Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh



 
Đọc sách “chớ quên mình là nước“ của Nguyên Đạo Văn Công Tuấn


Sau những ngày Đại Lễ tại chùa Viên Giác Hannover được tổ chức từ ngày 27 đến 30 tháng 6 năm 2019 vừa qua, tôi vẫn chưa khởi động lại việc làm như đọc sách hay tham cứu v.v… tuy nhiên khi nhận được bản thảo của Nguyên Đạo Văn Công Tuấn viết về“Chớ quên mình là nước“ và chỉ xin tôi viết mấy chữ thôi; nên hôm nay suốt ngày 3 tháng 7 năm 2019 tôi đã đọc một mạch hết 147 trang A4 trong niềm an vui và có chút đồng cảm với tác giả ở nhiều phương diện với nước.
 
Tác giả là một Phật Tử thuần thành; nên nói cái gì thì nói, viết cái gì thì viết cũng không bao giờ viết ra ngoài lời Phật dạy. Mặc dầu trong những chương chứng minh về toán học, về khoa học, về môi trường v.v… nhưng ở góc độ nào thì Nguyên Đạo Văn Công Tuấn cũng đã chứng minh cho lời dạy của Đức Phật vượt lên trên cả khoa học đã chứng minh về có, về không, về hữu biên về vô biên v.v.. mà điều nầy nhà Bác Học Albert Einstein cũng đã từng khẳng định là:“ Phật Giáo không cần khẳng định lại tính cách khoa học của mình nữa, vì tất cả lời Phật dạy đều vượt lên khỏi sự chứng minh của khoa học rồi“.  Hoặc giả nhà Bác Học Steven Hawking cũng đã chứng minh là:“ thời gian không có cái bắt đầu và cũng không có cái cuối cùng“. Họ là những người đã lặp lại lời Phật dạy cách đây hơn 2.563 năm về trước.
 
Tất cả 16 chương, hầu như chương nào cũng có đề cập về nước và Nguyên Đạo đã tha thiết với nước còn hơn hơi thở của mình nữa;  mong rằng mọi người phải nên trân quý nước dầu ở bất cứ thời gian, không gian hay hoàn cảnh nào để bảo vệ môi trường sống trên qủa đất nầy cho được tươi mát hơn.  Lúc tôi dịch quyển“Phật nói luận A Tỳ Đàm về việc thành lập thế giới“từ trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, tôi đã thấy và đã rõ biết là Đức Phật đã chỉ  cho chúng  ta mọi ngọn ngành đều bắt đầu từ hơi nước và tứ đại bắt đầu hình thành cũng từ đó và cuối cùng chúng ta cũng sẽ bị nước cuốn trôi khi con người không còn hiện hữu trên hành tinh nầy nữa.
 
Tôi thích bài“Thề Non Nước“của Cụ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Bài nầy tôi học thời Trung Học ở Việt Nam và nay vẫn còn thuộc nằm lòng. Hôm nay đọc thêm lời bình của Thi Sĩ Bùi Giáng, tôi lại còn rõ nghĩa nhiều hơn ở bài thơ nầy. Dĩ nhiên là mỗi người sẽ có một phong cách khác nhau để nhìn, đánh giá về thơ và văn học v.v…; nhưng tất cả đều không thể tách rời khỏi nhân duyên và nghiệp thức được. Do vậy sự hiểu của Anh không phải là sự hiểu của tôi. Chỉ có chân lý mới là điều không có cũng không không, không còn cũng không mất; còn chúng ta chỉ là những hiện tượng tương đối trong cuộc đời nầy mà thôi.
 
Tôi muốn viết thêm nữa; nhưng vì Nguyên Đạo Văn Công Tuấn chỉ xin tôi viết vài chữ về quyển sách nầy; nên tôi chỉ có vài lời thô thiển để nhận định như vậy. Từ nước sông Hằng hay sông Mêkong, sông Nils hay sông Dương Tử cũng vậy thôi. Vì khi thân dơ thì có thể lấy nước để tẩy rửa được; nhưng khi tâm con người bị dơ, thì chỉ có thể lấy sự sám hối mới thành công. Ngày nay chúng ta tất cả nên sám hối những lỗi lầm của mình, vì chúng ta đã làm cho Mẹ của Đất hay Nước của Sông bị vẩn đục. Hãy nhận ra được điều nầy thì sẽ thấy được chân lý của cuộc sống.


Thích Như Điển, Phương Trượng Tổ Đình Viên Giác Hannover Đức Quốc. Viết xong vào lúc 17 giờ ngày 3 tháng 7 năm 2019 tại thư phòng  của chùa.


Chùa Viên Giác gởi