ERNEST M. HEMINGWAY (1899 - 1961) - ĐẠI VĂN HÀO NGƯỜI MỸ
Lãnh Giải Thưởng Nobel Văn Chương năm 1954
và Tác Phẩm "NGƯ ÔNG VÀ BIỂN CẢ"
Phạm Văn Tuấn
Ernest Miller Hemingway là nhà văn viết tiểu thuyết, truyện ngắn người Mỹ, được tặng thưởng Giải Thưởng Nobel về Văn Chương vào năm 1954 với tác phẩm "Ngư Ông và Biển Cả".
Nhà văn Hemingway nổi danh về lời văn rõ ràng, thể văn cứng cỏi, lối đối thoại ngắn gọn. Cách viết văn và cuộc sống cá nhân đầy mạo hiểm của ông trên các miền đất đặc biệt, lại được quảng cáo rộng lớn, đã tạo nên ảnh hưởng rất lớn mạnh và sâu đậm tới các nhà văn người Mỹ và người Anh trong thế kỷ 20.
Nhiều sáng tác của Hemingway ngày nay được coi là các tác phẩm cổ điển của nền văn chương Mỹ, với một số tiểu thuyết được quay thành phim và trình chiếu tại khắp nơi trên Thế Giới.
1- Cuộc đời của Ernest M. Hemingway
Ernest Miller Hemingway (1899-1961) là người con thứ hai trong số 6 người con của bác sĩ Clarence Edmonds Hemingway và bà Grace Hall Hemingway, chào đời vào ngày 21 tháng 7 năm 1899 tại Oak Park, gần thành phố Chicago, thuộc tiểu bang Illinois. Mẹ của Ernest là bà Grace, là một người ngoan đạo, có tài về âm nhạc nên đã muốn cho cậu Ernest phát triển năng khiếu này nhưng đối với bà Grace, Ernest Hemingway là một nỗi thất vọng.
Cậu thiếu niên này được học âm nhạc, tập hát và tập đàn hồ cầm (cello) nhưng mỗi khi mẹ đi vắng, Hemingway đã cùng các bạn chuyển căn phòng tập nhạc thành võ đài đấu quyền Anh. Bản tính ưa chuộng chủ nghĩa cá nhân đã thể hiện nơi con người của Hemingway bằng các phản kháng nhỏ nhặt, để rồi trong cuộc đời sau này, thể hiện ra bằng các hành động trên tầm vóc lớn hơn.
Ernest Hemingway theo học trường trung học Oak Park và trong thời gian còn đi học, đã bắt đầu viết văn và tham gia vào các hoạt động báo chí của trường. Cuộc sống thời trẻ tuổi này đáng nhớ vì Ernest cùng với gia đình trải qua những mùa hè tại miền bắc của tiểu bang Michigan, bên hồ Walloon.
Chính tại nơi thiên nhiên này, Ernest Hemingway đã thừa hưởng ở cha hai thú vui là săn bắn và câu cá, và những kỷ niệm thời thơ ấu đã tạo nên các ấn tượng trong Ernest và phản ánh sau này qua nhân vật Nick Adams như trong truyện ngắn "Trại Mọi Da Đỏ "(Indian Camp) và "Giòng Sông Đôi Đường" (Big Two-Hearted River).
Tại trường trung học, Ernest Hemingway tham gia môn bóng bầu dục và quyền Anh và cũng do môn thể thao sau này mà Hemingway bị thương tại mắt trái. Đây là lý do mà Ernest Hemingway bị quân đội Hoa Kỳ từ chối, không nhận nhập ngũ. Môn quyền Anh đã là một sở thích lâu dài của Hemingway, là chất liệu để ông viết ra các truyện ngắn với những danh từ trong nghề.
|
Hemingway trong quân phục
(năm 1918) |
Năm 1917, Ernest Hemingway tốt nghiệp trung học và vì không muốn bước lên đại học, nên tới thành phố Kansas, làm phóng viên cho tờ báo "Ngôi Sao" (Star). Cuộc đời phóng viên trong nước đã không hấp dẫn Ernest Hemingway được lâu, bởi vì ông hướng về châu Âu là nơi đang xẩy ra cuộc Thế Chiến Thứ Nhất. Do ưa thích mạo hiểm, Ernest Hemingway đã tình nguyện tham gia vào Hội Hồng Thập Tự Hoa Kỳ và qua miền bắc nước Ý, làm tài xế xe cứu thương. Vì Hội Hồng Thập Tự đã đặt các trạm cấp cứu gần nơi trận tuyến, công việc của Hemingway là lái xe và phân phối cho binh lính các gói kẹo và thuốc lá. Hemingway đã ghi lại như sau: "mỗi buổi chiều và buổi sáng, tôi bỏ đầy đồ vật vào túi đeo và mang theo hộp đồ ăn cùng mặt nạ phòng hơi ngạt rồi chạy ra chiến hào, như thế là đủ vui rồi".
Vào ngày 18-7-1918, khi chưa tròn 19 tuổi, Ernest Hemingway đã bị thương vì các mảnh đạn trái phá tại mặt trận Fossalta thuộc miền Piave nước Ý, giáp với nước Áo. Mặc dù các vết thương, Hemingway còn cõng một binh lính người Ý mang tới địa điểm chỉ huy. Trên đường đi, Hemingway lại bị quân địch bắn hai tràng đạn liên thanh, vào đầu gối và vào chân.
Hemingway được chữa trị tại bệnh viện Milan, được tưởng thưởng huy chương anh dũng. Các kinh nghiệm trên chiến trường, những đau khổ do các cuộc tàn sát gây nên đã cung cấp cho Ernest Hemingway những hiểu biết để sau này viết ra tác phẩm "Giã Từ Vũ Khí" (A Farewell to Arms), một tiểu thuyết nổi danh nhất đề cập tới chiến tranh.
Trong thời gian nằm dưỡng bệnh, Hemingway đã đam mê cô y tá người Mỹ tên là Hannah Agnes von Kurowsky. Hai người đã trao đổi với nhau một số thư từ nhưng vì cô Agnes cao tuổi hơn và muốn tận tụy với nghề y tá, nên mối tình của hai người dần dần phai lạt.
Hemingway trở về Hoa Kỳ và nàng Agnes ở lại. Sau khi đã yêu thương một người Ý, nàng Agnes biên thư cho Hemingway, yêu cầu ông hãy quên đi những gì đã xẩy ra, thế nhưng Hemingway vẫn giữ mãi các bức thư tình trong suốt cuộc đời.
Sau Thế Chiến Thứ Nhất, Ernest Hemingway trở về Hoa Kỳ và sinh sống tại miền bắc của tiểu bang Michigan. Ông bắt đầu đọc sách, câu cá và viết truyện. Hemingway đã làm một số công việc bình thường tại Chicago và nhờ nơi này, làm quen với nhà văn Sherwood Anderson. Năm 1921, Hemingway kết hôn với cô Hadley Richardson rồi hai người dọn qua thành phố Paris vì Hemingway nhận chân phóng viên cho tờ báo Ngôi Sao Toronto (the Toronto Star).
Do bức thư giới thiệu của Sherwood Anderson, Hemingway làm quen với các nhà văn lưu lạc người Mỹ như F. Scott Fitzgerald, Ezra Pound và Gertrude Stein. Cũng tại nhà của nữ văn sĩ Gertrude Stein mà Hemingway quen biết nhiều tác giả và nghệ sĩ, và cũng chính Gertrude Stein bình phẩm về giới nhà văn trẻ là một "thế hệ lạc lõng" (the lost generation). Đây là lời nhận xét đặc biệt mà về sau, Hemingway đã dùng trong cuốn tiểu thuyết chính đầu tiên, cuốn "Mặt Trời Vẫn Còn Mọc" (The Sun Also Rises), xuất bản năm 1926.
Danh từ "thế hệ lạc lõng" đã mang một ý nghĩa đối với các độc giả của Hemingway. Đó là các thái độ của thế hệ sau chiến tranh, đặc biệt của các nhà văn trẻ bởi vì cuộc sống và niềm tin của họ đã bị tổn thương vì chiến cuộc, vì các tham lam vật chất đang dần dần trở nên một thực tại khiến cho đời sống hóa thành vô nghĩa.
Trong thời gian làm phóng viên tại Paris, Ernest Hemingway đã đi khắp châu Âu, phỏng vấn các nhân vật danh tiếng như Lloyd George, Clemenceau và Mussolini... rồi vào năm 1925, cuốn tiểu thuyết quan trọng đầu tiên của Hemingway được xuất bản tại New York với tên là "Trong thời đại của chúng ta" (In Our Time). Cũng vào thời gian này, nhiều thú vui như trượt tuyết, coi đấu bò rừng, đi câu cá và đi săn... đã là từng phần của cuộc sống của ông và từ đó tạo nên nền móng của các cuốn tiểu thuyết sau này.
Năm 1950, Ernest Hemingway cho xuất bản cuốn truyện "Qua sông và vào trong rừng" (Across the River and into the Trees) nhưng sáng tác này đã không thành công. Tới năm 1952, một tác phẩm khác của Hemingway đã mang lại ngôi vị cho ông trên Văn Đàn Thế Giới, đó là cuốn "Ngư Ông và Biển Cả" (The Old Man and the Sea) và nhờ cuốn tiểu thuyết ngắn này, Ernest Hemingway được tặng giải thưởng văn học Pulitzer năm 1953.Vào năm 1927, Ernest Hemingway ly dị với người vợ thứ nhất, rồi cùng vào năm này, lại kết hôn với cô Pauline Pfeiffer, một nhà văn của tạp chí Vogue. Hai người dọn nhà qua Key West, thuộc tiểu bang Florida vào năm 1928. Một sự việc gây chấn động tới Hemingway vào năm này là cuộc tự sát của người cha, bởi vì ông Clarence Hemingway đã tuyệt vọng vì bệnh cao huyết áp và bệnh tiểu đường. Ý tưởng về tự sát đã phản ánh qua các bài viết của Hemingway, qua tư tưởng của nhân vật Robert Jordan trong cuốn tiểu thuyết "Vì Ai, Hồi Chuông Báo Tử" (To Whom the Bell Tolls) xuất bản vào năm 1940. Hãng Phim Paramount Pictures đã mua bản quyền của cuốn truyện này với giá cao kỷ lục vào thời bấy giờ là 150,000 mỹ kim cộng thêm điều kiện do Hemingway đặt ra, là các tài tử chính trong phim phải do Gary Cooper và Ingrid Bergman phụ trách.
Trong thời gian còn làm phóng viên nước ngoài tại thành phố Paris, Ernest Hemingway đã lưu tâm tới tình hình chính trị của nước Tây Ban Nha dưới triều đại Vua Alfonso-12. Hemingway đã thăm viếng xứ này vào mùa hè năm 1931 sau khi chế độ quân chủ bị lật đổ và ông đã tiên đoán rằng cuộc nội chiến sẽ xẩy ra vào năm 1935. Tới khi cuộc nội chiến bùng nổ thực sự, Ernest Hemingway bắt đầu viết và đọc các bài diễn văn từ năm 1936 để gây quỹ cho phe Cộng Hòa Tây Ban Nha.
Năm 1937, Hemingway qua nước Tây Ban Nha để tường thuật về cuộc chiến bằng các bài viết cho Liên Bang các Tờ Báo Bắc Mỹ (the North American Newspaper). Nhiều người trẻ từ Hoa Kỳ và từ các quốc gia khác cũng tham gia vào lực lượng Trung Thành (the Loyalists) để bảo vệ các lý tưởng dân chủ, nhưng cuối cùng nhà độc tài Francisco Franco đã thắng cuộc chiến.
Vào năm 1940, Hemingway và Pauline đã ly dị nhau và Hemingway cưới nhà văn Martha Gelhorn. Hai người đi du lịch vòng quanh Trung Hoa rồi tới xứ Cuba định cư. Khi Thế Chiến Thứ Hai bùng nổ, Ernest Hemingway đã tình nguyện đóng góp với Hải Quân Hoa Kỳ bằng con thuyền đánh cá "Pilar" với công tác canh chừng các tầu ngầm Đức xuất hiện trong vùng biển Caribbean.
Thế Chiến Thứ Hai diễn ra tại châu Âu đã lôi cuốn Ernest Hemingway, khiến ông trở thành một thông tín viên và trưởng ban châu Âu của Tạp Chí Collier. Do muốn tường thuật về cuộc chiến, Hemingway đã nhiều lần bay theo lực lượng Không Quân Hoàng Gia Anh trong các cuộc oanh tạc trên miền đất Pháp bị quân đội Đức chiếm đóng. Vào ngày 6-6-1944, Ernest Hemingway tham dự cuộc đổ bộ của quân đội Đồng Minh lên bờ biển Bắc Âu và có mặt khi thành phố Paris được giải phóng khỏi quân đội Đức Quốc Xã. Người ta còn kể lại rằng khi quân Đồng Minh tiến vào khách sạn Ritz tại Paris, họ đã thấy có tấm bảng ghi câu viết: "Ba đã chiếm khách sạn. Nhiều đồ uống dưới hầm rượu". "Ba" (Papa) là tên gọi vui đùa dành cho Ernest Hemingway.
Sau một lần ly dị nữa vào năm 1944, Ernest Hemingway lại cưới cô thông tín viên của Tạp Chí Time tên là Mary Welsh. Sau chiến tranh, họ sống với nhau tại Venice rồi cuối cùng, quay về cư ngụ trong một nông trại gần Havana, thuộc xứ Cuba.
Vào tháng 1 năm 1954, Hemingway qua châu Phi để săn thú rừng và người ta đã loan tin ông bị tử nạn máy bay trong chuyến đi đó. Nhưng Hemingway đã sống sót, chỉ bị thương nặng về cột sống và nội tạng nhưng cũng nhân dịp này, ông được đọc những lời chia buồn thiện cảm. Cũng vào năm 1954, Ernest Hemingway nhận được Giải Thưởng Nobel Văn Chương mà Hàn Lâm Viện Thụy điển đã trao tặng "vì thể văn mạnh mẽ dùng trong nghệ thuật kể chuyện mới lạ và thể hiện gần đây nhất qua tác phẩm Ngư Ông và Biển Cả".
Vào tuổi 60, chân dung của Ernest Hemingway với bộ râu bạc trắng, đã xuất hiện trên nhiều tờ báo và Hemingway vẫn còn là một con người mang nhiều sức sống. Người ta đã thấy ông đá các lon bia trống không lên cao trên con đường về nhà tại Ketchum thuộc tiểu bang Idaho. Nhưng, Ernest Hemingway thực ra không cảm thấy hạnh phúc. Ông đã điều trị và dưỡng bệnh dài hạn tại bệnh viện Mayo, thuộc thành phố Rochester, tiểu bang Minesota. Ông bị ám ảnh vì cao huyết áp và suy sụp tinh thần. Ông tự cảm thấy không còn duy trì được thứ sức mạnh của nam giới (the masculine vigor) nữa, một thứ hào hùng mà ông hằng vui hưởng.
Vào buổi sáng Chủ Nhật, 2 tháng 7 năm 1961, Ernest Hemingway thức dậy sớm trong ngôi nhà tọa lạc tại một nơi vắng vẻ của thị trấn Ketchum, Idaho, đã nạp đạn vào khẩu súng săn hai nòng, đặt báng súng trên sàn nhà và đưa nòng súng vào đầu mình rồi bóp cò. Nhiều người danh tiếng trên thế giới đã tự sát, để lại mẩu giấy ghi rõ lý do, nhưng đối với Ernest Hemingway, đã không có lời trối trăn nào ngoài hình ảnh của các nhân vật trong nhiều cuốn tiểu thuyết mà ông đã sáng tạo ra. Ernest Hemingway đã lập gia đình bốn lần, khi qua đời để lại ba người con trai.
2- Ernest Hemingway với tác phẩm "Ngư Ông và Biển Cả".
|
Ernest Miller Hemingway đã để lại một số lượng lớn bản thảo, một số đã được xuất bản trước khi ông qua đời. Các nhân vật trong truyện của Hemingway là biểu hiện của các cách nhìn cuộc đời và các giá trị thực của nhà văn. Các nhân vật chính trong các cuốn "Mặt Trời Vẫn Còn Mọc", "Giã Từ Vũ Khí" hay "Vì Ai, Hồi Chuông Báo Tử" là những thanh niên có sức mạnh, tự tin nhưng đã gặp các vết thương vì chiến tranh.
Chiến tranh đối với Hemingway là một biểu tượng mạnh của thế gian qua đó nhà văn đã nhìn thấy hầu như chứa đầy các khó hiểu về luân lý, các tàn phá, các đau đớn không tránh khỏi và để vượt qua thứ thế giới như vậy, con người phải hành động bằng danh dự, can đảm, chịu đựng, phẩm cách và toàn bộ các nguyên tắc này được gọi là "quy luật của Hemingway" (the Hemingway code).
Ernest Hemingway đã viết về các hoàn cảnh phấn đấu can trường, thường khi không mang lại kết quả, để chống chọi với cuộc đời. Về sau, Hemingway đã chuyển hướng, quay sang các vấn đề xã hội. Bằng các tiểu thuyết, Hemingway đã mạnh mẽ lên án các bất công về kinh tế và chính trị và trong cuộc Nội Chiến Tây Ban Nha, ông đã viết rằng việc mất tự do đang lan tràn tại khắp nơi.
Ernest Hemingway đã dùng thể văn trong sáng, rõ ràng, với các câu văn phần lớn gồm danh từ và động từ, rất ít tính từ và trạng từ, lại dựa trên sự lặp lại và nhịp điệu để gây ra ấn tượng tác dụng. Hemingway đã mô tả một loạt các hành động bằng các câu văn ngắn, đơn giản, không dùng tới các lời phê bình theo tình cảm hay mang tính tu từ, ông đã tránh mô tả trực tiếp các cảm giác và tư tưởng của các nhân vật trong truyện và như vậy, tác giả đã chỉ cung cấp cho độc giả các sơ liệu của kinh nghiệm mà không đề cập tới quan điểm của người viết.
Độc giả được cung cấp các tiếp xúc sát với thực tế. Hemingway đã quan niệm rằng nhà văn phải trình bày đề tài một cách chân thật do chính mình tham dự hay quan sát đề tài thật gần và cách làm như vậy mới chứng tỏ được hiểu biết chuyên môn của tác giả. Ông cũng dùng thể văn đối thoại đơn giản, tự nhiên và thể văn đặc sắc của Hemingway đã được nhiều nhà văn bắt chước trong thế kỷ 20.
Ernest Hemingway là một con người tương phản. Danh tiếng của ông gắn liền với chiến tranh và lòng cam đảm, với tình yêu và bạo lực, với vẻ đẹp và cõi chết. Hemingway đã trải qua nhiều năm trường tại các thành phố lớn của châu Âu cũng như trong các làng mạc bán nhiệt đới của xứ Cuba, từ các đấu trường với bò rừng của xứ Tây Ban Nha tới miền rừng cây vắng vẻ trên lãnh thổ Canada và cuộc đời của ông mang nhiều màu sắc, nhiều kinh nghiệm của người lính, người thợ săn, kẻ đấu bò rừng, của con người đam mê tình yêu, của con người thực tế đã tỉnh ngộ cũng như của một tiểu thuyết gia bị định mệnh đưa đẩy trên cõi sống và cõi chết. Chính vì vậy, các tác phẩm của ông là thể hiện một cuộc đời phiêu lưu nhiều kinh nghiệm và cả tài năng của một nhà văn xuất sắc.
Các sáng tác của Ernest Hemingway là phản ảnh cuộc đời của tác giả bởi vì theo như một câu nói cổ điển "trong mỗi tác phẩm có một phần nào tiểu sử tác giả" (every piece of writing is at least a little bit autobiographical) và người ta đã thấy ở ông hai con người, một là nhà mạo hiểm, phiêu lưu, thường đi gần cõi chết và con người thứ hai là nhà văn có biệt tài nhận xét, quan sát, nhậy cảm với nhiều lối sống xã hội, viết ra các kinh nghiệm thành những câu chuyện đồng thời phân tích tư tưởng của các nhân vật và những người trong chuyện này đã hành động theo bản năng hay do suy nghĩ chín chắn? Trước nhiều thử thách cam go, nhiều đau khổ, con người đã chịu đựng và đối phó ra sao?
Trong cuộc đời, Ernest Hemingway đã gặp nhiều thử thách: tranh chấp, từ chối, thất bại, mất mát, chiến thắng và vinh quang… và trong cuốn chuyện "Ngư Ông và Biển Cả" ông lão đánh cá Santiago cũng trải qua các kinh nghiệm như vậy. Mặc dù đã cao tuổi, ông Santiago còn dám thử thách, chịu kiên nhẫn và cố gắng phấn đấu, và phần thưởng cuối cùng của ông là niềm vui vì biết mình đã tranh đấu, vì có lòng cam đảm dám tiếp tục thử thách.
Nội dung tác phẩm "Ngư Ông và Biển Cả" tương tự như truyện ngắn "Trên Mặt Biển Xanh" (On the Blue Water) được Hemingway phổ biến trên Tạp Chí Esquire vào tháng 4-1936. Ernest Hemingway đã nghe một người bạn kể lại câu chuyện thực sự xẩy ra, về một người thuyền chài câu được một con cá rất lớn và đã mất 3 ngày và 3 đêm để thắng được con cá đó. Vào tháng 1 năm 1939, Hemingway tìm cách khai triển câu chuyện, làm sao nói lên được tư tưởng của ông già đánh cá trong 3 ngày đêm chịu đựng này.
Tới mùa Giáng Sinh năm 1951, khi suy nghĩ về câu chuyện của ông già đánh cá, Ernest Hemingway đã trở về Cuba để cảm nhận hoàn cảnh thực tế và ông đã kiểm chứng các chi tiết bằng cách chính mình cho thuyền ra khơi.
Tác phẩm "Ngư Ông và Biển Cả" được viết xong vào giữa tháng 2 năm 1951 rồi được Tạp Chí Life phát hành vào mùa thu năm đó. Hơn 5 triệu ấn bản được bán hết trong hai ngày và nhà phê bình Malcolm Cowley đã viết trên tờ báo The New York Herald Tribune rằng cuốn tiểu thuyết này thì "gần như không có khuyết điểm".
3- Các chi tiết về Tác Phẩm “Ngư Ông và Biển Cả”.
Thời gian và địa điểm của tác phẩm: 1951, nước Cuba.
Năm phổ biến đầu tiên: 1952.
Loại tác phẩm: tiểu thuyết ngắn.
Ngôn ngữ: tiếng Anh.
Thời gian chuẩn bị tác phẩm: cuối thập niên 1940.
Địa điểm: một làng đánh cá nhỏ gần thành phố Havana trong nước Cuba, vùng Vịnh Mexico.
Người kể chuyện: nhân vật thứ ba.
Quan điểm: của người kể truyện và của ngư ông Santiago.
Nhân vật chính và vai phụ trong truyện: Santiago và một con cá lớn.
4- Vài nhân vật trong Tác Phẩm.
Santiago: là một ông già đánh cá người Cuba tuy nghèo khó nhưng vẫn tự hào về các khả năng của mình. Ông già này đã hiều biết rất nhiều về biển khơi và nghề đánh cá, những thứ này đã giúp rất nhiều cho ông ta và đã khiến cho ông ta lạc quan, ngay cả khi không gặp được vận hên.
Manolin: là cậu thanh niên học nghề với ông già Santiago, cậu này luôn quý mến ông già và thường hay chăm sóc ông ta.
Con cá Marlin: là con cá dài 18 feet (5.50 mét). Ông già Santiago vẫn có tình cảm đối với con cá lớn này.
Martin: là chủ tiệm cà phê trong ngôi làng của ông già Santiago. Ông Martin thường hay cung cấp cho ông Santiago các bữa ăn tối.
5- Cốt Truyện.
"Ngư Ông và Biển Cả" là tập truyện mỏng nhưng chứa đầy các suy nghĩ tương khắc của một ông già đánh cá được coi là anh hùng cả về hành động lẫn tư tưởng, bị thất bại thật nhưng vẫn anh dũng, vẫn duy trì can đảm để thử thách vào các lần sau. Ngoài ra, câu chuyện còn mô tả một tình bạn cảm động, vừa thắm thiết, vừa tương kính giữa một thiếu niên trẻ và một ông già.
Cốt truyện không chứa nhiều nhân vật mà chỉ gồm có: Santiago là ông gìa đánh cá gốc người Cuba, Manolin là một thiếu niên, bạn thân nhất của ông Santiago, con cá "Mác" (Marlin), loại cá nước sâu, dài gần 6 mét. Đây là con cá dài nhất, câu được trong vùng Vịnh Cuba. Có vài nhân vật phụ như Martin là ông chủ đất, thường cho Manolin đồ ăn để đưa tặng ông già đánh cá, Rogelio là cậu bé giúp ông già Santiago vá lưới, Pedrico nhận chiếc đầu con cá Mác để làm mồi câu và các con cá mập hung dữ trên biển.
So với phần lớn các tiểu thuyết khác, cuốn truyện "Ngư Ông và Biển Cả" đã khác thường ở nhiều điểm. Đầu tiên, thời gian diễn tiến rất ngắn, các hành động xẩy ra chỉ trong vòng 3 ngày và 3 đêm, ngoài ngày hôm trước và một phần của ngày hôm sau. Việc mô tả 3 ngày trong cuộc đời của một nhân vật thường làm cho câu chuyện buồn tẻ, thế nhưng, nhiều người đã không đồng ý với quan điểm này và Đại Văn Hào Hemingway đã làm cách nào cho quãng thời gian quá ngắn đó hấp dẫn?
"Ngày hôm trước" là thời điểm ông già Santiago gặp xui. Ông không câu được con cá nào trong 84 ngày đã qua. Ông Santiago là một người góa vợ và không con. Chỉ có cậu bé Manolin là người bạn chân thật của ông già, một người học nghề, nhưng cha mẹ của cậu bé này đã chuyển cậu qua làm việc tại một nơi khác bởi vì ông già Santiago đang "gặp xui". Nhưng Manolin vẫn còn giúp đỡ ông Santiago chuẩn bị một chuyến đi đánh bắt lớn.
"Ngày thứ nhất", ông Santiago chèo thuyền ra khỏi hải cảng Havana, vượt qua giới hạn của vùng đánh cá thông thường vì ông hy vọng xóa đi vận xui và đánh bắt một mẻ cá lớn. Ông ta coi khí tượng thấy thời tiết tốt, nên thả vài dây câu bên mạn thuyền. Chiếc cần câu thả dây sâu nhất có dấu hiệu nhấp nháy, cho biết có một con cá mắc mồi và ông già có thể đoán được đó là một con cá lớn. Sau một cú giật thật mạnh, ông già Santiago đã móc được lưỡi câu vào miệng cá nhưng con cá cũng bắt đầu kéo thuyền lướt đi. Ông Santiago đoán rằng đây không phải là một con cá bình thường.
"Đêm đầu tiên", con cá tiếp tục kéo chiếc thuyền ra khơi như thể một cậu bé con kéo món đồ chơi, dù cho con cá là tù nhân của ông già. Ông Santiago bắt đầu hối tiếc về mẻ cá này nhưng ông vẫn không nản lòng bởi vì "ta quyết ở cùng mi cho tới chết".
"Ngày thứ hai", ông Santiago tăng thêm sức căng của dây câu, tới độ gần gẫy cần, để làm cho con cá phải nhẩy lên. Cây cần câu đã làm mỏi sống lưng của ông già. Ông vẫn phải chịu mệt nhọc hàng giờ. Có lúc con cá vũng vẫy quá mạnh, khiến cho cây cần câu gây thương tích nơi tay phải của ông già. Rồi do cầm giữ cây cần câu quá lâu, cánh tay trái của ông Santiago cũng bị tê cứng "như bị móng vuốt của con chim đại bằng kẹp chặt". Lần đầu tiên, con cá nổi lên, cho thấy nó còn dài hơn con thuyền câu. Ông già Santiago bắt đầu cầu nguyện cho được thành công. Cá và người đã ở quá xa bờ. Trong cảnh trời nước mênh mông, ông già đánh cá nhớ tới cầu thủ quán quân DiMaggio, ông hồi tưởng lúc còn trẻ, đã từng vô địch về môn vật tay, thắng các đối thủ mạnh sức.
"Đêm thứ hai", ông già Santiago ăn con cá câu được do một cần câu khác và lần đầu tiên, ông lăn ra ngủ. Bỗng một cú giật thật mạnh, con cá nhẩy lên khỏi mặt nước. Đây là điều tốt, chứng tỏ con cá sắp chết, không còn chìm sâu dưới nước mà kéo thuyền đi.
"Ngày thứ ba", con cá bắt đầu bơi vòng quanh thuyền. Ông già phải tính cách làm sao mang được con cá lên thuyền. Ông thu ngắn dây câu lại và nhìn rõ được con cá: nó lớn ngoài sức tưởng tượng. Sau nhiều lần tìm cách tới sát gần con cá, ông già Santiago đã đâm con cá bằng một cây lao. Rồi bởi vì con cá dài hơn con thuyền, nên phải buộc con cá vào mạn thuyền hơn là kéo nó theo. Ông già Santiago kéo buồm lên, cho thuyền hướng phía tây nam, trở lại Havana. Trên đường đi, một con cá mập đã cắn vào con cá Mác, gỡ đi hơn 20 kí thịt. Do dùng lao đâm cá mập, ông già đã đánh mất cây lao đó. Máu của con cá Mác đã loãng vào trong nước biển, dẫn tới cả đàn cá mập khác, chúng xúm đến dỉa mồi.
"Đêm thứ ba", ông Santiago đã nhìn thấy ánh đèn xa xa của thành phố Havana và ông không thể nào xua đuổi được đàn cá mập hung dữ, vây theo xé thịt con mồi cho tới khi con cá Mác chỉ còn là một bộ xương. Tới nửa đêm, ông già Santiago cập được vào bờ, mang buồm vô chòi lá và ngủ lăn vì quá mệt.
"Ngày hôm sau", cậu bé Manolin thấy ông già còn mê man ngủ. Rồi cả làng đánh cá giao động vì bộ xương cá quá lớn còn buộc vào mạn thuyền của ông già đánh cá Santiago. Cậu Manolin thề rằng từ nay, sẽ đi câu với ông già.
Bộ xương cá rất to lớn buộc vào mạn thuyền đã làm cho các du khách phải sửng sốt. Họ không hiểu rõ bản chất và ý nghĩa của các kinh nghiệm mà ông già Santiago đã trải qua. Ông già Santiago là một hình ảnh của sự chiến thắng vẻ vang hay sự thất bại bi thương, hay là sự phối hợp của cả hai?
6- Vài nhận xét về Tác Phẩm “Ngư Ông và Biển Cả”.
cõi chết thì không thể tránh khỏi, nhưng chúng ta có thể phấn đấu trước sự thất bại trong niềm danh dự và lòng cam đảm.
Ông già Santiago tin tưởng rằng “người ta có thể bị hủy diệt nhưng không thể bị thất bại”. Tác giả Hemingway cho rằng cõi chết thì không thể tránh khỏi, nhưng chúng ta có thể phấn đấu trước sự thất bại trong niềm danh dự và lòng cam đảm. Ông già Santiago và con cá Marlin đã cho thấy rõ cách thành công trong công việc phấn đấu này. Cả hai đã phải chiến đấu trước cảnh chết nhưng cả hai vẫn vui vẻ phấn đấu.
Khi ông già Santiago nhìn lên bầu trời thấy các con chim nhỏ bị các con chim lớn săn mồi lung bắt, ông ta nhận thức rằng sự phấn đấu thì không thể tránh khỏi và một cách để cho con người chứng tỏ sức mạnh và danh dự của mình là chọn được các đối thủ xứng đáng. Tại phần cuối của cuốn truyện, ông già Santiago đã tỏ ra mình là người anh hùng và kẻ chiến thắng.
Santiago là một ngư ông và "mọi thứ của con người ông ta đều già, ngoại trừ hai con mắt", và hai con mắt này có cùng màu với biển cả, chứa đựng bên trong niềm vui vẻ và ý tưởng không đầu hàng. Santiago là một người cao tuổi nhưng không cằn cỗi, "gặp xui" nhưng không bị đánh bại, từ tốn mà không nhu nhược, hãnh diện mà không khoác lác, chịu đựng mà không thụ động và có lẽ quan trọng nhất là niềm hy vọng mà không ghen tị với các người khác.
Ngư ông Santiago có thể tượng trưng cho cảnh cô đơn của tuổi già, hay một loại nghệ sĩ muốn thử làm những gì không thể làm nổi bằng cách đi thật xa và phấn đấu. Cuối cùng, cậu thiếu niên Manolin đã xác nhận rằng con cá đã không thắng được ông già Santiago và niềm tin của dân chúng trong vùng đối với ông già đánh cá đã được phục hồi.
usaelection gởi