Đức Phật độ cư sĩ Vappa
Buổi chiều, Tôn giả Moggallana (Mục Kiền Liên) đi dạo quanh tinh xá thì thấy một cư sĩ bước vào chắp tay chào. Tôn giả chắp tay đáp lễ và hỏi:
- Thưa hiền giả, tôi nhớ ta có gặp nhau lần trước rồi.
Người cư sĩ đáp:
- Thưa Tôn giả Moggallana, con là Sakya Vappa, dòng dõi lâu đời ở kinh thành Kapilavatthu này.
Tôn giả Maha Moggallana đưa cư sĩ Vappa vào ngồi ghế nơi nhà mát để nói chuyện tiếp đãi. Cư sĩ Vappa nói tiếp:
- Thưa Tôn giả Moggallana, con là đệ tử của giáo phái Nigantha lõa thể từ lâu. Tuy nhiên con vẫn rất cảm mến đức độ của Thế Tôn Gotama nhưng không hiểu nhiều về giáo pháp của Thế Tôn Gotama lắm.
Khi con còn bé, cha của con thường hay nói rằng xứ Sakya này có Thái tử Siddhatta thì sau này sẽ trở nên một đế quốc hùng mạnh cai trị cả cõi Diêm phù đề. Nhân dân chúng con vẫn ngưỡng mộ Thế Tôn Gotama từ lâu. Sau này Thái tử đi xuất gia rồi thành vị Đạo sư lừng danh làm rạng rỡ đất nước Sakya bởi Chánh pháp chứ không phải bởi quyền lực cai trị. Lúc đó thì con đã gặp gỡ các vị đạo sĩ Nigantha và quy y theo giáo pháp của Nigantha rồi.
Giáo pháp của Nigantha cũng rất hay, rất có trí tuệ, có thể đưa con người giải thoát khỏi khổ đau.
- Này hiền giả Vappa, hãy nói cho tôi nghe con đường vượt thoát khổ đau mà các đạo sĩ Nigantha tuyên giảng xem.
- Thưa Tôn giả Moggallana, giáo chủ Nigantha nói rằng, đau khổ là do nghiệp báo. Trong quá khứ ta đã làm cho chúng sinh đau khổ thì về sau ta sẽ bị đau khổ trở lại. Nhận thức rõ điều đó rồi, một Nigantha phải dừng tay tạo nghiệp. Mà muốn dừng tay tạo nghiệp thì phải hết tham lam, mà muốn hết tham lam thì phải tập sống giản dị.
Phải tập sống giản dị đến nỗi chẳng cần lệ thuộc đến y phục nữa, còn mọi thứ khác thì cực kỳ tối giản. Khi một đạo sĩ Nigantha đạt đến cảnh giới siêu giản dị, không có y phục, tâm sẽ rất tự tại không còn cảm giác hổ thẹn khi phải lõa thể trước mặt mọi người. Ai trút bỏ xiêm y mà còn mắc cỡ thì người đó chưa tự tại...
(Lúc đó có nhiều tỳ kheo kéo đến lắng nghe.)
- Này hiền giả Vappa, hiền giả nghĩ thế nào, nếu một người đã diệt trừ hết mọi vọng động phiền não thì người đó còn đau khổ không?
- Thưa Tôn giả Moggallana, theo quan điểm của Nigantha thì do nhiều kiếp quá khứ đã từng tạo nhiều ác nghiệp, nên dù nội tâm có thanh tịnh gì thì khi quả báo đến ta vẫn phải chịu nhiều đau khổ.
Chợt mọi người nhìn thấy Đức Phật đang đi đến nên vội vàng đứng dậy cung kính xá chào. Đức Phật vào ngồi trên tòa chính, chư Tăng ngồi thấp xuống trước mặt và hai bên. Đức Phật hỏi:
- Này các tỳ kheo, các ông đang nói chuyện gì dang dở vậy?
Tôn giả Maha Moggallana thưa:
- Bạch Thế Tôn, có cư sĩ Vappa này cũng dòng dõi Sakya, tu theo Nigantha lõa thể, cũng có lòng quý kính Thế Tôn, đến đây thăm tinh xá và sẵn dịp trao đổi vài đạo lý. Con hỏi cư sĩ Vappa là theo giáo lý của Nigantha thì làm sao để thoát đau khổ, cư sĩ Vappa nói rằng theo giáo chủ của Nigantha thì đau khổ là do nghiệp, dù có thanh tịnh nội tâm thì khi quả báo đến vẫn phải trả nghiệp một cách đau khổ. Câu chuyện của chúng con vừa đến ngang đây ạ.
Đức Phật bảo:
- Này Vappa, nếu ông có thể lắng nghe Ta, có thể đồng ý với những điều mà ông chấp nhận, có thể thoải mái bác bỏ những điều mà ông không chấp nhận, và có thể hỏi lại cho rõ những điều mà ông chưa hiểu rõ, thì giữa chúng ta có thể có một cuộc pháp thoại.
- Bạch Thế Tôn, uy đức của Thế Tôn sáng chói, con đâu dám trái lời, nhưng Thế Tôn đã mở lời như thế thì con xin vâng ạ.
- Này Vappa, quan điểm của ông cho rằng đau khổ là do trả nghiệp, nhưng này Vappa, Ta nói đau khổ là trạng thái của nội tâm. Ví dụ như có người nghiệp quá khứ vẫn còn, nhưng người này sống đời đạo đức, thúc liễm thân tâm, diệt trừ các phiền não. Này Vappa, ông nghĩ khi nghiệp quả đến, người này có đau khổ giống như những người khác không?
- Bạch Thế Tôn, con tin rằng khi trả nghiệp quá khứ, người này không bị đau khổ giống như các kẻ phàm phu khác ạ.
- Này Vappa, ví như có người sống đời đạo đức, không làm điều gì sai lầm nữa, chỉ làm các việc lành, thúc liễm thân tâm, diệt trừ các phiền não, tinh tấn tu tập thiền định, diệt trừ các cảm thọ, không còn cảm giác vui, không còn cảm giác buồn, cuối cùng chỉ còn một cảm thọ cực kỳ vi tế là cảm giác sinh mạng đang tồn tại mà thôi. Này Vappa, ông nghĩ người như thế có nghịch cảnh nào làm cho đau khổ được nữa không?
- Bạch Thế Tôn, lời vàng ngọc của Thế Tôn làm con xúc động. Mọi cảm thọ đều hết sạch, không có cảm giác vui, không có cảm giác buồn, chỉ còn một cảm thọ cực kỳ vi tế là cảm giác sinh mạng đang tồn tại mà thôi. Con chưa chứng đắc đến trạng thái đó, nhưng con có cảm nhận một sự tự tại sâu xa của hành giả đạt đến chỗ thanh tịnh như thế. Bạch Thế Tôn, người như thế thì dù nghiệp quả xưa có xảy ra bi thảm thế nào cũng không làm vị đó đau khổ được.
- Này Vappa, ví như có người đến một cái cây mọc sai chỗ cần phải đốn hạ. Người ấy chặt các cành nhỏ, chặt các cành lớn, rồi cưa đổ các thân cây to. Rồi người ấy đào lên các rễ to, đào lên các rễ nhỏ, không còn sót một chút rễ nào. Người ấy đem tất cả gốc rễ ấy làm củi đốt thành tro bụi không còn thừa. Này Vappa, ông nghĩ cây đó có thể mọc lại nữa không?
- Bạch Thế Tôn, cây ấy không thể nào đâm chồi non mọc lại thân cây mới được nữa ạ.
- Này Vappa, ví như có người sống đời đạo đức, không làm điều gì sai lầm, chỉ làm các việc lành, thúc liễm thân tâm, diệt trừ các phiền não, tu tập thiền định sâu xa, bứng lên gốc rễ vô minh, mọi cảm giác đều sạch, chỉ còn cảm giác về một thân mạng tồn tại, không động tâm bởi bất cứ điều gì, biết rõ sau khi thân hoại mạng chung sẽ chẳng còn tái sinh. Này Vappa, người như thế có điều gì làm cho đau khổ xuất hiện trở lại nơi người ấy nữa không?
Cư sĩ Vappa quỳ lên khóc:
- Bạch Thế Tôn, con giống như người lao động miệt mài bao nhiêu năm mà không dư thêm chút tài sản nào mà chỉ bị hư hao thêm, như người trồng lúa sai lầm bao nhiêu năm chẳng thu hoạch được gì khi mùa đến. Cũng vậy, bao nhiêu năm con hầu hạ những kẻ tà kiến sai lầm khiến cho đạo hạnh của con chẳng tăng trưởng chút nào cả mà chỉ chuốc lấy phiền toái mệt mỏi khổ đau. Con xin rũ bỏ niềm tin với những đạo sĩ Nigantha cho gió cuốn bay đi, cho nước cuốn trôi đi.
Bạch Thế Tôn, Thế Tôn đã dựng lại chân lý từ lâu bị quăng ngã, Thế Tôn đã chỉ ra con đường từ lâu bị rừng rậm che khuất, Thế Tôn đã thắp ánh sáng vào trong căn nhà tăm tối cho chúng con nhìn thấy rõ mọi điều. Xin Thế Tôn chứng minh tấm lòng của con, từ nay con xin quy y Thế Tôn, quy y Chánh pháp của Thế Tôn, quy y các Tôn giả là đệ tử của Thế Tôn. Mãi mãi muôn đời con xin kính thờ tuyệt đối.
Cư sĩ Vappa đảnh lễ Đức Phật...
(St)
__________________
Hoang Nguyen gởi
