“Tôi sinh ra dưới một ngôi sao xấu.” Câu này xưa quá rồi, phải không? Và cũng được sử dụng đến mòn gần hết chữ rồi vì bất cứ ai có tâm trạng buồn phiền, bất mãn thường nhớ đến câu này và cho rằng số phận mình hẩm hiu chẳng ra gì.
So sánh với bạn bè cùng trang lứa, sao mà họ được hưởng lộc Trời nhiều quá thế? Nhìn ra hàng xóm, cũng thấy mọi người đều vui vẻ, hạnh phúc hơn mình, để rồi nỗi buồn vơ vẩn tăng lên theo cấp số nhân, từ chán phận mình, đến chán cuộc đời, rồi chán sống. Với những người còn chút lý trí, được gặp người an ủi, chia sẻ thì dần dần nỗi buồn cũng qua, nhất là khi gặp một đổi thay nào đó, thì nỗi buồn sẽ biến thành vui. Thay vì kêu lên, “Trời! chai rượu này chỉ còn có một nửa thôi” thì lại cười, nói, “May quá, chai rượu này còn những một nửa nữa!”
Nhưng với những ai thường được nuông chiều, nay thất bại lại không người chia sẻ, thì sẽ đi đến những quyết định sai lầm, ảnh hưởng cả cuộc đời mình. Khi đến giai đoạn đó, thì lại như nhân vật “Tý Con” trong phóng sự của Nguyễn Đình Thiều, luôn đổ cho số phận, “Định mệnh đã an bài!” Trường hợp sâu sắc hơn thì như cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, “Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ. Người khôn, người đến chốn lao xao.”
Thật ra, được như Cụ, không phải dễ, vì mấy ai mà không phải đi cầy toát mồ hôi hột, được vui thú điền viên như Cụ là một giấc mơ khó thành cho rất nhiều người. Lại có những người, sau khi thấy hoàn toàn tuyệt vọng, thì đổ đốn, chơi ngông, bất cần đời, như Trần Tế Xương, “Cao lâu thường ăn quịt, thổ đĩ lại chơi lường.”
Trường hợp căng thẳng hơn nữa, với những ai gặp quá nhiều thất vọng, thì biến thành chai đá, nhìn cuộc đời bằng nửa con mắt dọc, như nhìn qua khe cửa hẹp ra bên ngoài chỉ thấy cái gì cũng có một phần dẹp lép, thẳng băng, và không bao giờ thấy một nụ cười đầy đủ, để rồi đối xử với người chung quanh bằng sự khe khắt, căng thẳng.
Như nhân vật chính trong truyện “Kiều Giang,” do Hoàng Hải Thủy phóng tác từ cuốn “Jan Eyre” của Charles Bronte, đối xử với người khác như toàn kẻ đáng nghi. Với người cực đoan hơn, thì nhìn qua khe cửa, thấy toàn là giáo mác, để lúc nào cũng tìm cách tự vệ bằng phương pháp “Tiên hạ thủ, vi cường,” chém người trước, không để người chém mình, như Tào Tháo, sau khi giết nhầm ân nhân đã nói, “Thà ta phụ người, không để người phụ ta!”
Trong khi đó, chỉ có một số ít người, lấy “thất bại làm mẹ thành công,” nghiến răng, dùng hết sức mình để vượt qua gian khó, và luôn dùng câu châm ngôn của Nguyễn Bá Học để vươn lên, “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông, cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi, e sông.”
Riêng với tôi, thì rất phục Nguyễn Bá Học và cố gắng làm theo, nhưng đôi khi thấy đường khó thật, nên đành buông xuôi, và đã bắt chước Trần Tế Xương, để rồi có thời kỳ tệ hơn ông, vì đã từng nếm mùi “hôm-lét” cả gần 2 năm trời khi “ấy anh còn thơ ngây, đôi mắt đã dơ bụi đời.” Tồi tệ hơn ông Tú vì có lần ông nói, “Một trà, một rượu, một đàn bà. Ba thứ lăng nhăng nó quấy ta. Chừa được thứ nào, hay thứ ấy. Có chăng chừa rượu với chừa trà!”
Còn tôi, chỉ chừa có mỗi “trà.” Tệ nữa, là từng làm “street boy,” sống bạt mạng giang hồ, ngủ đường, ngủ chợ, uýnh lộn, đâm chém tưng bừng! Những lúc chán đời, chán sống, tôi ngâm nga câu của Cao Bá Quát để an ủi mình, “Nhân sinh thiên địa nhất nghịch lữ. Có bao lăm ba vạn sáu nghìn ngày. Như chiêm bao, như bóng sổ, như gang tay.” Thế thì cần chi mà phải lo âu! Cứ chơi đại!
Tôi làm bạn với hai thằng du đãng thứ thiệt vào hai thời gian khác nhau, Tr. Đa Kao (1) và Nghĩa Sún (2). Tr. Đa Kao có ngón nghề là “đá bằng ống quyển,” vụt một cái là cái cọc chờ xe buýt gập xuống. Hắn dạy tôi cách giật bút Pilot, giật đồng hồ vàng, giây chuyền rồi chạy ra tiệm cầm đồ quen, thẩy vào đấy, rồi kéo nhau đi ăn bánh mì có “nước xốt May-don-ne.”
Hắn cũng dậy tôi “nằm vali” tức là “ăn phở quịt,” hai thằng ăn phở xong, Tr. Đa Kao nói với tôi, “Mày chờ tao chạy ra ngoài này một chút rồi lại ngay,” rồi nó đi biệt luôn, để tôi ở lại một mình. Một lúc sau, tôi nhăn nhó nói với bà chủ, “Thằng bạn cháu nó lừa cháu đến đây ăn phở rồi nó chạy mất rồi! cháu không có tiền!” Bà chủ thấy bản mặt thư sinh trắng trẻo của tôi, thì động lòng, tha Tào. Lần nào mà ăn phở có trả tiền, thì hắn phải “chôm” ít nhất một quả chanh, vài cái thìa, có khi đổ đường vào túi!
Còn Nghĩa Sún,vì đánh nhau bị gẫy hai cái răng cửa, không có tiền bịt răng vàng, nên miệng méo xẹo, thì dậy tôi đánh lộn bằng cách bỏ kìm, búa, lắc lê vào bao cát, vác trên vai, đến chỗ hẹn sinh tử thì vung cái bao cát vào mặt địch thủ. Chỉ một đòn đó là thằng kia gục tại chỗ. Mấy thằng cắc ké, kỳ nhông thấy vậy chạy re.
Tôi cũng học ở hai thằng bạn tốt đó, những câu chửi nghe mà lạnh người, “Tao mà vung chân một cái thì mày không còn cái răng nào ăn cháo!” Hoặc, “Tao sẽ bẻ răng mày từng cái một, xỏ lỗ, cho dây chỉ vào đeo ở cổ chơi!”
Nghĩa Sún con dạy tôi phản ứng nhanh. Một lần, có một tên du đãng vặt, xách dao bầu lại gặp tôi lúc đang ngồi ăn cạnh Nghĩa Sún. Tên kia để cây dao trên bàn trước mặt tôi, nghe “cạch” một tiếng lớn rồi hùng hổ, “Sao mày hôm qua dám làm nhục tao?” Tôi chưa kịp phản ứng, thì Nghĩa Sún vụt đứng dậy, chụp lấy cán dao, dí dao vào cổ thằng kia, gầm lên một tiếng chửi tục rồi nói, “Bạn tao hôm qua làm nhục mày chưa đủ, hôm nay, tao làm nhục mày cho đủ luôn!”
Tên kia thấy Nghĩa Sún nhanh tay quá, phát rét, lúng búng vài câu xin lỗi, rồi rút dù. Nghĩa Sún còn dậy tôi ăn nói mất dậy với gái. Hồi đó, hai thằng làm chung một Sở. Nghĩa Sún thường thích tán cô ngồi phòng điện thoại. Một hôm hắn mang văn thư đến chỗ cô kia để nhờ chuyển.
Nàng đanh đá hất hàm, hỏi, “Muốn gì?” Nghĩa Sún tỉnh bơ nói, “Muốn gì hả? Nếu muốn, thì anh muốn ôm em một cái, hôn một cái, nhưng nếu hỏi cần gì, thì anh chỉ cần đưa cái văn thư này cho xếp thôi!” Cô nàng mắng, “đồ chó!” Nghĩa Sún nhe răng sún cười, “Ừ, thì anh là chó đực!” Nàng bịt mặt, chạy một mách.
Cụ Ngô thì Nhậm, khi thất thời, bị Đặng Trần Thường ra câu đối, “Ai anh hùng, ai khanh tướng, trong trần ai, ai dễ biết ai.” Ngô Thì Nhậm đáp luôn, “Thế chiến quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế!”
Theo tôi, đời con người một phần thuộc vào thời thế, giống như đi xe gắn máy lên cầu xa lộ Biên Hòa. Có đi lên, thì phải có đi xuống, không ai lên mãi mãi tới trời, còn khi xuống, mà biết giảm tốc độ thì sẽ lại gặp mặt đường. Nếu hứng chí, để xuống không phanh, thì đời tàn luôn. Nhưng phải công nhận rằng, đời người có số thật! Số tôi, từ khi bắt đầu tuổi thanh niên, bắt đầu biết mơ màng, muốn yêu, thì là đi xuống vèo vèo, nên không có tình yêu ở tuổi lãng mạn.
Tôi không nhớ niềm thất vọng đầu tiên là lúc nào, có lẽ là từ ngày Trung Thu năm ấy, không ai cho quà. Rồi đến Tết, chờ mãi cũng không ai lì xì, thất vọng thê thảm, từ đó, biết rằng mình đã vào Đời. Và bắt đầu chán đời, vì đó cũng là thời gian vừa đi học, vừa đi bỏ báo! Mệt quá, đi làm phụ bán thịt bò cho bà Mợ ở môt tiệm bán thịt bò. Suốt ngày nghe, “Cậu lấy cho tôi cái mông đít kia đi. Mông gì đầy lông vậy? Thôi, bỏ cái vú đi! Vú gì nhão nhẹt thấy ghê! Đừng! đừng lấy cái dái bò đó!”
Trong khi các bà không thích bộ phận ấy, chỉ mê mông, đùi, thì các ông lại khoái, “Cậu cắt cái dái đó cho tôi đi!” Làm cái nghề này một thời gian thì chán ngấy, và chán luôn cả... con gái nữa, vì cứ nhìn thấy các cô lại tưởng tượng đến mấy bộ phận kia của các cô. Ớn lạnh luôn!
Rồi thời gian trôi qua, bao nhiêu niềm thất vọng đã đến qua bao nhiêu việc làm thay đổi khác nhau, thú thực, nếu không có câu châm ngôn của cụ Nguyễn Bá Học, tấm gương dũng liệt của Người Anh Hùng Nguyễn Thái Học, và nhiều Anh Hùng, Liệt Nữ khác đã học trong Lịch Sử Việt, thì cuộc đời tôi đã xuống dốc không phanh! Như vậy, đủ biết Học Vấn và các câu Danh Ngôn đã giúp cho loài người biết bao nhiêu ích lợi.
Biết bao người muốn tự tử mà vì đọc cuốn “Đắc Nhân Tâm” của Dale Carnegie do Học Giả Nguyễn Hiến Lê dịch, hoặc “Thất Nhân Tâm” của Hoàng Xuân Việt, “Tâm Hồn Cao Thượng” do Hà Mai Anh dịch cũng như các cuốn “Cái Dũng Của Thánh Nhân,” “Thuật Xử Thế Của Người Xưa”… đã biến đổi tâm lý hoàn toàn. Sách truyện ảnh hưởng con người vô cùng. Như tôi hồi còn học đệ Ngũ, Tứ, mê Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu, nên bất cứ khi nào, hễ thấy thằng nhỏ con nào bị mấy thằng lớn bắt nạt là “nhào dô,” ra tay nghĩa hiệp, nhiều khi bị bọn du đãng đánh cho tơi bời hoa lá.
Sách vở ích lợi như thế và cũng hại đời quá trớn luôn. Như cuốn “The Prince,” dịch là “Ông Hoàng” do Niccolo Machiavelli viết để dạy người ta làm chính trị theo tà đạo, trong đó toàn là mưu mô, xảo trá, hại người, đã được Marx và Engel lấy làm căn bản cho cuốn “Tư Bản Luận,” kinh thánh của Cộng Sản quốc tế, rồi Lenin, Staline, và Hồ Chí Minh coi như một chỉ nam, để tiến hành mọi sách lược triệt hạ thế giới. Sau này, Hồ Chí Minh cũng bắt chước mà viết sách, nhặt luôn tư tưởng của người làm của mình, để tự mình ca tụng mình, rồi bắt các đảng viên phải học theo như thánh kinh.
Thế Kỷ 21 này, người Việt Nam tản lạc ở khắp nơi trên thế giới, lập thành những cộng đồng lớn. Những thập niên 75-85, người Việt còn bỡ ngỡ, nên chỉ có những nhà báo chuyên nghiệp mới ra sách, báo. Nhưng dần dần, người Việt theo kịp với thông tin của nhân loại qua máy computer, Lap Top, thì xẩy ra một hiện tượng xấu, Nhiều người có trình độ thấp vì ít đọc sách, không biết đến những cuốn sách giá trị, nên khi có phương tiện gõ trên bàn phím là “nổ lia chia,” “nổ vô tội vạ,” phê phán, chê bai, chụp mũ, cứ coi mình như Thánh Nhân, hễ mở miệng ra toàn là Lời vàng ngọc, ai không đồng ý với mình là chửi tát nước, bằng những thứ văn chương bình dân, thất học, khiến cho những người trí thức bỏ chạy xa khỏi diễn đàn. Thật tội nghiệp cho dân tộc và văn hóa Việt Nam càng ngày càng xuống dốc vì những kẻ ít học và ít đọc sách.
Chú thích:
(1) Tr. Đa Kao, đi Sĩ Quan Thủ Đức, lên Thiếu Úy, nhưng vì ba gai, tính đánh Thượng Cấp, bị lột lon, còn là Trung Sĩ. Năm 1990, tôi sang Mỹ theo diện H.O.1, tự nguyện tổ chức Họp Mặt H.O. Hôm đó, tôi đang mặc vét, họp ở phòng sinh hoạt Nắng Mới với gần 100 vị H.O., bàn luận về việc tổ chức Hội, bỗng nghe tiếng oang oang ở cửa, “có CTT ở đây không?” Tôi vội chạy ra, thấy hắn vẫn mặc áo bỏ ngoài quần. Thấy tôi, Tr. nói lớn, “Đ.M. mày! Có phải mày là thằng CTT không? Mày có còn nhìn bạn cũ không? Nếu không nhận, thì tao đi!” Tôi vội chạy ra, năn nỉ, “Mẹ kiếp! Mày cứ quen du đãng như ngày nào! Tao đang họp mà mày chửi thề um xùm! Mất mặt bầu cua!” Nhưng lạ lùng là những năm tháng sau này, lại tu tại gia, sáng nào cũng đi nhà thờ cả vài tiếng đồng hồ. Có lẽ nhiều tội quá, xưng hoài không hết.
(2) Còn Nghĩa Sún, đi Thủy Quân Lục Chiến, sau lên Đại Úy, đánh trận y như du đãng khi xưa, huy chương đầy mình. Vượt biên, qua Pháp.
CHU TẤT TIẾN
usaelection gởi