Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
GÃ GIANG HỒ LƯƠNG THIỆN
 

1- KÝ ỨC TUỔI THƠ

Trường học lớn nhất của Lê Vũ Cầu là sân khấu, là chuyện nhân tình thế thái trên sàn diễn. Những nhân vật giang hồ hảo hớn sống bất cần đời trong những vỡ tuồng kiếm hiệp đã tạo thêm chất hoang dã trong con người đã trót giang hồ từ tấm bé của anh. Sân khấu đã biến anh thành kẻ giang hồ lương thiện, nếu không, chẳng biết cuộc đời sẽ đưa anh vào ngã rẽ nào.

Hàng ngày, cứ đến 11 giờ trưa, nhà hàng “Vợ thằng Đậu” – số 40 Đặng Văn Bi, Thủ Đức – trở nên đông nghẹt khách, có hôm lên đến gần hai trăm người. Tuy nhiên, không phải khách hàng bình thường mà là những con người cơ nhỡ tứ phương đến đây dùng bữa cơm chay từ thiện do nghệ sĩ Lê Vũ Cầu đãi ngộ. Nói đến cơm chay từ thiện, người ta dễ hình dung đến một sự bố thí qua loa của người có của dành cho kẽ nghèo hèn. Tôi thật sự bất ngờ trước một bữa cơm từ thiện mà người ăn được đối đãi trân trọng như thực khách của nhà hàng bởi nhân viên phục vụ luôn tỏ ra ân cần và lịch sự. Khách đến cứ ngồi vào bàn, nhân viên mang ra một khay cơm và ba món ăn chay gồm món canh, món xào và món mặn. Khách cần thêm cơm hoặc thức ăn, cứ gọi người phục vụ. An xong, nếu khách muốn thêm một phần mang về cho buổi chiều, cứ gọi người phục vụ.

Gần hai trăm người khách đến đây là gần hai trăm số phận, có những cụ già neo đơn không nơi nương tựa, có những lão hành khất qua đường, có những học sinh, sinh viên nghèo không đủ tiền ăn cơm tháng, có những đứa trẻ mồ côi đi đánh giày, bán vé số bất chợt ghé qua, có những chị từng là thanh niên xung phong thời chống Mỹ quê ở tận miền Trung nghèo khó, một chiếc xe đạp không thắng không vè với chiếc cần xé giấy vụn, ve chai gồng gánh cả đàn con ăn học ở quê nhà . . . Cứ nhìn họ ăn ngon miệng, Lê Vũ Cầu cảm thấy ấm lòng. Đôi khi có những ý nghĩ ngộ nghĩnh chợt đến trong anh: Biết đâu trong số họ có những người ngày xưa từng giúp đỡ mình, giờ thất cơ lỡ vận, làm sao mà biết được những ngã rẽ của cuộc đời.

Lê Vũ Cầu tâm sự: “Của cho không bằng cách cho. Một bữa cơm không đáng là bao nhưng cho không khéo chỉ làm người ta tủi phận. Cuộc đời mình khổ quá nhiều rồi, cái mà mình sợ nhất trên đời nầy là sợ đói. Cho đến bây giờ, cái đói vẫn còn ám ảnh trong những giấc mơ. Thời thơ ấu có những đêm mưa nằm ngủ vĩa hè, một nửa người dựa vào tường dưới mái hiên, đôi chân để ngòai mưa lạnh buốt, bụng đói đến cồn cào, đói như điên dại. Có lần đói quá không chịu nổi, mình đánh liều ghé vào quán cơm bình dân trên vĩa hè kêu một dĩa cơm dồi trường xào dưa cải. Có lẽ đó là dĩa cơm ngon nhất trên đời. An xong, mình hồi hộp nói với bà chủ quán : “Dì ơi con lỡ hết tiền, dì cho con thiếu, mai con quay lại trả”. Không ngờ bà chủ nhìn mình với một nụ cười đôn hậu: “Không sao đâu con, hôm nào hết tiền thì cứ đến ăn, dì cho thiếu”.

*

Một ngày cuối năm 1963, một chiếc phi cơ bị trúng đạn bay vòng vèo qua thị xã Cà Mau, bất thần nó lũi vào một ngôi nhà bên bờ sông, cạnh cầu sắt Phán Tề làm hai vợ chồng người chủ nhà bị vùi trong đất, bỏ lại sáu đứa trẻ mồ côi, trong đó có Lê Vũ Cầu vừa lên tám tuổi. “Buổi sáng oan nghiệt ấy –Lê Vũ Cầu kể – một chị của Cầu đi học, một chị dắt hai đứa em đi chơi trong xóm, còn Cầu thì theo các bạn đi lượm đồ hộp của Mỹ ở sân bay. Bổng nghe một tiếng nổ kinh hòang cùng với cột khói bốc lên từ phía nhà mình, Cầu chạy về thì hởi ơi ! Ngôi nhà biến mất sau xác chiếc máy bay, ba mẹ Cầu bị vùi trong lớp đất thật sâu, cuộn tròn trong lớp dây chì gai làm hàng rào trước sân nhà”.

Nhà cửa không còn, cha mẹ không còn, chị em Cầu được bà con thân tộc chia nhau mỗi người nuôi một đứa. Cầu theo bà nội về Tây Ninh được một năm thì bỏ nhà đi bụi. “Ở nhà nội mình hay bị mấy ông anh con của người bác ăn hiếp, vừa tủi thân, vừa tức giận. Một hôm giành nhau trái vú sữa sau vườn, không nhịn nữa mình thoi vào mặt ông anh, xịt máu mũi. Hỏang quá, nghĩ mình phận mồ côi, người ta có cha có mẹ, về nhà chắc chắn sẽ bị ăn đòn, rồi sẽ bị mấy anh hành hạ dài dài, càng nghĩ mình càng sợ không dám về nhà”.

Lê Vũ Cầu nhảy lên xe đò đi Sài Gòn, lang thang mấy ngày ở bến xe Pétrust Ký. Một hôm, anh xin làm lơ cơm cho chiếc xe đò chạy tuyến miền Trung mà chẳng biết điểm dừng của nó ở đâu. Cầu ngơ ngác trước những làng mạc, đồng quê, núi đồi, đèo cao và biển cả. Anh cũng chẳng hiểu sao mình lại chọn thành phố Quy Nhơn làm điểm dừng chân để bắt đầu một kiếp sống bụi đời. Quê hương, nhà cửa, người thân, chén cơm, manh áo và những câu hỏi về cuộc mưu sinh với cậu bé tám tuổi như Cầu chỉ là những khái niệm rất mơ hồ. Sự sống là mạnh được, yếu thua. Chẳng bao lâu, Cầu nổi danh là Cầu Sài Gòn trong những băng nhóm trẻ lang thang ở thành phố Quy Nhơn. Từ ăn xin, đánh giày đến chôm chỉa, cướp giựt ở nhà ga xe lửa, bảo kê cho gái giang hồ . . . chuyện gì cũng làm được nếu nó mang lại chén cơm. Cuộc sống trở nên sang trọng hơn khi Cầu phát hiện kho hàng của căn cứ Mỹ. Ban đêm, bảy đứa trẻ, mỗi đứa một cây kềm cắt hàng rào kẽm gai mò vô kho, gặp cái gì vác ra cái nấy, có khi là bơ sữa, thịt bò, thuốc lá, có khi là cả một thùng lựu đạn hay súng rulo. Ăn quen bắt bén, một đêm nọ vừa qua lớp hàng rào thứ ba thì bị lính canh phát hiện, đèn pha sáng một vùng trời,đạn bắn xối xả như mưa. Cầu chạy bán mạng xuống bờ sông, chui vào chiếc tàu cá. Sáng ra thấy chổ hiện trường người ta bu đông nghẹt. Cầu lọ mọ đến xem. Một thảm cảnh kinh hòang: sáu đứa bạn của Cầu bị bắn chết đêm qua nằm xếp hàng trên vũng máu, ngực mỗi người mang hai chữ VC.

Cú sốc về cái chết của sáu người bạn đã làm cho Lê Vũ Cầu trở nên bấn lọan, khi thì âm thầm lặng lẽ với công việc đánh giày, lúc lại nổi cơn điên lao vào dao búa. Hồi ấy, những đứa trẻ đánh giày ở Quy Nhơn đều phải chịu sự chăn dắt và quản lý của một tên trùm anh chị gọi là đại ca, nghĩa là chiều về phải nộp tiền cho đại ca mới được hành nghề. Hôm nào nộp ít thì bị nghi ngờ là gian lận, giấu tiền, bị hạch sách, bị chửi mắng, thậm chí bị ăn đòn. Buổi sáng hôm nọ, Cầu đang đói bụng rã rời mà trong túi thì không còn tiền vì chiều hôm qua đã nộp hết cho đại ca,trong khi đó đại ca đang ngồi ăn tô bún bò ngon lành, hắn vừa ăn vừa mắng Cầu dạo nầy nôp tiền quá ít. Không kềm chế được, Cầu ném nguyên cái hộp đồ nghề bằng gổ vào mặt hắn, máu tuôn xối xả. Từ hôm ấy, đại ca biến mất, trả lại tự do cho nhóm trẻ đánh giày ở Quy Nhơn.

Rồi có một đêm nọ đòan cải lương Minh Cảnh ra hát ở Quy Nhơn, Lê Vũ Cầu cảm thấy lòng dạ bồi hồi khi nghe câu vọng cổ, cảm thấy lạc lõng, chơi vơi nơi đất khách quê người. Và, dường như điệu đàn vọng cổ đã làm cho anh chạnh lòng khao khát một quê hương dù quê hương trong anh không có một hình ảnh rõ ràng, không một địa danh nào cụ thể. Chỉ biết một cách mơ hồ rằng nơi đó có những dòng sông, những bến nước xuồng ghe dập dìu tấp nập, những cánh đồng xanh biếc, những buổi chiều quê ngân nga tiếng vọng cổ u buồn.

Được nhận vào đòan cải lương Minh Cảnh để làm nhân viên hậu đài và sóat vé, Lê Vũ Cầu cảm thấy quá khủng khiếp khi nhìn lại năm năm sống ở Quy Nhơn, anh cũng chẳng hiểu sao mình đến đó, chẳng ai ép, cũng chẳng ai mời, cứ như từ trên trời rớt xuống để rồi cho và nhận từ mảnh đất nầy trăm thứ đắng cay.

Cứ nghĩ, đi theo đòan hát cho thỏa mãn kiếp giang hồ. Từ đòan Minh Cảnh sang Mây Tần, Hương Mùa Thu, Kim Chưởng, Phước Chung, Bông Hồng, Cửu Long Giang . . . đi lưu diễn khắp miền trung đến miền tây. Từ một nhân viên hậu đài, sóat vé, kéo micro, kéo màn, đấm bóp cho kép chính rồi được đóng vai quân sĩ câm, quân sĩ cấp báo, dần dần lên vai phụ, kép độc rồi kép chính. Từ cải lương sang kịch nói, Lê Vũ Cầu chẳng bao giờ hy vọng mình trở thành một nghệ sĩ nổi danh. Ngay cả bây giờ cũng thế, chưa bao giờ anh tự cho mình là một danh hài. Kiếp giang hồ đã tạo cho anh thành kẻ khinh tài trọng nghĩa, sống hết mình, sống bản năng và hoang dã. Trường học lớn nhất của Lê Vũ Cầu là sân khấu, là chuyện nhân tình thế thái trên sàn diễn. Những nhân vật giang hồ hảo hớn sống bất cần đời trong những vỡ tuồng kiếm hiệp đã tạo thêm chất hoang dã trong con người đã trót giang hồ từ tấm bé của Lê Vũ Cầu. Sân khấu đã biến anh thành kẻ giang hồ lương thiện, nếu không, chẳng biết cuộc đời sẽ đưa anh vào ngã rẽ nào.

2- THẬP TỬ NHẤT SINH

“Có một cuộc tình kéo dài bao nhiêu năm rồi cuối cùng cũng trở về tình bạn. Chúng tôi hỗ trợ cho nhau từng vai diễn, nâng đỡ cho nhau từng bước trong nghề. Cô ấy yêu tôi cuồng nhiệt vì sự phóng khóang, ngang tàng và hoang dã của tôi, nhưng không chấp nhận làm vợ tôi cũng chính vì lẽ ấy.”

Khi hài kịch bắt đầu lên ngôi thì diễn viên hài cũng bắt đầu có của ăn của để, nhưng Lê Vũ Cầu dường như không có khái niệm tích lũy, hễ có tiền là anh đi tìm bạn để nhậu đến đồng bạc cuối cùng. Anh nói cuộc đời mình đã nhận nhiều hơn cho thì hà tất gì phải tích lũy,đồng tiền để trong túi chỉ làm anh rai rứt.

Nhưng tạo hóa đôi khi cũng có luật bù trừ. Mồ côi cha mẹ, lưu lạc anh em nhưng Lê Vũ Cầu lại gặp một người anh, một người không phải họ hàng nhưng đối với anh còn hơn ruột thịt, đó là đạo diễn Thế Ngữ.

- Năm 1982, tôi đến dựng vỡ Cô lái xe và cái bình cổ cho đòan kịch nói Bông Hồng, thấy Cầu diễn rất thật nên tôi thương nó. Chỉ đơn giản vậy thôi. Sau đó tôi về đài truyền hình làm chương trình Trong nhà ngòai phố, tôi mời Cầu về cọng tác, rồi mời Cầu về nhà tôi ở. Tuy không cắt máu ăn thề nhưng anh em thương nhau tự lúc nào không biết. Đó là những năm tháng đói khổ, vừa làm cho nhà nước, vừa chạy sô khắp nơi kiếm sống. Tôi nhớ năm 1986, tôi sinh đứa con gái đầu lòng, nghèo đến mức con bé bị suy dinh dưỡng. Lúc ấy Lê Vũ Cầu đi soi từng con cóc về làm thịt, vã ra lấy nước nấu thay sữa cho con bé.

- Năm 1992, anh Thế Ngữ vay 40 triệu để hùn với anh Bảo Quốc làm phim Thủ môn từ trên trời rơi xuống, bán phim lời được 10 cây vàng, anh ra Thủ Đức mua miếng đất, sau đó bán lại lời được 50 cây. Từ đó anh Ngữ trở thành nhà kinh doanh đất. Anh bảo: “ Chú đi theo tôi, tôi thì lo mua, còn chú thì lo bán, lời chia đôi”. Tôi cứ nghĩ ảnh nói vui vậy thôi, ảnh có đất, mình giới thiệu người mua giúp ảnh, thậm chí không nghĩ đến tiền cò, ai ngờ ảnh làm thiệt. Lần đầu tiên ảnh gọi tôi đến: “ Nầy nhé, miếng đất nầy ba mẫu rưởi, tôi mua ba chục cây, mình bán ba mẫu, giá năm chục cây, lãi hai chục cây, phần chú mười cây, tôi mười cây, còn lại năm ngàn mét vuông, chú một nửa, tôi một nửa”.

Hai người đã nói về nhau như thế.

Khi kết thúc công việc làm ăn, Thế Ngữ chia cho Lê Vũ Cầu hơn một trăm cây vàng và bảy lô đất, cộng lại hơn hai mẫu.Thế Ngữ nói đó là lộc trời, phải chia cho anh em từng đồng cam cộng khổ, một thời hạt muối chia đôi.
Lê Vũ Cầu mở quán Vợ thằng Đậu để làm một chốn đi về, làm nơi hội ngộ những bạn bè thân hữu, để những đứa cháu ở thôn quê có cộng việc làm ăn. Nhưng không ngờ cái thương hiệu Lê Vũ Cầu với chùm hài kịch Vợ thằng Đậu đã làm nên thương hiệu quán. Có đất đai mênh mông, có tiền vô dư dã, Lê Vũ Cầu nghĩ đến một cuộc chơi: Miếng đất hơn một mẫu ở ngã ba Vũng Tàu, anh sẽ cắt ra chia cho những bạn bè chí cốt mỗi đứa một cái nền rộng chừng vài trăm mét vuông để xây dựng nhà vườn, gom lại dăm bảy thằng thành một khu nhà nghệ sĩ, cuộc đời như thế là quá đủ, anh chẳng cần gì ngòai tình nghĩa bạn bè. Lê Vũ Cầu lặn lội ra Quảng Nam tìm mua nhà cổ để chuẩn bị cho một cuộc chơi thì đùng một cái anh nghe cơ thể mình đau đớn với những triệu chứng khác thường.

-Khi biết mình bị xơ gan không còn cách nào chữa trị, lẽ ra phải bỏ rượu thì tôi lại nhậu nhiều hơn, nhậu để chết sớm cho rồi. Mà thật ra tôi đã chết từ lâu nếu không có anh Thế Ngữ. Trong một cơn đau bất tĩnh, anh Ngữ đã đưa tôi vào bệnh viện An Bình. Nằm ở đó một thời gian, bạn bè xúm lại chuyển tôi qua bệnh viện Việt Pháp với hy vọng được điều trị tốt hơn. Nhưng ở Việt Pháp họ quản lý quá nghiêm ngặt, không cho thân nhân vào chăm sóc. Một đêm nọ nằm một mình buồn quá, tôi nghĩ đến cái chết. Nhưng sợi dây cáp truyền hình không treo nổi thân tôi. Anh Thế Ngữ mang sợi dây ấy về nhà làm kỷ niệm như một lời cảnh cáo rồi đưa tôi trở lại An Bình.

-Khi xem những vỡ Chuyện lạ, Bếp lò, Con ma . . . của Lê Vũ Cầu dàn dựng, tôi thật sự cảm phục trước những ngón nghề đạo diễn, một sự sáng tạo lạ lùng mà chỉ có ở những nghệ sĩ lang bạc, giang hồ, phóng khóang như Lê Vũ Cầu mới có. Nhưng nhìn cái da vẽ bầm tím trên gương mặt Lê Vũ Cầu tôi lại thấy ngậm ngùi. Một tài năng vừa phát tiết mà lại phát tiết ở một con người đang mang bệnh ung thư trong giai đoạn cuối. Có lẽ thế là hết. Một ngày nọ trên giường bệnh ở An Bình, Lê Vũ Cầu nói với tôi về việc chia đất cho bạn bè, trong đó có tôi. Tôi bảo tôi không cho chú thì thôi chứ sao chú lại cho tôi. Những ngày sau đó Cầu lên cơn mê sảng, bác sĩ bảo lo lui. Báo chí đưa tin Lê Vũ Cầu đang hấp hối, bạn bè, đồng nghiệp, người thân, khán giả ùn ùn kéo đến. Hội sân khấu thành lập ban tang lễ, người lo điếu văn, người lo mua hòm, người lo nhà tang lễ, người đi chùa nghệ sĩ xin đất nghĩa trang, tôi với Hồng Vân và Tuấn Anh thay nhau túc trực suốt ba ngày. Nhiều khán giả ngưỡng mộ Lê Vũ Cầu kéo nhau đi nhà thờ cầu nguyện, những gia đình phật tử tổ chức cầu an.

Nhưng sau ngày thứ ba, chẳng hiểu phép mầu nào đã giựt Cầu sống lại.

Thế Ngữ kể tiếp:

-Cái sự tưng tửng của Cầu nhiều lúc làm tôi tức muốn điên. Lúc nằm ở viện y học dân tộc, chú ấy mang theo chiếc xe du lịch, có người hỏi mua 120 triệu, chú không bán. Mấy hôm sau tôi vào thăm, chú gửi tôi 70 triệu đồng, bảo vừa bán xe. Tôi hỏi sao có bấy nhiêu, chú bảo thấy thằng nầy dễ thương, em bán rẻ cho nó. Mấy hôm sau lại bảo em cần tiền, anh đưa lại cho em. Hôm khác chú gọi điện cho tôi bảo rằng “em đã về cà Mau, đang ở trong vuông tôm của thằng em dưới rừng đước Năm Căn, anh đừng cho ai biết, em không muốn làm phiền mọi người”. Tôi nghĩ thế thì cũng tốt, về nơi yên tĩnh ấy có khi chú lại thanh thản hơn. Vậy rồi mấy hôm sau lại gọi cho tôi: “Ở Năm Căn tàu chạy suốt ngày đêm không ngủ được, em về quán ở Thủ Đức rồi”. Tôi chạy ra thăm mới hay rằng, chú mang tiền về quê cho hết bà con hàng xóm, thấy ai nghèo cũng cho, không chừa một đồng nào. Mấy hôm sau nữa, Lê Tuấn Anh gọi điện cho tôi báo tin khẩn cấp: “ Anh Cầu đang hấp hối trong bệnh viện Việt Đức ở Nghệ An.” Tôi hốt hỏang, sao lại tuốt ngòai Nghệ An? Hóa ra chú ấy đọc báo thấy có một ông thầy chữa bệnh ung thư gan bằng thuốc gia truyền nổi tiếng trên miền núi Nghệ An nên mới mò ra đó. Ban đầu mua vé máy bay nhưng khi ra sân bay người ta thấy chú quá yếu không cho đi nên chú mua vé xe lửa đi một mình mới ra nông nổi ấy. Hôm ấy tôi bị bệnh không đi được nên cho người ra rước chú về. Sau nầy tôi mới hay rằng khi đi chú mang theo 40 triệu đồng nhưng sau những lần mê sảng dọc đường, tưởng mình không sống nổi nên cứ gặp người nghèo là móc tiền ra cho dài dài, cho đến đồng bạc cuối cùng mà quên rằng lỡ mình có chết cũng không có tiền chở xác về quê. Tôi đưa chú ấy trở lại bệnh viện An Bình trong tình trạng nguy kịch, mặt mày thâm tím, người mê man, bụng trướng lên, đôi chân xưng vù. Bác sĩ bảo nếu để chú ấy ngủ là sẽ đi luôn nên chích thuốc không cho ngủ.

Vậy mà rồi chú ấy cũng sống!

Sống ! Tại sao mình lại sống ? Sống bao lâu nữa ? Và sống như thế nào ?
Đó là những điều mà Lê Vũ Cầu luôn tự hỏi. Phải chăng có sự nhiệm màu từ những lời cầu nguyện hay từ những liều thuốc gia truyền mà khán giả đã cho anh ? Sau những ngày trãi qua cơn thập tử nhất sinh, Lê Vũ Cầu bổng nhớ đến tiểu thuyết Quy luật của muôn đời, anh tâm đắc những điều mà Dumbatze đã nói: “Đời người nên có một lần trãi qua cơn thập tử nhất sinh” hoặc : “Tâm hồn con người nặng gấp trăm lần thể xác, nó nặng đến nỗi một người không mang nỗi mà phải cần sự giúp đỡ của người khác. Anh giúp tôi, tôi giúp cho người khác, người khác lại giúp cho người khác nữa, và cứ thế cho đến vô cùng, sao cho cái chết của mỗi con người không đẩy chúng ta vào tình trạng cô đơn trong cuộc sống”.

Vậy là anh mở quán cơm từ thiện để giúp cho người khác, nhưng phải bằng tấm lòng, bằng sự trân trọng thật sự như những tình cảm mà bạn bè và khán giả đã giúp cho mình. Chính vì lẽ ấy, anh dạy nhân viên phục vụ không được phân biệt đối xử giữa khách ăn cơm từ thiện và thực khách bình thường. Thức ăn từ thiện phải sang trọng, sạch sẽ và thay đổi thực đơn liên tục, phải bảo đảm chất lượng như sản phẩm kinh doanh.

Bây giờ, nếu có ai hỏi rằng anh có dự tính gì không, anh chỉ trả lời gọn: “Nếu bán được đất, mình sẽ tiếp tục đầu tư cho quán cơm từ thiện, thế thôi. Nhìn người ta ăn thấy thương lắm, chỉ tiếc rằng mình chưa đủ sức để làm cho nó đàng hòang hơn nữa”.
 
Võ Ðắc Danh
 
_____________
 
 
Đỗ Hứng gởi