Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
Dính « bẫy khí đốt » của Putin, Liên Âu tiến thoái lưỡng nan
 

 

Một tàu lai dắt tham gia đặt đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 nối Nga đến Đức, tại cảng Wismar, Đức, ngày 14/01/2021. AP - Jens Buettner
 
Một nghịch lý đang diễn ra tại châu Âu : đe dọa cấm vận Nga vì chiến tranh Ukraina nhưng không biến lời nói thành hành động, nên Liên Âu phải mua khí đốt của Nga với « giá đắt như vàng ». Bất chấp các biện pháp trừng phạt và những tuyên bố mạnh mẽ, mỗi ngày Liên Âu vẫn chi hàng trăm triệu euro cho tập đoàn Nga Gazprom để mua khí đốt, mang lại nguồn thu cao kỷ lục cho Matxcơva để chính quyền Putin tiếp tục cuộc chiến ở Ukraina.
 
Trên đây là nhận định của báo kinh tế Pháp, Les Echos, trong bài « Khí đốt: Cái bẫy đáng sợ mà Putin giăng ra », đăng ngày 18/05/2022.
 
Chiến thắng không thể phủ nhận của Putin ngay từ hiệp đầu

Theo tính toán của Thierry Bros, giáo sư đại học Khoa học chính trị Sciences Po Paris, chỉ tính riêng khí đốt, mỗi ngày Liên Âu phải trả cho Gazprom, công ty Nhà nước độc quyền về xuất khẩu khí đốt của Nga qua các đường ống dẫn khí ga, 200 triệu euro. Nhờ đó Nga có nguồn ngân sách cho bộ Quốc Phòng, mà Trung tâm nghiên cứu về khí đốt và năng lượng sạch nhận định là lên tới 180 triệu euro/ngày hồi năm 2020. Nhờ giá khí đốt tăng vọt, Nga có thể thu được 100 tỉ đô la từ Liên Âu trong năm 2022, gần như gấp đôi so với năm 2021. Đó là chưa kể các khoản thu từ dầu lửa, than đá và các nguyên liệu khác.
 
Les Echos nhấn mạnh sự lệ thuộc của các nước châu Âu vào nguồn khí đốt của Nga đã biến thành một cái bẫy mà Putin đã phát huy hiệu quả một cách đáng sợ. Theo quan sát của Anne-Sophie Corbeau, nghiên cứu gia của Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu, đại học Columbia, Mỹ, « ngay khi giá cả vừa dịu đi một chút, chỉ cần một tuyên bố hay một lời đe dọa cắt khí đốt của Nga là đủ để làm giá tăng bùng trở lại ».
 
Tương tự Les Echos, đài France Inter ngày 18/05 nói tới « cái bẫy ngày càng siết chặt » đối với châu Âu, nhưng không chỉ về khí đốt và còn cả về dầu lửa. France Inter nhắc lại chuyện Putin từng mỉm cười và giải thích là châu Âu nói về trừng phạt và cấm vận, nhưng kết quả là lại làm tăng giá dầu lửa. Tổng thống Nga khẳng định : « Điều đó đã mang lại cho chúng tôi rất, rất nhiều tiền » và « dẫu sao thì châu Âu cũng không thể thiếu chúng tôi ». Sự lưỡng lự của Liên Hiệp Châu Âu, việc Bruxelles có các tuyên bố có vẻ cứng rắn nhưng lại không thể có được sự thống nhất, chủ yếu do Hungary, đã tạo nên sự bấp bênh, không chắc chắc và chính điều này đã đẩy giá tăng vọt.
 
Trở lại với khí đốt, hiện nay, giá châu Âu mua của Nga đã tăng cao gấp 5-6 lần so với mức bình thường hồi cuối năm 2021. Ngay từ trước khi chiến tranh Ukraina nổ ra, Gazprom đã bắt đầu giảm chuyển khí đốt sang châu Âu, làm bùng lên nỗi lo chưa từng có trên thị trường khí đốt. Không thể phủ nhận là Vladimir Putin đã thắng ngay từ hiệp đầu trong trận chiến năng lượng với châu Âu, bởi ngay cả khi Liên Hiệp bắt đầu giảm mua khí đốt từ Nga thì sự bùng nổ giá cả cũng đã đủ bù đắp, thậm chí Nga còn lãi nhiều hơn trước.
 
Lấy giá cả bù số lượng

Cho đóng van đường ống dẫn khí ga cung cấp cho Ba Lan và Bulgarie, ông chủ điện Kremlin cho thấy đã sẵn sàng biến các đe dọa thành hành động. Chỉ sau 2 ngày, giá khí đốt đã tăng hơn 15%, đủ bù cho Gazprom phần doanh thu bị giảm vốn dĩ cũng khá khiêm tốn so với quy mô của tập đoàn Nhà nước Nga. Nói tóm lại, Nga lấy giá cả bù cho số lượng bán ra. Bằng cách này, chỉ trong quý 3 tháng hồi cuối năm 2021, lợi nhuận vượt trội của tập đoàn Gazprom đã đủ bù toàn bộ kinh phí 10 tỉ đô la mà Nga bỏ ra để xây dựng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2. Nhà phân tích Collen của Les Echos nhận định rất có thể đường ống dẫn khí đốt dưới biển Baltic nối từ Nga sang Đức sẽ chẳng bao giờ được đưa vào khai thác do các lệnh trừng phạt của Liên Âu, nhưng với Nga thì điều này không quan trọng, bởi toàn bộ chi phí đầu tư đã được hoàn lại nhờ khí đốt tăng giá.
 
Tình hình khiến nhiều người tự hỏi đâu là chiến thuật của Liên Hiệp Châu Âu. Một nhà công nghiệp khí đốt than phiền chính việc Bruxelles cứ đe dọa trừng phạt Nga đã đẩy giá khí đốt tăng cao, thế nhưng Liên Âu lại không biến các đe dọa thành hành động, khiến lượng khí đốt Nga bán sang châu Âu vẫn rất nhiều. Và Putin lại thắng ! Vẫn theo nhân vật này, giải pháp là châu Âu phải nói rõ ràng rằng về ngắn hạn Bruxelles sẽ không cấm vận khí đốt của Nga. Điều đó sẽ ngay lập tức làm hạ giá khí đốt bởi hiện giờ giá khí đốt của Nga không phản ánh đúng thực tế trên thị trường khí đốt tại châu Âu : Liên Hiệp vẫn đủ khí đốt để đáp ứng nhu cầu của các nước.
 
Theo Mike Fulwood, thuộc Viện nghiên cứu năng lượng của Đại học Oxford, giải pháp nói trên có thể sẽ không ngăn cản Matxcơva tiếp tục dọa khóa van ống dẫn khí đốt sang châu Âu, nhưng chí ít sự chắc chắn mà Bruxelles tạo ra cho các nhà nhập khẩu của Liên Âu cũng có thể giúp trấn an thị trường, làm hạ giá khí đốt, cắt giảm thu nhập của Nhà nước Nga, trong khi chờ đợi vài năm để châu Âu có thể thực sự thoát khỏi việc lệ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga.
 
Thế nhưng, vướng mắc là ở chỗ về mặt chính trị, châu Âu không thể thừa nhận rằng không thể cấm vận khí đốt của Nga ngay trong ngắn hạn, cho dù đây đúng là một thực tế, bởi làm như vậy tức là « đầu hàng Putin ». Les Echos kết luận châu Âu hoàn toàn vướng bẫy của Nga.
 
Chiến lược gây bất ổn cho châu Âu

Ngoài vấn đề về giá cả, dùng khí đốt để chia rẽ 27 nước thành viên Liên Âu cũng là một mưu đồ của tổng thống Nga Vladimir Putin. Một nguồn tin thông thạo hồ sơ cho Les Echos biết « Putin vẫn luôn có thể lấy một cớ cụ thể nào đó để trừng phạt nước này hay nước kia ở châu Âu nếu ông ta muốn ». Cách nay 2 tuần, Matxcơva đã viện cớ trừng phạt các chi nhánh châu Âu của Gazprom để ngưng vận chuyển khí đốt từ Nga sang Đức và « trò chơi của Putin là nhằm tìm cách chia rẽ 27 nước thành viên Liên Âu và duy trì một mối căng thẳng thường trực để có thể giữ giá khí đốt ở mức cao ». Vậy là một mũi tên trúng hai đích, một công đôi việc, nước Nga dùng lá bài năng lượng để vừa thu bộn tiền, vừa gây chia rẽ khách hàng châu Âu.
 
L’Express ngày 13/05 cũng trích dẫn Nicolas Goldberg, chuyên gia năng lượng của Terra Nova, một cơ quan tư vấn độc lập của Pháp, và Columbus Consulting, theo đó chiêu trò của Nga « chẳng có gì đáng ngạc nhiên », bởi « Putin vẫn đang chơi trò chia rẽ châu Âu và gây sức ép ». Còn chuyên gia Phuc Vinh Nguyen, thuộc Trung tâm Khí hậu và Năng lượng của viện Jacques-Delors, nhận định : « Kiến tha lâu đầy tổ, Putin sử dụng nhiều biện pháp để giữ giá chất đốt ở mức cao. Điều này không phải vô cớ, trong bối cảnh các nước Liên Âu đang ra sức thương lượng với nhau, đặc biệt về việc cấm vận dầu lửa » của Nga.
 
Các nước châu Âu hiện vẫn còn phải lệ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga nhưng buộc quay lưng lại với nguồn cung ứng của Nga, liệu Putin có thể gây hại cho an ninh năng lượng của các nước châu Âu hay không ? Theo tình hình hiện nay thì điều này về ngắn hạn là ít có khả năng xảy ra, bởi việc tiêu dùng khí đốt của châu Âu chủ yếu mang tính mùa vụ, mùa đông đã qua nên nhu cầu khí đốt tại Liên Âu đã giảm dần, nguồn khí tự nhiên hóa lỏng cũng khá dồi dào do nhu cầu của Trung Quốc giảm : Bắc Kinh phong tỏa nhiều địa phương để chống dịch Covid-19.
 
Việc tích cực dự trữ khí đốt từ nhiều tuần nay có thể giúp châu Âu vượt qua mùa đông tới, nhưng dẫu sao các biện pháp đối phó của Nga cũng có thể ảnh hưởng phần nào tới việc dự trữ khí đốt của Liên Âu và duy trì tình trạng căng thẳng ở châu lục này. Và theo chuyên gia Phuc Vinh Nguyen, không dễ gì mà Putin để yên cho châu Âu.
 

Thùy Dương
 
______________

 
Đỗ Hứng gởi