Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
ĐỜI NGƯỜI SỐNG ĐƯỢC BAO LÂU ? 


Trong một lần đi thuyết giảng, Đức Phật đã đến một nơi rất xa xôi. Trên đường đi, Ngài cùng với các môn đồ của mình đã được chứng kiến biết bao cảnh đời, người giàu có, kẻ nghèo có, người khỏe mạnh có, người đau yếu cũng có. Đó vốn là những thứ tất yếu tồn tại trên cõi đời, nhưng khi tận mắt chứng kiến, mới thật xót xa. Đi bộ nhiều ngày khiến đôi chân của họ trở nên chai cứng, nhức mỏi, thậm chí là đau đớn. Họ quyết định nghỉ lại giữa đường.

Khi ngồi dưới bóng của một cái cây lớn, Đức Phật bất ngờ hỏi một môn đồ ngồi gần nhất, là một Shramana (nhà sư, tu sĩ khổ hạnh) rằng, "Đời người dài bao lâu?". Bất ngờ trước câu hỏi của Đức Phật, môn đồ này chẳng kịp suy nghĩ gì, đã trả lời rất nhanh như một phản xạ: "Thưa Đức Phật, đời người có lẽ dài được vài chục năm, nếu người nào sống thọ thì có lẽ được hơn như thế một chút".

Đức Phật nói, "Vậy là ngươi chưa hiểu gì rồi". Sau đó, Đức Phật lại hỏi một môn đồ khác, người này trả lời rằng, "Thưa Đức Phật, chẳng phải ai cũng có thể sống được tới vài chục năm. Có những người chỉ sống được vài năm mà thôi". Đức Phật vẫn nói, "Chưa đúng". "Vậy vài tháng?" Vài tuần?"… "Vài ngày?"… Đức Phật trả lời: "Các ngươi chưa hiểu gì về Phật pháp rồi".

Cuối cùng, chỉ còn lại một môn đồ im lặng từ lúc đầu đến giờ. Đức Phật nhìn anh ta, rồi hỏi, "Còn ngươi, ngươi nghĩ đời người dài bao lâu?". Người này nhìn Đức Phật, lễ phép nói: "Thưa Đức Phật, con nghĩ đời người chỉ dài bằng một hơi thở mà thôi". Nghe thấy thế, tất cả các môn đồ khác đều quay lại nhìn người đã đưa ra đáp án, tỏ vẻ kinh ngạc. Thật sự đời người chỉ ngắn thế thôi sao? Họ hoài nghi, rồi nhìn Đức Phật, lúc này Ngài đang mỉm cười, gật đầu đồng tình, "Tốt lắm. Ngươi đã hiểu được đạo lý trên đời rồi đó".

Lời bàn: Dài hay ngắn, lâu hay chóng, nhiều khi chỉ là cảm giác của con người. Cuộc đời kéo dài mấy mươi năm, nhiều khi ngoảnh lại chỉ nhanh như một cái chớp mắt. Lại cũng có khi, chỉ một đêm mất ngủ, lại thấy nó dài tựa thiên thu. Người xưa từng nói, "Một ngày phương trời, nghìn năm mặt đất".

Trong các câu chuyện cổ của Trung Quốc, Nhật Bản, hay gần gũi nhất là câu chuyện Từ Thức gặp tiên của Việt Nam đều đã nhắc đến vấn đề này. Từ Thức vào động tiên vài năm, trở lại đã ra người thiên cổ. Vậy nên với cõi khác mà nói, sinh mệnh con người đúng là chỉ như một hơi thở mà thôi, ngoảnh đi ngoảnh lại đã mất rồi. Cho nên, con người cũng nhất định không được lãng phí sinh mệnh của mình ở những việc vô bổ, những việc sẽ khiến cho họ phải hối hận.

Ngày nay, có không ít người còn trẻ vẫn cho rằng, cuộc đời là quá dài, "trẻ không chơi, già hối tiếc", thế nhưng, nếu họ chỉ biết ăn chơi, sa đọa, sống một cuộc đời phóng túng, có lẽ họ còn chẳng có một tuổi già để mà hối tiếc, trở thành gánh nặng, thậm chí nỗi bất hạnh cho những người thân yêu của họ. Lại cũng có những người, ngược lại chỉ biết lao vào công cuộc kiếm tiền để thỏa mãn các nhu cầu của bản thân, hoặc mong ước mang đến cuộc sống tốt đẹp cho người mà họ yêu quý, thế nhưng, chớp mắt một cái, phú quý chưa đến, bệnh tật đã đón đầu, và lúc này họ thấm hơn bao giờ hết, chiếc giường đắt nhất là chiếc giường trong bệnh viện. Đừng buông thả, nhưng cũng đừng quá hà khắc với bản thân, bắt nó làm việc hết công suất, khiến nó mệt mỏi cả về thể xác lẫn tinh thần. Có câu nói rằng: "Sinh có hạn, tử bất kỳ".

Trong cõi nhân gian này, không ai biết được chính xác tương lai mình còn lại bao lâu. Vì vậy, hãy trân quý hết thảy những gì ở hiện tại và làm những điều tốt đẹp, hành thiện, tích đức để không phải hối tiếc về sau. Đó cũng chính là chân lý sống để chúng ta mang theo bên mình đi trên con đường hạnh phúc.


_______________


Hoang Nguyen gởi