ĐỨC PHẬT THUYẾT PHÁP CHO CHƯ TĂNG
Đức Phật nói:
- Này các tỳ kheo, hãy quán thân này là bất tịnh, không có gì sạch sẽ, từng giờ cứ bẩn dần dần.
Này các tỳ kheo, khi chúng sinh nhìn nhau thì chỉ nhìn gương mặt, y phục, cử chỉ, thái độ bên ngoài. Chỉ những người có trí tuệ mới nhìn luôn cả bản chất sinh lý của thân một cách toàn diện, nhìn luôn cả bản chất tâm lý của tâm một cách đầy đủ.
Này các tỳ kheo, khi thức ăn vào bụng thì được tiêu hóa thành các chất dinh dưỡng nuôi cơ thể, nhưng đã trở nên tanh hôi dần dần. Khi thức ăn đã trở thành cặn bã thì nó hoàn toàn là một thứ ô uế nằm trong cơ thể của chúng sinh. Cơ thể cứ phải từng giờ tự tuần hoàn thải ra các chất bẩn theo các hệ bài tiết. Ngay cả tóc trên đầu cũng chứa đầy bụi bẩn và mồ hôi, dễ dàng trở thành ổ chấy rận ký sinh và nẩy nở. Những nơi đáng ghê sợ, chẳng có gì là ưa thích cả.
Này các tỳ kheo, chúng sinh vì bản năng ái dục nên bị cơ thể người khác phái hấp dẫn quyến rũ, chấp nhận cả sự dơ bẩn của cơ thể phàm tục, hoặc mờ mắt si mê nên không cần biết. Họ không ý thức sự dơ bẩn của cơ thể mình và cũng không ý thức sự dơ bẩn nơi cơ thể của người khác. Chúng sinh nhìn nhau thì chỉ đi tìm cơ hội để thỏa mãn ái dục, chứ không nhìn thấy tấm thân kia là nơi ẩn chứa các điều bất tịnh, là nơi ẩn chứa các bệnh tật sắp khởi phát, là nơi đi dần đến chỗ già héo úa tàn.
Này các tỳ kheo, bên trong cơ thể bất tịnh đó lại là một nội tâm còn chứa đầy các vô minh, tham lam, thù hận, ích kỷ, bạc ác, phản phúc, gian dối, ganh tị... Nét mặt tươi cười thân ái kia chưa chắc là sự thật, có khi chỉ là sự che đậy bản chất xấu xa ác độc tầm thường. Hiểu như vậy, một tỳ kheo không có gì để say mê vướng mắc.
Này các tỳ kheo, tâm lý thông thường ai cũng yêu quý chính mình nên không cảm nhận được cơ thể của mình đang từng lúc thải ra các chất dơ bẩn, không cảm nhận được nội tâm của mình đầy những phiền trược xấu xa. Nếu một hành giả tu hành chân chính sẽ phải cảm nhận rõ ràng sự cấu uế của cơ thể chính mình và sự xấu ác của nội tâm của chính mình. Hiểu như vậy, một tỳ kheo không có gì để kiêu mạn khoe khoang.
Các tỳ kheo chăm chú lắng nghe Đức Phật dạy.
Đức Phật đứng lên rồi nói:
- Này các tỳ kheo, Như Lai sẽ tịnh cư nửa tháng trong tịnh thất, không tiếp xúc ai. Chỉ người đưa cơm mới được vào.
Các tỳ kheo nhìn theo Đức Phật.
Các tỳ kheo ngồi thiền dưới các tàng cây buổi chiều.
Tôn giả Sariputta ngồi cùng với Tôn giả Moggalana.
Rồi nhiều tỳ kheo cùng kéo đến ngồi quanh trò chuyện.
Một tỳ kheo hỏi:
- Thưa hai Tôn giả Sariputta và Moggalana, con thấy có các Tôn giả thượng thủ cũng về đây thăm Thế Tôn, như Tôn giả Kaccana (Ca Chiên Diên), Tôn giả Punna Manita Putta (Phú Lâu Na Mãn Từ Tử). Chắc lâu ngày các vị muốn gặp đại chúng nơi xứ sở xinh đẹp này.
Tôn giả Moggalana nói:
- Có lẽ Thế Tôn sẽ đi thăm các Tôn giả ở khu rừng Sừng Bò lần nữa, và muốn nói về tinh thần tinh tấn hòa hợp của Chúng Tăng.
Một tỳ kheo trẻ chắp tay thưa:
- Từ hôm Thế Tôn dạy quán bất tịnh, con nhập tâm nhìn thấy thân mình cũng như thân người đều là ô uế bất tịnh, rồi khởi tâm chán nản không muốn làm gì cả, thậm chí cũng không muốn sống với cơ thể dơ bẩn này nữa.
Tôn giả Sariputta nói:
- Này hiền giả, vì hiền giả không được Chánh Niệm Tỉnh Giác nên khi quán thân bất tịnh sâu xa liền bị hội chứng trầm cảm buồn chán. Còn những ai đã được Chánh niệm tỉnh giác rồi thì việc nhìn thấy sự bất tịnh của cơ thể là dấu hiệu của trí tuệ, tâm càng thêm an vui.
Vị tỳ kheo trẻ vẫn buồn buồn không nói gì, chắp tay chào bỏ đi.
Tôn giả Sariputta nói với Tôn giả Moggalana:
- Thưa Tôn giả Moggalana có một số tỳ kheo trẻ chưa chứng đạt Chánh niệm tỉnh giác, trong lòng còn phiền muộn, chúng ta nên theo dõi để khuyên bảo ngăn chặn để tránh chuyện đáng tiếc xảy ra. Khi quán thân bất tịnh lại phát bệnh trầm cảm luôn, rất nguy hiểm, có thể khởi ý muốn tự sát.
Rahula nói với Tôn giả Nanda:
- Thưa Tôn giả Nanda, bệnh trầm cảm là sao ạ?
Tôn giả Nanda bảo:
- Này Rahula, đó là một loại bệnh của tâm chứ không phải của thân, và cũng rất nguy hiểm. Bệnh của thân nặng quá sẽ làm người ta chết. Còn bệnh của tâm nặng quá sẽ làm người ta tự sát, cũng chết. Con nên cho các thám tử theo dõi để ngăn chặn kịp thời. Người bị bệnh này cứ khởi các ý nghĩ bi quan buồn chán, rồi tự cho rằng mình phải chết đi mới được. Kỳ lạ lắm, cái ý nghĩ đó cứ tuôn trào mãi không dừng được. Đó cũng là một loại nghiệp chướng đời xưa.
- Thưa Tôn giả Nanda, tại sao Thế Tôn lại dạy một pháp môn gây bi quan trầm cảm vậy? Lẽ ra Chánh Pháp phải làm chúng sinh tỉnh ngộ an vui chứ ạ?
Tôn giả Nanda nói:
- Này Rahula, phép quán bất tịnh rất hay, giúp chúng sinh hiểu rõ bản chất thật của cơ thể mà không đắm luyến mê muội. Một hành giả tu tập có tiến bộ thì luôn nhìn thấy sự bất tịnh của cơ thể rất bình thường. Nhưng khi một chúng sinh chưa có nội tâm yên tĩnh, lại bị bệnh tâm lý đâu sẵn, khi suy tư về sự bất tịnh của cơ thể lại phát sinh bệnh trầm cảm ngoài ý muốn, giống như một phản ứng phụ vậy.
Tôn giả Nanda nói:
- Thế Tôn sẽ có cách hóa giải điều này. Bây giờ chúng ta cứ canh chừng đừng cho các tỳ kheo trẻ làm gì đáng tiếc. Ai cũng phải nhìn thấy bản chất của thân là bất tịnh, vì đó là sự thật mà con.
Chợt có Tôn giả Kaccana bước tới, các vị chắp tay chào nhau.
Rahula nói:
- Thưa Tôn giả Kaccana, con nghe Tôn giả là vị biện tài đệ nhất, đến từ xứ Avanti. Thưa Tôn giả, ở xứ đó, Tôn giả có giáo hóa dễ dàng không ạ?
Tôn giả Maha Kaccana (Ca Chiên Diên) đáp:
- Thưa hiền giả Rahula, tôi cũng thuyết phục được Vua xứ Avanti tin kính Tam Bảo rồi nhờ sự mở lòng của Vua mà tôi cũng giáo hóa dân chúng biết kính tin Thế Tôn, Chánh Pháp, Chúng Tăng. À, tôi cũng nghe các vị Tôn giả khen hiền giả Rahula có mật hạnh cao cả, luôn bảo vệ Thế Tôn và Tăng đoàn. Công hạnh của hiền giả Rahula thật đáng ngưỡng mộ. À, hai vị ở đây bàn luận về điều gì, có thể chia sẻ với tôi được không ạ?
Tôn giả Nanda mỉm cười đáp:
- Thưa Tôn giả Kaccana, hai huynh đệ chúng tôi đang nói về phản ứng phụ của các tỳ kheo trẻ khi nghe thực hành quán bất tịnh. Một số tỳ kheo trở nên trầm cảm bi quan phiền não. Thế Tôn giả Kaccana có ý kiến gì về việc này không ạ?
Tôn giả Maha Kaccana đáp:
- Thưa Tôn giả Nanda, nếu có duyên, tôi xin được gặp và góp ý với các tỳ kheo trẻ một chút.
Nhiều tỳ kheo tập hợp trong ngôi giảng đường có nóc nhọn.
Tôn giả Sariputta đứng lên chắp tay nói với đại chúng:
- Thưa các Tôn giả, sau khi nghe Thế Tôn giảng về phép quán bất tịnh, một số tỳ kheo trẻ đã phát sinh tâm lý trầm cảm, bi quan, phiền não. Hôm nay có Tôn giả Maha Kaccana đến từ xứ Avanti, một bậc biện tài đệ nhất, cũng về đây thăm Thế Tôn và đại chúng, xin được chia sẻ vài ý kiến về việc này. Tôn giả Maha Kaccana là người xứ Avanti, nên ngôn ngữ của các vùng trong này không thành thạo lắm, mong các Tôn giả lắng nghe kỹ.
Tôn giả Maha Kaccana chắp tay chào đại chúng rồi ngồi lên tòa cao để thuyết:
- Thưa đại chúng chư Tôn giả tỳ kheo là đệ tử của Thế Tôn Chánh Đẳng Giác. Vừa rồi Thế Tôn đã dạy phép quán bất tịnh như là một tri kiến thù thắng của hành giả đã giác ngộ hoặc đang hành trì để đi đến giác ngộ.
Thưa các Tôn giả, cơ thể bất tịnh là một điều hiển nhiên ai cũng biết và ai cũng tránh né nói đến điều đó. Chỉ có trong Chánh Pháp của Thế Tôn thì sự thật này mới được nói đến để chúng sinh đối diện thẳng vào sự thật đó mà lìa xa các ái luyến nhiễm ô.
Thưa các Tôn giả, vì sao Thế Tôn cứ nhắc mãi phép quán thân là vô thường, thân là bất tịnh? Bởi vì ai tu tập có tiến bộ trong thiền định đều phải có cái cảm giác về toàn thân rất mạnh, thậm chí thấy thân mình cứng như sắt đá. Lúc đó hành giả dễ dàng xuất hiện cái ý niệm vi tế chấp thân, xem thân là quan trọng, và sẽ lạc vào kiến giải của ngoại đạo. Nếu ta đã chuẩn bị kỹ lưỡng phép quán thân vô thường, thân bất tịnh thì khi cái cảm giác cao độ khắp thân xuất hiện, ta cũng vẫn an trú toàn thân nhưng không bị chấp thân. Lúc đó ta mới hiểu lòng từ bi sâu xa của Thế Tôn đối với tất cả chúng sinh.
...
Tinh xá rộn rịp, nhiều cư sĩ đến chào Đức Phật chấm dứt kỳ tịnh cư nửa tháng.
Đức Phật bước ra từ tịnh thất, nét mặt thư thái khỏe mạnh. Đức Phật đến ngồi trên sàng toạ trên sân. Mọi người kéo đến vây quanh lễ Đức Phật rồi chia nhau ngồi...
Đức Phật nhìn quanh rồi hỏi:
- Này Sariputta, sao Như Lai thấy vắng một số tỳ kheo trẻ là người của xứ Vesali này vậy?
Tôn giả Sariputta đáp:
- Bạch Thế Tôn, một số tỳ kheo trẻ chưa thành tựu được Chánh Niệm, tâm chưa thể an trú. Khi nghe Thế Tôn giảng dạy về phép quán bất tịnh, rồi thực hành chăm chỉ, bất ngờ xuất hiện cảm giác buồn chán tự thân nên hay lảng tránh Tăng chúng. Thậm chí có người còn xuất hiện ý muốn tự sát nữa. Chúng con đã khuyên bảo rất nhiều, nhưng bệnh buồn chán vô cớ này thật khó chữa ạ.
Đức Phật bảo:
- Này các tỳ kheo, bệnh buồn chán vô cớ này cũng là nghiệp duyên quá khứ. Nếu những đời xưa một người đã gây nỗi buồn cho một ai đó, hay cho nhiều chúng sinh, thì đến khi quả báo đến, chỉ cần một duyên cớ nhỏ nhặt cũng phát sinh tâm trạng buồn chán kéo dài khó hết.
Này các tỳ kheo, Như Lai sẽ nói về phép quán niệm hơi thở để các ông an trú nội tâm, vượt qua căn bệnh buồn chán vô cớ mà tiến tu thêm nữa.
Đức Phật thuyết pháp cho Tăng chúng và các cư sĩ ngồi quanh rất đông.
ST
_________________
Hoang Nguyen gởi
