Năm mình 11 tuổi, cả nhà được chuyển về khu D Kim Liên (Hà Nội) theo tiêu chuẩn. Ai cũng thấy hạnh phúc vô bờ. Bởi không còn cảnh bố mẹ tối phải vác xe đạp lên tầng 3 rồi sáng lại vác xuống để đi làm nữa, lại rộng rãi hơn. Nhà 1 tầng, do Đông Đức viện trợ nên thiết kế và hoàn thiện rất đẹp. Khung cửa sổ bằng kính liền, rộng gần 1m, một bên nhìn ra hồ, bên kia nhìn ra mảnh vườn trước nhà.
Thế nhưng hạnh phúc ngắn chẳng tày gang. Chỉ sau ngày đầu tiên thì mình phát hiện ra nhà không có toilet, hồi đó gọi là chuồng xí. Tất cả khu cán bộ gần 100 hộ sử dụng chung 1 cái nhà xí công cộng, có 5 ngăn nam và 5 ngăn nữ. Nhà ở gần thì tiện nhưng mùi nồng nặc không chịu nổi. Còn nhà ở xa thì mình đã chứng kiến, có bác đang chạy te tái thì một cục gì đó rơi ra từ quần đùi (hồi đó không ai mặc xịp cả)... Nhà mình ở lưng chừng, không gần không xa, thế cũng là cái số được hạnh phúc rồi.
Sáng sáng, hàng đoàn người, nam nữ, già trẻ, tay vo viên 1 mẩu báo Nhân Dân hoặc Hà Nội mới, ngồi la liệt ở bên đường dẫn tới hố xí chờ đến lượt. Họ nói chuyện râm ran, từ chuyện bà hàng rau ngoài chợ bồ bịch đến chuyện Đặng Tiểu Bình cay ông Lê Duẩn nên đánh VN... Ai cũng hạnh phúc và không cảm thấy khổ sở gì về chuyện đó vì đã quá quen.
Khi đến lượt, mình vào trong thì ôi thôi, phải nói luôn và dùng từ thật nhất để mô tả vì quá kinh hãi: cứt ở khắp nơi, từ lối đi, trên bệ ngồi (xổm), thậm chí cả trên tường và thành bể nước dùng để dội (nhưng chẳng ai dội cả). Dòi nhung nhúc trên sàn, vẽ từng vệt phân nhằng nhịt. Giấy báo vương vãi còn mùi thì cay nồng lẫn thối khó tả. Hàng đàn ruồi to bằng hạt đậu đen và nhặng xanh to bằng hạt lạc vẽ nên những nét cuối cùng của 1 bức tranh 3D có mùi. Và dù có hẳn một câu thơ khẩu hiệu trên tường nhưng chẳng ai thèm quan tâm:
Thả cho trúng lỗ mới tài
Thả trượt ra ngoài trình độ còn non.
Họ chỉ tìm chỗ đủ đặt 2 bàn chân ngồi sao cho vừa tầm, không chụm quá khó hành sự, cũng không xa quá khỏi căng toạc đũng quần thôi. Mà đấy là ngày nắng, chứ ngày mưa thì mọi thứ nhoe nhoét cả, cứ ngồi bừa lên mà phang, mặc cho cái chất sền sệt đó ngấm đầy chân (đi dép lê mà)... Mái dột nên nước nhỏ tứ tung xung quanh, bắn từ lưng lên đầu lấm tấm xanh vàng đủ cả.
Công bằng mà nói thì 1 tuần cũng có 1 chú tên Hồng đến dọn vài buổi. Nhưng chỉ được vài tiếng sau đó gọi là sạch. Và thật hạnh phúc nếu có nhu cầu đúng lúc vừa dọn xong ấy, mặc dù nó cũng vẫn rất hôi thối và kinh khủng...
Còn ở buổi đầu tiên đó, mình oẹ khan rồi phải chạy ngay ra ngoài. Và có lẽ bị sang chấn tâm lý sao đó mà 1 tuần không đi ngoài được. Chục năm sau vẫn không ăn được nhộng vì nó giống con giòi...
Nhưng rồi, không thể nhịn mãi, mình cũng phải đánh liều vào làm thật nhanh rồi ra... Năm tháng trôi qua, mình lại cảm thấy nó cũng bình thường và lại... hạnh phúc. Nghe xung quanh thấy có người còn vừa ị vừa huýt sáo, chuyện trò râm ran từ ngăn này qua ngăn kia. Cá biệt có chú đang ăn dở cái bánh mì thì đến lượt, mang vào đó ăn tiếp, bởi bỏ thì tiếc mà cố ăn nốt thì... mất lượt. Nghĩa là không còn ghê sợ gì nữa khi mọi thứ đã quen thuộc hàng ngày. Họ đều hạnh phúc.
Thế đó, nói kỹ, tả thật để thấy chúng ta đã “bình thường hoá quan hệ”, sống chung với điều kinh tởm đó một cách hạnh phúc. Vì chúng ta buộc phải sống, rồi ngồi trong cái chuồng xí đó hàng ngày và đủ lâu nên không thấy ghê nữa. Thậm chí còn thấy hạnh phúc khi sắp bĩnh ra quần mà có người đi ra nhường chỗ cho ta vào nơi kinh tởm đó. Nhưng người mới lần đầu phải vào đó hoặc người đã thoát ra rồi như chúng ta đây, nghĩ lại còn muốn nôn oẹ.
Cũng như bây giờ chúng ta đang sống trong bầu không khí ô nhiễm hôi thối, thực phẩm bẩn, ngồi ăn bên cạnh cống rãnh, tây nghe kể chắc cũng muốn oẹ như chúng ta đang nghe chuyện này... nhưng có ai thấy sao đâu? Vẫn hạnh phúc nhất thế giới luôn. Rồi vài chục năm nữa có khi chính chúng ta hay con cháu chúng ta không thể hiểu vì sao mình lại từng sống vậy mà vẫn thấy hạnh phúc, không bị nôn oẹ?.
Nói thêm chút là mình hút thuốc lá từ 12 tuổi chính là vì cái hố xí này. Bảo sao bây giờ già thì bia bọt, trẻ thì ma tuý.
Để át, để quên những thứ hôi thối xung quanh thôi mà.
Hút thuốc không phải cho oai
Mà chỉ là để đi ngoài đỡ hôi.
_____________
Đỗ Hứng gởi