ĐỨC PHẬT MUỐN CHO NGƯỜI ĐỆ TỬ CỦA MÌNH ĐƯỢC RA ĐI TRONG MỘT HÌNH HÀI TỬ TẾ, ĐÀNG HOÀNG

Có vị trưởng lão tên Pùtigatta Tissa, sau khi xuất gia, thọ giới và trải qua một thời gian tu hành, bỗng nhiên khắp cơ thể nổi lên những mụn nhọt không thể chữa lành, cực kỳ đau đớn. Dần dần mụn nhọt vỡ ra, thịt bị thối, giòi bọ xuất hiện và bu vào các vết loét (Thật ra giòi là loài vật thân thiện, xuất hiện ở đâu chúng sẽ ăn vi khuẩn ở đó, nhìn thì ghê rợn nhưng chúng đang cứu ta).
Thời đó chưa có thuốc kháng sinh nên người ta không có cách nào để chữa trị, vì thế căn bệnh của trưởng lão Pùtigatta Tissa mỗi ngày một nặng hơn. Có lẽ đây cũng là một dạng ung thư mà người thời xưa chưa biết tới.
Ban đầu các tỳ kheo còn đến chăm sóc nhưng càng về sau bệnh tình của ngài ngày càng thê thảm: mùi tanh hôi lan ra, ngài không ăn uống được gì trong khi việc đại tiện hay tiểu tiện đều khó khăn. Nếu ngài nằm chung liêu phòng với các tỳ kheo khác thì mùi hôi sẽ ảnh hưởng đến mọi người, thế nên các tỳ kheo đã đưa ngài ra ngoài hiên rồi làm một sạp tre để ngài nằm cho tiện việc dọn rửa, vệ sinh. Rồi dần dần các huynh đệ của ngài cũng ít ngó ngàng đến, bởi tâm lý con người là vậy - ít ai chăm sóc cho người bệnh được chu đáo.
Có lẽ do biết đã đến lúc cái nghiệp của ngài gần mãn nên một buổi sáng Đức Phật đã đến thăm. Sau khi ân cần hỏi han, Phật gọi vài tỳ kheo đến cùng phụ Người lau rửa, vệ sinh cho trưởng lão Pùtigatta Tissa. Trong kinh diễn tả rất kỹ: Trước tiên Phật gỡ tấm y bên ngoài cho người mang đi giặt sạch, phơi hong. Rồi Phật dùng khăn nhúng vào nước ấm, đích thân lau cơ thể, lau từng vết thương, dọn rửa giường chiếu cho trưởng lão Pùtigatta Tissa. Lúc tấm y bên ngoài đã khô, Phật bảo các tỳ kheo hãy gỡ y nội bên trong ra đem giặt phơi, quấn chiếc y bên ngoài che chắn cơ thể lại. Tự tay Phật lại tiếp tục lau rửa sạch những vết thương. Rồi Phật mặc lại y trong, y ngoài đàng hoàng cho trưởng lão Pùtigatta Tissa và đọc bài kệ:
Không bao lâu thân này
Sẽ nằm dài trên đất
Bị vứt bỏ vô thức
Như khúc cây vô dụng.
Phật vừa kết thúc bài kệ, trưởng lão Pùtigatta Tissa lập tức chứng đạo, nhẹ nhàng bỏ thân nhập Niết bàn luôn. Các tỳ kheo chưa đắc đạo thấy vậy rất ngạc nhiên, không hiểu tại sao mới giây phút trước trưởng lão Pùtigatta Tissa còn rên khe khẽ, có vẻ đau đớn và bất an, vậy mà sau khi được Đức Phật chăm sóc và nghe một bài kệ ngắn chỉ bốn câu, ngài đã lập tức mỉm cười ra đi thanh thản. Không những thế, ngài còn được Đức Phật làm lễ trà tỳ theo nghi thức dành cho một vị Alahán. Các vị liền hỏi Đức Phật rằng vì nhân duyên gì mà có sự kiện kỳ lạ đó? Tại sao một phàm phu tầm thường đang đau đớn bởi bệnh tật, trong thoáng chốc đã thành một vị Thánh được Đức Phật tôn trọng như thế? Đức Phật mới kể lại nhân duyên của nhiều kiếp xa xưa:
Vào thời rất xa xưa, trưởng lão Pùtigatta từng là người thợ săn chuyên đi bẫy chim. Thuở đó người ta chưa mua chim để phóng sinh như bây giờ. Ngày nay nhiều người đi bắt chim nhốt lại đợi khách đến mua đem đi thả, rồi lén bẫy lại cho khách mua thả nữa, nếu có con nào chết thì họ mới ăn thịt, còn chừng nào chúng vẫn sống thì cứ bán đi bán lại cho mọi người phóng sinh. “Nhờ” những người mua chim phóng sinh như thế nên chim chóc không chết ngay mà cứ chết từ từ, vậy thôi.
Người thời xưa chưa biết phóng sinh theo cách đó, mà họ chỉ mua chim để ăn thịt và lúc đó trưởng lão Pùtigatta là một người thợ săn chuyên bẫy chim. Những lúc bẫy được nhiều, người thợ săn này không thể bán hết một lần và cũng sợ chúng sẽ bay đi mất. Cho nên cứ mỗi lần đặt bẫy thành công, việc đầu tiên là người này sẽ bẻ gãy hai cánh cho chúng khỏi bay, bẻ hai chân cho chúng khỏi chạy, rồi chất thành đống trong một cái giỏ để bán dần và yên tâm là không mất đi đâu được.
Do ác nghiệp này nên ngài phải thọ quả báo rất thê thảm. Tuy nhiên, cũng trong kiếp làm thợ săn, ngài đã có cơ hội gặp được một vị Độc Giác Phật: Ngày nọ, một vị Độc Giác Phật tình cờ đi khất thực ngang qua nhà của người thợ săn, người này chợt khởi lên thiện tâm, mang thức ăn ra cúng dường và thành tâm phát nguyện: "Xin cho con được dự vào quả vị của Ngài". Thật ra, khi đó người thợ săn không hề biết vị kia là Độc Giác Phật, cũng chẳng rõ vị ấy chứng đến mức nào, chỉ mong rằng vị kia tu đến đâu thì xin cho mình được chứng đến ngang đó. Câu nói chỉ đơn giản như vậy, nhưng không ngờ nói nhằm một vị Độc Giác Phật và vị này cũng từ bi chấp nhận: "Lành thay, lành thay" rồi vị Độc Giác Phật nhận thức ăn, chú nguyện và rời đi. Nhờ thiện nghiệp này mà dòng luân hồi của người thợ săn đã có một chút nhân của sự giải thoát.
Như vậy, trong một kiếp người thợ săn đã gieo hai cái nhân, một là nhân lành nhờ cúng dường bậc Thánh và hai là ác nghiệp do sát sinh. Từ hai cái nhân này, người thợ săn đã phải trải qua rất nhiều kiếp trôi lăn khổ sở, cứ tu rồi bị đọa, tu rồi bị đọa lặp đi lặp lại.
Tuy nhiên, cái thiện căn tu hành vẫn nảy nở dần, nảy nở dần. Cho đến đời ngài được gặp Đức Phật Thích Ca thì cũng là lúc những nghiệp xưa đều đã chín mùi. Quả báo săn bắn hay sát sinh của nhiều kiếp đã đến lúc phải trả một lần cho xong, và lời nguyện ước chứng đạo cũng đến lúc phải thành tựu. Cho nên trong kiếp đó ngài vừa được xuất gia tu hành, mà vừa phải gánh chịu cơn bệnh vô cùng khốc liệt.
Ở đây ta thấy, nếu không có con mắt nhìn ngược về vô lượng kiếp xưa, chúng ta sẽ không hiểu được con người. Chẳng hạn, thấy ai có vẻ hiền lành mà sao khốn khổ, bệnh tật, bất hạnh quá, rồi bao nhiêu điều không may cứ dồn dập theo đuổi... ta không thể giải thích nổi.
Thật ra, mọi chuyện đều có nguyên nhân phía sau, chỉ vì ta không đủ trí tuệ để tìm ra mà thôi. Chẳng hạn, nếu chỉ nhìn bằng con mắt thường, ta sẽ thắc mắc tại sao người này ăn ở hiền lành mà thường gặp xui, hoặc kẻ kia tu hành tử tế mà khốn khổ đến thế... đâu biết rằng cái nghiệp báo ẩn giấu quá sâu, quá xa xưa, từ nhiều kiếp trước. Nên khi gặp những trường hợp như thế này, người nào không có niềm tin vững chắc vào luật Nhân Quả, không có trí tuệ sâu sắc sẽ bị lung lay ngay. Thậm chí, nhiều người không tin vào luật Nhân Quả chỉ vì không lý giải được điều này. Mà không tin nhân quả là một điều bất hạnh cho cuộc đời của chúng ta.
Vị tỳ kheo trong câu chuyện trên cũng thuộc trường hợp này, tức là ngài tu hành rất nghiêm túc, tinh tấn vậy mà tự nhiên bị nổi cơn bệnh đến độ các huynh đệ chung quanh đều chán nản, không ai muốn chăm sóc nữa. Tuy rằng các vị tỳ kheo đều rất từ bi, rất thương yêu người huynh đệ của mình, nhưng dần dần các vị cũng mất kiên nhẫn. Khi mọi người đã quá chán nản thì Đức Phật tìm đến, Người chăm sóc vị tỳ kheo lâm bệnh còn hơn một người mẹ chăm sóc con. Đích thân Người đến tháo y, tắm giặt, lau rửa sạch sẽ mọi điều.
Ta biết rằng, nhiều trường hợp Đức Phật đã xuất hiện vào thời điểm rất đặc biệt để cứu gỡ một vấn đề nào đó. Tại sao Người không xuất hiện trước hoặc sau mà lại chọn đúng lúc đó? Vì trí tuệ của Phật, chúng ta không thể lý giải nổi, chỉ biết thán phục mà thôi. Với trưởng lão Pùtigatta Tissa cũng vậy, Phật đã đến đúng lúc nghiệp xưa của trưởng lão sắp hết, thọ mạng sắp tận mà cái duyên chứng đạo cũng đã tới.
Nếu bỏ qua yếu tố thần thông hay trí tuệ, chỉ nói về cách cư xử của Phật, chúng ta cũng cảm nhận được lòng từ bao la hơn cả người mẹ thương con, khiến ai cũng cảm động. Tại sao? Vì trong năm giác quan thì chúng ta thường rất khó chịu khi mũi phải ngửi mùi hôi thối, lưỡi phải nếm vị dơ bẩn, bởi hai điều này đến gần với ta quá. Ví dụ nếu mắt nhìn cảnh bẩn thỉu hay tai nghe lời nói không hay, thì dù không thích ta vẫn chịu được. Nhưng đến lúc mũi ngửi thấy mùi hôi, da thịt sờ chạm vào thứ dơ bẩn thì ta bị dị ứng, còn nếu mình phải bỏ vào lưỡi nếm nữa thì có khi ta chết luôn, không chịu được.
Vì thế, khi một người bệnh tới mức có mùi hôi, rồi khi chăm sóc tay chân ta phải chạm vào nơi dơ bẩn để lau rửa thì thường ít người làm được. Giống như người con chăm sóc cho cha mẹ bệnh yếu đến giai đoạn mà cha mẹ tiêu tiểu không còn kiểm soát, phải nằm bất động, bài tiết tại chỗ... Lúc đó mũi người con phải ngửi mùi tanh hôi, tay chân phải chạm vào chất bẩn. Và sự tiếp xúc với những thứ bẩn thỉu luôn khiến chúng ta rất khó chịu. Chỉ những người có tình thương rất lớn với nhau mới vượt qua nổi, chẳng hạn chỉ người con nào có tấm lòng rất hiếu thảo mới chăm sóc cha mẹ tận tình được. Do vậy, nếu đôi khi vì bệnh tật mà ta phải nằm viện và được các nhân viên y tế chăm sóc ân cần thì lòng mình phải rất biết ơn, không bao giờ được quên. Bởi ta hiểu rằng việc tiếp xúc với những vật hôi thối là điều khó chịu vô cùng.
Trong câu chuyện này, những huynh đệ của trưởng lão Pùtigatta mới đầu còn tới lui dọn rửa, về sau khi bệnh tình ngài quá nặng thì họ không còn kiên nhẫn nữa. Đến lúc này thì chỉ có Phật mới có thể làm được. Nhưng tại sao Người lại chăm sóc rất chu đáo, kỹ lưỡng vào thời điểm đó? Bởi vì Đức Phật muốn cho người đệ tử của mình được ra đi trong một hình hài tử tế, đàng hoàng. Đây là một đạo lý rất hay mà chúng ta cần ghi nhớ.
Ai cũng biết là sau khi mạng chung qua đời, thân xác này sẽ sớm được đem đi chôn hoặc thiêu, nên đáng lý ra chúng ta cũng không cần chăm chút lắm. Tuy nhiên, đạo Phật không chấp nhận cách nói: "Dơ sạch gì cũng được, chút nữa cũng vô thường, cũng phải bỏ thôi...", bởi phẩm giá của một người tu trước giờ phút lâm chung rất có ý nghĩa. Và Đức Phật tôn trọng điều đó. Cho nên đích thân Người đã tạo một hình thức chỉn chu cho người đệ tử mình được ra đi một cách đường hoàng, có phẩm giá.
Không chỉ trong đạo Phật mà ở ngoài đời cũng vậy, khi một người chết đi thì những người thân sẽ lau rửa sạch sẽ, mặc bộ áo quấn tươm tất cho người đó, gọi là khâm liệm. Và dường như đạo lý này quốc gia nào cũng có, thậm chí Tây phương hiện nay còn có dịch vụ trang điểm cho người chết. Nghĩa là người chết sẽ được vẽ mắt, tô môi, đánh phấn cho hồng hào tươi tắn để khi đặt vào quan tài có lồng kính, mọi người đến viếng nhìn vào không bị cảm giác rùng rợn quá. Đó cũng là một cách giúp người đã khuất được ra đi trong sự tử tế...
Trích: Sách Những Điều Thú Vị Từ Truyện Tích Pháp Cú
tập 04 (trang 59 - 67)
_________________
Hoang Nguyen gởi
