Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 

Đời Tù Cũng Có Cái Vui


 

Tôi đã nói nhiều về Nguyễn Văn Gôm chỉ vì Gôm đã trở thành người bạn tư tưởng của tôi. Hàng ngày chúng tôi chuyện trò với nhau thật là thoải mái tâm đắc, tin cậy lẫn nhau. Tôi nhớ lại, chỉ sau mấy ngày Gôm ở trại Vĩnh Tiến chuyển về. Tôi để ý một anh cứ vào những buổi trưa, hoặc buổi tối sau giờ sinh hoạt của toán hay tổ. Anh có một ngọn đèn con tí làm bằng chiếc lọ Peniciline; anh ngồi miệt mài đọc sách. Cho đến một buổi tối hôm ấy, một tên bộ đội đi đi, lại lại gác bên ngoài đã đập báng súng vào cửa sổ chỗ anh ta đang ngồi đọc sách quát inh ỏi:


- Anh này đọc sách gì đấy, đưa đây coi!


Tiếng quát làm cho nhiều người quay lại theo dõi. Từ mấy hôm trước tôi cũng đã hơi tò mò muốn biết anh đó đọc loại sách gì nên tôi đã tiến lại gần chỗ tên bộ đội. Tên bộ đội, lôi cuốn sách ra ngoài song cửa, dùng đèn bấm coi; y lật, mở các trang sách; y cho sát miệng vào cửa sổ dằn từng tiếng như hạch hỏi:


- Sách gì mà toàn hình thế này?


Anh đọc sách có một cái cười thật đáng ăn quả thụi, anh ta còn nhay nháy mắt trả lời:


- Sách “Maths” của Liên Xô đấy!


Chắc thấy nói tới Liên Xô nên giọng tên bộ đội dù còn vẻ thắc mắc nhưng đã dịu hẳn lại. Y thò cuốn sách vào trong song cửa trả lại:


- “Mát” là cái gì? Cứ vẽ bậy, vẽ bạ thôi à!


Anh đó cầm lấy cuốn sách, nụ cười diễu cợt lại càng xòe rộng thêm ra. Anh quay lại cũng vừa bắt gặp cái cười đồng tình của tôi. Khi tôi nhìn chiếc bao tải nằm một đống trên cái kệ phía đầu nằm của anh tôi mới chợt nhớ lại. Hôm tên Cẩn khám, đổ bao tải ra chỉ toàn là sách, đủ loại to, nhỏ, dầy, mỏng, nặng chịch. Đến bây giờ tôi mới hiểu toàn là sách toán. Cho nên khi thấy anh muốn mời tôi ngồi nói chuyện, tôi đã sà ngay xuống, rồi chúng tôi quen và thân nhau từ đấy.


Chúng tôi quen và thân nhau, phải nói vì nhiều lý do Gôm tỏ ra rất sắc sảo, khôn quái. Anh có những cái nhìn bén nhậy, sâu sắc về cộng sản. Về mặt nào đó anh cũng là một con người có chí. Anh tâm sự với tôi: “Chương trình toán cao cấp, bên ngoài thường phải học 8 năm. Nhưng trong tù thiếu sách vở lại không có thầy, tôi chủ trương sẽ đeo đuổi ròng rã 12 năm cho xong. Tôi sẽ đi được, bởi vì toán học độc lập với chính trị, càng lại không có tư tưởng cho nên chúng sẽ chẳng làm gì tôi được.” Gôm đã đeo đuổi được 4 năm rồi.


Thấy một người có chí dài như vậy tôi càng khích lệ, động viên để họ đi đến đích. Tôi ngưỡng mộ và mến Gôm vì Gôm là con người sắc sảo và có chí. Ngược lại, Gôm có thiện cảm với tôi chỉ vì từ lâu anh rất thích ngành điệp báo. Anh đã từng xem nhiều sách, báo phim ảnh về loại này, nay anh gặp tôi một điệp viên do CIA đào tạo, huấn luyện từ trong Nam ra. Theo cái óc tưởng tượng có sẵn của anh trước đây, hẳn tôi cũng phải ít nhiều có cái gì đó khác người, nhất là trí thông minh. Anh có biết đâu rằng, nếu anh đọc rõ được những suy nghĩ trong óc tôi, anh sẽ thấy tôi đang ngưỡng mộ, phục anh sát đất. Tôi đang buồn và tự trách tôi: “tại sao trong cuộc đời lại có nhiều người thông minh, thế mà cái óc của mình lại tồi như vậy.”


Chính vì những cái lắt léo của tình đời như trên, nên đã đẻ ra một kỷ niệm khó quên giữa tôi và Gôm. Tôi còn nhớ Gôm có một trò chơi ngộ nghĩnh để thử thách tôi trong những buổi ban đầu chúng tôi quen nhau; để rồi đến hàng chục năm sau chúng tôi còn buồn cười khi nhắc tới:


Một buổi sáng, tôi và Gôm ngồi bên nhau trong hàng đôi của toán, chờ tên Cẩn gọi xuất trại đi lao động. Gôm quay sang tôi nhỏ nhẻ, tỉ tê. Đại cương như sau: để cho đỡ buồn, để óc đỡ phần nào suy nghĩ về những cảnh đen tối của đời tù, Gôm sẽ đố chơi tôi một bài toán, nội dung: có một nhà tư sản Mỹ đi công cán kinh doanh ở Âu Châu. Sau một số ngày, ông ta gặp được một chuyện làm ăn không dự trù trước. Ông ta phải cần có thêm một số tiền, vì thế ông ta gửi một bức điện gấp về Mỹ cho ông Tổng quản lý của ông ta, bảo cần gửi ngay tiền cho ông ta. Óc thực tế của người Mỹ đã trở thành truyền thống “không trả, không tiền, dù một xu cho những cái gì thừa thải, vô ích.” Vì vậy bức điện càng ngắn gọn bao nhiêu, để càng trả ít tiền thì càng tốt bấy nhiêu. Với điều kiện công viêc kết quả thỏa đáng. Hơn nữa, ông ta cũng tin vào khả năng minh mẫn, bén nhậy của người quản lý thân tín mà ông đã thử thách, thực nghiệm nhiều lần.


Nguyên văn bức điện như sau: SEND MORE MONEY. Nếu đúng theo trọn ý của câu thì phải viết: “Send me more money”. Nhưng bỏ chữ “me”, người quản lý vẫn hiểu đầy đủ bức điện mà không phải trả tiền cho chữ “me”. Với sự sáng suốt của ông Tổng quản lý, nhà tư sản tin chắc chắn sẽ nhận được đúng số tiền mà ông ta muốn.


Nếu bạn là người quản lý, bạn sẽ gửi bao nhiều tiền? Toán thì chỉ có một đáp số, vậy số tiền phải là duy nhất”. Theo Gôm, bài toán này, trước đây có người đã đố Gôm. Sau một tuần Gôm đã tìm ra đáp số. Bây giờ, do nhiều năm tháng tù đầy đau thương khổ cực, đầu óc sẽ giảm sự tinh anh, bén nhậy; do đấy Gôm sẽ cho tôi thời hạn là một tháng. Nếu trả lời đúng, Gôm sẽ thưởng cho một gói thuốc lào hai hào.


Tuy trong lòng vẫn đầy ắp mối băn khoăn, lắng lo vì sự hiểu biết và trình độ của mình chỉ có hạn. Nhưng dù sao thời gian ấy, tôi vẫn còn cái tính sục sạo, háo thắng của người thanh niên. Vì thế sau khi hỏi lại biết là không còn một chi tiết nào nữa bổ sung cho bài toán, tôi đã bắt tay Gôm nhận lời.


Như trên tôi đã trình bầy, do bản tính hãy còn sôi nổi; điều gì còn mập mờ, ẩn giấu trước mặt, tôi sẽ phải tìm cho ra với khả năng tối đa của mình. Ngoài khả năng và điều kiện thì chịu. Chính vì vậy, từ buổi nhận lời với Gôm, bất cứ ở đâu hay làm gì; lúc lao động cũng như lúc ăn uống; ỉa đái tắm rửa, thậm chí ngay trong giấc ngủ; bài toán cũng chen lấn vào làm cho giấc ngủ không yên. Còn một điều nữa, tuy không rõ nét nhưng nó nằm sâu trong một ngách của lòng tôi, cũng thúc đẩy sự quyết tâm, tôi phải tìm ra đáp số của bài toán. Đó là tôi cứ tưởng như nếu tôi không giải được bài toán này không những Gôm chỉ coi thường cá nhân tôi mà Gôm còn coi thường dù không nhiều cả cái miền Nam tự do thân yêu của tôi nữa.


Chính vì có nhiều những cái ngấm ngầm kéo lôi như vậy nên chỉ tới ngày thứ ba tôi đã tìm Gôm để giải bài toán này. Gôm đã vồ cả hai tay vào vai tôi đập bành bạch, chào mừng một người bạn trí óc hãy còn tương đối tốt. Dĩ nhiên là tôi không quên nhận gói thuốc lào hút cho nó đã, cho nó sướng cái đời gió mưa.


Kỳ này trong trại cũng có một câu chuyện buồn cười, dù nho nhỏ nhưng tôi vẫn không quên được. Chẳng hiểu từ bao giờ và do ai bắt đầu thì cũng khó mà ai biết. Về cái tục lệ lưu cữu từ hàng bao nhiêu năm nay là đêm đêm bất cứ trại viên nào muốn dậy đi đái, đi ỉa đều phải báo cáo cán bộ, dù có cán bộ hay không cán bộ. Nếu ai phát giác được anh nào dậy vào nhà xí mà không báo cáo là anh đó bị vi phạm nội quy. Bị kết tội là có ý tưởng mờ ám hoặc định trốn tù.


Vấn đề này đã gây ra biết bao nhiêu cảnh cấu xé, chụp mũ cho nhau; thậm chí gây thành thù oán muôn đời. Bởi thế hàng đêm, khúc nhạc đi ỉa, đi đái đã làm quen tai mọi người cũng như tiếng ho tiếng hắng dặng.


“Báo cáo ông cán bộ, tôi xin đi ỉa!”


Phải nói rằng trong lòng mọi người tù, dù là ai; tiến bộ hay không tiến bộ thì cũng đều ít nhiều tức bực cho cái việc phải báo cáo phiền toái, miễn cưỡng này. Có lẽ vì vậy, câu báo cáo, điệu nhạc đêm đi ỉa, đi đái cứ rút ngắn lại dần theo năm tháng.


- Báo cáo ông, tôi xin đi đái!


- Báo cáo ông, xin đi đái!


Nhưng từ ít lâu nay, chẳng biết có ai bảo ai mà hầu như buồng nào cũng vậy. Khúc nhạc đi đái đã đổi nốt thành như sau:


- Báo cáo ông…..đi đái!

- Báo cáo….. ông đi đái!

- Báo cáo…..ông đi ỉa!


Cứ thỉnh thoảng khúc nhạc lại được tấu lên giật đùng đùng trong đêm khuya. Bất cứ ai nghe thấy cũng phải buồn cười, thinh thích. Mà tụi cán bộ đi tuần đêm bên ngoài, chắc sẽ tức ói mật, lộn ruột ra ngoài. Lúc đầu Ban giáo dục còn chỉ thị xuống toán, buồng sinh hoạt, tìm cho ra kẻ nào lại dám báo cáo láo lếu như vậy. Nhưng có thể đây là một quyền lợi chung của mọi người tù, dù cho là loại chó má, antenne, chỉ điểm cũng không muốn cho nên các buồng đã cọ xát, sinh hoạt mấy buổi tối liền nhưng đều vô hiệu. Hơn nữa, vấn đề này rất tế nhị, người ta có muôn ngàn lý do để trả lời. Thí dụ:


Rõ ràng tôi nói: “Báo cáo ông, xin đi ỉa!” nhưng ai đó, một khi đã có ấn tượng trước nên mới nghe ra thế khác; hoặc đang báo cáo thì bị nghẹn v.v…


Tóm lại, khi mọi người đã ít nhiều đồng tình thì chả bao giờ tìm ra thủ phạm cả. Và từ đấy, cho đến sau này, chúng tôi không còn ai nghe thấy khúc nhạc đêm “bất đắc dĩ” ấy nữa. Chắc rằng Ban giáo dục cũng thấy khó mà tìm ra được thủ phạm; vậy thà cho chúng nó miễn báo cáo đi, còn đỡ tức. Chứ cứ đêm đêm nghe chúng nó báo cáo, về nhà lòng cuộn lên anh ách, ăn cơm cũng mất cả ngon.


_____________


Đỗ Hứng gởi