Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh




 

ĐỜI TRƯỚC TRÓI LOÀI VẬT ĐỂ CHƠI ĐỜI NÀY HAI CHÂN BẠI LIỆT



Thủa xưa, có người họ Lương, tên là Hồng Mãn ở xứ An Định, sanh trong gia đình lễ giáo, nên tuy còn nhỏ tuổi mà tánh tình hòa nhã, khoan hồng độ lượng, xử trí mọi việc đều vừa lòng cha mẹ và thầy bạn. Khi chàng được 15 tuổi, bỗng phát bệnh tê bại, co rút khiến hai chân bị liệt.

Cha mẹ lo thuốc thang điều trị, rước đủ danh y mà kết quả chỉ tiền mất tật mang. Hồng Mãn bèn phát tâm trì tụng kinh Phổ Môn trọn ba năm trời, một lòng tinh tấn không giải đãi.

Một đêm nọ, chàng vừa tụng kinh xong, bỗng thấy có một vị sa môn tay cầm bình bát, đứng lặng im trước mặt chàng.

Hồng Mãn thấy vậy, liền cúi đầu thi lễ hỏi rằng: “Bạch đại sư! Chẳng hay ngài từ đâu tới và có việc chi cần, xin vui lòng khai thị cho đệ tử được biết?”.

Vị sa môn đáp rằng: “Vì ba năm nay ngươi có lòng thành kính, thường niệm danh hiệu ta, nên ta thân hành đến đây để chứng lòng thành của ngươi”.

Hồng Mãn lắng tai nghe xong, cúi đầu đảnh lễ và hỏi rằng: “Bạch cùng đại sư! Nếu vậy ngài quả là bậc phi phàm thị hiện đến đây mà cứu độ đệ tử. Song chẳng biết kiếp trước đệ tử có tạo ác nghiệp chi mà đời này phải chịu quả báo thế này, xin ngài từ bi chỉ dạy để đệ tử hay mà tự sám hối”.

Vị sa môn dạy rằng: “Đời trước, ngươi hay bắt trói vật để chơi nên dư nghiệp ấy làm cho kiếp này ngươi phải mang bệnh như vậy. Nhưng nhờ ngươi ăn năn sám hối nên tội đã diệt, nay ta đến đây trị bệnh cho ngươi, vậy ngươi hãy nhắm mắt lại”.

Hồng Mãn vâng lời, nhắm cả hai mắt thì thấy hai đầu gối đau nhức như đinh đóng vào người. Khi đầu gối bớt nhức, Hồng Mãn bèn mở mắt ra xem, định cúi đầu lạy tạ nhưng vị sa môn đã biến mất. Chàng đứng dậy đi thử, thấy hai chân cứng cáp và đi đứng như thường nên rất đỗi mừng vui.

Chừng ấy, chàng mới nhận ra vị sa môn ấy chính là đức Quán Thế Âm thị hiện đến ban vui cứu khổ cho mình

Hồng Mãn thấy sự linh ứng lại càng gắng chí tu trì, nguyện không cưới vợ và từ bỏ mọi thú vui riêng mình. Chàng sắm lễ, rồi lạy cha mẹ mà tỏ ý không muốn tạo lập gia đình như người ở thế. Cha mẹ chàng nghe vậy cũng chẳng lấy làm vui song thấy con đã quyết tình, nên đành để con được như ý nguyện.

Từ ấy về sau, Hồng Mãn giữ phận tu tại gia, ngày chăm lo mọi việc, nuôi dưỡng cha mẹ già, đêm lại lo tụng kinh, ngồi thiền, hết lòng tinh tấn. Khi cha mẹ đã khuất, chàng lên ở am Thông Thiền Quán, tu tập Pháp môn thiền định rồi lãnh ngộ, nên ngồi thiền trọn ba ngày, hay năm bảy ngày không ăn uống chi mà khí sắc vẫn tươi tỉnh, hưởng thọ 83 tuổi mới viên tịch.



Hoang Nguyen gởi