Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 

GIÀ ƠI, CHÀO MI


Nguyễn văn Sở


Anh em chúng ta người trước kẻ sau ai rồi cũng già. Làm sao tránh được! Đã có "sinh" là có "lão". Một giai đoạn tất yếu của cuộc sống. Nếu ngày đầu tiên mình sinh ra mà đã biết nghe, biết nói, nếu có ai bảo rằng mỗi ngày mình lớn lên là một ngày mình sẽ già đi, và tiến dần về cõi chết, chắc chắn là mình đã không tin. Tại sao lại bi quan vậy? Nói chi chuyện giả tưởng nghe như lối đặt câu với mệnh đề giả định trong một lớp học ngoại ngữ, ngay trong những giai đoạn trưởng thành từ thuở niên thiếu cho đến khi lăn lóc vào đời, có mấy ai ngừng lại vì những bận tâm liên quan đến lão suy hay lão hoá, trừ những thiền sư hay những chú tiểu trong chùa. Giòng sống cứ thế mà cuốn trôi đi, mỗi kiếp nhân sinh như một chiếc lá giữa giòng, trôi từ đầu nguồn ra sông, ra biển. Đâu có như con cá hồi (salmon) sau năm năm ở biển lại quay ngược trở về nguồn để sinh, để chết!

 

Trong lớp sinh lý học phổ thông, học sinh trung học đã được biết về tiến trình già-chết của các tế bào trên thân thể con người. Từng giây, từng phút. Nhưng biết để mà biết. Đó chỉ là chuyện tăng trưởng và đào thải trong thân thể con người! Hay trong lớp siêu hình học nhập môn, khi nêu lên những vấn nạn về cuộc sống như "Ta là ai?" , "Ta từ đâu tới?" hay "Ta sẽ đi về đâu?", thì cũng chỉ là để đáp ứng một nhu cầu giới hạn nhất định trong phạm vi lớp học. Rời khỏi trường rồi, còn mấy ai nhớ những buổi hăng say thảo luận về các vấn đề triết lý trừu tượng ngày xưa? Còn bao nhiêu chuyện quan trọng, bức bách hơn. Chuyện bây giờ lo đã muốn bức hơi, đa mang chi chuyện của ngày mai, chưa tới.

 

Nhưng cái già nó vẫn tới và tới với mình chầm chậm, từ từ. Nhiều khi nó đến rồi mà mình vẫn chưa hay. Sở dĩ như vậy là vì hình như ai cũng phải qua một giai đoạn tự phủ nhận (self-denial) trước khi chịu nhận là mình bắt đầu già. Giai đoạn này dài ngắn còn tùy ở cá tánh và hoàn cảnh của mỗi người. Thật sự ra phải nói là cũng có người tuy tuổi đời còn thấp, nhưng trong cách suy nghĩ hay ứng xử xem ra thì đã có những phản ánh tiêu biểu của người già như phản ứng chậm chạp, nói năng lẩm cẩm, xoay trở vụng về, để đâu quên đó, còn đi lại thì như là người chỉ còn nửa bầu sinh khí. Lại cũng có người tuy tuổi tác đã cao nhưng lúc nào cũng mau mắn, nhanh nhẹn, nói năng mạch lạc, lớp lang, đầu óc minh mẫn, sáng suốt, ưa thích những sinh hoạt ngoài trời như tắm biển, chơi thể thao, sẵn sàng tham gia các buổi họp mặt với bạn bè, không quá ngần ngại, đắn đo trước những chuyến đi xa, bao giờ cũng sốt sắng, vui vẻ, lạc quan, biết sống trọn vẹn với cái bây giờ thay vì bận bịu, lo toan về cái tương lai, chưa tới.

 

Trong phạm vi bài này tôi không muốn kể lại đây những nhận định của các nhà chuyên môn về tuổi già và người già khi họ giải thích "thế nào là già" hoặc "tại sao ta già". Tôi chỉ muốn chia xẻ một số ghi nhận của chính bản thân mình, một người cũng đã quá cái ngưỡng 60, về những biến đổi tâm sinh lý trong con người mình cũng như về những khó khăn khi đối phó với những dấu hiệu biến đổi đó trước khi chấp nhận "chung sống hòa bình" với nó. Do đó mà có cái tựa đề như trên là "Già Ơi, Chào Mi!"

 

Tục ngữ Anh có câu "A man is as old as he feels, and a woman as old as she looks", nghĩa là cái già của đàn ông tùy thuộc vào cảm nghĩ của chính anh ta. Nếu anh ta vẫn cảm thấy mình trẻ trung, khỏe mạnh, thì tuổi tác có quan hệ gì đâu. Cũng như đối với người đàn bà, nếu dung nhan vẫn tươi tắn, mặn mà thì già trẻ cũng thế thôi, nhắc đến làm chi. Tựu trung già hay không là tùy ở cái đầu của mình. Bởi thế tôi rất tâm đắc với câu trích dẫn (không có ghi rõ tác giả) sau đây trong tập sách "Già ơi! Chào bạn!" của BS Đỗ Hồng Ngọc mà Anh Hà Quí Phú, một bạn đồng nghiệp cũ cùng tuổi ở Đà Nẳng, vừa gởi cho: "Age is mostly a matter of the mind! If you don't mind, it doesn't matter" (Tuổi tác là chuyện cái tâm, nếu ta không thèm quan tâm, chả có vấn đề tuổi tác!)

 

image.png

 

Nếu mình ngồi lại với nhau và hỏi nhau "Bạn thấy mình già từ lúc nào?" thì chắc chắn là mỗi người sẽ trả lời một cách, không ai giống ai. Nói như một người bạn của tôi, anh Tôn Thất Khoát : "Nếu ra bãi biển Santa Monica hay Malibu mà tình cờ được xem một màn quay "Baywatch" với những nữ tài tử trẻ trung, hấp dẫn trong show này diễn xuất bằng xương bằng thịt ngay trước mắt mình, nhởn nhơ, khêu gợi, mà trong lòng vẫn thấy dửng dưng, nguội lạnh thì phải nhận là mình đã già." Tếu, nhưng không phải là hoàn toàn sai. Khi chất testosterone trong cơ thể mình đã càng ngày càng khô cạn thì phản ứng như vậy đâu có gì là khó hiểu!Thật sự ra đối với các nhà khoa học thì dấu hiệu sinh lý của tuổi già đã được nghiên cứu từ lâu. Đại loại, nếu bỏ qua các giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi 20 đến tuổi 60 mà chỉ so sánh một người đã quá 60 với thời anh mới 20 tuổi, thì theo Curtis Pesman, tác giả cuốn "How a Man Ages," ta có thể ghi nhận những thay đổi như sau


Da mỏng hơn và chùng xuống, độ co giản của da càng ngày càng giảm sút, và qua nhiều năm tháng biểu lộ vui, buồn, sướng, khổ, những nét nhăn trên mặt đã hằn sâu và lớn. Tóc bạc, thưa, và nhẹ hơn, đường kính của tóc chỉ còn 86 microns (1 phần triệu của 1m) so với 101 microns hồi 20 tuổi


Hai tròng mắt bị co lại, mức độ ánh sáng vào đến võng mạc giảm đi, khó phân biệt được sự vật trong tối, do đó mà khi đọc cần phải có ánh sáng đủ.


Tai không còn nghe được tiếng động trên tầm 10,000 hertz, như tiếng hót của chim, vì chức năng chuyển thể độ rung từ tai ngoài vào tai trong đã suy thoái.


Men răng càng ngày càng mòn dần vì quá trình nhai, nghiến, trong khi đó lợi răng co rút lại, làm lộ rõ khoảng trống giữa các chân răng


Xương mất dần calcium, trở nên xốp, dòn, dễ gãy, lớp sụn ở các đầu khớp không còn nguyên vẹn, chất nhờn giữa các khớp khô đi, sinh ra di chuyển chậm, khó khăn.


Tim không còn bơm đủ máu ra khắp châu thân, một phần do cholesterol đóng dày trên thành động mạch làm tim phải hoạt động nhiều hơn mới bơm được máu đi.


Các cơ bắp làm cho phổi hoạt động bình thường suy yếu dần, độ co giản của lồng ngực yếu đi, làm cho lượng dưỡng khí hít vào chỉ còn bằng một nửa thời 20 tuổi.


Trọng lượng của thận giảm từ 20% đến 30%, sức lọc chất thải của thận chỉ bằng nửa hồi trẻ, và sức chứa của bọng đái cũng chỉ còn chừng một nửa (8 fluid ounces, khoảng non 230cl).


Với năm tháng qua đi, khối não cũng rút nhỏ lại và giảm trọng lượng, hàng tỷ tế bào não bị mất đi, trí nhớ bị giảm sút.

 

Những thay đổi trên thì ít nhiều ai cũng nhìn thấy, nhất là nơi người khác. Với tôi, đèn đỏ đầu tiên báo động tiến trình lão suy đã bắt đầu là cách đây 7 năm, lúc tôi phải vào Bệnh viện Hoag ở Newport Beach để mổ tim và thay van (mitral valve). Trước khi vào phòng mổ tôi cũng đã cố tìm đủ mọi lý do để tự thuyết phục cho quyết định của mình, mà lý do nặng ký nhất vẫn là "wear and tear." Có tốt đến đâu mà dùng lâu ngày cũng phải mòn, phải rách. Cũng như chạy xe thì đến lúc cũng phải thay 4 vỏ xe. Cũng như cái máy giặt trong nhà, cái lò trong bếp, hay cái bóng đèn trên trần. Sử dụng cẩn thận đến đâu đi nữa thì đến lúc hỏng cũng phải thay. Nhưng thay van là để được sinh hoạt bình thường trở lại, đâu có nghĩ là cơ thể mình đã bắt đầu già!

 

Rồi 3 năm sau khi mổ, theo khuyến cáo của những người có thẩm quyền, tôi lại phải ngưng chơi tennis, một thú tiêu khiển cuối tuần mà bao nhiêu năm ròng tôi thích thú đeo đuổi với tất cả hăng say, nhiệt tình. Lý do là chứng đau nhức phần lưng dưới (lower back) cứ dai dẳng, không dứt. Bản án thứ hai: Sau khi xem hình quang tuyến chụp phần lưng dưới, bác sĩ phán là tuy chưa trầm trọng nhưng đã có dấu hiệu suy thoái giữa các khớp xương L2-L3, L3-L4, và L4-L5 là các khớp xương ở phần lưng dưới, nghĩa là chất nhờn đã khô đi, lớp sụn bao quanh các khớp đã mòn (Multilevel Degenerative Disease), khoảng cách giữa các đốt xương sống ở vùng này đã rút ngắn lại, và các ngạnh của khớp xương đã bắt đầu nhô ra (Multilevel Spondylosis). Tóm lại đây là dấu hiệu của bệnh lão suy. Nhưng nói là "bệnh" thì nghe ghê quá! Làm sao tuổi mình mà gọi là già!

 

Tuy nhiên với bản án khắc nghiệt đó tôi bắt đầu âm thầm tìm cách cưỡng chống lại, ít nữa là cũng để "trì hoãn chiến". Theo các bác sĩ tây y thì không có thuốc chữa. Có loại thuốc với hỗn hợp của hai chất glucosamine và chondroitin được quảng cáo ầm ĩ là có thể làm giảm đau ở các khớp thì Cơ quan Quản trị Thực và Dược Phẩm (U.S. Food & Drug Administration) lại chưa chuẩn nhận là có giá trị lâm sàng. Đồng thời nó cũng có thể có phản ứng nghịch đối với các loại thuốc làm loãng máu. Chất nhờn giúp các khớp chuyển động dễ dàng, tự nhiên, là của "trời cho", đến một tuổi nào đó sẽ khô dần đi, không có thần dược nào có thể tái tạo nó lại được. Nhưng các bác sĩ đông y lại quả quyết là được. Đau ở lưng là do gan nóng, hoặc thận suy. Nếu kiên nhẫn uống theo toa của các vị này đảm bảo sẽ lành. Thế là lại âm thầm đi bổ thuốc, nghe thầy nào hay xa đâu cũng tìm đến, thuốc sắc (ba, bốn chén còn một), thuốc tể, thuốc ngâm rượu. Thử hết, xem có kết quả gì không. Nhưng cái đau âm ĩ vẫn còn.

 

Cái khó đối với tôi còn ngặt nghèo hơn so với những anh em khác cùng bịnh trạng là tuy đau nhưng không thể dùng các loại thuốc giảm đau hiện có vì sợ phản ứng nghịch với loại thuốc làm loãng máu (Coumadin) mà tôi vẫn phải uống hằng ngày sau khi thay van nhân tạo bằng kim loại.

 

Song song với những cố gắng chữa trị bằng thuốc, tôi còn tìm cách thăm dò, luyện tập theo nhiều phương pháp khác nhau, mỗi cách đều có một mức độ công hiệu nhất định, do bằng hữu hoặc các anh chị sinh viên đã từng có thời học ngoại ngữ với tôi biết tôi đau nên đề nghị luyện tập thử. Cũng xin kể ra đây những môn tôi đã có tập qua để có anh em nào đồng bệnh cùng trao đổi kinh nghiệm cho vui:

- Yoga (Hatha Yoga và Pitales Yoga) tại các trung tâm 24-Hour Fitness.

- Khí công Thiếu Lâm Tự, theo cách hướng dẫn của tác giả Wong Kiew Kit trong cuốn Chi Kung for Health and Vitality.

- Phương pháp thở sâu, chậm, nhẹ, và đều trong cuốn Wujishi Breathing Exercise của tác giả Men Den.

Phương pháp Đạt Ma Dịch Cân Kinh.

- Phương pháp Thiền Vô Cực do Thầy Tôn Thất Hanh, nguyên giáo sư Quốc Học, Huế, giới thiệu.

- Phương pháp Hồi Xuân gồm năm thế tập của các tu sĩ Tây Tạng do Peter Kelder thuật lại trong cuốn Ancient Secret of the Fountain of Youth.

 

Tôi đã tập qua các phương pháp được giới thiệu cũng như một số phương pháp khác do các bạn thân quen vốn là võ sư chỉ giáo mà tôi không tiện kể hết ra đây, mỗi môn tôi tập một thời gian để tìm xem phương pháp nào phù hợp cũng như thuận tiện và công hiệu với mình nhất. Mấy năm gần nay tôi cố gắng đều đặn tọa thiền mỗi buổi sáng (theo Sổ tức quán) và tập Thái Cực Quyền là chính. Và đã thấy có phần nào giảm đau, không gay gắt như những năm trước đây.

 

Điều đáng nói không phải là chuyện phải kiên trì tập luyện, vì đây là nhu cầu sinh tử, mà chính là mình phải trực diện với thực trạng của thân thể mình, coi lão hóa là một phần của tiến trình tất yếu, tự nhiên, không có gì phải quá lo âu, sợ hãi. Và như đã nói ở trên, biết nó làm khổ mình, nhưng vẫn phải làm lành với nó, chung sống hòa bình với nó, thực tế khắc chế nó được đến đâu hay đến đó, không nôn nóng, hối hả, không trông chờ phép lạ mà mình biết ở tuổi này khó còn có thể xảy ra.

 

Gần đây tôi lại tình cờ đọc được bài "Tính Tuổi Theo Lối Mới" (Calculate Your Age in Neo-Years) trên trang nhà của Giáo sư Tiến sĩ Davis Demko có liên quan đến cách suy nghĩ về tuổi già. Theo ông, 75% tiến trình lão hóa của con người có thể điều chế được do tác động của sáu yếu tố sau đây:

 

. Khắc chế yếu tố di truyền. Dĩ nhiên yếu tố di truyền tạo cho mỗi con người một tình trạng có thể bị mắc những bệnh mà cha mẹ người đó đã từng bị, nhưng những phương pháp phòng ngừa và bảo vệ sức khỏe hiện đại, nếu áp dụng đúng mức, có thể làm giảm đi rất nhiều tính đe dọa của yếu tố này.

. Tập thể dục, thể thao. Rất nhiều các chứng đau nhức phát sinh do thiếu hoạt động. Nếu luyện tập thường xuyên thì hệ thống tim mạch sẽ được bảo toàn, xương và bắp thịt sẽ rắn chắc, khỏe, và sự phối hợp chân tay sẽ nhịp nhàng, hữu hiệu.

. Tinh thần luôn được kích thích. Những người tưổi cao mà vẫn có những sinh hoạt tinh thần đều đặn và đầu óc luôn luôn được kích thích, suy nghĩ, tìm tòi như đọc sách, học ngoại ngữ, chơi ô chữ, hay tham gia vào các cuộc thảo luận hứng thú sẽ giữ được tinh thần minh mẫn, tỉnh táo lâu dài.

. Có tập quán dinh dưỡng tốt. Cách tốt nhất để chống lại già trước tuổi hay bệnh tật. Thức ăn là năng lượng. Phải tìm hiểu những phương cách dinh dưỡng lành mạnh, cũng như những sinh tố hay khoáng chất mà cơ thể mình cần.

Sống có ý nghĩa. Sống phải có những mục đích đáng đeo đuổi. Ý thức rõ mục đích công việc mình đang làm dễ gây cho mình cảm hứng, giúp mình tập trung, chú ý, tránh được buồn nản, bẳn gắt, và kết quả tích cực sẽ nâng cao giá trị của chính mình.

. Biết phòng ngừa bệnh tật. Đây là yếu tố quan trọng có giá trị điều chế tiến trình lão hóa.

. Cần khám tổng quát thường xuyên để kịp ngăn chận các bệnh hiểm nghèo. Đừng bao giờ nghĩ là các chứng đau nhức hành hạ mình chỉ là hậu quả của tuổi già.

 

Sau khi phân tích các yếu tố nói trên, Giáo sư Demko đề nghị một lối tính tuổi mới mà ông cho là chính xác hơn. Ông đặt tên cho công thức tính tuổi của ông là: DNA-Plus. DNA là viết tắt của Demko's Neo Age, Plus ngụ ý là già với những đặc tính tích cực. Công thức DNA-Plus tính trung bình của 4 lọai tuổi:

- Tuổi thời gian, tính theo số năm đã sống.

- Tuổi thể chất, tính theo tình trạng sức khỏe.

- Tuổi xã hội, tính theo mức độ sinh hoạt hằng ngày trong việc làm, đời sống gia đình, giải trí, hay các công tác thiện nguyện.

- Tuổi tâm lý, tính theo khả năng đối phó với khủng hoảng, mâu thuẫn, sự căng thẳng trong đời sống, hay thích ứng với mọi sự thay đổi bất ngờ.

 

Nếu áp dụng công thức này cho một người đã sống đến 80 năm (tuổi thời gian), có tình trạng sức khỏe của một người sống 70 năm (tuổi thể chất), có mức độ hoạt động của một người sống 60 năm (tuổi xã hội), và có khả năng ứng phó của một người mới sống 50 năm (tuổi tâm lý), thì tuổi trung bình của người này sẽ là (80+70+60+50) : 4 = 65 tuổi (Neo Years), nghĩa là tuổi chính xác của người này chỉ mới 65 chứ không phải là 80 theo cách suy nghĩ thông thường.

Bởi vậy cho nên, các Anh các Chị ơi, hãy mỉm cười như tôi mỗi buổi sáng khi thức dậy và bắt đầu ngày mới với một nụ cười: Già ơi, Chào Mi

Vâng, đúng vậy. Tuổi già đã đến với tôi, và tôi đã làm thân với nó. Vì tò mò tôi cũng đã tính tuổi tôi theo công thức DNA-Plus của Giáo sư Demko. Bây giờ đến lượt Anh và Chị. Anh, Chị thử tính xem mình bao nhiêu tuổi?

 

Nguồn: http://www.oldcottage.net/vuonthien/truyenthien/giaoi.html

 

Khi nào các bộ phận trong cơ thể của con người bắt đầu thoái hóa? Già là một điều không ai tránh khỏi. Hiện nay các viện nghiên cứu y khoa đã cho biết một cách chính xác các bộ phận trong cơ thể của con người bắt đầu thoái hóa từ lúc nào.


Các bác sĩ người Pháp đã tìm thấy chất lượng tinh trùng bắt đầu suy thoái từ tuổi 35, bởi thế khi người đàn ông 45 tuổi thì một phần ba số lần mang thai sẽ dẫn đến sảy thai. Angela Epstein đã viết trong DailyMail, tuổi của các bộ phận trong cơ thể bắt đầu suy thoái như sau :


1. Não bắt đầu suy thoái lúc 20 tuổi. Khi chúng ta trưởng thành, các tế bào não bị giảm dần. Và não cũng teo nhỏ lại. Khởi đầu con người có 100 tỉ tế bào não, nhưng đến tuổi 20 con số nầy giảm dần, và đến tuổi 40 con người mất mỗi ngày 10.000 tế bào ảnh hưởng rất nhiều đến trí nhớ và có tác dụng rất lớn đến tâm sinh lý người già.


2. Ruột bắt đầu suy giảm từ tuổi 55. Ruột tốt có sự cân bằng giữa các vi khuẩn có ích và có hại. Vi khuẩn có ích sẽ giảm đi đáng kể sau tuổi 55, đặc biệt ở phần ruột già. Sau 55 tuổi bộ tiêu hóa bắt đầu xấu đi và sẽ gây hại cho các bệnh đường ruột. Táo bón là một bệnh thông thường của tuổi già, cũng như dịch vị từ bao tử, gan, tuyến tuỵ, ruột non bị suy giảm .


4./Bọng đái bắt đầu suy thoái từ tuổI 65. Người già thường mất kiểm soát bọng đái. Nó bắt đầu co lại đột ngột, ngay cả khi không đầy. Phụ nữ dễ gặp trục trặc này hơn khi chấm dứt kinh nguyệt. Khả năng chứa nước tiểu của bọng đái một người già chỉ bằng nửa so với người trẻ tuổi, khoảng 2 cốc ở tuổi 30 và 1 cốc ở tuổi 70. Ðiều này khiến người già phải đi tiểu nhiều hơn, và dễ nhiễm trùng đường tiểu.


5. Vú bắt đầu thoái hóa từ năm 35 tuổi. Khi người đàn bà đến 30 tuổi thì vú mất dần các mô và mở, sự đầy đặn và kích cở của bộ vú bị suy giảm. Khi 40 tuổi núm vú bị teo lại và vú thòng xuống.


6. Phổi lão hóa từ tuổi 20. Sụn sườn vôi hóa, lồng ngực biến dạng, khớp cứng ảnh hưởng tới thở, nhu mô phổi giảm đàn hồi, giãm phế nang. Dung tích của phổi bắt đầu giảm dần từ tuổi 20. Ðến tuổi 40 có nhiều người đã bắt đầu khó thở vì các cơ bắp và xương sườn buồng phổi bắt đầu xơ cứng .


7. Giọng nói bắt đầu yếu và khàn kể từ tuổi 65. Phụ nữ có giọng khàn và nhỏ trong khi đàn ông giọng cao và nhẹ.


8. Mắt lão hóa từ năm 40 và phần lớn phải mang kiếng, không còn nhìn rõ một vật ở xa. Khả năng tập trung của mắt kém hơn do cơ mắt yếu hơn.


9. Tim lão hóa từ tuổi 40. Khối lượng cơ tim giảm. Tuần hoàn nuôi cơ tim cũng giảm, suy tim tiềm tàng, huyết áp tăng dần. Sức bơm của tim giảm dần vì các mạch máu giảm sự đàn hồi. Các động mạch cứng dần và bị mở đóng vào các thành mạch. Máu cung cấp cho tim cũng bị giảm bớt. Ðàn ông 45 tuổi và đàn bà 55 dễ bị đau tim.


10. Gan lão hóa từ năm 70. Chức năng chuyển hóa và giải độc giảm. Tuy nhiên gan là một bộ phận gần như không chịu khuất phục tuổi tác. Người ta có thể ghép gan của một ông già 70 tuổi cho một người 20 tuổi.


11. Thận lão hóa năm 50. Số đơn vị lọc chất thải khỏi máu bắt đầu giảm xuống ở tuổi trung niên.


12. Tuyến tiền liệt lão hóa vào năm 50. Hệ thống sinh dục nam gồm có: tinh hoàn và bộ phận sinh dục phụ như đường dẫn tinh, tuyến tiền liệt, tuyến hành niệu đạo, túi tinh và dương vật. Tuyến tiền liệt thường lớn dần theo tuổi tác. Khi tuyến tiền liệt tăng kích thước sẽ ép vào niệu đạo và bàng quang, gây khó khăn cho tiểu tiện. Nó gây nên triệu chứng tiểu ngập ngừng, tiểu nhiều lần, tăng nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu và tiểu khó.


13. Xương lão hóa hóa vào tuổi 35. Cho đến giữa những năm 20 tuổi, mật độ xương vẫn còn tăng. Trẻ em xương lớn rất nhanh, cứ mỗi 2 năm lại thay đổi toàn bộ xương củ nhưng đến tuổi 35 thì xương đã lão, hiện tượng mất xương bắt đầu như một quá trình già cả tự nhiên.


14. Răng suy từ tuổi 40. Răng bị hao mòn. Dễ bị bệnh nha chu. Niêm mạc bị teo dần.


15. Bắp thịt lão hóa từ năm 30. Thông thường bắp thịt khi bị lão hoá thì được tái tạo ngay, nhưng đến tuổi 30 thì tái tạo ít hơn là lão hóa. Ðến tuổi 40, mỗi năm bắp thịt bị sút giảm từ 0.5 đến 2 %. Vì thế người già khó giữ thăng bằng, trở thành chậm chạp, dễ bị ngã và gẫy xương.


16. Nghe [thính giác] giảm đi kể từ giữa năm 50. Rất nhiều người bị lãng tai kể từ năm 60.


17. Da suy giảm kể từ năm 20. Chúng ta đã giảm dần việc sản xuất chất keo dính của da từ giữa tuổi 20. Việc thay thế các tế bào chết cũng chậm dần.


18. Vị giác và khứu giác giảm từ năm 60. Thông thường chúng ta có thể nếm được 100.000 vị trên lưởi. Các vị này chúng ta chỉ nếm được phân nửa khi già và đến tuổi 60 thì không còn ngửi và nếm một cách chính xác được nữa.


19. Sinh sản mất khả năng từ năm 35. Khả năng sinh nở của phụ nữ bắt đầu giảm sau tuổi 35, vì số lượng và chất lượng trứng trong tử cung giảm xuống.


20. Tóc lão hóa từ tuổi 30. Thông thường cứ 3 năm thì tóc cũ sẽ được thay thế toàn bộ tóc mới. Và đến năm 35 tuổi thì tóc không còn đen nhánh nữa mà ngã màu đen xám và rụng dần đi.

Làm thế nào để làm chậm sự lão hóa?


Già không phải là một bệnh nhưng già tạo điều kiện cho bệnh phát sinh và phát triển; cần chú ý một số đặc điểm sau:

- Người già thường mắc nhiều bệnh cùng một lúc, có bệnh dễ phát hiện, nhưng cũng có bệnh rất kín đáo, tiềm tàng, nguy hiểm.

- Triệu chứng ít khi điển hình, không ồ ạt, không rõ rệt, nên khó chẩn đoán, dễ sai lạc nếu ít kinh nghiệm.

- Khả năng phục hồi sức khỏe sau các trận ốm thường chậm hơn so với người trẻ, nên sau điều trị phải có thời gian an dưỡng.

Một số biện pháp làm giảm tốc độ lão hóa:


Học thuyết âm dương của y học cổ truyền chứng minh con người là một chỉnh thể giữa âm dương, giữa khí và huyết. Luôn luôn thăng bằng với nhau từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong theo một quy luật nhất định, để duy trì sự sống của con người được bền vững dài lâu.


Vì thế muốn giảm tốc độ lão hóa cần phải:


Về tư tưởng luôn luôn lạc quan yêu đời, chủ động gạt bỏ những cái làm ảnh hưởng đến bộ não, hạn chế tối đa nỗi cô đơn, giải quyết tốt nhất mối quan hệ xã hội và gia đình, có triết lý sống đúng; phải chú ý cả 3 vấn đề: lẽ sống, lối sống và hành động sao cho khoa học văn minh để loại trừ 7 nguyên nhân gây bệnh của Ðông y là : hỷ, nộ, ưu, tư, bi, kinh, khủng.


Muốn được thảnh thơi phải có kiến thức, phải có hiểu biết để nhìn nhận vấn đề sao cho đúng đắn qua báo chí, đài phát thanh, truyền hình để làm chủ được mình và giáo dục cho gia đình, con cháu giảm các nỗi bực dọc và tự chăm lo cho mình.


Thường xuyên luyện tập đều đặn về trí tuệ và thể lực như đọc sách báo, nghe đài, xem TV, internet… đồng thời tập thể dục thể thao, đi bộ, tập thở, tĩnh tâm thư giãn, v.v… phù hợp với hoàn cảnh và sức khỏe từng người.


Sinh hoạt điều độ, không làm gì quá sức bình thường, giữ gìn trạng thái cân bằng giữa ngủ và nghỉ, giữa ăn và làm, giữa trí óc và chân tay, giữa trong nhà và ngoài trời, giữa lười và chăm, v.v… cũng rất quan trọng.


Ăn uống đúng và đủ theo khả năng của mình, không nên nghiện bất cứ thứ gì, hạn chế thịt nhất là mỡ, ăn nhiều rau quả tươi, giảm chất bột, giảm bánh kẹo, bảo đảm cân bằng thức ăn âm và dương, giữ người không béo và cũng không gầy. Nên nhớ con người là giống ăn ngũ cốc, nên thức ăn cho người phải 80% là ngũ cốc còn 20% là rau quả và các thứ khác, không nên ăn quá no, người già rất cần đạm ở đậu tương, vừng lạc, tôm cua, ốc hến…


Cần có môi trường sống tự nhiên tốt, phần lớn các cụ sống 100 tuổi trở lên đều ở vùng núi, ở nông thôn còn ở thành phố thì rất ít và gốc cũng không phải thành thị. Hiện nay môi trường sống đang bị tàn phá nghiêm trọng đó là tự hủy hoại mình (chặt cây, phá rừng, chất thải, phân hóa học, thuốc trừ sâu….) đã làm mất đi cảnh thanh bình của thiên nhiên, là điều cũng nên hết sức tránh.


Kiên trì áp dụng 10 bài học về sức khỏe của Nhật Bản, đất nước được mệnh danh là 'vương quốc của tuổi thọ' vì có tuổi thọ cao nhất thế giới hiện nay. 10 bài học đó là:

- Bớt ăn thịt, ăn nhiều rau
- Bớt ăn mặn, ăn nhiều chất chua
- Bớt ăn đường, ăn nhiều hoa quả
- Bớt ăn chất bột, ăn nhiều sữa
- Bớt mặc nhiều quần áo, tắm nhiều lần
- Bớt đi xe, năng đi bộ
- Bớt phiền muộn, ngủ nhiều hơn
- Bớt nóng giận, cười nhiều hơn
- Bớt nói, làm nhiều hơn
- Bớt ham muốn, chia sẻ nhiều hơn.


Những bài học trên có tác dụng rất lớn đối với những người bị tăng huyết áp, bệnh tim mạch, ung thư dạ dày, viêm gan…

Tóm lại:


Biết cách sống, ta có thể làm chậm được quá trình lão hóa, kéo dài được tuổi thọ, có thể điều chỉnh được chiếc đồng hồ sinh học trong con người chúng ta chạy chậm lại, ta cũng có thể giữ bộ máy cực kỳ tinh vi của ta được bền vững lâu dài hơn.

 

 Nguồn: https://www.facebook.com/MeMart.vn/posts/647081588642793

 

Cái Sướng Của Tuổi Già

 

BS Ðỗ Hồng Ngọc

 

https://nguoivietcaoniennewmexico.files.wordpress.com/2012/09/abuelos.png?w=300

 

Cái sướng của người lớn tuổi
 
Già thì khổ, ai cũng biết. Sinh, lão, bệnh, tử! Nhưng già vẫn có thể sướng. Muốn sống lâu thì phải già chớ sao!
 
Già có cái đẹp của già.
 
Trái chín cây bao giờ cũng ngon hơn trái giú ép. Cái sướng đầu tiên của già là biết mình… già, thấy mình già, như trái chín cây thấy mình đang chín trên cây. Nhiều người chối từ già, chối từ cái sự thật đó và tìm cách giấu cái già đi, như trái chín cây ửng đỏ, mềm mại, thơm tho mà ráng căng cứng, xanh lè thì coi hổng được. Mỗi ngày nhìn vào gương, người già có thể phát hiện những vẻ đẹp bất ngờ như những nếp nhăn mới xòe trên khóe mắt, bên vành môi, những mớ tóc lén lút bạc chỗ này chỗ nọ, cứng đơ, xơ xác… mà không khỏi tức cười! Quan sát nhìn ngắm mình như vậy, ta mới hiểu hai chữ “sồng sộc” của Hồ Xuân Hương:
 
“Chơi xuân kẻo hết xuân đi.
Cái già sồng sộc nó thì theo sau!”

Có lẽ nữ sĩ lúc đó mới vào lứa tuổi 40! Thời ta bây giờ, 40 tuổi lại là tuổi đẹp nhất. Phải đợi đến 70, thất thập cổ lai hy, thì mới gọi là bắt đầu già (?) Nếu trong tương lai, khi con người sống đến 160 tuổi thì 80 lại là tuổi đẹp nhất!

Tuy nói vậy, thực tế, già thì khó mà sướng. Con người ta có cái khuynh hướng dễ thấy khổ hơn. Khổ dễ nhận ra, còn sướng thì khó biết! Một người luôn thấy mình… sướng thì không khéo người ta nghi ngờ hắn có vấn đề… tâm thần! Nói chung, người già có 3 nỗi khổ thường gặp nhất, nếu giải quyết đựơc sẽ giúp họ sống “trăm năm hạnh phúc”:
 
1. Một là thiếu bạn!
 
Nhìn qua nhìn lại, bạn cũ rơi rụng dần… Thiếu bạn, dễ hụt hẫng, cô đơn và dĩ nhiên… cô độc. Từ đó dễ thấy mình bị bỏ rơi, thấy không ai hiểu mình! Quay quắt, căng thẳng, tủi thân. Lúc nào cũng đang như “Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt / Ta nằm dài nghe ngày tháng dần qua…!

Người già chỉ sảng khoái khi được rôm rả với ai đó, nhất là những ai “cùng một lứa bên trời lận đận”… Gặp được bạn tâm giao thì quả là một liều thuốc bổ mà không bác sĩ nào có thể biên toa cho họ mua được!

Để giải quyết chuyện này, ở một số nước tiên tiến, người ta mở các phòng tư vấn, giới thiệu cho những người già cùng sở thích, cùng tánh khí, có dịp làm quen với nhau. Người già tự giới thiệu mình và nêu “tiêu chuẩn” người bạn mình muốn làm quen. Nhà tư vấn sẽ “matching” để tìm ra kết quả và làm… môi giới… Dĩ nhiên môi giới cho họ kết bạn. Còn sau này họ thấy tâm đầu ý hợp tiến tới hôn nhân (nếu còn độc thân) thì họ ráng chịu! Đó là chuyện riêng của họ. Ngày trước, Uy Viễn tướng công mà còn phải than:
 
Tao ở nhà tao tao nhớ mi
Nhớ mi nên phải bước chân đi
Không đi mi bảo rằng không đến
Đến thì mi hỏi đến mần chi
Mần chi ông đã mần chi đặng
Mần đặng ông mần đã chán khi…

Nguyễn Công Trứ
 
 
 
https://nguoivietcaoniennewmexico.files.wordpress.com/2012/09/he1baa1nhphc3bactue1bb95igic3a0.jpg?w=300
 
2. Cái thiếu thứ hai là thiếu… ăn!
 
Thực vậy. Ăn không phải là tọng, là nuốt, là xực, là ngấu nghiến …cho nhiều thức ăn! Ăn không phải là nhồi nhét cho đầy bao tử! Trong cuộc sống hằng ngày có nhiều thứ nuốt không trôi lắm! Chẳng hạn ăn trong nỗi sợ hãi, lo âu, bực tức; ăn trong nỗi chờ đợi, giận hờn thì nuốt sao trôi? Nuốt là một phản xạ đặc biệt của thực quản dưới sự điều khiển của hệ thần kinh. Một người trồng chuối ngược vẫn có thể nuốt được dễ dàng! Nhưng khi buồn lo thì phản xạ nuốt bị cắt đứt!

Nhưng các cụ thiếu ăn, thiếu năng lượng, phần lớn là do sợ bệnh, kiêng khem quá đáng. Bác sĩ lại hay hù, làm cho họ sợ thêm ! Nói chung, chuyện ăn uống nên nghe theo mệnh lệnh của… bao tử:
 
“Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên..”
[Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói đến thì ăn mệt ngủ liền..]

Trần Nhân Tông 
 
Listen to your body”. 
 
Hãy lắng nghe sự mách bảo của cơ thể mình ! Cơ thể nói… thèm ăn cái gì thì nó đang cần cái đó, thiếu cái đó ! Nhưng nhớ ăn là chuyện của văn hóa (!), chuyện của ngàn năm, đâu phải một ngày một buổi. Món ăn gắn với kỷ niệm, gắn với thói quen, gắn với mùi vị từ thuở còn thơ! Người già có thể thích những món ăn… kỳ cục – không sao ! Đừng ép ! Miễn đủ bốn nhóm: bột, đạm, dầu, rau… Mắm nêm, mắm ruốc, mắm sặt, mắm bồ hóc, tương chao… đều tốt cả. Miễn đừng quá mặn, quá ngọt… là đựơc. Cách ăn cũng vậy. Hãy để các cụ tự do tự tại đến mức có thể được. Đừng ép ăn, đừng đút ăn, đừng làm “hư” các cụ!

Cũng cần có sự hào hứng, sảng khoái, vui vẻ trong bữa ăn. Con cháu hiếu thảo phải biết… giành ăn với các cụ. Men tiêu hoá được tiết ra từ tâm hồn chớ không chỉ từ bao tử.
 
3. Cái thiếu thứ ba là thiếu vận động!
 
Già thì hai chân trở nên nặng nề như mọc dài ra, biểu không chịu nghe lời ta nữa! Các khớp cứng lại, sưng lên, xương thì mỏng ra, dòn tan, dễ vỡ, dễ gãy!

Bác sĩ thường khuyên vận động mà không hướng dẫn kỹ thì dễ làm các cụ ráng quá sức chịu đựng, sẽ lâm bệnh thêm. Phải làm sao cho nhẹ nhàng mà hiệu quả, phù hợp với tuổi tác, với sức khỏe. Phải từ từ và đều đều. Ngày xưa người ta săn bắn, hái lượm, đánh cá, làm ruộng, làm rẫy… lao động suốt ngày. Bây giờ chỉ ngồi quanh quẩn trước TV , computer! Có một nguyên tắc “Use it or lose it!” Cái gì không xài thì teo! Thời đại bây giờ người ta xài cái đầu nhiều quá, nên “đầu thì to mà đít thì teo”. Thật đáng tiếc!

Không cần đi đâu xa. Có thể tập trong nhà. Nếu nhà có cầu thang thì đi cầu thang ngày mươi bận rất tốt. Đi vòng vòng trong phòng cũng được. Đừng có ráng lập “thành tích” làm gì! Tập cho mình thôi. Từ từ và đều đều… Đến lúc nào thấy ghiền , bỏ tập một buổi… chịu hổng nổi là được!

Nguyên tắc chung là kết hợp hơi thở với vận động. Chậm rãi, nhịp nhàng. Lạy Phật cũng phải đúng… kỹ thuật để khỏi đau lưng, vẹo cột sống. Đúng kỹ thuật là giữ tư thế và kết hợp với hơi thở. Đó cũng chính là thiền, là yoga, dưỡng sinh…! Vận động thể lực đúng cách thì già sẽ chậm lại. Giảm trầm cảm, buồn lo. Phấn chấn, tự tin. Dễ ăn, dễ ngủ…

Tóm lại, giải quyết đựơc “ba cái lăng nhăng” đó thì có thể già mà… sướng vậy!
 
 

TÂM SỰ TUỔI GIÀ TRÊN 60

 

 Từ khi người Việt tị nạn trên thế giới vào năm 1975 đến nay thì thế hệ Cha Mẹ chúng ta, bậc Anh Chị chúng ta đang vui hưởng tuổi già và bây giờ đến lứa tuổi mà người ta gọi là baby boomer cũng đã và đang bắt đầu về hưu rồi.

 

Đời người thật ngắn ngủi. Nhớ lại vào lứa tuổi đôi mươi, chúng ta lang thang trong khung viên trường đại học, vui cười vô tư và bây giờ đã hơn 40 năm trôi qua rồi. Đời người thoáng chốc đã già. Hơn bốn mươi năm trôi qua, chúng ta đã trải qua một đoạn đời trai trẻ trong một đất nước chiến tranh. Dầu trực tiếp cầm súng chiến đấu tại mặt trận, hay gián tiếp chống lại kẻ thù chung, chúng ta đã trải qua những năm tháng sống nay, chết mai và cuộc sống không có tương lai. Và rồi, những năm bị đầy đọa cực kỳ gian khổ trong các trại tù hay những ngày lo sợ vì đói khát, chết chóc trong khi tìm cách vượt biên tìm tự do. Đến được đất nước thanh bình với một thân thể đã yếu, tinh thần còn vương vấn những khổ đau trong quá khứ, và rồi phải tiếp tục đi “cầy” để lo cho cuộc sống trên xứ lạ quê người…

 

Bây giờ, những năm còn lại trong cuộc đời của một người, chúng ta cần sống thanh thản, sống thoải mái, sống hạnh phúc. Vì qua một ngày, chúng ta đã mất một ngày. Vì vậy, một ngày đến, chúng ta vui một ngày. Vui một ngày…rồi không biết được bao nhiêu ngày nửa. Hạnh phúc là do chính mình tạo ra, vui sướng cũng do chính mình tìm lấy vì những niềm vui ấy đã ẩn chứa trong những sự việc nhỏ nhặt xãy ra trong đời sống. Hạnh phúc là những gì hiện đang ở chung quanh chúng ta, trong tầm tay chúng ta. Nhà nho Nguyễn Công Trứ quan niệm “ Tri túc, đãi túc, tiện túc, hà thời túc. Tri nhàn, đãi nhàn, tiện nhàn, hà thời nhàn”…

 

Tiền rất quan trọng trong đời sống của con người, nhưng tiền không phải là tất cả. Đừng quá coi trọng đồng tiền, và cũng đừng lệ thuộc vào đồng tiền, mặc dù biết rằng nếu không có tiền thi làm sao chúng ta sống, làm sao để được thoải mái. Ta vẫn biết khi ta ra đời ta đâu có mang nó đến, và khi ra đi chúng ta cũng không mang nó theo. Đồng tiền có thể mua một lâu đài to lớn, nhưng đồng tiền không mua được mái ấm gia đình. Đồng tiền giúp chúng ta mua được nhiều thứ tiện nghi trong cuộc sống, nhưng đồng tiền không mua được sức khỏe cũng như hạnh phúc trong đời sống. Quảng đời còn lại thì quá ngắn ngủi, ta phải sống những ngày tháng cho đáng sống, ta phải làm cho cuộc đời thêm phong phú. Chúng ta phải thay đổi cuộc sống khổ hạnh thời xa xưa, đừng nghĩ đến những năm tháng đói, lao động khổ cực trong các trại tù miền Bắc, hay những ngày tháng đói, khát trên biển cả trong khi đi tìm tự do.

 

Những gì cần ăn thì cứ ăn, cần mặc thì cứ mua sắm, muốn đi du lịch thì cứ đi. Tập cho mình có nhiều đam mê, tự tìm niềm vui cho chính mình. Vào trong internet để gửi thư cho bạn bè, để chia sẻ một tin hay, một chuyện vui, một bản nhạc, đọc những bài viết có giá trị, hay “chat” với người quen biết. Chúng ta cần trao dồi bộ óc để trí nhớ vẫn còn sáng suốt. Nếu có người bạn cần giúp, ta cứ mở lòng nhân ái, tốt bụng với mọi người. Rảnh rổi đi làm những việc từ thiện ngoài xã hội, giúp một tay tại những nơi tôn kính như nhà Chùa, nhà Thờ,… lấy việc giúp người làm niềm vui, đó là những thú vui trong tuổi già.

 

Hơn nửa đời, chúng ta dành khá nhiều cho sự nghiệp, cho gia đình, cho con cái, bây giờ thời gian còn lại chẳng bao nhiêu nên dành cho chính mình, quan tâm bản thân, sống thế nào cho thanh thản, vui vẽ. Việc gì muốn thì làm, ai nói sao thì mặc kệ vì mình đâu phải sống để người khác thích hay không thích, nên sống thật với mình. Sống phải năng hoạt động nhưng đừng quá mức, ăn uống quá kiêng cử thì không đủ chất bổ dưởng, quá nhàn rổi thì buồn tẻ, quá ồn ào thì khó chịu…

 

Cuộc sống tuổi già thật đa nguyên, đa dạng, nhiều màu sắc nên ta cần có nhiều bạn bè, nhiều nhóm bạn bè hoặc tham dự vào những sinh hoạt trong các Hội đoàn ái hữu lành mạnh. Gặp bạn, nói ra những điều phiền muộn cho nhau nghe. Hãy tìm cách gặp gở bạn bè và người thân vì không còn nhiều thời gian nửa. Một người lớn tuổi, sống cô đơn, biệt lập, không đi ra ngoài, không giao thiệp với bạn hữu, thế nào cũng đi đến chổ tự than thân trách phận, bất an, lo âu, ủ dột và tuyệt vọng. Từ đó bắt nguồn của bao nhiêu căn bệnh. Đừng bao giờ nói, hay nghỉ là: “ Tôi già rồi, tôi không giúp ích được cho ai nửa”. Đừng nói những lời hay những tư tưởng có ý tuyệt vọng. Người già chỉ sảng khoái khi được có bạn tâm giao, đó là một lều thuốc bổ mà không Bác sĩ nào có thể biên toa cho ta mua được.

 

Ở tuổi hiện tại, chúng ta đừng nghỉ đến đồng tiền, đừng nghỉ đến giàu hay nghèo nửa và cũng đừng than trách hay hối hận vì những lầm lỗi trong quá khứ và cũng đừng tự hỏi là tại sao bây giờ ta không có nhiều tiền. Đừng nói ta không có tiền. Có những thứ hiện đang chung quanh ta rất quí giá mà có nhiều tiền cũng không mua được, đó là người phối ngẩu của chúng ta. Nếu có chút ít đồng tiền thì cứ tiêu xài những gì ta cần vì sẽ có lúc chúng ta để lại cho người khác xài. Nếu hôm nay ta còn khoẻ mạnh, còn ăn được những món ăn ta thích và ăn biết ngon là ta đã có một khối tài sản to lớn trong tuổi già. Rồi ta tìm đến những người bạn cùng nhau uống tách trà nóng, ly cà phê buổi sáng, kể chuyện năm xưa hay trao đổi những kinh nghiệm trong cuộc sống hiện tại. Cuối tuần, hẹn nhau với người bạn đi câu cá, hưởng không khí trong lành của thiên nhiên và cũng để cho tâm tư lắng đọng, tinh thần thanh thản. Đó là những niềm vui trong cuộc sống cuả tuổi già.

 

Tứ khoái của tuổi già là: Ăn, ngủ, thể dục và du lịch. Ăn được ngủ được là Tiên. Ăn và ngủ đi đôi với nhau. Người lớn tuổi có nhiều thì giờ nghỉ ngơi, cần có chế độ ăn uống bổ dưởng, cung cấp đủ calories cho cơ thể. Sự luyện tập thể dục là thỏi nam châm của cuộc sống và là kim chỉ nam của tuổi thọ. Đi du lịch để cho cuộc đời thoải mái, trí óc thanh thản và vui sống.

 

Khi về già, chúng ta thường hay sống về quá khứ, hay nhớ lại chuyện xưa. Sự nghiệp, vinh quang xưa kia đã trở thành mây khói, xa vời. Hẹn nhau trong những buổi họp mặt để ta có nhiều người bạn tâm tình, kể lại những kỷ niệm đẹp trong quá khứ…vui cười thích thú. Vợ chồng sống hạnh phúc bên nhau, luôn luôn yêu thương người bạn đời, gắn bó với nửa kia của mình, là điều mà chúng ta mong ước. Đưa các cháu đi học, đi ăn, chơi đùa với các cháu… là thú vui của tuổi già. Ta phải làm thế nào tuổi già mà tâm không già, thế là già mà không già. Nụ cười là lều thuốc bổ quí nhất. Chúng ta cần tránh đi những sự cải vã, tranh dành hơn thua từng lời nói hoặc những tranh chấp vô ích với bất cứ ai. Chính những lúc cải vã, giận dữ đó đã đánh mất đi những niềm vui trong cuộc sống, không thích hợp trong tuổi chúng ta, nhất là những người đang đau yếu. Chúng ta phải đối diện với bệnh tật một cách lạc quan, tự tin, đừng quá lo âu. Khi đã làm hết khả năng theo tầm tay, sẽ có thể ra đi mà không hối tiếc. Hãy để Bác Sĩ chăm sóc, luôn luôn giử bình an trong tâm hồn.

 

Chúng ta có thể nói là mình có hạnh phúc thật sự khi có sức khỏe tốt, chịu đi tập thể dục, có cơ hội du lịch thường xuyên, ngủ ngon, ăn uống ít kiêng cử khi vào tuổi hoàng hôn. Thiên đàng không phải đi tìm đâu cho xa mà thiên đàng do ta dựng lên và chui vào đó mà hưởng hạnh phúc. Sự sung sướng và hạnh phúc trong cuộc đời tùy thuộc vào sự thưởng thức nó ra sao. Người hiểu đời rất quí trọng và biết thưởng thức những gì mình đã có, và không ngừng phát hiện thêm ý nghiã của nó làm cho cuộc sống vui hơn, giầu ý nghiã hơn.

 

Hoàn toàn khoẻ mạnh, đó là thân thể khoẻ mạnh, tâm lý khoẻ mạnh và đạo đức khoẻ mạnh…Tâm lý khoẻ mạnh là biết chịu đựng, biết tự chủ, biết giao tiếp; Đạo đức khoẻ mạnh là có tình yêu thương, sẳn lòng giúp người, có lòng khoan dung. Người thích làm điều thiện sẽ sống lâu. Con người là con người xã hội, không thể sống biệt lập, bưng tai, bịt mắt, nên chủ động tham gia hoạt động công ích, hoàn thiện bản thân trong xã hội, thể hiện giá trị cuả mình đó là cách sống lành mạnh.

 

SINH, LÃO, BỆNH, TỬ là qui luật ở đời, không ai chống lại được. Khi thần chết gọi thì thanh thản mà đi. Cốt sao sống ngay thẳng không hổ thẹn với lương tâm và cuối cùng cuộc đời của một người cũng chỉ là con số không to lớn.

 

Đỗ Hữu Phương

 
 
 

Ai rồi cũng sẽ đến lúc phải già đi, hãy lắng nghe những lời chân thực nhất

 
 

Ai rồi cũng sẽ đến lúc phải già đi. Chỉ là hiện tại sức khỏe vẫn còn tốt, đầu óc vẫn còn minh mẫn nên ta cảm thấy mình hãy còn trẻ trung mà thôi. Nhưng tới khi thực sự già đi rồi, bạn biết trông mong vào ai đây?

Nếu bạn có một tổ ấm, thì khi còn chưa nhắm mắt xuôi tay nhất định không được vứt bỏ nó. Nếu bạn có một người bạn đời, hãy bầu bạn và biết trân quý nhau. Nếu bạn có một sức khỏe tốt, hãy bảo trọng lấy mình.

Hãy thử ngẫm xem khi mình già đi, bạn nên làm gì trong chặng đường đời sau cùng ấy.

Giai đoạn 60 – 70 tuổi: Hãy tự biết thu xếp 

Sau khi nghỉ hưu, từ 60 – 70 tuổi, sức khỏe của bạn vẫn còn khá tốt. Nếu có điều kiện, bạn thích ăn thứ gì thì hãy cứ nếm thử một chút, thích mặc thứ gì thì cứ mua về vài bộ, thích chơi thứ gì thì cứ thử xem sao (tất nhiên ngoại trừ những thứ xấu).

Đừng quá hà khắc với bản thân bởi lẽ những ngày tháng như vậy không còn nhiều. Bạn hãy tranh thủ thời gian tận hưởng chúng. Bạn cũng cần học cách quán xuyến tiền bạc. Hãy giữ lại cho mình một căn phòng để ở, sắp xếp cho mình một con đường lui lại về sau.

Con cái hiếu thuận là con cái ngoan. Nhưng dẫu sự nghiệp của con cái có khởi sắc thì tiền bạc vẫn là của con cái. Bạn không từ chối việc chúng hỗ trợ kinh tế, cũng không từ chối chúng hiếu kính với mình, nhưng vẫn phải dựa vào chính mình để tự thu xếp ổn thỏa cho phần đời còn lại.

Hãy tự biết thu xếp . (Ảnh dẫn theo xaluan.com)

Giai đoạn 70 – 80 tuổi: Hãy giữ gìn sức khỏe

Sau tuổi 70, bạn vẫn có thể sống một cuộc đời bình yên, không tai ương hay bệnh tật. Đó là khoảng thời gian bạn vẫn có thể tự chăm sóc bản thân nên cũng chẳng có gì đáng lo ngại.

Nhưng bạn nhất thiết phải biết rằng lúc này mình thực sự đã già, sức khỏe và tinh thần cũng dần suy kiệt, phản ứng cũng ngày càng chậm hơn.

Khi ấy bạn:

Ăn cơm phải nhai chậm để tránh bị nghẹn.

Đi đường phải bước chậm để tránh bị ngã.

Không được thể hiện bản thân mình nữa, phải biết tự lượng sức mình và chăm sóc bản thân.

Hãy thôi lo lắng bao đồng việc nọ việc kia. Quả thực đây là tâm bệnh chung của những người già, có người còn lo lắng cho cả con cháu 3 đời. Bạn đã lo lắng cho người khác suốt cả cuộc đời rồi, giờ là lúc bạn cần nghỉ ngơi, học cách buông tay và thuận theo tự nhiên. Bạn chỉ cần chăm sóc cho bản thân mình thôi!

Hãy làm mọi việc một cách thư thái. Không cần quá câu nệ rằng mọi ngóc ngách trong nhà đều phải tinh tươm, mọi chuyện đều phải hoàn hảo mà hãy để tâm hơn tới sức khỏe. Hãy kéo dài thêm thời gian tự chăm sóc mình, đừng nên làm lụng quá sức để phải đổ bệnh rồi lại chờ người khác đến chăm sóc mình.



Giai đoạn 70 – 80 tuổi: Hãy giữ gìn sức khỏe. (Ảnh dẫn theo dantri.com)

Giai đoạn 80 – 90 tuổi: Chuẩn bị tinh thần thật tốt

Đến tuổi này, nỗi khổ nào bạn cũng đã từng nếm trải nên chắc hẳn chặng đường cuối cùng trong đời cũng sẽ trôi đi êm đềm. Lúc này sức khỏe của bạn không còn tốt nữa và đã phải cầu cứu tới người khác.

Nhất định bạn phải chuẩn bị tâm lý trước. Đa số mọi người đều không tránh khỏi quan ải này. Bạn cần học cách điều chỉnh tốt tâm trạng của mình để có thể thích ứng nhanh nhất.

Sinh, lão, bệnh, tử là chuyện thường tình trong đời người, vậy hãy cứ thản nhiên mà đối mặt với nó. Đây chính là giai đoạn cuối cùng của cuộc đời, không gì có thể khiến bạn sợ hãi cả. Chỉ cần bạn chuẩn bị tâm lý sẵn sàng, mọi chuyện rồi sẽ nhẹ nhàng qua đi mà thôi.

Tùy thuộc vào điều kiện và sở thích, bạn có thể vào viện dưỡng lão, hoặc thuê người giúp việc chăm sóc ở nhà. Nhưng có một nguyên tắc là bạn không được dày vò con cái.

Bạn cũng đừng nên gây áp lực tâm lý, tạo thêm nhiều gánh nặng khác cho những đứa con của mình. Những gì có thể tự mình làm được thì bạn hãy cố gắng tự làm, đừng để con cái phải bận lòng.


Giai đoạn 80 – 90 tuổi: Chuẩn bị tinh thần thật tốt. (Ảnh dẫn theo eva.vn)

Giai đoạn sau tuổi 90: Hãy dựa vào chính mình

Lúc này có thể đầu óc bạn vẫn còn minh mẫn nhưng bệnh tật lại bám riết lấy mình. Bạn đã không thể tự chăm sóc bản thân được nữa. Khi ấy bạn sẽ có đôi chút hụt hẫng, cảm thấy cuộc sống thật bế tắc.

Nhưng dù thế nào cũng vẫn phải dũng cảm đối mặt với cái chết. Hãy cứ coi như đó là sự khởi đầu một trang mới của kiếp người. Đây chỉ là kết thúc của một hành trình cũ, cũng là bước khởi đầu của một hành trình mới mà thôi.

Chẳng phải một năm có 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông vẫn luôn xoay vần như vậy hay sao? Cứ thuận theo mệnh trời, không phải quá cưỡng cầu, mong đợi người nhà chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm cách chạy chữa cho bạn, đừng để người thân và bè bạn phải thêm nhọc lòng, phiền muộn vì bạn.

“Già rồi biết trông mong vào ai đây?”. Câu trả lời là: “Chính mình và vẫn là chính mình”.


Giai đoạn sau tuổi 90: Hãy dựa vào chính mình. (Ảnh dẫn theo baomoi.com)

4 việc cần chuẩn bị trước khi già đi

Cứ mỗi một ngày qua đi cuộc sống của ta lại bị rút ngắn thêm 24 giờ. Có người nói, về già cần phải có 3 điều tránh và 1 điều muốn:

Tránh bị sét đánh, tránh bị cắm ống thở bình ô-xy, tránh phải phẫu thuật cắt ống khí quản. Và muốn chiếc quan tài.

Người xưa nói: “Biết quản lý tiền bạc thì không nghèo, có kế hoạch thì không loạn, giỏi chuẩn bị thì không bận”.

Là người cao tuổi, phải chăng chúng ta cần chuẩn bị tốt hơn? Chỉ cần chuẩn bị trước, thì sau này bạn sẽ bớt phải lo lắng hơn. Nhưng cụ thể ta cần chuẩn bị những gì?

Việc đầu tiên chính là già mà vẫn khỏe

Ba việc đơn giản, không phải đụng đến thuốc men mà vẫn đảm bảo sống khỏe chính là: Ăn đủ chất, chú ý giữ gìn sức khỏe và phải có sự tu dưỡng.

Việc thứ hai cần chuẩn bị là một nơi ở khi về già

Nếu ở cùng con cháu mà phải sống một cuộc sống câm nín, nhẫn nhục để dung hòa sự khác biệt giữa các thế hệ chi bằng bạn hãy ra ở riêng, một mình hưởng thụ sự thanh thản, niềm vui đơn thân tuổi già.

Dẫu là nơi đô thành nhộn nhịp hay là vùng ngoại ô yên bình, hãy sống ở nơi bạn cảm thấy phù hợp nhất với mình. Nhưng phải nhớ là gần đó có nhà ăn mà bạn yêu thích, có một nơi thư thái để bạn dưỡng già!

Việc thứ ba là kiếm tiền dưỡng già

Bạn đã nuôi con nên không còn tiền tiết kiệm để dưỡng già? Thực ra là cha là mẹ chúng ta cũng nên tự thân vận động, nên tự lo liệu cho mình lúc tuổi già.

Bạn hãy tiết kiệm một khoản tiền để có thể làm những gì mình muốn, đi những nơi mình thích khi về già. Điều này cũng không có gì đáng xấu hổ cả. Ngược lại con cái chúng ta còn bớt đi một phần lo toan khi gánh nặng cơm áo gạo tiền vốn đã rất áp lực trong cuộc sống hiện đại này.

Bạn đã nuôi con khôn lớn, dựng vợ gả chồng cho chúng, cũng đã coi như làm tròn trách nhiệm của người làm cha làm mẹ với con cái mình. Nên số tiền dưỡng già nhất định nên phải có một khoản cho mình. Khi chưa vào quan tài thì bạn cũng chưa cần phải phân chia cho ai cả.



Trước khi bạn già hãy chuẩn bị cho mình một tín ngưỡng chân chính mang lại sự bình yên trong tâm hồn của bạn. (Ảnh dẫn theo FB Khỏi Bệnh Thần Kì nhờ Tu luyện Pháp Luân Công)

Việc thứ tư là tìm cho mình những người bạn già

Hãy mở rộng lòng mình, kết thêm nhiều thiện duyên hơn nữa. Đây cũng là một bí quyết hưởng thụ cuộc sống của những quý tộc đơn thân.

Hình ảnh những đôi vợ chồng luôn yêu thương quấn quýt bên nhau từ thuở còn son tới khi đầu bạc răng long quả thực khiến rất nhiều người phải ngưỡng mộ. Nhưng nếu cuộc hôn nhân không được mỹ mãn như bạn mong muốn thì hãy mỉm cười mà chấp nhận nó. Âu cũng là cái duyên cái nợ từ đời trước, con người cũng chỉ nên vâng mệnh trời mà thôi.

Khi tâm hồn trống trải, ta mới cảm thấy cô đơn. Nhưng nếu bạn có thể lấp đầy trái tim ấy bằng tình yêu cuộc sống, bằng sự biết ơn và quan trọng nhất là tìm cho mình một tín ngưỡng chân chính cho tâm hồn nương tựa, bạn sẽ thấy hạnh phúc tới tận giây phút cuối đời.

Có những điều lỗi thời, không hề đúng đắn nhưng vẫn khiến nhiều người dao động, nào là “Người ở thiên đường, tiền ở ngân hàng”, “Sống một mình rất cô đơn”, “Già rồi sẽ không có người chăm sóc”… Bạn phải nhận thức rõ rằng, tiền tài chỉ là vật ngoài thân, danh lợi chỉ là hư ảo trong chốc lát, trải nghiệm cuộc sống mới là toàn bộ kiếp người.

Nếu buộc phải trải qua những tháng ngày cuối đời một mình, hãy làm một người “độc thân vui vẻ”. Chẳng phải có câu rằng, đời người hai lần trẻ con đó sao? Khi còn thơ bé chúng ta rất ngây ngô, trong sáng, chẳng truy cầu, chẳng phiền muộn. Tới khi bạc đầu, khi đã nhìn thấu sự đời, chúng ta lại học được cách buông bỏ, ít truy cầu, ít buồn khổ. Như vậy chẳng phải ta lại hồn nhiên như một đứa trẻ hay sao?

Cuối cùng, xin hãy nhớ kỹ! Trước khi bạn già hãy chuẩn bị cho mình một sức khỏe tốt, một khoản tiền, những ngày tháng rảnh rỗi, những người bạn tốt, một không gian dành riêng cho mình và một tín ngưỡng chân chính mang lại sự bình yên trong tâm hồn của bạn.

Minh Nguyệt

 

 

TÂM SỰ TUỔI GIÀ - ĐÔI ĐIỀU CẢM NGỘ

 

       
"Những dòng tâm sự vềđạo lý con người này do một blogger Trung Quốc sinh năm 1937 tên là DƯƠNG TRẠCH TẾ viết ra, khi viết, ông tròn 71 tuổi. Vốn tốt nghiệp ngành hàng hải năm 1960, phục vụ trong quân đội của Trung Quốc suốt 40 năm mới nghỉ hưu, tuổi già sống trong bệnh tật. Bạn già của Dương Trạch Tế nhận xét, ông là một người khiêm tốn.

 

       Điều đáng chú ý là, entry “tâm sự tuổi già – đôi điều cảm ngộ” này được lưu truyền tại Việt Nam và được rất nhiều bạn đọc thích thú, tâm đắc, nhưng lại mang tên tác giả là cựu thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ. Nhiều người tích cực lưu truyền, in ra giấy phân phát cho nhiều người già tại các thành phố với lời dặn dò: đây là lời dặn của cựu thủ tướng Chu Dung Cơ. Trong khi trên toàn bộ hàng triệu trang mạng tiếng Hoa không hề có bất kỳ một lần nào xuất hiện tên Chu Dung Cơ dưới bài này.

 

       Và đây là nguyên văn bài dịch:

 

 

 

Tâm sự tuổi già - đôi điều cảm ngộ

Dương Trạch Tế (Trung Quốc)

Trang Hạ dịch

      

Tháng năm vội vã, đời người ngắn quá, chớp mắt đã già. Chúng ta nào dám nói đã thấu hết lẽ đời, nhưng ta cảm thấy, chỉ có hiểu đời, mới sống được ung dung, thanh thản. Tôi muốn viết đôi dòng “cảm nhận nhỏ nhoi” gửi tới những bạn già, để được mọi người chia sẻ những “cảm nhận lớn lao” hơn, để ta cùng cố gắng.

 

1. Cách sống: Qua một ngày, mất một ngày. Vui một ngày, lãi một ngày.

 

2. Hạnh phúc và niềm vui: Hạnh phúc không tự gọi cửa tìm đến ta, niềm vui cũng không tự rơi từ trên trời xuống, mà đều phải tự tay mình tạo dựng nên. Niềm vui là mục đích cuối cùng của đời mình, niềm vui ở ngay trong những việc vụn vặt của cuộc sống, ta phải tự mình tìm lấy. Hạnh phúc và niềm vui là một thứ cảm xúc và cảm nhận, quan trọng là ở tâm trạng mình.

 

3. Tiền bạc: Tiền không phải là vạn năng, tăng lực, nhưng không tiền thì vạn sự bất lực (*). Không nên quá coi trọng đồng tiền, lại càng không nên tính toán tiền bạc, nếu hiểu ra, sẽ thấy tiền chỉ là thứ đồ vật ở ngoài thân, khi ta chào đời ta đâu mang tới, khi ta chết đi lại chẳng mang theo. Nếu có người cần ta giúp đỡ, khảng khái mở hầu bao chính là một niềm vui lớn. Nếu tiền bạc mua được sức khỏe và niềm vui, cớ gì chần chừ nữa? Nếu bỏ tiền ra để được an nhàn tự tại, chẳng phải xứng đáng sao! Người hiểu biết là người biết cách kiếm tiền biết cách tiêu pha, làm chủ đồng tiền chứ đừng làm nô lệ cho nó.

 

4. Học cách hưởng thụ: “Phần đời còn lại ngắn ngủi, càng phải làm cho nó giàu có”. Người già phải biết đổi nếp nghĩ cũ, tạm biệt cách sống như tu hành, để làm loài chim vui. Cần ăn thì ăn, muốn mặc phải mặc, thèm chơi hãy chơi, không ngừng nâng cao chất lượng sống, đón nhận những thành quả của thời đại công nghệ, mới là mục đích sống của tuổi già.

 

5. Sức khỏe quan trọng nhất: Tiền bạc là của con mình, địa vị chỉ tạm thời giữ, vinh quang thuộc về quá khứ, sức khỏe mới là của ta.

 

6. Khác biệt: Tình yêu bố mẹ dành cho con là vô hạn, con yêu bố mẹ có hạn; Con cái bệnh tật bố mẹ lo âu, bố mẹ bệnh tật con cái hỏi han vài lời là thấy thỏa mãn; Con cái tiêu tiền bố mẹ thì dễ, bố mẹ tiêu tiền con cái thì khó; Nhà bố mẹ chính là nhà của con, nhà con lại chẳng phải nhà bố mẹ. Khác biệt là khác biệt. Người hiểu ra sẽ thấy lo liệu cho con chính là trách nhiệm và niềm vui, chẳng đòi con báo đáp, còn người cứ muốn được con báo đáp, là tự chuốc ưu phiền.

 

7. Bệnh tật trông cậy ai: Cậy con, bệnh nặng ốm lâu con mệt mỏi vắng bóng. Cậy bạn đời, người già tự lo thân chưa xuể, lấy đâu sức lực mà chăm nhau. Cậy tiền, có lẽ phải vậy.

 

8. Trân trọng những gì đã có: Ta thường coi nhẹ những gì trong tay, ta thường tiếc nuối những gì không có. Nhưng cuộc sống hạnh phúc đủ đầy lại bởi ta có biết cách cảm nhận cuộc sống chăng. Người hiểu đời sẽ trân trọng và nâng niu những gì đã có, cho nó thêm ý nghĩa trong đời mình, để sống tràn đầy và say mê vui sướng.

 

9. Cách nắm giữ niềm vui: Phải giữ tấm lòng rộng mở bao dung, để cảm ơn đời và tận hưởng sự sống. So với người trên nào bằng, ngoảnh xuống kẻ dưới thấy đủ, thấy đủ là thấy vui nhẹ nhõm; Nuôi dưỡng nhiều niềm say mê, vui thú ấy nào cạn, ta tự tìm lấy được niềm vui; Tốt với người đời, thường làm việc thiện, vui khi giúp người. Đó là những cách nắm giữ niềm vui, cũng mạnh khỏe trong tâm.

 

10. Dung dị mới là cốt lõi: Chức cao bổng lộc nhiều, địa vị hiển hách được mấy ai, số đông chúng ta chỉ là thường dân. Nhưng thiểu số ấy chưa chắc đã hạnh phúc, còn đám đông thường dân như chúng ta lại chưa chắc đã bất hạnh, nên ta cần gì nhìn lên đám thiểu số giàu sang đó mà tự ti, thèm muốn. Con người vốn không phân chia đẳng cấp giàu nghèo sang hèn, chỉ phân chia có tận tâm tận lực với sự nghiệp hay không mà thôi, là đã được coi có công với đời, lòng dạ thanh thản, không hổ thẹn với ai, nữa là con người ta đã lui về rồi thì đều giống nhau cả, chốn sau cùng của chúng ta đều là về với thiên nhiên. Kỳ thực, chức cao nào bằng thọ lâu, thọ lâu nào bằng sống vui lâu, sống vui mới chính là hạnh phúc.

 

11. Hãy sống đích thực cho chính mình: Con người quá nửa đời là hy sinh vì sự nghiệp, gia đình, con cái, thời gian giờ còn lại đâu nhiều, hãy sống đích thực cho chính mình, sống sao thấy vui thì sống, làm những gì mình muốn làm và mong làm, đừng ngại ngần người khác đàm tiếu, bởi ta đâu phải sống hộ người khác, mà ta đang sống cuộc đời của chính bản thân ta.

 

12. Không cầu toàn: Con người sống trên đời này làm sao có thể vạn sự như ý, tất sẽ có những điều thiếu sót tiếc nuối, càng mong hoàn hảo càng khổ sở, chi bằng thanh thản đối diện hiện tại, tùy hoàn cảnh mà sống.

 

13. Già và không già: Người già tâm hồn trẻ, tức là không già. Người chưa già nhưng tâm hồn già cỗi, vậy đã già nua. Nhưng mọi vấn đề vẫn cần nghe người già.

 

14. Chú ý điều độ: Sống là phải vận động, nhưng không nên quá sức; ăn uống đạm bạc thì không đủ dinh dưỡng nhưng thịt cá nhiều cũng không tiêu hóa nổi; Nhàn hạ quá thì quạnh quẽ, nhưng khách khứa lắm lại nhiều lo toan, cho nên việc gì cũng nên giữ lấy chữ “điều độ”.

 

15. Làm một người thông minh: Kẻ ngốc tự chuốc bệnh (vì hút thuốc, nghiện rượu, ăn uống vô tội vạ); kẻ thiếu kiến thức thì chờ bệnh tới (chờ ốm mới đi bệnh viện); còn người thông minh thì phòng bệnh; hãy tốt với chính mình, hãy giữ gìn sinh mệnh của mình.

 

16. Đừng lầm lẫn: Chờ khát mới uống, đợi đói mới ăn, phải mệt mới nghỉ, buồn ngủ mới ngủ, sinh bệnh mới đi viện, lúc đó đã muộn rồi.

 

17. Lạc quan và bi quan: Chất lượng cuộc sống của người già cao hay thấp phụ thuộc vào cách họ nghĩ, lạc quan thì mọi việc đều suy nghĩ theo hướng có lợi, nếu lạc quan để quy hoạch quãng đời tuổi già, sẽ được sống đầy tự tin và đầy sức sống, ngày tháng trôi qua sẽ đầy màu sắc; nếu dùng cách nghĩ bi quan sẽ sống trong tâm trạng chán nản tiêu cực, tất già sớm chết sớm.

 

 

Tác giả Dương Trạch Tế

 

18. Học cách vui chơi: Chơi là một trong những nhu cầu của người già, hãy mang một trái tim thơ trẻ để chọn thú chơi mình thích, trải nghiệm những niềm vui khi chiến thắng, cũng không giận khi thua, không làm nư, từ góc độ tâm lý và sinh lý, người già cũng cần sự hào hứng vừa đủ, để giữ cho tuần hoàn tốt.

 

19. Làm một người già “mạnh khỏe toàn diện”: Mạnh khỏe toàn diện tức là khỏe về thể chất, tâm lý lẫn đạo đức. Mạnh khỏe về tâm lý tức là sức chịu đựng cao, sức kiềm chế tốt và có năng lực giao tiếp thân thiện; Mạnh khỏe về đạo đức tức là luôn có lòng yêu thương, vui vẻ giúp đỡ người khác, tính tình điềm đạm, lòng dạ rộng rãi, thiện tâm tất thọ lâu.

 

20. Hòa nhập với xã hội: Con người là người của xã hội, không được phép sống tách rời biệt lập, lãnh đạm với đời, phải chủ động tham gia hoạt động công ích tập thể, hoàn thiện bản thân từ trong hoạt động chung, thể hiện được giá trị bản thân, đó mới là một cách sống lành mạnh.

 

21. Kết giao rộng rãi: Cuộc sống cuối đời nên có nhiều tầng thứ đa dạng, phong phú đầy màu sắc. Một hai người bạn thâm giao nào thể đủ, phải có nhiều bạn bè mới làm cuộc sống tuổi già tươi mới. Để bạn sống mê say vui tươi, muôn hình vạn vẻ.

 

22. Nỗi đau: Khi con người phải đối diện nỗi đau, chịu đựng, giải thoát cũng như xóa nhòa nỗi đau, nói cho cùng vẫn phải dựa vào chính bản thân mình, thời gian là vị thầy thuốc tốt nhất, nhưng quan trọng là ở chỗ bạn sẽ chọn cách sống như thế nào trong quãng thời gian ấy.

 

23. Hoài niệm quá khứ: Vì sao người ta già rồi thường nhớ quá khứ? Con người về già, sự nghiệp đã đi đến chặng cuối, những huy hoàng dĩ vãng đã biến thành mây khói trong mắt, ta đang đứng ở ga cuối của cuộc đời, gột sạch những dục vọng trong lòng, tinh thần cần thăng hoa, chỉ mong lại tìm thấy được chân tình. Lúc này, chỉ có quay về chơi chốn cũ, gặp gỡ người thân bạn bè, cùng ôn lại những giấc mơ thiếu thời, cùng bạn học cũ hàn huyên lại những niềm vui thời tuổi trẻ, mới cảm thấy được sức sống của thời trẻ. Trân trọng những chân tình, đón nhận những tình thân cũng là một niềm vui lớn của cuộc sống người già.

 

24. Thuận lẽ tự nhiên: Nếu bạn đã cố gắng hết mình nhưng vẫn không thay đổi được những gì bạn không mong muốn, vậy hãy để nó thuận theo lẽ tự nhiên thôi! Có lẽ đó cũng là một cách giải thoát. Mọi chuyện ở đời làm sao cưỡng ép theo ý muốn, những trái dưa ép chín cũng đâu có ngọt.

 

25. Thanh thản đối diện cái chết: Sinh lão bệnh tử, quy luật muôn đời, ai người trốn được. Khi cái chết sẽ không buông tha bạn, tại sao ta không đối diện nó, mỉm cười kiêu ngạo. Chỉ những người đã sống cương trực, không hổ thẹn lương tâm, mới có thể bình an thanh thản, cho mình một dấu chấm hết thật tròn vẹn.

 

      Những dòng tâm sự về đạo lý con người này do một blogger Trung Quốc sinh năm 1937 tên là Dương Trạch Tế viết ra, khi viết, ông tròn 71 tuổi. Vốn tốt nghiệp ngành hàng hải năm 1960, phục vụ trong quân đội của Trung Quốc suốt 40 năm mới nghỉ hưu, tuổi già sống trong bệnh tật. Bạn già của Dương Trạch Tế nhận xét, ông là một người khiêm tốn.
 

 

 

Đây là bức ảnh Dương Trạch Tế (giữa) với những người bạn già, người ngồi bên trái chính là người đã chuyển đăng Entry “tâm sự tuổi già” của Dương Trạch Tế .


usaelection gởi