GIẢI MÃ CUỘC CHIẾN UKRAINE VÀ CƠN ĐIÊN CỦA PUTIN.
Ngày 24/02/2022 Vladimir Putin xua quân Nga ào ạt tấn công Ukraine, 8 năm sau khi đã trắng trợn lấn chiếm và sáp nhập vùng Crimea và ngay sau khi vừa đơn phương nhìn nhận "chủ quyền quốc gia" của hai tỉnh ly khai do chính ông chủ xướng. Ông ta tuyên bố đây là một cuộc hành quân để trừng trị chính quyền Ukraine Nazi và diệt chủng. Putin đã thách thức thế giới, sự thực và công pháp quốc tế một cách xấc xược khó tưởng tượng và tạo ra cuộc chiến lớn nhất tại Châu Âu từ sau Thế Chiến II.
Tất cả các chuyên gia địa lý chính trị và quan hệ quốc tế đều đồng ý trên một điểm: Putin đã hành động một cách điên khùng.
I. Một Vài Cột Mốc Lịch Sử
Họ hoàn toàn có lý vì Putin không có bất cứ một lý do nào để tấn công Ukraine và cũng không có sức mạnh để xâm chiếm nước này. Như có thể chờ đợi quân Nga đã sa lầy, nhưng ngay cả nếu chiếm được Ukraine Nga cũng không thể giữ được, Liên Bang Nga cũng vẫn sẽ sa lầy để rồi kiệt quệ và sụp đổ như Liên Xô trước đây sau cuộc phiêu lưu Afghanistan.
Nhưng tại sao Putin lại hành động như vậy? Đúng là điên khùng, nhưng sự điên khùng của Putin cũng có logic riêng của nó mà chúng ta cần biết để hiểu những gì đang và sắp xảy ra.
Trước hết, như ông ta đã tuyên bố hồi tháng 8/2021 -giữa lúc Mỹ đang rút khỏi Afghanistan- và sau đó nhắc lại nhiều lần, Putin coi Ukraine là một phần của Nga đã bị mất sau khi Liên Xô tan vỡ. Khẳng định này rất sai nếu nhìn kỹ những cột mốc lịch sử ; những cột mốc thôi bởi vì lịch sử Nga, Ukraine và các nước Đông Âu nói chung quá phức tạp để có thể tóm lược trong một cuốn sách, chưa nói một bài viết.
Một cách rất sơ lược, vùng đất Đông Âu bao gồm nước Ukraine hiện nay đã có sinh hoạt tổ chức từ rất lâu rồi. Lịch sử của nó không chỉ bắt đầu từ thế kỷ thứ 9 như hầu hết các sách sử thế giới khiến người ta tưởng. Các vương quốc ở đây hình thành rồi bị xóa bỏ sau vài thập niên. Các vương quốc còn lại liên tục chinh phục lân bang hoặc bị chinh phục tương tự như Trung Quốc thời Xuân Thu Chiến Quốc. Các lãnh thổ và biên giới không ngừng thay đổi. Bạo lực và chiến tranh là hằng sự trong vùng đất mênh mông lạc hậu, băng giá và gần như biệt lập với phần còn lại của thế giới này. Trong hai thế kỷ 7 và 8 nó là một phần của vương quốc Khazar.
Từ thế kỷ 8, quân cướp Viking, từ Thụy Điển, bắt đầu dòm ngó Đông Âu sau khi không cướp bóc tại Tây Âu được nữa. Họ dần dần lập ra các đầu cầu tại vùng Đông Bắc lục địa Châu Âu để từ đó theo dòng sông Dniepr xuống phía Nam để đến Constantinople (nay là Istanbul thuộc Thổ Nhĩ Kỳ). Tại đây họ bán các sản phẩm cướp được trên đường, kể cả những người Slave bị bắt và bán làm nô lệ. Chữ slave đồng nghĩa với "nô lệ" trong nhiều ngôn ngữ vì vậy.
Năm 860 một chúa đảng Viking tên là Rurik thiết lập một thị trấn tại Novgorod -ở miền Bắc nước Nga hiện nay, gần Saint Petersburg- và bắt đầu cuộc chinh phục miền Nam Đông Âu. Năm 882 quân Viking chiếm được Kiev và thành lập vương quốc Kievan Rus. Theo nhiều sử gia chữ Rus có nghĩa là "Thuy Điển", chữ Russia -tên gọi của nước Nga- như vậy có thể có nghĩa là "đất nước của người Thụy Điển". Các sử gia thường cho rằng nước Nga được thành lập trước tiên tại Ukraine vì thế. Điều cần được lưu ý là vương quốc Kievan Rus ra đời như một sự chiếm đóng ngoại lai.
Từ đó trên vùng đất bao gồm nước Ukraine hiện nay chiến tranh liên tục, kể cả trong nội bộ gia đình Rurik, việc anh em giết nhau giành ngôi vua không phải là ngoại lệ mà là thông lệ. Hơn một thế kỷ sau, năm 988, Vladimir sau khi giết anh ruột mình và cướp ngôi tự xưng là hoàng đế, lấy công chúa Constantinople và theo đạo Cơ Đốc đồng thời áp đặt Cơ Đốc Giáo cho vương quốc.
Năm 1323 triều đại Rurik, sau quá nhiều nội chiến và xâm lược của Công Giáo từ phía Tây và quân Tatar Mông Cổ từ phía Nam, bỏ Kiev để di chuyển về Moscow cách đó gần 1000 km phía Đông Bắc và thành lập một vương quốc khác, sau này trở thành Đế Quốc Nga. Từ đó trong hơn ba thế kỷ họ hầu như không còn quan hệ nào với vùng Ukraine cả, quan tâm và tham vọng của họ hướng về phía Đông với miền Siberia mênh mang và vô chủ. Mãi tới năm 1669, sau khi dòng họ Rurik đã bị dòng họ Romanov thay thế, vương quốc Moscow mới lợi dụng cuộc nổi dậy của quân Cossack chinh phục được một phần phía đông sông Dniepr trong đó có Kiev và thiết lập một chế độ bảo hộ tại đây nhưng gặp sự chống đối quyết liệt của người Ukraine. Lúc đó, sau nhiều xáo trộn, Ukraine đã có một chính quyền Hetmana có vài nét tương đồng với một chế độ dân chủ. Cuộc chiến kéo dài gần một thế kỷ với kết quả là vùng Ukraine bị chia đôi, nửa thuộc Nga, nửa thuộc Ba Lan.
Tóm lại quan hệ giữa Nga và vùng Ukraine khởi đầu như một quan hệ chiếm đóng ngoại bang đã bị gián đoạn hẳn trong hơn ba thế kỷ và chỉ được tái lập sau một cuộc chiến tranh chinh phục kéo dài gần một thế kỷ. Sự gián đoạn dài hơn bốn thế kỷ này có hậu quả là tiếng Nga và tiếng Ukraine không còn giống nhau dù có một gốc chung là tiếng Slave, tương tự như tiếng Pháp và tiếng Ý hiện nay.
Cần nhấn mạnh là cả hai triều đại Rurik và Romanov trong hơn mười thế kỷ ngự trị chỉ tự coi là mình như thế lực chiếm đóng và thống trị đối với cả người Ukraine lẫn người Nga. Những người bản địa, đa số thuộc chủng tộc Slave, bị coi là nô lệ. Ách nô lệ không phải chỉ là một thực tế mà còn chính thức vì theo luật của họ người dân chỉ là tài sản của chủ và không được rời chủ, trừ khi bị chuyển nhượng cùng với đất.
Bắt đầu từ giữa thế kỷ 18, dưới thời của nữ hoàng Catherine II, còn được gọi là Catherine Đại Đế (Catherine the Great) vì có công tạo ra một thời kỳ cực thịnh, Moscow thi hành chính sách loại bỏ tiếng Ukraine để áp đặt tiếng Nga. Người Ukraine rất phẫn nộ, coi đây là một chính sách diệt chủng. Họ cũng có lý vì một chủng tộc trước hết được định nghĩa bằng một ngôn ngữ.
Sau cuộc cách mạng cộng sản Nga 1917, Ukraine lại tuyên bố độc lập và chỉ thuộc vào Liên Bang Xô Viết sau một cuộc chiến tranh với gần một triệu người chết. Sau đó Stalin dùng mọi phương tiện tàn bạo để tiêu diệt mọi ý đồ ly khai. Cụ thể là từ 1931 đến 1933 một nạn đói nhân tạo đã khiến từ 3 đến 5 triệu người Ukraine chết.
Thế Chiến II cũng đã là một dịp để Ukraine cố gắng tách khỏi Liên Bang Xô Viết, trên thực tế là để đoạn tuyệt với Liên Bang Nga, trung tâm của Liên Xô. Phe kháng chiến giành độc lập lúc đầu được quân Đức giúp. Cuộc chiến tranh giành độc lập này, từ 1942 đến 1945, đã rất dữ dội và phức tạp. Số người Ukraine thiệt mạng được ước lượng là trên 8 triệu người trong đó quá 3/4 là thường dân. Dân số Ukraine lúc đó chỉ sấp sỉ 30 triệu người. Như vậy sau một quá khứ đầy bạo lực và hận thù chỉ trong thời gian không đầy ba thập niên -từ 1917 đến 1945- xung đột với Nga đã khiến gần một nửa dân Ukraine bị thiệt mạng.
Sau Thế Chiến II lãnh thổ Ukraine cũng rộng thêm nhiều do sự kiện Liên Xô sáp nhập những vùng của Ba Lan và Slovakia vào Ukraine. Stalin có lẽ cũng ý thức được thảm kịch do chính ông ta gây ra nên đã chấp nhận cho Ukraine một quy chế đặc biệt khi Liên Hiệp Quốc thành lập. Ukraine đã là một thành viên Liên Hiệp Quốc ngay từ 1945 chứ không phải chỉ sau khi Liên Xô tan vỡ. Cũng nên biết thêm rằng sau 1945 dù Moscow đã làm chủ được tình thế, cuộc kháng chiến vũ trang giành độc lập của người Ukraine vẫn còn tiếp tục dai dẳng trong gần mười năm. Năm 1991 Ukraine cũng là một trong ba nước đầu tiên tuyên bố độc lập khiến Liên Bang Xô Viết tan vỡ.
Tóm lại trên thế giới này không có nước nào thù một nước khác bằng Ukraine thù Nga. Còn tệ hơn là không có quan hệ nào. Cần nhấn mạnh là người Ukraine chỉ thù chính quyền Moscow thôi chứ không hề thù ghét người Nga vì trong suốt dòng lịch sử cả hai dân tộc đều là nạn nhân của các bạo quyền. Khẳng định của Putin theo đó Ukraine là một phần khăng khít của Nga không chỉ sai mà còn ngược hẳn với sự thực. Đó chỉ là một quan hệ ngắn ngủi và gián đoạn, đầy bạo lực, áp bức và thù hận.
II. Putin: Một Tù Nhân Của Quá Khứ Và Sự Thiển Cận
Nhắc lại một vài cột mốc lịch sử là để giúp chúng ta hiểu được cuộc chiến đang diễn ra.
Putin tuyên bố tấn công Ukraine là để đánh đổ một chính quyền Nazi và diệt chủng. Cáo buộc trâng tráo này –không khác chó sói buộc tội cừu non muốn ăn thịt mình- đã khiến cả thế giới kinh ngạc và phẫn nộ, nhất là vì tổng thống Volodymyr Zelensky thuộc một gia đình Do Thái bị Nazi Đức bách hại, nhưng cũng có giải thích lịch sử của nó. Trong Thế Chiến II phe kháng chiến đòi ly khai của Ukraine bị bộ máy tuyên truyền Nga lúc đó gọi là Nazi vì có lúc được Quốc Xã Đức yểm trợ, dù chỉ trong một thời gian ngắn lúc ban đầu. Putin chỉ nhắc lại một luận điệu chụp mũ xuyên tạc vốn đã có từ lâu.
Còn diệt chủng? Nó rất vô lý nhưng cũng có nguồn gốc lịch sử. Đây chủ yếu là một vấn đề ngôn ngữ. Như đã nói ở trên, từ diệt chủng đã được người Ukraine dùng để lên án chính sách xóa bỏ tiếng Ukraine của Đế Quốc Nga thời Catherine II. Trong giai đoạn bị ép buộc gia nhập Liên Xô, tiếng Nga cũng được áp đặt làm ngôn ngữ chính thức duy nhất tại Ukraine. Sau cuộc cách mạng Da Cam 2004 và cuộc cách mạng Maidan năm 2014, từ diệt chủng lại được chính quyền Putin sử dụng để công kích việc chính quyền Ukraine quy định tiếng Ukraine là ngôn ngữ chính thức duy nhất, nghĩa là coi tiếng Nga chỉ như một ngoại ngữ. Putin cũng chỉ nhắc lại một luận điệu sẵn có. Đây cũng là một cáo buộc bất lương để biện hộ cho cuộc lấn chiếm Crimea và Donbass, vì chính quyền Ukraine không hề cấm sử dụng tiếng Nga và cũng không hề có một biện pháp phân biệt đối xử nào với người gốc Nga. (Số người Ukraine gốc Nga hiện nay khoảng 8 triệu, số người biết tiếng Nga khoảng 30%, phần lớn tập trung tại miền Đông).
Cả thế giới đã kinh ngạc khi Putin xua quân xâm lăng một nước độc lập thành viên Liên Hiệp Quốc không hề khiêu khích Nga, hơn thế nữa còn đang là nạn nhân của Nga. Chúng ta sẽ không bao giờ nhắc lại đủ rằng chiến tranh là một sự man rợ cực kỳ cần phải lên án một cách dứt khoát và tuyệt đối. Đó là sự kiện những con người không biết nhau bị bắt buộc phải giết nhau. Nó chỉ có thể thông cảm được khi không còn phương tiện nào khác để chống lại một cuộc tấn công vũ trang từ bên ngoài như hoàn cảnh của người Ukraine hiện nay. Thế giới đã bàng hoàng vì mọi người đều đinh ninh rằng thời đại trong đó các nước mạnh xâm lấn các nước yếu đã qua hẳn rồi. Từ sau Thế Chiến II đây là lần đầu tiên một nước đánh chiếm một nước khác chỉ để buộc phải phục tùng mình. Những người ngoan cố bênh vực Putin viện dẫn trường hợp Mỹ và các đồng minh tấn công và lật đổ các chính quyền tại Afghanistan, Iraq và Libya. Sự khác biệt lớn là các chính quyền này đều là những chính quyền khủng bố hung bạo. Afghanistan đã là sào huyệt cho bọn khủng bố Al Qaeda, thủ phạm vụ tấn công World Trade Center ngày 11/09/2001, chế độ Saddam Hussein tại Iraq đã dùng hơi độc giết hàng chục ngàn người Kurd, Gaddafi đã đặt bom cho nổ máy bay dân sự. Và cả ba cuộc tấn công vào Afghanistan, Iraq và Libya đều không có mục đích lấn chiếm hay thống trị, trái lại còn có mục tiêu giúp xây dựng một chính quyền tôn trọng nhân quyền.
Ngoài hai cáo buộc bịa đặt Nazi và diệt chủng đối với Ukraine, Putin còn tố cáo Liên Hiệp Châu Âu và khối NATO bành trướng về phía Đông và có ý định kết nạp Ukraine như là chặng đường sắp tới của mưu tính này. Mới đây, trong bài diễn văn ngày 16/3, Putin còn đi xa hơn, cho rằng như thế Phương Tây chủ trương tiêu diệt nước Nga. Quá hung hăng và tùy tiện. Putin lấy quyền gì để cấm Liên Hiệp Châu Âu không được kết nạp một thành viên mà mình muốn ? Tại sao Ukraine không được quyền gia nhập một khối hợp tác mà họ thấy là có lợi ? Càng vô lý vì cả NATO lẫn Liên Hiệp Châu Âu đều chưa có ý định kết nạp Ukraine và Ukraine cũng chưa chính thức xin gia nhập.
Lý luận của Putin chỉ là lý của kẻ mạnh nhưng nó cũng buộc ta nhìn lại quá khứ để hiểu sự vô lý. Cho tới nay thế giới đã quen với danh xưng "Phương Tây" (The West, l'Occident) như là tên gọi chung của các nước dân chủ tiên tiến đứng đầu là Mỹ. Nhưng Mỹ ở Phương Tây nào? Lãnh thổ Mỹ trải rộng từ Đông sang Tây của Châu Mỹ. Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan và Úc thì không chỉ ở Phương Đông mà còn ở Viễn Đông. Như vậy cần nhắc lại là danh xưng "Phương Tây" ra đời từ Châu Âu để phân biệt các nước Tây Âu tiến bộ và phồn vinh, khí hậu thuận lợi, với các nước Đông Âu chậm tiến và băng giá. Sự khác biệt trước hết là ở mức độ phát triển, văn hóa và tư tưởng. Tới thế kỷ thứ 11 có thêm sự khác biệt tôn giáo giữa Tây Âu theo Công Giáo La Mã và Đông Âu theo Cơ Đốc Chính Thống. Bắt đầu từ thế kỷ 20 là xung đột ý thức hệ giữa hai khối dân chủ và cộng sản ; chính sự xung đột này đã khiến từ "Phương Tây" có ý nghĩa hiện nay. Từ sau Thế Chiến II, giữa Tây Âu và Đông Âu còn có thêm hai liên minh quân sự kình địch là NATO và Warsaw, nhưng thực ra bản chất của hai liên minh này khác nhau. NATO có mục đích bảo vệ các thành viên trong khi Liên Minh Warsaw nhắm trước hết đàn áp các nước thành viên bị cám dỗ bởi tư tưởng dân chủ như người ta đã từng thấy tại Ba Lan, Tiệp Khắc và Hungary.
Nhưng tại sao vào năm 1917 Nga và các nước lân cận lại chọn Lenin và chủ nghĩa cộng sản thay vì Kerensky và dân chủ? Đó chính là vì Nga và các nước thuộc Liên Bang Xô Viết tụt hậu so với các nước Tây Âu.
Nước Nga chậm tiến do sự tôn thờ bạo lực và tham vọng thống trị của những người cầm quyền. Tất cả các Sa Hoàng đều chỉ cai trị bằng bạo lực và từ chối tư tưởng Tây Âu để duy trì quyền lực tuyệt đối của họ. Họ chỉ học hỏi kỹ thuật của Phương Tây trong khi phủ nhận hoàn toàn tư tưởng Phương Tây, nghĩa là những giá trị dân chủ và nhân quyền. Peter I (hay Peter Đại Đế, Peter the Great) ham muốn kỹ thuật Phương Tây đến độ giả dạng làm công nhân sang học nghề tại Hà Lan –nước dân chủ nhất Tây Âu vào thế kỷ 18- nhưng khi về nước vẫn giữ nguyên và còn tăng cường chế độ quân chủ tuyệt đối. Ông bắt dân Nga xây cấp tốc thành phố Saint Petersburg làm chết hơn 300.000 người trong đói lạnh, không khác Tần Thủy Hoàng bắt dân Trung Hoa xây Vạn Lý Trường Thành. Peter I còn nhẫn tâm tra tấn tới chết đứa con thừa kế của mình vì khác ý kiến. Catherine II tuy gốc Đức và được giáo dục theo văn hóa Phương Tây nhưng sau khi đảo chính lật đổ chồng để cướp ngôi cũng đã cai trị nước Nga với bàn tay sắt. Các sa hoàng được đánh giá và tôn vinh theo những chiến công bành trướng và những công trình xây dựng nguy nga đồ sộ chứ không phải vì phẩm chất đạo đức và những thành tích tạo phúc lợi cho dân. Lenin và Stalin sau này cũng thế. Ngăn chặn tư tưởng tiến bộ luôn luôn là quan tâm số 1 của những người cai trị Đế Quốc Nga rồi Liên Xô. Putin cũng không khác gì cả.
Putin cầm quyền đã 22 năm và còn sửa đổi hiến pháp để cầm quyền suốt đời. Ông ta có tất cả những đặc tính của một bạo chúa. Ông đã từng san bằng thành phố Grozny và giết hơn 200.000 người trên tổng số 1.200.000 dân Chechnya để dập tắt cuộc nổi dậy đòi ly khai tại đây, đã từng ngang ngược đánh chiếm một phần lãnh thổ của Georgia năm 2008, rồi sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014, mới đây nhìn nhận sự ly khai của hai tỉnh Luhansk và Donetsk để chuẩn bị sáp nhập. Và bây giờ lại xấc xược tấn công Ukraine để mưu toan thiết lập một chế độ bù nhìn phục tùng Moscow. Xuất thân là một điệp viên KGB, Putin nói dối như một bản năng (như khi giả dạng làm một thông dịch viên chứng kiến bức tường Berlin bị đập phá) và còn nổi bật với những kỹ thuật ám sát bằng súng, bằng thuốc độc và phóng xạ nguyên tử. Putin muốn để tên trong lịch sử như một đại đế Nga và đã hành xử như họ, nghĩa là kịch liệt chống tư tưởng Phương Tây và sẵn sàng ra tay một cách tàn ác.
Không ngạc nhiên khi Putin tự nhiên vô cớ xua 200.000 quân với máy bay, xe tăng, tên lửa tấn công Ukraine bất chấp thế giới và tính mạng của những người dân Ukraine. Sự hung bạo nằm trong truyền thống chính trị Nga và ngay trong bản năng của ông ta. Vào lúc này đã có hàng chục thành phố bị tàn phá, hàng chục ngàn người chết và hơn 5 triệu người Ukraine phải tản cư trong đó hơn 3 triệu người ra nước ngoài, chiến tranh đã rất dữ dội nhưng Putin vẫn trâng tráo nói với người Nga rằng đây chỉ là một cuộc hành quân và ban hành luật phạt tới 15 năm tù về tội loan tin giả những ai dám nói rằng đang có chiến tranh. Đối với các bạo chúa, tin giả là những gì họ không muốn nghe, sự thực là những gì họ muốn. Ông ta coi việc nhân dân các nước kế cận ngày càng hướng về dân chủ là bằng chứng của âm mưu tiêu diệt nước Nga của Phương Tây, bởi vì chống tư tưởng dân chủ của Phương Tây là bản năng của mọi chúa tể Nga. Ông ta tàn sát người Chechens, xâm lược Georgia, tấn công Ukraine bởi vì bành trướng bằng chiến tranh là di sản lịch sử mà ông ta kế thừa. Putin coi sự sụp đổ của Liên Xô là thảm kịch lớn nhất thế kỷ 20 chứ không phải là một may mắn cho nhân loại.
Điều mà Putin không đủ sáng suốt để nhìn ra là thế giới đã thay đổi, con người đã trở thành đối tưọng phục vụ chứ không còn là dụng cụ để sử dụng và vất bỏ tùy tiện, dân chủ đã trở thành một trào lưu tất yếu và không thể đảo ngược. Ước muốn quay lại quá khứ để làm một đại đế Nga chỉ khiến Putin trở thành một tên tội đồ và một con quái vật, một tù nhân của quá khứ và sự thiển cận dưới mắt nhân loại văn minh.
III. Kết Quả Tất Nhiên Của Một Hành Động Điên Rồ
Vào lúc này câu hỏi lớn nhất là liệu Putin có dám gây chiến tranh nguyên tử không. Nói tới chiến tranh nguyên tử thì phải rất thận trọng vì một xác suất dù nhỏ đến đâu cũng rất đáng lo ngại. Tuy vậy có mọi triển vọng là không, bởi vì hậu quả chắc chắn nếu chiến tranh nguyên tử xảy ra là Putin và các cận thần sẽ mất mạng. Đám tay chân của Putin sẽ không chấp nhận chết và chính Putin cũng không dám tự sát. Putin là một tên hung dữ và kinh nghiệm cho thấy những kẻ hung dữ đều hèn nhát. Putin cũng là một người tham lam đã lợi dung quyền thế vơ vét hàng chục tỷ đô la trong một nước nghèo, và những kẻ tham lam lại càng hèn nhát. Một bằng chứng là ông ta đang tự cô lập vì sợ hãi, không biết sợ lây Covid-19 hay sợ bị ám sát.
Do ngoan cố giữ quyền lực tuyệt đối quá lâu Putin đã dần dần bị đẩy vào thế bế tắc. Nước Nga và người Nga đã thay đổi khiến những nghịch lý của chế độ độc tài ngày càng tích lũy. Ông ta tấn công Ukraine vì phản xạ lịch sử của các vua chúa Nga nhưng cũng vì bị bế tắc không có lối thoát và đã hành động liều lĩnh như một tay cờ bạc.
Ông ta hy vọng chính quyền Ukraine sẽ tan rã nhanh chóng ngay khi bị tấn công và đã hành động theo mơ ước. Sự thực đã khác hẳn, cả thế giới đã ngỡ ngàng trước trước sự dũng cảm của Zelensky và quân dân Ukraine. Điều này đáng lẽ cả Putin lẫn Mỹ và Châu Âu phải dự đoán trước, họ phải biết rằng sự căm thù Moscow của người Ukraine còn lớn hơn nhiều lần tất cả mọi sợ hãi. Dũng cảm và quyết tâm là tất cả những gì người Ukraine cần để chiến thắng Putin. Mỹ và Châu Âu sẵn sàng giúp họ phần còn lại. Cuộc di tản người già, phụ nữ và trẻ em cũng đã hoàn toàn không diễn ra trong sự hoảng loạn làm tan vỡ quân đội Ukraine như Putin hy vọng. Người Nga tại Ukraine và người Ukraine gốc Nga đã không tưng bừng hoan nghênh cuộc xâm lăng của Putin mà còn chống lại. Quân Nga đã bị chặn đứng sau khi bị thiệt hại nặng và chỉ còn khả năng phóng tên lửa để tàn phá các thành phố. Điều này chỉ làm gia tăng sự căm thù và ý chí chiến đấu của người Ukraine và khiến Putin bị thế giới lên án mạnh hơn, dù ngay trong lúc này kết quả cụ thể nhất của cuộc chiến tranh Ukraine đã là khiến Nga bị hoàn toàn cô lập.
Một tại họa đang chờ đợi Putin là phản ứng sắp tới của nhân dân Nga. Cho đến nay Putin đã phần nào đánh lừa được dư luận Nga rằng đây chỉ là một cuộc hành quân tự vệ ngắn và sẽ sớm kết thúc trong thắng lợi nhưng giờ đây sự thực đang được phơi bày. Chính Putin đã gián tiếp nhìn nhận dư luận Nga đang thay đổi khi mạt sát những người phản đối cuộc xâm lăng này là bọn mạt kiếp và phản bội tiếp tay cho Phương Tây. Đe dọa lớn khác cho Putin là những người phụ nữ Nga. Một điều chưa được ý thức đủ là những người mẹ Nga rất đặc biệt. Họ có thể liều chết để bảo vệ hay báo thù cho con mình. Khi họ biết con mình đã chết hay có thể bị chết thì không còn gì trên thế giới này là quan trọng nữa, phản ứng của họ sẽ không thể tưởng tượng được. Điều đó sắp đến vì cuộc chiến đã kéo dài gần một tháng và đã bế tắc, các tin xấu từ Ukraine đang dồn dập.
Canh bạc liều của Putin đã thất bại. Với một GDP chỉ bằng 1.450 tỷ USD (2% GDP thế giới), ông ta không có khả năng kéo dài cuộc chiến này, nhất là những biện pháp trừng phạt kinh tế chưa từng có ngày càng khiến Nga kiệt quệ hơn, trong khi phương tiện và tiềm năng chiến đấu của Ukraine gia tăng nhanh chóng. Mỗi ngày trôi qua là thêm một thất bại và một báo động cho Putin. Tương lai gần cho ông ta là sẽ phải từ chức hoặc bị lật đổ và bị đánh giá như một tay đạo tặc vĩ cuồng.
Lịch sử thế giới là cuộc hành trình của loài người tới tự do và của các dân tộc tới dân chủ. Bánh xe lịch sử sẽ rất tàn nhẫn với những kẻ đòi ngăn chặn nó. Chế độ Putin sẽ sụp đổ, Liên Bang Nga sẽ khó còn nguyên vẹn sau cuộc phiêu lưu này và đàng nào cũng không còn là một đe dọa nữa. Ukraine sẽ chiến thắng, các nước Belarus và Kazakhstan sẽ tách khỏi ảnh hưởng Nga để bắt đầu cuộc chuyển hóa về dân chủ. Làn sóng dân chủ thứ tư sẽ tràn tới vùng đất này và một giai đoạn mới của lịch sử thế giới sẽ mở ra. Putin muốn ngăn chặn đà tiến hóa nhưng ông ta chỉ làm nó gia tăng vận tốc.
Nguyễn Gia Kiểng
(22/03/2022)
_________________
Đỗ Hứng gởi