Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
GIA PHONG VẠN PHẬT THÁNH THÀNH
 

Sáu Đại Tông Chỉ

Vạn Phật Thành lấy Sáu Ðại Tông Chỉ làm mục đích cho việc tu học. Ðó là không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, và không nói dối. Nếu quý vị có thể hiểu chân thật nghĩa của Sáu Đại Tông Chỉ này, thì quý vị sẽ không uổng công đến Vạn Phật Thánh Thành.

Sáu Ðại Tông Chỉ là sáu con đường sáng (đạo lộ quang minh). Cũng còn gọi là sáu loại trí tuệ, sáu loại chày hàng phục ma, và sáu loại kính chiếu yêu.

Không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, và không nói dối: Ðây là căn bản để làm người, nền tảng cho việc tu hành, và là tiêu chuẩn cho chính quyền.

Bước đầu của Phật Pháp là không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, và không nói dối. Nếu quý vị có thể nhớ Sáu Ðại Tông Chỉ này thì có thể về sau thành Phật.

Tôi muốn nói Sáu Ðại Tông Chỉ này cho những ai muốn thành Phật, những ai muốn thành Bồ Tát, Thanh Văn, A La Hán. Ðây là những tông chỉ quan trọng nhất. Nếu quý vị thực hành những tông chỉ này, quý vị có thể sử dụng chúng suốt đời mà không cùng tận! Dùng không bao giờ hết!

Nếu quý vị muốn làm một Phật Giáo đồ chân thật, quý vị phải không tranh, không tham, không mong cầu, không ích kỷ, không tư lợi và không nói dối. Từ hồi nhỏ, tôi tuân theo Sáu con đường sáng không tranh, không tham, không mong cầu, không ích kỷ, không tư lợi và không nói dối. Cái gì người khác muốn thì tôi không muốn.Cái gì người khác không dùng bỏ đi, thì tôi lượm lên. Tôi như thế đó! Tất cả quý vị có thể làm như vậy không? Nếu được như thế, tôi chúc mừng quý vị là những người Phật tử tốt.

Tu hành gồm có không tranh, không tham, không mong cầu, không ích kỷ, không tư lợi và không nói dối. Nếu quý vị có thể giữ vững Sáu Đại Tông chỉ này, quý vị là đệ tử chân chánh của Phật. Nếu quý vị không bước đi trên sáu con đường quang minh này, thì e rằng quý vị không làm ích lợi cho Phật giáo lắm.

Giới luật là gì? Đó là: không tranh, không tham, không mong cầu, không ích kỷ, không tư lợi và không nói dối. Đó là giới luật. Đừng tìm giới luật trong sách giới luật. Những điều này mọi người đều làm được. Mọi người đều có thể thực hành được.

Phương diện nào của Pháp là quan trọng nhất? không tranh, không tham, không mong cầu, không ích kỷ, không tư lợi và không nói dối. Mỗi ngày dùng Sáu Đại Tông Chỉ này làm thước đo hành vi của mình. Nếu chưa làm đúng tiêu chuẩn, nên lập tức sửa đổi mình. Khi không còn làm điều sai lầm và chỉ còn toàn là công đức, lúc đó quý vị có thể được xem là Phật tử. Đây là Sáu Đại Tông Chỉ của Vạn Phật Thánh Thành. Tôi hy vọng mọi người tuân theo, mọi người đều giác ngộ, và mọi người đều thành Phật.

Nếu muốn học để có trí tuệ chân chật, thì trước hết phải "đoạn dục". Làm sao để "đoạn dục"? Bằng cách không tranh, không tham, không mong cầu, không ích kỷ, không tư lợi và không nói dối. Sáu đại tông chỉ này là Pháp bảo này giúp đắc được trí huệ chân chánh.

Tà kiến là gì? Nếu quý vị tranh, đó là tà kiến. Nếu quý vị tham, đó là tà kiến. Nếu quý vị mong cầu, đó là tà kiến. Nếu quý vị ích kỷ, đó là tà kiến. Nếu quý vị tư lợi, đó là tà kiến. Nếu quý vị nói dối, đó là tà kiến.

Nếu quý vị đã nghiên cứu và thực hành Phật Pháp mấy chục năm nhưng vẫn còn tham lam tiền bạc! Vẫn còn mong cầu danh lợi!. Vẫn còn tham, tranh không ngừng. Đó là vì quý vị không hiểu nghiên cứu và thực hành Phật Pháp như thế nào. Nếu quý vị hiểu cách học Phật, quý vị sẽ không muốn những thứ này nữa.

Khi tu Đạo, quý vị phải dựa trên không tranh, không tham, không mong cầu, không ích kỷ, không tư lợi và không nói dối. Chỉ khi đó, quý vị sẽ có sự hiểu biết đúng đắn và cái nhìn đúng đắn (chánh tri chánh kiến) và có thể tu Đạo. Nếu quý vị không tu hành Sáu Ðại Tông Chỉ này và quý vị muốn nói mình là một người tu hành, đó là điều không thể được.

Nếu một người có tâm tranh, tâm tham lam, tâm cầu danh, cầu lợi, quảng cáo bản thân hay muốn mọi người sùng bái cá nhân, nếu tự tư, tự lợi, không nói lời chân thật, quý vị nên biết rằng người đó bị cảnh giới ma quỷ.

Nếu quý vị có thể không tranh, không tham, không mong cầu, không ích kỷ, không tư lợi và không nói dối, khi đó Chánh Pháp trụ ở thế gian.

Mục đích của tu hành là dừng lại tất cả các tâm tranh, tâm tham, tâm mong cầu, tâm tự tư, tư lợi và tâm nói dối. Chúng ta muốn ngăn chặn đình chỉ không cho chúng hoạt động. Ngay tại đó, trí tuệ sẽ hiển lộ và phát ra đại quang minh, chiếu phá màn đêm vô minh. Khi ấy chúng ta minh Tâm kiến Tánh (hiểu Tâm thấy được bản tánh) và thành tựu mục đích tu hành.

Không tranh, không tham, không mong cầu, không ích kỷ, không tư lợi và không nói dối – tất cả những điều này được xem như là chân tâm. Khi tâm dụng công chân thật, tất cả các nghiệp chướng sẽ tiêu trừ. Nếu tâm không chân thật, các nghiệp chướng sẽ đeo bám quý vị.

Nếu quý vị có thể cẩn trọng giữ gìn tông chỉ không tranh, không tham, không mong cầu, không ích kỷ, không tư lợi và không nói dối thì chư Phật mười phương sẽ đến hộ trì, hộ niệm quý vị. Chư Phật sẽ luôn đến gia hộ cho quý vị.

Làm thế nào thoát khỏi phiền não? Phương pháp thì cực kỳ đơn giản – chỉ cần không tranh, không tham, không mong cầu, không ích kỷ, không tư lợi và không nói dối. Nếu quý vị có thể thực hiện được những điều đó thì tất cả lậu thoát đều chấm dứt và các phiền não được hàng phục.

Tại sao quý vị không thể tự tại vô ngại? Đơn giản bởi vì quý vị vẫn còn tranh, tham, mong cầu, ích kỷ và tư lợi. Vì thế quý vị không cảm thấy tự tại.

Điều gì là khoa học chân chánh? Không tranh là khoa học. Không tham là khoa học. Không mong cầu bất cứ thứ gì là khoa học. Không ích kỷ - chính là khoa học chân thực. Không tư lợi - đó cũng là khoa học chân thực. Thêm nữa, nếu quý vị cũng không nói dối, thì đó cũng là khoa học học chân chánh.

Những người làm việc phiên dịch Kinh sách phải nhất định cần phù hợp với sáu đường lối quang minh rộng lớn là không tranh, không tham, không mong cầu, không ích kỷ, không tư lợi và không nói dối.

Nếu chúng ta muốn quốc gia thịnh vượng, chúng ta phải sử dụng Sáu Ðại Tông Chỉ - sáu đường lối vĩ đại. Chúng là phương pháp tốt nhất để xoay chuyển số phận.

Nếu chúng ta muốn cứu giúp thế giới này, đầu tiên chúng ta phải không tranh, không tham, không mong cầu, không ích kỷ, không tư lợi và không nói dối. Chúng ta phải làm gương mẫu, làm mô hình cho người khác noi theo. Như thế thế giới mỗi ngày sẽ càng trở nên bình yên hơn.

Dù là hạnh gì, phái gì, tông gì, hay tôn giáo gì, nếu đều hết sức đem lại lợi ích cho người khác và không làm lợi cho bản thân, như thế đó là nơi đáng tin cậy. Rõ hơn nữa, nếu một người bề ngoài giúp người khác nhưng bên trong lại có ý đồ được điều gì đó – nếu không tham tài, thì tham sắc; nếu không tham sắc, thì tham danh hay lợi lộc gì khác – thì đó đều là không chân thật.

Tôi giảng tới giảng lui cho quý vị đều là điều xưa cũ. Đạo lý này có vẻ rất đơn giản nhưng lại không dễ thực sự làm được. Nếu quý vị có thể làm được, quý vị đã thành Phật từ rất lâu rồi. Nếu quý vị thực sự thực hành Sáu Đại Tông Chỉ này và nếu quý vị không thành Phật thì tôi sẽ ở mãi trong địa ngục không có ngày ra. Tôi đem lòng tin ra bảo chứng rằng những ai tu hành theo Sáu Đại Tông Chỉ này sẽ chắc chắn thành Phật.

Không Tranh

Trong việc tu hành, cần thận trọng để không tranh đấu với người khác. Đừng hiếu chiến hay gây hấn. Đừng nóng tính. Như vậy, quý vị sẽ tách mình ra khỏi loài A tu la.

Tại sao mọi người không thể sống hòa hợp trên thế giới này? Bởi vì họ tranh đấu với nhau, cướp đoạt của nhau và không nhường nhịn lẫn nhau. Do đó, chiến tranh nổ ra, dẫn đến tình trạng quốc gia bị tàn phá, gia đình tan nát.

Nguyên nhân ma quỷ trở thành ma quỷ là vì chúng có tâm hướng đấu tranh giành thắng. Có câu nói rằng:
Tranh là tâm hơn thua,

Ði ngược lại với Ðạo,

Sanh ra bốn tướng tâm

Làm sao được Tam-muội?

Khi một con quỷ không giành được vị trí số một, thì khởi sanh tâm giận dữ, ganh tỵ, và chướng ngại. Bất cứ ai có suy nghĩ hay hành vi như vậy đều là ma quỷ và vĩnh viễn không bao giờ thành Phật.

Người tu hành không được có sự tranh giành với thế gian. Không cạnh tranh hay đấu tranh với bất cứ ai. Tất cả mọi người nỗ lực dụng công. Người khác nỗ lực dụng công cũng tốt như chính mình nỗ lực dụng công vậy. Nếu suy nghĩ như vậy, thì quý vị sẽ không có tâm tranh giành vị trí đứng đầu.

Nếu quý vị không còn dung chứa bất kỳ một tâm niệm đấu tranh nào, thì quý vị sẽ cắt đứt được liên hệ với thế giới của A tu la. Nếu quý vị không tham lam, thì quý vị sẽ cắt đứt liên hệ với thế giới của loài súc sanh.

Không Tham

Tôi có một tánh rất lạ thường. Cái gì người khác muốn thì tôi không muốn. Cái gì người khác ao ước thì tôi không màng, cái gì người khác thích tôi lại không thích.

Là đệ tử Phật thì nên nhẫn chịu sự thiếu ăn, chịu đựng rét lạnh, đói khát. Trong mọi hoàn cảnh quý vị cần nên phù hợp với Phật pháp. Không tham ăn ngon, mặc đẹp hay sống ở nơi cao sang. Không nên có tâm tham hưởng thụ. Chịu khổ thì sẽ hết khổ, nhưng nếu hưởng phước thì sẽ hết phước.

Không nên tham cầu giả danh. Trong mọi cử chỉ hành động, trong mọi lời nói, việc làm, quý vị cần phải trung thực, quý vị phải thành thật một cách triệt để. Đó chính là cá tính căn bản (bản sắc) của người Phật tử.

Phật tử chúng ta cần có con mắt "Trạch Pháp Nhãn". Chúng ta không nên có lòng tham mong cầu tiện nghi hay cảm ứng, không nên dùng tâm tham đi khắp nơi cầu Phật Pháp. Không nên như hôm nay nghe nói Hiển Tông là tốt thì học theo Hiển Tông, nhưng hôm sau có người bảo Mật Tông hay thì qua Mật Tông để học. Dù quý vị có tu suốt kiếp nhưng bởi vì không có tông chỉ vững chắc, quý vị không thể chuyên nhất, không thể thuần nhất, không thể giữ trụ vào "một", nên rốt cuộc cũng chỉ là uổng phí cuộc đời.

Quý vị hãy xem việc tu hành là bổn phận của mình. Không cần phải tham. Lâu ngày chầy tháng công đức sẽ tự viên mãn và tự nhiên quý vị sẽ thành tựu quả Bồ Đề.

Trong lúc tu hành hãy dụng công một cách tự nhiên. Không nên tham lam và thắc mắc không biết có hiệu quả hay có kết quả tốt gì không. Đừng suy tưởng đến việc gì cả; cứ tiếp tục dụng công và sửa đổi lỗi lầm của mình hằng ngày.

Hành giả cho dù tu theo pháp môn nào, như là niệm Phật, trì chú, tụng kinh, trì giới hay tu thiền, đều không nên tham cầu mau được chứng đắc. Nếu quý vị mong sao mau được chứng đắc thì đó cũng là một loại tâm tham. Một khi có tâm tham, nó sẽ gây trở ngại cho trí huệ linh cảm và tự tánh quang minh của quý vị. Tự tánh quang minh thì hoàn toàn không có tâm tham. Một khi có tâm tham thì nó như là bụi bám vào gương. Người tu hành cần hiểu rõ điểm này. Không nên tham được nhiều, không nên tham tiện nghi.

Người có lòng tham thì không bao giờ có an lạc. Nếu họ không tham thì sẽ được an nhiên tự tại. Cho nên chúng ta hãy diệt lòng tham.

Có bao nhiêu người đã thân bại danh liệt chỉ vì lòng tham? Có bao nhiêu người vì tham mà nước mất nhà tan. Đây là một thứ hiểm họa hại người, chúng ta không thể không cẩn trọng đề phòng.

Vì sao quý vị bị cảnh giới chuyển. Vì tâm hiếu kỳ. Tâm hiếu kỳ về căn bản cũng là một hình thức của tâm tham.

Không Mong Cầu

Dù chúng ta dụng công như thế nào cũng không tương ưng với đạo, không bao giờ thành. Nguyên nhân do đâu? Đó là vì chúng ta có hư vọng, có vọng tâm không chân thật. Chúng ta mong cầu cái cao xa, tìm cầu danh lợi. Tất cả đều là vọng tâm.

Quý vị mong cầu hạnh phúc bên ngoài, tìm cầu hạnh phúc từ sáng tới khuya. Nếu đạt được thì cũng chỉ là hạnh phúc nhất thời mà thôi. Còn quý vị không đạt được thì sinh tâm phiền não. Quý vị tham lam vô độ, vừa muốn có hạnh phúc, có được rồi thì lại lo sợ đánh mất nó. Đây không phải là hạnh phúc chân chính. Hạnh phúc chân chính là không mong cầu. Có câu rằng ‘đáo vô cầu xứ tiện vô ưu', nghĩa là khi đạt đến chỗ không mong cầu thì không còn lo lắng. Nếu quý vị không còn tâm mong cầu thì đó là hạnh phúc chân chính. Đó là sự an lạc chân chính của tự tính quý vị.

Không Ích Kỷ:

Về cơ bản chỉ có một giới luật mà thôi, đó là không ích kỷ. Nếu con người ích kỷ, họ sẽ phạm giới. Nếu họ không ích kỷ thì sẽ không phạm giới. Cũng vậy, nếu ích kỷ, họ sẽ phạm quy củ. Nếu không ích kỷ, thì họ sẽ không phạm quy củ.

Chánh tâm chính là không ích kỷ. Nếu quý vị ích kỷ thì quý vị không có chánh tâm.

Tại sao chúng ta không nhận ra bản lai diện mục của mình? Đó là vì chúng ta không bỏ được ngã tướng, không bỏ được lòng ích kỷ. Nếu chúng ta không còn ngã tướng hay tâm ích kỷ thì sẽ nhận được bản lai diện mục của mình.

Người thế tục thì bôn ba xuôi ngược. Họ luôn lấy ích kỷ làm động cơ. Họ muốn bảo vệ sinh mạng và tài sản của mình. Phật pháp thì đại công vô tư, mục đích là lợi người.

Tu Ðạo là cần phải "quay trở lại." Nghĩa là gì? Tức là phải nhường cho người việc tốt lành, còn mình thì nhận phần hư xấu - xả tiểu ngã để thành tựu đại ngã

Người xấu là loại người gì? Là người có tâm ích kỉ, tự lợi, thấy lợi mà quên đi sự ngay thẳng đạo đức.

Không Tự Lợi:

Nếu có khả năng, chúng ta phải nhanh chóng làm lợi ích cho người. Có câu nói,

“Tài bồi tâm thượng địa,

Hàm dưỡng tánh trung thiên.”

(Vun bồi mảnh đất tâm linh,

Nuôi dưỡng bầu trời bản tánh.)

Nếu ta thường làm lợi cho người, thì qua thời gian chúng ta sẽ tạo công đức. Nếu ta luôn muốn người khác làm lợi cho mình, nhưng ta không làm lợi cho người; nếu ta luôn tìm cách chiếm tiện nghi và có thói ỷ lại vào người khác, thì chúng ta hoàn toàn vô dụng.

Nếu ta làm lợi ích cho người và làm cho họ hạnh phúc, thì dù đi bất cứ nơi đâu, mọi người sẽ cảm hóa theo ta.

Khi học trò mới bắt đầu học làm người, ta dạy chúng không để tâm trí vào sự huởng lợi, không xem tiền là quan trọng. Người xưa học để tìm hiểu đạo lý (minh lý). Ngày nay người ta học vì danh lợi. Họ muốn được nổi tiếng và có lợi lớn. Tại sao như thế? Bởi vì trường học dạy học sinh không đúng đắn. Do đó thế giới mỗi ngày mỗi tồi tệ hơn, mỗi ngày mỗi đọa lạc hơn.

Người thường nghĩ lợi ích cho người là một vị Bồ tát. Người thường nghĩ lợi ích cho bản thân là ma quỷ Bồ Tát chỉ có biết đến người khác mà không biết đến mình. Trong khi ma quỷ chỉ biết có mình mà không biết đến người khác. Hai thành phần này hoàn toàn trái ngược nhau.

Không nói dối:

Trừ khi không nói thì thôi. Nếu nói thì luôn nói lời trung thực. Không bao giờ nói bất cứ điều gì để lừa mọi người. Bất luận trong trường hợp nào, ta thành thật nói sự thật, và luôn giữ gìn miệng của mình, không nói dối gạt.

Tôi không nói dối. Bất kỳ ở đâu, tôi cố gắng chân thật. Tôi nói và hành xử thẳng thắn, và tôi không dùng bất cứ thủ đoạn nào trong đối xử với mọi người, mọi sự việc (xử thế tiếp vật). Nếu có điều gì tôi muốn nói, tôi sẽ nói ra bất luận dù ở nơi nào. Tôi không sợ mất lòng người ta. Nếu có điều gì tôi không muốn nói, tôi sẽ không nói cho dù ở đâu. Tôi tuyệt đối không nói dối hay lừa gạt người.

Mọi người nên nói thành thật thường xuyên hơn. Ngay cả khi bị đánh đập hoặc bị la mắng, ta vẫn nói sự thật. Đừng sợ. Tôi nói cho quý vị nghe, tôi là người ngay thật. Tôi là người lập giữ cuộc sống ngay thẳng mà không khom lưng bợ đỡ. Nếu người ta muốn trừng phạt tôi, thì cứ việc làm; không sao cả. Nếu quý vị trừng phạt tôi vì nói sự thật, tôi vẫn nghĩ rằng nó đáng giá, và tôi sẽ không oán hận. Tôi không mong người ta tin bất cứ điều gì tôi nói. Ngay cả họ không tin, tôi vẫn cố gắng hết sức mình.

Tại sao một số người dụng công mà không tiến bộ trong sự tu hành? Bởi vì họ nói dối quá nhiều. Khi nói ra một câu dối trá, hàng trăm vọng tưởng phát sinh.

Nếu quý vị nói dối, thì dù quý vị tụng bất cứ chú gì cũng sẽ không linh nghiệm. Hay tụng bất cứ Kinh gì cũng sẽ không có linh ứng. Nếu quý vị muốn tụng chú hay tụng Kinh điển có được cảm ứng hoặc thành tựu, thì không thể nói dối. Hãy chân chân thật thật, nói lời chân thật, cần nói lời chân thật, không nói lời thêu dệt.

***

Chúng ta nên mở rộng tầm nhìn và có tư tưởng phóng khoáng. Chúng ta không nên chỉ biết đến chính mình, hoặc chỉ biết đến gia đình mình, hoặc chỉ biết có quốc gia của mình. Chúng ta phải mở rộng tâm lượng tận hư không bao trùm Pháp Giới. Cần suy nghĩ vì toàn thể nhân loại, không chỉ tính toán cho bản thân mình. Đem lại lợi ích cho nhân loại, không gây hại cho nhân loại: Đây là điều kiện căn bản để tu hành Phật Đạo.

Làm thế nào chúng ta có thể đem lại lợi ích cho nhân loại và không gây hại cho nhân loại? Chúng ta phải thực hành Sáu Ðại Tông Chỉ của Vạn Phật Thánh Thành:

1. Không Tranh. Chúng ta không tranh đấu với bất cứ người nào: Nếu bạn tranh với tôi, tôi không cùng bạn tranh; bạn chửi rủa tôi, tôi không mắng bạn; bạn đánh đập tôi, tôi không trả đũa; bạn lừa dối, ức hiếp tôi, tôi không lừa dối, ức hiếp bạn. Ðó là tông chỉ nhất quán của Vạn Phật Thánh Thành.

2. Không Tham. Tâm tham lam mà nổi dậy thì không bao giờ có đáy; bất luận là tham tiền, tham vật chất, tham gì cũng không ngừng, không cho là đủ. Càng tham là càng không cho là đủ, càng không thấy đủ thì càng tham, tham cho tới già vẫn chưa tỉnh ngộ! Bị chữ tham này làm hại cả đời, đến chết rồi cũng cảm thấy rằng mình chưa chiếm được vật này vật kia nên hết sức hối tiếc; thật là đáng thương xót! Ở Vạn Phật Thánh Thành, tông chỉ thứ hai này nghĩa là không tham bất cứ tiền bạc, lợi ích, hoặc danh tiếng tốt đẹp. Nói tóm lại, tất cả mình đều không tham; mình chỉ theo bổn phận hoằng dương Phật Pháp, nối tiếp huệ mạng của Phật mà thôi!

3. Không Mong Cầu. Chữ “mong cầu’’ và chữ “tham’’ không khác nhau mấy. “Tham’’ thì lúc có lúc không, mà “cầu’’ thì cứ cầu cạnh hoài, tới đâu cũng tìm cách móc nối với người khác để phòng thủ lợi, dùng bất cứ thủ đoạn gì để đạt được mục đích mới thôi. Cầu gì? Cầu tiền tài, vật chất, nói tóm lại là cầu tất cả thứ lợi ích. Ở Vạn Phật Thánh Thành thì hướng nội, hướng vào tâm mà cầu chứ không phải hướng ra ngoài cầu. “Nội cầu ư tâm’’ là muốn trừ sạch hết vọng tưởng, cuồng tâm, dã tánh, đố kỵ, chướng ngại, tham, sân, si...; mình cầu sao cho trừ sạch những thứ đó. Mình không hướng bên ngoài mà trang sức, trang điểm; chỉ cần làm sao cho trong lòng thanh tịnh, trang nghiêm là đủ. Có câu rằng: Nhân đáo vô cầu phẩm tự cao. (Khi con người đạt tới chỗ không còn mong cầu gì cả thì phẩm đức của họ sẽ tự trở nên thanh cao.) Khi không cầu cạnh gì người khác thì phẩm cách tự nhiên thanh cao. Cũng chẳng có tư tưởng bẩn thỉu.

4. Không Ích Kỷ. Vì sao thế giới suy sụp tới mức độ như vậy? Bởi vì con người quá ích kỷ: Ðối với điều có lợi cho mình thì tranh nhau mà làm, chuyện gì đối với mình chẳng có ích thì khoanh tay ngồi nhìn, ví như nhà bên cạnh có cháy thì mình cũng ngoảnh mặt làm ngơ! Lòng ích kỷ có nhiều thứ, có người ích kỷ vì địa vị, có kẻ ích kỷ vì danh dự, vì quyền lợi, hoặc vì tiền bạc. Tóm lại, tất cả đều do lòng ích kỷ tác quái nên không nghĩ đến kẻ khác, chỉ lo cho riêng mình; nên có câu:

Ma-ha-tát bất quản tha,
Di-Ðà Phật các cố các.

Nghĩa là:

Bậc Ma-ha-tát không nghĩ đến người khác,
A-Di-Ðà Phật, ai nấy lo.
Ðây là lời nói đùa mang tư tưởng Tiểu-thừa. Người nhà Nho cũng từng nói:

Các tảo tự kỷ môn tiền tuyết,
Hưu quản tha nhân ngõa thượng sương.

Nghĩa là:

Tuyết trước cửa nhà, mình tự quét,
Sương mái nhà người, chớ bận tâm!
Ðây là nói đến tác phong không lo chuyện người ta. Nhân sinh ở tại trần thế cần phải giúp đỡ lẫn nhau, lo lắng cho nhau, do đó nên đề xướng tư tưởng Ðại-thừa, học tập tinh thần của Bồ-tát, nghe khổ thì tới cứu, không được ngoảnh mặt làm ngơ!

Người đời nếu không có lòng ích kỷ thì có thể cùng nhau ở chung vui vẻ như trong một nhà vậy, chỉ vì lòng ích kỷ cho nên tạo ra rất nhiều vấn đề rắc rối. Do đó, Không Ích Kỷ là tông chỉ thứ tư của Vạn Phật Thánh Thành.

5. Không Tự Lợi. Tông chỉ này trọng yếu hơn là tông chỉ thứ tư. Có ai mà chẳng tự lợi, song le, mình nhất định không tự lợi; nếu ai cũng được như vậy thì thế giới sẽ trở nên tốt đẹp. Không tự lợi tức là muốn lợi ích cho người khác mà thôi, là quên mình đi. “Xả kỷ vi nhân’’ nghĩa là quên mình vì người, tinh thần này còn hơn cả hành vi của bậc Bồ-tát! Bồ-tát thì tự lợi lợi tha, tự độ độ tha, tự giác giác tha; còn mình thì không tự lợi mà chỉ lợi tha, chỉ độ tha, và chỉ giác tha mà thôi!

6. Không Nói Dối. Tức không có tâm lừa bịp người khác. Vì sao người ta nói dối? Là bởi vì sợ mình mất đi lợi ích, sợ mình bị thua thiệt, nên mới tìm cách dối trá! Nếu mình thường dùng chân tâm thành thật mà đối đãi với mọi người thì tự nhiên mình có thể giữ tròn tông chỉ thứ sáu này, tức là không Dối Trá.

Ngày hôm nay tôi đem Sáu Đại Tông Chỉ này giới thiệu cho các vị nghe, nếu muốn giảng cho rõ ràng thì không bao giờ giảng hết cả. Nếu quý vị thực hành Sáu Đại Tông Chỉ này thì các vị dùng được lợi ích suốt đời. Thọ dụng lợi ích không ít.

***
            
Bất cứ ai có thể thực hành được Sáu Đại Tông Chỉ của Vạn Phật Thánh Thành thì sẽ đủ tư cách để trở thành Phật tử. Sáu Đại Tông Chỉ này là:Không tranh, Không tham, Không mưu cầu, Không ích kỷ, Không tự lợi, và Không nói dối. Quý vị có thể sử dụng đạo lý của Phật giáo để giải thích các tông chỉ này. Quý vị cũng có thể sử dụng đạo lý của Đạo Lão để giải thích. Cũng có thể giải thích các tông chỉ này bằng đạo lý của Khổng giáo. Nói chung, quý vị có thể giải thích cho người khác bằng bất cứ cách nào mà mình thích. Với các đạo lý này đều viên dung vô ngại. Chúng rất hợp lý. Những tông chỉ này bao gồm các đạo lý của tất cả các tôn giáo. Chúng là những phương pháp rất thiết thực. Các giới luật của Phật giáo có thể được giải thích theo nhiều cách khác nhau, nhưng đều không ngoài phạm vi của Sáu Ðại Tông Chỉ này.

1. Nếu không tranh, thì sẽ không giết hại. Giết hại xảy ra do tâm tranh khống chế. Khi quý vị tranh, quý vị có thái độ "Tránh ra khỏi đường của tôi hay là phải chết!" Hậu quả thương vong không thể tính đếm được.

2. Nếu không tham lam, thì sẽ không trộm cắp. Tại sao muốn trộm cắp những thứ của người khác? Vì tham lam. Nếu quý vị không tham lam, thì ngay cả khi có người muốn cho quý vị một cái gì đó, quý vị vẫn không muốn nhận. Vì vậy, quý vị nên dẹp bỏ tham lam, thì khi đó quý vị sẽ không trộm cắp.

3. Nếu không mưu cầu, sẽ không có tâm dâm dục. Tâm dâm dục sanh khởi vì có tâm mong cầu. Nữ tìm cầu bạn trai, nam tìm cầu bạn gái. Họ không chỉ tìm kiếm, mà lao vào truy đuổi như không có gì khác quan trọng hơn. Nếu họ không tìm cầu thì làm sao họ có tâm dâm dục? Một chàng trai tuấn tú hay một cô gái mỹ miều chỉ là hai túi thịt hôi hám mà thôi! Liệu có đáng để ước muốn không? Nếu quý vị không mưu cầu, quý vị sẽ không vi phạm giới luật về tà dâm.

4. Nếu không ích kỷ, thì sẽ không nói dối. Mọi người nói dối bởi vì họ sợ mất lợi ích cá nhân. Ích kỷ khiến người ta mất tự chủ, họ lừa và nói dối người khác, với hy vọng che giấu bộ mặt thật của mình.

5. Nếu không theo đuổi lợi ích cá nhân (tự lợi), thì sẽ không vi phạm giới luật ngăn cấm dùng các chất gây say. Tại sao người ta thích những chất gây nghiện? Bởi vì họ muốn làm cơ thể và tâm trí mê loạn, đến mức họ nghĩ là họ đã trở thành thần thánh hoặc tiên, đang du ngoạn ở trên trời. Khi say rượu, họ tùy thích la mắng mọi người, ham muốn dục vọng tăng trưởng. Một số người cũng tưởng dùng rượu để giúp gia tăng lưu thông khí huyết. Uống xong thì quên tất cả mọi thứ. Đó là thứ kích thích như hút thuốc phiện. Tất cả đều vì do tâm tự lợi khống chế cho nên họ đã dùng những chất gây say.

6. Không nói dối. Tại sao không nói dối cũng là một trong Sáu Đại Tông Chỉ? Để nhấn mạnh thêm. Nếu quý vị vi phạm bất kỳ cái nào thuộc năm tông chỉ trên thì quý vị sẽ nói dối. Nếu không vi phạm những tông chỉ trên thì quý vị sẽ không nói dối. Như vậy không nói dối là một trong những yêu cầu cơ bản cho những người học Phật giáo.

Sáu tông chỉ trên chỉ là tên khác cho năm giới luật. Thực tế, tất cả mọi người cũng đã nghe đến các điều này trước đây và hiểu chúng, nhưng rất ít người có thể thực sự thực hành chúng. Đó là lý do tại sao tôi nhắc nhở tất cả mọi người: Không tranh nghĩa là không giết hại. Không tham lam nghĩa là không trộm cắp. Không mưu cầu nghĩa là không tà dâm. Không ích kỷ nghĩa là không nói dối. Không tư lợi nghĩa là không dùng các chất gây say.

H.T Tuyên Hoá


___________________


Hoang Nguyen gởi