I/ Bản Nhạc “Dòng Sông Xanh”.
Tên chính thức của bản nhạc “Dòng Sông Xanh” là “An der schoenen blauen Donau”, op.314 (By the Beautiful Blue Danube = Tại Dòng Sông Danube Xanh).
Bản nhạc theo điệu luân vũ (waltz) này đã được nhạc sĩ người Áo Johann Strauss II sáng tác vào năm 1866 và trình diễn lần đầu tiên vào ngày 15/2/1867 tại buổi hòa nhạc của Hội Thanh Nhạc Nam của thành phố Vienna (the Vienna Men’s Choral Association = der Vienner Mannergesangsverein).
Đây là một trong các bản nhạc danh tiếng được phổ biến nhiều nhất trong các chương trình biểu diễn âm nhạc cổ điển vào dịp Năm Mới. Tuy nhiên, lần trình diễn đầu tiên chỉ được coi là thành công vừa phải.
Sau khi bản nhạc gốc được viết ra, lời nhạc được thêm vào do nhà thơ Joseph Weyl của Hội Thanh Nhạc rồi sau này nhạc sĩ Strauss II đã viết thêm phần âm nhạc và nhà thơ Weyl đã phải sửa đổi vài lời nhạc.
Nhạc sĩ Strauss II đã dùng phần viết thuần hòa tấu để trình diễn tại Hội Chợ Thế Giới Paris năm 1867 (the Paris World’s Fair) và bản nhạc đã đạt được sự thành công rực rỡ. Từ đó phần âm nhạc dùng nhạc cụ (the instrumental version) đã được thường xuyên trình diễn cho tới ngày nay.
Bản nhạc “Dòng Sông Danube Xanh” (the Blue Danube) được trình diễn lần đầu tiên tại Hoa Kỳ vào ngày 01/7/1867 tại thành phố New York và tại nước Anh vào ngày 21/9/1867 ở thành phố London, tại Covent Garden.
Sau đây là lời nhạc “Dòng Sông Xanh” do Nhạc Sĩ Phạm Duy viết ra cho bản nhạc “The Blue Danube”:
Nhạc: Johann Strauss II
Lời Việt: Phạm Duy
Một dòng xanh xanh, một dòng tràn mông mênh
Một dòng nồng ý biếc, một dòng sầu mấy kiếp
Một dòng trời xao xuyến, một dòng tình thương mến
Một dòng còn quyến luyến, một dòng nhớ,
Quay về miền đời lúc mơ huyền.
Ánh dương lên xôn xao, hai ven bờ sông sâu
Cười giòn tiếng người, đẹp lòng sớm mai
Những cô em tươi môi, ngồi giặt yếm yên vui
Thả ý thắm theo người chở gió về xuôi.
Hát vang lên cho vui, cô nàng ngồi bên tôi,
Đời là khúc nhạc, đời là tiếng thơ
Nước sông reo như ru, cuồn cuộn sóng trôi xa,
Là tiếng hát mơ hồ mời đón lòng ta.
Sông về sông dào dạt ý, hát tang bồng theo tàu mà đi.
Ai giang hồ sau ngàn hải lý, lỡ tình duyên nơi đâu đó, ghé qua kinh kỳ
Sông về, sông cười giòn tiếng, yêu mối tình bên bờ Thành Vienne
Đôi giang hồ quay về bờ bến, ha ha ha ha ha ha ha.
Ôi, mắt em hoe như mây chiều rơi, rơi vàng lòng đời,
Ôi, mắt em xanh như đêm dài, để người quên kiếp mai.
Sông về, sông cười giòn tiếng, yêu mối tình bên bờ Thành Vienne
Đôi giang hồ quay về bờ bến, ngỡ mình vui trong ánh sáng muôn sao Thiên Đàng.
Ngày ấy, có tiếng ai khoan hò thuyền về,
Ngày ấy, có dáng em soi dòng chiều hè,
Ngày ấy, có tiếng ta hát gọi tình về, nước sông miên man trôi đi.
Ngày ấy, lúc đến với em một lời thề,
Ngày ấy, lúc nói với em một chuyện gì,
Ngày ấy, lúc vui cuộc sống nhịp tràn trề, nước sông miên man trôi đi...
II/ Cuộc Đời Của Nhạc Sĩ Johann Strauss II.
Johann Strauss II (25/8/1825 – 03/6/1899) còn được gọi tên là Johann Strauss Trẻ (Jr.) hay Johann Baptiste Strauss, là con trai của ông Johann Strauss I.
Johann Strauss II là một nhà soạn nhạc người Áo, đã sáng tác hơn 500 bản nhạc gồm các điệu luân vũ (waltzes), polkas, quadrilles, loại nhạc nhẹ, đặc biệt là loại nhạc khiêu vũ, nhạc operettas và một bản nhạc ballet.
Vào cuối thế kỷ thứ 19, Johann Strauss II được mọi người đương thời ca ngợi là “vị Vua Nhạc Luân Vũ” (the Waltz King) bởi vì ông nổi danh về các bản nhạc nhịp ba (waltz) tại thành phố Vienna.
Johann Strauss II còn có 2 người em tên là Josef và Eduard Strauss, hai người này cũng là các nhạc sĩ sáng tác loại nhạc nhẹ (light music) nhưng không nổi tiếng bằng người anh.
Các tác phẩm nhạc danh tiếng của Johann Strauss II là bản nhạc “Dòng Sông Xanh” (the Blue Danube), bản nhạc “Luân Khúc của Hoàng Đế” (the Emperor Waltz), bản nhạc “Câu chuyện từ Rừng Vienna” (Tales from the Vienna Woods) và bản nhạc “Tritsch-Tratsch Polka”. Trong các bản nhạc thuộc loại operettas, nổi tiếng nhất là bản nhạc “Die Fledermaus” và bản nhạc “Der Zigeunerbaun”.
1/ Thời Trẻ.
Johann Strauss II sinh ra trong một gia đình theo đạo Cơ Đốc tại thị trấn St. Ulrich, gần thành phố Vienna nước Áo, ngày 25/10/1825, là con trai của ông Johann Strauss I.
Ông nội của nhạc sĩ Johann Strauss II là một người Hungary gốc Do Thái, một sự kiện mà phe Quốc Xã Đức Nazis đã từng tôn sùng loại âm nhạc của Strauss là “thuần Đức” mà lại cố gắng che dấu gốc gác Do Thái của gia đình này.
Còn nhạc sĩ Strauss Cha là người đã không muốn con trai của mình trở nên một nhạc sĩ mà nên là một chủ ngân hàng nhưng dù vậy, cậu Strauss II đã lén lút học đàn vĩ cầm (violin) với vị nhạc sĩ vĩ cầm Franz Amon ngồi hàng đầu trong ban nhạc của người cha.
Vào một hôm, khi ông Strauss Cha khám phá ra rằng cậu con trai đang tập đàn vĩ cầm, ông ta bèn đánh cậu Strauss II thật đau, đánh cho chừa thói tập đàn! Không phải là ông Strauss Cha không muốn người con trai sau này cạnh tranh với mình, mà bởi vì ông ta không muốn đứa con của mình sẽ gặp các khó khăn do cuộc đời của một nhạc sĩ. Và chỉ tới khi ông Strauss Cha bỏ bê gia đình để theo đuối cô bồ Emilie Trampusch thì cậu Strauss II mới có thể tập trung hoàn toàn vào nghề viết nhạc cùng với sự trợ giúp của người mẹ.
Cậu Strauuss II học đối điểm (counterpoint) và hòa âm (harmony) với G.S. Joachim Hoffmann là một nhà dạy nhạc lý thuyết và cũng là chủ của một trường tư thục âm nhạc. Tài năng của cậu Strauss II còn được xác nhận do nhà soạn nhạc Joseph Drechsler là người đã dạy cho cậu làm các bài tập về hòa âm.
Một nhạc sĩ vĩ cầm khác là ông Anton Kollman của Rạp Hát Opera Hoàng Gia thuộc thành phố Vienna (the Vienna Court Opera) đã viết ra các lời khen ngợi Johann Strauss II, rồi cùng với giấy tờ này, Johann Strauss II đã nạp đơn xin giấy phép hành nghề của các thẩm quyền âm nhạc thuộc thành phố Vienna. Johann Strauss II cũng thành lập một ban nhạc riêng, nhỏ, tuyển mộ các nhạc công từ quán rượu Zur Stadt Belgrad, đây là nơi mà các nhạc sĩ thường được tuyển dụng.
2/ Bắt Đầu Là Một Nhà Soạn Nhạc.
Ảnh hưởng của người cha là ông Johann Strauss I tại các cơ sở giải trí địa phương đã khiến cho nhiều người không muốn mướn cậu nhạc sĩ con trai là Johann Strauss II nhưng cậu này đã được thuê trình diễn âm nhạc tại sòng bài Casino tại khu vực Hietzing, một khu ngoại ô của thành phố Vienna. Ông Strauss cha nổi giận vì người con trai không vâng lời nên đã từ chối đánh đàn tại sòng bài kể trên dù cho đây là nơi mà ông đã tham gia lâu ngày và nổi tiếng.
Johann Strauss II bắt đầu vào nghề âm nhạc tại cơ sở của ông Dommayer vào tháng 10/1844, tại nơi này ông đã trình diễn các tác phẩm đầu tiên như 2 bản nhạc nhịp ba “Singeditchte” Op. 1, bản “Gunstveber” Op.4 và bản nhạc polka “Herzenslust” Op.3. Báo chí và các nhà phê bình đã đồng loạt ngợi khen loại âm nhạc của Johann Strauss II.
Sau đó Johann Strauss II được mời nhận chức Nhạc Trưởng của Trung Đoàn Công Dân thứ hai của thành phố Vienna (Kapellmeister of the 2nd Vienna Citizen’s Regiment) bởi vì chức vụ này bị bỏ trống trong 2 năm sau khi nhạc sĩ Joseph Lanner qua đời.
Thành phố Vienna bị tàn phá do cuộc cách mạng vào năm 1848 trong Đế Quốc Áo (the Austrian Empire) rồi cũng vì thế, sự xung đột giữa hai cha con lại càng hiện rõ. Johann Strauss II đã đứng về phía của các nhà cách mạng và quyết định này đã khiến cho Hoàng Gia Áo đã 2 lần từ chối, không chấp nhận Johann Strauss II vào chức vụ Nhạc Trưởng Hofball musik direcktor và chức vụ này đã được dành cho ông Johann Strauss I bởi vì các đóng góp của ông ta. Ngoài ra Johann Strauss II còn bị bắt giữ bởi nhà cầm quyền của thành phố Vienna bởi vì ông nhạc sĩ trẻ này đã trình diễn ở nơi công cộng bản nhạc “La Marseillaise”, nhưng rồi sau đó Johann Strauss II đã được tha bổng.
Ông Johann Strauss I cha là người trung thành với chế độ quân chủ nên đã sáng tác bản hành khúc “Radetzky March” Op.228, để riêng tặng cho Thống Chế Joseph Radetzky von Radetz của Triều Đại Habsburg và đây là bản nhạc danh tiếng nhất của ông Johann Strauss I.
Khi ông Johann Strauss I cha qua đời vì bệnh sốt ban đỏ (scarlet fever) tại thành phố Vienna vào năm 1849 thì nhạc sĩ Strauss con đã tham dự vào cả ban nhạc hòa tấu lẫn các lần trình diễn nơi xa. Sau này Johann Strauss II đã sáng tác một số bản nhạc hành khúc ái quốc để riêng tặng Hoàng Đế Habsburg là Franz Joseph I, chẳng hạn như 2 hành khúc “The Kaiser Franz Joseph Marsch” Op. 67 và “The Kaiser Joseph Rettungs Jubel Marsch” Op. 126, có lẽ là để lấy lòng chế độ quân chủ mới sau cuộc cách mạng năm 1848.
3/ Thăng Tiến Nghề Nghiệp.
Sau đó Johann Strauss II lại nổi danh hơn người cha và trở nên một trong các nhà soạn nhạc điệu “luân vũ” (waltz) được nhiều người biết tới nhất và ông đã cùng ban nhạc đi trình diễn tại các nước Áo, Ba Lan và Đức. Ông nạp đơn xin làm Nhạc Trưởng của Dàn Nhạc Khiêu Vũ Hoàng Gia (Hofballmusikdirektor = Music Director of the Royal Court Balls) rồi cuối cùng ông cũng nhận được chức vụ này vào năm 1863.
Trước kia vào năm 1853, Johann Strauss II bị căng thẳng tinh thần và thể chất nên phải đi tĩnh dưỡng tại miền quê trong 7 tuần lễ theo lời khuyên của bác sĩ. Người em của ông là Joseph được gia đình khuyên nên tạm nghỉ nghề kỹ sư để thay thế Johann Strauss II trong ban hòa tấu.
Qua năm 1855, Johann Strauss II nhận lời trình diễn âm nhạc tại Sảnh Đường Vauxhall của thành phố Pavlovsk, nước Nga, vào năm 1856 rồi sau đó, mỗi năm ông đều trở lại nước Nga để trình diễn âm nhạc cho tới năm 1865.
Sau này vào các năm 1870, Johann Strauss II và ban nhạc đã qua Hoa Kỳ trình diễn, đã tham dự vào Đại Nhạc Hội Boston và ông là Nhạc Trưởng của “Buổi Hòa Nhạc Quái Vật” (Monster Concert) trong đó có hơn 1,000 nhạc sĩ trình diễn và họ đã trình bày bản nhạc “Dòng Sông Xanh” (The Blue Danube Waltz) cùng với một số bản nhạc khác, tất cả đã được hoan hô nhiệt liệt.
4/ Hôn Nhân.
|
Johann và Adele Strauss
|
Vào năm 1862, Johann Strauss II cưới cô ca sĩ Henrietta Treffz và gia đình này còn tồn tại tới khi cô Treffz qua đời vào năm 1878. Sáu tuần lễ sau đó, nhạc sĩ Strauss lại kết hôn với cô nữ diễn viên Angelika Dittrich. Cô Dittrich không phải là người hâm mộ thứ âm nhạc của Strauss và rồi do sự khác biệt giữa quan niệm và hoàn cảnh, đặc biệt do cách cư xử không khéo léo của cô Dittrich nên nhạc sĩ Strauss đã xin ly dị cô này.
Do Nhà Thờ Cơ Đốc không cho phép ly dị, nhạc sĩ Strauss đã thay đổi tôn giáo và quốc tịch để rồi trở nên công dân của xứ Saxe-Coburg Gotha vào tháng 1 năm 1887.
Johann Strauss II tìm được sự khuây khỏa nơi người vợ thứ ba là cô Adele Deutsch mà ông ta cưới vào tháng 8/1887. Bà vợ này đã khuyển khích tài năng sáng tạo của nhạc sĩ Strauss nhờ vậy đã xuất hiện nhiều nhạc phẩm danh tiếng như các bản nhạc vũ kịch ngắn (operettas) Der Zigeunerbaron và Waldmeister và các bản nhạc luân vũ (waltzes) “Kaiser – Walzer” Op. 437, “Kaiser-Jubilaum” Op. 434 và “Klug Gretelein” Op. 462.
5/ Các Nhạc Sĩ Cùng Thời Và Các Người Ái Mộ.
Vào hậu bán thế kỷ 19, mặc dù Johann Strauss II là nhà soạn nhạc loại nhạc khiêu vũ được dân chúng ái mộ nhất, nhưng vẫn có các nhạc sĩ khác cùng thời đang cạnh tranh với nhạc sĩ Strauss, đó là các nhạc sĩ Karl Michael Ziehrer và Emile Waldteufel, nhạc sĩ sau này là người rất nổi tiếng tại thành phố Paris.
Ngoài ra còn có nhạc sĩ Phillip Fahrbach, người đã thắng Johann Strauss II khi tranh tài vào chức vụ Nhạc Trưởng KK Hofballmusikdirektor. Cũng tại thành phố Paris còn có nhạc sĩ sáng tác các bản vũ kịch ngắn (operettas) tên là Jacques Offenbach.
Johann Strauss II cũng được ngưỡng mộ bởi vài nhạc sĩ danh tiếng khác, đó là nhạc sĩ
Richard Wagner, ông này đã thừa nhận rằng ông rất ưa thích bản nhạc luân vũ “Wein, Weil und Gesang” Op. 333. Ngoài ra nhạc sĩ Richard Strauss (không có liên hệ với gia đình Strauss II) cũng gọi Johann Strauss II là một thiên tài âm nhạc của thành phố Vienna.
Johannes Brahms là nhạc sĩ rất thân với Johann Strauss II, đã đề tặng bản nhạc luân vũ “Seid umschlugen, Millionen!” (Be embraced, You Millions = Hãy ôm nhau, Hàng triệu Bạn ơi) Op. 443. Có một giai thoại kể rằng bà vợ Adele của nhạc sĩ Johann Strauss II có một dịp lại gần nhạc sĩ Johannes Brahms để yêu cầu ông này ký tên vào chiếc quạt của bà ta. Nhạc sĩ Brahms đã viết vài trường canh của bản nhạc “Dòng Sông Xanh” rồi điền vô bên dưới: “Rất tiếc, không phải là do Johannes Brahms”.
6/ Các Nhạc Phẩm Sân Khấu.
Các bản nhạc vũ kịch ngắn (operettas) nổi tiếng nhất của Johann Strauss II là các bản Die Fledermaus, Eine Nacht in Venedig và Der Zigeunerbaron. Johann Strauss II cũng viết nhiều nhạc phẩm khiêu vũ (dance pieces) rút ra từ các bản vũ kịch, chẳng hạn như bản “Cagliostro-Walzer” Op. 370 (từ bản Caliostro in Wien), bản “O Schoener Mai” Op. 375 (từ bản Prinz Methusalem), bản “Rosen aus dem Suden” walzer Op. 318 (từ bản Das Spitzentuch der Koenigin” và bản “Kuss-Walzer” Op. 400 (từ bản Der Lastige Krieg).
Johann Strauss II cũng viết ra bản nhạc kịch Opera “Ritter Pazman” trong khi đang sáng tác nửa chừng bản nhạc ballet Aschenbrodel thì ông qua đời tại thành phố Vienna vào ngày 3 tháng 6 năm 1899 vì bị sưng phổi (pleuro pneumonia), thọ 73 tuổi. Ông được chôn cất trong nghĩa trang Zentralfriedhof.
Cho tới ngày nay, các bản nhạc của Johann Strauss được trình diễn thông thường hàng năm tại Buổi Hòa Nhạc của Năm Mới tại thành phố Vienna (the Vienna New Year’s Concert). Các nhạc trưởng đặc biệt chỉ huy các Buổi Hòa Nhạc kể trên gồm có nhạc sĩ Willi Boskovsky với truyền thống điều khiển ban nhạc với tay phải cầm cây đàn vĩ cầm, rồi kế tiếp là các nhạc sĩ danh tiếng Herbert von Karajan, Carlos Kleiber, Lorin Maazel, Zubin Mehta và Ricardo Muti.
Từ năm 1987, nhạc sĩ vĩ cầm người Hòa Lan là Andre Rieu đã thành lập Ban Hòa Tấu Johann Strauss và ban nhạc danh tiếng này đã đi trình diễn hàng năm tại nhiều thành phố lớn trên khắp Thế Giới.
Phạm Văn Tuấn (violinist)
Tài liệu tham khảo: Wikepedia.org., Britannica Encyclopedia; Donald Jay Grout, A History of Western Music, W.W. Norton, N. Y. 1996; Dr. Kern Holoman, Masterworks, Prentice Hall, N. J. 1998
usaelection gởi