Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh







 
Gia tài của mẹ là con


Dẫu cho đi hết nước non bến bờ

Kính gởi đến tất cả đấng sinh thành, kính gởi đến tất cả những người tri ân, gởi đến những ai đang còn cha mẹ nhưng đã bị ruồng bỏ tình thâm.

“Cha là cây nến vàng, mẹ là cây nến xanh, con là cây nến hồng, ba ngọn nến lung linh, thắp sáng một gia đình”.

Các bạn đã nghe bài hát này chưa, sao nghe nó ấm áp vô cùng, nghe nó ngập tràng hạnh phúc của một gia đình dù chỉ nghèo nhưng có đủ tình cha lẫn mẹ. Các bạn có biết không, những đứa trẻ như chúng tôi đây, đau khổ lắm, đáng thương lắm. Cha còn đó, mẹ còn đó nhưng tình thâm hoàn toàn không có. Họ nhẫn tâm xua đi tình ruột thịt một cách hững hờ và những đứa trẻ bị xua đuổi đó sẽ nghĩ gì: hờn hay là thương, oán trách hay là níu kéo. Có lẻ sẽ mang trong lòng một nỗi niềm cô đơn hụt hẫn và mất đi thân bằng từ khi vững bước vào cuộc đời, khi không có chỗ dựa của tình thâm cha mẹ.

Tôi sẽ kể cho các bạn nghe về cuộc đời của tôi. Cha mẹ tôi chia tay lúc tôi vừa tròn 5 tuổi và em gái tôi 3 tuổi. Ngoại thương hai đứa cháu bất hạnh mang về để bù đắp, dù ngoại rất nghèo. Hoàn cảnh thật trớ trêu, em gái tôi lại bị sốt co dật nên cuối cùng đã bị bệnh thần kinh lúc mê lúc tĩnh, lúc buồn lúc vui nên em tôi lúc nào cũng cần có người bên cạnh chăm sóc. Ngoại tôi hằng ngày phải đi bán vé số tảo tần kiếm tiền mua thuốc cho em gái tôi và lo miếng ăn cho cả nhà. Hoàn cảnh như thế cho nên học hết lớp 9 tôi phải xếp lại bút nghiêng để bắt đầu lao vào cuộc đời – kiếm tiền. Tôi học rất giỏi nhưng cũng đành, biết làm sao hơn với hai chữ mồ côi. Cha mẹ còn đó nhưng tôi lại thấy mình rơi vào vực thẳm, hai chữ mồ côi tôi cũng không được nhận nhưng có ai nhìn nhận những đứa con như tôi đâu. Tôi bắt đầu cuộc hành trình đi tìm miếng cơm manh áo. Đó chính là những xô hồ, và những xẻng cát, đau đớn cùng tột vì không ai che chở, không ai nâng đỡ trên đường đời. Tôi đã phải nói với lòng mình: “Nam ơi, mày hãy cố lên. Ngoại mày và đứa em gái khờ khạo đang chờ mày ở nhà đó, cố lên Nam nhé”. Tối hôm đó tôi về thưa với Ngoại, kêu Ngoại nghỉ bán vé số, ở nhà lo cho em gái. Bởi Ngoại tôi bị bệnh đau khớp không đi được nhiều. Sáng hôm sau tôi lại tiếp tục cuộc hành trình đi kiếm tiền. Sáng Ngoại tôi phải dậy sớm nấu cơm bỏ sẵn để tôi mang theo ăn trưa. Không hiểu sao tiền tôi làm không đủ cho em tôi uống thuốc, nói chi tới chuyện ăn bánh vặt và sắm áo quần. Lúc bấy giờ tôi nghĩ lại thấy thương Ngoại vô cùng. Ngoại tôi đi bán vé số một ngày đâu có bao nhiêu mà Ngoại tôi vẫn lo đủ cho hai anh em tôi đủ miếng ăn, lành cái mặc. Ban ngày tôi đi làm hồ, ban đêm phụ chạy bàn cho các quán nhậu. Cuộc sống loay hoay như vậy tạm đắp đổi qua ngày.

Các bạn có biết không, mẹ tôi đi làm vợ lẻ cho người ta nhưng gia đình người ta không chấp nhận, nên về cất nhà ở cạnh Ngoại. Đau đớn lắm khi mà hằng ngày tôi phải đối diện với bao nhiêu nghịch cảnh bẽ bàng. Mẹ tôi ở với người chồng ấy cũng có em bé. Tiền ăn của em bé ấy hơn 50.000đ, bằng tiền của tôi đi làm cả ngày lẫn đêm. Em bé ấy đòi gì được nấy, mẹ tôi không chút phàn nàn. Còn anh em tôi thì không bao giờ có, nếu có đó cũng chỉ là một giấc mơ xa xôi. Trong những đêm dài em tôi khóc vì thân xác đau rã rời, tôi chẳng biết phải làm, chỉ thốt lên:
Nín đi em đừng khóc nữa. Mẹ đã bỏ anh em mình từ thuở ấu thơ. Sống nương nhờ vào tấm thân gầy của Ngoại. Ngoại mất rồi anh sẽ nuôi em. Hãy nín đi em, nín đi đừng khóc nữa. Anh đi làm đổi lấy từng miếng cơm, nuôi em đến hơi thở sau cùng. Dù bế tắc cũng không cần đến mẹ. Nghe lời anh ngủ ngon đi em. Hãy chìm vào trong giấc mơ tuyệt đẹp. Em sẽ thấy cuộc đời bớt khổ đau.

Mỗi lần em tôi khóc như một nửa hồn tôi chết. Tôi không biết nó khóc vì cái gì, nó đau đớn về thân xác đau bệnh của nó. Hay nó đau đớn về tâm hồn của nó bị ruồng bỏ một cách phủ phàng. Nó khóc nghẹn ngào, tức tưởi. Từng giọt nước mắt của em tôi rớt xuống là câu hỏi dành cho tôi. Tại sao cuộc đời lại có những người mẹ vô tình đến vậy ? Tại sao cuộc đời lại có những người cha bạc bẽo đến thế ? Trên Thế giới này có biết bao đứa trẻ cô đơn bất hạnh và có biết bao nhiêu người mẹ vô tình đến như vậy ?

Mùa đông đến đất trời xe lạnh
Thương Ngoại già tần tảo sớm hôm
Nuôi cháu Ngoại đau thương nheo nhóc
Tuổi dại khờ mà đã mất tình thâm
Nỗi cô đơn và lòng bất hạnh
Bước ra đời hiu quạnh lắm mẹ ơi
Xin tất cả hãy mở lòng thương hại
Cho những kẻ thâm tình đã mất
Vành khăn trắng chưa mang trên tráng
Mẹ vẫn còn sao con lại thiếu tình thương

Con nghe thầy nói trong đĩa Bóng Mây:

“Con ho lòng mẹ tan tành
Con khóc lòng mẹ như bình nước sôi”.


Con đọc câu ca dao này mà con nghe nó nghẹn ngào vô cùng. Có ai đã từng suy nghĩ đến những đứa bé như chúng con không? Nếu có nghĩ chắc cũng thoáng qua mà thôi. Những đứa trẻ mồ côi đi ngang qua, nếu ai biết được chỉ nhỏ chút lòng thương hại, rồi sau đó trở lại cái suy nghĩ của mình. Chứ có ai mà nghĩ lại, phân tích xem đứa bé đó bất hạnh như thế nào. Từ lúc còn trong nôi, chập chững bước ra cuộc đời. Ai đã từng nghĩ chặng đường đó đã đong bằng nước mắt của tuổi thơ. Mỗi năm đến ngày Vu Lan, những đứa trẻ như chúng con đây sẽ cài hoa gì, hoa đỏ hay là hoa trắng, thưa thầy ? Những đấng sanh thành có biết không, mùa Vu Lan chúng con buồn lắm. Không biết mình nên chọn hoa gì để cài. Nhìn những đứa trẻ khác xung quanh cài hoa đỏ, đúng ra chính chúng con cũng được hạnh phúc như họ. Cha mẹ còn nguyên đó nhưng hai tiếng mẹ cha như xa xôi từ ấu thơ đến bây giờ con chưa từng nghe một lần ấm áp. Vậy con có xứng đáng để chọn lấy một cành hồng đỏ thắm không thưa thầy ?

Mùa Vu Lan nữa lại trôi qua, cho đến bây giờ đã là 19 mùa Vu Lan. Con chưa từng có quyền để chọn cho mình một nụ hoa đỏ thắm. Có phải đòi hỏi này quá lớn đối với con không thưa thầy ? Con mong mỏi các bậc làm cha mẹ hãy mở chút lòng thương mà dẫn dắt những đứa trẻ dại như chúng con đi vào cuộc đời với tư thế tự tin, bình yên và tự hào.
Con xin kính lễ thầy !


(Trích tâm thư gửi Đại đức Thích Thiện Thuận nhân ngày sinh nhật lần thứ 19 của một em trai)

Đỗ văn Danh gởi