Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh

 
Đường dây môi giới di dân vượt biên trái phép ở Pháp qua vụ án “chiếc xe tử thần”
 

Sau các vụ xét xử ở Việt Nam, Anh và Bỉ, tòa Tiểu Hình ở Paris, Pháp, hôm 10/11/2023 đã kết án 18 bị cáo vì tham gia vào đường dây đưa người di dân vượt biên trái phép từ Việt Nam qua châu Âu. Phiên tòa chỉ ra cách thức hoạt động của nhóm tội phạm có tổ chức rất tinh vi và phân khúc, khó xác định được người cầm đầu đường dây "xuyên quốc gia".
 
Thi thể của 39 nạn nhân người Việt được tìm thấy trong chiếc xe tải ở Grays, Essex, Anh Quốc, ngày 23/10/2019. REUTERS/Hannah McKay
 
Chi Phương
 
Trong đêm 22, rạng sáng ngày 23/10/2019, thi thể của 39 di dân người Việt được tìm thấy trong chiếc xe tải đông lạnh đỗ tại thị trấn Grays, Essex, phía đông bắc thủ đô Luân Đôn của Anh Quốc. Số phận thương tâm của những người chết ngạt trong không gian chật hẹp, đông lạnh, đã khiến các nước Anh, Pháp, Bỉ vào cuộc, nhanh chóng mở hồ sơ điều tra về thảm kịch di dân này. Hồi 2021, tòa án ở Anh đã xác định Gheorghe Nica, công dân Rumanie, là một trong những người cầm đầu đường dây đưa di dân vượt biên trái phép ở Anh, và đã kết án người này 27 năm tù vì tội ngộ sát và “buôn người di cư”. Tòa án ở Bruges, Vương quốc Bỉ, vào năm 2022, đã kết án 15 năm tù Võ Văn Hồng, được xác định là kẻ cầm đầu đường dây buôn người di cư ở Bỉ.
 
Còn tại Pháp, sau gần 3 năm điều tra, vào cuối tháng 10, tòa Tiểu Hình ở Paris mở phiên tòa kéo dài 3 tuần để xét xử 19 người có liên quan đến hoạt động đưa người vượt biên sang Anh trái phép. Họ là những chủ nhà trọ, các tài xế taxi và những người hỗ trợ ăn ở, đi lại cho 7 trong số 39 nạn nhân người Việt bỏ mạng trong chiếc xe tải đông lạnh. Một trong các nạn nhân là Phạm Thị Trà My, người đã gửi đi đoạn tin nhắn tuyệt vọng, được truyền thông quốc tế loan tải rộng rãi : “ Mẹ ơi, con đường đi nước ngoài không thành, mẹ ơi, con thương bố mẹ nhiều lắm, con chết vì không thở được”. Với hy vọng có cuộc sống tốt hơn, những di dân xấu số này đã phải nộp phí từ 10 000 lên đến 20 000 euro cho lộ trình được hứa hẹn là “VIP” đến châu Âu. 
 
Ai là những người tham gia vào đường dây tại Pháp? 
 
Với sự hỗ trợ của Eurojust và Europol, cơ quan điều tra của Pháp là Văn phòng Trung ương chống nhập cư trái phép và tuyển dụng người nước ngoài không có giấy tờ ( OCRIEST), hôm 25/05/2020 đã xác định được 19 nghi phạm mang quốc tịch Việt Nam, Pháp, Algérie, Maroc, Trung Quốc. Những người Việt phụ trách tiếp đón di dân, quản lý nơi ở, tổ chức phương tiện đi lại. Các tài xế taxi phụ trách vận chuyển di dân từ vùng ngoại ô Paris đến miền bắc nước Pháp hoặc sang Bỉ, và các chủ nhà trọ. 
 
Trong các phiên xử, một số bị cáo người Việt biện hộ rằng họ “cũng có thể là nạn nhân” trong thảm kịch “chiếc xe tử thần”, đồng thời khẳng định việc hỗ trợ tiếp đón các di dân đến Pháp “chỉ là hành động tương trợ cộng đồng nơi xa xứ”, như trường hợp của Hoàng, mong được giảm giá khi sang Anh, nhưng không nói rõ ai là người đứng đằng sau chỉ đạo. Luật sư biện hộ cho bị cáo Hoàng, Dylan Slama, cố gắng bào chữa, nêu ra tình cảnh nghèo khó của Hoàng ở Việt Nam, cố gắng gom góp vay mượn gần 20 000 euro để đến châu Âu “bất chấp nguy hiểm tính mạng”. Luật sư Dylan nhấn mạnh thân chủ của mình bị rơi vào tình cảnh bắt buộc, tham gia vào mạng lưới “buôn người” để trả tiền cho chuyến đi đến “miền đất hứa” Anh Quốc.
 
Đường dây hoạt động như thế nào?
 
Điều tra chỉ ra rằng những người Việt này có liên quan hoặc phụ trách các cơ sở lưu trú tạm thời cho các di dân khi họ đến Pháp, trước khi đến thị trấn Bierne, gần biên giới với Bỉ, để đến điểm cuối là Anh Quốc. Các cơ sở lưu trú nằm tại các vùng ngoại ô thủ đô Paris, như ở Créteil, Choisy Le Roy, Fontenay-aux-Roses. Họ cũng đứng ra thuê nhà, quản lý sinh hoạt của mọi người.
 
Tại phiên điều trần, thẩm phán cho biết “khi lần theo vị trí GPS của 42 chiếc điện thoại được tìm thấy trong xe tải, 25 chiếc được xác định là đã từng hoạt động tại Créteil”, nơi trung chuyển, lưu trú tạm thời của những người muốn đến Anh.
 
Thông thường, mỗi cơ sở này, tùy từng thời điểm, có thể tiếp đón 7, 8 người cùng một lúc, “đến rồi lại đi”. Nếu không vượt biên sang Anh thành công, họ sẽ được sắp xếp để quay trở lại Pháp, chờ đến khi có chuyến khác. Khi lưu trú tại Pháp, trong điều kiện vệ sinh không được bảo đảm, những di dân được yêu cầu hạn chế sử dụng điện thoại, hạn chế đi lại, “để tránh bị lộ”. Trong phiên xét xử, thẩm phán chất vấn những tin nhắn thu được khi nghe lén điện thoại của bị cáo Hoàng, về việc “khách hàng phàn nàn bị lừa đảo”, hứa hẹn sang Anh bằng cabine (ô tô), nhưng lại bị đưa lên xe tải và từ chối đi theo hình thức này. 
 
Dù không thu thập được bằng chứng về cách thức chuyển tiền của các di dân cho đường dây này để trả phí vượt biên trái phép, cơ quan điều tra của Pháp đã xác định được tùy theo hình thức di chuyển mà mức phí được yêu cầu đối với các di dân là khác nhau, và có thể lên đến 20.000 euro. 
 
Sau khi thảm kịch 39 người bỏ mạng trong chiếc xe tải ở Anh xảy ra, nhóm tội phạm người Việt được cho là đã tạm hoãn các chuyến đưa người vượt biên do có kiểm soát chặt chẽ hơn trong một thời gian, nhưng đã “rụt rè” hoạt động trở lại, trước khi bị bắt vào tháng 5/2020.
 
Bị cáo với biệt danh Tony (P) và Hoàng (T) trong phiên xử mạng lưới tại Pháp liên quan đến vụ "xe tải tử thần" tại Anh khiến 39 người Việt bị chết ngạt ở Grays, Anh Quốc, ngày 23/10/2019.
 
Tòa đưa ra bản án như thế nào ?
 
Sau vụ xét xử kéo dài 3 tuần, hôm 10/11/2023, 8 người Việt đã bị kết án, trong đó 1 người bị xử vắng mặt vì lý do sức khoẻ tâm thần, một người khác thì đã bỏ trốn. Tòa đã đưa ra mức án nặng nhất đối với 5 người Việt có biệt danh là Tony, Đức, Hoàng, Long và Thắng từ 9 đến 10 năm tù. Những người này bị buộc tội ngộ sát, hỗ trợ nhập cảnh và lưu trú bất hợp pháp, phạm tội có tổ chức, làm giả giấy tờ, kèm theo lệnh cấm vĩnh viễn nhập cảnh vào Pháp khi ra tù, cũng như một khoản bồi thường cho gia đình các nạn nhân. 
 
Trong vụ này, 7 trong số 8 tài xế taxi cũng đã bị kết án vì phạm tội có tổ chức, hỗ người nước ngoài không có giấy tờ nhập cảnh và lưu trú, di chuyển tại Pháp. Một số đã lãnh án từ 6 tháng lên đến 3 năm tù, trong đó một phần là án treo. Duy nhất một tài xế taxi, Djoudi A. được tha bổng, vì tòa cho rằng ông đã nhận thức được tình hình và dừng lại ngay sau chuyến đi thứ hai chở di dân đến miền bắc nước Pháp từ ngoại ô Paris. Các chủ nhà trọ, theo quan tòa, dù nhận thức được mục đích nhà được thuê là để đón tiếp những người không có giấy tờ, nhưng đã không khai báo, không có hành động gì. Họ bị phạt tù từ 6 đến 12 tháng tù treo. Hầu hết đều phải nộp các khoản tiền phạt từ 2.000 đến 10.000 euro, bồi thường cho gia đình các nạn nhân. 
 
Lý do luận tội của tòa? 
 
Trước tòa, dù không xác định ai là người cầm đầu đường dây tại Pháp, thẩm phán Carole Bochter nhận định rằng những người Việt nói trên là những người quản lý, tổ chức đưa người vượt biển Manche, trục lợi từ “những người ở trong hoàn cảnh khó khăn hy vọng tìm được cuộc sống tốt hơn”. Hành động của những người Việt này không chỉ là những tương trợ đồng hương, như lời khai của các bị cáo, mà chính họ đã “tạo ra điều kiện khiến các di dân phải bỏ mạng”, vì nếu ít người ở trong xe tải đó hơn thì họ có khả năng vẫn sống sót.
 
Tòa cho rằng mạng lưới này đã lợi dụng những điểm yếu của các di dân Việt Nam, bị cô lập ở nước ngoài, không nói được tiếng Pháp, không mang tiền. Số tiền nộp cho đường dây là do gia đình của họ ở Việt Nam chi trả trực tiếp. Trong các phiên xử trước khi tuyên án, tòa đã nêu ra nội dung các cuộc nghe lén điện thoại cho thấy những người này có liên hệ với đường dây ở bên Anh và biết rõ các hình thức di chuyển sang Anh.
 
Đối với các bị cáo Tony, Đức, bị kết tội ngộ sát, tòa cho rằng khi sử dụng các phương tiện vận tải không phù hợp để chở người, trong trường hợp này là xe tải đông lạnh, chở khách quá đông, các bị cáo trên thực tế đã nhận thức được mức độ rủi ro, không an toàn của chuyến đi.
 
Bản án được đánh giá như thế nào ?
 
Sau khi bản án được đưa ra, văn phòng luật sư Hogan Lovells, được tổ chức phi chính phủ Pacific Links liên hệ, đại diện cho 7 gia đình nạn nhân, khẳng định “rất hài lòng với quyết định này” : “Vụ xét xử đã làm sáng sáng tỏ sự nguy hiểm của đường dây này, nay đã bị luật pháp trừng trị nghiêm khắc”.
 
Về phần mình, luật sư Gaspard Lindon, đồng biện hộ cho bị cáo Tony (bị kết án 10 năm tù), cho rằng bản án đối với thân chủ ông là mức án cao nhất của tòa Tiểu hình và “đây là một bản án chưa có tiền lệ tại Pháp, vì có thể coi những người chứa chấp, hỗ trợ lưu trú cho các di dân phải chịu cùng trách nhiệm như những kẻ buôn người”. Theo vị luật sư này, cần phải xử lý “một vấn đề xã hội chứ không phải chỉ trừng phạt những cá nhân riêng lẻ”. Luật sư Lindon cũng khẳng định “đây là một thảm kịch”, nhưng theo ông, tòa nên đưa ra bản án tương xứng chứ không mang tính “truyền thông”, và “dường như các thẩm phán chỉ muốn đơn giản hóa, giáng đòn mạnh vào những gì đã có ở trong tay, chứ không muốn làm sáng tỏ ngọn ngành vấn đề”, như là trường hợp của tòa án tại Anh, trong các vụ xét xử liên quan đến thảm kịch này từ những năm qua. 
                                      
Chi Phương

______________


Alice Dupond gởi