ĐỌC “GIÓ ĐI DƯỚI TRỜI” CỦA THẾ DŨNG
Đúng như đã hẹn, trưa thứ bảy vừa rồi nhà thơ Thế Dũng tạt qua chỗ tôi. Anh đeo cái túi lệch cả người. Thấy vậy, tôi vỗ vỗ vào túi. Anh cười, có quà em khoái. Rồi anh cởi túi đưa cho tôi, nặng như cục gạch. Vợ tôi giữ anh ở lại dùng cơm trưa. Anh bảo, phải đi ngay, sắp đến giờ làm việc với khách hàng rồi, có tập tùy bút, đối thoại vừa ra lò, tặng cho bọn em đọc chơi. Tôi lôi cục gạch của anh ra, lướt đọc Gió Đi Dưới Trời. Thế Dũng bước lên xe, tôi kéo cửa hỏi, gió nào chẳng đi dưới trời, sao lại có cái tên mập mờ, đánh đố thế này?
Đấy mới là chữ, đọc em sẽ hiểu nghĩa của nó, rồi anh vội phóng xe đi.
Gió Đi Dưới Trời của Thế Dũng gồm ba phần, tùy bút, đối thoại và hồi âm, được in trong gần bảy trăm trang sách. Không biết Thế Dũng đã có chân trong hội nhà văn Việt Nam ở trong nước hay chưa? Và nếu như Thế Dũng chưa có trên dưới 20 cuốn sách đã in. Thế quái nào tôi cũng xui lão, xẻ cuốn này, đảo đi đảo lại bài đóng thành 3 tập, đặt đơn vào hội như mấy đồng chí viện trưởng, thứ bộ trưởng trong nước đã từng làm. Có thêm một chút thập thò sau trang sách, tôi bảo đảm chắc như mỳ ăn liền.
Nhưng đọc hết cuốn sách, tôi lại giật mình, thế này thì không ổn. Nếu như đứng trên quan điểm của bà vợ, chính trị viên trong nhà của tôi, cuốn sách này dứt khoát phải loại ra một nửa, khi phát hành trong nước. Vì Thế Dũng dám cả gan bóp dái ngựa hơi bị nhiều, ngoài ra, viết đối thoại, phỏng vấn với những cái tên còn đại kỵ, như Cù Huy Hà Vũ, Vũ Thư Hiên, Hồ Trường An, Viên Linh….
Phải nói thẳng thế này, dù tôi có bị đồng chí chính trị viên trong nhà, không cho nói cho viết, giống hệt như quan tòa và đồng chí Qúi Thanh cùng báo chí, trói tay, bịt mồm Cù Huy Hà Vũ lại, hè nhau đánh hội đồng. Tôi cũng phải cố cởi dây trói, giựt băng keo, hô to đồng ý với Thế Dũng đập thẳng vào mặt thầy trò Qúi Thanh, qua hai bài “ Không Thể Không Cùng Nhau Vượt Qua Sự Sợ Hãi và Khi Chưa Biết Nhìn Đối Thủ Chính Trị Là Người Đồng Hành“.
Vâng! Chỉ có cái đẹp mới cứu rỗi cuộc sống bỉ ổi đầy ngang trái này. Đó là câu kết của cuộc nói chuyện giữa nhà văn Vũ Thư Hiên và Thế Dũng với tựa đề “ Bông Hồng Vàng Và Cái Cùm Sắt“.
Trong bài viết “ Khi Đất Nước Không Có Được Những Người Hùng“ Thế Dũng cho rằng, trái bom nổ ra từ trái tim của những người nông dân chân chất như Đoàn Văn Vươn, chống lại bọn cường hào mới là điều tất yếu, đã, đang và sẽ xảy ra. Nó như hồi chuông báo tử cho những kẻ cưỡi lên đầu lên cổ người dân lương thiện. Và dường như có một ngọn gió mới bắt đầu từ đây chăng?
Đã từng là anh bộ đội và đảng viên cộng sản hụt, nhưng Thế Dũng rất tôn trọng, đồng cảm với những người lính, nhà văn Viêt Nam Cộng Hòa. Nó được thể hiện qua cuộc tọa đàm cùng nhà văn Viên Linh và “ Mai Sau Nếu Trở Về Quê Cũ“. Ở đây cũng như một lời thú nhận chịu ảnh hưởng từ thi ca Miền Nam của Thế Dũng trong bài viết “Cuốn Sách Có Ảnh Hưởng Nhiều Nhất Đến Tôi“. Nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến Thế Dũng nhiều nhất có lẽ sự sụp đổ cửa bức tường Berlin và hệ thống CNCS. Thế Dũng đã nhận ra khi đứng trước cổng thành Brandenburger(1989) nhưng đến hôm nay ông mới dám (hay mới đến lúc) thật sự cầm bút viết:
“Khi viết trước cổng thành Brandenburger tôi biết rằng ở CHDC Đức cũng xảy ra nhiều thảm kịch, người dân CHDC Đức đã phải chịu đựng các cơ cấu độc tài cộng sản chủ nghĩa suốt bốn mươi năm…“
Để rồi ông tự vấn về cuộc sống thực tại, mà ông gọi là chủ nghĩa Stalin“ Sống hay là bị sống? Cơn bão đêm qua chưa phải cuối cùng“. Vâng! Một người lính đã từng cầm súng bảo vệ cho chế độ cộng sản, rồi dám tự lột trần nó ra như Thế Dũng, quả thật cũng không có nhiều ở vùng trời Berlin này.
Dẫu biết rằng văn hóa giữa Đông Tây chỉ có thể giao thoa, chứ tuyệt đối không thể hòa tan, nhưng Thế Dũng vẫn cố, bằng sức lực và bút lực của mình dung hòa và kéo nó lại gần nhau hơn. Nên Thế Dũng có chủ ý đan xen một số bài viết rất giá trị về các nhà văn Đức cũng như văn hóa, con người Đức trong tập sách này. Coi đây là món quà không chỉ gửi đến độc giả Việt mà còn cho cả độc giả Đức cũng như một số ấn phẩm trước đây đã dịch sang tiếng Đức của anh.
Nếu không có những năm tháng lưu vong dài dằng dặc, thì nhà văn Thế Dũng không thể thấu hiểu và đồng cảm sâu sắc với những Bernhard Schlink, Hans Werner Richter và Gruppe 47(nhóm 47) Bertolt Brecht, hoặc Seid( nhà văn Đức gốc Iran) khi viết về họ. Thế Dũng dường như cũng đã học được nhiều điều từ họ. Đọc một loạt bài này, tôi cứ tưởng Thế Dũng không còn là tác giả nữa, mà là hiện thân những nhân vật trong truyện của Dragoman György, của Brecht, của Werner Richter. Vâng! Chúng ta hãy cùng nhau đọc lại một đoạn kết mà nhân vật Thế Dũng bộc bạch trong bài “ Con Người Vẫn Có Thể Tự Do Sống Sót“ nhé:
“ Vẫn hiểu người ta có thể sống sót khi biết sợ hãi, nhưng sau nhiều năm ăn ở với chế độ độc tài và tha hương phiêu bạt, tôi cay đắng nhận ra: Nỗi sợ hãi làm cho con người trở nên bất lực và lú lẫn.
Người Việt thường nhắc nhau “ Cả giận mất khôn“. Nhưng trước sự tàn bạo khủng khiếp của chế độ cộng sản thì “ Cả sợ cũng mất khôn“. Càng cả sợ càng mất khôn!
Hy vọng “ Con người vẫn có thể tự do sống sót“ khi biết cách không cho phép nỗi sợ hãi giết dần giết mòn trí khôn của mình, cũng như trí tuệ của dân tộc mình“ (Sách đã dẫn trang 367)
“Trò Chuyện Với Nhà Văn Y Ban và Nếu Không Có Cái Ngoái Đầu Nhìn Lại“ Là hai bài phân tích đánh giá của Thế Dũng, để lại cho tôi ấn tượng mạnh. Vào tháng 3 năm 2000 nhà thơ Phạm Tiến Duật(PTD) và nhà văn Y Ban sang giao lưu văn hóa ở Đức. Nhà thơ Phạm Tiến Duật được nữ nhà văn người Việt ở Đức tên LMH tặng cho hai cuốn sách. Chẳng biết do sách không hay, hay sợ có quan hệ với nhà văn Việt kiều. Phạm Tiến Duật xé sách cho vào Tollet giật nước phi tang. Hình ảnh này đã được nhà văn YBan dựng lại, đóng thành sách ở Việt Nam. Dưới ngòi bút phân tích của Thế Dũng, thấy một chút hề hề, yếu đuối của nhà thơ PTD và cái gì đó cay, thâm và sóc của YBan. Nhưng tôi thấy buồn cho các nhà văn Việt Nam, và tự nhiên muốn hét lên: Hỡi văn hóa tư tưởng, các ông là ai mà ngự ở mọi lúc mọi nơi cứ như ma trơi, ma xó vậy:
“ Nhà thơ PTD (Phạm Tiến Duật) chìa ra hai cuốn sách được nữ nhà văn hải ngoại ấy đề tặng rất trân trọng: Thân tặng nhà thơ PTD-Một thời của tôi- Với một nỗi nghi ngờ: Chẳng biết có đáng đọc không….Đọc được vài truyện anh thở dài sườn sượt: Thôi chẳng phí thời gian. Rồi anh để hai tập sách lên bàn trong phòng nghỉ. Nhìn thấy vậy tôi trêu anh:
-Này, anh để đấy họ tưởng anh quên, họ chiếu theo tên anh ở trang đầu gửi về nước cho anh đấy.
-Ừ nhỉ. Thôi để cho chắc ăn.
Nói rồi anh xé không thương tiếc hai trang đầu của cuốn sách, mỗi cuốn 10 Mỹ kim, vo tròn cho vào sọt rác. Tôi lại trêu:
-Anh vứt vào sọt rác khi đổ rác họ tưởng tài liệu mật, họ giở ra xem thấy tên anh trên đó họ sẽ điều tra ra biết đích thực hai cuốn sách đó của anh, họ gửi về nươc cho anh đấy.
Nhà thơ PTD ngẩn mặt. Có khi thế thật. Thế là nhà thơ nhặt hai tờ sách lên, xé rất nhỏ, cho vào toalét dội nước. Xong, anh thở phào- Có tài thánh mà biết sách kia tặng ai. Nhỉ. (Ngoái đầu nhìn lại -Y Ban- Sách đã dẫn)
Xuyên suốt tập sách khi viết về những bạn văn trong hay ngoài nước như Trần Đăng Khoa, Trần Nghị Hoàng, Ngô Nguyên Dũng, Viên Linh…. Thế Dũng dùng lý số và kinh dịch để soi rọi, làm sáng tỏ, chứng minh cho những lập luận của mình. Là người giỏi kinh dịch, lý số, nên đi đâu Thế Dũng cũng được mọi người săn đón nhờ vả nhất là các bà các cô. Tôi là người không tin và dốt đặc về khoản này, nên không dám bàn đến. Hôm rồi Thế Dũng lấy ngày tháng năm sinh của tôi, thấy tính toán rồi bấm lên lộn xuống, định phán. Tôi bảo, kinh bỏ mẹ, dừng lại đi anh, cứ để cho số phận diễn ra một cách tự nhiên.
Nếu ai là người tin vào kinh dịch, lý số, đọc cuốn sách này, tôi tin cũng thỏa mãn được phần nào.
Không phải ngẫu nhiên, hai bài tôi cho là khảo cứu rất kỹ, rất công phu về nhân cách, văn hóa lớn của Tiên Dung, Chử Đồng Tử và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Thế Dũng đặt ở vị trí đầu cuốn sách. Dường như những tấm lòng cao cả, ăm ắp tình người ấy là điều tác giả muốn chuyển tải, hướng đến bạn đọc trong cuốn sách này. Nếu như nói, văn học sẽ làm cho con người gần nhau hơn, thì tôi cho rằng, cuốn sách này của Thế Dũng sẽ làm được điều đó.
Cũng như nhà thơ Trần Trung Đạo và nhà văn Phạm Tín An Ninh, Thế Dũng đang đi hàn lại những vết thương lòng, sau cuộc chiến từ mấy chục năm qua, bằng những trang viết của mình. Nó thật sự là những viên thuốc làm dịu đi nỗi đau, hơn vạn ngàn lần những thông tư nghị quyết, những comple trán bóng đang thao thao bất tuyệt trên diễn đàn.
Vâng! Như Thế Dũng đã viết trong cuốn sách này và trả lời nhà văn Lê Thị Huệ, khi được hỏi về con người về gió: Tôi tin bản chất con người là không bao giờ chịu khuất phục trước con thú. Gió đi giữa trời bỗng dưng có thể thành những cơn bão. Trong cái bão tố, quằn quoại trong lòng người, nghiêng ngả của đất trời, Thế Dũng đã ra một quẻ và tôi tin quẻ này của anh:
“Trăng chìm trong gió
Gió trầm trong mưa
Hồ lên núi biếc
Hỏa phong đỉnh mùa
Gió lộng mặt người
Người lăn như lá
Giang hồ tả tơi?
Nhân- Thiên kỳ ngộ
Đất sừng sững núi
Núi lừng lững cây
Bão giông quằn quoại
Lũ xuân đang say
Sấm rền im ắng
Câm nín chẳng xong
Chân mây thảng thốt
Mặt người thật không?
Âm dương vần vũ
Gió đi dưới trời…
Gấp cuốn sách lại, tôi cảm giác, bước vào cái tuổi sáu mươi, Thế Dũng mới gồng mình đi gom gió, quyết làm một trận cuồng phong để gửi về phương trời khổ đau nào đó. Nếu bạn không tin, xin hãy đọc “ Gió Đi Dưới Trời“ của Thế Dũng, bảo đảm bạn có cảm giác giống như tôi. Và bạn cũng sẽ biết Thế Dũng đang vác gió về đâu.
Leipzig ngày 27-4-2013
Đỗ Trường
____________
Đỗ Hứng gởi