Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 


Điều tra cuội về biến cố 6/1/2021



 


Ông Trump dù sao cũng đã thành công mỹ mãn trong một việc: vô hình chung, ông đã chễm chệ ngồi xổm trong đầu tất cả các chính khách DC, tất cả đám nhà báo thiên tả, và dĩ nhiên tất cả đám vẹt tị nạn luôn. Một năm sau khi ông Trump đã rời Tòa Bạch Ốc, ưu tiên số một của đám này vẫn là làm sao tận diệt được mối họa sinh tồn cá nhân Trump và chủ nghĩa Trump. 


Tuần này đánh dấu đúng một năm biến cố 6/1/2021 mà phe cấp tiến chụp cho cái vương miện ‘âm mưu đảo chánh tiêu diệt thể chế dân chủ của Mỹ’.


Cũng là dịp ta xem lại câu chuyện bá láp này.Phải nói ngay đây là một vấn đề lớn mà ta sẽ thấy rất nhiều sách bàn tới trong cả trăm năm nữa. Do đó, cô đọng lại trong một bài tuy dài sẽ vẫn có nhiều thiếu sót.


Tóm gọn lại, ngày 6/1/2021, lưỡng viện họp chung để cùng kiểm phiếu cử tri đoàn và xác nhận kết quả bầu tổng thống, dưới sự chủ tọa của PTT Pence, đúng theo quy định của Hiến Pháp. Trong khi đó, hơn 120.000 dân ủng hộ TT Trump xuống đường, biểu dương lực lượng, biểu tình tuần hành tại thủ đô Washington, tiến về bao vây quốc hội. Đám người sau đó xâm nhập quốc hội, buổi họp kiểm phiếu bị gián đoạn khi các dân cử di tản xuống hầm trú an toàn. Vài tiếng đồng hồ sau, dân biểu tình tan hàng, ra khỏi quốc hội, cuộc họp mở lại và cuối ngày, cụ Biden được tuyên bố chính thức đắc cử tổng thống.Đó là tóm lược ngắn gọn nhất về cái gọi là biến cố 6/1. Đi xa hơn thì câu chuyện trở thành rắc rối chưa từng thấy vì đã trở thành một lý cớ quan trọng nhất để đảng DC và phe cấp tiến dùng làm vũ khi tận diệt mối nguy Trump.


Hôm đó, vì hiếu kỳ cũng như vì nhu cầu viết bài cho Diễn Đàn Trái Chiều, kẻ này đã dán mắt vào TV nguyên ngày, từ khoảng 11g sáng tới 6g chiều (giờ Washington), coi một lúc hai đài CNN và Fox. Hai đài này chiếu trực tiếp về một diễn biến, mà có cảm tưởng như coi hai đài về hai diễn biến xẩy ra trên hai hành tinh khác biệt.


Đài Fox cho thấy hình ảnh đám biểu tình vui nhộn, phất cờ quạt đủ kiểu, vẽ mặt y chang đám dân hăng say đi coi football, theo hình ảnh đội banh nhà, rồi thấy cảnh sát mở toang cửa chính vào đại sảnh quốc hội, đám biểu tình xếp hàng nối đuôi tuần tự đi vào như đám du khách đi theo tour du lịch trong khi cảnh sát đứng giữ trật tự, chẳng có xô xát gì.
 

Two Capitol Police officers sue Trump over Jan. 6 riots | Duluth News Tribune


Dân biểu tình tuần tự vào đại sảnh sau khi cảnh sát mở toang cửa rồi đứng giữ trật tự


Vào trong thì mặt ngơ ngác nhìn ngang nhìn dọc, chụp hình tự sướng cười toe toét đủ kiểu, đi qua đi lại giữa các bàn giấy hay vào phòng làm việc của các vị dân cử, ngồi chụp hình.
 


Nổi loạn đẫm máu???


Chẳng ai đập phá, hay lấy đi một tờ giấy nào trên các bàn. Chán rồi thì vài tiếng đồng hồ sau, nghe lời kêu gọi của TT Trump, tuần tự ra về.


Đài CNN trong khi đó cho thấy một hình ảnh trái ngược ‘một chăm phần chăm’. Toàn là hình dân đang giận đỏ mặt, chửi bới hò hét như mổ bò, lại có cả cảnh nhiều đám dân biểu tình giằng co rào cản với cảnh sát, rồi có luôn một nhúm đâu nửa tá đập kính một cửa sổ, chui vào trong tòa nhà quốc hội, bị cảnh sát chỉa súng bắt nằm rạp xuống đất.
 

Hình ảnh trên CNN


Hai cái nhìn trái ngược đó cũng phản ảnh hai cách nhìn của dân Mỹ: một nửa nhìn theo Fox, một nửa theo CNN. Chỉ thể hiện tình trạng phân hóa chính trị tối đa hiện nay.


Đâu là sự thật? Sự thật là cả hai đài Fox và CNN đều đưa ra những hình ảnh thật, không có đài nào tung hình phịa hết. Vấn đề là xoáy trọng tâm vào đâu. Đồng tiền có hai mặt với hai hình ảnh khác nhau nhưng đều là thật. Vấn đề là người coi đứng nhìn từ phiá nào.


Dù vậy, vẫn phải nói rõ sự khác biệt: Fox cho thấy hình ảnh chung của cả trăm ngàn người biểu tình trong ôn hòa trong khi CNN xoáy vào những hành động phạm pháp của vài nhúm lẻ tẻ vài chục người. Ý đồ khác biệt rõ ràng. Và phe ta, từ các chính khách DC đến TTDC đều chỉ muốn khai thác hình ảnh của CNN trong khi phớt lờ những cảnh của Fox.


Nói chung, đám dân biểu tình chỉ thi hành một quyền công dân được Hiến Pháp bảo vệ là biểu tình trong ôn hòa, nói lên tiếng nói bất bình của mình. Dĩ nhiên khi có cả trăm ngàn người biểu tình thì khó tránh được vài con sâu làm rầu nồi canh, dùng bạo lực một cách vô ý thức. Đám vô ý thức đó phải bị trừng phạt đích đáng, không ai bênh vực chúng. Nhưng dựa vào hành động của một nhúm để truy tố tất cả là vô lý, vơ đũa cả nắm, mang tính phe đảng hàm hồ. Trong cả ngàn biểu ngữ, cả vạn tiếng hô, không có một câu nào đòi ‘đảo chánh’, đòi hủy kết quả bầu cử, đòi lưu nhiệm TT Trump,… mà chỉ là những tiếng tung hô, ủng hộ TT Trump mà không có luật nào cấm cản hết, chẳng có gì là phạm pháp.


Phe DC và đồng minh TTDC ồn ào tố cáo đây là một âm mưu đảo chánh quy mô có chỉ đạo từ TT Trump và các phụ tá của ông. Vài con vẹt làm bổn phận vẹt, nhai lại, ồn ào tố “cuộc đảo chánh ô nhục”. Trên thực tế, tin từ tạp chí Newsweek cho biết trong vài ngày trước diễn biến, các cơ quan chính quyền, kể cả thị trưởng Washington DC và cảnh sát quốc hội, đã họp không ngừng để cân nhắc vấn đề. Không ai thấy triệu chứng hay ý đồ ‘đảo chánh’, hay sẽ có bạo động, và tất cả đều nhất trí không cần Vệ Binh Quốc Gia hay cảnh sát võ trang gì hết.


Phe cấp tiến sau này bi thảm hóa, gọi là cuộc “nổi loạn đẫm máu” –bloody riot-, dựa trên sự kiện có 5 người chết trong ngày đó. Điều không nói cho rõ là trong 5 người chết đó thì có 3 người biểu tình bị đứng tim hay tai biến mạch máu trong khi đi biểu tình la hét cả ngày chứ không bị ai giết; một cảnh sát bị chết và khi đó báo New York Times tố cáo cảnh sát đó bị một người biểu tình dùng ống xịt chữa cháy đập vào đầu chết, nhưng sau đó chính sở cảnh sát xác nhận viên cảnh sát đó chết vì đứng tim, chứ chẳng có chuyện bị ai đánh chết. New York Times đã xin lỗi vì loan tin sai. Chỉ có đúng bà biểu tình Ashli Babbitt bị anh cảnh sát Michael Byrd bắn chết thôi. Nếu muốn nói ‘đẫm máu’ thì phải nói cho rõ có đúng một người biểu tình duy nhất chết trên vũng máu do cảnh sát bắn, chứ đám cả trăm ngàn dân biểu tình chẳng giết một ai hết.
 

  Bà Ashli Babbitt và cảnh sát Michael Byrd (miễn tố hoàn toàn!)


Bộ trưởng Tư Pháp, ông Garland đã biểu diễn một màn gian trá thô bỉ nhất khi ông đọc diễn văn ca tụng 5 cảnh sát đã “can đảm hy sinh tính mạng trong cuộc tấn công đó”. Bịp và đại bịp! Ông Garland nếu lương thiện thì đã phải nói cho rõ là cả 5 anh cảnh sát đó đều lần lượt tự tử mấy ngày sau, chứ không thể nói khơi khơi họ “can đảm hy sinh trong cuộc tấn công”. Tự tử mấy ngày sau khác rất xa “can đảm” hy sinh tính mạng trong cuộc biểu tình. Trong cuộc chiến tại VN, cả mấy trăm quân nhân đã tự tử, chẳng một ai được huy chương Anh Dũng Bội Tinh vì can đảm cả.


Dưới khía cạnh pháp lý, những người biểu tình có vi phạm luật không? Nói chung, biểu tình là quyền hiến định của dân Mỹ. Chỉ có bạo động là phạm luật và nhúm người bạo động tất nhiên phải bị truy tố, nhưng không thể kết án toàn bộ tất cả những người biểu tình.


Dân Mỹ nghĩ sao? Theo giáo sư Harvard Jonathan Turley, đại đa số dân Mỹ không tin đây là một ‘âm mưu đảo chánh’ mà chỉ là một cuộc biểu tình mà những người tổ chức không tiên liệu được sự quá lớn, và đã mất kiểm soát phần nào. Việc đảng DC và đồng minh truyền thông gắn nhãn hiệu ‘đảo chánh’ là lố bịch.


Cảnh sát, các quan tòa và chính quyền thì sao? Câu chuyện xẩy ra tại Washington, là thành đồng tuyệt đối của dân da đen theo DC và District of Columbia luôn luôn bầu cho đảng DC cỡ 90%. Thị trưởng Washington luôn luôn là một ông hay bà da đen chống CH chết bỏ. Hầu hết các quan tòa đều thuộc loại ủng hộ DC chống Trump mạnh nhất. Bộ Tư Pháp dĩ nhiên dưới quyền cụ Biden. Tất cả đều cùng ý đồ là tận diệt Trump và đám dân ủng hộ ông ta. Họ đều coi biến cố 6/1 là cơ hội ngàn vàng không thể bỏ qua mà phải khai thác vẽ rồng vẽ rắn, vẽ chân vẽ cánh tối đa.


Trong khi trên cả nước cả ngàn dân da đen bị bắt khi nổi loạn đốt nhà, cướp của rồi được thả hết, không một người nào bị truy tố bất cứ tội gì, thì lại có hơn 700 người bị bắt, truy tố và phạt tù tối đa trong vụ biểu tình ngày 6/1, cho dù chẳng ai có vũ khí trong tay, chẳng ai ăn cướp, đập phá hay đốt đồ đạc, mà bị bắt chỉ vì có mặt trong cuộc biểu tình, có hình ảnh bị cảnh sát nhận diện và truy tìm ra được. Công lý Mỹ ngày nay một chiều như vậy đó, ai muốn khiếu nại?


Thể chế dân chủ bảo đảm mọi người đều có quyền nói lên ý kiến, quan điểm của mình, nhất là khi có bất đồng ý, do đó khi người dân biểu tình thì không thể nói là họ đang tìm cách đảo chính hay làm loạn hay đe dọa chế độ dân chủ. Chỉ trong các chế độ phát xít hay CS thì biểu tình của dân mới bị coi là phạm pháp, phản động, đe dọa chế độ, và phải lãnh dùi cui của công an, rồi sau đó đi bóc lịch mút mùa. Nước Mỹ thời Biden đang học theo mô thức Tầu cộng và Việt cộng.


TTDC tung ra hình ảnh của một anh biểu tình, vẽ mặt xanh đỏ theo màu cờ Mỹ, cởi trần, đội cái mũ có hai cái sừng bò to tướng (sau đó bị 41 tháng tù!), coi như hình ảnh tiêu biểu của đám thảo khấu tham gia biểu tình. Chỉ việc đó không cũng cho thấy ý đồ cố tình bóp méo câu chuyện. Tại sao không lấy hình ảnh bà cựu quân nhân biểu tình trong ôn hòa, trong tay chỉ có một lá cờ Mỹ, bị cảnh sát bắn chết làm biểu tượng?
 


Ai nghĩ tên khùng này muốn ‘đảo chánh’? Phe ta đang cố chụp cái mũ ‘thủ phạm lớn nhất’ lên đầu ông Trump, tố cáo ông đã là người chủ động, nếu không phải đứng ra tổ chức thì cũng là cổ võ cho nổi loạn đó.


Không sai là TT Trump ngay từ đầu hoan nghênh cuộc biểu tình, công khai cổ võ họ phải lên tiếng. Nhưng từ đó mà đi đến kết tội ông đã xúi dục dân nổi loạn, ‘đảo chánh’, dùng võ lực tấn công quốc hội, đe dọa tính mạng của các dân cử, tìm cách diệt thể chế dân chủ thì quả là một bước nhẩy vọt chỉ thua có bước nhẩy vọt chết cả chục triệu người của Mao năm xưa. Cũng phải nhắc lại, trong tất cả các tuyên bố hay tuýt của TT Trump trước hay trong ngày đó, đều không có một câu nào hô hào bạo lực hết. Trái lại, TT Trump ngay từ đầu, đã lên tiếng kêu gọi dân biểu tình trong ôn hòa. Đây là nguyên văn một câu trong lời kêu gọi của TT Trump mà TTDC không dám đăng: “I know that everyone here will soon be marching over to the Capitol building to peacefully and patriotically make your voices heard”.


Nhiều con vẹt làm như hiểu biết về dân chủ hơn ai hết, tố cáo những người Việt tham gia biểu tình, phất cờ vàng là những người đã làm ô uế lá cờ, làm nhục cộng đồng tị nạn. Chỉ là chửi rủa vớ vẩn về hùa theo đám cấp tiến DC. Tại sao lại là chuyện ô uế hay nhục nhã khi quyền biểu tình phát biểu quan điểm là quyền được Hiến Pháp xứ này thừa nhận như thiêng liêng nhất. Nhất là khi chẳng có một người Việt nào tham gia các hành vi bạo động phạm pháp hết. Tại sao phất cờ vàng lại là cái tội? VC thấy phất cờ vàng là sôi máu. Dân tị nạn mà thấy phất cờ vàng để tung hô một nghị sĩ mà sự nghiệp chính trị bắt đầu bằng việc giết chết Miền Nam VN là sôi máu. Chứ dân tị nạn CS sao thấy phất cờ vàng ủng hộ một tổng thống đã công khai ra trước Liên Hiệp Quốc sỉ vả CS, sao lại phản đối?
 

 
Phe DC đã rất mau mắn tìm cách khai thác biến cố này


Việc đầu tiên phe ta làm ngay là khai thác câu chuyện làm cớ để đàn hặc TT Trump, tố ông đã chủ động hay xúi dục đảo chánh, đe dọa đến an ninh quốc gia, vi phạm Hiến Pháp, đủ thứ tội kinh thiên động địa nhất. Cho dù khi đó chỉ còn hai tuần nữa là ông Trump bàn giao cho cụ Biden.


Phe DC cố nặn ra tội để mang ra đàn hặc khẩn cấp. Khẩn cấp trước ngày bàn giao để ông Trump có thể đi vào lịch sử như tổng thống duy nhất bị đàn hặc hai lần, cho dù là hai lần cuội, biết trước là sẽ chẳng đi đến đâu. Khẩn cấp đến độ không cần điều tra tội trạng, cứ chế ra tội rồi lợi dụng thế đa số trong hạ viện, nhắm mắt biểu quyết đàn hặc ngay. Biến thủ tục đàn hặc thành một vũ khí phe đảng chính trị rẻ tiền vô nghĩa lý nhất, trong khi Hiến Pháp quy định đó là biện pháp cuối cùng nghiêm trọng nhất để thay thế một tổng thống đã phạm tội tầy trời khủng khiếp nhất. Khoảng 200 dân biểu của một đảng nhất quyết muốn tận diệt một người đã được đa số dân các tiểu bang bầu làm tổng thống một cách chính danh nhất.


Đàn hặc để làm gì khi chỉ còn hai tuần nữa là sẽ bàn giao? Vì DC sợ ông Trump và ảnh hưởng của ông đến độ muốn tìm mọi cách tận diệt ông, đàn hặc rồi kết án cấm không cho ông hoạt động chính trị mãn đời.


Đàn hặc thất bại, phe ta bỏ cuộc? Không, trái lại, vẫn bị ám ảnh bất tận, vẫn run sợ trước ảnh hưởng chẳng suy giảm của ông thần Trump, vẫn phải tìm đủ cách tận diệt ông ta.


Nghĩ ra được cách đánh mới: lập một ủy ban đặc nhiệm điều tra để tìm manh mối ông Trump đã chỉ đạo cuộc ‘nổi loạn’ trong mưu đồ ôm giữ cái ghế tổng thống. Trên căn bản, việc điều tra này đáng hoan nghênh vì cả nước cần phải biết sự thật chuyện gì đã xẩy ra, ai đã làm gì trước cũng như trong và sau ngày lịch sử đó.


Nhưng rồi cũng phải nói đến cái mâu thuẫn thô bạo của đảng DC. TT Trump bị đàn hặc về tội ‘tổ chức và đốc xúi cuộc nổi loạn đảo chánh ngày 6/1/2021’, đúng một tuần sau vụ biểu tình 6/1, nghĩa là bị truy tố ngay lập tức mà chẳng dựa trên bất cứ bằng chứng cụ thể nào. Ngay cả bây giờ, phe ta trong hạ viện đã mở cuộc điều tra, kéo dài 6 tháng nay mà vẫn chưa đúc kết được gì. Vậy mà tháng Giêng năm ngoái, chẳng có dữ kiện hay bằng chứng nào trong tay, cũng đã lôi TT Trump ra đàn hặc được. Công lý của đảng văn minh thức tỉnh Dân Chủ là vậy.


Đàn hặc thất bại, bây giờ dùng chiêu võ ủy ban điều tra. Và cái ủy ban này đóng hai vai: cảnh sát điều tra đồng thời cũng là công tố kết tội luôn, hiển nhiên là vi phạm đủ loại nguyên tắc trong tất cả các hệ thống công lý trên trái đất này, nhưng đó là công lý của đảng DC đang nắm quyền trong hạ viện, thượng viện, cả Tòa Bạch Ốc và bộ Tư Pháp. Đó ai làm gì được?


Rồi sau đó là vấn đề thành lập ủy ban.


Theo thông lệ của quốc hội, phe DC cho hạ viện biểu quyết để lấy quyết định thành lập ủy ban điều tra. Phe DC nắm đa số, tất nhiên đây chỉ là thủ tục cho có. Tất cả dân biểu DC ủng hộ, cùng với hai dân biểu CH, bà Liz Cheney và ông Adam Kinzinger. Theo thông lệ, phe DC nắm đa số trong hạ viên cũng sẽ có đa số thành viên trong ủy ban: 7 thành viên DC, trong đó có chủ tịch ủy ban, và 5 thành viên CH do đảng CH bổ nhiệm.


Đích thân bà Pelosi tuyển chọn các thành viên DC. Lãnh tụ CH trong hạ viện, ông McCarthy đưa ra danh sách 5 dân biểu CH, nhưng bà Pelosi, nhân danh chủ tịch hạ viện bác 2 người vì theo bà, họ không đủ ‘công tâm’ mà lại ủng hộ Trump mạnh. Phe CH phản đối việc bà Pelosi vi phạm thủ tục bổ nhiệm thành viên các ủy ban, theo đó đảng nào bổ nhiệm thành viên của đảng nấy, chứ bà chủ tịch Pelosi không có quyền ô-kê hay không ô-kê bất cứ ai. Phe CH tẩy chay, rút lại tên cả 5, không tham gia ủy ban. Bà Pelosi bổ nhiệm ngay hai dân biểu CH Cheney và Kinzinger là hai người ‘phản đảng’ đã biểu quyết đàn hặc TT Trump và thành lập ủy ban điều tra. Cuối cùng, ủy ban có 7 thành viên DC (trong đó có bà gốc Việt Stephanie Murphy), và 2 thành viên CH. Tất cả 9 người đều nổi tiếng chống TT Trump đến cùng, đều đã từng biểu quyết đàn hặc Trump. Ủng hộ Trump là thiếu công tâm, không thể là thành viên của ủy ban, nhưng chống Trump tuyệt đối thì lại là có công tâm, được làm thành viên của ủy ban. Quý độc giả nào hiểu được, xin giải thích giùm.
 


9 thành viên Ủy Ban Điều Tra


Hai thành viên CH phản đảng là 1) bà Liz Cheney, con gái cựu PTT Cheney của TT Bush con, sau đó bà bị khối CH biểu quyết lột chức lãnh đạo hàng thứ 3 của khối CH trong hạ viện, và cũng bị đảng CH của tiểu bang nhà Wyoming biểu quyết trục xuất ra khỏi đảng CH của tiểu bang; 2) ông Adam Kinzinger của tiểu bang Illinois, mới đây đã tuyên bố sẽ không ra tái tranh cử dân biểu cuối năm nay nữa vì đã mất hết hậu thuẫn của cử tri CH.


Tiếp theo là cách điều tra và kết án.


Trên căn bản, nếu có một vụ án nào đó, thì cảnh sát điều tra, đi thu thập dữ kiện, bằng chứng, rồi phân tích và kết luận nếu có tội, sẽ chuyển hồ sơ qua công tố để truy tố ra tòa. Đằng này, phe DC có chế độ tư pháp rất đặc biệt: cái cầy đi trước kéo con trâu theo sau.


Trước tiên là đàn hặc tức là truy tố ra tòa khi chưa có dữ kiện hay bằng chứng hay điều tra gì ráo. Sau khi đàn hặc thất bại thì mở cuộc điều tra đi tìm bằng chứng để xác nhận họ truy tố đúng.


Rồi ngay trong cuộc điều tra cuội kéo dài hơn 6 tháng rồi, họ cũng chẳng tìm ra được bất cứ bằng chứng cụ thể nào. Phải đi tìm bằng chứng không công khai. Tức là tìm bằng chứng trong các cuộc thảo luận, trao đổi mật giữa TT Trump và các phụ tá.


Theo luật Mỹ, tất cả những hoạt động, nói chuyện, trao đổi email, điện thoại,… của tổng thống đều phải giữ kỹ trong văn khố quốc gia, làm tài liệu lịch sử. Tuy nhiên, không được công khai hóa để bảo đảm việc các phụ tá, cố vấn, bộ trưởng,… khi bàn thảo với tổng thống, đều có quyền tự do nói mà không sợ bị rắc rối về chính trị hay pháp lý gì hết. Tất cả nằm trong cái gọi  là ‘đặc quyền của hành pháp’ -executive privilege- được Hiến Pháp nhìn nhận và bảo vệ.


Ủy ban hạ viện đi mò tép, cho rằng chỉ có một cách duy nhất tìm được bằng chứng là đòi coi tất cả những tài liệu lưu trữ trên. Cũng theo luật Mỹ, các dân biểu có rất nhiều quyền đòi coi nhiều loại tài liệu nếu thật cần thiết để thảo một dự luật nào đó. Ủy Ban viện cớ cần coi những tài liệu mật đó không phải để truy tố, tìm tội TT Trump, mà để có dữ kiện ra luật để bảo đảm trong tương lai, có thể khóa tay, không cho tổng thống âm mưu lạm quyền.


Vấn đề rắc rối là tuy Hiến Pháp có ghi rất rõ đặc quyền của hành pháp, tức là của tổng thống đương nhiệm, nhưng lại có lỗ hổng lớn là không nói gì về quyền bảo mật cho các cựu tổng thống: họ có quyền đòi bảo mật những tài liệu đó sau khi họ đã mãn nhiệm hay không, và nếu có thì giữ mật bao lâu? Theo thông lệ trong lịch sử Mỹ, những tài liệu này chỉ được công bố cả mấy chục hay cả trăm năm sau, sau khi tất cả các nhân vật chính đều đã qua đời, chứ chưa bao giờ được công bố ngay dưới thời tổng thống kế vị, nhất là khi người kế nhiệm thuộc đảng đối lập muốn truy diệt kẻ thù chính trị, cũng như khi các nhân vật chính vẫn còn hoạt động trong chính trường vì làm như vậy tất nhiên có thể hại những đối thủ chính trị này.


Ủy ban đòi những tài liệu của hành pháp, và vẫn theo luật, đương kim tổng thống, tức là cụ Biden, là người lấy quyết định có cung cấp các tài liệu đó hay không. Có thể vì thù ghét cá nhân ông Trump hay muốn diệt đối thủ chính trị, đề phòng ông Trump ra tranh cử chống mình năm 2024, cụ Biden đã lấy một quyết định chưa từng xẩy ra trong lịch sử Mỹ: ra lệnh cho văn khố quốc gia cung cấp cho ủy ban tất cả những tài liệu ủy ban đòi hỏi. Không có bảo mật gì ráo. TT Trump dĩ nhiên phản đối, kiện chống lại.


Mới đây, bất thình lình, cụ Biden đổi ý, cho biết không thể nộp tất cả tài liệu hạ viện đòi hỏi được mà chỉ có thể nộp một số giới hạn thôi vì có rất nhiều tài liệu “liên quan đến an ninh quốc gia”, không tiết lộ được. Cụ Biden cho biết đang điều đình và đã đạt được vài thỏa thuận với ủy ban điều tra về những tài liệu có thể nộp được.


Nôm na ra, cụ Biden luôn luôn là người hết sức bất nhất, suy nghĩ thiếu sót hay bị áp lực tứ phiá, không quả quyết, nay nói vày mai làm khác. Bây giờ thì cụ chợt sợ hãi việc lỡ phe CH nắm được đa số tại quốc hội và chiếm Tòa Bạch Ốc thì họ sẽ trả thù, đòi điều tra đủ chuyện cụ đã làm, chẳng hạn như các vụ khủng hoảng biên giới, vụ tháo chạy khỏi Afghanistan,… và sẽ đòi tất cả tài liệu nếu không có biện pháp bảo vệ ‘đặc quyền của hành pháp’ để bảo vệ cụ.


Ủy ban cũng đòi lôi một số viên chức cao cấp của TT Trump ra điều trần. Ít nhất hai viên chức cao cấp nhất đã từ chối không ra điều trần với lý do Hiến Pháp cho phép bảo mật những cuộc nói chuyện của họ với tổng thống. Hạ viện với đa số DC, mau mắn biểu quyết họ khinh thường quốc hội và Bộ Tư Pháp của cụ Biden mau mắn truy tố họ ra tòa ngay, nhưng dĩ nhiên họ đã kiện lại. Trước đây, nhiều viên chức lớn của chính quyền Obama-Biden cũng đã không thèm ra điều trần và bị hạ viện biểu quyết khinh thường quốc hội, nhưng bộ Tư Pháp của Obama không hề truy tố họ. Công lý mới của đảng DC là vậy: truy tố phe địch không truy tố phe ta.


Chuyện hiển nhiên nhất là ủy ban đã tự cho mình những quyền hoàn toàn vô giới hạn: muốn chọn ai làm thành viên cũng được và muốn loại ai cũng ô-kê, muốn tài liệu gì cũng được, muốn đòi ai ra điều trần cũng được, để rồi kết án ra sao cũng được. Vấn đề là cuối cùng đi đến đâu? Ai tin, ai phục?


Chưa hết. Tin mới nhất là một thành viên của ủy ban điều tra, ông dân biểu DC Adam Schiff, là ông mắt lồi nổi tiếng hung hãn nhất trong hai vụ đàn hặc TT Trump, đã bị bắt quả tang cạo sửa lại bản ký chú của chánh văn phòng của TT Trump, ông Mark Meadows gửi cho dân biểu CH Jim Jordan, rồi mang tài liệu phịa đó ra trình cho ủy ban làm bằng chứng “Trump chỉ đạo cuộc nổi loạn”.


Ủy ban sẽ đúc kết kết quả điều tra, kết án TT Trump cuối mùa hè năm nay, ngay trước mùa bầu cử tháng 11/2022, không sớm hơn cũng không muộn hơn, để có dịp đánh Trump và cả đảng CH, bảo vệ thế đa số của DC trong quốc hội. Cuộc điều tra đã biến thành một thứ mũi tên bắn 3 con nhạn: bắn Trump trước, khỏa lấp những thất bại thê thảm của Biden, rồi bắn cả đảng CH, để dành lại ưu thế cho đảng DC trong cuộc bầu cử. Đây mới chính là lý cớ cũng là mục đích thật của cuộc điều tra cuội về biến cố 6/1.


Quý độc giả có quyền chuẩn bị bông gòn nhét tai để khỏi nghe truyền thông Mỹ và vẹt khua chiêng trống vì đó là cách duy nhất để DC hy vọng giữ lưỡng viện.


Cụ Biden hùng hổ tố cáo Trump “kề dao vào cổ thể chế dân chủ của Mỹ”. Thật ra chính việc làm của đảng DC, kết tội đàn hặc thất bại, rồi lập ủy ban điều tra để nặn ra bằng chứng kết tội, tức là cho máy cầy kéo con trâu, mới là đe dọa nền tảng pháp lý và thể chế dân chủ của xứ này.


Nội vụ chưa ngã ngũ, chắc chắn sẽ lên tới Tối Cao Pháp Viện.


Thật ra TCPV phán quyết như thế nào chẳng quan trọng. Nếu có tài liệu mật về TT Trump, ủy ban sẽ có thể mò ra được thêm vài tội, nếu không có tài liệu gì, ủy ban cũng vẫn kết án ông Trump về đủ tội được. Toàn thể ủy ban đều nhất trí chống Trump đến cùng và hạ viện nằm trong tay khối đa số DC. Họ có quyền và sẽ làm tất cả những gì họ muốn, kể cả… lại đàn hặc ông Trump một lần nữa không chừng để cản không cho ông ra tái tranh cử nữa? Hay ngay cả đàn hặc ông Trump sau khi ông đã chết ngắc từ lâu rồi vì sợ hồn ma của ông ta.



Vũ Linh

_______________


usaelection g
ởi