Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


Gia tộc Trương Mỹ Lan – Vạn Thịnh Phát chỉ là một mắt xích nhỏ trong “Bamboo Network” của các gia tộc gốc Hoa ở Đông Nam Á
 


(Bài viết tập trung nhận định từ số liệu, không đánh giá dựa trên quan điểm cá nhân)
 


Khu vực Đông Nam Á (ĐNA) có chưa đến 10% dân số là người gốc Hoa (Hoa kiều) –  rơi vào khoảng 67,6 triệu người. Ngoại trừ Singapore có người gốc Hoa chiếm đa số (74,3% dân số), thì ở 10 quốc gia Đông Nam Á còn lại, người gốc Hoa đều chỉ là dân tộc thiểu số. Nhưng tôi tin rằng, bạn sẽ vô cùng bất ngờ nếu biết về tiềm lực và sức mạnh kinh tế của nhóm thiểu số Hoa kiều này.

Người gốc Hoa ở Đông Nam Á ước tính kiểm soát 2.000 tỷ USD tài sản lưu động. Để biết được con số này lớn đến mức nào thì chúng ta hãy nhìn vào Tổng GDP của khu vực, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2023, tổng GDP của cả 11 quốc gia Đông Nam Á cộng lại chỉ có 3.317 tỷ USD. Chưa dừng lại ở đó, tuy người gốc Hoa chiếm chưa đến 10% dân số, nhưng họ lại kiểm soát 70% tài sản doanh nghiệp của ĐNA, và cứ 100 tỷ phú thì có 86 người có gốc gác là Hoa kiều. Họ còn kiểm soát 500 tập đoàn lớn nhất ở Đông Nam Á với tài sản lên tới 500 tỷ USD; 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ ở ĐNA cũng thuộc sở hữu của Hoa kiều, kiểm soát 2/3 giao dịch bán lẻ và sở hữu 80% tổng số công ty niêm yết công khai theo vốn hoá trị thường chứng khoán trên toàn khu vực Đông Nam Á. Nói thẳng ra thì chưa đến 10% dân số, nhưng lại kiểm soát đến 70% tài sản, trong khi đó 90% dân số bản địa Đông Nam Á tranh nhau 30% còn lại. Vì thế nhiều người đã dùng câu nói “Thiểu số giàu có, đa số nghèo khó” để mô tả vấn đề này.

Bạn sẽ bất ngờ thêm một lần nữa khi biết rằng, tổ tiên của những người gốc Hoa ở Đông Nam Á phần lớn là nạn nhân của các cuộc di dân vì kinh tế, họ phải rời bỏ quê hương của mình vì quá nghèo đói, đặc biệt là cuối thời Nhà Thanh, họ đến các thuộc địa của thực dân phương Tây ở Đông Nam Á để tìm kế sinh nhai. Họ làm bất cứ nghề gì miễn là có thể kiếm được tiền để gửi về Đại lục cho thân nhân của mình. Vì thế chúng ta phải công tâm để nhận xét rằng, người gốc Hoa ở Đông Nam Á rất siêng năng và chịu khó. Trong giai đoạn đầu định cư, để tích luỹ tài sản, họ đã làm cả những nghề nghiệp mà xã hội bản địa khinh rẻ… Nhưng khi tích luỹ đủ tài sản để bước đến giai đoạn đầu tư và làm chủ thì người gốc Hoa “bất chấp” thêm một lần nữa, lần này là “làm giàu bất chấp”, để đạt được mục tiêu, họ không ngại đụng chạm, không ngại hối lộ, luồn lách, lươn lẹo, thao túng thị trường và cả phạm pháp… 

Vua Rama VI của Thái Lan, một nhà cai trị có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa mạnh mẽ, dù tổ tiên của ông có một phần dòng máu Hoa kiều, ông cũng có vợ gốc Hoa, nhưng ông ghét người Hoa trên lãnh thổ của mình. Ông viết một cuốn sách với tựa đề “The Jews of the East”, và ông xem người Hoa như là người Do Thái ở phương Đông, các bạn cần lưu ý, đây là một hình thức so sánh ẩn dụ mang tính miệt thị chứ không phải tôn vinh. Trong mắt của nhiều người châu Âu trước Thế chiến thứ Hai, đặc biệt là những người có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, họ xem người Do Thái như là loài ký sinh trùng, trong suốt chiều dài lịch sử châu Âu có rất nhiều lần người Do Thái bị diệt chủng và giết hại hàng loạt, chứ không phải “diệt chủng Holocaust” của Phát xít Đức là lần đầu tiên như nhiều người lầm tưởng. Giờ chúng ta quay lại tư tưởng “Bài xích Hoa kiều” của vua Rama VI trong cuốn sách “Người Do Thái ở phương Đông”, ông ấy đã mô tả người Hoa là “những kẻ man rợ hám lợi, hoàn toàn không có đạo đức và lòng thương xót. Ông miêu tả các doanh nhân Hoa kiều đang gặt hái thành công thương mại của họ từ sự tổn thất của người Thái bản địa. Chính những tư tưởng này của nhà vua đã ảnh hưởng mạnh mẽ lên tinh thần bài Hoa kiều của xã hội Thái Lan, đặc biệt là trong giới chính trị và thượng lưu, họ đã đổ lỗi cho các doanh nhân người Thái gốc Hoa đã làm nền kinh tế khó khăn, họ xem giới tài chính Hoa kiều đã làm bần cùng tầng lớp nông dân Thái vì những món nợ với lãi suất cao. Từ đó vua Rama VI và chính phủ của ông đã ban hành nhiều chính sách nhằm đồng hoá người gốc Hoa trên lãnh thổ Thái Lan, trong đó buộc tất cả phải sử dụng “họ” bằng tiếng Thái. Kiểm soát các trường học chuyên biệt dành cho người Hoa, thậm chí là đặt ra các tiêu chuẩn ngôn ngữ, buộc người Hoa phải nói được tiếng Thái.

Tuy các chính sách đồng hoá người gốc Hoa của Thái Lan được xem là hiệu quả nhất Đông Nam Á, nhưng ở mặt kinh tế và chính trị thì sẽ làm cho mọi người lại bất ngờ thêm một lần nữa… Theo ước tính, Thái Lan có 14% dân số là người gốc Hoa (khoảng 9-10 triệu người), vì thế cộng đồng Hoa kiều ở Thái Lan là đông nhất thế giới, và 14% thiểu số này lại sở hữu khoảng 85% toàn bộ nền kinh tế Thái Lan. Trong danh sách 40 người giàu nhất Thái Lan thì 80% trong số đó có tổ tiên là người Hoa. Chưa dừng lại ở đó, 10 doanh nghiệp gia tộc gốc Hoa giàu có nhất lại kiểm soát đến ½ tổng tài sản doanh nghiệp của toàn đất nước Thái Lan; 50 gia tộc gốc Hoa giàu nhất đã kiểm soát từ 81-90% tổng vốn hóa thị trường của toàn bộ nền kinh tế Thái Lan. Về chính trị, tính đến nay, Thái Lan có 30 người từng được bổ nhiệm vào ghế Thủ tướng chính phủ, trong đó 23 thủ tướng là người Thái gốc Hoa, bao gồm cả vị thủ tướng đương nhiệm hiện giờ là Srettha Thavisin hay 2 cựu thủ tướng bị lật đổ của gia tộc Shinawatra là Thaksin và em gái Yingluck cũng là người gốc Hoa. Trong lịch sử Quốc hội và Nội các chính phủ Thái Lan thì không thể đếm hết số chính trị gia gốc Hoa trong các nhiệm kỳ.

Tiêu đề của bài viết tôi có nhắc đến thuật ngữ “Bamboo network” (Mạng lưới tre), thuật ngữ này được sử dụng để chỉ sự kết nối các doanh nghiệp của các gia tộc Hoa kiều ở Đông Nam Á với nền kinh tế của Trung Quốc Đại lục, chính mạng lưới này giúp CHND Trung Hoa mở rộng quyền lực và kiểm soát hiệu quả cũng như tạo sức ảnh hưởng về kinh tế và địa chính trị lên 11 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Bên trong “Mạng lưới tre” là một hệ thống các doanh nghiệp gia đình Hoa kiều, được truyền từ đời này sang đời khác, và “Trương gia” của bà Trương Mỹ Lan chỉ là một mắt xích tương đối khiêm tốn trong toàn bộ hệ thống này, dù khối lượng tài sản của gia tộc bà ở Việt Nam không hề nhỏ. Nói thẳng ra thì Bamboo network là một hình thái cộng sinh giữa Bắc Kinh và các gia tộc gốc Hoa ở Đông Nam Á, hai bên đều đạt được lợi ích riêng của mình, nhưng chính điều này đã đặt ra hàng loạt mối đe dọa vô hình đối với các quốc gia vừa và nhỏ ở khu vực. 

Trên thực tế, từ buổi ban đầu di cư xuống Đông Nam Á, các Hoa kiều đã bắt đầu phát triển “Network” (mạng lưới) dựa theo nhóm văn hoá vùng miền của chính họ được gọi là “bang”. Ở miền Nam Việt Nam trước đây, người Hoa có đến 5 nhóm, được gọi là “Ngũ Bang”: Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam và Khách Gia (người Hẹ). Các nhóm này ban đầu được lập ra với mục đích tự bảo vệ cộng đồng người gốc Hoa ở xứ người, tương trợ lẫn nhau khi gặp khó khăn… Nhưng qua thời gian, nó phát triển thành một mạng lưới làm ăn kinh doanh, từ đó thao túng thị trường và lũng đoạn giá cả, đặc biệt là ở những lĩnh vực người gốc Hoa độc quyền. Sự kiện “xử bắn Tạ Vinh” của Ngũ Bang người Hoa ở Sài Gòn năm 1966 khi họ thao túng thị trường gạo khiến giá gạo tăng từ 5,5 đồng lên 7 đồng là một điển hình của việc các bang hội người gốc Hoa kiếm lợi bất chính từ việc thao túng thị trường, dùng quyền lực mềm trong việc độc tôn thương mại để chèn ép chính quyền nhà nước. Về sau này, mạng lưới các bang hội tiến hoá thêm một bậc, họ liên kết xuyên quốc gia và kết quả là cuối thế kỷ XX trở thành “Bamboo Network”, một thực thể siêu liên kết, với lợi ích đạt được nhiều hơn, quyền lực mềm lớn hơn, nhưng kín đáo hơn. 

Cộng đồng Hoa kiều lớn thứ 2 thế giới là ở Malaysia, ước tính có 6,7 triệu người gốc Hoa ở quốc gia này, tương đương với 22,8% dân số. Chính phủ Malaysia không có những chính sách hiệu quả trong việc kiểm soát và đồng hoá người gốc Hoa vào xã hội của mình, vì thế mà người gốc Hoa ở quốc gia này phần lớn đều duy trì văn hoá riêng của họ gắn liền với đạo Lão, đạo Khổng, bao gồm cả việc sử dụng tiếng Hoa trong giao tiếp hàng ngày và mở các trường học dành riêng cho con em người gốc Hoa. Mức độ người gốc Hoa thao túng nền kinh tế Malaysia được đánh giá là gây ra sự bất mãn của người bản địa nghiêm trọng hơn so với Thái Lan rất nhiều. Ước tính sơ bộ thì 6,7 triệu người Malaysia gốc Hoa đã kiểm soát đến 70% nền kinh tế quốc gia, họ sở hữu 69,4% các tổ hợp kinh doanh, 71,9% tổng số bất động sản thương mại và công nghiệp, cũng như 69,3% tất cả các khách sạn ở Malaysia.

Nếu so với sự mềm mỏng của người Thái và người Việt trong các mối quan hệ đối với cộng đồng người gốc Hoa thì có lẽ người Malaysia và Indonesia là những dân tộc có tư duy thù địch và cực đoan nhất đối với người gốc Hoa sống trên lãnh thổ của mình. Vì trong lịch sử, những người theo chủ nghĩa dân tộc Indonesia từng phát động các cuộc bạo loạn lớn nhắm đến người gốc Hoa. Trong đó, chính phủ của Tướng Suharto từng cân nhắc đến việc buộc toàn bộ cộng đồng Hoa kiều phải di cư ra khỏi lãnh thổ của Indonesia, khi ý tưởng này trở nên không thể thì chính phủ mới hướng đến giải pháp: “… tận dụng năng lực kinh tế của người gốc Hoa, nhưng đồng thời loại bỏ sự thống trị về kinh tế của họ”. Ngoài ra Indonesia còn cố gắng đồng hoá người gốc Hoa bằng cách cấm họ dùng ngôn ngữ, thực hành tôn giáo và tổ chức lễ hội truyền thống… Chính quyền đã liên tục kích động và tuyên truyền các chính sách bài Hoa kiều. Trong một cuộc phỏng vấn năm 1989 do học giả Adam Schwarz thực hiện, một người được phỏng vấn đã nói rằng: “đối với hầu hết người Indonesia, từ ‘người Trung Quốc’ đồng nghĩa với tham nhũng”. Đỉnh điểm, vào tháng 3/1998, nhiều cuộc biểu tình lớn đã diễn ra nhắm vào người gốc Hoa, tài sản của họ bị đốt phá, cướp bóc, hơn 100 phụ nữ bị tấn công tình dục, chỉ tính riêng tại Jakarta và Sukarta, hơn 1000 người chết trong các trung tâm mua sắm do bị các nhóm biểu tình đốt cháy. Hàng chục nghìn người gốc Hoa đã rời bỏ Indonesia.

Sau một loạt các vụ phân biệt đối xử khiến cho nhiều gia tộc giàu có gốc Hoa rời bỏ Indonesia dẫn đến nền kinh tế tê liệt và thiệt hại nghiêm trọng, chính phủ Hậu Suharto đã kêu gọi người gốc Hoa quay lại và các đặc phái viên được Jakarta phái đi đã gọi người gốc Hoa là “chìa khoá để khôi phục hoạt động kinh tế và vốn”. Vì chỉ tính riêng trong giai đoạn 1997-1999, thị trường của Indonesia đã bốc hơi 20 tỷ USD vốn để chuyển sang các thị trường nước ngoài như Singapore, Hong Kong và Mỹ. Hãy lưu ý, đây là 20 tỷ USD của những năm 90 của thế kỷ trước (tổng GDP của Việt Nam năm 1997 chỉ có 34,1 tỷ USD mà thôi).

Trong lịch sử di cư của người gốc Hoa ra thế giới, có lẽ Việt Nam là một trong những vùng đất mà người Hoa đến sớm nhất, điều này diễn ra là do chính sách đồng hoá của các triều đình phương Bắc áp đặt lên Việt Nam trong giai đoạn 1000 năm Bắc thuộc. Người gốc Hoa di cư đến Việt Nam trong nhiều giai đoạn và diễn ra khá liên tục, trong đó có cả các lần di cư vì chính trị cuối thời Minh, đầu thời Thanh và di cư vì kinh tế đầu thời kỳ thuộc địa. Tuy người Việt có xu hướng không ưa Hoa kiều, nhưng nếu so với thái độ thù địch của người Malaysia và Indonesia đối với người gốc Hoa thì người Việt ôn hoà và dễ tính hơn rất nhiều. Nếu ai yêu thích các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh, một nhà văn chuyên viết về xã hội miền Nam thì các bạn sẽ phát hiện ra một điểm chung, hầu hết các tiểu thuyết của ông đều có xuất hiện các tuyến nhân vật phụ là người gốc Hoa, điều này nói lên cho chúng ta biết rằng, người Hoa ở miền Nam thời Pháp thuộc đã ảnh hưởng lên kinh tế xã hội rất nhiều, sự ảnh hưởng này liên tục phát triển cho đến sau năm 1975. Thời đó miền Nam có khoảng 1,2 triệu người gốc Hoa, tuy chỉ chiếm 6,3% dân số nhưng họ lại kiểm soát hơn 80% cơ sở sản xuất các ngành công nghiệp thực phẩm, dệt may, hoá chất, luyện kim, điện… và gần như độc quyền 100% buôn bán, hơn 50% bán lẻ và 90% xuất nhập cảng. Theo ước tính, tổng số tiền mặt người Hoa ở Sài Gòn nắm giữ tương đương với 1/3 tổng số tiền đang lưu hành trong cả nước. Từ những dữ liệu mà tôi vừa cung cấp, rõ ràng là người gốc Hoa trước năm 1975 đã kiểm soát gần như toàn bộ nền kinh tế của Việt Nam Cộng hoà. Nhưng hiện nay, nếu so với các nền kinh tế khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines hay Singapore… thì kinh tế Việt Nam lại ít chịu ảnh hưởng và kiểm soát bởi người gốc Hoa nhất. Tại sao lại như thế? 

Tất cả vấn đề này đều đến từ “Chiến tranh Biên giới phía Bắc năm 1979”. Trước khi cuộc chiến chính thức nổ ra, vấn đề quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Hoa đại lục không hề êm đẹp, chính phủ Việt Nam vì lo sợ nếu chiến tranh xảy ra thì người gốc Hoa có thể trở thành đạo quân thứ 5 của Đặng Tiểu Bình nên đã bật đèn xanh để cho Hoa kiều ở trong nước rời khỏi Việt Nam. Sau năm 1975, số người Hoa trên lãnh thổ Việt Nam đạt con số 1,8 triệu người, nhưng sau chiến tranh Biên giới, cộng đồng gốc Hoa ở Việt Nam chỉ khoảng 900.000 người. Những người gốc Hoa còn ở lại Việt Nam sau đợt di tản trước chiến tranh Biên giới đã tạo dựng nên một số doanh nghiệp có tiếng ở Việt Nam như: Tập đoàn bánh kẹo Kinh Đô, Tập đoàn Thiên Long, Gốm sứ Minh Long, Giày dép Biti’s hay Tập đoàn Bất động sản Thành Thành Công (TTC Group) và cả các doanh nghiệp của gia tộc bà Trương Mỹ Lan hiện đang bị điều tra và khởi tố. 

Rõ ràng là rất nhiều tài sản đi theo người Việt gốc Hoa đã rời khỏi Việt Nam trong đợt di tản trước chiến tranh Biên giới, điều này có thể đã gây hại đến kinh tế Việt Nam sau khi chính thức mở cửa vào năm 1986, giống như trường hợp của nền kinh tế Indonesia khi người gốc Hoa rời khỏi quốc gia này sau những cuộc bạo loạn thập niên 80-90, nhưng đổi lại, kinh tế Việt Nam ít chịu lệ thuộc vào các doanh nghiệp gia tộc Hoa kiều hơn các quốc gia khác trong khu vực. Tất cả đều phải đánh đổi… Nếu nền kinh tế chịu lệ thuộc quá nhiều vào các gia tộc Hoa kiều như Thái Lan hay Malaysia thì chính phủ sẽ rất bị động trong việc điều tra và khởi tố một doanh nghiệp gốc Hoa nào đó trong lãnh thổ của mình, vì các gia tộc có thể liên kết lại để chèn ép và thao túng hệ thống chính trị quốc gia bằng tài chính và sức mạnh kinh tế, hãy nhìn vào khái niệm “Bamboo network” thì sẽ rõ, họ là một mạng lưới, không chỉ liên kết với nhau mà họ còn liên kết với Trung Quốc đại lục. Trong tư duy của nhiều nhà nghiên cứu, “Bamboo network” chính là cánh tay nối dài của chính phủ Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á. 

Tài liệu tham khảo

- Thailand’s 40 Richest. Forbes

- China’s Communist Revolutions: Fifty Years of The People’s Republic of China. (Draguhn, Werner; Goodman, Gary)

- The United States, China and Southeast Asian Security: A Changing of the Guard? (Bert, Wayne)

- Overseas Chinese Entrepreneurship and Capitalist Development in Southeast Asia. (Gambe, Annabelle)

- International Management: Strategy and Culture in the Emerging World. Southwestern College Publishing. (Ahlstrom, David; Bruton, Garry D.)

- Private Banking: A Global Perspective. Woodhead Publishing. (Weldon, Lucy)

- Chinese Business: Rethinking Guanxi and Trust in Chinese Business Networks. Springer. (Tong, Chee-Kiong)

- “Insight: China’s capital targets Asia’s bamboo network”. Financial Times.

- A Nation in Waiting: Indonesia’s Search for Stability (Adam Schwarz)

- Chinese Business in Malaysia: Accumelaton, Ascendance, Accommodation (Gomez, Edmund)

- Building Social Capital in Thailand: Fibers, Finance and Infrastructure. Cambridge University Press (Unger, Danny)

- “Saigon’s Chinese–going, going, gone”. Asia Sentinel. (Brown, David)


Dương Anh Vũ 

____________


Đỗ Hứng gởi