Dung nhan khói sương Đà Lạt
Bưu ảnh phong cảnh Đà Lạt thập niên 1960
Những bưu ảnh (carte postale) cũ kỹ, nước ảnh đã ngả màu thời gian. Đó là các dấu tích còn lại về thời quá vãng của một đô thị tưởng chừng bình yên nhưng lại là sự bình yên phủ đậy lên những sang chấn kinh thiên trong lịch sử, văn hóa. Phong cảnh đường sá, dinh thự, thành phố, núi đồi lãng đãng trong sương từng được chăm chút ghi lại, đáp ứng nhu cầu lưu niệm, trao gửi thông tin, tình cảm của lữ khách một thời, bây giờ đã trở thành đường dẫn lúc liền lạc khi phân mảnh về ký ức một thành phố.
Postcard Viện Đại học Đà Lạt của nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu
“Exotic” gửi về Paris
Các bộ sưu tập cá nhân và văn khố Pháp gần đây được giải mật, công bố hàng nghìn hình ảnh Đà Lạt xưa. Trong đó, có những tập bưu ảnh quý ở vào giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20, khi Đà Lạt được người Pháp chăm chút cho nhu cầu nghỉ dưỡng và giáo dục. Những bưu ảnh của thập niên 1920 ghi lại bóng hình thành phố với những ngôi biệt thự, dinh thự đầu tiên, những con đường đi qua rừng thông, đồi dốc còn nhỏ hẹp. Nhưng cảnh sắc hãy còn hoang vu. Thấp thoáng trên vài bưu ảnh là dáng vẻ lẻ loi của vài ba du khách Âu. Họ ăn vận lịch thiệp nhưng như thể đang dấn bước vào một cuộc du hành lạc loài.
Du khách Âu đến Đà Lạt du lịch và nghỉ dưỡng thời kỳ này với một sự hiếu kỳ, không phải bởi các công trình kiến trúc nhân tạo mà bởi một phong cảnh tĩnh lặng, một khí hậu mát mẻ trong lành. Nhiều người Pháp tha hương lúc ấy đã kỳ vọng rằng trong tương lai, đây sẽ là nơi chốn mang lại trọn vẹn bầu khí trời và phong cảnh nước Pháp giữa xứ Đông Dương nhiệt đới.
Postcard của nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu
Postcard của nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu 1959
Và quả thực, những rừng thông đã làm cho họ nguôi khuây nỗi nhớ quê nhà. Consigny viết trong một bài báo có tựa Rừng Đông Dương đăng trên Tuần san Indochine (số 158, ngày 9 Tháng Chín 1943) rằng: “Trong loại rừng có ít loài cây này, trước hết chúng ta gặp rừng thông. Đây là loại rừng ở Đông Dương được nhiều người biết và được ưa thích nếu ai đó đi nghỉ ở Đà Lạt. Do vẻ quyến rũ và do sự đa dạng của cảnh quan chúng tạo ra, những cánh rừng đáng trân quý này chính là những cánh rừng khiến cho người châu Âu nhớ tới những cánh rừng ở quê hương nhiều nhất”.
Và rừng thông xanh, khí hậu mát mẻ giúp phục hồi sinh lực cho du khách vốn quen khí hậu ôn đới. Consigny viết tiếp: “Vào buổi sáng, khi mặt trời lấp ló sau màn sương, xuyên qua những tán lá, tỏa ánh vàng trên những thân cây thông ngời ánh bạc bên bờ một con suối trong xanh đổ xuống như một con thác nhỏ, du khách cảm thấy sự mệt mỏi của ngày hôm trước tan biến…”.
Những du khách đầu tiên đến Đà Lạt nghỉ dưỡng được xác định là vào năm 1914-1915, khi con đường nối từ Phan Thiết-Djiring (Di Linh) và Đà Lạt được hoàn thành. Đó là một con đường không trải đá, dành cho xe hơi cỡ nhỏ. Đà Lạt chưa có gì ngoài khách sạn một tầng đầu tiên nhìn ra một dòng chảy (về sau, năm 1919 được kỹ sư Labbé ngăn dòng để biến thành cái hồ giữa trung tâm), gọi là Hôtel du Lac – khách sạn Hồ.
Vào thập niên 1930, khi bản đồ án của Ernest Hébrard mở ra một thành phố trong rừng thì các carte postale thời kỳ này đã xuất hiện nhiều góc phố mô phỏng cảnh quan một thị trấn nhỏ ở miền cao nguyên bên châu Âu, với biệt thự ẩn mình trong các rừng cây xanh. Có lẽ mỹ từ “phố trong rừng” xuất hiện ngay từ thời gian này, xác định một hệ hình kiến trúc cho Đà Lạt. Các bản quy hoạch trong thập niên 1930-1940 có thay đổi thế nào ở phương diện chức năng đô thị thì cũng không phá vỡ tính nhất quán của triết lý cốt lõi: công trình kiến trúc nhân tạo phải nương mình vào tự nhiên.
Nhà thờ Chánh tòa Đà Lạt – Carte postale Đà Lạt thập niên 1920
Một bưu ảnh có đề thơ
Các carte postale của thời kỳ Pháp thuộc đa số mô tả khung cảnh các khu phố Pháp, như: khách sạn Langbian Palace, nhà hàng, khu cửa hiệu Poinsard & Veyret, Hôtel du Parc, nhà thờ Saint-Nicolas đầu tiên, trạm Bưu điện và phong cảnh thác; các hồ: Grand Lac [Hồ Lớn; từ thời Hoàng Triều Cương Thổ được đổi tên là hồ Xuân Hương], Lac des Soupir [hồ Than Thở], thác Kamly [Cam Ly]… và một vài phong cảnh gắn với các ngôi nhà, biệt thự, kiến trúc mô phỏng các thị trấn ở châu Âu.
Lịch sử bưu ảnh đã khởi đi từ Paris vào những năm 1870 và lan rộng trên toàn cầu. Các bưu ảnh không chỉ mang chức năng thông tin, trao gửi tình cảm, ghi chép kỷ niệm, mà còn là một hình thái văn hóa lưu trữ có ý nghĩa trong đời sống nhiều xê dịch của con người. Năm 1900, bưu ảnh theo chân người Pháp đến Sài Gòn. Và không có lý gì người Pháp không mang tập quán bưu ảnh đến Đà Lạt, một thành phố mà họ coi là quê hương thứ hai.
Rất tiếc, cho đến nay chưa có những tài liệu về nơi in ấn bưu ảnh Đà Lạt trước 1950. Vì vậy chưa thể khẳng định các bưu ảnh phong cảnh Đà Lạt được ấn hành ở đâu, với công nghệ gì. Nhưng con dấu trên các bưu ảnh đã cho thấy rằng rất nhiều hình ảnh một Đà Lạt đậm chất exotic (hương xa) đã được gửi về nước Pháp, theo đó là những thông điệp của sự an tâm về một vùng đất mang lại sức khỏe, niềm vui (như trong câu cách ngôn Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem trở thành khẩu hiệu thành phố suốt một thời kỳ dài).
Không có nhiều hình ảnh khu phố Việt (khu Hòa Bình ngày nay) thể hiện trong các bưu ảnh Pháp. Bởi có thể hiểu, đó là không gian đan xen nhiều hình thái kiến trúc và lối sống. Trung tâm mà người Việt gắn bó lại ly tâm khỏi một số giá trị cơ bản mà người Pháp xây dựng và hướng đến.
Carte postale Đà Lạt thập niên 1920
Người Đà Lạt nhìn Đà Lạt
Thập niên 1940-1950 ở khu Hòa Bình có bốn hiệu ảnh lớn: Đại Việt (của ông Việt), Dalat Photo (của ông Lý), Nam Sơn (của ông Sơn) và Belle Photo (của ông Toản). Thời điểm này, tuy có chế độ thị thực để vào Đà Lạt do văn phòng Hoàng Triều Cương Thổ ban bố, song, nhân công người Việt từ các vùng miền đến Đà Lạt lập nghiệp, học nghề khá đông, trong đó có nghề ảnh. Những nhà nhiếp ảnh quan trọng của Đà Lạt về sau này như Đặng Văn Thông, Nguyễn Bá Mậu… đều khởi nghiệp nhiếp ảnh trong vai phụ việc và học kinh nghiệm làm ảnh từ các hiệu ảnh nói trên.
Các ảnh viện sẽ là đường dẫn cho câu chuyện bưu ảnh giai đoạn cuối thập niên 1950 đến đầu thập niên 1970. Trong thời gian này, với chính sách ưu ái trong chính sách phát triển của chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm, Đà Lạt trở thành là một thành phố nghỉ dưỡng và là đặc khu giáo dục của miền Nam.
Một thành phố của người trẻ, đa số là sinh viên, học sinh và du khách thì nhu cầu sử dụng bưu ảnh sẽ rất cao. Đó là lý do những nhiếp ảnh gia thức thời đã mở mang nghề làm bưu ảnh để nuôi nhiếp ảnh nghệ thuật.
Ông Nguyễn Bá Mậu – một nhà nhiếp ảnh sống tại Đà Lạt, nhưng tên tuổi lại vượt ra khỏi biên giới quốc gia, được các nhà nhiếp ảnh miền Nam lúc bấy giờ như Trần Cao Lĩnh, Nguyễn Cao Đàm, Lại Hữu Đức… quý trọng – ngoài khẳng định tên tuổi bằng nghệ thuật ảnh phân sắc độ, còn là một người sống được, sung túc nhờ nghề làm bưu ảnh từ những năm 1950.
Căn nhà riêng của ông Nguyễn Bá Mậu ở một con hẻm cuối khúc cua dốc Minh Mạng biến thành một cái “xưởng” nhỏ làm bưu ảnh, mà vợ, các con và cả em vợ của ông trở thành những nhân “nhân công” đắc lực và thạo nghề. Bưu ảnh Đà Lạt do gia đình ông Mậu sản xuất chiếm đến hơn 80% số bưu ảnh phát hành trong thành phố. Bưu ảnh do gia đình ông Mậu ấn hành ban đầu chỉ có ảnh đen trắng, khoảng giữa thập niên 1960 về sau, thị trường có nhu cầu, gia đình ông còn làm cả những bưu ảnh tô màu.
Carte postale Đà Lạt thập niên 1920
Anh Nguyễn Bá Trung, con trai cả của ông Nguyễn Bá Mậu nhớ lại, ngày ngày cha anh vẫn đeo chiếc máy ảnh Rolleiflex (chụp loại phim 6×6) trước ngực, lang thang qua những thắng cảnh và phố phường Đà Lạt để ghi những hình ảnh đẹp về làm bưu ảnh. Anh Trung kể: “Các ảnh được cha tôi chọn ra, tự trình bày, căn ô và thiết kế trên giấy ảnh khổ 9x14cm của Nhật (hãng Fujifilm), Đức (hãng Agfa), Mỹ (hãng Kodak), tạo ra những carte postale đẹp. Bưu ảnh ba tôi làm ra đem ký gửi ở các hiệu sách: Liên Thanh, Tuyên Đức, Hòa Bình (khu Hòa Bình), Khai Trí (dốc Minh Mạng), Khải Minh (Hàm Nghi)… rồi về sau còn mở rộng mạng lưới phát hành, gửi ra nhà sách ở các tỉnh thành khác; được khách du lịch ưa chuộng”.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu (trái) và nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Đàm – ảnh tư liệu gia đình Nguyễn Bá Trung
Mỗi tháng, từ gia đình ông Mậu, hàng trăm mẫu bưu ảnh được đưa ra thị trường. Về sau, thấy nghề làm bưu ảnh ở thành phố du lịch mang lại thu nhập cao, có hai gia đình khác cũng làm theo. “Ngoài hình phong cảnh chụp phải đẹp thì mỗi người phải tìm lấy một cách trình bày sao cho tấm bưu ảnh bắt mắt, khác biệt. Ba tôi nghĩ cách đề thơ lên cảnh, chọn nét chữ in sao cho từng bưu ảnh là một tác phẩm lưu niệm thực sự” – anh Nguyễn Bá Trung nói thêm. Có thể tìm thấy những câu thơ bay bổng đề dưới các bức ảnh phong cảnh. Trong một bức bưu ảnh thác Cam Ly, có đề thơ: “Cam Ly nước chảy về đâu? Cho ta nhắn gửi mối sầu cố hương”. Một bức ảnh khác, cũng cảnh Cam Ly, hai câu lục bát được đề bên dưới lại là: “Cam Ly có mấy nhịp cầu/ Bao nhiêu thương nhớ lòng sầu bấy nhiêu”.
Đề thơ lên phong cảnh, có lẽ là một hình thức bưu ảnh được các thanh niên thời bấy giờ ưa chuộng. Bởi những lời thơ lãng mạn bên cảnh non nước hữu tình có thể đã nói thay cho nỗi lòng của người gửi.
Trong một khảo sát nhỏ từ một bộ sưu tập cá nhân, người viết nhận ra những người gửi tặng bưu ảnh Đà Lạt không chỉ là những người từng đến Đà Lạt du lịch, học hành, mà còn có cả những người chưa một lần đặt chân đến. Đà Lạt hiện hữu trong họ bằng những hình ảnh hồ, thác, rừng thông, phố xá thơ mộng xinh đẹp trên những tấm ảnh nhỏ nhắn và đâu đó là những hình dung qua lời kể của người thân. Một bưu ảnh đề ngày 7 Tháng Bảy 1959 của một thanh niên Sài Gòn gửi cho một người bạn tên Hiệp, ghi rằng:
“Tớ chưa đi Đà Lạt bao giờ, nhưng chắc ở đây hợp với thi sĩ. Gửi Hiệp để nhớ ngày sinh nhật thứ XIX của một cậu bạn”. Mặt trước bưu thiếp là bức ảnh con đường vắng đi qua cầu Ông Đạo rẽ qua phố chợ Hòa Bình với góc hồ Xuân Hương và những hàng tùng thẳng tắp. Dưới chân bức ảnh có có dòng chữ “Dalat – Mơ màng mặt nước Hồ Thu”. Đây là một trong những bưu ảnh của Nguyễn Bá Mậu. Một góc khác của hồ Xuân Hương trên bưu ảnh ngày 18 Tháng Năm 1958, được gửi đi từ Đà Lạt, ghi bằng nét chữ nghiêng: “Mến tặng em Hồng Thúy, để kỷ niệm ngày anh học tại Đà Lạt” (Bức bưu ảnh thơ mộng này cho thấy người gửi nó có thể là một học sinh, sinh viên Viện Đại học hay sinh viên trường sĩ quan Võ Bị chăng?)…
Ngoài các bưu ảnh mô tả danh thắng của thành phố như dòng bưu ảnh đã có từ thời Pháp thuộc, nhiều bưu ảnh thời kỳ 1950-1975 do người Việt thực hiện đã hướng ống kính về phía khu phố trung tâm của người Việt, với câu chuyện tâm tình người Việt. Dù là sản phẩm đi cùng dịch vụ thư tín và du lịch, nhưng trên các bưu ảnh thời kỳ này, có thấy hình ảnh một Đà Lạt ngoài sự bay bổng lãng mạn, còn có sự hướng nội, một khung cảnh hư ảo sương khói để con người tìm thấy cảm giác thoát ly thế cuộc bất an của thời chiến, sống cho những nhớ nhung và mộng mơ.
Bưu ảnh hoa đào mùa xuân năm 1959 – không xác định tác giả
Bưu ảnh Chợ Mới Đà Lạt thập niên 1960
Sử liệu của tâm hồn
Hình ảnh sử liệu Đà Lạt thập niên 1950 đến năm 1975 khá phong phú vì đây được xem là một danh đô của miền Nam, nơi xảy ra những cuộc chuyển tiếp chính trị khá thú vị giữa Hoàng Triều Cương Thổ với Đệ Nhất Cộng Hòa và từ Đệ Nhất Cộng Hòa sang Đệ Nhị Cộng Hòa. Qua mỗi bước chuyển chính trị, văn khố quốc gia Việt Nam và hải ngoại, các cơ quan thông tấn quốc tế đã có những bộ ảnh lưu trữ lớn, bởi nói cho cùng, các yếu nhân của chính trị miền Nam đều có ít nhiều gắn bó với Đà Lạt.
Trong nhóm ảnh trên, có thể kể đến vài ví dụ: Đầu thập niên 1960, phóng viên tạp chí LIFE đã có một bộ ảnh quý về phố phường Đà Lạt và những hình ảnh thú vị về sinh hoạt gia đình ông bà Ngô Đình Nhu. Trận Mậu Thân và sau đó, không quân Mỹ cũng đã để lại cho Đà Lạt nhiều bức ảnh các góc thành phố nhìn từ trực thăng. Các nhiếp ảnh gia Sài Gòn thời đó hầu hết đều có những bộ ảnh nghệ thuật về Đà Lạt (kinh nghiệm về săn ảnh tại Đà Lạt được ông Trần Cao Lĩnh đúc kết thành một bài viết dài trong cuốn Bước đầu nhiếp ảnh nghệ thuật (Trần Cao Lĩnh, Nguyễn Cao Đàm, do Màn Ảnh ấn hành, 1966).
Nhưng một Đà Lạt ngày thường hay cảnh sắc thành phố trong quá khứ được lọc qua cái nhìn của chính người Đà Lạt thì phải lật lại những bưu ảnh ngày nay còn trôi nổi trong các bộ sưu tập đây đó. Qua các bưu ảnh trong “dân gian”, Đà Lạt sống lại câu chuyện của mình đầy vẻ thi vị. Cũng như một nhân vật của nhà văn G.W. Sebald trong cuốn Vertigo, một bà chủ lữ quán đã sống với cái danh sách địa lý dài dằng dặc của các vùng miền nước Đức và châu Âu sau Thế chiến thứ hai thông qua những tập album bưu ảnh cũ, với người viết bài này, những bức bưu ảnh cũ của Đà Lạt có thể tái tạo câu chuyện thành phố và những mảnh tự sự cá nhân đầy mơ mộng và tiếc nuối.
Thành phố vỗ về thứ tình yêu siêu hình bay bổng mà day dứt trong tâm tưởng ta, đôi khi từ những mảnh carte postale rơi rụng qua thời gian, chứ không phải từ những gì của hiện tại.
Ghi chép của NGUYỄN VĨNH NGUYÊN
Xuân Nhâm Dần 2022
24 tháng 1, 2022
___________________
Đỗ Hứng gởi
|
|