Đọc tập truyện “Mắt Nha Trang” của đồng môn Phạm Ngọc Cửu
Đây là tập truyện của Phạm Ngọc Cửu nhưng lấy bút hiệu là Phạm Hoài Hương. Tác giả nguyên là phó tỉnh trưởng Phan Thiết, ngày 30/4/1975 ở lại với dân chúng tới giờ phút cuối cùng rồi đi tù cải tạo 13 năm tại Trại Trừng Giới Xuân Phước. Sách dày 325 trang xuất bản năm 2025, ra mắt tại Thành Phố Orlando, Florida với số tham dự kỷ lục bao gồm một số chương như sau:
Mắt Nha Trang
Mô tả lại Thảo - một người tù cải tạo được di chuyển từ Bắc vào Nam bằng xe lửa dừng ở ga Nha Trang là nơi chôn rau cắt rồn của Thảo khiến bao nhiêu kỷ niệm của thời thơ ấu, lớn lên hiện về. Cái trớ trêu là ngày hôm nay anh trở về quê cha đất tổ trong thân phận của một kẻ tù đầy, không thể nào tiếp xúc với gia đình mà chỉ có thể quăng một tờ giấy xuống sân ga với dòng chữ, “Cô bác ơi! Nếu nhặt được mẩu giấy này làm ơn mang đến số nhà…đường…Nha Trang. Xin cám ơn tấm lòng của quý vị.” Và tờ giấy ghi, “Anh đã được chuyển trại về Nam…” Trong đó có một đoạn văn, “Tất cả không xa lạ với anh, tất cả đang cuồn cuộn trở về như từng lớp sóng biển xô đuổi nhau mỗi sáng tinh mơ, mỗi chiều hoàng hôn tỏa xuống cùng với những đôi mắt mà Thảo trong cuộc đời mình đã có dịp đi qua tại mỗi miền đất nước, bắp gặp để cuối cùng anh gọi đó là Mắt Nha Trang mà không sao cắt nghĩa được.”
Tuổi Thiếu Niên Ở Ninh Hòa
Trong chương này tác giả nhớ lại ngôi làng Xuân Hòa và ngôi trường Bình Thành mà tác giả học Lớp Tư, Lớp Ba ở đây. Ngôi trường chỉ lợp mái có một nửa, ngày mưa học trò phải “tụm nhau ở một góc lớp học để tránh mưa” cùng những kỷ niệm “bị phạt quỳ sơ mít, hay bị khẻ tay (đánh ) bằng thước kẻ .” Tại ngôi làng này, ban ngày là của Quốc Gia (chính phủ) còn đêm là của Việt Minh với những cái chết dễ sợ, rùng mình. Trong trường học, tấm hình của Đức Quốc Trưởng Bảo Đại treo trên tường chỗ bàn thầy giáo. “Rồi Hiệp Định Genève chia đôi đất nước, Cụ Ngô về nước chấp chánh, hình ảnh được tô vẽ để đối đầu với Cụ Hồ.” Sau khi thi đậu Tiểu Học và được vào trường Trung Học Võ Tánh ở Nha Trang cách Ninh Hòa 32 km, cậu bé từ giã việc giúp gia đình chăn trâu bò và công việc đồng áng và chỉ ước mơ sau này trở thành một thầy giáo với dáng dấp đạo mạo.
Xuân Trong Mắt Nàng
Nàng ở đây là cô bé hàng xóm thua chàng ba tuổi có đôi mắt thu hút đến lạ lùng. Dù đang bù đầu với bài vở thì một tiếng gọi của “vóc dáng đó, khuôn mặt đó, đôi mắt đó…” cất lên, “Em đây, ra ngoài vườn đi anh!” Và “Thật kỳ cục, không hiểu tại sao, chỉ cần nghe tiếng gọi ấy thôi, tôi cũng ném bút, xếp sách vở, xô ghế đứng lên..” nhưng hai đứa chỉ lang thang trong khu vườn rộng, không biết bao lâu (vì thời gian như đã ngừng lại) cho đến khi nàng cất lên, “Má sắp về rồi, em về nghe anh, mai em qua…” Rồi khi chàng vào Nha Trang học Trung Học, thỉnh thoảng về thăm nhà hai đứa lại nói chuyện với nhau qua hàng rào. Rồi vào mùa Hè năm Đệ Tứ, chàng về thăm nhà được bà chị cho biết, “Hương đã có chồng rồi, quê chồng đâu tận ngoài Quảng”. Rồi cũng một lần về thăm nhà sau đó, bà chị cho biết, “Hương có về đây, chồng là sĩ quan, có dắt con qua chơi và có nhắc đến chuyện hai đứa em lang thang trong vườn”. Dù năm 1991, tức sau 16 năm đoàn tụ với vợ con tại Orlando, chàng vẫn còn nhớ “Kỷ niệm thanh khiết của thời niên thiếu mà không bao giờ có thể quên.”
Tôi Vào Đệ Nhất A2 , Võ Tánh 1961
Tác giả nhớ lại kỷ niệm này nhân viết bài cho đặc san Hội Ngộ 2019 của Trung Học Võ Tánh và Nữ Trung Học Huyền Trân Nha Trang.
Tết Đến, Vẫn Còn Sợ
Tác giả nhớ đến Tết của gia đình lúc còn thơ ấu nào là gói bánh chưng cúng Tất Niên, ngày Mùng Một cúng chay đối với gia đình có thờ Phật trong nhà rồi đi chúc Tết họ hàng nội ngoại. Con gái thì tất bật (lu bu) ở nhà bếp. Con trai học lễ nghi như một bổn phận. Cắm hoa trên bàn thờ cũng là một nghệ thuật. Tết thật vui nhưng nghĩ lại thấy sợ.
Một Góc Trời Quê Hương
Đây là bức thư tác giả gửi cho “Các bạn Ninh Hòa thân mến” trong đó tác giả mô tả lại Làng Xuân Hòa nằm dọc theo khúc quanh của Sông Cái. Đầu làng có ngôi chùa tên gọi Linh Quang Tự hơn hẳn các ngôi chùa trong quận là có tượng Đức Di Lặc bằng đồng đen.
Chữ Hiếu Có Còn?
Trong chương này tác giả nói rằng “Mỗi người có riêng một hoàn cảnh. Chúng ta phải thực hiện trách nhiệm của công dân đối với đất nước, đáp ứng món nợ xương máu của đồng đội, thuộc cấp ngày nào nhưng cũng cùng lúc bị ràng buộc bởi trách nhiệm gia đình. Nói tóm lại đó là “tình nhà và tình nước”. Tác giả nói rõ đã về Việt Nam hai lần. Năm 1998 về thọ tang ông cụ và năm 2000 về thọ tang mẹ cho nên tác giả không hề kết tội ai. Trong chương này tác giả kể lại những giây phút cuối cùng của Bình Thuận, “Mặt trận chính tại Phan Rang, Ninh Thuận đã không đủ sức chống đỡ trước kẻ thù đông gấp bội với vũ khí hiện đại. Ngày 16 Tháng Tư, phòng tuyến vị vỡ. Ngày 17 Tháng Tư Phan Rang bị tràn ngập. Bộ Tư Lệnh Tiền Phương với tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Phạm Ngọc Sang, và đại tá lữ đoàn trưởng dù Nguyễn Thu Lương không lên máy bay mà quyết định ở lại với binh sĩ còn lại để rồi bị địch bắt. Tôi, viên chức cao cấp thứ hai của tỉnh, xuống ghe đánh cá lúc 5;30 sáng - sau khi thông báo cho các đơn vị trực thuộc trong tỉnh. Ngày 19 Tháng Tư, Bình Thuận chính thức mất vào tay Việt Cộng.”. Sau ngày 30 Tháng Tư, một số viên chức Bình Thuận bị trả thù dã man bằng bản án tử hình hay bắn chết tại nhà. Khi về thọ tang cha, nhìn khuôn mặt khắc khổ của ông cụ trước giờ phút lâm chung, chàng nhớ câu tiền nhân dạy bảo, “Làm con thì phải hiếu”
Ngày Xuân, Nhớ Lại Bạn Tù
Tác giả hồi ức lại Trại C thuộc Trại 5 Thanh Hóa, anh em tù nhân tiến hành cuộc tuyệt thực hô khẩu hiệu, đòi quy chế tù binh, cùng nhau hát vang bản nhạc Việt Nam!Việt Nam! và Quảng Trị Ơi! Quê Hương Giải Phóng.Các thiếu tá Trương Văn Hòa, Lê Văn Lời, Lý Lạc Long chăm sóc cho các anh em suy yếu vì tuyệt thực. Sau cuộc tuyệt thực này, tác giả bị công an vũ trang trói dẫn đi rồi tống vào trại khác cùng với anh Ngọc và anh Hòa. Tại đây các cai tù bu chung quanh chửi rủa và anh sẵn sàng chờ đón cái chết. Thế nhưng một đại cán xuất hiện, hỏi, “Anh cầm đầu tổ chức chống trại? Anh có biết anh tự ký tên chọn cho mình cái chết không?” Và tác giả dõng dạc trả lời, “Thưa ông trại trưởng, và từ sáng tới bây giờ tôi tự hỏi tại sao cái chết lại đến chậm như thế này?” Ông trại trưởng nhìn tôi vô cùng ngạc nhiên rồi nói, “Hừ. Anh muốn chết?” Rồi quay sang đám cai tù, nói, “ Các đồng chí không cần dùng vũ lực đối với các anh này. Hãy cho họ có thì giờ để hiểu thế nào là cải tạo.” Thế là chàng ta thoát chết.
Bình Thuận Tháng Tư 1975
Trong chương này tác giả mô tả lại tình cảnh hỗn loạn và bi thảm của Bình Thuận, thế nhưng, “Các đơn vị vẫn giữ được tính kỷ luật, vẫn dám “chơi” với xe tăng, vẫn gây thiệt hại cho quân chánh quy cộng sản, vẫn bảo toàn đơn vị tránh tổn thất. Bí lối rút trên đường bộ, vẫn tìm được lối ra biển để lên các tàu hải quân an toàn.”
Cơn Sốt Ra Đi và Tại Sao Ở Lại?
Trong chương này tác giả viết: Giữa tình hình mà Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức giao quyền lại cho Phó Tổng Thống Trần Văn Hương tuổi tác già nua mà kinh nghiệm chiến tranh chỉ là một hạ sĩ quan danh dự của một binh chủng thiện chiến. Mặt trận Long Khánh khó cầm cự lâu dài hơn khi không được tăng viện, con đường Sài Gòn-Vũng Tàu bị cắt, QL4 xuống Miền Tây có những dấu hiệu toan tính của địch, tin tức của Đài BBC chỉ làm xấu thêm tình hình. Trong cơn sốt đó tôi tìm gặp ông cố vấn Hoa Kỳ của tỉnh và được hứa cho di tản qua Đảo Guam cùng cả gia đình. Nhưng rời đất nước với các con còn quá nhỏ, vợ không nghề nghiệp, tiếng Anh nghèo nàn, nạn kỳ thị màu da. Chưa kể nếu giờ chót có một giải pháp nào đó, Vùng IV trụ lại được, hai chữ phản quốc làm sao mà chịu nổi vì bỏ nước ra đi. Cho nên tôi quyết định ở lại và chịu 13 năm tù.
Chuyện Người HO.
Tác giả mới định cư vào Hoa Kỳ theo diện HO được ba tháng. Sau bữa cơm của người bạn, chủ nhà cho mở hát Karaoke và bàn tán đủ chuyện rất thời sự. Nào là sửa mắt, bơm ngực, xén cằm, độn mông của các bà… giá ở Việt Nam rẻ hơn rất nhiều. Nào là lời dạy dỗ: Qua đây thứ nhất là trẻ con, thứ nhì phụ nữ, thứ ba chó mèo, thứ tư cây cỏ, còn đàn ông đứng thứ năm. Rồi những câu hỏi khó trả lời, “ Chừng nào thì chế độ cộng sản sụp đổ? Chừng nào bọn tôi trở về Việt Nam (trong danh dự)?” Rồi một ông hứng chí nói, “Chỉ với 200 đô-la, một thằng bạn bao trọn quán bia ôm và một đêm có bốn em ngon lành.” Rồi có những đề nghị kỷ niệm ngày 30 Tháng Tư, mọi người không nên tổ chức hội họp, ăn uống vui chơi cả tháng. Làm như thế là có tội với chiến sĩ hy sinh và đồng bào tử nạn. Rồi có tiếng cãi lại, “Các ông nói cộng sản độc tài, còn các ông thì độc đoán. Kỷ niệm thì kỷ niệm một ngày thôi chứ.” Rồi cuộc tán gẫu lan qua chuyện đàn bà cũng thèm khát xác thịt như đàn ông nhưng vì luân lý Khổng Mạnh ép buộc nên phải chịu thiệt thòi mà thôi.
Cũng trong chương này tác giả kèm theo những bức thư dài gửi vợ thật lâm ly, tha thiết.
Xóm Dương Ngày Ấy
Xóm Dương là một khu có mấy chục ngôi nhà lợp tole, vách, cửa làm bằng mấy tấm bìa hay phên tre của những công nhân đang làm việc cho Sở Hỏa Xa Ốc Lộ Xưởng nơi có những hàng dương hao hao giống như mấy rặng thông già. Cuộc sống của Xóm Dương bỗng thay đổi khi, “Dòng người di cư từ Miền Bắc đổ xuống sân ga Nha Trang mà đa số là giáo dân. Xóm Dương đông đảo hẳn lên với các khuôn mặt và ngôn ngữ Bắc Kỳ có sức nặng riêng của nó”. Cũng trong chương này tác giả kể lại câu chuyện rất hấp dẫn của cậu con trai mới lớn, thua chị Vân ba, bốn tuổi, bị vết thương ở đùi. Cậu dùng thuốc đỏ xoa và bóp vết thương cho chị và đưa tới một màn mà thanh niên mới lớn khao khát nhưng không bao giờ dám nghĩ tới. Độc giả phải tìm đọc chứ tôi không thể nào mô tả được chuyện quá mê ly này, nhất là các chương kế tiếp.
Thay Lời Kết
Đây là một thiên hồi ký viết ra bằng những sự kiện có thực. Tác phẩm đã được Vinh Hồ nhận xét như sau: “Theo tôi, Mắt Nha Trang là một tác phẩm có giá trị về văn chương và lịch sử. Nhiều người Việt Nam, trong đó có người Bắc di cư 1954, người Việt Nam lưu vong tị nạn xứ người, người tù cộng sản, kể cả người trẻ trong và ngoài nước…có thể nhìn thấy hình ảnh mình thấp thoáng trong tác phẩm bằng những đồng cảm, cảm xúc, soi sáng. Và Nguyễn Thị Phương Hiền (Ninh Hòa), “Tôi đã được ông dẫn về “Một Góc Trời Quê Hương”, tìm lại những kỷ niệm của “ Thời Niên Thiếu Ở Ninh Hòa”, rạo rực với “Xuân Trong Mắt Nàng”, xao xuyến với “Xóm Dương Ngày Ấy” để rồi nghẹn ngào với “Bình Thuận Tháng 4/1975” và khóc khi “Mùa Xuân Nhớ Lại Bạn Tù”.
Xin trân trọng giới thiệu
Đào Văn Bình
____________________
Đỗ Hứng gởi