc viện tư vấn kinh tế Mỹ Peterson Institute for International Economics, với thỏa thuận để các tập đoàn Mỹ không phải nộp « thuế tối thiểu toàn cầu », các nước Pháp, Anh, Đức, Ý, Canada và Nhật Bản đã « đầu hàng ». Ông Pascal Saint-Amans, nhà thương thuyết về cuộc đại cải cách thuế toàn cầu của OCDE, nhấn mạnh : «Luật của kẻ mạnh đã chiến thắng».
Cuộc cải cách thuế toàn cầu, nhằm mang lại công bằng về thuế giữa các nước, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hóa, đã bắt đầu được áp dụng tại nhiều nơi kể từ năm ngoái, cụ thể như tại Liên Hiệp Châu Âu, Anh, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, … Theo nhật báo kinh tế Pháp, việc Mỹ được miễn áp dụng cải cách này khiến ý nghĩa toàn cầu của cải cách «bị suy yếu». Nhiều nước khác có thể đòi hỏi cũng được miễn trừ như Mỹ.
Chuyên gia viện tư vấn kinh tế Mỹ Peterson Institute for International Economics dự đoán « các nước G7 có thể sẽ duy trì thỏa thuận này với hy vọng một tổng thống tương lai sẽ đưa nước Mỹ trở lại » với thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu. Ngược lại, theo ông Markus Meinzer, giám đốc hiệp hội công bằng về thuế Tax Justice Network, được Le Monde dẫn lại, thỏa thuận của OCDE giờ đây chỉ còn là « một cái xác không hồn », và quyết định của G7 là hồi chuông báo tử.
Nga ồ ạt oanh tạc Ukraina, lần đầu tiên sử dụng bom-tên lửa Grom-1
Trong đêm qua sạng sáng nay 29/06/2025, các lực lượng Nga lại dùng drone và tên lửa ồ ạt oanh tạc Ukraina. Theo thông báo của quân đội Kiev, Nga đã phóng đi 477 drone và 60 tên lửa nhiều loại. Đây được xem như vụ oanh kích lớn nhất của Nga từ khi xảy ra chiến tranh. Nhưng đa phần drone (446) và 38 hỏa tiễn Nga đã bị các phương tiện điện tử của Ukraina vô hiệu hóa hoặc bắn hạ.
Theo AFP, một phi công lái chiếc chiến đấu cơ F-16 do Mỹ cấp cho Kiev đã thiệt mạng. Đây là chiến đấu cơ F-16 thứ 3 bị Nga hạ tính từ khi loại máy bay tân tiến này của Mỹ được triển khai trên chiến trường Ukraina. Trên mạng tin nhắn Telegram, quân đội Ukraina cho biết trước khi tử trận, phi công lái F-16 đã hạ được 7 mục tiêu trên không. Đến mục tiêu cuối cùng, phi cơ F-16 đã bị hư hại và mất lái. Dù đã tránh để phi cơ rớt xuống khu vực có dân sinh sống nhưng phi công đã không kịp thoát khỏi máy bay.
Trong khi đó, theo báo Pháp Le Monde, lần đầu tiên quân đội Nga vào hôm qua 28/06 đã sử dụng loại vũ khí mới có tên gọi bom - tên lửa Grom-1 nhắm vào vùng Dnipropetrovsk của Ukraina. Tuy nhiên, theo chỉ huy quân sự vùng này, Serhi Lyssak, lực lượng phòng không Ukraina đã bắn chặn được Grom-1 trên vùng trời phía ngoài thành phố Dnipro sau khi bom - tên lửa của đối phương bay được hơn 100 km. Grom-1 được cho là loại bom có thiết bị dẫn đường và có động cơ đẩy, được phát triển từ loại tên lửa Kh-38 và có tầm phóng ước tính đạt 120 km.
Về các vụ oanh kích của Ukraina, Kiev thông báo triệt hạ được 3 oanh tạc cơ Su-34 của Nga tại căn cứ không quân Marinovka, vùng Volgograd. Một căn cứ không quân của Nga tại Kirovske, thuộc bán bảo Crimée của Ukraina bị Matxcơva sáp nhập, cũng bị không quân Ukraina dùng drone tấn công. Nga thiệt hại 3 máy bay trực thăng và một hệ thống phòng không.
Về ngoại giao, theo AFP, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky hôm qua nhận định việc được láng giềng Ba Lan duy trì hậu thuẫn là điều cực kỳ quan trọng đối với Kiev về quốc phòng, trong Liên Âu cũng như trong NATO. Tuyên bố trên được đưa ra khi ông Zelensky cảm ơn vị tổng thống mãn nhiệm Andrzej Duda của Ba Lan, vài tuần trước khi tổng thống tân cử Karol Nawrocki chính thức nhậm chức. Ông Karol Nawrocki vốn dĩ luôn muốn cắt giảm hỗ trợ cho người tị nạn Ukraina tại Ba Lan và phản đối việc để Ukraina gia nhập NATO.
__________________
Đỗ Hứng gởi