Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh




 

Điều đáng sợ nhất của đời người là gì?

 
 


Theo cuốn Tam Tự Kinh có ghi chép một câu chuyện kể về Chu Xứ như sau: Truyện kể rằng ngày xưa, vào triều nhà Tấn,  tại một làng nhỏ của huyện Nghĩa Hưng – Trung Quốc, có một người thanh niên tên gọi là Chu Xứ. Dù cha mẹ đều qua đời sớm khi cậu còn rất nhỏ nhưng cậu vẫn lớn lên khỏe mạnh và dũng cảm…


Tiếc thay vì không được giáo dục và chăm sóc tốt nên Chu Xứ thường cậy sức mình hơn người mà hay đánh nhau với người khác, gây nhiều phiền phức cho mọi người trong vùng. Thời gian qua đi, những rắc rối mà Chu Xứ gây ra càng ngày càng trở nên tồi tệ. Trong con mắt mọi người, Chu Xứ quả giống như một thứ quái vật nên khiến cậu ta bị tất cả những người dân trong vùng xa lánh.


Một ngày nọ, Chu Xứ cùng bạn bè vào quán uống rượu no say xong không trả tiền mà cứ thế hiên ngang ra về, mặc dù chủ quán rất căm phẫn nhưng lại chẳng giám làm gì cậu ta. Trên đường xuống phố tản bộ, Chu Xứ thấy một đám đông đang nói chuyện một cách nghiêm trọng về việc gì đó. Tò mò, Chu Xứ ghé lại gần để nghe nhưng đám đông vì sợ hãi mà nhanh chóng tản đi. Bực mình, Chu Xứ nhanh chóng tóm lấy một cụ già chậm chân nhất trong số đó và hỏi:

– Mọi người đang nói về điều gì?
 

 

Cụ già chậm chân bị Chu Xứ tóm lại. (Ảnh: youtube.com)


Cụ già trả lời trong sự sợ hãi:


– Chúng tôi đang nói mấy năm nay trong vùng này xuất hiện ba mối tai ương. Chúng làm hại thôn ta, khiến mọi người đều khốn khổ mà không thể nói được lên lời. Một là hổ dữ ăn thịt người ở núi Nam Sơn, nó thường rình bắt người qua đường trên núi, một khi ai đi ngang qua núi thì đều không có cơ hội sống sót trở về được nữa. Hai là con giao long ở cầu Trường Kiều, con giao long này tính tình bất thường, có lúc tập kích tàu thuyền, có lúc người dân đang đi trên cầu thì bị nó cuốn xuống nước. Nó đã hại biết bao nhiêu người nhưng mọi người lại không cách nào đối phó được…


Không đợi cụ già nói hết, Chu Xứ đã lớn tiếng hét:


– Là hổ ư? Giao long ư? Chúng có gì đáng sợ? Hay xem ta đây đi thu phục chúng.
 

 

Chu Xứ một quyền đánh chết hổ dữ. (Ảnh: youtube.com)


Không lâu sau có người trông thấy Chu Xứ lên núi Nam Sơn tìm hổ dữ quyết chiến, cuối cùng mọi người nhìn thấy cậu ta một quyền đánh chết hổ dữ. Mấy ngày sau lại có người trông thấy Chu Xứ nhảy xuống cầu Trường Kiều vật lộn với giao long. Họ đánh nhau dưới nước 3 ngày 3 đêm bất phân thắng bại, người dân cũng dần dần vây quanh trên cầu nhìn xuống xem. Cuối cùng họ thấy giao long chết nổi lên mặt nước, còn Chu Xứ thì không thấy đâu, chỉ thấy một chiếc giày của cậu nổi lên, mọi người lại tưởng rằng Chu Xứ cũng đã chết nên đứng trên cầu vui mừng reo hò:


– Giao long chết rồi, hổ dữ chết rồi, Chu Xứ cũng chết rồi, ba mối tai ương đều bị diệt rồi!…


Lúc sau Chu Xứ mới bơi vào bờ cách cầu không xa, cứ nghĩ mình đã lập được công lớn, trở về được mọi người chào đón như bậc anh hùng trừ bạo cho dân. Ngờ đâu khi lên bờ lại nghe được mọi người vui mừng hô to như vậy. Chu Xứ mới giật mình biết rằng mối tai ương thứ ba mà người dân nói đến lại chính là mình. Chu Xứ cảm thấy xấu hổ vô cùng, tĩnh tâm suy nghĩ lại mọi chuyện xưa nay, thấy bản thân cư xử quá xa với đạo làm người nên nguyện sẽ cải tà quy chính.


Chu Xứ muốn thay đổi, muốn trở thành một người tử tế. Cậu ta tìm một người thầy giỏi là Lục Vân để theo học, cậu dành toàn bộ tâm huyết và sự nỗ lực của mình để học đạo làm người. Cuối cùng Chu Xứ đã trở thành một vị quan tốt hết mực chăm lo cho dân nổi tiếng xa gần, người người đều yêu mến, thán phục.
 

 

Cải tà quy chính, cuối cùng Chu Xứ đã trở thành một vị quan tốt hết mực chăm lo cho dân nổi tiếng xa gần, người người đều yêu mến, thán phục. (youtube.com)


***


Nhân sinh tại thế, con người khi sinh ra ai mà chưa từng phạm lỗi, ai thành công mà chưa từng vấp ngã? Ai nên khôn mà chưa dại đôi lần. Có sai lầm, có vấp váp mới có sự trưởng thành, làm người thì sai lầm không phải là điều đáng sợ, đáng tiếc. Điều đáng sợ nhất của con người chính là sai mà không biết mình sai, sai rồi mà không biết sửa, ấy mới là điều đáng sợ nhất.


Có câu: Dũng khí lớn nhất đời người chính là biết nhận sai. Lẽ thông thường thì nhiều người sẽ hiểu dũng khí chính là có thể giương cẳng chân, hạ cẳng tay đọ sức khoe tài một phen với kẻ đối đầu, hoặc giả tranh đấu hơn thua để tỏ rõ cái khẩu khí của mình với người khác. Kỳ thực đó chính là cái dũng của kẻ thất phu, của phường đao búa.


Dũng khí lớn nhất của người ta chính là tự nhận ra được sai lầm của bản thân mình, biết hối hận, phản tỉnh, dám đứng trước mặt nhiều người mà thừa nhận sai lầm của bản thân. Biết đứng lên sau vấp ngã để làm một con người ngay chính. Đó cũng là cái dũng của kẻ chính nhân quân tử.
 

 

Có lẽ dũng khí lớn nhất của người ta chính là tự nhận ra được sai lầm của bản thân mình. (Ảnh dkn.tv)


Cái dũng của bậc quân tử ấy không phải ai cũng có được. Vì thừa nhận sai lầm là một việc có thể ảnh hưởng tới danh tiếng, liêm sỉ của người ta, khiến người ta phải đối diện với nguy cơ bị dư luận bàn tán, gièm pha, khinh ghét. Nhưng vượt qua được những mặc cảm đó, thẳng thắn nhận lỗi, tìm cách sửa sai mới chính là phong thái của người đứng đắn, chính trực vậy.


Thế nên sai lầm không đáng sợ, chỉ sợ sai rồi mà không biết sửa.


Minh Vũ
 

The International News Center gởi