Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh

 

Đọc lại “Đi” – Kinh nhật tụng của thời ra biển


 
Nhà văn Doãn quốc Sỹ cũng là thầy dạy hắn môn "Ngữ pháp".
Hắn cũng đọc khá nhiều tác phẩm của nhà văn, quyển đầu tiên hắn đọc là quyển "Sợ lửa" của thầy.

Đây là quyển truyện cổ tích đầu tiên được xuất bản tại Saigon năm 1956, hắn đọc nơi tổng thư viện, lúc đó còn nằm sau lưng trường Pétrus Ký, còn sân vận động Lam Sơn cũng nơi đó, lúc thi trung học đệ nhất cấp hắn có thi thể dục tại đây.
 
Khoảng 12 tuổi, đá banh ở sân vận động xong, vào thư viện chơi, con nít đâu được vào, đứng nhìn sách bày bên trong, bác quản thủ thư viện thấy thương tình cho hắn ngồi đó xem và bác đã đưa cho quyển "Sợ lửa"...đọc một số câu truyện trong đó rồi trả lại bác quản thủ, sau này lớn thêm chút nữa nhà hắn có quyển này và hắn đã đọc lại kèm thêm vài quyển như Khu rừng lau, Quỳnh Hương, Ba sinh hương lửa, rồi đến Dòng sông định mệnh.... Thời điểm đó, trong miền nam xuất hiện nhiều nhà văn, nhiều sách để đọc nên chưa đọc được nhiều hơn.

Di cư vào Nam năm 1954 ở Saigon, nơi đâyông thành lập nhà xuất bản "Sáng tạo" cùng với Mai Thảo, Thanh tâm Tuyền, Tô thùy Yên và còn nhiều người khác...và còn có một tạp chí mang tên Sáng tạo, vào thời đó có nhiều ảnh hưởng đến thanh niên.
Hiện ông đã vào tuổi bách tuế, ông sinh năm 1923.
 
 
 
 

Ký ức của những ngày tháng mà người người xao xuyến âm thầm tìm đường ra biển, tìm đến một cuộc sống khác và một tương lai khác cho con cháu của mình, đang dần mất đi, theo thế hệ đầu của người Việt đi tìm tự do sau năm 1975. Có những điều được kể lại, nghe như cổ tích hoặc huyền thoại của một lớp người đã mở cánh cửa định mệnh trên biển khơi.
 

Cũng có những câu chuyện trở thành nước mắt âm thầm cho những người quen và không quen, trong những ngày tháng bất an ấy. Việc ghi chép lại được từng ngày của tâm trạng thấp thỏm, cam quyết và cười cợt với số mệnh, như truyện dài Đi của nhà văn Doãn Quốc Sỹ, quả là điều hiếm trong giới văn nghệ sĩ Việt Nam. Chìm trong tác phẩm Đi, thật bồi hồi, khi thấy đó là những ghi chép quý báu từ sự thật bị bôi xoá trong lịch sử. Cảm thấu rằng tự do, và khát vọng ra biển một thời của người Việt, không khác gì bài kinh nhật tụng âm thầm mỗi ngày, trong tiếng loa phát thanh của chế độ mới.


Đã non nửa thế kỷ, mỗi khi giở lại trang sách, tiếng kinh như vẫn chậm rãi vang lên, âm vang về số phận của con người, được khái quát như một phần của dân tộc Việt qua thời cuộc.


Đi, là truyện dài hơn 200 trang, được viết như nhật ký từng ngày giữ trong trí nhớ, và những trang giấy giấu kín đâu đó trong nhà của nhà văn, chờ ngày gửi đi. Không khác gì nhật ký của Anne Frank, Doãn Quốc Sỹ giữ lại riêng mọi cảm xúc thường ngày – kể cả những nỗi buồn bất lực trước thời thế – nhưng rồi chuyển hoá mọi thứ thành sự an ủi với những đứa con đã được ươm mầm giáo dục tự do, chia sẻ nhận biết của chúng với những dị biệt xuất hiện ngay giữa Sài Gòn, cũng như trên con đường dài thăm thẳm đi thăm nuôi, hai lần chịu án tù của ông.


Doãn Quốc Sỹ có hai án tù xa nhà. Lần thứ nhất, cuộc truy lùng những “tên biệt kích văn hoá” vào ngày 3 Tháng Tư 1976 đã đưa một loạt các nhà văn, nhà thơ tên tuổi của miền Nam Việt Nam vào nhà giam. Tất cả nằm trong kế hoạch mang tên “Vụ án Hồ Con Rùa”. Biểu tượng này bị phá nổ mà cho đến giờ không thể biết thật sự tác giả là ai. Nhưng nhân cơ hội đó, hơn 200 văn nghệ sĩ miền Nam bị tổ chức cho lùng bắt, và gán cho là có liên quan đến hành động chống phá này, dù không có bất kỳ chứng cứ nào.


Phải đọc Đi, để thấy một con người có giọng văn luôn hài hước, êm đềm về mình, về đời như Doãn Quốc Sỹ, mới thấy con người luôn thương mến từ một tiếng đàn, cho đến buồn về những số phận không may được nghe thấy, ai oán khi thấy những xã hội Việt Nam biến dạng và loạn lạc sau ngày 30 Tháng Tư lịch sử ấy – sẽ hiểu rằng – chẳng có tên biệt kích nào như Doãn Quốc Sỹ lại có thể đủ can đảm cầm vũ khí để bắn vào con người.


Việc bắt bớ hàng loạt các trí thức miền Nam, tạo nên dư luận quốc tế phản ứng dữ dội, nên đến năm 1981, nhà văn Doãn Quốc Sỹ được nhà nước “khoan hồng”, cho về nhà. Bản năng nhà văn vẫn thúc hối ông hành động, viết xuống những gì mình thấy, mình nghĩ. Với cái máy chữ nhỏ, đêm đêm ông lại gõ khi nhà yên tĩnh và vắng người.


Thế nhưng những tiếng lách cách nho nhỏ ban đêm đó, đã tạo nghi hoặc cho những tay mật vụ theo dõi trước nhà ông và báo cáo. Tập truyện Đi ra đời vào những ngày tháng nghiệt ngã như vậy, và được bí mật và hối hả chuyển đi nước ngoài để in, như tâm huyết của một thời văn sĩ ngàn năm trước, thổ huyết trên trang giấy của mình để chép lại, chắt chiu từng con chữ của mình gửi lại đời sau.


Ngày 27 Tháng Tư năm 1988, chính quyền mới đưa một số văn nghệ sĩ tên tuổi ra tòa vì đã dám “liên lạc với nước ngoài, tuyên truyền phản động chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa”. Nhà văn Doãn Quốc Sỹ bị kết án tù lần hai, 9 năm tù, cùng với nhà văn Hoàng Hải Thủy bị án 8 năm tù, ca sĩ Duy Trác 4 năm tù. Hai nhân viên bưu điện làm trung gian chuyển tác phẩm của các văn nghệ sĩ kể trên ra nước ngoài bị tội tòng phạm, mỗi người lãnh án 2 năm tù.


Như đã kể, tiếng lách cách của chiếc máy đánh chữ, là điều đã dẫn đến chuyện công an ập vào nhà lục soát, lôi được những trang bản thảo và chiếc máy ra từ gầm giường, cất trên gác. Đi là tác phẩm được tìm thấy và chính là lý do khiến Doãn Quốc Sỹ có thêm một án tù. Điều quan trọng hơn, là tác phẩm ấy “nặng tội” vì đã được in ở nước ngoài và là một bằng chứng về chuyện những cuộc đời Việt Nam, rất khác với báo chí và truyền hình của nhà cầm quyền mới vẫn trưng bày.


Giới bình luận văn chương Việt Nam vẫn đánh giá hai nhà văn của thời văn hoá Việt Nam Cộng Hoà luôn có phong cách nhẹ nhàng, đôn hậu, là Võ Hồng và Doãn Quốc Sỹ. Riêng trong các tác phẩm của Doãn Quốc Sỹ, không có kẻ ác hoặc sự tàn nhẫn tuyệt đối. Với ông, mọi thứ đó chỉ là tạm thời, của thời thế hoặc của sự kiện phải đến.


Cái ác với Doãn Quốc Sỹ được nhìn thấy như một nghịch lý, và mọi thứ rồi sẽ được đổi thay bằng đạo lý của người Việt ngàn đời. Nhà văn Nguyễn Mộng Giác từng nhận định về đàn anh Doãn Quốc Sỹ rằng:


“Văn phong của ông đôn hậu quá nên nhân vật tiểu thuyết của ông đẹp nhưng có vẻ không thực, ông không lột hết được bản chất phức tạp của cuộc đời, bản chất hàm hồ của con người, bản chất tàn nhẫn phi lý của lịch sử. Khi xây dựng nhân vật, Doãn Quốc Sỹ thường không lưu tâm moi móc những ngóc ngách xấu xa của họ. Trái lại, ông lưu tâm tô điểm những nét đẹp của họ”.


Đi, cũng vậy. Mọi điều xót xa và đáng mỉa mai của những ngày thống nhất địa lý đất nước được ông mô tả như tiếng thở dài, xót thương. Hầu hết những điều được viết trong Đi là qua những lời kể của bạn bè, con cái và do chính ông ghi chép mỗi ngày trong cuốn sổ tay, trong những ngày được tự do ở Sài Gòn, đi lang thang qua phố, ghé thăm người bạn, ngồi ở quán cà phê cóc… Càng đau đớn, giá trị đối lập càng được ông tô đậm “Những câu chuyện vừa qua còn để hơi ấm lại, dư âm lời nói thống thiết về giá trị con người, giá trị nhân bản còn vang vang bên tai” (trang 67).


Nghịch cảnh đời thường không chỉ diễn ra với ông, với các con ông, mà còn với muôn vạn người miền Nam lúc đó. Lời đe doạ của nhân viên an ninh mặt đen sạm trỏ vào từng người, từng nhà, tiếng loa phường chát chúa thôi thúc mỗi sáng kêu gọi tẩy não quá khứ, chuyện hành xử ở công sở luôn bị dòm ngó, chụp mũ… là những điều nhức nhối thường nhật đến mức con người như bị bào mòn tri giác, chỉ biết cúi mặt đế sống qua ngày.


Viết trong Đi, Doãn Quốc Sỹ như thốt thành lời “khi bọn họ hết thời múa may, nhưng sẽ phải mất bao thế hệ để phục hồi lại đất nước xác xơ, tâm hồn cháy sém, trí tuệ cằn cỗi, nhân phẩm, nhân cách, tự do tàn lụi?” (trang 139).


Đi, mô tả một tâm trạng thấp thỏm có thật và quen thuộc với nhiều thế hệ đầu của người Việt tìm ra biển. Doãn Quốc Sỹ mô tả khi con ông từ giã cho một hành trình vô định, ông đau thắt nhưng chỉ còn biết nói lời chúc bình an. Lịch sử thế giới đã có sự nối tiếp dị thường như vậy, từ những người Do Thái chạy trốn sự săn lùng của Phát xít Đức, lần mò tìm đường đến tự do trong hiểm nguy chập chùng.


Người Việt cũng vậy, và kinh hãi hơn, khi vô số những gia đình, thậm chí mang theo con nhỏ còn ẵm ngửa xuống chiếc thuyền bé con, mà chưa bao giờ có kinh nghiệm nào trong đời về đại dương cùng những hiểm nguy của nó. Hành trang chấp tín, chỉ là lời cầu nguyện cho số phận mình. Ông Doãn Quốc Sỹ cũng kể lại cái thở phào nhẹ nhõm khi hay tin các con thất bại ở chuyến đi nào đó, bởi nếu vậy, thì may con ông cũng vẫn còn sống.


Những câu chuyện của người đi biển được kể lại trong Đi, khốc liệt và chân thực đến mức, ngay cả người đọc cũng bị dày vò trong tâm trạng bởi tin người vượt thoát, đôi khi niềm vui đó làm chìm lấp tin tức những người đã chết thương đau trên biển. Chính nhà văn Doãn Quốc Sỹ trong tập truyện này cũng thốt lên “Không hề vì cái họa kia mà cái phúc này chói lọi thêm. Chỉ còn biết xót xa mấy chục ngàn người đã chết chìm nơi biển sâu. Còn biết bao nhiêu nữa chết vùi dập, chết tan rửa trong rừng sâu bùn lầy” (trang 192).


Cái kết của Đi, được coi là cái kết có hậu, nhân vật ông Giáo (nhà văn Doãn Quốc Sỹ tự mô tả mình) và các con rồi cũng vượt thoát và đi về chân trời mới. Thế nhưng sự có hậu đó, đi kèm tiếng chuông trầm, của ngậm ngùi về đời người, về một dân tộc và một đất nước sau cú giẫm đạp lịch sử, với những sinh linh tung toé khắp mọi nơi trên thế giới. Cũng tương tự  như người Do Thái, nhưng hàng triệu người Việt chưa thể có ước mơ hồi hương nào, hiện thực như năm 1949 của dân tộc bị lưu đày ấy. Cái kết thăm thẳm, như cuộc trò chuyện của Lịch và Hoa ở chương cuối.


“Chiều chiều ra ngắm biển sâu
Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều.


Tại đất nước mình thì có Hòn Vọng Phu, những người con gái tự miền xa nhìn về quê mẹ, nhớ mẹ qua biển khơi trùng trùng này chết thì hóa gì hở anh?


Lịch cũng cảm thấy tê tái khi nghe câu hỏi đó của Hoa, vội vã vứt điếu thuốc cháy nửa xuống biển, tưởng như vừa cầm phải cục than, rồi lại châm ngay điếu mới, dáng run rẩy rõ rệt.


Biết bao giờ gặp mặt! Biết bao giờ gặp mặt! Có thể rồi mai đây được đưa đi định cư ở một xứ sở xa xôi nào rồi ở đâu đâu đó, tiểu gia đình Hoa sẽ mọc rễ nơi đó, như bố mẹ trước đây đã đi di cư vào Nam, rồi mọc rễ ở miền Nam. Ông nội mất, bố có gặp mặt được đâu! Biết bao giờ gặp mặt! Biết bao giờ gặp mặt!” (trang 217).


Đọc lại Đi, để thấy dân tộc Việt vẫn còn hạnh phúc vì có những người ghi chép lại, giữ lại cho đời sau những cam go của chữ làm người. Hơn nữa, đó là làm người tự do. Một mai, khi mọi thứ tàn phai, thế hệ sau vẫn còn có chỗ để bám vào, để biết và nhớ về một phần lịch sử lạ thường có thật.

———-
 

 
 
Từ trái qua: học giả Phạm Công Thiện, nhà văn Doãn Quốc Sỹ, Hoà thượng Thích Nguyên Siêu (Ảnh: thầy Thích Nguyên Siêu)

 

Doãn Quốc Sỹ lấy tên thật làm bút hiệu. Ông sinh ngày 17/02/1923 (nhằm ngày Mùng Hai Tết Quí Hợi) tại xã Hạ Yên Quyết, Hà Đông, ngoại thành Hà Nội.


Thuở còn là thanh niên, ông từng tham gia Việt Minh kháng chiến chống Pháp. Sau đó, khi phong trào này để lộ bộ mặt cộng sản, ông đã rời bỏ kháng chiến. Vào năm 1946, ông lập gia đình với bà Hồ Thị Thảo, là ái nữ của nhà thơ trào phúng Tú Mỡ, Hồ Trọng Hiếu.


Năm 1954, khi hiệp ước Geneva chia đôi đất nước, ông theo làn sóng di cư đem vợ con vào miền Nam sinh sống.

Doãn Quốc Sỹ có hai sự nghiệp song song, một của nhà văn và một của nhà giáo. Ông vẫn thường nói rằng: “Nhà giáo là nghề, nhà văn là nghiệp”.


Trong cương vị nhà giáo, ông đã dạy tại các trường: Trung Học Công Lập Nguyễn Khuyến (Nam Định 1951-1952), Chu Văn An (Hà Nội), Hồ Ngọc Cẩn (Sài Gòn 1961-1962), Trường Quốc Gia Sư Phạm Sài Gòn, Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, Đại Học Vạn Hạnh Sài Gòn. Ông cũng từng là hiệu trưởng trường Trung Học Công Lập Hà Tiên (1960-1961) và từng đi tu nghiệp về sư phạm tại Hoa Kỳ (1966-1968).


Vào năm 1956, với cương vị nhà văn, ông đồng sáng lập nhà xuất bản Sáng Tạo, và tạp chí văn nghệ cùng tên với Mai Thảo, Nguyễn Sỹ Tế, Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp, Duy Thanh và Ngọc Dũng. Ông vẫn ưu ái gọi nhóm văn nghệ của mình là “Thất Tinh”. Ông cũng có những bài viết được đăng trên các tạp chí văn nghệ như Sáng Tạo, Văn Nghệ, Bách Khoa, Văn Học, Nghệ Thuật …


Gần một năm sau ngày miền Nam thất thủ (30/04/1975), hầu hết các nhà văn miền Nam bị bắt đi học tập cải tạo. Doãn Quốc Sỹ cùng các văn nghệ sĩ như Trần Dạ Từ, Thanh Thương Hoàng, Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, Nguyễn Sỹ Tế, Chóe… bị giam tại trại Gia Trung, cách thành phố Pleiku 25 cây số.


Đến năm 1980, ông được thả tự do nhờ sự can thiệp của nhiều tổ chức quốc tế. Trong thời gian chờ đợi được con gái là Doãn Thị Ngọc Thanh bảo lãnh đi Úc, ông tiếp tục viết thêm nhiều tác phẩm nữa, trong đó có quyển Đi, được ký với bút hiệu Hồ Khanh. Ông đã gửi tác phẩm này sang Pháp để xuất bản tại hải ngoại. Cũng vì lý do này, ông đã bị bắt lần thứ hai vào tháng 5 năm 1984, chỉ vài tháng trước ngày đi Úc. Cùng bị giam với ông trong đợt này có ca sĩ Duy Trác, nhà báo Dương Hùng Cường, hai nhà văn Hoàng Hải Thủy và Lý Thụy Ý…  Ông bị kết án mười năm tù và mãn hạn tù lần thứ hai vào tháng 11 năm 1991.


Năm 1995, ông được con trai là Doãn Quốc Thái bảo lãnh để đi sang Houston, Hoa Kỳ. Ông hiện sống tại Quận Cam, California.



Tuấn Khanh

___________



Đỗ Hứng gởi